[Funland] Phi công tiêm kích

f1_hn

Xe container
Biển số
OF-32387
Ngày cấp bằng
26/3/09
Số km
8,064
Động cơ
567,773 Mã lực
Tuần trước em xem bộ phim tài liệu trên VTV1 nói về những phi công tiêm kích người Nam Bộ chiến đấu trong lực lượng không quân nhân dân Việt Nam góp phần bảo vệ miền Bắc mà thấy xúc động thế. Nhất là những hình ảnh về Đại tá phi công, anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy, giờ về vui thú điền viên đầu quấn khăn rằn, chèo xuồng chăn vịt đào ao nuôi cá như lão nông dân thứ thiệt, thấy cảm phục quá đỗi. Nhìn những hình ảnh đó, nếu không biết trước sẽ chả ai tin một ông già gày gò mảnh khảnh như thế lại là một phi công tiêm kích xuất sắc, từng bắn hạ 7 máy bay của Mỹ.
Trong những phi công tiêm kích người Nam Bộ có liệt sĩ Phạm Thành Nam hy sinh năm 1970 mà đến giờ gia đình vẫn không rõ nguyên nhân :(.
 

Haianh_od

Đi bộ
Biển số
OF-173398
Ngày cấp bằng
24/12/12
Số km
8
Động cơ
342,080 Mã lực
Ba tôi là liệt sĩ phi công trong trang 2 LS dẫn đường KQ, rất muốn có nhiều tư liệu về ông mà không tìm được. Ông cũng thuộc lứa phi công khóa đầu học ở TQ, tôi hiện sinh sống ở nước ngoài khi về nước cũng tìm mua quyển Chúng tôi và MIG17 nhưng chỉ biết thêm được 1 số tư liệu của đoàn học viên trước khi đi học ở TQ cũng như tâm tư của các phi công ta trong từng giai đoạn. Có ai có tư liệu về thời gian này và nhất là về ba tôi liệt sĩ phi công Nguyễn Hữu Tào quê Điện Nam, Điện bàn, Quảng Nam thì gửi nhé.
 

Vulcan V70

Xe lừa
Biển số
OF-53557
Ngày cấp bằng
24/12/09
Số km
37,355
Động cơ
667,547 Mã lực
@ Cụ Haianh: Trong cuốn "Phi công tiêm kích" của bác Đại tá Lê Hải, anh hùng lực lượng vũ trang, tại trang 42 có nhắc đến ông Cụ nhà Cụ, phi công Nguyễn Hữu Tào:..." Ngày 12-5-1967 biên đội của các annh Nguyễn Hữu Tào, Nguyễn Phi Hùng, Vũ Thế Xuân, Phan trọng Vân cất cánh từ sân bay Gia Lâm đánh đội hình lớn của địch vào thả bom cầu Đuống, ga Yên Viên. Các phi công đều thể hiện tinh thần tiến công, quyết tâm cao. Cả bốn phi công đều nổ sung, tuy không bắn rơi địch nhưng đã cản phá được đội hình lớn của địch bảo đảm an toàn cho cầu Đuống, ga Yên Viên..."
Trang 45:..." Ngày 7-10-1967 biên đội Tào-Minh- Điệp _Hùng bắn rơi 1 chiếc F4, ngày 25-10 biên đội Tào- Minh- Thọ - Hùng lại bắn rơi tiếp 1 chiếc F4 nữa..."
 

Haianh_od

Đi bộ
Biển số
OF-173398
Ngày cấp bằng
24/12/12
Số km
8
Động cơ
342,080 Mã lực
Cám ơn Vulcan V70 nhiều, làm sao kiếm được cuốn Phi công tiêm kích của Đại tá Lê Hải nhỉ? Mấy cụ nhà mình chẳng post hết lên để bà con đọc. Trong Chiến tranh đường không trên bầu trời Miền Bắc của vnmilitaryhistory.net có đưa được tư liệu về thành tích ba mình bắn rơi 1 máy bay. Không biết ngày nào trong tháng 10 nhỉ?
 

Haianh_od

Đi bộ
Biển số
OF-173398
Ngày cấp bằng
24/12/12
Số km
8
Động cơ
342,080 Mã lực
Mình đã load được sách Phi công tiêm kích trên E-book rồi, nhưng vẫn muốn kiếm sách xuất bản, nếu ai có thông báo nhé. Mình chỉ ở HN-VN đến sáng 02/1/2013 là bay về Odessa Ukraine rồi. Ai có điều kiện sang Ukraine thì nhắn tin mình sẽ rất hân hạnh được đón tiếp.
 

stinger

Xe điện
Biển số
OF-569
Ngày cấp bằng
1/7/06
Số km
3,385
Động cơ
612,633 Mã lực
Website
www.punbb-hosting.com
Mình đã load được sách Phi công tiêm kích trên E-book rồi, nhưng vẫn muốn kiếm sách xuất bản, nếu ai có thông báo nhé. Mình chỉ ở HN-VN đến sáng 02/1/2013 là bay về Odessa Ukraine rồi. Ai có điều kiện sang Ukraine thì nhắn tin mình sẽ rất hân hạnh được đón tiếp.
Cụ sang bên này, sẽ có cơ hội gặp chính những nhân vật làm nên lịch sử nước nhà, may ra có thêm thông tin về papa cụ.
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,24255.0.html
Chúc cụ may mắn :-bd
 

Haianh_od

Đi bộ
Biển số
OF-173398
Ngày cấp bằng
24/12/12
Số km
8
Động cơ
342,080 Mã lực
Trung đoàn 923 thì mình biết rồi, đầu tiên ba mình ở 921 khi mới về sau đó thành lập thêm đoàn Yên thế 923 thì ba mình chuyển qua đó. E-mail của mình haianh2007@gmail.com, tel bên Ukraine +380674848794. Rất cám ơn các thông tin mọi người cung cấp.
 
Chỉnh sửa cuối:

Haianh_od

Đi bộ
Biển số
OF-173398
Ngày cấp bằng
24/12/12
Số km
8
Động cơ
342,080 Mã lực
Mình cũng đọc trang bên đó rồi, cả tài liệu tụi Mỹ các bác load lên về trận không chiến cuối cùng của ba mình.
 

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,155
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Sách hiếm, sách hiếm đây!



P.s: em mua cuốn này từ năm 2011 ở Thanh Hóa, cả nhà sách còn đúng 1 cuốn duy nhất, em đọc đi đọc lại 3-4 lần rồi mà vẫn thấy thích, đến tầm 2012 lại thấy bác Huy tham gia quansuvn.net kể lại về cuộc đời phi công tiêm kích của mình em thấy ngờ ngợ sao giống trong sách thế, hóa ra đúng là bác Huy thật, bác nói với em là quyển này bên ngoài ít lắm, chủ yếu trong các thư viện, nhà trường quân đội mới có thôi, mua được ở ngoài là may lắm đấy, hehe
 

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,155
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Mình cũng đọc trang bên đó rồi, cả tài liệu tụi Mỹ các bác load lên về trận không chiến cuối cùng của ba mình.
Em cũng tìm tên phụ thân của bác trong sách của bác Huy nhưng không thấy bác Huy nói đến bác Tào :(
 

Cup 70 cánh én

Xe tải
Biển số
OF-188697
Ngày cấp bằng
7/4/13
Số km
223
Động cơ
333,722 Mã lực
Trở lại chuyện của "Chiến dịch 12 ngày đêm". Trong chiến dịch ấy, ngày 27, anh Trần Việt bắn rơi 1 chiếc F-4, đêm hôm đó, anh Phạm Tuân hạ 1 "pháo đài bay" B-52, ngày 28, anh Hoàng Tam Hùng bắn cháy 2 chiếc của Không lực Hoa Kỳ. Đêm 28, anh Vũ Xuân Thiều tiêu diệt 1 "pháo đài bất khả xâm phạm" B-52. Đêm 29, anh Bùi Doãn Độ thiêu cháy 1 chiếc F-4. Hai phi công của ta hy sinh anh dũng trước ngưỡng cửa bình minh - trước khi chiến tranh kết thúc là anh Vũ Xuân Thiêu và Hoàng Tam Hùng. Anh Vũ Xuân Thiều đã được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Còn anh Hoàng Tam Hùng, theo tôi biết, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" này, cũng đang đề nghị nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho anh.
Vào một ngày của những năm 90, chúng tôi lại có dịp gặp lại người yêu của anh Hoàng Tam Hùng. Chúng tôi ngồi ôn lại biết bao nhiêu chuyện của thời chiến tranh, biết bao chuyện vui buồn... Biết bao nhiêu kỷ niệm lại được nhắc lại, náo động trong suốt buổi gặp. Chia tay, tôi có viết bài "Khoảng trời nỗi nhớ" như sau :
Em đến với chúng tôi
Giữa trưa
Không gian yên tĩnh lạ
Với cái nắng mùa Thu "rám trái bòng"
Sắc trời thăm thẳm một thinh không
Với kho tàng kỷ niệm
Về chiến tranh
Đã mấy ai trong cuộc sống thanh bình
Ôn lại thời quá vãng
Cay đắng, giận hờn, hân hoan ... ngỡ đi vào quên lãng
Bỗng thổi bùng trưa nay
Cám ơn em đến với chúng tôi đây
Với từng đồng đội
Với những nỗi gian truân
Với những gì nông nổi
Chỉ xảy ra ... vào thở ngày xưa !

Còn bây giờ
Thoắt nắng
Thoắt mưa
Gánh gió, leo mây, bán giời bằng văn tự
Cái thưở bao điều kiêng cữ
Còn đâu !

Cám ơn em đã khơi lại nỗi đau
Cho mắt lại một lần rưng lệ
Những bạn lứa nơi chân trời góc bể
Hẳn cũng mỉm cười bằng an

Rồi em về
Chống chếnh không gian
Làn gió chao nghiêng khoảng trời - nỗi nhớ
Lòng những xốn xang câu ca quan họ
"Người ơi ! ... Người ở !..."
Cánh chim quê đã chìm khuất chân trời !
 

Cup 70 cánh én

Xe tải
Biển số
OF-188697
Ngày cấp bằng
7/4/13
Số km
223
Động cơ
333,722 Mã lực
Cám ơn tất cả các đồng đội đã cung cấp bổ sung cho tôi những tư liệu rất quý giá về một thời để nhớ.
Vào cái ngày 16 tháng 4 năm 1972, khi mà tên lửa phòng không bắn trắng trời mà không rơi chiếc B-52 nào ở khu vực Hải Phòng thì lực lượng MiG-21 chúng tôi cũng chịu những tổn thất đáng kể : ba anh Nguyễn Hồng Mỹ, Lê Khương và Dương Đình Nghi đã phải nhảy dù trong các trận không chiến trong ngày hôm đó.
Kết thúc chiến tranh được 2 năm thì tôi được cử đi học. Tôi không có điều kiện tham dự chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhưng đến tháng 2 năm 1979 thì tôi được cử làm Đại diện Không quân tại Sở chỉ huy của Quân khu 1. Rồi tướng Đàm Quang Trung - Tư lệnh Quân khu gọi tôi lên Sở chỉ huy và giao nhiệm cụ cho tôi đến Quân đoàn 5 ( của tướng Hoàng Đan ) trực tiếp phối hợp cho các trận đánh. Tôi xin phép về Trung đoàn chuẩn bị mọi mặt cho chu đáo rồi sẽ đi ngay.
Sau khi báo cáo Trung đoàn xong, tổ của tôi gồm 12 người, trang bị mỗi người 1 khẩu AK, 3 băng đạn ( tôi thì còn giắt thêm 1 khẩu K-59 vào lưng nữa ), 200 quả lựu đạn phòng thủ, 1 ô-tô tải chở xăng dầu, máy nổ, gạo, nước, củi đóm ..., 1 xe P-839 để chỉ huy dẫn dắt máy bay. Tất cả rời Kép nhằm hướng Lạng Sơn thẳng tiến.
Từ năm 1968 đến năm 1972 thì tôi chiến đấu với tư cách một người lính bay. Còn lần này thì lại tham gia với tư cách chỉ huy từ mặt đất, mà hơn một tháng trời cũng lụi cụi không khác gì một anh lính bộ binh.
Càng gần biên giới thì không khí càng căng thẳng. Dân sơ tán chạy về xuôi rất nhiều. Già trẻ, gái trai, cha con, anh em, vợ chồng ... gồng gánh, xua trâu bò, lợn gà ... lếch thếch dọc đường. Tôi lại nhớ đến cảnh ngày xưa mẹ tôi chạy tản cư khi giặc Pháp càn, cũng đèo bòng, gồng gánh nhếch nhác, lo âu, sợ sệt như thế này, nước mắt cứ chực trào ra. Dân mình khổ quá. Lịch sử 4000 năm dựng nước, giũ nước có biết bao phen chìm nổi trong khói lửa binh đao như thế này. Sự hy sinh suốt ngần ấy năm lớn lao biết chừng nào. Mỗi tấc đất trên quê hương này thấm biết bao mồ hôi, máu xương của cha ông. Càng tận mắt chứng kiến những cảnh xảy ra trong chiến tranh bao nhiêu, càng thấy trách nhiệm của mình nặng nề bấy nhiêu. Bằng mọi giá phải giữ vững đất nước mình, không thể để bất kể bàn tay xâm lược nào chạm vào nó được.
 

Cup 70 cánh én

Xe tải
Biển số
OF-188697
Ngày cấp bằng
7/4/13
Số km
223
Động cơ
333,722 Mã lực
Chừng như dọc đường, chỉ có mỗi xe của đoàn tôi đi ngược chiều thì phải.Đây ải Chi Lăng, cha ông ta từng giăng bẫy, từng có những trận quyết chiến điểm ở nơi đây, Liễu Thăng từng rụng đâu ở đất này. Thoát Hoan phải chui đầu vào ống đồng mới chạy thoát. Tôi như nghe được tiếng khua của gươm giáo, tiếng hò la dậy đất của ba quân xen trong tiếng trống trận. Hào khí của cha ông vẫn còn đâu đây ... Hừng hực khí thế của tướng lĩnh, của binh sĩ trong những trận sống mái với quân thù. Tôi thấy lòng thêm phấn chấn. Xe chúng tôi lao trong tầm pháo kích. Hai bên đường thoáng thấy có những người chết. Mục tiêu của chúng tôi là Quân đoàn 5, nhanh chóng đến đó để nhận nhiệm vụ cụ thể, để còn tham gia chiến trận. May cho chúng tôi là không quả đạn pháo nào rơi trúng xe vì chúng tôi đi đúng lúc địch đang nã pháo, may hơn nữa là tôi gặp được nhiều người quen, trong đoấnh Trung đoàn trưởng thiết giáp trước từng ở Kép đang trên đường đi đến Sở chỉ huy Quân đoàn để giao ban. Tôi lệnh cho sơ tán 2 xe của tôi vào ven rừng, chặt cây ngụy trang và đi theo Trung đoàn trưởng thiết giáp. Tới Sở chỉ huy, tôi báo cáo Tư lệnh Quân đoàn 5 - tướng Hoàng Đan về sự có mặt của tôi, nhiệm vụ của tổ tôi và sẵn sàng nhận lệnh của Tư lệnh. Tôi dự giao ban luôn, mọi thành phần đều tháo hết quân hàm. Trừ mỗi tôi còn có vẻ sạch sẽ một chút ( vì vừa mới đến ), còn lại ai nấy đều vấy bùn từ đầu đến chân cả. Ba ngày sau thì tôi cũng như mọi người, cũng bùn đất, hôi hám như vậy.
Tháng ấy ở vùng biên giới là tháng mưa dầm. Tình hình chiến sự lai ác liệt, không ai tắm táp được vào lúc nào hết. Hàng ngày, tôi và một trợ lý quân báo đi giao banở Quân đoàn xong về triển khai, báo cáo tình hình về Sư đoàn, liên hệ giao việc cho tổ chỉ thị mục tiêu ... là kín hết thời gian từ sáng tới tối. Có những đêm, truyền tin đến khua tôi dậy, dẫn đến Sở chỉ huy nhận nhiệm vụ đặc biệt, lủi thủi đi xuyên đường rừng tối đen như mực nghĩ cũng khiếp. Đèn pin không dám soi nhiều vì lũ thám báo Trung quốc hoạt động ở khắp nơi, sểnh một tí là "sơi" đạn của chúng nó ngay.
Đường từ bản Pắc-cà ( bản của chúng tôi ở ) đến Sở chỉ huy Quân đoàn phải đến hơn 3 km, đường đất dốc ngược lên mà lối lại nhỏ, trâu bò đi còn ngã vì trơn. Tôi chặt một chiếc gậy song để chống, vai khoác khẩu AK, bụng giắt thêm khẩu K-59, đeo xà-cột, luồn rừng cũng khá hăng. Sau này, chỗ tay tôi cầm, đoạn song lên nước bóng như được đánh vec-ni.
Chúng tôi ăn uống đến kham khổ. Chế độ ăn ở Trung đoàn như vậy, nhưng đến đây không còn được một chút gì gọi là ! Tôi đi giao ban thì anh em ở nhà nấu cơm. Giao ban xong, dọc đường về, tôi hái rau tàu bay, rau tập tàng, nhổ rau má, hái rau dấp cá ... về, bấy giờ mới nấu canh ăn. Dân ở đây không ăn rau dấp cá. Thấy tôi lấy về ăn, họ bịt mũi nói : "Thứ này chỉ để cho lợn ăn thôi vớ !". Chúng tôi không ăn những thứ này thì còn đào đâu ra được thứ gì giữa cái vùng pháo kích, tên đạn bắn ầm ầm như thế này ?. Cơm, rau, muối là ba loại thực phẩm chủ đạo trong những ngày chống "quân bành trướng phía Bắc" này của chúng tôi.
 

Cup 70 cánh én

Xe tải
Biển số
OF-188697
Ngày cấp bằng
7/4/13
Số km
223
Động cơ
333,722 Mã lực
Khi dự giao ban Quân đoàn, tôi phát hiện thấy có một bụi dọc mùng trắng ở gần Sở chỉ huy. Giao ban xong là tôi tỉa dăm dọc về nấu. Anh em mừng lắm, cứ thấy có dọc mùng là đòi mổ hộp thịt ra nấu lẫn gọi là cải thiện. Một bữa, tôi phải ở lại Quân đoàn lâu nên dắt theo một cậu để chỉ vị trí bụi dọc mùng cho cậu ấy cắt mang về trước, ai dè, cậu ấy gặp được cô bạn đồng hương ở đó, trò chuyện líu ríu một thôi một hồi, xong rồi dọc mùng thì không cắt mà lại "phang" ngay bui dọc ráy rừng khuân về. Số anh em ở nhà thì không ai thạo chuyện phân biệt đâu là ráy, đâu là mùng nên cứ thấy có là nấu thôi. Vậy là tất cả bị một phen ngứa rát cổ họng, vừa tức vừa buồn cười.
Một lần, giao ban xong, Tư lệnh Quân đoàn nói là sẽ đi thị sát chiến trường. Lập tức, một chiếc thiết giáp được điều đến để chở Tư lệnh và đoàn tùy tùng đi. Tôi cũng nằm trong danh sách đi , nhưng rồi ngẫm nghĩ thế nào, Tư lệnh lại bảo tôi ở lại, lỡ hôm nay sử dụng đến Không quân thì còn có người chỉ huy. Đoàn xuất phát được khoảng nửa tiếng thì trạm quan sát báo về Sở chỉ huy là chiếc thiết giáp đã bị súng chống tăng của địch bắn cháy rồi. Cả Sở chỉ huy ngồi lặng đi. Gay go thật, tình hình chiến sự ở các sư đoàn đang diễn ra ác liệt thế này ! Tham mưu trưởng Nam Hồ phải nhận quyền chỉ huy về mình, điều hành công việc.
Chừng một tiếng sau thì Tư lệnh cùng đoàn tùy tùng lấm lem lục tục kéo vào Sở chỉ huy trước sự ngơ ngác của mọi người. Thì ra, đến gần khúc ngoặt, Tư lệnh bảo dừng xe để xuống trèo ngược dốc, tạt sang đỉnh của trinh sát mình đang giữ để nắm thêm tình hình, cho xe đi qua bên kia núi sẽ đợi đón đoàn từ triền dốc xuống. Xe chạy vừa qua chỗ ngoặt thì bị bắn cháy. Tư lệnh và đoàn tùy tùng cắt rừng về Sở chỉ huy. Thật muôn vàn điều bất ngờ xảy ra trong chiến tranh, không cái nào giống cái nào, không hoàn cảnh nào giống hoàn cảnh nào, không số phận nào giống số phận nào !
Cuộc chiến tranh này không có bom đạn trút từ trên trời xuống, nhưng tính chất khốc liệt và mức độ tàn phá của nó không phải là không ghê gớm. Bước chân của bộ binh địch, của "dân binh" đi đến đâu là triệt hạ không còn thứ gì. Tất cả gần như san bằng bình địa, trở lại cõi hồng hoang.
Đất nước lại một lần nữa nằm trong không khí căng thẳng của lệnh tổng động viên. Tôi lại một lần nữa nằm trong tầm đạn pháo của kẻ thù. Tôi càng thấu hiểu được sức chịu đựng dẻo dai, tinh thần quật khởi, ý thức tự hào dân tộc của mọi thời đại từ thưở khai thiên lập địa tới giờ. Tôi càng thấu hiểu sứ mạng của dân tộc thì càng thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ nặng nề của mình với quê hương, đất nước.
Hơn 1 tháng sau thì có lệnh ngừng bắn. Họp rút kinh nghiệm ở Sở chỉ huy xong, tôi về tới bản thì đã xế chiều. Chiều hôm đó là một chiều nắng lạ lùng. Thật là cảnh hiếm hoi ở cái thời tiết đầu năm của vùng biên ải này khi chỉ có mưa dầm dề mà bỗng dưng lại nắng chan hòa. Không gian yên tĩnh lạ thường. Tôi cho anh em ra suối tắm. Tôi phải trực tiếp đi tìm mãi mới được quãng suối sạch. Khi anh em cởi quần áo ra thì tôi giật mình : ai nấy người đều như bị lên sởi khắp lượt bởi bọ chó, mạt gà, rồi muỗi, rệp ... đủ các loại nó cắn, nó đốt nên nổi mẩn, nổi cục lên hết. Tôi cũng không được ngoại lệ, cũng bị chẳng khác gì anh em. Nghĩ thương anh em mà hai hàng nước mắt cứ trào ra, chẳng cách gì ngăn được. Kết thúc hai cuộc chiến tranh, hai lần tôi ngồi khóc. Nước mắt tôi còn phải chảy bao nhiêu lần nữa khi sống nốt phần còn lại của cuộc đời mình ?
Trong đợt này, đồng đội của tôi không bị "rơi vãi" một ai. May mắn thật lớn lao ! .
Rồi tôi được lệnh rút về Trung đoàn để đồng chí khác thay thế vào vị trí của tôi. Tôi nghỉ ngơi mấy ngày kịp lại sức và lại trở lại với bầu trời với những bài bay mới, những khoa mục mới và rồi với cả cương vị mới nữa. Vùng biên ải của Tổ quốc đã đóng dấu ấn tiếp theo vào trang sử của cuộc đời tôi, ghi nhận công sức của tôi đã bỏ ra. Tôi không hổ thẹn với những tháng năm qua khi từ giã tuổi ấu thơ, tuổi học trò cho tới giờ, tôi đã đóng góp được một phần rất nhỏ bé của mình đối với quê hương, đất nước. Tôi ý thức được rằng, đời tôi sẽ còn gặp nhiều gian nan và tôi cũng tin tưởng sắt đá rằng tôi sẽ vượt được qua hết mọi trở ngại mà mình gặp phải.
Những cuộc chiến tranh, những trận chiến ở mọi nơi đã kịp tôi luyện, hun đúc cho tôi đủ cứng cáp, nuôi dưỡng cho tôi đủ chí khí để đương đầu với mọi khó khăn, cho tôi những bài học, những kinh nghiệm để tôi có thể lăn lộn trong cuộc sống, đứng vững được và cơ bản nhất, đó là đã dạy cho tôi biết : LÀM NGƯỜI !.
 

Cup 70 cánh én

Xe tải
Biển số
OF-188697
Ngày cấp bằng
7/4/13
Số km
223
Động cơ
333,722 Mã lực
Hôm vừa rồi, theo lời mời của ANTV chuẩn bị tư liệu cho việc kỷ niệm 40 năm chiến thắng B-52, các phi công bay đêm lại có dịp gặp lại nhau, lại ngồi hàn huyên trước ống kính của ANTV. Cám ơn Lexuantuong 1972 đã ôn lại một thưở hào hùng với những người dẫn đường kỳ cựu của KQ. Quyết định đánh hay không và đánh tốp nào là của người chỉ huy, nhưng để chiếm được vị trí có lợi, tạo điều kiện đánh chắc thắng cho đội ngũ phi công thì công lao chính lại thuộc về đội ngũ dẫn đường. Trên trời, chúng tôi thuộc giọng từng người dẫn đường một. Phải nói rằng, khi nghe giọng của anh Tạ Quốc Hưng, anh Lê Thiết Hùng ...cất lên là chúng tôi thấy yên tâm hẳn, thấy mình đã có chỗ dựa rất vững chắc. Các phi công lập được thành tích, được phong Anh hùng, vậy nhưng thiếu hẳn các Anh hùng làm công tác dẫn đường mặc dù công lao của các anh ấy rất lớn. Tôi cho rằng đấy là một sự khiếm khuyết của tổ chức và là sự thiệt thòi đối với đội ngũ dẫn đường.
Hình như, trong dịp kỷ niệm 40 năm "Điện Biên Phủ trên không" này, chỉ đề nghị có anh Nguyễn Văn Chuyên trong đội ngũ dẫn đường để nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thôi. Với tôi, các anh Tạ Quốc Hưng, Lê Thiết Hùng ... cũng hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Anh hùng.
Hôm ANTV mời, khi gặp gỡ, giao lưu với số sinh viên ở Bảo Tàng Không quân, sau những ý kiến trao đổi xong, tôi có đọc tặng các sinh viên bài thơ "Nói với con" ( tôi viết vào ngày khánh thành tượng đài KQ thuộc Sư đoàn 371 ở Sóc Sơn )như lời nhắn nhủ với lớp trẻ :

Bố đưa con đến dưới tượng đài
Nơi tưởng niệm những Anh hùng, Liệt sĩ
Nơi có biết bao người yên nghỉ
Người có danh, và cả vô danh

Trên đầu con thăm thẳm cao xanh
Chan hòa nắng, thanh bình, yên ả
Cây óng biếc, mượt mà sắc lá
Giữa không gian tĩnh lặng đến không ngờ

Con biết chăng, mảnh đất này năm xưa
Bom đạn xới, bập dầm trong khói lửa
Những ngày ấy sục sôi bao trang lứa
Rất nhiều người cùng trạc tuổi như con
Dám gạt đi mọi ước muốn cá nhân
Chấp nhận hi sinh để giữ yên Đất Mẹ

Nếu không có những người như thế
( Có tên và không tên trên bảng đá này )
Thì cả con, cả bố hôm nay
Đâu được đứng dưới Tượng đài Chiến Thắng
Bố muốn nói với con điều sâu lắng
Học đi con ! Học nữa ... để LÀM NGƯỜI !
 

Cup 70 cánh én

Xe tải
Biển số
OF-188697
Ngày cấp bằng
7/4/13
Số km
223
Động cơ
333,722 Mã lực
Chương trình ANTV có "triệu tập" các phi công bay đêm chúng tôi vào hơn tuần trước. Chính trong lần gặp gỡ ấy, một lần nữa mới lại thấy được lực lượng bay đêm quá mỏng. Số lượng anh em đếm trên đầu ngón tay được. Vậy mà suốt trong giai đoạn 12 ngày đêm năm 1972, từng ấy người đã lăn lộn, trụ vững và giành thắng lợi trước một đối thủ quá hùng mạnh về vật chất, kỹ thuật, tiềm năng kinh tế và nhiều thứ khác nữa thì mới thấy hết được sức mạnh anh hùng của cả dân tộc đáng tự hào đến nhường nào.
Trở lại những ngày của 40 năm trước vào cuối năm 72. Sau khi anh Trần Việt bắn rơi chiếc F-4, về hạ cánh xong, lăn về thì Phạm Tuân lăn ra để cất cánh. Tuân phải lăn vòng vèo để tránh các hố bom trên đường băng nên xông ra ngoài cỏ. Thợ máy phải kéo máy bay vào kiểm tra, sau đó Tuân mới tiếp tục lăn ra cất cánh về sân bay Yên Bái. Trước đó, vào ngày 26, Phạm Tuân nhận lệnh bay cơ động lên sân bay Yên Bái nhưng vì thời tiết xấu nên phải quay lại, hạ ở Đa Phúc.
Sau khi bay lên Yên Bái, Phạm Tuân vào trực chiến ngay. Hôm ấy thời tiết rất xấu - trời đầy mây, đáy mây chỉ khoảng 300 mét, đỉnh mây chừng 1000 đến 1500 mét. Khu vực Yên Bái bấy giờ khá tĩnh lặng, không hề có bóng dáng máy bay địch hoạt động, nhưng Sở chỉ huy thông báo sẽ có đợt đánh phá của địch vào khoảng 22 giờ. Vì vậy, tất cả lực lượng trực chiến đều trong trạng thái chờ đợi, căng thẳng và rất sẵn sàng.
22 giờ 15 phút, Phạm Tuân nhận được lệnh vào cấp 1 và cất cánh ngay. Tuy không được phép sử dụng Vô tuyến điện, cốt để đảm bảo bí mật, nhưng vừa lên khỏi mây, Tuân thấy một biên đội F-4 bay ngay phía trước nên phải báo cáo về Sở chỉ huy. Sở chỉ huy ra lệnh :
- Phải tránh F-4 ! Tất cả tập trung cho đánh B-52 !
Phạm Tuân được dẫn vòng về phía Bắc để tránh F-4, sau đó vòng về hướng Tây Nam, lên độ cao 4000 mét, tốc độ bay 950 km/h, vượt qua một tốp F-4 nữa, quay về phía Nam. Khi lên đến độ cao 5000 mét thì được thông báo B-52 cách 150 km, rồi 80 km. Sau khi thông báo đến lần thứ ba, Phạm Tuân vứt thùng dầu phụ và bật tăng lực lấy độ cao.
Đến độ cao 7000 mét, với tốc độ bay 1000 km/h, Tuân phát hiện được hai dãy đèn. Đấy chính là đèn của B-52. Tuân báo cáo về Sở chỉ huy và vòng bám phía sau. Sở chỉ huy thông báo cự li đến mục tiêu còn 12 km, rồi 10 km. Tuân bay với tốc độ vượt tiếng động, tập trung quan sát, tiếp cận mục tiêu, không cần để ý đến lực lượng F-4 đi bảo vệ B-52.
Đến cự li phóng tên lửa, Phạm Tuân ấn nút phóng. Hai quả tên lửa từ hai bên cánh bay vụt ra kéo theo vầng sáng chói lòa. Phạm Tuân kéo máy bay vọt lên, thoát li, lật ngửa máy bay, thấy điểm nổ ở phía dưới. Thoat li khỏi cuộc chiến trong màn lửa của pháo phòng không ta bắn dày đặc và tên lửa phòng không sáng rực trời. Tuân phát hiện thấy núi Tam Đảo, biết mình vừa vượt qua phía Tây Bắc núi Ba Vì, lại phát hiện thấy nhiều đèn của bọn F-4 đang quần đảo nên quyết định giảm độ cao, về hạ cánh.
Bay về sân bay Yên Bái, xuyên xuống đến độ cao 300 mét, đã ra khỏi mây rồi nhưng không hề thấy một ánh đèn. Rừng núi tối sẫm gây cảm giác lo lắng, sợ sệt. Máy bay đã bay qua đài xa rồi mà vẫn không thấy đường bằng đâu. Thật may, khi bay đến khu vực giữa đài xa và đài gần ( cự li cách đường băng gần 3000 mét ) thì đèn đường băng bật sáng. Lao xuống với tốc độ lớn, Tuân thu nhanh cửa dầu, máy bay chìm ngay xuống. Phi công bay đêm Đặng Vân Đình trên đài chỉ huy cất hạ cánh bấy giờ phải hô kéo lên đến mấy lần, máy bay mới nhấc được lên và vào đường băng, tiếp đất an toàn.
Trong lúc thoát li, Phạm Tuân phát hiện thấy vẫn còn nhiều máy bay B-52 nên báo cáo liên tục về Sở chỉ huy. Sở chỉ huy lệnh cho Nguyễn Khánh Duy vào cấp và cất cánh sau chuyến xuất kích của Phạm Tuân 10 phút.
 

Cup 70 cánh én

Xe tải
Biển số
OF-188697
Ngày cấp bằng
7/4/13
Số km
223
Động cơ
333,722 Mã lực
Đêm hôm đó, Khánh Duy đang ở trong hầm để máy bay tại sân bay Kép. Khi nhận lệnh trực chiến, rồi vào cấp 1, Nguyễn Khánh Duy còn đang tính toán xem sẽ cất cánh từ đâu được vì đường băng đã bị bom đánh nát cả rồi thì nhận được lệnh phải cất cánh từ đường ngang. Đường ngang là đoạn đường dùng để kéo dắt máy bay từ sân đỗ vào trong hầm, hệ thống đèn chiếu sáng vừa thưa lại vừa chỉ có mỗi bên phải là sáng thôi. Thật là khó khăn chồng chất lên khó khăn. Khánh Duy thầm nghĩ, những lần đi chơi với người yêu, mình toàn để người yêu đi bên trái mình vì nơi ấy gần trái tim hơn, nếu hệ thống đèn ở bên trái mà sáng được thì có phải mình cũng vững dạ hơn không, tựa như cạnh mình có người yêu mình vậy. Nhưng bằng mọi cách phải cất cánh. Máy bay lấy đà, lao đi. Đường chạy đà cho máy bay cất cánh quá ngắn, máy bay đã chớm ra đến mép cỏ, gần mương nước rồi. Duy cố kéo cho máy bay tách đất ở tốc độ nhỏ.
Sau khi cất cánh, Khánh Duy được dẫn vào vùng chiến, nhưng không gặp được B-52 vì nhiễu rất nặng và sau khi bọn B-52 bị Phạm Tuân tấn công, chúng đã tắt hết đèn đóm trên máy bay. Sở chỉ huy dẫn Duy vào đến cự li cách mục tiêu 10 km, nhưng không phát hiện được gì hết. Duy nhận được lệnh thoát li vì thời điểm ấy Duy cũng đã bay vào khu vực tác chiến của tên lửa Phòng không rồi. Sở chỉ huy cho Khánh Duy về sân bay Kép để hạ cánh. Sân bay Kép lại tiếp tục bị bọn F-111 đánh bom. Duy phải về sân bay Đa Phúc hạ cánh.
Thời tiết hôm đó rất xấu. Khi lao xuống đến độ cao đồng hồ chỉ bằng 0 rồi mà vẫn không thấy đường băng đâu. Khói bom dày đặc như mây mù làm cho tầm nhìn đã kém lại càng kém. Đường băng đã bị đánh nát gần hết. Duy nhận được lệnh phải tính toán sao cho máy bay tiếp đất cách đường băng khoảng 400 mét phía ngoài đất thì may ra mới đảm bảo được an toàn vì ở giữa đường băng là hố bom rất to. Vì lao xuống với tốc độ lớn, máy bay cứ "bồng" lên, ấn mãi không thấy nó chìm xuống tí nào. Duy tiếp đất ở phía ngoài đường băng chừng 200 mét. Tiếp đất xong thì "mắm môi mắm lợi" vào phanh, rồi tắt máy ... Máy bay dừng lại cách miệng hố bom chỉ 50 mét.
Trong chiến dịch 12 ngày đêm, Duy cũng là một trong những người tham gia trực chiến cho đến tận ngày kết thúc chiến dịch.
Trong số chuyển sang bay đêm, đánh đêm vào năm 1971 thuộc lực lượng đoàn bay của Khánh Duy thì Duy là người may mắn hơn cả. Trực nhiều, cơ động nhiều, xuất kích cũng nhiều, gặp không ít gian nan nhưng vẫn trở về nguyên vẹn. Có lẽ, đấy là cái duyên với bầu trời. Duyên phận, duyên nợ với bầu trời không phải ai cũng như ai. Với người này thì phận phải mãi mãi gắn bó với bầu trời, người kia thì mang nợ với bầu trời mãi mãi, người khác thì lại luôn có duyên với bầu trời ..., càng ngẫm càng không biết phải giải thích thế nào cho thỏa đáng cả.
Trở lại với chuyến bay của Phạm Tuân. Sau khi về đến sân bay rồi, Tuân vẫn còn hồi hộp, lo lắng : không biết mình có bắn hạ được B-52 không. Tất cả mọi người cũng cùng trong trạng thái hồi hộp như Tuân nên hầu như không ai ngủ được. Gần sáng, sau khi nhận được thông báo là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện chúc mừng và Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam truyền đi bản tin buổi sáng thông báo Không quân ta chính thức bắn rơi B-52, tất cả hân hoan trong niềm vui khôn tả. Vậy là Không quân ta đã thực hiện được sứ mệnh của mình : bắn rơi B-52, đã "trả được món nợ" bấy lâu nay vẫn canh cánh bên lòng !
Anh Hoàng Biểu - cựu phi công bay đêm và vào những ngày chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" anh là Đại đội trưởng bay đêm nhớ lại : khoảng chiều ngày 23 hoặc 24 gì đó, Vũ Xuân Thiều cơ động vào sân bay Cẩm Thủy ( thời ấy mang mật danh XB - 90 ). Ngay sau đó, sân bay bị địch đánh nát, nhưng máy bay của ta vẫn nguyên vẹn, không bị sao cả vì ta đã kịp thời kéo đi sơ tán. Lực lượng sửa chữa gấp sân bay làm việc cật lực mấy ngày liền mới san lấp xong các hố bom, lu nèn lại đường cất hạ cánh, nhanh chóng tổ chức trực ban chiến đấu. Mấy ngày đợi sửa gấp sân bay là mấy ngày anh Hoàng Biểu và Vũ Xuân Thiều phải ở trong chiếc lều bạt căng phía cuối vườn của một nhà bác người Mường. Mấy ngày ấy là mấy ngày hai anh em tâm sự với nhau đủ mọi chuyện : từ chuyện chung cho đến chuyện riêng.
Đêm 28 tháng 12, Xuân Thiều vào trực chiến và xuất kích chiến đấu từ sân bay Cẩm Thủy. Sở chỉ huy của sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa chịu trách nhiệm dẫn Xuân Thiều giai đoạn đầu sau cất cánh rồi sẽ bàn giao cho Sở chỉ huy ở Mộc Châu. Bấy giờ, kíp trực dẫn đường tại Sở chỉ huy ở Thọ Xuân - Thanh Hóa gồm dẫn chính là anh Trần Đức Tụ, dẫn phụ là anh Trần Xuân Mão. Nhiệm vụ dẫn Xuân Thiều tiếp cận mục tiêu giao cho Sở chỉ huy tại Mộc Châu. Sở chỉ huy của Mộc Châu dẫn Thiều đến cách mục tiêu 40 km thì không dẫn được nữa vì bị nhiễu nặng, không tìm được tín hiệu. Lúc đó, Sở chỉ huy tại Thọ Xuân - Thanh Hóa lại phát hiện được mục tiêu và tiếp tục dẫn Xuân Thiều.
 

Cup 70 cánh én

Xe tải
Biển số
OF-188697
Ngày cấp bằng
7/4/13
Số km
223
Động cơ
333,722 Mã lực
Tuy tên lửa K-13 có trọng lượng nhỏ ( toàn bộ chỉ khoảng 70 kg ), lượng thuốc nổ cũng không lớn nhưng sức công phá của nó thì không nhỏ chút nào. Nếu 1 quả chui tọt vào buồng đốt của F-4 thì lúc nổ nó cũng đủ sức cắt đôi đuôi rời khỏi thân F-4 luôn. Khi cả 2 quả chui vào động cơ B-52 nổ thì hẳn là cánh cũng gãy lìa. Vấn đề không chỉ phụ thuộc vào lượng thuốc nổ mà cái chính là vị trí nổ ở đâu. Một chiếc kim châm đúng huyệt thì người có nặng hàng tạ cũng cứng đờ ra chứ, đúng không vuthang 21193. Chuyện này thì phải nhờ đến anh huyphongssi giải thích cặn kẽ cho vuthang mới được. Mong anh huyphongssi giải thích chi tiết thêm hộ tôi.

Về trận đánh của Vũ Xuân Thiều, đã có nhiều bài báo đề cập đến, nhưng có lẽ chi tiết hơn cả xin được gửi bài viết của Thượng tá Trần Xuân Mão, người từng là sĩ quan dẫn đường trực ở Sở chỉ huy tại sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa và đêm 28 tháng 12 ấy, anh trực phụ cho anh Trần Đức Tụ :
"Đêm 18 tháng 12 năm 1972, Mỹ mở chiến dịch tiến công đường không chủ yếu bằng máy bay chiến lược B-52 vào Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng nhằm cứu vãn những thất bại trên chiến trường miền Nam và tạo thế mạnh trên bàn đàm phán ở Pa-ri. Trong chiến dịch này, Mỹ huy động 193 máy bay chiến lược B-52, gần 1000 máy bay chiến thuật hiện đại như F-4, F-111 cất cánh từ các sân bay trên đất Thái Lan, Gu-Am, trên các tàu sân bay của Hạm đội 7.
Để bảo vệ đội hình của máy bay B-52, Mỹ dùng các thủ đoạn tác chiến điện tử với cường độ cao, trên một diện rộng, tiến hành gây nhiễu trong đội hình và sử dụng các máy bay EB-66 gây nhiễu ngoài đội hình, thả nhiễu tiêu cực với cường độ lớn, sử dụng máy bay tiêm kích làm nhiệm vụ yểm hộ trong và ngoài đội hình của B-52, sử dụng máy bay cường kích đánh phá các trận địa ra-đa, tên lửa, các sân bay của ta.
Trong thời gian từ 18 đến 27 tháng 12 năm 1972, không quân ta đã cất cánh nhiều lần , nhưng không tiếp cận được đội hình của B-52. Đêm 27 tháng 12, đồng chí phi công Phạm Tuân mới bắn rơi được một chiếc B-52. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị Không quân ta bắn rơi trong chiến dịch phòng không tháng 12 năm 1972 và cũng là chiếc B-52 đầu tiên bị Không quân ta bắn rơi kể từ khi chúng ra đánh phá miền Bắc.
Thắng lợi to lớn này đã làm tăng thêm niềm tin vào khả năng bắn rơi máy bay B-52 bằng máy bay tiêm kích MiG-21.
Ngày 28 tháng 12 năm 1972, tại Sở chỉ huy tiền phương ( K-12 ), Quân chủng tổ chức rút kinh nghiệm trận đánh do đồng chí Lê Văn Tri và đồng chí chính ủy Hoàng Phương chủ trì. Tại đây, toàn thể cán bộ có mặt đã được vinh dự đón đồng chí Đại tướng - Bộ trưởng Bộ quốc phòng xuống dự. Đồng chí Võ Nguyên Giáp khen ngợi cán bộ, chiến sĩ Không quân đã mưu trí, dũng cảm bắn rơi pháo đài bay B-52 của Mỹ và chỉ thị cho Không quân phải tích cực nghiên cứu, nắm chắc các thủ đoạn mới của địch, tổ chức nhiều trận đánh thành công hơn nữa. Sau đó, các đồng chí lãnh đạo trong Bộ tư lệnh và các cán bộ Phòng Tham mưu, Chính trị họp bàn xây dựng quyết tâm chiến đấu trong những đêm tới. Ta nhận định : sau thất bại đêm 27 tháng 12, không quân Mỹ sẽ tăng cường đánh phá ác liệt hơn, đặc biệt đánh phá các sân bay xung quanh Hà Nội như Đa Phúc, Gia Lâm, Kép, Hòa Lạc, Yên Bái, Miếu Môn. Do đó, tổ chức chiến đấu cất cánh từ các sân bay đó sẽ vô cùng khó khăn. Để tạo được yếu tố bất ngờ và đánh địch từ xa, phải tổ chức cất cánh từ các sân bay vòng ngoài. Sân bay được chọn là sân bay Cẩm Thủy. Đây là một sân bay dã chiến thuộc địa phận của nông trường 26 tháng 3 ( thuộc huyện Thạch Thành - Thanh Hóa ). Sân bay đất, có kích thước hẹp ( dài 1600 mét, rộng 30 mét ). Sân bay nằm trong vùng núi, tĩnh không hạn chế, chỉ cho phép cất, hạ cánh ở một đầu đường băng. Sân bay cũng mới bị B-52 ném bom làm đường băng hỏng nặng, đã được Tiểu đoàn công binh và dân quân địa phương sửa chữa gấp và đang được ngụy trang cẩn thận. Sở chỉ huy ở Thọ Xuân - Thanh Hóa được tăng cường lực lượng, phương tiện từ Quân chủng vào, được giao nhiệm vụ tổ chức chỉ huy chiến đấu ở vòng ngoài. Sở chỉ huy phải chuẩn bị phương án, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, đặc biệt với Đại đội ra-đa dẫn đường 26 đóng tại Vĩnh Lộc - Thanh Hóa để phát hiện địch từ xa, dẫn máy bay ta cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy lên đánh địch. Bộ Tư lệnh Binh chủng quyết định chọn phi công Vũ Xuân Thiều của Đại đội đánh đêm thuộc Trung đoàn 927 chuyển vào sân bay Cẩm Thủy trực chiến ( Đồng chí Xũ Xuân Thiều thuộc quân số Trung đoàn 927 mới được chuyển về Đại đội đánh đêm của Trung đoàn 921 ).
15 giờ 30 phút, mọi công việc đã được chuẩn bị xong. Đồng chí Trần Mạnh báo về Sở chỉ huy Binh chủng đề nghị cho máy bay cất cánh. Đồng chí Trần Hanh nắm lại tình hình thời tiết, tình hình hoạt động của địch hiện tại rồi ra lệnh cho Sở chỉ huy Trung đoàn 927 chuyển sân. Để giữ được bí mật tuyệt đối cho trận đánh, Sở chỉ huy quy định sau khi cất cánh ở sân bay Đa Phúc, phi công bay ở độ cao thấp 200 mét và bay dọc theo đường quốc lộ 1A đến thị xã Ninh Bình sau đó vòng về sân bay hạ cánh. Quá trình bay chuyển sân không liên lạc vô tuyến.
Sau khi máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Cẩm Thủy, Sở chỉ huy Thọ Xuân tăng cừong trực ban để thường xuyên nắm địch, chuẩn bị cho trận đánh.
Theo tin tình báo chiến lược, từ 21 giờ 30 phút đến 23 giờ 30 phút đêm 28 tháng 12 có 60 lần chiếc B-52 hoạt động.
 

Cup 70 cánh én

Xe tải
Biển số
OF-188697
Ngày cấp bằng
7/4/13
Số km
223
Động cơ
333,722 Mã lực
Với tên lửa nhiệt K-13, có thể nổ khi tiếp xúc và có thể nổ khi không tiếp xúc. Việc vùng khí xoáy của động cơ của B-52 không làm ảnh hưởng gì đến đường bay của tên lửa đâu. Cách thức sử dụng kính ngắm trên MiG-21, tôi đã có dịp nói rồi, nay chỉ xin nhắc lại thôi. Chúng tôi sử dụng loại kính ngắm PKI được chia các li giác cố định trên đó. Trong không chiến, phụ thuộc vào cự li đến mục tiêu và sải cánh của máy bay mục tiêu mà ta chọn thời điểm bao nhiêu li giác để ấn nút tên lửa. MiG-21 có giai đoạn lắp "thùng súng" treo ở ngoài, nhưng vì cơ động rất kém trong không chiến nếu đeo nó nên không đeo thêm nữa, chỉ sử dụng 2 khẩu 23 li gắn cố định trong thân thôi.
Trong quá trình không chiến, quá tải đè lên người phi công thay đổi liên tục. Việc chịu được quá tải đến bao nhiêu để không bị tối sầm mắt mũi lại, phụ thuộc vào mức độ rèn luyện và sức khỏe của từng phi công vào thời điểm đó. Đã có lần tôi nói : anh Hoàng Quốc Dũng đã từng kéo quá tải đến 11 ( quá tải phá hoại của MiG-21 là 12 - khi đó có thể gãy cánh hoặc một số bánh lái hoặc bộ phận nào đó của máy bay bị gãy rời ) khi làm động tác lộn xuống công kích thằng F-4. Như vậy đấy, vuthang 21193 và qtdc ạ !.

Trở lại với chuyến bay của Xuân Thiều.
"21 giờ, đồng chí Trần Hanh lệnh cho mở ra-đa C-26 và C-22 ( C-26 đóng ở Vĩnh Lộc - Thanh Hóa, C-22 đóng ở Mộc Châu ) để theo dõi, phát hiện địch từ xa
21 giờ 22 phút, ra-đa đo cao của Đại đội 26 phát hiện 3 máy bay B-52 ở Nam sông Mê Công ( Đông Nam Pạc-Xan 65 km ), độ cao 12000mets.
21 giờ 28 phút, phát hiện tốp B-52 thứ hai ở Đông Nam Pạc-Xan 90 km, tiếp đó là tốp B-52 thứ ba. Đồng chí Trần Mạnh chăm chú theo dõi từng mũi chì xanh đánh dấu đường bay B-52 trên bản đồ. Đồng chí nói :
- Đây là các tốp B-52 vào đánh Hà Nội !
Đồng chí chỉ thị cho sĩ quan quân báo, dẫn đường theo dõi chặt các tốp này. Ba tốp B-52 từ Nam sông Mê Công ( Thái Lan ) đang bay về phía Bắc, dọc theo phía Tây biên giới Việt - Lào. Đại đôi ra-đa báo về ở hướng Tây Nam có hai rải quạt nhiễu tích cực, cường độ 2, đồng thời xuất hiện một số tốp tiêm kích địch ở khu vực Sầm Nưa. Đồng chí sĩ quan dẫn đường tính toán xong và đề nghị cho máy bay cất cánh. Đồng chí Trần Mạnh đồng ý và lệnh cho phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh.
Theo phương án chiến đấu đã được sĩ quan dẫn đường hiệp đồng từ trước, sau khi máy bay cất cánh lấy được độ cao 200 mét, phi công Thiều bóp nút phát vô tuyến 3 lần báo cho Sở chỉ huy biết.
Sĩ quan dẫn đường lệnh cho Thiều vòng phải, hướng bay 290 độ, độ cao 5000 mét, tốc độ 900km/h. Trên báng tiêu đồ, vị trí máy bay ta được chiến sĩ tiêu đồ đánh dấu bằng đường chì màu đỏ, đang hướng về phía biên giới Việt - Lào. Kíp trực ban dẫn đường bận rộn hơn bao giờ hết : người thường xuyên liên lạc với sĩ quan chỉ huy Đại đội ra-đa, người ghi thời gian, người tính toán đường bay của máy ta, địch trên bảng tiêu đồ. Bỗng chiến sĩ tiêu đồ nói to lên :
- Báo cáo, xuất hiện 2 tốp mục tiêu mới, mỗi tốp 4 chiếc, độ cao 7500 mét ở trước mũi
đường bay của máy bay ta !
Đồng chí Trần Mạnh nói đây là 2 tốp tiêm kích vào dọn đường và chỉ thị cho sĩ quan dẫn đường dẫn máy bay ta tránh, đồng thời lấy độ cao cao hơn độ cao của tiêm kích địch. Đồng chí Trần Đức Tụ dẫn máy bay ta vòng trái, hướng bay 270 độ, tăng lực lấy độ cao 12.500 mét. Sĩ quan ra-đa báo về : cường độ nhiễu ở hướng Tây rất nặng, máy bay B-52 đang bay vào khu vực có nhiễu sóng địa vật nên không phát hiện được tín hiệu của B-52.
Đồng chí Trần Mạnh chỉ thị cho sĩ quan dẫn đường sơ bộ xác định vị trí của B-52 theo từng thời gian. Ta nhận định đội hình B-52 bay từ Nam sông Mê Công ( Thái Lan ) lên, khi đến Sầm Nưa sẽ vòng lên Mộc Châu, tiến vào đánh Thủ đô Hà Nội. Đồng chí dẫn đường đề nghị dẫn tiêm kích ta vào chặn đánh B-52 sau điểm vòng.
21 giờ 52 phút 30 giây, Sở chỉ huy Thọ Xuân lệnh cho đồng chí Thiều vòng phải, hướng bưy 360 độ, tốc độ 1200 km/h, độ cao 12.500 mét. Tiếp đó, Sở chỉ huy thông báo cho đồng chí Thiều vị trí mục tiêu ở bên trái 50 độ, 15 km rồi 30 độ, 10 km. Đồng chí Thiều vẫn chưa phát hiện được B-52. Sở chỉ huy dẫn Thiều thay đổi hướng bay 320 độ rồi 270 độ để đề phòng địch thay đổi hướng bay.
21 giờ 57 phút, đồng chí Trần Xuân Mão, sĩ quan dẫn đường trên hiện sóng ra-đa phát hiện một tín hiệu lạ trên nền nhiễu trắng đục. Bằng kinh nghiệm của mình, anh khẳng định đó là B-52, anh lập tức lệnh cho Thiều vòng phải gấp, hướng bay 90 độ. Trên bảng tiêu đồ, vị trí B-52 đã được chiến sĩ tiêu đồ đánh dấu. Sĩ quan dẫn đường báo cáo với đồng chí Trần Mạnh là địch đã thay đổi đường bay, có khả năng B-52 sẽ bay ngược lên Sơn La, sau vòng xuống đánh Hà Nội để tránh tiêm kích ta.
21 giờ 58 phút, sau khi đạt được hướng bay 90 độ, đồng chí Thiều phát hiện bên trái, phía trước một dãy đèn nhấp nháy đang bay vào. Đó là đèn tín hiệu của B-52. Anh báo cáo :
- 46 phát hiện quạ đên bên trái 90 độ, 10 km !
Và anh ép độ nghiêng lao về phía địch.
Ta chủ trương : khi phi công tiếp cận, ngắm bắn, không mở ra-đa trên máy bay để B-52 không phát hiện được MiG bám đuôi. Thiều bám sát và xác định cự li phóng tên lửa bằng quan sát mắt theo đèn tín hiệu của B-52.
Nhận được báo cáo của đồng chí Thiều, cả Sở chỉ huy ai nấy đều phấn khởi. Đồng chí Trần Mạnh nhắc Thiều :
- 46 bật công tắc bắn loạt, kiên quyết tiêu diệt địch !
- Nghe rõ ! - Thiều trả lời
Một phút sau, Sở chỉ huy Thọ Xuân hỏi đồng chí Thiều :
- 46 công tác tốt không ?
Không nghe Thiều trả lời, Sở chỉ huy lại gọi tiếp :
- Sông Mã gọi 46 ! Sông Mã gọi 46 !
Nhưng đều không liên lạc được. Mọi cán bộ, chiến sĩ tại Sở chỉ huy tim như ngừng đập. Đồng chí Trần Mạnh nét mặt trầm lại. Với kinh nghiệm của người đã từng chỉ huy gần trăm trận đánh, ông hiểu điều gì đó có thể đã xảy ra. Ông chỉ thị cho ra-đa tăng cường sục sạo phát hiện máy bay ta và lệnh cho sĩ quan tác chiến báo về Sở chỉ huy Binh chủng.
Tại Sở chỉ huy Binh chủng, đồng chí Trần hanh chỉ thị cho các đơn vị mở ra-đa theo dõi, nhưng đều không thấy. Đồng chí Trần Hanh nói chuyện với đồng chí Trần Mạnh và thống nhất nhận định rằng phi công Vũ Xuân Thiều đã bắn B-52 ở cự li gần, do tốc độ quá lớn không kịp thoát li, anh đã lao thẳng vào đội hình B-52 và đã anh dũng hi sinh."
Trận chiến giữa trời đêm diễn ra thật nhanh, thật ngắn ngủi và Vũ Xuân Thiều đã làm nên điều phi thường, đã là tấm gương sáng ngời của Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng.
Một ngày sau, anh Phạm Ngọc Lan được cử đi Sơn La. Khi đến xã Tạ Khoa huyện Yên Châu- Sơn La, anh đã gặp anh Phạm Đức Thuận, đại úy - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn bộ binh đang đóng quân ở Cò Nòi. Các anh đã đến tận hiện trường xem xét và tìm cách bảo vệ hiện trường. Phía bên kia đồi là xác của B-52 với những mảnh vỡ cháy xám đen. Phía bên này đồi là MiG-21. Anh Phạm Ngọc Lan đã bàn giao cho anh Thuận mọi công việc và đề nghị anh Thuận cho quân bảo vệ hiện trường và quay về báo cáo Binh chủng.
Anh Phạm Ngọc Lan đã nhận xét và đến tận bây giờ anh vẫn nói : "Thiều đã "húc" vào B-52 !". Thiều đã vào trận đánh với tinh thần cảm tử, quyết tiêu diệt bằng được B-52 mới thôi. Một vết thương sâu ở phía sau gáy Xuân Thiều do mảnh của chiếc B-52 văng vào bởi anh bắn quá gần để chắc chắn tiêu diệt được kẻ thù đã làm anh không kịp thoát ra sau khi công kích.
 

Cup 70 cánh én

Xe tải
Biển số
OF-188697
Ngày cấp bằng
7/4/13
Số km
223
Động cơ
333,722 Mã lực
Không phải chỉ có tuanb5 và qtdc muốn lập tượng đài kỷ niệm ở những nơi đã từng ghi dấu ấn của những kỳ tích mà có lẽ rất, rất nhiều người muốn như vậy, nhưng đâu chỉ mỗi Không quân làm được những điều kỳ diệu, mà các Quân Binh chủng khác cũng hoành tráng lắm chứ. Tôi ở Không quân, nhưng rất khâm phục các anh ở Đặc công, ở Hải quân, rồi Pháo binh, Thiết giáp, Trinh sát, Bộ binh, rồi lực lượng Thanh niên xung phong, các o dân quân, các cụ dân quân... tức là rất nhiều tầng lớp trong cuộc chiến tranh nhân dân này. Nếu để xây các tượng đài, các bia tưởng niệm thì chắc là phải có nhiều lắm và cũng phải tính đến chuyện đâu xây trước, đâu xây sau ... cũng phức tạp ra trò đấy. Sân bay Cẩm Thủy thì đã trả lại đất canh tác cũng tựa như các sân bay Chũ, Phú Thọ ... Nơi anh Xuân Thiều rơi thì cũng để trả lại rừng cho thanh bình. Có điều, sau khi tìm thấy anh Thiều thì thi hài anh được đưa về an táng ở nghĩa trang Bố Ẩn của Sơn La. Ngày đưa Thiều về nghĩa trang là một ngày lạnh giá. Mùa Đông ở Sơn La sương xuống rất nhiều, rất đậm và rét buốt. Sáng sớm khi trời chưa sáng tỏ, bà con các dân tộc đã phải đi xuống chợ. Bóng dáng những người đi chợ cứ mờ mờ, ảo ảo trong sương mù. Thấy có thi hài liệt sĩ chuyển vào nghĩa trang, bà con không ai bảo ai đều rẽ vào nghĩa trang để dự lễ mai táng.
Đội danh dự bồng súng đứng hai bên huyệt. Không khí buồn thương, trang nghiêm. Anh Lê Tuấn Quyền - cán bộ thuộc Phòng chính sách Quân khu Tây Bắc, phụ trách công tác thương binh - liệt sĩ ra khẩu lệnh :
- Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, chiến sĩ lái máy bay chặn đánh B-52 đã anh dũng hi sinh trên bầu trời Sơn La ! Để tiễn biệt đồng chí ! Bồng súng chào !
Thi hài Vũ Xuân Thiều từ từ được đưa xuống huyệt. Những người tiễn biệt Thiều không ai cầm được nước mắt. Sương đọng trên các lá cây cũng rơi lộp bộp, buồn bã ...
Vậy là một phi công tiêm kích đã xếp lại đôi cánh bay của mình trong trận không chiến để bảo vệ cho bầu trời và mặt đất được yên bình. Vậy là trong đội hình bay đã vắng bóng một đôi cánh đại bàng. Vậy là đồng chí, đồng đội mất đi một người bạn chiến đấu. Vậy là gia đình mất đi một người thân. Vậy là một người yêu đã mất người yêu. Chiến tranh đã tàn nhẫn chia cắt lứa đôi đang độ yêu nhau đằm thắm nhất ... Anh đã về nơi vĩnh hằng, về với hư vô trong sự thương tiếc của bao người.
Chàng trai của đất Hà thành đã nằm lại nơi núi rừng Sơn La khi anh vừa tròn 27 tuổi. Anh đã ngã xuống trước ngưỡng cửa bình minh - trước những ngày chiến tranh kết thúc. Tiếng suối reo, tiếng gió ngàn sẽ ru anh trong giấc ngủ vĩnh hằng.
Cũng không biết có phải do số phận sắp đặt hay không mà ở trường nội trú Bế Văn Đàn của tỉnh Sơn La có một cô học trò là Bế Minh Hương cùng một bạn học nữa đi học qua nghĩa trang, thường xuyên đến thăm mộ Thiều. Hầu như ngày nào đi học về sớm, Hương và bạn cũng đều tạt vào nghĩa trang đến với Thiều. Việc ấy diễn ra đều đặn, tự nhiên như số phận đã giao cho Hương nhiệm vụ như vậy suốt mấy năm ròng, từ khi Hương còn học lớp 6, lớp 7 cho đến khi Xuân Thiều được đưa về xuôi.

Đêm 29 tháng 12, Bùi Doãn Độ trực chiến tại sân bay Kép nhận lệnh vào cấp, xuất kích từ đường ngang của sân bay Kép lên tìm B-52 nhưng không gặp. Khi quay về ở độ cao 4500 mét, Sở chỉ huy thông báo có địch bay từ phía phải qua trái. Độ phát hiện thấy ánh đèn chớp chớp liền bật tăng lực, ép theo, lại không thấy gì nữa đành tắt tăng lực, giảm độ nghiêng thì ngay lúc ấy lại phát hiện thấy máy bay địch. Đấy không phải là B-52 mà là F-4. Độ bật tăng lực, kéo gấp và bằng mắt thường nhìn thấy cả ánh lửa trong buồng đốt của động cơ thằng F-4. Độ ấn nút phóng tên lửa, phóng 2 quả liền sau đó kéo thoát li trái. Lúc lật lại, thấy thằng F-4 mang độ nghiêng lớn và cắm xuống với góc 30 độ. Bùi Doãn Độ kéo cao thoát li về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc. Thằng F-4 ấy rơi ở địa phận tỉnh Phú Thọ và đấy cũng là chiếc máy bay cuối cùng của Không lực Hoa Kỳ bị Không quân ta bắn hạ ( ban đêm ) trong cuộc chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc và trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" này.
 
Thông tin thớt
Đang tải
Top