Phát biểu của Chủ tịch Tô Lâm tại Diễn đàn Công nghệ số tập trung chủ yếu vào lĩnh vực điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin, trong đó nêu ra thực trạng và những bất cập của công nghiệp điện tử bán dẫn của Việt Nam hiện nay để thúc đẩy quan điểm và suy nghĩ của các doanh nghiệp trong nước, hướng tới cải thiện trong thời gian tới. Ngoài các chủ trương, chính sách và hỗ trợ của nhà nước nếu có trong thời gian tới, cũng đòi hỏi phải có sự chủ động và quyết tâm của các doanh nghiệp, cũng như chính bản thân mỗi cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp. Ngành công nghiệp điện tử viễn thông là ngành mà Việt Nam đi sau các nước khá nhiều năm, ví dụ Malaysia đã tiếp cận và phát triển lĩnh vực này từ thập niên 1980, tạo ra nhiều trung tâm công nghệ cao ở vùng phụ cận Kuala Lumpur từ thời kỳ đó, từng gia công lắp ráp bo mạch, thiết bị bán dẫn cho các tập đoàn của nước ngoài ngay từ hồi đó rồi dần dần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để tham gia vào chuỗi cung ứng, nâng dần giá trị sản xuất nội địa trong ngành, trong khi Việt Nam đi sau gần 3 thập kỷ, và cũng ít có doanh nghiệp của Việt Nam chú trọng đến lĩnh vực này, ngoại trừ Viettel phát triển về lĩnh vực viễn thông, BK và Vin có triển khai sản xuất điện thoại thông minh nhưng không cạnh tranh nổi những tay to toàn cầu. Thực trạng của ngành này, cũng như ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam là điều nhiều người có thể nhận thấy. Điện tử tiêu dùng là lĩnh vực cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, rất nhiều tên tuổi một thời trong lĩnh vực điện thoại di động như Nokia, Motorola, Sony, Siemens, Philips, v.v. cũng buộc phải giã từ vũ khí. Chính phủ Mỹ, Phần Lan, Nhật, Đức, Hà Lan có tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của họ không? Chủ doanh nghiệp có quyết tâm và có định hướng chiến lược không? Tất nhiên là có nhưng vẫn không thắng được quy luật của thị trường toàn cầu hoá, thị hiếu và sự ủng hộ của người tiêu dùng. Thời đại hiện nay không còn dễ dàng áp đặt chính sách bảo hộ mậu dịch để bảo vệ hàng hóa trong nước và sản xuất trong nước , dẫn đến lại càng khó khăn hơn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không thể lấy một thực trạng của ngành điện tử viễn thông để phủ nhận thành quả và công sức của nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác. Nội dung chia sẻ của Chủ tịch cũng tập trung ở ngành điện tử bán dẫn, thêm một chút ví dụ liên quan đến ngành dệt may là hai lĩnh vực mà khối ngoại chiếm ưu thế. Ngành công nghiệp chia thành hai nhóm ngành chính là khai thác mỏ và chế biến chế tạo. Khai thác mỏ thì ngoài trừ ngành dầu khí là có vốn đầu tư nước ngoài (Vietsovpetro), còn hầu hết thuộc doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Lĩnh vực chế biến chế tạo thì không phải ngành nào khối FDI cũng có giá trị sản lượng và giá trị xuất khẩu cao nhất. Trong 23 ngành công nghiệp chế biến chế tạo thì các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng cao ở ngành điện tử (hơn 90%), dệt may (khoảng 60%), còn các ngành khác thì tỷ trọng giá trị sản lượng của họ vẫn thấp hơn khối nhà nước và khối tư nhân, ví dụ sắt thép, xi măng, phân bón, thực phẩm, giày dép, gỗ giấy, vật liệu xây dựng, chế tạo kết cấu thép, gia công kim loại, v.v. Business Insider có chia sẻ tin này trên website của họ và FB, nhưng định hướng các chia sẻ của chủ tịch Tô Lâm tại diễn đàn công nghệ số để tạo ra cảm giác là mọi ngành sản xuất khác của Việt Nam thì các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân Việt Nam đều yếu kém, dẫn đến khá nhiều người lên đồng và mượn gió bẻ măng, nước đục thả câu... Như vậy là chưa công bằng với các doanh nghiệp Việt trong nhiều lĩnh vực khác, nơi mà chủ doanh nghiệp và cán bộ nhân viên của họ vẫn cần mẫn mỗi ngày để phát triển doanh nghiệp, góp phần vào việc nâng cao vị thế của đất nước trong lĩnh vực của họ. Cơ chế chính sách chỉ là một trong các điều kiện cần và đủ, mỗi doanh nghiệp và mỗi người lao động mới là tác nhân chính để thành công của doanh nghiệp nói riêng và quốc gia nói chung. Ngoài ra, nhà nước cũng chỉ định hướng, chủ doanh nghiệp mới là người lựa chọn và quyết định đầu tư vào lĩnh vực nào có lợi và họ có đủ tiềm lực tài chính, nghiên cứu phát triển, công nghệ, vận hành sản xuất và năng lực của bộ máy nhân sự để làm. Hoặc ở giai đoạn này thì họ sẽ tập trung vào lĩnh vực ngành nghề gì, khi đã đủ mạnh thì sẽ tiếp tục đầu ******* lĩnh vực khác. Nước Anh từng là đầu tàu kinh tế thế giới, với rất nhiều ngành công nghiệp dẫn đầu thế giới rồi cũng suy giảm dần như sắt thép, đóng tàu, ô tô, điện tử, thiết bị điện, rất nhiều ngành nghề khác, v.v. dù chính phủ hỗ trợ nhưng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, đóng cửa nhà máy, hay chuyển nhượng cho nước ngoài do không cạnh tranh nổi về giá thành, sức tiêu thụ hàng hoá giảm thì cũng không nhà nước nào có thể làm hộ doanh nghiệp được. Kinh tế thị trường thì thị trường và khách hàng cũng như năng lực cung cấp sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp mới là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của doanh nghiệp và cả một ngành nghề, chứ không phải là chủ trương chính sách.
Bên dưới là toàn văn nội dung phát biểu của Chủ tịch Tô Lâm, được đặt trong bối cảnh và chủ đề của diễn đàn phát triển công nghệ số mà không bị cắt bỏ bớt để quy thành nhận định của ông về toàn bộ nền công nghiệp hoặc nền kinh tế của Việt Nam như Business Insider đã đưa ra trên trang web và trên FB, dẫn đến khá nhiều bình luận bỉ bôi, chê bai mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh kinh tế của đất nước trên Facebook: