Theo điều 22 Luật GTĐB thì xe ưu tiên khi làm nhiệm vụ có quyền : đi trước xe khác (được nhường đường), không bị han chế tốc độ, được đi vào ngược chiều, kể cả khi có tín hiệu và người tham gia giao thông phải nhanh chóng nhường đường (giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải).
Đây là quy định cụ thể (hữu hạn) về quyền của xe ưu tiên nhưng không hề có khoản nào quy định xe ưu tiên được quyền làm sai các quy tắc giao thông đường bộ khác đã được quy định trong luật này (trừ các điều khoản khác có loại trừ).
Nghĩa vụ của người tham gia giao thông là nhanh chóng nhường đường cho xe ưu tiên nếu sai phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật (hiển nhiên vẫn phải đảm bảo nguyên tắc an toàn cho chính mình và người khác).
Xuyên suốt Luật là các quy tắc nhằm đảm bảo an toàn, thông suốt cho người tham gia giao thông do đó không thể suy diễn là xe ưu tiên có thể thực hiện quyền của mình bất chấp các điều kiện an toàn chủ quan, khách quan hay nói cách khác khi xin nhường đường mà người tham gia giao thông không nhường đường thì xe ưu tiên vẫn phải lựa chọn giải pháp an toàn nhất chứ không phải bằng mọi giá để thực hiện được quyền ưu tiên của mình (việc sai phạm vì không nhường đường sẽ theo quy định của pháp luật xử lý chứ không phải quyền xử lý của xe ưu tiên).
Điều 22 áp dụng chung cho các loại đường (kể cả đường cao tốc). Tuy nhiên do tính đặc thù nên Luật đã có điều 26 dành riêng cho đường cao tốc. Xe cứu hỏa sai phạm căn cứ vào điều này.
Điều 26. Giao thông trên đường cao tốc
1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật này còn phải thực hiện các quy định sau đây:
a) Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc;
b) Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc;
c) Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường;
d) Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.
2. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu.
3. Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.
4. Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Điều 26 không hề có điều khoản loại trừ với xe ưu tiên và ghi rõ ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật này còn phải thực hiện các quy định nghĩa là ngoài các quyền ưu tiên được nêu rõ trong điều 22 thì khi lưu thông trên đường cao tốc xe ưu tiên vẫn phải tuân thủ điều 26 -> Điểm quan trọng nhất là khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe. Trong tình huống gây tai nạn thì xe ưu tiên chính là xe chủ động nhập làn do đó việc quan sát để đàm bảo an toàn là trách nhiệm của xe ưu tiên (quan sát có xe ngược chiều hay không? xe ngược chiều có giảm tốc độ để nhường đường chưa? khoảng cách giữa hai xe có an toàn để nhập làn không?). Nói thêm nếu có đủ căn cứ cho rằng xe khách sai phạm khi không nhường đường thì nguyên nhân chính của vụ tai nạn vẫn xuất phát từ xe cứu hỏa.
Khi có tín hiệu ưu tiên trên đường cao tốc thì phải làm gì? Nếu đọc và hiểu một cách máy móc điều 22 thì khi nghe còi, thấy tín hiệu ưu tiên người tham gia giao thông phải giảm ngay tốc độ thậm chí dừng lại. Luật có lý do để dùng cụm từ "nhanh chóng" chứ không phải là "ngay" hoặc "lập tức" điều này có nghĩa là người tham gia giao thông phải quan sát, phán đoán, xử lý để thực hiện việc nhường đường nhanh nhất có thể (hiển nhiên vấn đề an toàn vẫn đặt lên hàng đầu).
Như đã nói ở trên đường cao tốc có tính đặc thù riêng (nhiều làn đường, cách ly dân cư, k cho phép lưu thông người đi bộ, phương tiện thô sơ, xe gắn máy , cho phép tốc độ cao hơn, hạn chế tốc độ tối thiểu, cấm dừng đỗ, quy định khoảng cách tối thiểu ... -> điều kiện đảm bảo an toàn cao hơn, nguy hiểm hơn) do đó khi có tín hiệu ưu tiên thì người điều khiển phương tiện tùy vào điều kiện cụ thể để thực hiện nghĩa vụ nhường đường chứ không phải rập khuôn là giảm ngay tốc độ, chuyển làn đột ngột vì như vậy sẽ dẫn đến các tai nạn liên hoàn cực kỳ nghiêm trọng.