Em thấy TS BS Phạm Thị Lệ Hoa có chuyên môn nhất về VGB, em post lại các lần tư vấn của BS để các Cụ tham khảo nhé..
Tổng hợp Tư vấn về VGB
TS BS Phạm Thị Lệ Hoa
Bv Đh Y Dược tp HCM
Tôi bị viêm gan B mãn tính, các chỉ số kiểm tra như sau: GOT:31, GPT=38; GGT=29; Billỉubin toàn phần=8,4; Albumin=45; Protein toàn phần=83; Các chỉ số xét nghiệm huyết học khác trong mức giới hạn; Prothrombin=112 Xét nghiệm cơ chế miễn dịch: Định lượng HBsAg=1058,66 ng/ml; Anti-HBs (-) âm tính; HBeAg (-) âm tính; Anti-HBe (+) Dương tính; Anti-HCV (-) âm tính; Anti-HIV (-) âm tính; AFP=8,87IU/ml Xét nghiệm định lượng HBV-DNA tại 108 là: 1,49x10^7 (1,49 x 10 mũ 7) Xin bác sỹ tư vấn tôi đã phải uống thuốc diệt vi rút viêm gan B chưa? Hiện tôi chỉ uống thuốc bổ gan. Cảm ơn bác sỹ
Người gửi: Đặng Văn Anh
ÁP:
Anh thân mến!
Tình trạng có mang HBsAg với dấu ấn huyết thanh HBeAg (-) thường có ý nghĩa virút viêm gan B không hoạt tính nếu kèm theo mật độ HBV-DNA dưới 10.000 bản sao/ ml máu (tương đương 2000 đơn vị quốc tế hay UI/ml). Trong trạng thái này, men gan thường không tăng, gan không bị tổn thương và vì vậy người nhiễm HBV ở giai đoạn này gọi là người mang HBV không hoạt tính.
Tình trạng của anh có HBV-DNA 1,49 x 107 bản sao/ml nên virút vẫn còn hoạt tính mặc dù HBeAg (-). Trạng thái này virút được xem là đang tái họat tức là không còn ở tình trạng không hoạt tính như trước. Do men gan của anh chưa tăng nhưng nếu theo dõi lập lại nhiều lần sẽ tìm thấy men gan không ổn định, có nhiều đợt tăng men gan, là bằng chứng có tổn thương gan và cần điều trị đặc hiệu.
Như vậy anh nên theo dõi men gan (AST, ALT) định kỳ mỗi 1-3 tháng để có thể được chỉ định đặc trị đúng lúc cần thiết, không để bệnh gan tiềm tang và diễn tiến đến xơ hóa hay xơ gan. Đồng thời anh cũng cần được theo dõi phát hiện sớm diễn biến xơ gan hay ung thư gan bằng cách xét nghiệm AFP và siêu âm bung mỗi 6 tháng một lần.
Hiện nay, người nhiễm HBV với HBeAg (-) nhưng HBV-DNA còn cao thường do HBV bị đột biến di truyền ở vị trí gen precore hay BCP (basal core promoter), là loại biến đổi di truyền được các nhà chuyên môn trên thế giới cho là liên quan với diễn biến ung thư gan.
Như vậy bệnh lý do HBV của anh cần được theo dõi và kiểm soát tốt, nhiều khả năng cần dùng thuốc kéo dài để tránh diễn biến xơ gan hay ung thư gan.
Thân ái
TS BS Phạm Thị Lệ Hoa
Trưởng phòng khám Viêm gan
--------
Tôi bị nhiễm viên gan B, đang theo dõi (các xét nghiệm đều bình thường). Nay bị lao phổi phải uống thuốc, xin hỏi bác sĩ uống thuốc trị bệnh lao có ảnh hưởng gì đến viên gan B của tôi không?
Người gửi: ThanhPhương
ÁP:
Bạn thân mến!
Bạn hỏi về việc điều trị Lao và diễn tiến bệnh viêm gan B.
Thuốc điều trị Lao có thể gây viêm gan do thuốc trên người bình thuờng cũng giống như người bệnh nhiễm HBV như bạn.
Viêm gan do thuốc này có thể liên quan đến liều dùng, đến thời gian dùng do tích lũy thuốc, nhưng cũng có khi do thể tạng của bạn nhạy cảm quá mức với thuốc. Các phản ứng này không ảnh hưởng gì đến diễn tiến bệnh gan của bạn. Vì vậy bạn có thể điều trị Lao như bình thường mà không cần thay đổi liều thuốc nếu chức năng gan của bạn tốt. Bác sĩ chuyên khoa Lao sẽ xét nghiệm theo dõi phản ứng viêm gan do thuốc cho bạn trong quá trình điều trị.
Riêng về tình trạng nhiễm HBV, bạn không cho biết virút còn hoạt tính hay không? Bạn nên theo dõi bệnh nhiễm HBV theo lịch hẹn để được tham vấn và điều trị đặc hiệu khi cần thiết vì trạng thái xét nghiệm bình thường của bạn có thể thay đổi theo thời gian.
Trong thời gian điều trị Lao, phản ứng tăng men gan do HBV cần được phát hiện sớm qua thăm khám định kỳ và dùng thuốc chống virút HBV đồng thời điều chỉnh liều hay điều chỉnh phác đồ trị liệu Lao.
Thân chào
TS BS Phạm Thị Lệ Hoa
Trưởng phòng khám gan BV ĐH Y Duợc TP HCM
--------
Xin Bác Sĩ cho em hỏi ,em 25 tuổi em bị bệnh viêm gan siêu vi B mãn tính hiện đang uống thuốc Tenofovir 300mg và Lamivudine 100mg đã được 8 tháng kết quả xét nghiệm gần đây của em là HBV DNA =1.36*10^4 (4.13 log10) GOT/ASAT=32 (<40U/L);GPT/ALAT =46 ?(<40U/L); HBeAg=546.95 (S/CO<1) cho em hỏi tình trạng bệnh của em như vậy có tiến triển gì không, ngoài kiêng rượu bia em có phải kiêng ăn gì không? em rất lo lắng mong Bác sĩ tư vấn giúp em , em chân thành cám ơn !
Người gửi: Huynh thanh .....
ÁP:
Em thân mến!
Sau 8 tháng dùng 2 loại thuốc mà HBV-DNA vẫn còn ở mức 104 là đáp ứng siêu vi chưa tốt. Hiện nay người ta chủ trương điều trị viêm gan B nhằm giảm nhanh mật độ virút trong vòng vài tháng để hạn chế kháng thuốc. Nếu kết quả trên là do em dùng thuốc chưa được đều đặn thì nên uống cho đầy đủ, đúng giờ nhất định và theo dõi đáp ứng virút sau 3-4 tháng nữa. Nếu em đã dùng thuốc đúng yêu cầu như tham vấn mà HBV-DNA vẫn còn dương tính sau 12 tháng thì bác sĩ sẽ phải xem xét khả năng kháng thuốc. trường hợp này sẽ khó khăn nhiều do không có thuốc nào khác để thay thế, ngoại trừ thuốc điều trị chích. Men gan tăng có nhiều nguyên nhân, hay gặp là do rượu. Trong thời gian điều trị cần kiêng bia rượu để có thể dùng men gan như yếu tố đánh giá đáp ứng điều trị cùng với mật độ HBV-DNA. Thức ăn không gây tăng men gan, trừ khi thức ăn nhiều chất béo trên cơ địa rối loạn chuyển hóa mỡ. Em nên dùng thuốc đều đặn và theo dõi theo định kỳ để tránh diễn biến kháng thuốc.
Thân ái
TS BS Phạm Thị Lệ Hoa
Trưởng phòng khám Viêm gan
--------
Kính thưa bác sĩ, tôi là nam ,38 tuổi, phát hiện nhiễm HBsAg đã 10 năm, thỉnh thoảng có hay uong bia. Đã khám , xét nghiệm và theo dõi 6thangs/lần trong nhiều năm qua. gần 2 năm nay tôi ko đi khám. Tôi đi xét nghiệm cách đây 2 tuần kết quả như sau: HBsAg(+), HBeAg(-),GGT:34.2U/L, Total Cholesterol: 5.58mmol/L;SGOT:20.6U/L; SGPT: 34.3U/L; HBV DNA Cobas (Roche):1.11E+4(4.05)IU/mL. Xin hỏi két quả như vậy có đáng ngại hay ko? bước tiếp theo tôi cần làm gì? Xin trân trọng cảm ơn bác sỹ.
Người gửi: Ho Đức Vinh
ÁP:
Bạn thân mến!
Nhiễm HBV mạn là tình trạng nhiễm trùng có thể kéo dài nhiều năm hay vài mươi năm. Đa số diễn tiến tự ổn định và bệnh gan không hoạt tính nếu HBeAg (-) và HBV- DNA dưới 10.000 bản sao/ml. HBV-DNA của Bạn 11.000IU/ml (tương đương 55.000 bản sao/ml). Như vậy trạng thái virút có thể vẫn còn hoạt tính. Bạn nên theo dõi men gan mỗi 3 tháng, HBV-DNA mỗi 6-12 tháng hay khi có tăng men gan. Nếu HBV-DNA dao động theo huớng trên 10.000 bản sao/ml và men gan có lúc tăng thì Bạn cần được điều tri để kiểm soát virút và kiểm soát tình trạng viêm hoạt tính gan. Ngoài ra Bạn cần được theo dõi diễn tiến xơ hóa gan, xơ gan hay ung thư gan mỗi 6 tháng bằng xét nghiệm AFP và siêu âm bụng. Nếu ông có tiền sử di truyền gia đình có người bị xơ gan hay ung thư gan thì cần được điều trị tích cực và sớm hơn.
Thân ái
TS BS Phạm Thị Lệ Hoa
Trưởng phòng khám Viêm gan
--------
Tôi bị viêm gan mãn : xét nghiệm gần đây có kết quả như sau : Tháng 06/2010 : HBV-DNA = <70copies/ml , AST = 80 , ALT = 78 . Tháng 12/2010 : HBV-DNA = <70copies/ml , AST = 60 , ALT = 90 . Tháng 06/2011 : HBV-DNA = Taget not Detected , AST = 93 , ALT = 103 . Với kết quả như trên , xin hỏi BS tình hình bệnh viên gan của tôi ra sao ?
Người gửi: Bùi Văn Thống
ÁP:
Bạn thân mến!
HBV-DNA như trên là siêu vi không có hoạt tính. Nếu kết quả men gan như trên nhưng HBV-DNA thấp hay âm tính thì có thể gan của bạn còn có tổn thương do nguyên nhân gì khác nữa. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh gan mà tiên lượng hay diễn tiến tổn thương gan khác nhau. Bạn nên đi khám và đề nghị bác sĩ theo dõi xét nghiệm giúp để chẩn đoán xem có bệnh gan gì tiềm tàng hay không?
Thân ái
TS BS Phạm Thị Lệ Hoa
Trưởng phòng khám Viêm gan
--------
Kính gửi các Bác sĩ, Em giới tính nam, 35t, cao 1.70m, nặng 62kg. Em phát hiện nhiễm viêm gan B khoảng từ năm 2005. Thời gian đó em chỉ xét nghiệm men gan định kỳ, kết quả là men gan bình thường. Tuy nhiên, cách đây 1 năm, thấy men gan bắt đầu tăng, nhờ tư vấn em mới làm đi làm thêm một số xét nghiệm khác nữa, cụ thể: Ngày 13/6/2010: - AST: 26.6 - ALT: 51.1 - GGT: 27 - HBeAg: âm tính - HBeAb: dương tính - HBV-DNA: dưới ngưỡng phát hiện (bác sỹ không kê đơn thuốc, chỉ định là tái khám định kỳ) Ngày 04/11/2010: - AST: 34 - ALT: 62 - Anti HCV: âm tính - HBV-DNA: dưới ngưỡng phát hiện (Bác sỹ không kê đơn thuốc, chỉ định là kiểm tra lại sau 3 tháng) Ngày 19/5/2011 - AST: 27 - ALT: 52 - HBeAg: âm tính - Anti-HBe: dương tính - Alpha FP: 0.988 - HBV-DNA: 2,32 x 104 (10 mũ 4) - HBsAg (định lượng): 920.800 IU/ml - Siêu âm ổ bụng: kết luận hình ảnh siêu âm ổ bụng bình thường Bác sỹ đề xuất điều trị bằng thuốc uống như sau và khám lại sau 3 tháng (một trong hai loại thuốc tùy thuộc vào điều kiện kinh tế): - Baraclude 0.5mg x 90 viên, ngày 1 viên (cách xa bữa ăn 2h) - (hoặc) Gentino B 300mg x 90 viên, ngày 1 viên (cách xa bữa ăn 2h) Xin Bác sĩ tư vấn với kết quả xét nghiệm: - Như vậy sau các lần xét nghiệm trên thì bệnh tình của em có phát triển theo chiều hướng xấu hơn không? - Số lượng virut viêm gan B theo xét nghiệm HBV-DNA 2,32 x 10 mũ 4 nhiều hay ít? Có nằm trong giới hạn không? - Em có nên uống thuốc không? Vì thời gian điều trị bác sỹ nói là vài năm và phải dùng thuốc liên tục. Em tham khảo một vài ý kiến thì với kết quả này em chưa cần dùng thuốc nên em đang rất phân vân. - Chế độ ăn uống nên như thế nào? Tập môn thể thao nào thì hợp lý? Có nên uống thêm actiso, nhân trần,….? Rất mong Bác sĩ tư vấn cụ thể từng ý nêu trên giúp em an tâm. CHÂN THÀNH CÁM ƠN BÁC SĨ.
Người gửi: nguyen nam
ÁP:
Bạn thân mến!
Trong viêm gan virút B mạn, virút có thể hiện diện nhiều thập niên sau khi nhiễm. Khi hoạt tính của hệ thống miễn dịch kiểm soát được virút thì HBV-DNA âm tính rất lâu như trường hợp của em trước đây, chỉ còn dấu ấn HBsAg (+) là báo hiệu tình trạng nhiễm HBV vẫn còn.
Tuy nhiên, khi cơ thể mất kiểm soát virút, HBV-DNA tái xuất hiện trong máu (thầy thuốc gọi là virút tái hoạt) và có thể gây tổn thương gan làm gia tăng ALT trở lại. Vì vậy người nhiễm HBV với HBeAg (-) hay HBV-DNA (-) vẫn cần theo dõi liên tục diễn biến ALT và định lượng HBV-DNA để điều trị kịp thời hiện tượng tái hoạt.
Như vậy em bị viêm gan tái hoạt với HBeAg (-). Ở trạng thái gọi là viêm gan tái hoạt này, thuốc uống ức chế virút nhanh và mạnh làm mất HBV-DNA nhanh, nhưng vẫn không ngăn ngừa được tái hoạt sau khi ngưng thuốc. Vì vậy việc dùng thuốc sẽ cần kéo dài cho đến khi virút biến mất hòan toàn trong gan của người bệnh để tránh tái hoạt.
Trị liệu thuốc uống hiện nay nên sử dụng thuốc có hoạt lực mạnh ngay từ đầu. Có hai nhóm thuốc được sử dụng chính hiện nay là: Entecavir 0,5mg (nguồn gốc chính hảng biệt dược baraclude, có có giá thành 60 -70.000đ/ ngày; nguồn gốc trong nước 30.000đ/ngày); và Tenofovir 300mg/ngày (30.000đ/ngày).
Nếu sử dụng trị liệu miễn dịch bằng thuốc chích với PEG-IFN và gây được trạng thái HBsAg (-) thì mới có thể tránh được hiện tượng tái hoạt (giá thành của trị liệu này là 18.000.000đ/tháng x 12 tháng).
Em cần đến theo dõi điều trị ở bác sĩ chuyên khoa và được tham vấn cho hiểu rõ những nội dung cần theo dõi để bảo đảm kiểm sóat virút lâu dài.
Thân ái
TS BS Phạm Thị Lệ Hoa
Trưởng phòng khám Viêm gan
--------
Kính gửi bác sỹ! Tôi phát hiện viêm gan B man từ năm 1998. từ đó tôi thương xuyên theo rõi thì SGOT và SGPT luôn < 30. Tháng 4/2011 thì SGOT=133; SGPT= 230; HBeAg(+); anti HBeAg(-); HBV-DNA=1,22x10^8. Bác sỹ tư vấn tôi dùng Tenofovir 300mg (Standa) sau 2 tháng HBV-DNA=5,68x10^3. Tôi uống thuốc vào 20h hằng ngày. 9h sáng tôi uống 2 viên hamega; 2 viên fortec như vậy có được không? Vì tôi thấy tài liệu nói là thuốc Tenofovir xẽ đào thải hết sau khi uống 12h nên tôi mới uống 2 loại khác vào 9h sáng hôm sau. Rất mong được bác sỹ cho lời khuyên. Tôi xin cảm ơn!
Người gửi: Trần Quốc Trung
ÁP:
Chào Ông!
Bệnh gan của ông ở giai đoạn viêm gan mạn HBeAg (+). Có chỉ định dùng Tenofovir là đúng. Không cần dùng thêm fortec hay Hamega vì thuốc có tác dụng làm hạ men gan chứ không có tác dụng trị bệnh. Ông chỉ cần dùng thuốc đùng thời điểm hang ngày để bảo dảm nồng độ thuốc ổn định trong máu là được. Việc theo dõi cần tiền hành mổi 3 tháng để bảo đảm virut1 được khống chế tốt và không bị độc tính do thuốc.
Ông cần theo dõi định kỳ với bác sĩ chuyên khoa, không tự ý ngưng thuốc, đổi thuốc. Không cần dùng them thuốc gì khác nếu ông không có bệnh gan khác kèm theo như bệnh gan do rượu, tiểu đường hay nhiễm mỡ.
Chúc ông khỏe.
Thân ái
TS BS Phạm Thị Lệ Hoa
Trưởng phòng khám Viêm gan
--------
thưa bác sĩ hôm trước tôi phát hiện mình bị vàng da và mắt nên tôi đã đi khám tổng quát tại trung tam giám đinh y khoa tỉnh trà vinh thì có kết quả: SGOT :616 SGPT: 93 GGT :110 Creatinie: 72 Glucose(đói): 6.9 HbeAg(ĐT) : dương tính HBsAg(ĐT)
ương tính AntiHBC: dương tính Bác sĩ ở đây chuẩn đoán tôi bị tăng men gan và bị virut viêm gan siêu vi B tấn công. Bác sỉ chỉ cho thuốc về uống để giảm men gan. tôi đã dùng thuốc 2 ngày nhưng trong người cứ khó thở, buồn nôn, ăn gì vô cũng cảm thấy nó hết. xin hỏi bác sỉ giờ tôi phải làm gì để giảm bớt tình trạng trên và chửa trị. Tôi rất ít khi uống rượu bia. năm nay tôi 26 tuổi
Người gửi: Tô Quang Vinh
ÁP:
Bạn thân mến!
Bạn cũng có vàng da nhưng không rõ mức độ vì không có bilirubine. Men gan tăng ưu thế AST kèm theo tăng GGT như trên không phù hợp viêm gan do siêu vi mặc dù bạn có nhiễm HBV và virut có hoạt tính (HbeAg (+). Bạn nên đến khám chuyen khoa ở BV Đại học Y Dược hay các BV tuyến chuyên khoa cao hơn để xác dịnh bạn có thêm bao nhiêu yếu tố ảnh hưởng gan ngoài siêu vi B. Yếu tố gây tăng AST ưu thế có thể gặp trên bệnh gan do rượu cấp tính, hay bệnh gan nhiễm mỡ. Ngoài ra có thể do bệnh gan có xơ hóa gan đáng kể như viêm gan C mạn, bệnh gan do thuốc hay do tự miễn. Riêng bệnh gan do siêu vi B cũng cần được theo dõi và chỉ định điều trị khi cần thiết.
Chúc bạn vui, khỏe.
Thân ái
TS BS Phạm Thị Lệ Hoa
Trưởng phòng khám Viêm gan
--------#
Thưa bác sĩ ngày 9/6/2010 cháu xét nghiệm: AST 14.7 ,ALT 13.6 Anti HBe Dương tính 0.005 .Ngày 12/7/2011 AST 13.8 ,ALT 14.9 Định lượng HBV-DNA Dưới ngưỡng phát hiện ( Ngưỡng 300 copies/ml ) .thật sự cháu chẳng hiểu gì cả .Bác sĩ hẹn sáu tháng sau XN :HbeAg ,SGOT - SGPT - XGT ,XFP , như vậy bệnh cháu như thế nào có nặng lắm không.? có phát triển thành ung thư gan không bác sĩ ? thật sự cháu lo lắm.Mong bác sĩ trả lời sớm cho cháu ạ. Cháu cám ơn Bác Sĩ nhiều lắm ạ .
Người gửi: Trần Trúc Uyên
ÁP:
Bạn thân mến!
Bạn cần theo dõi dịnh kỳ với bác sĩ chuyên khoa. Nếu có gì thắc mắc có thể hỏi để được trả lời trực tiếp. Tình trạng của bạn là virut không có hoạt tính hay ngừng hoạt tính. Tuy nhiên có thể sau vài năn hay thậm chí vài mười năm sau virut mới tái hoạt trở lại. nếu trạng thái tái hoạt virut không được phát hiện thì mới có thể gây xơ gan hay ung thư gan.
Chúc bạn khỏe.
Thân ái
TS BS Phạm Thị Lệ Hoa
Trưởng phòng khám Viêm gan
--------#
Kết quả xét nghiệm của BVDHYD như sau : Creatinin : 0,83 ; GOT/ASAT : 32 ; GPT/ALAT :26 HBeAg : 51 ; AFP : 2.7 . Được chẩn đoán là : Xơ gan và dùng thuốc Fudteno thêm 3 tháng nữa (trước đó 3 tháng có xét nghiệm làm fribroscan với kết quả Stiffness (KPa) là : 8,4 (F2) và chẩn đoán là viêm gan mãn .Khi đó ,BS có cho dùng thuốc này hết 3 tháng , cứ tưởng bệnh giảm đi ) Tại sao từ viêm gan mãn đến cơ gan lại quá nhanh như thế ? Nghe nói là phải dùng thuốc đến suốt đời ( nhưng không biết có hạn chế được sự phát triển của bệnh hy không ). Không biết là bệnh hiện nay bệnh của vợ tôi ở mức độ nào , tôi hết sức bàng hoàng và thật sự bi quan khi nghe nói tới từ "xơ gan" đó BS ơi !!!!
Người gửi: Quốc Trung
ÁP:
Bạn thân mến!
Viêm gan mạn và xơ gan là 2 trạng thái riêng, có thể cùng hiện diện ở một bệnh nhân. Viêm gan kéo dài do bất kỳ nguyên nhân nào cũng là nguồn gốc dẫn đến xơ gan. Fibroscan dùng để đángh giá độ cứng của gan. Fibroscan 8,4Kpa là xơ hóa gan nhẹ, chưa đáng kể. Thường chỉ số này >12 Kpa là xơ hóa gan mới đáng kể. Xơ hóa gan là giai đoạn sớm của xơ gan. Xơ hóa gan càng nặng thì càng tiến gần đến giai đoạn xơ gan.
Ngoài viêm gan B với HBeAg (+), bạn cũng cần được tầm soát các nguyên nhân gây xơ gan khác như bệnh gan do rối loạn chuyển hóa sắt, đồng, chuyển hóa mỡ hay do tiểu đường.
Bạn có thể quan sát các dấu hiệu xét nghiệm của xơ gan khác như Tiếu cầu máu giảm, albumin máu thấp và thời gian đông máu kéo dài.
Nếu còn thắc mắc bạn có thể hỏi trực tiếp bác sĩ điều trị để được giải thích thêm.
Thân ái
TS BS Phạm Thị Lệ Hoa
Trưởng phòng khám Viêm gan
--------