Năm giờ chiều hôm đó, Kissinger, Bunker trở lại Dinh Độc Lập gặp Thiệu.
Kissinger có vẻ rất “hăng”. Thiệu lịch sự nhưng nhất định cứ hỏi bằng tiếng Việt cho Nhã thông ngôn để giữ buổi họp ở cấp lễ nghi hình thức. Ông nói: “Chúng tôi đã phân tích sơ qua thấy muốn hỏi một vài điểm cần minh xác và có thêm thời giờ để nghiên cứu bản văn, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh”. Rồi ông hỏi thêm: “À, còn ba quốc gia Đông Dương là những quốc gia nào vậy?”, Kissinger, không để lỡ một giây, đáp liền: “Thưa ngài, chắc thư ký đánh máy sai đấy”.
Bản tiếng Anh nói đến “ba dân tộc Đông Dương” (ám chỉ Lào, Campuchia và một nước Việt Nam), Thiệu nhất định không chấp nhận công thức ấy. Hội nghị Genève thừa nhận bốn quốc gia, trong đó có hai Việt Nam. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Việt Nam Cộng hoà, sự việc này đâu thể thay đổi. Thiệu còn cương quyết không chịu cho Mặt trận Giải phóng xưng là đại diện cho miền Nam Việt Nam.
Kissinger giải thích, nói “ba dân tộc Đông Dương” do sơ ý, lỗi đánh máy! Ông dám nói vậy dù bản dự thảo nhắc đến hai, ba lần và được viết vừa bằng chữ (three) vừa bằng con số 3.
Thiệu còn quan tâm đặc biệt đến định nghĩa của Hội đồng hoà hợp và hoà giải dân tộc. Nhiều lần trong bản văn, danh xưng này được gọi “cơ cấu hành chính”. Nếu đứng về ngôn ngữ Việt Nam thì “cơ cấu hành chính” và “cơ cấu chính quyền” rất giống nhau, ý nghĩa của nó rất dễ hiểu lầm thành chính phủ liên hiệp.
Kissinger giải thích, Hội đồng không có quyền hành của chính phủ mà chỉ có nhiệm vụ “cố vấn”, thi hành những gì đã được các phe phái đồng ý. Nó không phải chính phủ liên hiệp. Kissinger khăng khăng: “Nó chỉ là một hội đồng bé nhỏ tí ti, không có quyền hành. Nó chỉ là một cơ quan tư vấn thôi”.
- Còn quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì ra sao khi hiệp định Paris được ký kết?
Kissinger đáp, không có sự thâm nhập thêm nữa của quân đội từ miền Bắc và quân lực Việt Nam Cộng hoà với quân số 1 triệu 100 ngàn người chẳng việc gì phải sợ sự hiện diện của 140 ngàn quân Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Được hỏi tại sao không có đoạn nào nói rõ về sự rút quân Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì Kissinger giải thích: “Ờ, như quí ông biết, chúng tôi đã thảo luận điều đó với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và họ không chấp nhận nên chúng tôi nghĩ không cần ghi nó vào (bản văn) để khỏi làm hỏng bầu không khí!”.
Điều đó khiến Thiệu giận nhất trong phần trình bày của Kissinger, ông cứ khăng khăng cho hiệp định là “một thắng lợi to lớn nhất có thể đạt được và là sự sụp đổ của lập trường Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Nhã kể lại câu nói của Kissinger: “Lê Đức Thọ đến nói với tôi rằng, đó là nhượng bộ đau đớn nhất ông ta phải chịu nhưng vì lợi ích hoà bình nên đã phải nhường tôi và ông ta còn khóc nữa”.
Đến đây, Thiệu đề nghị một buổi họp ở cấp tiểu nhóm với Ngoại trưởng Lắm sáng hôm sau để thảo luận vào chi tiết bản hiệp định. Kissinger đồng ý. Dường như để “đấm mõm”, Kissinger và Bunker lại xin họp riêng với Thiệu, Cao Văn Viên, Đại tướng Creighton Abrams, người đứng đầu cơ quan viện trợ quân sự Mỹ (MAV-V) để thảo luận về việc gấp rút tăng cường tiếp liệu quân cụ cho Sài Gòn trước khi có ngưng bắn. Các loại trang bị được gửi qua Sài Gòn trước ngày ký kết hiệp định thay thế căn bản một đổi một theo các điều kiện quy định trong hiệp ước.