Trong cuốn sách “Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn” của Phạm Khắc Hòe, tác giả đã kể lại một câu chuyện thú vị khi vua Tự Đức đi xem bắn đại bác
Chuyện kể, năm 1873, sau khi cho đúc xong 40 khẩu đại bác, Tự Đức ra lệnh tổ chức một buổi bắn thử long trọng tại cửa biển Thuận An. Tin chắc cuộc bắn thử sẽ thành công nên Tự Đức còn mời cả Hoàng Thái hậu Từ Dũ đến ngự lãm. Hầu hết các hoàng thân quốc thích nhà Nguyễn, các văn võ đại thần đều tham gia.
Cuộc bắn thử được tiến hành trong ba ngày, đều là những ngày trăng sáng, vừa để ngắm phong cảnh, vừa để ngâm thơ xướng họa.
Ngoài những pháo thủ của kinh đô Huế, một số pháo thủ cũng từ miền Bắc trở vào để tham gia bắn thử. Tùy theo nòng lớn hay nhỏ, đại bác sẽ đặt cách đích từ 120 đến 200 trượng (khoảng 350m đến 600m).
Nhưng kết quả của cuộc bắn thử đã khiến hầu hết mọi người bất ngờ. Trong 120 phát súng đã bắn, không có phát nào trúng đích! Phát cách đích gần nhất cũng còn 5 trượng 2 tấc (khoảng 18m). Còn quả xa đích nhất thì cách đến 27 trượng (tức là gần 100m).
Có lẽ điều này cũng lý giải vì sao hầu hết các cuộc chống trả của nhà Nguyễn với quân đội Pháp trước đó luôn rơi vào thế yếu. Vào năm 1859, trong một cuộc tấn công của tàu chiến Pháp từ rạch Thị Nghè lên, phía quân nhà Nguyễn đáp trả bằng “thần công dữ dội”. Tuy nhiên, súng thần công nhà Nguyễn có đạn làm bằng gang nhồi thuốc nổ và đốt bằng dây nên sức công phá yếu, tầm bắn của những chiếc thần công này chỉ tầm 1000m. Tất nhiên, chúng không bắn trúng bất cứ một chiếc tàu nào của Pháp. Quân đội lạc hậu với vũ khí thô sơ của nhà Nguyễn bại dưới những khẩu súng hiện đại phương Tây như một điều tất yếu!
Em ké thêm tý thông tin, trên mạng:
Thực ra thì quân đội của tướng Genouilly đã tấn công thành Gia Định bằng hai loại pháo. Loại thứ nhất là pháo hải quân đặt trên tàu chiến, bắn từ rạch Thị Nghè lên thành Gia Định. Loại pháo này nặng khoảng 1.500 kg (không nặng hơn 2.000 kg), dài 2,5 m, đường kính nòng pháo 120-130 mm. Loại thứ hai là pháo hạng nhẹ đặt trên bánh xe, có tính cơ động cao, đây là loại pháo dành cho lính bộ binh và kỵ binh. Cả hai loại này được đúc thành ống nguyên khối từ đồng hoặc thép (không có đường hàn ráp nối), trong nòng súng có đường rãnh xoắn (khương tuyến) để vuốt cho viên đạn bay đi xa. Súng chia ra làm ba phần: Nòng súng, thân, cuối súng có bệ khóa và điểm hỏa; đạn đút cuối nòng, thao tác bắn bằng cách giật giây cho kim hỏa đập vào hạt nổ đẩy viên đạn đi. Loại đạn này nổ hai lần, lần thứ nhất là kích nổ ở cát tút đẩy viên đạn bay ra khỏi nòng và lần thứ hai khi chạm mục tiêu, lượng chất nổ chứa bên trong đầu đạn phát nổ công phá mục tiêu, tạo ra sức công phá lớn. Mỗi khẩu pháo có cơ số đạn tiêu chuẩn là 50 viên, tầm bắn xa 1.700-2.000 m (từ sông Sài Gòn, Tân Cảng đến thành Gia Định 1,2 km).
Quân Pháp tấn công theo hai hướng: Từ rạch Thị Nghè lên và từ sông Sài Gòn tới. Tàu chiến Pháp từ rạch Thị Nghè và sông Sài Gòn bắn đại bác cấp tập vào thành nhằm phủ đầu quân hộ thành. Phía quân nhà Nguyễn đáp trả bằng súng thần công dội xuống tàu địch đậu ở phía rạch Thị Nghè (Thảo Cầm viên ngày nay). Nhưng do súng thần công của nhà Nguyễn lúc đó bắn đạn tròn làm bằng gang bỏ đầu nòng, nhồi thuốc và đốt bằng dây mồi nên có tầm bắn ngắn dưới 1.000 m, sức công phá yếu nên bắn không tới chiếc tàu nào. Quân Pháp sử dụng đại bác bắn thẳng vào cửa thành, tuy bằng gỗ dày nhưng không chịu được sức công phá của đại bác hiện đại (loại nòng pháo có rãnh, đạn có cát tút, đầu đạn nổ khi chạm mục tiêu) nên bị phá vỡ. Quân Pháp-Tây Ban Nha tràn vào thành và một trận chiến xáp lá cà trong thành đã diễn ra ác liệt. Bằng tất cả
vũ khí có trong tay, quân nhà Nguyễn đã giữ thành đến trưa, độ chừng lúc gần 12 giờ (khoảng tám tiếng). Để bảo toàn lực lượng, quân nhà Nguyễn buộc phải bỏ thành rút lui. Tướng Hộ thành Võ Duy Ninh bị trọng thương và tự sát.
Sau khi Pháp chiếm được Vũng Tàu, ghềnh Rái, Cần Giờ, chúng đi từ biển vào Sài Gòn theo sông Lòng Tàu. Đoạn đường sông dài khoảng 30 km nhưng Pháp phải mất tám ngày mới đến được rạch Bến Nghé chân thành Gia Định. Đoàn tàu chiến của Pháp phải vượt qua 12 đồn binh của nhà Nguyễn một cách rất vất vả. Người Pháp ghi nhận là “người Việt Nam tự vệ mạnh mẽ, đường đạn của họ không phải là không chính xác, tàu La Dragonne bị trúng ba phát đạn, tàu Avalanche bảy phát” nhưng tàu không bị hư hại gì bởi đạn pháo chỉ là những cục tròn làm bằng gang, không có sức công phá nào đáng kể.