Không thể phân loại từ nguồn
Ngay cả khi những nhà máy đốt rác thành điện được đi vào hoạt động, vẫn còn đó nhiều nỗi lo. Nhà máy xử lý rác làm phân tại Cầu Diễn do Urenco quản lý vận hành là một minh chứng cụ thể. Nhà máy có vốn đầu tư hơn 61 tỷ đồng từ năm 2001 (một nửa vốn đầu tư vay ODA của Tây Ban Nha) từng bị đánh giá là thua lỗ, kém hiệu quả. Do rác vô cơ và hữu cơ không được phân loại từ đầu nguồn, dẫn đến việc nguyên liệu rác vào nhà máy không đạt yêu cầu. Nhà máy liên tiếp thua lỗ dẫn đến dừng hoạt động, xí nghiệp quản lý vận hành chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý bể phốt.
Năm 2016, nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện (lò đốt NEDO) tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn - Hà Nội) chính thức đi vào hoạt động. Dự án có tổng mức đầu tư trên 645 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ xử lý được 75 tấn/ngày chất thải công nghiệp và nguy hại, đồng thời tận dụng nhiệt phát điện với công suất 1930kW. Thế nhưng đến thời điểm này, nhà máy vẫn chưa đốt được tấn rác nào vì chưa tìm được nguồn rác nguyên liệu.
Ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định, chôn lấp hợp vệ sinh chỉ phù hợp với những nơi có quỹ đất rộng lớn. Đối với Hà Nội, đây không phải là giải pháp lâu dài vì mật độ dân cư rất dày, quỹ đất ít. Theo ông Đông, để xử lý rác sinh hoạt lâu dài phải phân loại được rác ngay tại nguồn. Sau đó, có thể áp dụng công nghệ xử lý rác thân thiện hơn là công nghệ khí hóa, kết hợp giữa việc phân loại, tái chế và phát điện.