Covid covac cccm ít quan tâm chuyện ma mị nhờ.
E đủn thớt đoạn nữa:
- ĐÊM DÀI MỘNG MỊ.
Phần hai:
Bà Hiên tỉnh lại nhưng vẫn còn hoảng loạn. Mọi người xung quanh đang nhốn nháo. Hai tay bà đưa lên trước mặt xua xua trong cơn mê sảng mất kiểm soát. Mãi một hồi lâu, mùi dầu gió phật linh sực nức và khoé mắt cay xè mới làm cho bà dần dần trở lại trạng thái bình thường. Sau khi những người hàng xóm chạy qua hỏi thăm đã lần lượt về hết, con trai bà kể lại:
- Con dậy đi vệ sinh, không thấy mẹ đâu mà cửa thì khép hờ nên con ra ngoài tìm. Lấy điện thoại gọi mới phát hiện tiếng kêu ở sau nhà, con đi ra thì thấy mẹ đã ngất lịm ở ngoài đó, chắc là mẹ bị trúng gió rồi.
Bà Hiên vẫn còn ám ảnh bởi nụ cười hiểm độc kia, nó như một nhát chém hằn sâu vào trong trí óc của bà, khiến cho mỗi lần nhớ đến bà lại rùng mình hoảng sợ. Khi cảm xúc đã lắng dịu trở lại, bà bảo các con tắt đèn đi ngủ. Trong bóng đêm, bà chỉ có một ý nghĩ duy nhất là mong cho trời mau sáng để bà còn có một việc rất quan trọng... Cần phải thực hiện gấp.
Sáng hôm sau, bà Hiên tỉnh dậy rất sớm. Việc đầu tiên bà nhớ đến là tấm danh thiếp. Hôm qua, lúc thấy mẹ ngã nằm dưới đất, con trai bà chạy đến để đưa bà vào nhà và chỉ nhặt theo chiếc điện thoại vẫn còn đang sáng màn hình, còn tấm danh thiếp thì do trời tối nên không nhìn thấy. Vì vậy mà con bà không biết đêm hôm bà ra ngoài ấy làm gì???
Sau khi các con bà đi làm hết, nhà cửa đã yên ắng, nhưng bà vẫn cẩn thận khép cửa lại trước khi gọi điện. Người ở đầu dây bên kia nghe được cuộc gọi của bà thì vô cùng mừng rỡ. Bởi khi việc tìm mộ cha đã đi vào ngõ cụt thì bỗng dưng xuất hiện ân nhân chỉ cho họ một tia sáng cuối đường hầm. Họ chỉ biết luôn miệng rối rít cảm ơn và hẹn gặp bà để có cơ hội được hậu tạ. Ngay từ lúc nghe điện thoại, họ đã coi bà như một người thân trong gia đình. Bởi chắc chắn, phải có cơ duyên lắm thì cha của họ mới báo mộng và nhờ bà giúp đỡ.
Khoảng một tuần sau, khi con bà đã tìm được chỗ gửi thằng cháu nội. Bà định bụng ngày mai sẽ tạm biệt con cháu và mấy người hàng xóm mới quen để về quê. Bỗng bà Hiên nhận được cuộc gọi của người đi tìm mộ. Họ vui mừng cho bà biết tin là họ đã thương lượng với chủ nhà xong. Đúng mười hai giờ đêm nay họ sẽ nhờ người bốc mộ để đưa đi nơi khác chôn cất. Họ rất tha thiết và khẩn khoản mời bà tham dự. Bà là người lớn nên bà biết, việc bốc mộ thường chỉ có những người thân trong nhà, những người họ hàng gần và người rất thân thiết với gia đình mới được mời tham dự. Việc họ mời bà, tức là họ cũng coi bà như một người thân. Hơn nữa, bà mới biết chính xác vị trí mà người trong giấc mộng kia đã chỉ tay. Nghĩ vậy nên bà Hiên nhận lời đồng ý, bởi dù sao đây cũng là một nghĩa cử đối với người đã khuất.
Chập tối hôm đó, người con trai chở bà quay lại dãy nhà trọ cũ, bà Hiên tay xách theo chiếc làn nhỏ đựng một ít lễ mọn để đến đó thắp hương cho người đã khuất. Bà nói dối các con rằng phòng trọ bên cạnh hôm nay có một bà thầy bói rất hay, nhưng việc của nhà họ sẽ cúng về đêm muộn. Bà muốn đến dự lễ và ngủ lại với bà hàng xóm một đêm trước khi về quê. Vì nhà họ cũng có người già lên trông cháu giống như bà. Con bà nghe mẹ nói như vậy thì yên tâm và vui vẻ chở bà đi rồi sáng mai sẽ quay lại đón. Biết việc lễ bái là sở thích của người già, nên các con bà cũng không hỏi mẹ thêm nữa.
Khi hai mẹ con bà tới đầu ngõ của dãy trọ cũ thì đã có người đứng đợi. Bà Hiên bảo con quay xe về luôn rồi bà đi vào, cánh cổng sau lưng bà liền khép lại. Thực ra, lúc này cả dãy trọ đã trống trơn, không còn một ai ở đó nữa. Bởi trong một tuần vừa qua, nhóm người họ đã thương lượng để thuê lại của chủ nhà với giá rất cao. Thoải mái để chủ nhà đền tiền cọc lại cho các gia đình đang sống ở đó, và họ còn nói rằng, nếu như chủ nhà đồng ý bán thì họ sẽ mua đứt. Hèn gì... Dãy trọ mới ngày nào bà ở đây đông vui là thế mà hôm nay lại yên ắng, tĩnh mịch một cách lạ thường, làm cho bà có cảm giác... Hơi lành lạnh.
Khi bước vào bên trong, bà Hiên thấy nhóm người ấy có thêm mấy người lạ, họ đang cúng. Nhưng điều làm cho bà ngạc nhiên và đứng nhìn không chớp mắt chính là nghi thức cúng trước khi động thổ của họ... Thật lạ lùng, bà chưa bao giờ nhìn thấy, hoặc nghe nói. Bảy người họ, mỗi người đều đội một bát nước trên đầu, một tay giữ bát nước, tay kia cầm bảy nén hương phất qua phất lại rồi lâu lâu lại gõ nắm hương lên chiếc bát trên đầu một cái. Họ đi vòng tròn quanh chiếc bàn đặt ở giữa nhà, vừa đi vừa lầm rầm khấn bằng một thứ thổ ngữ rất lạ. Trên bàn được đặt một mâm lễ nhưng lại trùm kín bằng một mảnh vải màu đen.
Lúc này, đèn điện trong nhà đã tắt hết, chỉ còn lại thứ ánh sáng phập phồng, thoi thóp của bảy ngọn nến cắm quanh bàn. Có lúc, những ngọn lửa ngả nghiêng, leo lét như sắp tắt bởi làn gió quẩn lên từ vòng tròn người đi lướt qua. Trước khung cảnh hư ảo và u linh ấy, bà Hiên chỉ biết đờ đẫn đứng nhìn, bà không hiểu chuyện này là thế nào? Và bà cũng không nói chuyện được với ai, bởi người ra đón bà xong rồi cũng sát nhập vào với những người đang đi vòng tròn đó. Họ tập trung đến nỗi... Coi như không có sự hiện diện của bà.
Họ kết thúc buổi lễ khi vừa bước sang canh một, giờ Tuất ( tức bảy giờ tối), họ bật đèn sáng lên và bắt đầu động thổ. Bà Hiên hồi hộp theo dõi. Tuy bà đã từng chết đi sống lại trong căn phòng này, nhưng bây giờ có đông người và bà đã biết chính xác đó là điều gì rồi chứ không phải mơ hồ như trước đây. Cho nên, bà chỉ thấy hơi rờn rợn thôi chứ không còn cảm giác sợ hãi như đã từng trải qua nữa. Nhóm người họ đã chuẩn bị sẵn dụng cụ rất chuyên nghiệp. Dưới lớp gạch nền nhà ấy là đất mềm, nhưng đào xuống sâu gần đến quan tài thì lại gặp một lớp gạch xây bao quanh rất chắc chắn. Đây là loại gạch được đóng bằng khuôn tay và nung già lửa cho nên viên gạch đã chuyển sang màu mận chín, cứng như sành chứ không phải loại gạch thường thấy. Chất kết dính những viên gạch ấy lại với nhau cũng thật đặc biệt, cực kì vững chắc, khiến cho họ đào phá vô cùng vất vả. Chiếc xà beng to nặng là thế mà khi phóng xuống vẫn bị nảy ngược lên, phát ra âm thanh tưng...tưng...tưng...
Bảy người họ thay nhau đào phá khẩn trương như sợ không kịp thời gian. Thỉnh thoảng, lão già lớn tuổi nhất trong nhóm lại đưa tay lên nhìn đồng hồ và xổ một tràng thổ ngữ, ra chiều rất sốt ruột. Những người còn lại tỏ ra rất phục tùng và gia tăng nhịp độ. Bà Hiên đứng xem và thắc mắc:
- Tại sao họ lại không thuê người đào nhỉ???
*****
Mãi đến hơn mười một giờ đêm họ mới cẩu được nguyên cả quan tài lên mặt đất bằng hai chiếc palăng xích và những đòn bẩy. Bà Hiên tiến sát lại nhìn cho rõ rồi đứng ngây ra nhíu mày suy nghĩ bởi sự khác thường mà bà phát hiện thấy. Theo như bà biết, thì đối với quan tài, trong dân gian người ta kị dùng đến kim loại. Mà chỉ dùng chốt mộng bằng gỗ để khóa tấm ván thiên với phần thân bên dưới. Đó là một loại chốt có hình đuôi cá rất chắc chắn. To bằng hai đầu ngón tay người lớn và dày khoảng một phân rưỡi đến hai phân. Ở giữa thắt lại, hai đầu xoè ra giống như hai chiếc đuôi cá quay ngược. Họ bố trí khoảnh cách đều nhau mỗi bên sườn bốn chiếc và đục lỗ mộng rất khít. Sau khi làm lễ nhập quan xong, đậy tấm ván thiên lại và đóng tám chiếc chốt này vào rồi thì việc mở ra là gần như không thể. Nhưng ở đây, ngoài tám chiếc chốt ấy, còn có thêm những thanh viền rất dày, ốp giằng vào các góc và được đóng rất nhiều đinh, tất cả đều bằng hợp kim mạ bạc trắng. Quả là... Cực kì chắc chắn.
Nhóm người họ phải rất vất vả mới nhổ được hết số đinh ấy, bà Hiên nhẩm đếm được đúng sáu mươi tư chiếc. Lúc này đồng hồ của lão trưởng nhóm cũng vừa điểm đúng mười hai giờ đêm. Trước khi nắp quan tài bật ra thì đèn điện đã được tắt hết. Thay vào đó là bảy ngọn đuốc được thắp lên sáng rực. Chất đốt đang cháy xèo xèo ấy xộc vào mũi bà một mùi khét lẹt, khó chịu và gây gây, ngây ngấy đến lợm giọng. Khiến bà rùng mình kìm lại một cơn nôn oẹ trào lên cổ họng. Khứu giác nhạy bén của bà đã khơi dậy một kí ức không thể nào quên trong cuộc đời.
Thời chiến tranh, bà Hiên từng là một nữ y tá quân y ở rừng Trường Sơn. Trong một lần trạm quân y nơi bà phục vụ bị trúng Bom Napan. Những căn hầm dã chiến kiểu nửa chìm nửa nổi được dựng bằng tranh tre nứa lá ấy có rất nhiều thương bệnh binh nặng đang nằm điều trị đã bị cháy rụi. Do quá bất ngờ, nên các y, bác sĩ không kịp chuyển thương bệnh binh đến hầm trú ẩn. Vậy là rất nhiều người đã không còn cơ hội sống sót. Sau trận oanh tạc, mọi người quay trở lại và tận mắt chứng kiến một cảnh tượng thật kinh hoàng. Rất nhiều xác người vẫn còn... Xèo xèo trong đám lửa than hồng rực. Mùi chất cháy quện lẫn mùi mỡ người khét lẹt và gây gây, đặc quánh cả một vùng, khiến cho ai cũng ngây ngất. Bà Hiên ám ảnh mùi chết chóc đáng sợ ấy đến nỗi, cả tháng trời vẫn còn nôn oẹ mỗi khi nhớ đến. Dù đã mấy chục năm trôi qua, nhưng giờ đây khứu giác của bà vẫn còn nhận biết được một cách chính xác để mách bảo bà:
- Đây đúng là cái mùi chết chóc ấy...
Mùi... Mỡ người.
Bà Hiên lúc này tuy rất sợ nhưng cũng tiến lại gần hơn để xem cho rõ. Khi nắp quan tài được lật ngửa ra, bảy người họ đều cầm bát nước cúng trên tay rồi tất cả họ đều ngậm thứ nước ấy mà phun phì phì vào trong quan tài. Đồng thời họ cầm đuốc huơ qua huơ lại. Trong phút chốc, lớp âm khí tích tụ lâu ngày tạo thành một làn hơi mờ đục kia tan biến. Nhưng đó cũng là lúc sắc mặt của lão già lớn tuổi nhất trong nhóm bỗng sa sầm rồi đanh lại. Ánh nhìn của lão ta phóng xuống quan tài giống như một mũi lao nhọn hoắt của bộ tộc thổ dân, găm chặt vào mục tiêu. Hai hàm răng lão nghiến chặt vào nhau đến bạnh cả quai hàm...
Cùng lúc đó, miệng bà Hiên cũng há ra và trợn tròn mắt lên kinh ngạc... Dưới ánh sáng của bảy ngọn đuốc đang cháy bùng bùng, đập vào mắt bà là một tử thi khô quắt, da dính chặt vào xương chứ không phải là một bộ xương bình thường như bà nghĩ. Mọi thứ trong chiếc quan tài này đều khác biệt hoàn toàn so với trí tưởng tượng của bà... Sao lại thế này???
Xác chết không có đầu. Hay nói đúng hơn là đầu của xác chết không nằm trên cổ... Điều làm cho bà bủn rủn chân tay là chiếc cần cổ vẫn còn nguyên bảy đốt xương, và vẫn đeo một chiếc vòng. Còn cái sọ tròn lông lốc và dính tóc lởm chởm kia thì lại bị đặt nằm úp mặt ở vị trí giữa hai đùi của người chết. Hình ảnh đáng sợ này khiến Bà Hiên nghĩ ngay rằng:
- Đây là xác của người bị... Chém đầu.
Và nếu như đây quả thực là một tội nhân bị hành hình bằng hình thức chém đầu thì chắc chắn vị đao phủ ấy phải là một người có võ công cái thế. Và tuyệt kĩ dụng đao của họ đã đạt đến cảnh giới thượng thừa. Bởi vì, cần cổ có bảy đốt, và đốt trên cùng sát với xương hộp sọ được gọi là đốt chẩm. Nhưng nếu chém ở vị trí ấy thì đường đao sẽ đi sát dưới mang tai và bập thẳng xuống xương quai hàm. Cho nên, để chém được một nhát chém lấy mình thủ cấp và giữ lại đốt chẩm trên cần cổ như thế thì đường chém ấy bắt buộc phải lượn theo hình bán nguyệt. Và nếu đúng vậy thì cho dù có là Đặng Hải Sơn, vị đao phủ chém đầu nhiều tội nhân nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Trung Quốc, sống ở cuối thời nhà Thanh cũng không chém được nhát chém có đường cong bán nguyệt như thế. Bởi vì thầy của ông ấy chỉ tập cho học trò kẻ một đường mực ngang gáy, vị trí khoảng giữa đốt ba và bốn là chỗ vòng cổ nhỏ nhất, dễ đứt nhất. Người chém chẻ đôi được đường mực ấy thì cũng được coi là kỳ tài trong thiên hạ rồi. Chính những kiến thức về y khoa đã cho bà một nhận định xác thực và một cảm giác đáng sợ như thế khi nhìn vào bảy đốt sống vẫn còn dính trên cổ của cái xác ấy... Và nếu đúng như bà nghĩ thì thi thể bị chém đầu này phải là một tội nhân... Vô cùng... Đặc biệt.
Chính những điều mà bà tận mắt chứng kiến từ tối đến giờ đã khiến cho bà khẳng định rằng :
- Người này không phải mới chết cách đây mấy chục năm như người đàn ông kia từng nói với bà. Hơn nữa, thứ thổ ngữ của nhóm người họ lúc lầm rầm khấn vái và lúc họ trao đổi với nhau đã chứng tỏ một điều:
- Họ không phải người miền xuôi.
Với kiến thức và sự hiểu biết của bà thì người nằm trong quan tài có khung xương dài và khổ vai rộng ấy, cộng với bộ quần áo màu chàm, có hoạ tiết hoa văn thổ cẩm chạy dọc theo hàng khuy và dưới gấu quần mà họ mặc, đã khiến bà Hiên khẳng định trong suy nghĩ rằng:
- Đây là một người đàn ông cao lớn và có xuất thân từ vùng sơn cước.
Chỉ có một điều mà bà không thể biết, đó là:
- Tại sao... Nhóm người kia lại nói dối bà???
*****
Bỗng bà Hiên nheo mắt nhìn chăm chú vào một vật quen quen. Ký ức xa xưa chợt ùa về khiến cho bà nhớ lại...
Đó chính là chiếc áo bào mà xác chết kia đang khoác trên vai, chiếc áo dài gần hết chiều dài của cái xác. Lúc đầu mới nhìn bà cứ ngỡ đó là một tấm vải niệm được lót dưới đáy quan tài. Nhưng khi đã nhìn rõ đường viền xung quanh và dải dây buộc thắt nút trên cổ thì bà đã nhận ra, đó đúng là một chiếc áo bào. Ngày nhỏ bà Hiên đã từng nhìn thấy. Mỗi lần có dịp tế lễ quan trọng của dân làng, ông nội bà thường khoác chiếc áo bào giống như thế này rồi tay cầm một thanh kiếm để nhảy múa lúc hành lễ. Cuối buổi lễ, dân làng ai cũng cung kính cúi lạy chiếc áo và thanh kiếm trước khi cho vào một chiếc hộp gỗ được sơn màu đỏ và cất đi cẩn thận. Chỉ khác có một điều:
- Chiếc áo của ông nội bà khoác là màu đỏ, còn chiếc áo trong quan tài là... Màu đen.
Thực ra, bà Hiên vốn xuất thân là người miền núi, giáp biên giới phía bắc. Năm mười tuổi, một lần đeo gùi vào rừng hái nấm, bà gặp một người phụ nữ lạ mặt. Họ rủ bà đi theo để họ chỉ cho một chỗ nấm mọc rất nhiều. Nhưng hai người đi mãi và lạc trong rừng đến tối, sáng ngủ dậy lại đi tiếp đến chiều. Khi đã đói và mệt lả thì gặp được một người cưỡi ngựa, hai người họ trao đổi với nhau điều gì đó rồi người phụ nữ bảo bà lên ngựa để người đàn ông kia giúp bà tìm đường về nhà. Tối đó, người cưỡi ngựa đưa bà về một nhà người lạ. Sáng mai ngủ dậy, bà Hiên không thấy người kia đâu nữa, hỏi thì chủ nhà bảo họ đi rồi. Bà Hiên ở đó một thời gian thì có người đến nhận bà làm con nuôi và đưa đi rất xa quê cũ, vì thế mà một đứa trẻ mười tuổi đầu như bà ngày ấy đã không thể tìm được đường về quê nữa. Bà chỉ nhớ được tên ông bà, bố mẹ và bà còn có một người chị gái nữa. Quê bà có rất nhiều núi đá cao sừng sững, buổi sáng có mây phủ bồng bềnh rất đẹp, còn thuộc vùng nào, dân tộc nào thì bà không biết. Chỉ có một hình ảnh mà bà nhớ rõ nhất là dãy núi trước cửa nhà bà nhìn ra, có một hang động rất to. Ngay ngoài cửa hang có mấy mỏm thạch nhũ trắng nhỏ xuống, nhìn từ xa rất giống cái miệng của em bé mới mọc răng đang há ra cười...
Bà Hiên đang chăm chú nhìn chiếc áo bào và suy nghĩ miên man thì bỗng lão già trưởng nhóm kia bước đến trước mặt và cắt ngang kí ức của bà bằng một giọng nói khàn khàn và trầm đục. Lão ta đề nghị:
- Bà là người đã có cơ duyên được gặp ông ấy, bây giờ phiền bà làm nốt phần việc cuối cùng. Bà hãy đưa chiếc đầu kia đặt vào đúng vị trí, chúng tôi rất cảm ơn bà.
Bà Hiên nghe lão ta nói như vậy thì toan từ chối. Nhưng khi bà vừa ngước lên nhìn thì bắt gặp đôi mắt của lão... Một đôi mắt mà vừa nhìn thấy đã khiến cho bà giật mình ớn lạnh... Lần đầu tiên trong đời bà gặp một đôi mắt đáng sợ như vậy...
Nó không phải là một đôi mắt sắc lạnh mang đầy sát khí. Hoặc trợn trừng trừng của người tức giận... Mà là một đôi mắt toàn một màu đen sì và khô khốc. Không hề có một chút long lanh phản chiếu nào trong ấy, mặc dù tay lão đang cầm cây đuốc cháy bùng bùng giơ lên trước mặt. Bà Hiên vì quá sợ mà phải miễn cưỡng... Gật đầu.
Bà từ từ bước tới, bảy ngọn đuốc và bảy cặp mắt như mở to ra để dõi theo từng bước chân khó nhọc của bà. Hai tay run run lật ngửa chiếc đầu còn lởm chởm tóc ấy lên mà toàn thân bà lạnh toát, nổi đầy gai ốc. Thoáng nhìn khuôn mặt nhăn nhúm, hai hốc mắt trũng sâu và cái miệng há ra tối om ấy, bà Hiên chợt rùng mình rồi đưa mắt nhanh đi chỗ khác. Có lẽ, đây là việc làm khó khăn và gắng gượng nhất trong cuộc đời của bà.
Thời chiến tranh, bà đã từng chứng kiến rất nhiều cái chết. Có những lần sau trận đánh, bà cùng đồng đội đi tải thương và an táng những tử sĩ. Có những cái chết không nguyên vẹn, bà và đồng đội phải đi nhặt từng mảnh thịt, từng nửa thân người, từng cánh tay để gom lại. Hoặc khi cõng những cái xác chết cháy đen thui co quắp, nhưng bà cũng không cảm thấy khủng khiếp như lúc này. Bởi vì đó là công việc, đó là trách nhiệm, và hơn hết, đó là tình thương, tình đồng đội và lòng căm thù đã tạo nên cho bà một sự bạo dạn khác thường. Lúc ấy bà chỉ có một cảm giác duy nhất, đó là bà cảm thấy may mắn vì chưa đến lượt mình.
Nhưng còn lúc này thì khác, bà đã từng bị linh hồn của người này hành cho chết đi sống lại. Và bây giờ lại bị ép buộc phải sờ tay vào để cảm nhận hết nỗi sợ hãi đang run rẩy trong từng tế bào, từng mạch máu, từng thớ thịt trong cơ thể. Công việc này quả là khó nhọc quá, nó sắp vượt qua giới hạn sức chịu đựng của bà, nó sắp làm bà tắt thở...
Ngay khi bà Hiên vừa đặt chiếc đầu vào vị trí. Bàn tay của bà cảm nhận được rất rõ một luồng âm phong lạnh buốt toả ra từ hốc miệng đen ngòm, khiến bà giật mình hoảng hốt rụt tay lại. Cùng lúc ấy, bà phát hiện ra trên chiếc vòng đồng của cái xác đang đeo có một vật màu xanh. Bà nheo mắt nhìn kĩ lại rồi suýt bật kêu lên thành tiếng, chân bà như muốn khuỵu xuống... Bởi vì, đó là một miếng ngọc được khắc hình một con bướm mặt người... Khuôn mặt trên con quỷ điệp ấy chính là khuôn mặt của người đàn ông bà đã gặp trong giấc mộng. Do miếng ngọc được chôn cùng với xác chết nhiều năm, khí huyết của người chết bị hút thấm vào khiến cho con bướm ấy có những tia máu đỏ vằn vện. Dưới ánh sáng của những ngọn đuốc, cái miệng của nó đỏ lòm như vừa hút máu và đôi mắt của nó cũng trở nên đỏ rực, như mắt quỷ.
Bà Hiên vừa thoáng nhìn vào hai chấm mắt đỏ lòm ấy thì bỗng... Sau một cái chớp mắt... Màu đỏ của mắt con bướm lớn vụt lên, bao trùm hết tâm thức của bà. Mọi thứ xung quanh đều biến mất, khiến cho bà cảm giác như bị lạc vào một thế giới khác, toàn màu đỏ. Rồi bất thình lình bộ xương này lù lù xuất hiện ngay trước mặt. Hắn mặc áo bào đen, trên tay cầm một cây gậy đen bóng, to và cao hơn đầu người. Theo sau hắn là tầng tầng lớp lớp những độc trùng gớm ghiếc. Đặc biệt là nụ cười của hắn, một nụ cười ngạo nghễ và... Khó hiểu.
Bà chưa kịp định thần thì cây gậy đen trùi trũi trên tay hắn chuyển động. Bà Hiên ngước mắt lên nhìn và giật mình kinh hãi... Đó không phải là một cây gậy bình thường... Mà là... Một con rắn đang đứng thẳng. Trên đầu của con độc xà ấy có một con bướm đang đậu. Nhưng đó cũng không phải một con bướm bình thường... Mà là... Một con bướm có sừng kì quái. Nó không có mắt, mũi và miệng. Thay vào đó là một chiếc vòi đỏ lòm như chuyên dùng để hút máu. Đợi khi nào con rắn khoan hai lỗ thủng bằng hai chiếc răng dài chứa chất kịch độc vào con mồi xong thì sẽ đến phần việc của nó.
Bỗng... Con rắn vươn cổ lên cao nghiêng ngó... Rồi bất ngờ há cái miệng đỏ lòm có hai hàm răng tua tủa ra... Mổ thẳng vào giữa mặt bà Hiên một cái... Phù... Bà loạng choạng bước lùi lại để tránh nhát cắn chí mạng ấy. Đột nhiên, quỷ ảnh vụt biến mất trong tâm thức... Cũng chỉ sau một cái chớp mắt.
Lão già nhìn bà một cách soi mói rồi cất tiếng khàn khàn hỏi:
- Bà làm sao thế, bà vừa thấy điều gì?
Bà Hiên đã quen với những tình huống ứng biến bất ngờ như thế này từ thời chiến tranh. Bởi theo yêu cầu của nhiệm vụ, bà cũng đã từng là một giao liên, trong người có cả xấp tài liệu mật nhưng bà vẫn thản nhiên qua mắt bọn mật thám. Hoặc có những lần, các cán bộ cấp cao bị trọng thương, trước khi vào ca phẫu thuật ở trạm quân y, họ tin tưởng gửi những tài liệu quan trọng cho bà cất giữ. Bây giờ gặp lại tình huống như thế, câu hỏi ấy của lão giống như một luồng điện xẹt ngang qua tâm trí của bà để khai mở kho kinh nghiệm và kích hoạt khả năng ứng biến của bà hoạt động trở lại.
Bà Hiên chậm rãi xua tay và thều thào trả lời một cách mệt nhọc:
- Không sao, chỉ là do tôi bị huyết áp cao và lâu ngày không thức khuya thôi. Tuy miệng trả lời nhưng bà sợ sệt không dám nhìn thẳng vào đôi mắt khô khốc, đen sì của lão.
Lúc này, nhóm người kia bắt đầu công việc bốc cốt. Họ làm việc một cách vội vàng như sắp hết thời gian. Sau khi xong việc, họ cũng không thu dọn trả lại mặt bằng, quan tài và gạch,đất ngổn ngang. Ngay gần góc nhà, nơi chiếc giường của mẹ con bà cháu bà đã nằm bây giờ là một hố chôn sâu hoắm. Bà Hiên thấy lạ bởi họ nói rằng đưa đi nơi khác chôn cất nhưng vẫn để nguyên hình hài như vậy sang chiếc túi giống như một chiếc hộp rất đẹp, đã được chuẩn bị sẵn. Sau khi bốn người họ chuyển hài cốt ra xe thì mới tắt đuốc và đèn điện trong nhà được bật sáng trở lại để thu dọn. Ba người đi sau, họ mang vác đồ đạc cồng kềnh nên ngỏ ý nhờ bà tắt điện và đóng cửa giúp.
Còn lại một mình, bà Hiên đảo mắt nhìn quanh khắp lượt căn phòng đã cho bà nhiều cảm xúc và ám ảnh nhất trong cuộc đời... Bỗng ánh mắt của bà chợt dừng lại ở nơi nắp quan tài đang lật ngửa. Bây giờ bà mới nhìn thấy... Ở đó, có một hình bát quái được khắc chìm trong gỗ...
Bà Hiên đã từng tìm hiểu qua Kinh Dịch, cho nên khi vừa nhìn thấy hình khắc ấy bà liền liên tưởng ngay đến con số sáu mươi tư chiếc đinh bạc khóa chặt cỗ quan tài này.
Bà lẩm bẩm một mình:
- Càn... Khôn... Bát... Quái.
Với sự hiểu biết và từng trải của mình, bà Hiên nhanh chóng sâu chuỗi các sự kiện lại với nhau để tạo cho mình một nỗi hãi hùng và hoang mang tột độ khi đưa ra kết luận:
- Đây là một ngôi mộ cổ bị trấn yểm.
Đang quay cuồng bấn loạn với những thắc mắc và nhiều điều bí ẩn chưa có lời giải thì đột nhiên, bà cảm giác có thứ gì đó phía trên đầu... Bà ngửa mặt nhìn lên rồi giật nảy người. Luồng điện lạnh toát hôm trước lại chạy dọc sống lưng và đọng lại ngay sau gáy...
Không biết từ lúc nào... Trên trần nhà có một con bướm ma khổng lồ... Đang im lìm nhìn xuống. Bà Hiên vội vàng đưa tay lên tắt điện rồi vùng chạy ra khỏi căn phòng ma ám. Ngoài đường khuya, chiếc xe chở theo cái xác và tất cả mọi điều bí ẩn đã lao đi mất dạng... Chắc chắn rồi đây bà Hiên và gia đình mình sẽ gặp vô vàn rắc rối...
Bởi vì... Bà đã vô tình chạm vào thế giới của... Người Chết...