Đúng rồi. Cụ xem bài thơ đó chất chứa tự hào như thế nào. Do một trí thức Thăng Long, người được ăn học đàng hoàng sáng tác.
Nhà cháu đọc Hoàng Lê Nhất thống chí từ năm 10 tuổi cụ ạ, nên cụ không nên nhắc đến HLNTC ở đây.
Cụ đưa nguyên văn câu "không người dân Bắc nào ủng hộ Tây Sơn" và câu "dân Bắc ủng hộ Thanh đánh Tây Sơn" trong HLNTC ra đây.
Thì Nhậm nói:
- Không phải thế! Ông chỉ biết một mà chưa biết hai. Việc thiên hạ, tình tuy giống nhau mà thế có khác nhau, sự đắc thất do đó cũng khác hẳn. Xưa kia, nước ta bị phụ thuộc vào Trung Quốc, quân Minh buông tuồng làm điều tàn bạo. Người cả nước ai cũng muốn đuổi chúng đi. Cho nên vua Lê Thái Tổ chỉ gọi một tiếng là xa gần hưởng ứng, hào kiệt trong nước kéo đến như mây tụ. Mỗi lúc đánh nhau với giặc, người trong nước chỉ lo quân mình bất lợi. Mỗi khi có tin thắng trận, ai nấy đều hết sức vui mừng. Lòng người như thế, nên hễ chỗ nào có quân mình mai phục, thì người ta đều giấu kín cho, khiến giặc không hề biết. Sở dĩ thắng được giặc, đều bởi cớ ấy. Ngày nay, những người bề tôi trốn tránh của nhà Lê, đâu đâu cũng có nghe tin quân Thanh sang cứu, họ đều nghển cổ mà trông. Sĩ dân cả nước, giành nhau mà đón chúng. Quân ta mai phục ở đâu, địa thế hiểm hay không, số quân nhiều hay ít, quân giặc chưa biết thì họ đã báo trước với chúng. Chúng sẽ nhân kế của ta mà lập kế của chúng, rồi bốn mặt kéo đến vây bắt. Quân cơ đã bị tiết lộ, tự nhiên mất hết điều tiện lợi. ấy là mình tự hãm mình vào chỗ chết. Còn hòng đánh úp được ai?
Binh pháp có nói: "Khéo che đậy không khi nào không thắng, vụng che đậy không khi nào không thua". Được thua khác nhau là do ở chỗ xưa với nay khác nhau vậy!
Sở hỏi:
- Vậy thì nên làm thế nào?
Nhậm trả lời:
- Phép dụng binh chỉ có một đánh một giữ mà thôi. Nay quân Thanh sang đây, tiếng tăm rất lớn. Những kẻ trong nước làm nội ứng cho chúng, phần nhiều là phao tin đồn nhảm, làm cho thanh thế của chúng to thêm, để cho lòng người sợ hãi lay động. Quân ta có ai được sai phái đi đâu, vừa ra khỏi thành là đã bị bắt giết. Số người Bắc Hà thuộc vào sổ quân của ta, hễ gặp dịp sơ hở là bỏ trốn liền. Đem đội quân ấy mà đánh, không khác gì xua bầy dê đi chọi cọp dữ, không thua sao được? Đến như việc đóng cửa thành mà cố thủ, thì lòng người đã không vững, ắt thế nào cũng sinh ra mối lo ở bên trong. Dầu cho Tôn, Ngô (tức Tôn Võ, người nước Tề đời Xuân Thu, và Ngô Khởi người nước Vệ đời Chiến quốc; hai nhà quân sự nổi tiếng của Trung Quốc thời xưa) sống lại, cũng phải bó tay, không thể làm được gì. Thật chẳng khác gì đem một con chạch bỏ giỏ cua. Xin nghĩ kỹ mà xem! Đánh đã chẳng được, giữ cũng không vững. Vậy thì cả hai chước đánh và giữ đều không phải là kế hay. Nghĩ cho cùng thì chỉ còn một cách này: sơm sớm truyền cho thuỷ quân chở đầy các thuyền lương, thuận gió giương buồm, ra thẳng cửa biển, đến vùng Biên Sơn mà đóng. Quân bộ thì sửa soạn khí giới, gióng trống lên đường, lui về giữ núi Tam Điệp. Hai mặt thuỷ bộ liên lạc với nhau, giữ lấy chỗ hiểm yếu, rồi cho người chạy giấy về bẩm với chúa công. Thử xem quân Thanh đến thành, khu xử việc nhà Lê ra sao? Vua Chiêu thống sau khi phục quốc, xếp đặt việc quân việc nước thế nào? Chờ chúa công ra, bấy giờ sẽ quyết chiến một phen cũng chưa muộn gì.
Sở nói:
- Chúa công về Nam, đem thành này giao phó cho ta. Giặc đến thì phải sống chết với giặc, còn mất với thành, trên không thẹn là kẻ bề tôi giữ đất, dưới không phụ chức trách cầm quân. Nếu mới thấy bóng giặc đã trốn, bỏ thành cho giặc, chẳng những mang tội với chúa công mà người Bắc còn coi ta ra cái gì?
Nhậm nói:
- Tướng giỏi thời xưa, lường thế giặc rồi mới đánh, nắm phần thắng rồi mới hành động, tuỳ theo tình thế thay đổi mà bày ra chước lạ. Giống như đánh cờ, trước thì chịu thua người một nước, sau mới được người ta một nước; đừng có đem nước sau làm nước trước, đó mới là tay cao cờ. Nay ta hãy bảo toàn lấy quân lực mà rút lui, không bỏ mất một mũi tên. Cho chúng ngủ trọ một đêm, rồi lại đuổi đi, cũng như ngọc bích của nước Tấn đời xưa, vẫn nguyên lành chứ có mất gì. Nếu có vì thế mà mắc lỗi, tôi sẽ xin bộc bạch với chúa công, thế nào cũng được chúa công lượng xét, xin ông chớ nghi ngại.