- Biển số
- OF-207662
- Ngày cấp bằng
- 26/8/13
- Số km
- 7,419
- Động cơ
- 1,966,650 Mã lực
Em đặt chỗ theo dõi.Em tiếp câu chuyện " Người anh hùng chiến trường K" em để chữ in đậm cho các cụ mợ tiện theo dõi.
Đúng 7h tối tôi và bà xã đến một ngõ nhỏ ở khu vực Trích Sài. Một ngôi nhà nhỏ, có khoảng sân khá rộng, nhìn đúng địa chỉ cô cháu gái cho. Cửa nhà mở rộng, có ánh đèn hắt ra, chắc mẩm chủ có nhà, tôi bước đến trước cánh cửa mở sẵn. Một giọng sảng sảng hỏi lớn :
- Mày ở đoàn nào bên Campuchia?
Hơi giật mình, tôi nhìn kỹ. Một người đàn ông mặc cái áo may ô lính cộc tay đang ngồi hút thuốc trước bộ salon cũ cũ, trước mặt là một ấm trà và cái gạt tàn khá to chứa đầy tàn thuốc. Có lẽ ông ta chưa đến 70 nhưng đầu hói tít tận đỉnh, tóc không bạc.
- Dạ, em chào anh. Hồi bên K em bên B.68.
Thường lính ở K thuộc các đơn vị đặc biệt hay ở các đoàn : đoàn 478, đoàn 141,...
- À, lính B68 hả ? Lính ban này cũng lăn lộn với cách mạng Campuchia khá đấy. Lính B68 mà về được nhà cũng là may mắn lắm.
Sau khi mời hai vợ chồng ngồi, ông ta nói :
- Việc của mày tao nghe con bé Hương rồi (tên cô cháu). Đưa tay tao bắt mạch xem đã.
Sau khi bắt mạch, nghe ngóng một hồi, ổng phán :
- Yên tâm, mày còn sống lâu. Cũng là cái duyên của hai anh em. Tao sẽ cố gắng, thuốc tao đang đun trong bếp rồi.
Quay sang bà xã ông nói :
Cô vào bếp xem cho nồi thuốc sôi 15' nữa thì tắt bếp rồi để cho nó nguội.
Ông rót nước mời tôi uống, đẩy bao thuốc về phía tôi :
- Hút thuốc đi. Tao phải hút liên tục mới làm được việc. Mỗi ngày tao hút 4-5 bao thuốc.
Nghe ông nói tôi mới để ý trên cái bàn nhỏ ở góc có 2-3 cây thuốc Vina. Mà đúng là từ lúc bước vào thấy ông đốt thuốc liên tục. Căn phòng khách nhỏ luôn phủ một làn khói mỏng.
- Tao tên H, sinh 1957, đi lính tháng 2-1975. Còn mày 1958 chắc đi lính 1976. Cũng là anh em thôi, không cần câu nệ gì. Anh em lính tráng cả. Nhất là cùng sống sót ở cái nơi khốc liệt trở về.
Sau đó cả hai chúng tôi đều kể về những kỷ niệm chiến trường K, những vùng đất mà cả hai đã đi qua... Đột ngột ông H hỏi :
- Từng đó năm ở bên K mà mày không dính đạn lần nào à ?
- Em có bị thương ở bắp chân trong một trận bị phục kích ở Ta Keo.
- Đâu tao xem nào ?
Tôi vén quần đưa chỗ bắp chân ông xem.
- Lạ thật. Tao cũng bị một viên đạn xé toạc bắp chân trái giống mày, cũng ở một ngôi chùa ở Ta keo.
Chuyện trò hàn huyên một lúc thời gian trôi vèo. 10h tối tôi và bà xã xin phép về, mang theo 3 lít nước thuốc của ông H và hẹn tối mai lại lên.
- Uh, lên lúc nào cũng được, tao đang ở một mình cũng buồn. Bà xã ra Quảng ninh trông nom công việc kinh doanh cho cô con gái.
Và liên tục trong 15 ngày, tối nào tôi cũng lên nhà ông H uống trà, hút thuốc và lấy thuốc về uống. Hôm nào hai anh em cũng kể chuyện về Campuchia. Toàn những mẩu chuyện vụn vặt. Tôi chắp nối lại để hình dung ra đời lính của H.
Ghi theo lời kể của ông H:
Tháng 2/1975 tao bị gọi nhập ngũ khi đang học năm 1 Đại học tổng hợp. Sau 1 tháng huấn luyện tân binh, tao được nhét khẩu AK Tàu vào tay và lên đường vào chiến trường B đang sôi động. Bọn tao không phải đi bộ " xẻ dọc Trường Sơn " như thế hệ cha anh mà lên tàu hỏa chạy thẳng vào Vinh. Sau đó lên ô tô chạy theo quốc lộ 1 tiến thẳng vào phía Nam. Dù có hành quân nhanh đến mấy thì bọn tao luôn luôn bị muộn so với đà tấn công thần tốc của quân ta. Vào đến Sài Gòn thì thành phố đã giải phóng được chục ngày. Bọn tao chỉ làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường và ngơ ngác giữa SG hoa lệ. Tao được phân về một tiểu đoàn quân cảnh thuộc Ban Quân Quản thành phố. Hàng ngày cắp AK đi tuần dọc các đường phố ở quận 3. Sau 3 tháng vừa kịp làm quen với phố phường SG thì tao được điều về đoàn đặc công 198 đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên. Từ đó tao mới thực sự được huấn luyện để trở thành một người lính thực thụ. Sau 18 tháng huấn luyện, bọn tao bước vào chiến dịch truy quét Funro trên địa bàn Tây Nguyên. Lúc đó khoảng năm 1977, Polpot bắt đầu động binh dọc các tỉnh biên giới. Tây Nguyên giáp các tỉnh Đông Bắc Campuchia như Mondunkiri, Ratanakiri...là những tỉnh hẻo lánh thưa dân nên cũng yên ổn. Chính vì vậy bọn tao có nhiệm vụ đưa các cán bộ cách mạng Campuchia đã và học tại Việt Nam về để tham gia chính phủ Polpot. Rất tiếc là những đ/c sau khi được bàn giao ở biên giới đều bị Polpot xả súng giết ngay tại chỗ. Đầu 1978 đơn vị tao tổ chức các nhóm trinh sát nhỏ luồn sâu vào các tỉnh dọc biên giới chuẩn bị cho chiến dịch phản công vào đất K. Tao liên tục dắt anh em vào đất địch và hoàn thành khá xuất sắc nhiệm của mình. Cuối 1978 khi ta mở chiến dịch phản công tao đã là đại đội trưởng dẫn một mũi đặc công đánh tuốt vào Mundunkiri, đánh tan hệ thống phòng ngự tại đó và dẫn đại đội tiến thẳng xuống Ta keo. Khi Phnom Penh giải phóng thì đại đội tao đang đóng ở tỉnh lỵ Ta Keo. Và từ đó đoàn 198 tách làm hai thành 198A và 198B tao thành tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn của 198B. Và từ đó tiểu đoàn của tao tung hoành khắp các tỉnh trên đất Campuchia và tao cũng trở lên nổi tiếng ở 198B, dẫn quân đánh đâu thắng đó.
Sau mấy năm dẫn quân làm nhiệm khắp đất Campuchia, đầu năm 1982 khi đang ở khu vực sát biên giới K-Thái tao được lệnh bàn giao đơn vị. Trở về Bộ tư lệnh tiền phương nhận nhiệm vụ mới. Trở về Phnom Penh tao trở thành giúp việc cho tướng Đoàn Khuê. Cũng thời gian này Tiền phương bộ có kế hoạch phong anh hùng cho một số nhỏ sĩ quan, chiến sĩ có thành tích nổi bật trong cuộc chiến Tây Nam và chiến dịch phản công giải phóng Campuchia. Tao may mắn được lọt vào danh sách cũng 5 người nữa. Bọn tao được về SG và tổ chức buổi nhận danh hiệu ở hội trường quân khu 7. Buổi lễ diễn ra lặng lẽ, không có báo chí tuyên truyền...
Sau đó tao tiếp tục trở lại Phnom Penh làm nhiệm vụ. À mà lúc đó chắc mày đã sang bảo vệ ĐS Ngô Điền rồi chứ ? Mà sao tao hay đưa cụ Đoàn Khuê sang SQ họp mà không gặp mày ?
- Vâng, lúc đó em đang ở SQ rồi. Bước ra khỏi cổng chính của Tiền phương bộ rẽ phải là cổng sau của cung điện Chamca Mon, rẽ trái đi khoảng 200m là cổng sau của SQ VN. Cổng sau SQ luôn mở chỉ đóng vào buổi tối. Khu vực này được canh gác cẩn mật bởi đại đội cảnh vệ TPB. Nên buổi chiều vợ chồng ĐS hay đi bộ tập thể dục dọc con đường ở cổng sau, cụ Đoàn Khuê hay cụ Lê Khả Phiêu...cũng hay tản bộ ở đây. Ban ngày khi có các cuộc họp giao ban giữa các cụ thì em hay ngồi ở cái bàn bóng bàn, nhìn thẳng ra cổng sau SQ. Mọi người vào cổng sau và rẽ trái lên hội trường nên ít ai để ý đến em.
- À, tao có nhớ mang máng mỗi lần đi với cụ Khuê sang có một thằng lính hay ngồi mãi tít trong nhìn ra cổng. Là mày hả ?
- Vâng, có lẽ là đúng. Vì cả SQ chỉ có mình em ngồi đó, vừa ngó nghiêng cổng sau vừa có cái bàn bóng để học tiếng K.
- Công tác ở TPB cũng đơn điệu và buồn. Tao vốn là thằng ưa hoạt động nên cảm thấy rất bứt rứt. Mấy sếp biết vậy, nên một hôm vào đầu 1985, cụ Khuê gọi tao lên và giao một nhiệm vụ rất bí mật là truy bắt Ta Mok lúc bấy giờ nó đang là tư lệnh các lực lượng vũ trang Khmer Đỏ. Tao được quyền lấy người ở bất kỳ đơn vị nào trên đất Campuchia và mọi trang bị cũng được tùy chọn. Nhận nhiệm vụ xong tao quay lại đơn vị cũ chọn được 12 thằng đặc công tinh nhuệ và được trang bị những vũ khí cá nhân tốt nhất lúc bấy giờ. Tao phối hợp với bên Cục 2 để truy vết thằng này. Nó là thằng rất tinh khôn và có kinh nghiệm chiến trường. Mọi thông tin của nó đều ở một cứ điểm dọc biên giới Thái. Sau gần 2 tuần thì tao phát hiện nó không ở khu vực biên giới Thái mà nó ở trong nội địa Campuchia, mọi thông tin về nó đều là tin giả. Mà nó và đội bảo vệ ở ngay tại quê nó là tỉnh Ta Keo.
Chúc cụ chủ thớt chân cứng đá mềm, giữ sức khỏe tốt chiến thắng bệnh tật để viết lại các chuyện còn chưa hết.