Lần đầu tiên mình biết đến bom bi là tháng 11/76 ở tiểu đoàn huấn luyện. Hôm ấy là 5h chiều toàn đại đội đi tăng gia, cuốc đất trồng rau. Bỗng phía cuối vườn nghe tiếng ầm. Một lính gục luôn xuống anh em chạy lại. Thì ra cuốc phải bom bi, lưỡi cuốc bị xé rách làm đôi, cậu lính tân binh thì bị mảnh găm đầy phía trước, một viên bi đã xuyên đúng tim và hy sinh tại chỗ. Người lính đầu tiên của lứa 1976 Hà nội hy sinh.
Đợt đó khu Hai Bà Trưng đi hơn 300 người hy sinh rải rác, tương đối nhiều. Mất nhiều nhất là anh em ra Cao Bằng 1979 đánh Tàu. Sau đó xuất ngũ về được hơn 60 người. Hiện còn chưa đến 40 người.
Đọc cụm từ "Tiểu đoàn huấn luyện" và chuyện vướng bom bi của cụ chủ kể, em nhớ lại thời mới nhập ngũ. Năm 1988 em vào lính và về tiểu đoàn huấn luyện Sư 371 dưới chân núi Sóc Sơn. Đó là khu Giao tế, trước đây là doanh trại của chuyên gia CCCP giúp các vấn đề cho sân bay Đa Phúc. Doanh trại mà đẹp như khu nghỉ dưỡng, mát mẻ nhìn xuống hồ Đồng Quan.
Khu này là túi bom rơi vãi của Mỹ khi đánh sân bay Đa Phúc ngày trước. Trên núi còn nhiều hố bom và mảnh bom quăn queo văng vãi bên cạnh.
Những ngày đầu nhập ngũ, chưa huấn luyện nên cả tiểu đoàn tập trung lấy đá chuyển về xây kho xăng dầu của sư đoàn, cách doanh trại khoảng 3km. Cả tiểu đoàn có 4 đại đội đi nhặt đá hộc rồi xếp hàng dài hàng km, chuyền tay nhau tập kết ở khu vực kho để cho một đội xây tường và cổng.
Một hôm giữa buổi làm vào lúc giải lao thấy tiếng nổ xé tai và cái cổng kho đang xây dở đổ sập xuống.
Rất may không có thương vong do mọi người nghỉ giải lao ngồi dưới gốc thông xa cái cổng đó. Điều tra ra, trước đó lính nhà ta nhặt được cục sắt han rỉ, tung hứng với nhau mãi. Đến lúc có lệnh giải lao thì một ông lính cầm ném thẳng vào trụ cổng đang xây. Nó chính là một quả bom.
Sau khi kết thúc huấn luyện, ra đơn vị mới vài hôm, thì nghe tin anh lính phụ trách máy bơm nước sinh hoạt cho khu giao tế, trong lúc trồng rau cuốc phải quả bom bi và hy sinh luôn.