Tiếp ‘Những mảnh rời ký ức về trung đội nữ tân binh’
Viết trên những nẻo đường sơn cước.
Kể cũng hơi lạ, khi mà baoleo – một tư dân phố thị, thời trai tráng là lính Hải quân, lại luôn luôn yêu thích khung cảnh núi rừng.
Có lẽ chăng, đứng trước khung cảnh núi rừng, ta như cảm thấy mình nhỏ bé lại, so với khung cảnh thiên nhiên hùng vỹ. Cảm thấy mình nhỏ bé, để bớt đi nỗi niềm tinh tướng, nếu có chăng và phát xuất ở trong người.
Cũng có thể chăng, mùi không gian tươi nguyên, luôn gợi nhớ về mùi hăng hăng của cỏ tươi, bay lên dưới gót giầy tân binh, trong đội hình trung đội, trên đường hành tiến ra thao trường.
Mùi của cỏ tươi, mùi của núi rừng, như gợi nhớ về mùa của tuổi xuân, thời của những gã trống choai - những chàng lính trẻ, vốn coi cấp tướng cũng chỉ hơn ta vài cái gạch mà thôi.
Cũng có thể chăng, núi rừng xanh ngắt, luôn làm ta nhớ về 1 bản làng xa thẳm.
Nơi ấy, có một người con gái, đã từng là lính trong trung đội tân binh Hải quân thủa nào.
Đất nước bình yên, em đã giải ngũ, và theo lời dân gian, giờ này em đang phiêu bạt trên một miền sơn cước miền xa thẳm nơi nao
Đã qua tuổi thanh xuân rồi, chắc giờ đây, em đang ngồi co ro bên bếp lửa hồng trên nhà sàn, tránh rét.
Và ta như nhìn thấy: tay em run run, lần mở tấm vải khăn mùi-xoa, được làm từ một vạt áo nhà binh, có thêu hình chiến hạm với sóng biển xanh, trong đó gói 1 tấm huy chương Chiến sỹ đã cũ mèm, và 1 vài tấm ảnh, thời con gái- chiến sỹ của nàng.
Và ta đoan chắc rằng, trong cái mùi xoa ấy, thế nào cũng có 1 mẩu ảnh bé xíu của ta, được nàng cắt ra từ tấm hình chụp chung toàn đơn vị.
Cũng có thể chăng, đến với núi rừng, là được hòa mình vào cây cỏ, được hòa mình vào núi rừng, được thấy chính bộ dạng của ta, chứ không phải là mờ mờ nhân ảnh của một ai đó, lờ đờ hiện qua những làn khói xe hơi.
Được nghe thấy chính lời ta thì thầm với cây cỏ, mà không bị át hoặc chìm đi trong tiếng ‘pim pim’, hoặc tệ hơn, trong tiếng trống gõ ‘thụp thùm’ của dàn ka-ra-o-kê kế bên.
Và hiếm lắm, sẽ lại được hít thở hương hoa núi rừng, mùi hoa chuối rừng cũng được. Chứ đừng bắt bắt hít mãi mùi Chanel 5, hoặc Baldessarini hay Kenzo.
Và ở một nốt vỹ thanh trầm, khi đến với núi rừng, ta lại mong được hòa hòa mình vào một phiên chợ vùng cao.
Phiên chợ ấy, có mùi nấm hương rừng, mà thủa binh đao, thời còn khoác binh phục của triều đình, có lần ta đã mua về, làm quà cho mẹ nấu miến Tết.
Phiên chợ nơi ấy có mầu sắc thổ cẩm, những mầu sắc bất chấp quy luật phối mầu của các Viện sỹ hàn lâm.
Xanh chói lóa, bên cạnh đỏ thắm sắc cờ.
Nhưng thế mới là mầu, thế mới thiên nhiên. Chứ không bàng bạc, nhờ nhờ, như các bức tranh quốc doanh được phân phối thủa nào.
Phiên chợ ấy, ta lại được nghe những tiếng ríu rít của các noọng, các nường. Những âm thanh bay ngân hết lồng vực của ngữ âm, mà không bị nén dồn, bởi nguyên tắc ngoại giao của văn phòng nước ngoài.
Phiên chợ ấy, có thể ta sẽ gập lại em, lính tân binh Hải quân thủa nào.
Em sẽ dắt ta đi mua một ít trái cam vàng, vài mớ cải Mèo xanh, hay ít hạt mắc khén nâu đen. Những sắc mầu và sản vật núi rừng, gợi nhớ về những bữa cơm, trên các nẻo đường hành quân, thời biên giới chiến tranh, thời chúng ta còn trong quân ngũ.
Miền sơn cước, luôn là nơi tâm hồn trẻ lại.
Miền sơn cước, luôn là nơi ta được gột rửa cát bụi trần ai, để thêm căng tràn sức sống, chuẩn bị cho những thách thức đang chờ.
Núi rừng của các miền quê, đâu cũng như nhau. Rừng xanh, núi thẳm, mây bay trắng trời.
Núi rừng ơi, ta vẫn luôn yêu nàng.
(con xe nhà cháu vẫn lái trên các nẻo đường sơn cước)