HẢI ĐỘI TẦU NGẦM 182- NHỮNG NGÀY KHỔ LUYỆN
Trong căn phòng nhỏ, nơi đang làm việc tại một khách sạn ở Hà Nội, ông Phạm Hồng Sâm kể cho chúng tôi nghe về những ngày khổ luyện cùng Hải đội tàu ngầm 182.
Ánh mắt ông Phạm Hồng Sâm - người lính tàu ngầm năm xưa - chợt lóe niềm vui khi nhớ về những đồng đội cũ, những cuộc bơi, chạy đường dài, thi thố sức mạnh ở doanh trại huấn luyện. Đôi khi người đàn ông tuổi đã gần ngũ tuần vươn cánh tay cơ bắp cuồn cuộn rắn chắc đu vào thành ghế làm động tác như đang ở trong một cuộc thi kéo xà đơn, xà kép của đơn vị.
Áp lực nước ở độ sâu 70m
Ông Sâm nhớ, ngày đi khám tuyển, cán bộ giám khảo yêu cầu ông ngồi lên một chiếc ghế quay tít, khóa chặt tay chân. Ngồi lên chiếc ghế này, có người to khỏe nhưng mới quay vài vòng đã nôn thốc, nôn tháo. Nhiều người, khi cán bộ kiểm tra vừa dừng ghế, tháo dây ra thì lập tức đổ ập xuống sàn không đứng dậy nổi.
Người đạt yêu cầu phải ngồi trên ghế quay ít nhất 10 phút. Chiếc ghế quay tít mù, đảo chiều liên tục. Lúc đó, ông Sâm chẳng còn nhìn thấy gì, chỉ nghe tiếng vù vù bên tai. Rỗi bỗng nhiên ghế khựng lại. Người ta bảo ông tháo dây khóa tay nơi thành ghế và tự đứng dậy.
Theo mệnh lệnh, ông bước về phía trước. Họ hỏi ông một số câu. Có nhìn thấy gì phía trước không? - Có. Đây là chữ gì? - Chữ "tàu ngầm". Đồng chí tên là gì? - Người lính trẻ đáp dõng dạc: Phạm Hồng Sâm. Cấp bậc? - Thượng sĩ... Lúc này ông biết, mình đã vượt qua môn thi.
Ông được dẫn vào một phòng kín tròn như cái thùng phuy vỏ dày. Ông đứng trong, ở ngoài người ta ghé mắt theo dõi qua một tấm kính. Ông cảm thấy không khí trong thùng bỗng nhiên ùa vào, đặc lại. Một chốc, khí trong bình càng đặc dần, đặc dần rồi quánh lại.
Lính tàu ngầm phải xuống sâu dưới nước, áp suất lớn. Ngày đó, Việt Nam chỉ mới có duy nhất một chiếc máy thử áp suất loại này. Khí sẽ được bơm vào tương đương ấp suất nước ở độ sâu 70m. Ai không chịu nổi có thể bấm nút xin ra ngoài. Có người quyết tâm gia nhập đội tàu ngầm, cố chịu đựng quá sức, đến khi ra ngoài chảy cả máu tai. Nghĩ đến đó, viên lính trẻ hơi rúng động.
Rồi viên thượng sĩ thấy cơ thể mình bỗng nhiên mất trọng lượng. Ông cố thở đều. Lúc này không khí như biến thành chất lỏng. Thay vì hít thở như bình thường, anh lại uống từng dòng không khí vào cổ họng, không khác nào uống nước. Ở ngoài, người ta vẫn nhìn theo, dò xét từng của chỉ của chàng tân binh. Van bỗng được mở, khí thoát ra dần và trở lại như cũ. Ông thấy người mình hơi lâng lâng, nhưng vẫn đủ tỉnh táo. Viên sĩ quan kiểm tra sức khỏe nhìn ông cười, vỗ vai.
Thượng sĩ Phạm Hồng Sâm chính thức gia nhập Hải đội tàu ngầm từ ngày đó.
Khổ luyện
Tháng 8/1982, Đơn vị khung tàu ngầm đầu tiên mang tên Đoàn 682, trực thuộc Bộ Tham mưu Hải quân chuyển vị trí đóng quân về Hải Phòng để huấn luyện. Đây là doanh trại của Đoàn 681 Đặc công Hải quân. Họ vẫn quen gọi đó là đặc công nước.
Lính tàu ngầm về đây phải tập luyện theo chế độ như đặc công nước. Đặc công nước vốn được coi là lực lượng cực kỳ tinh nhuệ. Chương trình huấn luyện thể lực rất nặng. Hàng ngày, họ phải tập đủ các môn bơi lội, chạy, nhảy, luyện võ nghệ với cường độ cao. Những cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên diễn ra. Đội vừa tiếp tục tuyển thêm quân, vừa có những người sau một thời gian tập luyện không chịu đựng nổi bị loại.
Ông Sâm nhớ có lần đội của ông tập đánh mục tiêu, bơi ra hòn đảo cách xa gần 20km. Đã vậy không được bơi nổi. Đặc công nước nổi tiếng với chiêu ngậm ống thông hơi vào miệng, bơi ngửa cách mặt nước 15cm. Cứ 3 người một tốp. Để đi hết chặng đường, họ bắt đầu từ sáng sớm nhưng mãi tận chiều mới tới nơi.
Một trong những môn tập luyện đặc trưng của lính hải quân là “đứng cầu sóng”. Một tấm ván dài gần 2m được buộc dây ở 2 đầu rồi treo lên cao. Người lính phải đứng trên tấm ván, tay không được vịn vào bất kỳ thứ gì và bắt đầu nhún để tấm ván đung đưa. Cứ thế tấm ván đung đưa qua lại, cao dần. Ông Sâm nhớ hồi đầu mới bước lên, ván chỉ đung đưa hai lượt là ông bị bắn ra ngoài.
Người đứng cầu sóng giống như diễn viên xiếc. Nhún cho ván cao sang bên trái, người lại cố chạy lên phía đó như leo dốc. Rồi ván hạ xuống lắc sang bên phải, người lại quay đầu chạy theo. Cứ thế, lâu dần rồi quen.
Ông Sâm vẫn nể một đồng đội quê ở Nghệ An. Người này có thể nói là có sức khỏe vô địch môn “đu quay”. Vẫn là chiếc đu bình thường. Người ta chôn 2 cọc cao khoảng 5 - 6m. Chiếc đu treo ở giữa. Lính tàu ngầm không tập đu nhún lên nhún xuống. Họ phải nhún mạnh, rồi lấy hết sức hất chiếc đu quay thành vòng tròn. Trụ của chiếc đu cũng không nằm cố định, có thể đảo chiều liên tục. Anh ta có thể lộn hàng trăm vòng trên chiếc đu quay mà không hề hấn gì.
Điều xa lạ
Đứng trong hàng ngũ của lính tàu ngầm quả là một vinh dự ít người có được. Từ nhỏ, ông Sâm vẫn luôn ngưỡng mộ trước hình ảnh người lính hải quân mặc chiếc áo cổ vuông màu xanh nước biển mỗi khi họ diễu hành trên đường phố Hà Nội. Ông đã từng ước ao có một ngày mình được khoác lên mình bộ quần áo đó.
Bây giờ bỗng ước mơ trở thành sự thật. Đã vậy, chàng tân binh Phạm Hồng Sâm đang là lính tàu ngầm - một bộ phận đặc biệt trong binh chủng hải quân. Những lần về thăm nhà, ông không khỏi cảm thấy đôi chút tự hào.
Tuy vậy, viên Thượng sĩ vẫn khá mơ hồ. Khái niệm về lính tàu ngầm từ trước đến lúc đó vẫn quá xa lạ với người Việt. Dù đã có 2 năm trời tập luyện, Hải đội đã thành lập, đã được người ta gọi là lính tàu ngầm. Nhưng ông vẫn không biết mình có thực sự trở thành lính tàu ngầm hay không.
Ngày ông cùng đồng đội lên máy bay sang Liên Xô du học, gia đình, anh chị em kéo nhau ra tiễn. Họ chỉ biết duy nhất một điều, con em mình là lính tàu ngầm. Nhưng họ vẫn không hiểu lính tàu ngầm là như thế nào.
Phòng tắm trên những chiếc tàu ngầm vô cùng thiếu thốn tiện nghi (Ảnh tư liệu)
Những lần nói chuyện, đôi khi chúng tôi gọi ông Sâm và những người lính tàu ngầm là “phi thường”. Nhưng ông xua tay và chỉ thừa nhận, mình hơn nhiều người khác vì có thể do cơ địa, tiền đình bẩm sinh của mỗi người sinh ra có khả năng chịu tác động môi trường không giống nhau. Một phần là do tập luyện lâu dần thành quen.
Ông Sâm vẫn tự hào mình là người kéo đu xà đơn thuộc hạng khỏe nhất đội. Trong một cuộc thử sức, ông đã lên xuống một trăm mấy chục lượt. Nhưng ông biết, đã là lính tàu ngầm, chẳng có ai mà không phải rèn luyện sức khỏe dẻo dai.
Hải đội tàu ngầm vẫn tập luyện miệt mài. Từ tháng 8/1982 đến giữa năm 1984, đội của họ đã di chuyển qua nhiều căn cứ đóng quân để huấn luyện, từ Hải Phòng đến Quảng Ninh.
Tháng 6/1984, Tư lệnh Hải quân chính thức ký quyết định thành lập Hải đội tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam với phiên hiệu Hải đội 182. Rồi một tháng sau đó, Thượng sĩ Phạm Hồng Sâm cùng đồng đội lên đường đi Liên Xô.
Sang đến Liên Xô, họ vẫn phải duy trì chế độ tập luyện như ở trong nước mặc dù khí hậu bên đó rất lạnh. Ngoài những bài huấn luyện thể lực, họ bắt đầu bước vào học kỹ thuật tàu ngầm.
Ông Sâm và Hải đội tàu ngầm đã có 2 năm trời huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện tàu ngầm ở Riga thuộc nước Cộng hòa Latvia. Đó là quãng thời gian ông và đồng đội có những chuyến đi dài ở độ sâu hàng trăm mét dưới mặt biển Baltic trong cỗ “quan tài sắt”.
Rèn luyện thể lực mới chỉ là một trong những khả năng cơ bản để có thể xuống nước trong con tàu ngầm ở độ sâu hàng trăm mét. Kỳ thực những gì đang chờ đợi họ dưới lòng đại dương? Họ sẽ phải làm gì trong con tàu ngầm bí ẩn? Đó là điều mà sau 2 năm gia nhập Hải đội tàu ngầm, họ chưa hề biết.
Thủy thủ tàu ngầm VN và những ngày trong 'quan tài sắt'
Sau gần nửa năm sang Liên Xô học lý thuyết kỹ thuật tàu ngầm, Thượng sĩ Phạm Hồng Sâm mới chính thức đặt chân xuống con tàu thật. Con tàu đen trùi trũi đỗ ở cảng biển Ri Ga (Latvia) to hơn chiếc máy bay Boeing hiện đại.
Phòng ngủ của thủy thủ trong tàu ngầm
Khoang chứa vũ khí trong tàu ngầm Nga
Nghi lễ nhập môn
Cái cảm giác tanh tanh, nồng nồng khiến chàng lính trẻ hơi lợm trong cổ họng. Tàu ngầm vốn kín như bưng. Hơi người luôn đọng lại trong khoang không thoát ra được.
Những hành lang bằng sắt nối dài giữa các khoang. Xuống đến khoang dưới cùng, ngẩng đầu lên, ông chợt rùng mình trước dãy đồ người nhái treo thẳng tắp theo thứ tự trên chiếc giá dài ngoằng.
Máy móc, động cơ hàng trăm chi tiết đang nổ ran để nạp điện cho động cơ. Không khí trong khoang vốn nóng nực, ngột ngạt mà ông vẫn thấy hơi lành lạnh.
Ông Sâm biết, rồi đây, mình sẽ có những ngày dài sống trong “cỗ quan tài sắt” này. Ông là lính bộ phận ngành điện máy. Những cỗ máy với hàng ngàn chi tiết kia sẽ do ông và một vài người trong đội điều khiển, nắm giữ.
Phòng điện máy, nơi ông Sâm làm việc
Một trong những nghi lễ nhập môn của lính tàu ngầm là nâng ly dưới khoang tàu. Nhưng không phải ly rượu mà là ly nước biển mặn chát. Luật bất thành văn. Mỗi người tự mở vòi chắt ít nước biển vào ly của mình rồi cùng nhau uống cạn.
Đó là ly nước muối duy nhất trong đời mà ông Sâm không thấy mặn. Cái cảm giác thiêng liêng, trang trọng làm ông quên đi mọi cảm giác trực quan. Từ nay, Thượng sĩ Phạm Hồng Sâm và hơn 50 cán bộ chiến sĩ của khung tàu 1 đã chính thức là lính tàu ngầm.
Người giữ trái tim tàu ngầm
Có nhiều bộ phận làm các nhiệm vụ khác nhau bên trong tàu ngầm gồm các ngành: vũ khí dưới nước, ra đa, điện máy, thông tin và hàng hải... Hồi đầu, nhóm cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam xuống tàu, mỗi bộ phận đều có ít nhất một cán bộ người Nga kèm cặp, sẵn sàng xử lý những tình huống khó. Nhưng sau nhiều chuyến, dần dần, họ rút hết. Cuối cùng họ chỉ để lại một, hai chuyên gia trong tàu để giám sát. Để đội ngũ sĩ quan, thủy thủ Việt Nam thực hiện mọi thao tác.
Ông Sâm đã trải qua những ngày dài sống trong tiếng ồn ào của buồng máy. Đến nỗi mỗi lần trở lại bờ, tiếng bùng nhùng bên tai vẫn ám ảnh không dứt. Ngành điện máy của ông Sâm chịu trách nhiệm về mọi vận hành chìm nổi, động cơ máy móc của tàu. Tàu vũ trụ thì ông chưa biết, nhưng tàu ngầm có lẽ là loại phương tiện phức tạp nhất mà ông Sâm từng biết cho đến nay.
Làm trong tổ điện máy tàu ngầm, mỗi người phải phụ trách một máy và thao tác chính xác từng chi tiết một. Ông Sâm phải nhớ tới cả ngàn chi tiết động cơ, trong đó có khoảng 100 chi tiết phải thuộc nằm lòng. Đến nỗi nhắm mắt, ông cũng phải sờ thấy đúng vị trí từng chi tiết đó. Mắt ông luôn phải cố căng ra để theo dõi đồng hồ đo nhiên liệu, điện máy, nồng độ khí, tỷ lệ nước trong khoang…
Chỉ cần sai một thao tác, giá phải trả là cực kỳ đắt. Tàu ngầm luôn có hai lớp vỏ bọc. Giữa hai lớp vỏ là các khoang để hút và xả nước. Khí được lệnh chìm xuống, bộ phận điện máy sẽ mở van nạp nước vào. Tất cả phải cùng thực hiện một lúc.
Nếu hai bên thân tàu chưa có nước mà phía đầu tàu nước đã đầy, ngay lập tức mũi tàu sẽ đâm thẳng xuống dưới như bị một quả tạ ngàn cân lôi xuống. Lúc đó, tàu sẽ không thể lấy thăng bằng trở lại được nữa. Hoặc bên trái có nước mà bên phải chưa kịp bơm vào, tàu cũng sẽ bị lật mà không có cách nào cứu vãn nổi.
Bởi vậy, lắng nghe và làm theo mệnh lệnh tức khắc dưới tàu ngầm là phản xạ thường trực của tổ điện máy.
Kỳ nghỉ đông tại Le-nin-grat của các chiến sĩ tàu ngầm
Tàu ngầm của Liên Xô mà Hải đội tàu ngầm 182 học tập ngày đó vẫn còn thô sơ hơn nhiều so với loại tàu lớp Kilo Việt Nam đang mua về. Hầu như mọi thứ vẫn được thao tác thủ công.
Tàu ngầm hiện đại có thể ở dưới nước liên tục 6-7 tháng trời không cần nổi lên. Tàu ngầm của Liên Xô ngày đó cũng có thể lặn liên tục hàng chục ngày. Nhưng ông Sâm nhớ, thường khoảng 48 tiếng đồng hồ, tàu lại trồi lên mặt nước để lấy khí tươi. Những khi đó, máy móc lại nổ râm ran để nạp điện cho máy.
Ắc quy chính là trái tim của tàu ngầm. Dù động cơ máy móc chạy bằng bất kỳ nhiên liệu gì diesel hay tàu ngầm nguyên tử thì mục đích vẫn là để nạp điện cho ắc quy. Bất cứ tàu ngầm nào cũng chạy bằng điện. Ắc quy hết điện thì máy diesel phải nạp.
Tàu ngầm phải luôn luôn chạy chứ không bao giờ đứng im một chỗ. Nếu muốn đứng, buộc phải tháo nước khỏi lớp vỏ, bơm khí vào để trồi lên. Tàu ngầm càng hiện đại, tiêu tốn càng ít nhiên liệu để hoạt động. Có những tàu bây giờ có thể ở dưới nước hàng tháng trời không cần nổi lên.
Nhiên liệu là yếu tố quyết định sự sống và cái chết. Tàu ngầm hết nhiên liệu thì ắc quy không có điện để chạy động cơ. Điều đó đồng nghĩa với cái chết.
Máy bay hết nhiên liệu vẫn có thể bay theo quán tính rồi lượn tìm chỗ bằng phẳng đáp xuống. Riêng tàu ngầm, hết nhiên liệu, không thể bơm khí vào khoang giữa hai lớp vỏ để trồi lên. Cũng không thể đứng một chỗ vì không còn lực nâng. Buộc tàu phải chìm dần xuống. Chìm xuống một độ sâu nào đó không còn chịu được áp suất, tàu sẽ bị bóp nát vụn.
Trên thực tế, từng có những tàu ngầm của Đức gặp sự cố này và đã bị vỡ nát, vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đại dương. Bởi vậy, tổ điện máy của ông Sâm luôn phải biết được điều đó.
Ảnh chụp tại phòng học Acoustic, thiết bị là hệ thống sonal GAX 100 và GAX 200 của model 613 và 877
Sau những chuyến đi dài ở lâu dưới nước, đôi khi ông Sâm cũng cảm thấy mệt mỏi, ức chế thần kinh. Mắt ông đờ đẫn. Người lính tàu ngầm đôi khi cũng như chính con tàu của họ. Cứ âm thầm làm việc miệt mài. Những lúc đó, ông dễ sinh cáu bẳn. Khi tàu vừa trồi lên mặt nước cập cảng, ông bước từng bước uể oải về phòng nằm vật ra giường. Ông nhớ, mình đã chìm vào giấc ngủ hơn 1 ngày mà không ăn uống gì.
Những cái tai của tàu ngầm
Một bộ phận cực kỳ quan trọng quyết định sự sống còn của tàu ngầm chiến đấu chính là Acoustic. Những người trong tổ Acoustic được ví như cái tai của tàu ngầm.
Người ta thường nói đến các loại sóng ra đa của tàu ngầm có khả năng phát hiện mục tiêu dưới nước. Nhưng kỳ thực khi xuống nước, mọi thiết bị trên tàu cũng như các loại máy phát sóng thăm dò đều phải tắt. Chỉ có 2 thứ hoạt động là chân vịt và cái tai của tàu.
Đơn giản một lẽ, sóng âm dưới lòng đại dương là loại sóng cực kỳ dễ nhận biết. Cho nên, tàu ngầm luôn hoạt động âm thầm lặng lẽ dưới đáy biển. Tiếng chân vịt vẫy nước cho tàu chạy cũng phải phát âm thanh cực nhỏ.
Theo lý thuyết truyền âm, âm thanh "sục sục" của chân vịt phát ra ở bên Nam Phi thì bên Úc châu có khi cũng phát hiện được. Nếu để đối phương nghe được sóng âm từ tàu mình phát ra sẽ không có cơ hội sống sót.
Thuyền trưởng K1 anh Phạm Tân và Thuyền phó HH anh Đinh Hải Huy đến thăm lớp học ngành 3 rada tại phòng thiết bị rada - sonar
Những cựu thủy thủ tàu ngầm đánh giá, tàu ngầm lớp kilo của Nga (Việt Nam đang đặt hàng) được gọi là "hố đen đại dương" chính vì điều này. Chân vịt của loại tàu này hoạt động cực êm, lúc chạy cũng như đứng yên. Nếu nó không phát sóng sona thì rất khó thiết bị nào có thể phát hiện ra.
Chính vì vậy, ở dưới độ sâu hàng trăm mét đại dương, rất cần những cái tai như của tổ trưởng Acoustic Vũ Hồng Hảo. Đến giờ, ông Hảo vẫn thừa nhận được trời phú cho đôi tai cực thính.
Khi con tàu lầm lũi bước đi dưới bóng tối của đại dương, mọi thứ trở nên lặng lẽ với người trên tàu. Chỉ duy nhất bộ phận Acoustic phải nghe đủ thứ âm thanh dưới đáy biển đập vào tai. Tiếng cá lội, tiếng máy tàu hàng, tiếng chân vịt của một chiếc tàu ngầm dò thám nào đó cách xa hàng chục cây số.
Ông Hảo đã được học về lý thuyết sóng của từng loại âm thanh dưới đáy biển. Nhưng có nghe và phân tích được chính xác hay không lại là chuyện khác. Đó là thời kỳ chiến tranh lạnh. Không có những cuộc chiến đấu, rượt đuổi nhau. Nhưng đi dưới độ sâu hàng trăm mét của biển Baltic tối tăm, mọi bất trắc đều có thể xảy ra.
Ông Hảo phải nhuần nhuyễn mọi thứ âm thanh đó. Nếu xảy ra chiến sự, Thuyền trưởng ra quyết định bắn hay không là tùy thuộc vào khả năng phân tích âm thanh của những người như ông Hảo.
Khi tàu ngầm quyết định phóng ngư lôi, bộ phận Acoustic luôn phải xác định loại tàu to lớn cỡ nào, tương ứng với loại đạn có sức công phá bao nhiêu, hướng đi, tọa độ thế nào. Khi đã xác định đúng mục tiêu, tọa độ, chắc chắn không bao giờ bắn trượt. Dù tàu địch có chạy quả lôi vẫn sẽ đuổi theo mục tiêu đến cùng.
Sĩ quan và thủy thủ của Hải đội vẫn nhớ, các chuyên gia nước bạn ngày đó rất khâm phục tài nghe của đội trưởng Vũ Hồng Hảo. Họ nói rằng, Việt Nam có khoảng chục người như vậy thì đảm bảo không có loại tàu địch nào có thể thâm nhập được vùng biển Đông.