MÙA BƯỞI CHÍN
Với nhà cháu, mùa sau hè – trước đông này, là mùa bưởi chín. Không hề là mùa sục sôi-mùa khí thế-mùa tưng bừng chi chi hết.
Mùa này là mùa bưởi chín, và chỉ là mùa bưởi chín mà thôi.
Trong trí nhớ đã lảng bảng mầu khói sương của người lính già nhà cháu, mùa này luôn được gợi nhớ là mùa bưởi chín.
Nhà cháu dường như còn nhìn thấy cậu bé 6-10 tuổi, luôn vểnh mắt nhìn lên những vệt khói trên trời cao, để đoán xem chúng thuộc về ‘thần sấm F 105’ hay ‘con ma F4’, tai lắng nghe tiếng lanh canh để đoán xem mảnh cao xạ 57 ly rơi ở chỗ nào để tí nhặt về chơi trò đánh đáo. Và trong gió nóng thoảng mùi thuốc phóng hăng hăng của hỏa tiễn đất đối không Sam 2, nhà cháu vẫn luôn ngửi thấy mùi hương thơm cay cay tỏa ra từ vỏ bưởi, đang sôi ùng ục trong nồi nước tắm ghẻ, được bà nội lui cui đun lúc chiều hôm.
Có mùi thơm của vỏ bưởi, là nhà cháu đoan chắc sẽ có được vài múi bưởi được chia theo chủ nghĩa bình quân của bà. Và thú vui tao nhã ở thủa bé thơ, là đoán xem bưởi chín được chia hôm ấy, sẽ là trắng hay đỏ, ngọt hay chua, dốt dốt hay he he. Những bí mật khó đoán của múi bưởi, hệt như những vạn điều bất định của cuộc đời giờ đây.
Trong khoảng thời gian này, trong mùa này, các bạn nhà cháu trên ‘phây’ thường nhớ về hương cốm, thậm trí còn làm thơ tụng ca mùi cốm thơm. Nhưng thú thực, nhà cháu chẳng biết gì về cốm cả. Nhà cháu chỉ nhìn thấy cốm trong các tản văn của Nguyễn Hữu Bằng, nhà cháu chỉ được nhấm nháp vị ngọt của cốm trong các trang viết của Nguyễn Tuân, và nhà cháu chỉ tượng tượng được ra hương cốm thơm nồng nàn qua các đoản bút của Thạch Lam.
Cốm đối với chú bé chỉ giỏi phân biệt tiếng ù ù hiền hòa (!) của phản lực cơ Mig, hay tiếng rít hung hăng của tên lửa không đối đất ‘rắn đuôi kêu’ - là qua xa xỉ. Ngay cả khi chú bé ấy đã là một người lính hải quân, cốm theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, đều là thứ nên tránh xa. Cốm đều hao người, tốn của (hị hị).
Những áng thơ về cốm, nhà cháu chẳng nhớ tí nào. Nhà cháu chỉ nhớ những câu vè lôm côm, kiểu như:
-keng keng keng
-báo động số 3
-cả nhà xuống hố
-thằng nào lố nhố
-thì ăn bom bi
-thằng nào chạy đi
-thì ăn rốc-két
-thằng nào bốc phét
-ăn đạn súng trường
Và vân vân.
Mùa này, ngoài mùa bưởi chín, nhà cháu như còn nhớ rằng: đó là mùa cỏ tươi.
Tháng chín năm ấy, nhà cháu không còn nhặt hạt bưởi, để gim vào các que tre làm đèn đi ngắm trăng nữa. Tháng chín năm ấy, nhà cháu đã tòng quân và trở thành người lính của cụ Hồ.
Và kể từ khi ấy, mùa này, đối với nhà cháu, là mùa cỏ tươi. Nhà cháu như còn cảm thấy những cơn gió cuối mùa bưởi chín, cù hơi lạnh vào những đôi tay trần của trung đội tân binh, đang chạy dọc đường làng, miệng hô: "1, 2" để "phù" khói ở tai ra hòa với làn sương mai. Nhà cháu như còn ngửi thấy mùi hăng hăng cỏ tươi, đang bị mài dưới gót giầy của trung đội, đang hành tiến ra thao trường, theo nhịp:
-Vừng đông đang hừng sáng
-Núi non xanh ngàn trùng ...xa,
Nhà cháu như còn nhìn thấy cặp mắt e lệ bên hàng rào, khi chạm phải ánh mắt đánh ngang của những gã trống choai - những chàng tân binh, vốn coi cấp tướng cũng chỉ hơn ta vài cái gạch.
Và mùa này là mùa bưởi chín. Trong trí nhớ đã lảng bảng mầu khói sương của người lính già nhà cháu, mùa này chỉ là mùa bưởi chín mà thôi.
Những buổi chiều mùa bưởi chín, kiếm được chút thời gian để đến thăm nhà cháu nội, ngắm cháu nội tập đi xe trước cổng nhà cháu, là một niềm vui không dễ kiếm trong cuộc đời đầy bão giông của người lính già.
[/URL
]