Tôi về tá túc nhà bác thằng Hiệp ở 115 đường Ký con chờ ngày hẹn với anh Công. Sài gòn quận 1 khác hẳn Sài gòn quận 10 tôi biết mấy tháng trước. Mấy ngày lang thang dọc đường Calmette, thuê đọc ké sách cũ của chế độ trước. Nhiều cuốn sách văn học khá nổi tiếng mà miền Bắc cũng đã dịch, nhưng trong này đặt tên khác hẳn. Sách Nam dịch hay có những ngôn ngữ địa phương nên không thấy hứng thú lắm. Những cuốn truyện sướt mướt tình yêu học trò của Quỳnh Dao, chưởng Kim Dung...Có gì lạ là tôi ngốn tất cái đó, kể cả những quảng cáo bá láp trong chuyện chưởng hoặc sách bói toán. Có những cuốn tiểu thuyết, chủ nhân ghi những lưu bút dễ thương bằng nét chữ con gái mềm mại. Chẳng biết chủ nhân những dòng lưu bút xinh xắn kia đang lạc tới phương trời nào, hay vẫn còn ở lại với cái thành phố đang ngày một nghèo đi, ngày một khốn khó này.
Đêm, chúng tôi kéo sang đầu đường Hàm Nghi, chỗ nhà ông anh thằng Tuấn ngủ nhờ. Nhà đi di tản hết, chỉ còn anh ấy chạy lông nhông đâu đó trên cái Vespa Spring màu bạc suốt ngày. Những hôm khuya, bọn tôi ngồi ngoài vỉa hè hóng gió. Thằng bé con hàng xóm, mặc quần tà lỏn đệm guitar bài Dona Dona bằng gam chủ Sol trưởng thấy lạ? Đôi lần thấy công an đổ nhớt ra quãng vòng cua trước cổng bệnh viện Sài gòn, chống tụi đua xe. Các anh hùng xa lộ đến khúc cua tròn đó rạp xe thể hiện. Gặp nhớt trơn văng xe xèn xẹt. Công an đứng trực sẵn, có bề gì tiện vào luôn bệnh viện đó, khỏi cấp cứu đâu xa.
Biết tôi là lính K mới ở chiến trường về, ông anh thằng Tuấn gọi riêng ra lào thào bảo tao sắp bán nhà. Tao sẽ bán nốt cả cái xe Vespa Spring này, tối thiểu cũng được 6 cây. Chia đôi số vàng cho tao mày, hai thằng cùng qua Campuchia. Mày biết đường dẫn tao qua biên giới Thái lan rồi anh em mình đi Mỹ. Sang được tới nơi gia đình tao bao luôn, mày khỏi lo. Tôi bảo anh ấy là đừng có điên, đi biên giới Thái là đụng bọn Pốt ngay, là nó thịt tắp lự, nó không bắt tù binh bao giờ...Anh ấy vẫn khăng khăng thuyết phục rằng đã có người vượt biên thành công theo cách đó rồi. Kể hết cho anh ấy những trận đánh khốc liệt, những hành vi man rợ của bọn lính Pốt nhưng anh ấy vẫn không đổi ý dù có hơi buồn. Anh bảo hay mày cứ dẫn anh đến đơn vị mày thôi, còn đâu anh sẽ tự tìm đường đi. Trời hỡi trời! Cái gì mà làm anh ấy muốn ra đi bằng bất kể giá nào như thế? Tôi không dám liều mạng sống, nên đành từ chối. Lúc đó tôi chưa hề biết tàu hoả đã chạy tới Battambang, đường buôn bán đã thông đến các cửa khẩu Sisôphon, Poipet...
Trước ngày hẹn một hôm, tôi đi xe lam xuống Ngã Bảy. tìm đúng địa chỉ trên đường Lê Hồng Phong để chờ anh Công. Ngôi nhà đúc 2 lầu một trệt, do má nuôi anh Công là chủ, thực chất là một cái nhà trọ. Bà má sồn sồn tuổi, người mập và tính tình cũng rổn rảng dễ chịu. Không có khách trọ, chỉ có mỗi một mình tôi. Bà xếp cho tôi một buồng ở trên tầng 2. Căn buồng 2 giường trống tếch, không một tiện nghi gì. Thỉnh thoảng bà ấy lại xộc lên, bảo tôi cần gì thì bà ấy giúp. Tôi không cần gì, chỉ muốn ngủ cho thời gian chóng qua. Nhưng khi đặt lưng xuống giường thì đột nhiên thấy lưng ngứa điên. Cái ngứa rất lạ, gãi ngoài thì không thấy ngứa, nhưng mi mắt như bị co rút, ríu lại vì ngứa sâu trong thịt. Cả tấm lưng trần nổi mẩn mề đay, trông như những đám mây. Tôi cạy tấm giát giường lên, giọng xuống sàn vài cái. Cả cái sàn gạch bông phút chốc lấm tấm những đốm đen nâu của những con rệp béo mọng. Tôi điên tiết miết móng ngón tay, khoái trá trả thù giết lép bép từng con. Một mùi hôi hắc đặc trưng của loài rệp toả ra. Cái mùi đặc biệt, mà cụ Nguyễn Tuân ví với mùi whisky quả là xa xỉ. Các vệt máu tươi, máu khô bụng rệp tôi miết, quệt ngang quệt dọc trên mặt nền, vuốt dài như sao chổi Halley nhìn sởn da gà. Cuối cùng, tôi bỏ giường, trải nilon xuống nền nằm ngủ mới yên.