Lễ là khẩu đội trưởng đại liên đại đội 1. Nhà nó ở đường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ. Nó cao ngồng, đi lính năm 1977 nên bọn thằng Đặc, thằng Căn gọi bằng anh. Tôi thì toàn xưng mày tao nhưng nó không lấy đó làm điều. Có khi nó với Toàn cồ là người cao nhất tiểu đoàn 4, sau đó mới đến Thắng Pavel và anh Sơn. Nhà nó có 5 anh chị em, cụ ông đặt tên theo bộ chữ Nho gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Nói cho vần theo bộ, chứ thực ra sắp xếp thứ tự không đúng như thế. Trong đó, chị Nhân là trưởng, nó thứ ba, còn Nghĩa là cô em út.
Những ngày ráo tạnh, Lễ rủ thằng Đặc đi vào phum mít cải thiện thì thằng Đặc lười, bảo anh chân dài, đi nhanh cứ đi. Em đi chỉ tổ quẩn chân với bắt anh phải đợi. Phum mít là cái phum hoang không dân. Đường vào phum mít xa 8km, tít sâu về hướng núi Urăng, mà chúng tôi coi là hướng địch. Tôi đi bắn cá suối, chỉ lên qua ngã 3 trung đội 2 một quãng nửa cây số là đã thấy lạnh lưng, nhìn trước nhìn sau. Còn Lễ, nó một mình một súng, ra đi từ lúc trời còn mờ sương. Đến phum mít, nó hái ăn chán, sau đó bóc từng múi bỏ hạt, cho vào cái ba lô đã lót nilon gùi về cho tụi tôi một gùi đầy. Có lần trong phum mít, nó bắn được con công đất, rang xong bảo thằng Đặc gọi tôi lên đánh chén vã. Thịt công đất trắng, ngon và thơm hơn thịt gà ri trăm lần. Người ta nói nem công chả phượng, chắc là chỉ nem làm bằng thịt của loài công này.
Anh em chơi với nhau thân thân thì Lễ tuyên bố gả em Nghĩa cho thằng em nào ngoan ngoãn nhanh chân. Thằng Căn có vẻ được chấm vì thấy thỉnh thoảng đi giặt đồ hộ ông “anh vợ”. Gọi thế cho nó vui, chứ biết đến bao giờ được về nhà, được biết quê người mà tính chuyện trầu cau dạm hỏi, xây chuyện vợ chồng. Anh Diện, đại đội phó đi phép lấy vợ mới vào, thao thao kể chuyện cái sướng khi có vợ còn nhảm nhí hơn cả Thắng Pavel. Trời ơi! Chúng mày biết không? Nó mượt mát như thạch. Lúc đó nó sướng dúm cả ***. Hề hề, Vớt ra thì nhợt nhạt hơn trê chết…Anh Diện, anh Bình cò cơm chiều xong là tung hứng với nhau những câu chuyện như thế. Ôi chao, hương hoa tình ái trong góc trụi trần lính tráng, hoàn toàn không giống những lá thư mực tím. Chúng tôi há mồm ra nghe. Nhưng chỉ là ao ước thôi, vì ngay đến cán bộ đại đội cũng phải khó khăn lắm mới được giải quyết đi phép, nói gì đến lính tráng. Pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ thì ai cũng thuộc. Nhưng có khi đêm về lại chẳng thiết cái ánh sao xanh bay vào tờ giáo án, chỉ nhớ mỗi cái gì gì của vợ thì tự các anh ấy biết.
Những câu chuyện thực này khiến bọn lớ ngớ học trò đi lính kiểu tụi tôi có những ý niệm cụ thể hơn về chuyện trai gái cưới xin. Thành ra những lời hỏi thăm miệng, những bông đùa ẩn ý chúng tôi nhờ thằng Lễ ghi thêm trong những lá thư gửi đi cũng mang phấp phỏng hy vọng, làm cuộc đời triền miên đỡ tẻ. Thằng Đặc bị ra rìa, thỉnh thoảng lại kháy Lễ là anh vợ đếch gì mà địch nó đuổi thì quăng súng, chạy nhanh như hoẵng, bỏ lại cả thằng em vợ lóp ngóp lội suối tý bị Pốt nó bắt sống. Ý nó nói trận C1 mất chốt năm ngoái, nhưng “anh vợ” vẫn phớt đều. Cả cái lán khẩu đại liên treo toàn phong lan. Cứ đi rừng gặp cây nào có phong lan dù thật cao, thằng Lễ phải trèo lấy cho bằng được. Cái tính phong lưu của một gã trai phố thị sau bốn năm chiến trận vẫn không bị mất đi. Tôi bảo thằng Căn là em Nghĩa cũng nho phong cảnh quất như thế thì mày hầu mệt con ạ! Anh em đu võng chuyện trò, đùa bỡn cho quên đi ngày tháng. Lán bên, chú lính Nam đàn em mới vào, đang léo nhéo gân cổ những câu hát boléro nhái lời “Ba năm nghĩa vụ từ mười tám đến bốn lăm. Em yêu ở nhà lo kiếm tiền mà sinh sống. Anh đi nghĩa vụ không có tiền mà nuôi em….”
Tuổi buồn chân đơn côi. gót mòn đại lộ buồn....
Mày cứ nằm đấy mà mơ về đại lộ! Từ lán khẩu đại liên đến nhà chỉ huy sở là một "đại lộ" sụt sùi nước vũng và dào dạt tiếng mưa.