[Funland] Những hồi ức của CCB chiến trường K !

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
*
Mưa đã giảm hẳn. Những tiếng sấm xa, đùng đục đâu đó hồi nửa đêm về sáng bảo rằng mùa mưa sắp dứt. Sáng hôm ấy, như một bất ngờ, con chim cu đáp xoạch xuống cành me cụt, nghiêng ngó sửa soạn rồi cất tiếng gù. Chim cu về nhiều là mùa hành quân, là nghẹt mùi khói xe, quện nồng cát bụi trên đường thẳm.

Chẳng có thằng lính nào trên đất nước xứ người này không từng nheo mắt, đưa đường ngắm vào con chim cu vô tội. Có khi chim cu chết vì đạn nhọn lính ta nhiều hơn cả lính Pốt cũng nên. Mùa mưa cũng có, nhưng mùa khô càng nhiều. Loài chim ăn hạt hiền lành về theo mùa lúa. Chim cu bên này lớn con hơn chím gáy ngoài Bắc và cũng ngu hơn, cả tin hơn. Nó đậu trên nhánh hoa dừa, trên cành me trụi, trên tàu lá thốt nốt, trên hàng rào ngăn bò thật thấp. Cũng có khi nó đậu trên cái lõi thép lòi ra vì đạn của một bảo tháp, hay tít cao trên sừng cong của mái chùa. Chim cu nó không rúc bụi, nó cứ trần phơi cái ức nâu non pha hồng của nó ra ở những chỗ dễ thấy nhất. Gru…gru…gru…gru…Rồi… pằm! Xong đời chim cu!

Hành quân tiến về Ph’nom Penh, tiểu đoàn buồn ngủ rũ người trong tiếng cu gù trưa nắng. Khi xa, khi gần, nhịp ba đều đặn. Chẳng biết nó đậu ở đâu trên cánh đồng mênh mông hoang vu, chói lói gốc rạ ấy. Nhưng tiếng gáy ru trưa thì đậu mãi trong hồn đến tận bây giờ. Ở Ô Đông càng nhiều. Nó thích ở những vùng đồng có nhiều cây bụi hoặc ven rừng lẫn trảng. Súng rền chiến dịch tháng Hai năm 79 như thế mà chim cu nó vẫn lẩn quất, không chịu bay đi. Nó quen sống với loài người canh nông trồng tỉa, nó không chịu vào rừng. Trong rừng rậm chỉ có loại cu xanh, cu gầm ghì ăn đa mà anh Chính tréc bắn được cả xâu. Tiểu đoàn tôi đóng quân ở cứ Pursat này, trước cũng lắm chim cu đất nhưng nay thì đã vãn. Lính ta rình bắn nó nhiều quá, nó sợ, cứ thấy bóng áo xanh từ xa là nó bay biến ngay. Chớp mắt chỉ còn thấy vết chim mờ ngược sáng trên trời bổng, rớt lại tiếng gáy cụt nửa chừng. Thằng Quỳnh xe lôi tai quái, lục bồng lấy cái áo đen thu được trong kho vải Pốt năm ngoái, mặc vào đi săn cu. Trưa hôm đó nó hạ được bốn con. Tôi không bắn được con nào, cay cú chửi đ…mẹ thằng này đi lừa cả chim.

Bây giờ thì nó đậu ngay đây, trên cành me trụi đầu lán thản nhiên gáy. Không đứa nào dám bắn. Trong lán tiểu đội vô tuyến điện, thằng em mới vào đang nhợt người li bì trong cơn sốt ác tính. Anh Ky dọa chúng mày bắn sát đây, nó giật mình vỡ mạch máu là chết ngắc. Lính nam mới vào trung đội tôi 2 đứa thì thằng này dính sốt rét ngay. Tôi chỉ nhớ tên thằng Quan, không nhớ tên thằng em này bởi nó vào và nó ra nhanh quá. Hình như đạn nhọn, mìn, ký sinh trùng sốt rét nó chỉ thích chén hồng cầu tươi lính mới. Tụi vận tải đến võng nó ra trạm xá trung đoàn. Thằng Quỳnh xe lôi xốc cái đòn cáng nhìn con chim trên cây tiếc rẻ, lại cúi nhìn xuống khuôn mặt xám ngoét của thằng em trong võng, bảo kiểu này hỏng rồi, hỏng rồi.

Con chim cu áo nâu, cổ đeo tràng hạt. Con chim ăn chay như thầy tu, gieo xuống đồng hoang khói lửa tiếng gù đều đều như kinh hiền vĩnh cửu. Tiếng chim gù ở Ô Đông, tiếng chim gù ở Kompong Ch’năng, tiếng chim gù ở Pursat… nghe đâu có khác gì nhau? Chỉ có điều giữa những tiếng chim gù, những người nghe chim nay đã vãn đi nhiều.

Chim cu gù ở Ô Đông
Chim cu gù ở Pursat

Áo nâu, tràng hạt
Tha thẩn thóc rơi
Trên ruộng lẫn xương người


(Chim cu chụp ở S’vay Rieng. Chắc nó đi uống nước)

 

otooi

Xe tải
Biển số
OF-118405
Ngày cấp bằng
27/10/11
Số km
493
Động cơ
389,281 Mã lực
Hay quá ạ, cụ pót tiếp đi ạ.
 

747

Xe tăng
Biển số
OF-35325
Ngày cấp bằng
15/5/09
Số km
1,396
Động cơ
487,513 Mã lực
Nơi ở
Ở trển
Em toàn để dành lâu lâu vào đọc 1 lèo vài trường đoạn cho nó liền mạch và....sướng. Lúc nào cũng hóng bài mới của cụ xe đạp mà mỏi hết cả cổ.
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
*
Đài đã báo gió mùa đông bắc ngoài kia, thế là mùa khô đã bắt đầu. Ngày vẫn nóng nhưng đêm thấy lạnh. Nước suối sau mấy cơn lũ tháng 10 bây giờ đã rút và trong xanh trở lại. Thời tiết này thích hợp để đi soi cá.

Cách sau nhà tiểu đội truyền đạt chỉ 50m là dãy rừng le mà chúng tôi hay vào đó lấy le khô đun bếp và bó lại làm đuốc soi. Thằng nào đi chặt le là cả một vấn đề. Đầu tiên, một hội chơi tiến lên ghi điểm được mở ra. Chơi tiến lên vô thưởng vô phạt nhưng rất dễ khích máu cay cú, huống hồ chơi phạt khổ sai vác củi. Trong hội, nhiều đứa mặt đỏ rừ, giang thẳng cánh vỗ quân 2 chặt đè nhau lệch cả bàn, rát cả tay vì đập bài. Mặc dù sau đó bài rỗng ruột. nhưng tức điên lên thì cứ chặt khùng cho nó biết.

Hai thằng bét hội ôm hận vác dao vào rừng sau khi trang bị kỹ từ đầu đến chân. Giày cao cổ (VNCH cũ) nhét ống quần vào cẩn thận. Tay áo buông xuống vì trong đó rất nhiều muỗi và vắt. Hai con dao quắm, kiểu dao của dân bạn, có cán dài cực sắc. Bữa đó tôi với thằng Hải cụt dính chấu, phải đi lấy củi do bị chúng nó quây. Gọi là Hải cụt vì nó bị mất một ngón chân cái do quả cối 120mm chui đúng hầm chỉ huy trong trận cầu Prasaut. Không chết hồi đó, bây giờ vẫn đi vác củi được là may rồi!

Trong rừng, chúng tôi chặt le, rút le chí chát. Có những con rắn ráo dài cả 2m, nghe động quăng mình chạy rào rào trên vòm le. Những bụi le đan vào nhau, tạo thành những đường hầm hình ống tối tăm, phủ đầy lá le mục. Trên đó, không một loài cây nào có thể mọc được vì thiếu ánh sáng. Rắn chàm quạp hay ẩn mình phục kích trong thảm lá mục như thế. Giống này da mốc thếch và béo một cách kỳ dị. Cái đầu bạnh ra hình tam giác, gắn lên một cái thân ngắn tũn trông rất bần tiện. Nó mà đợp trúng một cái thì xong. Trong khi hai thằng đang phát một bụi le khô, tôi bỗng nghe tiếng rít đánh “e….e…éo” một cái. Dưới chân thằng Hải, một con rắn chưa từng thấy, bị đè chặt bởi đế giày, đang gồng mình mổ côm cốp vào cổ giày. Thằng này tiện dao lia xuống một đường đứt đôi con rắn rồi nhảy cẫng ra chỗ khác. Hai nửa thân mình màu đỏ chói loang đen loăng quăng quằn quại một lúc nữa mới chịu nằm im. Con rắn này chỉ dài chừng 0.7m, thân lớn cỡ hơn ngón tay cái nhưng cái màu đỏ và tiếng rít đặc biệt lạ lùng. Lần đầu tiên tôi mới biết rắn biết kêu.

Lúc vác le về, đi qua cây xoài mút độc lập nằm giữa trảng. Cây này nhỏ, mới cao chừng 5, 6m. Do mọc độc lập nên rất nhiều cành ngang. Tới đó hai thằng quẳng 2 bó le dài đã bó kỹ xuống ngồi nghỉ hút thuốc rê. Ngửa mặt phà khói thuốc nhìn lên cây, thấy rất nhiều cành nhỏ màu xanh đâm ra tua tủa. Những cành xanh không có lá. Định hồn nhìn kỹ lại thì đó toàn là rắn. Những con rắn lục thân mình đuỗn ra, đu đưa đoạn đầu hệt như một cành xoài trong gió. Vô phúc cho con chim, con bọ nào mỏi cánh dừng chân trên những cành xanh chết chóc đó. Khi di chuyển trên các cành cây, giống rắn này nó trượt thẳng đườn đưỡn, cành nọ vắt sang cành kia chứ không uốn khúc để lấy thế trườn, trông rất vô lý. Mà lạ là sao nó quần tụ đông như thế? Có đến hàng chục con trông sởn da gà. Anh Ky bảo đấy là hội rắn, chúng nó tụ đàn để hớp sương luyện nọc. Đây là lần thứ hai tôi nhìn thấy rắn tụ trên cây. Lần trước cũng trên cây xoài, ở ngay đầu nhà gác ghi đường sắt ga Bamnak.

Cơm nước xong xuôi, một hội tiến lên nữa lại được tổ chức để xem thằng nào phải lãnh trách nhiệm vác đuốc soi cá. Tất nhiên hai thằng đi chặt le làm đuốc lúc chiều được miễn. Sau một hồi đập tay chan chát, đỏ mặt tía tai cãi cọ trong hội bài khổ sai tiếp theo, hai nạn nhân mới được xác định mà không kêu vào đâu được. Khuya muộn một chút thì lên đường! Đuốc được châm cả hai đầu. Chúng tôi soi cá ở những đoạn suối trong đội hình đóng quân của tiểu đoàn, không dám đi xa. Thằng Vỹ vác đuốc đi trước. Kế đến là anh Nhương vác con dao. Anh Ky đi bên cạnh cầm nơm tự đan và tôi xách súng đi sau cùng. Nước trong vắt và lạnh riu riu luồn qua chân. Tránh những chỗ nước quẩn ra vì tại đó sâu, không nhìn thấy gì! Kiếm những bãi cát bồi, suối chảy nhẹ và cỏ xùm xoà phủ trùm mép nước là ăn chắc. Những con cá lóc đen bằng cườm tay nằm bất động theo chiều ngược suối, đuôi hơi ve vẩy. Sập nơm vào là ngon rồi! Còn bọn cá măng suối, giống này giống như cá mương nhưng dẹt hơn, mồm rộng vếch ngược. Cá măng láng nháng đảo qua đảo lại, như say ngắm lửa. Bọn này phải dùng dao khử. Có nhát dao lia ngọt quá tay đứt đôi thân cá. Những loại cá đuôi vàng cỡ ba ngón tay lọt khe nơm thì khó bắt.

Đêm mùa khô hôm nào cực lạnh thì không cần nơm với dao gì cho mệt. Cứ khe khẽ lùa hai bàn tay vào những đám cỏ loà xoà kia. Rờ đi rờ lại, nhẹ nhàng sờ cá như gỡ mìn vậy. Cá bị cóng ngủ rất sâu, chạm tay vào cũng không phản ứng. Hai tay phải khéo để lựa thế chụp, quan trọng nhất phải chụp được cái đầu cá. Con cá giãy giật cái nhẹ trong lòng bàn tay rồi chịu phép, rồi thả vô giỏ. Hết nửa bó đuốc le là giỏ cá đã gần đầy.

Giờ thì đi về! Đi cho nhanh! Vì tàn đuốc soi đường rơi xuống rất thu hút rắn bu theo phía sau. Rắn độc rất khoái tàn đuốc. Chẳng thế mà thành ngữ bảo: “Theo đóm ăn tàn” là để chỉ bọn rắn này. Tàn đuốc mới rơi còn than hoặc còn nóng. Mà rắn độc mắt thì kém. Để bù lại nó có một cơ quan tầm nhiệt nằm ngay dưới hốc mắt. Cơ quan này hết sức nhạy cảm với bất kỳ nguồn nhiệt hồng ngoại nào. Thấy tàn đuốc rơi, bọn nó tưởng là một con mồi máu nóng nên lặng lẽ trườn theo đớp. Đây là kiến thức của cái thằng xách súng đi sau là tôi, vì đã đọc được điều này ở đâu đó trong sách. Chứ tôi chưa thấy bất cứ con rắn nào đuổi theo ăn tàn lửa cả. Nhưng dẫu sao với một kẻ sợ rắn thì tốt nhất là cứ vượt lên mà đi trước
 

Goodboy76

Xe buýt
Biển số
OF-163947
Ngày cấp bằng
28/10/12
Số km
567
Động cơ
353,210 Mã lực
Nơi ở
Hà đông quê lụa
Hay!dưng mà kụ dạo này bị táo hay Sao ý!!
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực

Tuấn râu trinh sát, Hùng lé DK.82, Chương kều đại đội 3 được rút lên đội văn nghệ trung đoàn chuẩn bị đợt hội diễn văn nghệ chào mừng ngày 22/12. Thằng Chương nói với tôi đáng lẽ mày cũng được rút nhưng anh Tuấn ra ban chính trị, bảo anh Hoạt (cùng đoàn Quảng Ninh, là trợ lý) rằng rút nó lên làm gì? Thằng này dưới tiểu đoàn toàn hát nhạc vàng, đừng cho nó lên. Tôi biết trình đàn khi đó anh Tuấn cũng bình thường, thua đứt tôi về nhạc lý cơ bản. Thằng Chương kều được lên cũng là may mắn. Một lần nó với Sơn con B trưởng trinh sát chửi nhau, đến mức khùng điên gióng nòng AK nẻ vào bụng Sơn con một phát. May viên đạn thối, chỉ nghe kim hỏa đập đánh cách một phát nên Sơn con thoát chết. Chuyện đến tai, anh Sơn D trưởng gọi Sơn con lên hỏi. Để bảo vệ đồng hương Thanh Hóa, hơn nữa 2 thằng cũng đã dàn hòa nên Sơn con nói không có gì. Sơn lớn trợn mắt bảo Sơn con là thằng em bao che phải không? Nhưng sau đó tiểu đoàn nể Sơn con đen trũi, suốt đời lỳ lợm, lủi thủi bám địch nên cũng bỏ qua chuyện này.

Tụi nó ra trung đoàn thì có tin đồn về là đơn vị chuẩn bị lên biên giới Thái lan, tải gạo cho sư đoàn 339 nằm chốt ở đó. Những cái gì lính đồn thường hay đúng. Nhân có thằng Bình cáo tiểu đoàn 6 sắp về phép, tôi gửi nó lá thư về nhà. Phải nói thằng này quá giỏi! Đến cán bộ đại đội nhiều ông cũng còn chưa được giải quyết phép, mà bằng cách nào đó, thằng lính trơn như nó lại được đi phép. Trong thư, tôi xin mẹ gửi cho cái màn, vì màn mới lĩnh hồi tháng 8 đã đem đổi chó mất rồi. Lá thư ấy đây:



Ngày lên đường, trừ một bộ phận ở lại trông cứ, đơn vị chuẩn bị hành quân. Trang bị mang theo vũ khí nhẹ. Máy điện thoại, máy 2W, hoả lực cối, 12.8mm, DK.82 để nhà. Tất cả chỉ mang AK như bộ binh, ba người một khẩu. Sau bữa cơm trưa ăn sớm, toàn tiểu đoàn lên đường ra ga Bâmnak. Đến ga mới biết không chỉ đơn vị mình mà lên biên giới Thái còn rất đông các đơn vị khác trong sư đoàn. Trung đoàn 1, trung đoàn 2, trung đoàn 3, các đơn vị trực thuộc sư đoàn…Thậm chí các các sỹ quan trợ lý trong Ban Tác chiến, Ban Chính trị trung đoàn cũng phải đi thồ.

Đang ngồi chờ tàu thì thấy một đám lếch thếch đi bộ vào ban chính trị. Trông ra thì thấy đội văn nghệ đi hội diễn về đến nơi. Không biết có ăn giải gì không nhưng mặt mũi thằng nào thằng nấy đen xám, đàn địch cái vỡ thùng, cái gẫy cần. Thằng Chương kể xe chở đội văn nghệ về bị dính mìn tăng cách trung đoàn có 5 km. Chúng nó bị hất bổng lên không, đàn địch bay tung tóe…May không đứa nào bị mảnh vì dưới sàn xe lót đầy các bao gạo chở từ sư đoàn về cho ban Hậu cần.
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Khoảng 15h, đoàn tàu chuyển bánh trực chỉ ga Pursat. Cung đường sắt này dài trên 30 km quanh co giữa toàn rừng và núi thấp. Tàu chạy chậm 15, 20km/h. Lính sư đoàn leo lên ngồi đặc cả trên nóc toa hút thuốc rê. Hết địa phận chốt của tiểu đoàn 5, qua chỗ địch phục kích đánh tàu mấy tháng trước, chợt dội lên cảm giác chờn chợn. Ven đường vẫn còn thấy những bao xác rắn rách te tua mắc trên cây, mưa rừng đã tuốt cho rã rời trắng tướp. Đoạn đường bò cắt ngang, cỏ đã im lìm ngả vàng.

Qua ga Kamrenh, con tàu cũ kỹ hú lên một hồi còi chào cái ga hoang. Hẳn người lái tàu kéo còi theo thói quen, bởi ga xép này là một nhà ga không người. Bỗng nhớ tiếng còi trong chuyến tàu đêm hồi tháng ba, lúc tôi còn ở nhà. Lần đó, tôi với thằng Tuấn Anh đạp xe lên Vĩnh Yên thăm bà ngoại nó. Vào trêu đùa mấy em trong tổ thêu của bà, ra cái hiệu sách bụi mốc góc đường khu Liên Bảo mua cuốn truyện thì trời đã chiều. Hai thằng đạp xe ra ga Vĩnh Yên, gửi xe đạp dưới toa đen rồi lên tàu về Hà Nội. Tàu đông kín, tôi ngồi phệt trên sàn tàu cạnh một cô gái khá già dặn nhưng cứ xưng em rất ngọt. Bộ đội không tán gái nó phí mồm ra. Tán không phải để mong được cái gì, để hẹn hò hay chiếm hữu. Tán theo thói quen, để chứng tỏ mình là bộ đội, mình cũng biết tán, thế thôi. Lạ là với gái lạ thì thao thao bất tuyệt, nhưng với tình thì tôi ngậm hột thị cả tiếng là chuyện bình thường.

Em tên là Tuyết, làm công nhân ở trại cá giống, về thủ đô thăm chị gái mới sinh cháu. Anh là Hùng, lính chiến trường Campuchia mới được về phép, đang chuẩn bị trở lại đơn vị. Nhân thân rõ ràng, chuyện trò thủ thỉ… Dần có cảm giác bờ vai tôi trĩu nặng. Cô ấy buồn ngủ, đầu cô ấy tựa vào tôi, những sợi tóc mai lòa xòa buồn buồn. Ngoài cửa sổ sẫm tối, thấy trôi vụt qua rặng bạch đàn ga Thạch Lỗi sáng nhánh lên trong ánh điện, rồi sập tối trở lại. Cô gái với tay lấy chiếc nón úp lên ngực rồi tựa hẳn vào tôi ngủ. Tôi mơ màng cao thượng, như chàng chăn cừu của Daudet, gồng mình chịu đựng lực chống xiên. Bỗng giật mình, vì thấy tay ai nắm nhẹ tay mình, rồi nắm chặt hơn nữa. Rồi bàn tay ấy đưa tay tôi đến bầu ngực mềm đang phập phồng nhè nhẹ. Tất cả sự kiện ấy diễn ra dưới chiếc nón che, lại được thêm bóng tối đồng lõa. Nhưng có vẻ hành khách xung quanh họ biết cả, vì đang chuyện như pháo rang, họ gần như đồng loạt im lặng. Đời trẻ trai của tôi bị đông cứng trong phút giây ấy. Người run vã mồ hôi. Bỏ thì tiếc, mà để yên thì thấy ngượng với mấy ông bà quan tòa đen sì đang ngồi trên ghế soi xuống, mắt long trong bóng tối. Trái với sự mất bình tĩnh của tôi, cô gái vẫn thản nhiên giữ chặt tay tôi như thách thức thiên hạ.

Đúng lúc đó, tiếng thét vang dội của con tàu làm tất cả mọi người giật mình, đưa tất cả trở về vị trí ban đầu. Còi tàu hú lên lần nữa trước khi vào ga Yên Viên. Cô gái đã tỉnh hẳn ngủ, sửa lại thế ngồi. Và chúng tôi lại nói những câu chuyện vô thưởng vô phạt nhạt phèo. Đến ga Long Biên, hai thằng xuống tàu về cho gần, còn cô đi tiếp vào ga Hàng Cỏ. Chúng tôi chào nhau như những người xa lạ. Thấy tôi vẫn thần mặt ra, thằng Tuấn Anh bảo thôi tiếc gì mày, nó là gái điếm đấy! Điếm hay không thì tôi không biết, chỉ biết đó là một câu chuyện đường đời không thể quên được. Kể cả trên chuyến tàu trận lên vùng biên giới Thái lan này, tiếng còi tàu vẫn nhắc tôi nhớ đến cô ấy.

Năm giờ chiều, tàu vào ga Pursat. Các đơn vị nghỉ đêm tại thị xã chờ xe D29 vận tải sư đoàn bốc vũ khí và gạo. Tiểu đoàn bộ nằm luôn tại nhà ga và các phố quanh ga.

Ga Pursat bây giờ

 

Goodboy76

Xe buýt
Biển số
OF-163947
Ngày cấp bằng
28/10/12
Số km
567
Động cơ
353,210 Mã lực
Nơi ở
Hà đông quê lụa
Văn cụ rất thật và hóm,nhiều lúc ko nhịn dc cười!tiếp luôn đi cụ nhá!
 

747

Xe tăng
Biển số
OF-35325
Ngày cấp bằng
15/5/09
Số km
1,396
Động cơ
487,513 Mã lực
Nơi ở
Ở trển
Em lại kê dép hóng...nghe chuyện của tác giả mà mồm cứ há hốc...
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Trung đội thông tin kiếm một cái nhà hoang trên con đường ven bờ sông, gần cầu đường sắt ngủ tạm. Ăn cơm chiều xong, tìm mãi không có chỗ nào lấy nước, tôi đành mò ra bờ sông dốc đứng múc đại một bình tông 5l. Nước sông Pursat mùa khô, cả dân lẫn lính ra tắm quần cho ngầu đục nhưng có hề gì? Thằng Sơn ba tai xách đâu về nửa cái lốp xe con. Chúng tôi đốt trước cửa nhà thay đèn. Tụi khác khác cũng bắt chước kiếm lốp thải đốt. Hôm nay ngày lễ Noel_25 tháng 12 năm 1980. Cả dãy phố vắng um tùm bóng cây, nhập nhoạng trong những đống lửa khói mù, như những ngọn nến Giáng sinh đêm chiến tranh. Ánh lửa hắt lên những tàn cây phượng tây đen thẫm, tô bóng lá thành những khối hình kỳ dị. Nhớ hồi còn cái tuổi chọi con ở nhà, cứ đêm Noel, tụi trẻ con hàng phố kéo một đám chạy ra hông nhà thờ Lớn rình xem người ta ôm nhau. Tụi lỏi con chui cả vào trong nhà thờ, chen nhau xem lễ nghẹt thở. Nửa đêm Thánh lễ, đèn dần tắt bớt, thấy nhiều cô la chí chóe vì không biết bị thằng nào cấu mông. Sau này, vệ sĩ Thánh đoàn trấn cổng, hỏi tên thánh từng thằng. Ú ớ không trả lời được là ăn cái bợp tai rồi bị tống cổ ra ngoài. Đêm Noel thường rơi vào tiết khô lạnh hanh hao, mờ sương và giá buốt. Nỗi nhớ mùa đông heo hắt, chìm dần trong tiếng muỗi nhiệt đới vo vo đang tràn về từ các bờ bụi ven sông Pursat.

Tàn ấm trà cuối, trung đội đi ngủ sớm. Đêm mùa khô dần sâu và chuyển lạnh. Hơi lạnh từ cái nền đá hoa nhớp nháp, qua lần nilon trải mỏng thấm lên lưng. Chẳng biết cái hang đá Chúa Hài Đồng sinh ra có lạnh như cái nhà hoang không cửa sổ chúng tôi nằm không? Tịch mịch, nghe rõ cả tiếng lá reo từng đợt trên vòm cây cổ thụ bên ngoài. Một thằng say trong cái hội nhậu khuya nào đó bên kia sông rống lên, giọng khê nồng: “... Xin em đừng qua vùng cỏ hoang! Xin em đừng đến những nơi chim xanh vang ca…!”. Sơn ba tai chưa ngủ, không biết nghĩ cái gì, đứng thử kéo ra kéo vào mãi cái cửa sắt gỉ, đột nhiên gào với sang, lạc cả giọng: “Xin cái đ…gì! Nó ở nhà lấy chồng mẹ nó rồi…! Ha ha…”. Tiếng hát bờ sông im bặt. Phút sau, ba phát AK nã thẳng vào căn nhà chúng tôi nằm “Toác! Toác! Toác!”. Có tiếng cửa kính đâu đó vỡ xoang xoảng đằng xa phía sau. Sơn ba tai lăn ra cười hô hố…

Mãi rất lâu sau vẫn không ngủ được vì cái mùi cá thối tanh khẳn, mùi ẩm mốc của ngôi nhà hoang, trộn lẫn mùi lốp cao su cháy…

Bờ sông Pursat





Thị xã Pursat trong đêm của thời bây giờ (3/2011)

 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
26/12/1980

Buổi sáng, lấy cơm anh nuôi ăn xong, lĩnh thêm cơm vắt là chúng tôi lên xe. Trên xe thấy đầy các bao gạo. Tôi, anh Ky, anh Hoạch, Sơn ba tai, thằng Quan bảo kê một xe. Buổi sáng mát lạnh. Tôi nằm rúc giữa những bao gạo sạch tinh nửa mơ nửa tỉnh vì đêm trước thao thức mãi. Từ thị xã Pursat vào đến thị trấn Leach khoảng 30km. Đường đi tốt và an toàn nên xe chạy khá nhanh. Đoàn xe chạy thưa, cứ 40m một xe. Mỗi chiếc xe làm quẩn lên một đám mây bụi đỏ trên đường. Khoảng hơn 9h xe chạy đến Leach, một thị trấn buồn tẻ. Những quy hoạch nhà cửa cho biết đây là một khu dân cư mới được xây dựng thời Kh’mer đỏ. Những ngôi nhà sàn nhỏ vách gỗ dầu, mái ngói cùng kiểu, giống nhau như đúc nằm xếp hàng bên tay trái đường. Hầu như không thấy người ở trong các ngôi nhà đó. Sau hàng cọc rào gỗ ngăn gia súc, những cây điều, cây dừa lưa thưa trông rất chán mắt. Đây là cứ của trung đoàn 8, sư đoàn 339.

Đường vào Lếch bây giờ



Cầu sắt trên đường:



Cầu mới vượt sông Pursat tại Lếch.



Ngầm Lếch trong chiến tranh giờ chỉ còn vết tích trên bờ lở trong hình



Đoàn xe rẽ phải, vượt sông Pursat qua một chiếc ngầm ngay rìa thị trấn. Bên bờ sông thành dựng đứng do nước lũ xói, người ta xẻ vách ta luy để lấy lối xuống ngầm. Ngầm trải đá khá sâu, ngập quá nửa bánh xe. Chúng tôi lội xuống sông vã nước rửa bụi, rấp nước vào khăn mặt trùm đầu chống nắng cho mát. Bắt đầu đường 56, con đường đất xuyên sâu vào rừng già đến biên giới Thailand. Đường này không biết được làm từ bao giờ. Nghe nói hồi đầu là con đường chuyên chở gỗ, chuyên chở hồng ngọc từ Tà sanh, Pai lin về biển Hồ của bọn buôn lậu.

Rừng khộp lúc thưa lúc dày. Thỉnh thoảng đã gặp những tổ chốt đường của đơn vị bạn. Lính chốt đường mỗi tổ năm sáu người ôm súng ngồi tản từng gốc cây. Khoảng bảy tám trăm mét lại gặp một tổ như thế. Đoàn xe chạy qua, anh em vẫy tay ra hiệu chào, rồi lại chăm chú làm nhiệm vụ của mình. Bắt đầu thấy những xác xe tải hoen gỉ bên vệ, những hố mìn chống tăng lấp vội, quả mìn đĩa công binh mới rà còn lẳng trên rệ đường chưa kịp mang đi. Chúng tôi biết là đã đến những cung đường nguy hiểm. Giữa cái mênh mông hoang vu, ẩn chứa rất nhiều bất trắc của rừng hoang, trông mấy tổ chốt đường thật mỏng manh và bé nhỏ. Nhiều thằng nói không ngoa, khẩu B.41 phải dài gần bằng người nó. Lâu lâu không gặp tổ chốt nào, lòng lại thấy bồn chồn. Những câu chuyện bá láp đang mặn trên thùng xe tự nhiên nhạt dần rồi im bặt. Ai cũng rờ rờ tay vào khẩu súng. Khi nhìn thấy bóng họ từ xa, tất cả lại thở phào như trút đi được gánh nặng. Lắc lư, gầm gừ 15km/h trên con đường bụi nghẹt mũi từ sáng đến chiều tà mới đi được gần trăm cây số. Nghĩa là mới được nửa đường. Lính ăn trên xe, uống trên xe và đi tè thì vịn tay vào thành tưới luôn xuống đường.

Đoàn xe chở khẳm nhíp, đường xấu, phải chạy chậm nhiều nên máy nóng. Thỉnh thoảng đến chỗ có suối, có chốt của lính ta lại dừng lại đổ két nước. Một lần dừng lại như thế, tôi nhảy xuống rửa mặt mũi dưới suối cho tỉnh táo rồi vào lán chốt uống nước. Ở đây nhà lán lính 339 họ cũng làm nửa nổi nửa chìm. Bên ngoài còn đắp một vách lũy dày chống đạn. Rừng thấp lấn vào sát sân. Tôi ra sau cái lũy, định lội thêm vào rừng chục bước để giải thoát bàng quang thì bị quát giật lại. Chú em lính khu 9 chắc mới bổ sung, mặt tái xanh sốt rét, cầm tay gí mắt tôi chỉ vào mấy cái gốc cây xung quanh. Toàn mìn! Dây mìn xanh lét cái nọ nhằng vào cái kia như mạng nhện. Đấy là toàn mìn địch chúng nó gỡ được mang về cài lại quanh khu ở chống đột nhập. Chúng nó cài chằng dây như thế để chống gỡ. Mới biết rừng ven đường toàn mìn. Ta với địch cài nhau lẫn lộn. Một cuộc đấu trí chết chóc mà kẻ thua không bao giờ còn cơ hội ngồi rút kinh nghiệm.

Trời tối hẳn, đoàn xe bật pha sáng quắc, tăng tốc chạy cố rồi lần lượt dừng lại trên một cái trảng rộng. Qua làn bụi phản quang trước các vệt ánh đèn pha, thấy dày đặc các cành ngang đầy gai của một rừng cây săng kỳ dị, như trong phim quay ở Phi châu. Đây là vị trí trung đoàn bộ trung đoàn 9 của sư đoàn 339. Lán trại mái tranh, trắng nhờ chìm trong màn tối. Mấy chấm đỏ ngọn đèn dầu leo lét làm yên lòng đoàn khách đường trường. Anh nuôi tiểu đoàn rối rít hỏi giếng xin nước nấu cơm. Tôi đi theo lấy nước rửa mặt mũi. Cái giếng không có thành, bắc ngang qua miệng bởi mấy dầm gỗ vuông làm tôi suýt lộn cổ. Chúng tôi đứng trên đó, thả cả mấy chục sải dây mà vẫn chưa thấy gầu chạm mặt nước.

Tiểu đoàn 4 ăn cơm nóng với thịt hộp rồi nghỉ đêm tại đó.

Chuyến xe đêm trên đường 56 (hình sưu tầm)

 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Ngày 27/12/1980

Mãi 9h sáng mới khởi hành vì còn chờ các tổ đi thông đường và gỡ mìn. Mỗi càng lúc càng khó đi. Cả đoàn xe lắc lư trầy trật mãi trên con đường heo hút. Lên một cái sườn cua dốc chữ S, bánh xe nặng nhọc lăn qua những tảng đá đầu sư. Một tiếng nổ lớn khá gần, tiếp sau có tiếng đạn nhọn rộ lên phía trước. Cột khói đen bung dần ra phía bên kia cái trảng dầu thưa. Bị phục rồi! Xe dừng. Năm giây sau thì tất cả đã nhảy khỏi cái xe vẫn còn đang nổ máy xuống đường. Hai thằng lái xe và tụi tôi lúp xúp chạy khom ra phía sau, cố tránh cái xe ra một đoạn. Anh Ky giằng khẩu AK tôi đang cầm. Tình thế tay không khi đang có biến làm tôi hoang mang tột độ. Lúc này có 7 người cả lái xe mà chỉ có 4 khẩu AK, mỗi khẩu có mỗi băng đạn. Đang nhớn nhác nhìn trước ngó sau thì hai thằng lính sư 339 chạy xồng xộc ngược đường đón chúng tôi. Chúng nó thông báo đường an toàn, nhắc chúng tôi không được chạy sâu vào hai bên đường và giục tất cả lên xe.

Đường đã thông, tiếng súng đã dứt. không gian khét nồng mùi thuốc phóng. Đi qua một đám lính láo nháo, hỏi vọng xuống được biết là đám Pốt địch đi phục xe bị dính quả DH gài trên cây phía sâu mé trong kia. Tụi nó đang dò lối vào kiểm tra hiện trường. Có thể trái mìn đã mìn kích nổ luôn giá B.40 thằng địch đeo trên lưng nên mới dày khói đen và khét như thế. Đám địch đó nếu hành quân dày đội hình là chắc chắn đi hết.

Mấy thằng chốt đường sư 339 này là chuyên gia về mìn. Chúng nó có những con đường riêng để chui rừng, được đánh dấu bằng những ký hiệu riêng chỉ mình chúng nó biết. Nhìn chúng nó luồn đi luồn lại giữa cánh rừng bên vệ đường hẳn là đặc những mìn mà thấy ghê.

Ven Đường 56 bây giờ vẫn còn đặc mìn (hình sưu tầm)



Con đường đau khổ trong quá khứ bây giờ vẫn bí hiểm như ngày nào



Tại những vị trí cầu hay có chốt của línhE8 & E9_F339 để chống địch đánh cắt



Tối hôm ấy, chúng tôi đến khu “Hai Mươi Nhà” – Sư bộ Sư đoàn 339. Chỉ còn cách biên giới gần 30 km nữa theo đường chim bay. Các tiểu đoàn trực thuộc đóng quanh căn cứ này. Gọi là khu Hai Mươi Nhà vì cái doanh trại sư bộ này lúc đầu chỉ vỏn vẹn có đúng hai mươi căn nhà. Nay đã đông hơn, nhiều nhà hơn nhưng cái tên ban đầu vẫn được dùng. Dẫu chỉ có hai mươi nhà nhưng lúc đó, nó là điểm đến, là thủ đô của đại ngàn biên giới này. Ở đó, có nhà cửa thực sự, có vườn rau, có sân bóng chuyền…Ban đêm, thậm chí có thể đốt đèn măng sông che sáng những khi cần thiết mà không sợ bị ăn cối.

Chúng tôi nhảy xuống suối tắm sau hai ngày hành quân ròng rã. Mới chiều tà nhưng nước suối rất lạnh. Đang vốc nước hò hét té nhau lộn bậy thì tất cả ngẩn người ra nhìn. Từ trong cái nhà nhỏ gần đấy, một cô gái bé nhỏ trong bộ quân phục gọn gàng xách đôi thùng ra suối lấy nước. Những thằng đực rựa đang nồng nỗng, ngồi kỳ cọ trên mấy hòn đá mồ côi giữa dòng nhảy xuống nước đùng đùng. Cô gái không thể gọi là xinh, nhưng lời chào và nụ cười còn mát hơn nước suối nữa. “Dạ! Các anh anh mới vô”. Tiếng con gái đồng bằng sông Cửu Long nghe dễ thương quá chừng! Toàn những thằng mấy năm trời chưa gặp, chưa được nghe tiếng con gái Việt. Cả bọn như há mồm ra đớp lấy từng lời. Thằng Quan mau mắn xí nhận đồng hương con cá gô, rồi hẹn tối sang chơi… Cô lính nhỏ cũng quái! Mỉm cười bảo thằng Quan đứng lên xách hộ thùng nước về thì mới nhận đồng hương được. Cả bọn cười ồ! Thằng này cứng họng, chắc cũng cứng… cả người nữa nên đỏ hết mặt.

Sau này, khi về dự Hội diễn nghệ thuật quân đoàn 4 năm 1981, tôi đã gặp lại cô lính nhỏ này trong đội văn nghệ của F 339. Tên cô là Xin.

Tìm trên panoramio trong google earth tại vị trí suối “khu 20 nhà” thì có hình chiếc cầu này. Đây hẳn là con suối có cái ngầm xe qua mà tụi tôi từng tắm chiều hôm đó






 

747

Xe tăng
Biển số
OF-35325
Ngày cấp bằng
15/5/09
Số km
1,396
Động cơ
487,513 Mã lực
Nơi ở
Ở trển
hic...lại hết rồi. giá như chuyện này in thành cuốn rồi thì tốt. em sẽ đi lùng là 1 cuốn gối đầu giường đọc cho thằng ku trước khi đi ngủ để nó biết thế nào là bản lĩnh lính tráng việt nam.
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Đêm đó tiểu đoàn 4 hạ trại ngay bờ con suối không tên. Khoảng rừng trống được phát quang rộng, không có chỗ mà mắc võng. Từ chỗ đoàn xe đỗ ra biên rừng khá xa, lại lổng chổng toàn cây đã hạ như một hàng rào dày đang khô lá đỏ quạch. Tôi và anh Ky vơ cỏ tươi lẫn khô xung quanh, rấp dày vào gầm cái xe lổn nhổn đá trứng, trải nilon lên làm chỗ ngủ. Bọn anh Hoạch thì sắp lại các bao gạo cho phẳng, trùm tấm đắp co quắp ngủ trên thùng xe. Cái thùng xe bây giờ trở thành mái nhà che chở cho hai thằng. Đêm đó sương lạnh xuống dày. Tụi trên thùng phải lôi nilon ra phủ ngoài tấm đắp cho khỏi ướt và rét. Chúng tôi nằm dưới, khoan khoái giãn lưng nghe hơi ấm từ gầm máy bên trên tỏa xuống. Chừng tỉnh lại sau khi đã được giấc ngắn, thấy trăng hạ tuần soi trắng một biển sương đục như sữa ngoài kia. Đêm càng lúc càng lạnh. Tôi lấy thêm cái võng mới được phát, phủ thêm ra ngoài tấm đắp. Lòng chỉ lo ngay ngáy dầu máy nó giọt xuống làm hỏng cái võng dù mới tinh. Anh Ky trở mình càu nhàu sư đoàn bộ đếch gì mà chui vào cái chỗ hoang vu cùng kiệt này. Hóa ra cái vỉa hè bụi bặm đầy mùi cá thối ngoài Pursat vẫn còn là thiên đường so với nơi đây. Vẫn có tiếng nói chuyện lầm rầm ở đâu đó trong bãi xe. Lại ngáp một cái sái quai hàm, yên tâm vùi đầu ngủ tiếp.



Sáng hôm sau dậy sớm, mò xuống chỗ anh nuôi chực lấy cơm vì thấy đói ngấu. Chắc trời rét nên chóng đói. Cánh lái xe bảo hôm nay đi ngắn, đường an toàn vì quân ta chốt dày. Đích đến là khu Năm nhà, cứ của trung đoàn 10 sư đoàn 339 và trung đoàn bộ binh biên phòng số 14. Đây là cung đường cuối cùng mà có thể tải lương và đạn dược bằng cơ giới. Những vùng rừng không dân, những cái tên kỳ lạ. Hai mươi nhà đã thế này chắc Năm nhà nó còn hoang vu nữa. Liệu đó đã là tận cùng của thế giới chưa nhỉ?

Xe chạy chậm. Đến một khúc cua, đi ngược hướng chúng tôi là một toán người. Thằng tù binh địch đi đầu, khuôn người đậm thấp của nó lom khom, khoác trên lưng con mễn lông bết máu. Đầu con thú ngúc ngoắc theo nhịp đi, máu vẫn nhểu ra ở ***. Hai thằng lính mình khoác AK đi sau. Kế đến là hai cái võng, bốn thằng thay nhau khiêng. Hỏi với xuống thì tụi khiêng bảo chúng nó bị sốt rét ác tính. Tử sỹ chôn luôn trong kia, khiêng ra làm gì cho mệt. Thời gian chuyển mùa này, lính thường sốt rét nhiều.

Chiều sớm, vào đến Khu Năm Nhà, điểm cuối cùng của hành trình. Người ta chỉ cho chúng tôi chỗ hạ trại trong khi xe tải đang xuống gạo. Đúng như hình dung qua cái tên lính gọi khu Năm nhà, thậm chí vẫn chưa thấy cái nhà nào ngoài cái kho. Tàn cây rừng thâm u tầng tầng lớp lớp. Cây dày và cổ thụ nhiều hơn cả trong dãy núi URăng. Chúng tôi đã lọt thỏm vào một khu rừng mưa nhiệt đới.

Cây rừng sẵn, chỉ trong vòng 3 giờ, năm thằng chúng tôi đã có một cái lán hoàn chỉnh. Mái phủ nilon, sạp ngủ làm kiểu nhà sàn, ken bằng những thân cây nhỏ, nâng cao khỏi mặt đất 70 cm để chống rắn rết. Hai dãy lán tiểu đoàn nằm cạnh một cái lạch nước rộng vài chục phân ri rỉ chảy. Chắc đây là lạch nguồn của một con suối. Chúng tôi lấy nước ăn, vệ sinh cá nhân từ cái nguồn nước ấy.












 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
*
Được nghỉ tại vị trí đóng quân một ngày. Nghe cán bộ sư đoàn bạn và đơn vị phổ biến các thủ đoạn của địch thường áp dụng trên địa bàn này. Thông báo về địa hình cung đường tải bộ lương thực, vũ khí ra chốt. Quy định ba người một súng, định lượng vận chuyển mỗi ngày mỗi người 17 kg, quan cũng như lính, gầy cũng như béo.

Kho gạo là một khu nhà đặc biệt. Những cây rừng đường kính đều nhau lớn hơn cườm tay, được ken lại như những cái cũi. Sàn và bốn phía lót nilon kín cho khỏi lọt gạo và chống nước. Chúng tôi đến, được phát mỗi người một cái bồng mới, sau đó thủ kho vục gạo cho từng đứa mà không cần cân đong gì hết. Sau thấy đong lâu quá, tụi tôi xông vào tự trút gạo lấy, ươm ướm đầy bồng là thít quai ra ngoài, chờ nhau lên đường. Bộ đội sư đoàn chủ lực, nay phải đi làm cái việc vốn của dân công nên hành xử bắt đầu cũng giống như dân công hỏa tuyến. Sỹ quan cũng như lính, nhiệm vụ là thồ gạo, không biết ông nào to hơn ông nào vì các đơn vị đi lẫn vào nhau. Dẫn đầu và khóa đuôi có các đơn vị hộ tống bảo vệ của sư đoàn bạn.

Khởi đi của hành trình đã bắt đầu leo dốc đứng. Công binh làm những cái bậc trên triền núi đất để leo cho thuận tiện. Đội hình trung đoàn bộ E10 đóng rải rác trên sườn dốc như một “phố núi”. Con dốc mờ tối, có khoảng đường mòn trăng trắng dưới ánh ban mai nhờ nhờ do tán rừng che khuất. Thỉnh thoàng lại có một nhóm nhà nhỏ bên vệ đường. Leo hết cái dốc này là đủ thở hồng hộc. Tiếp hết một cái dốc dài khác nhưng thoải hơn, thấy một cây dầu rái cao vòi vọi vượt hẳn trên đỉnh rừng là đến chỗ nghỉ. Phải hạ ba lô nghỉ ngay trên mặt đường theo hàng dọc. Đi lại lộn xộn tràn qua vệt đường là có thể ăn mìn. Tôi ngồi sau, xin anh Ky ngồi trước cách mấy hàng hơi thuốc rê. Điếu thuốc chuyền qua mấy ông trung gian, đến lượt mình chỉ còn cái tóp.

Qua chỗ nghỉ, bắt đầu vào một con đường đặc biệt. Nó giống như một đường hầm bí mật, chui ngoằn ngoèo trên một bình độ giữa tán rừng nguyên sinh tối thẫm. Những cành cây nhỏ xoè ngang chắn lối người ta không chặt, mà uốn vào rất khéo để nguỵ trang, tránh địch phát hiện. Lòng đường chỉ rộng 70 cm, đi không khéo thì dây buộc bồng lòng thòng mắc cây bên cạnh ngay. Con đường đóng lại ban đêm và mở ra ban ngày. Cứ đêm xuống là tổ chốt khoá đường lại bằng các quả mìn dày đặc gài cả hai đầu. Sáng hôm sau, có đoàn đi thì tụi công binh lại ra gỡ. Chúng nó nói địch cũng có những con đường riêng như thế. Hai bên rình rập lần mò tìm dấu vết những con đường của nhau. Đã phát hiện thì tổ chức phục kích, cài mìn là ăn chắc. Vậy nên yếu tố bí mật được đặt lên hàng đầu.

Một quãng nữa lại bắt đầu leo xuống. Đi giữa lòng suối cạn đầy đá mồ côi, to như những tấm phản màu trắng. Nước lạnh buốt trong vắt chảy riu riu qua các khe đá. Hai bờ thành suối dựng đứng, cao khoảng dăm chục mét và chỉ cách nhau bằng nửa chừng đó khoảng cách. Đi giữa lòng suối nhìn lên trông cực kỳ ngợp mắt, như đi trong một hẻm nhỏ giữa các khối nhà cao tầng. Cỏ thể mường tượng như những nứt gãy đoạn tầng địa chất hùng vĩ bang Arizona Mỹ quốc mà chúng ta xem trên TV. Mấy cái lán chốt lính mình dựng ngay trên bờ thành, nhỏ xíu như những tổ chim. Không chốt ở đó, nó chỉ lăn đá xuống không thôi cũng chết ráo. Đoạn lòng suối cạn nguy hiểm đó dài khoảng 1 km, ai cũng cố đi thật nhanh. Lên khỏi lòng suối là đến kho trung gian. Chúng tôi trút gạo tại đó, ăn cơm vắt xong là vội vã trở về.
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
31/12/1980_Ngày cuối cùng của năm.

Gì thì cũng phải đón năm mới cho nó đàng hoàng! Trong lúc láo nháo lĩnh đồ sáng sớm, tôi “múc” được hai hộp thịt ở kho, tuồn sang cho Sơn ba tai. Thằng này lấy mũ úp lên. Nó để xuống đáy bồng rồi nhanh chóng trút gạo vào. Hăm hở lên đường. Ai cũng cố đi cho nhanh. Chẳng mấy chốc đã đến lòng suối đá. Hạ ba lô gạo xuống, vã nước lạnh lên mặt lại tỉnh ngay như sáo. Chúng tôi nhảy chuyền trên những tảng đá bàn cờ. Phần do quen đường, phần do cơ thể đã thích nghi với công việc mới, sau mấy ngày mang nặng nên con người dẻo dai hơn. Đội hình đến trạm trung chuyển mới gần 11h trưa. Chưa thấy ai nhận gạo, đang định giở cơm vắt ra ăn thì có lệnh đi tiếp. Một tiểu đoàn bạn chốt sát đường biên cách đây 4 km bị địch bâu bám, vây đánh mấy ngày hôm nay. Anh em không ra chuyển gạo được nên chúng tôi phải thồ ra tận chốt. Kho trung chuyển cử một tổ đi dẫn đường. Ui chao! Đang phấn khởi, khoẻ như vâm mà vừa nghe lệnh xong, thằng nào cũng xìu xuống. Đã thế đi luôn cho sớm, vào đó ăn sau. Chúng tôi xốc ba lô lên đường ngay.

Đi được một quãng nữa, gặp một trung đội bạn mở đường đi ra. Bọn đi sau võng theo bốn võng. Hai tử sỹ, hai sốt rét ác tính. Võng tử sỹ dường như để lâu mấy ngày nên đã trương ngang. Dưới đáy võng đã thấm ướt. Mùi tử khí xông lên nồng nặc. Không ý thức được hành vi, tôi bất giác đưa tay lên bịt che mũi. Một cái tát nảy đom đóm mắt, kèm theo một họng K.54 lạnh ngắt gí vào màng tang. “Đ…m! Anh em mình chứ ai mà mày bịt mũi? Tao bắn bể sọ mầy!”. Hố mắt sâu trũng nhưng sáng quắc đầy những tia căm giận của người chỉ huy đơn vị bạn chiếu thẳng vào mắt tôi. Ê rát hết khuôn mặt, nước mắt tôi giàn giụa sau cái tát lạng người…Không phải vì đau, cũng hoàn toàn không phải vì sợ. Một cảm giác nửa uất ức nửa tuyệt vọng ê chề bao trùm. Nhân cách con người dường như bị lăng mạ và nhấn xuống đến tận đáy sâu. Không chỉ riêng tôi mà cả đám lính quanh đấy đều cảm thấy. Hai toán lính lại lặng lẽ ngược đường. Sơn ba tai hậm hực, lầu bầu chửi đ...mẹ hôm nay bố mày mang súng thì mày biết tay ông. Anh Ky bảo thôi dẹp mẹ nó đi mày ơi! Từ đó không ai nói với ai lời nào nữa từ đấy ra đến chốt.

Đường về chiều nhạt nắng. Gió biển thổi mặn ru lá rì rào trên đường bình độ. Hay có thể ngọn gió chướng cuối năm đã về theo hẹn? Chúng nó bảo nơi đây gần biển lắm! Những hôm trời quang, vạch lá rừng trên triền núi này ra là nhìn thấy biển xanh vịnh Thái lan lấp lánh ngoài kia. Nếu gió đừng to quá, lắng nghe có thể nghe thấy tiếng thuyền gõ đuổi cá, tiếng trống bập bùng khi xa khi gần của các phum bên đất Thái. Chao ơi nỗi xót nhớ quê nhà! Trong những hoàn cảnh buồn nhất, tuyệt vọng nhất, ta hay nhớ đến quê hương, nhớ đến mẹ như một cứu cánh, một liều thuốc giảm đau. Nhưng hôm nay gió lớn, tôi đâu nghe thấy được gì. Chỉ nghe thấy trong lòng một nỗi chua chát vô bờ bến. Hôm nay là ngày cuối cùng của năm cũ. Ngày mai tôi sẽ hai mươi mốt tuổi, như anh lính trong một bài hát. “Năm tôi hai mốt tuổi, tôi đi vào quân đội mà lòng chưa hề yêu ai…”.

…………………

Lá thư về cho mẹ tôi trước khi lên đường đi tải gạo

 
Thông tin thớt
Đang tải
Top