[Funland] Những hồi ức của CCB chiến trường K !

xdthienha

Xe container
Biển số
OF-55451
Ngày cấp bằng
21/1/10
Số km
6,266
Động cơ
494,625 Mã lực
Nơi ở
Quê em có Đồ Sơn cơ
Hay quá,em oánh dấu để đêm đọc dần.
 

747

Xe tăng
Biển số
OF-35325
Ngày cấp bằng
15/5/09
Số km
1,396
Động cơ
487,513 Mã lực
Nơi ở
Ở trển
Cụ xe đạp đâu òi. tiếp lửa đi chứ ạ.
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Lửa bếp sớm hồng loang trong màn sương đục. Nước đọng trên tán lá, giọt lộp bộp xuống mái lán nilon. Đã rục rịch tiếng chân người đi lại ngoài lạch nước. Ngày nào cũng như ngày nào, đó là cái khoảng đọng thời gian chán chường nhất. Mệt tất nhiên là có mệt, nhưng chưa bằng cái cảm giác ngại ngùng khi ấy. Hôm nay có nên báo ốm xin nghỉ thồ không đây? Tiếc cái hơi ấm còn vương trên sạp, muốn lười biếng nằm rốn lại, nhưng rồi ăn phát đét của anh Hoạch rát chân, cũng đành vùng dậy ăn cơm để lên đường.

Có lệnh dừng lại nghỉ. Hạ ba lô xuống thở, chưa quấn xong điếu thuốc rê thì dội lên tiếng nổ mồ côi khá gần. Mìn chắc rồi! Hướng cây dầu rái cổ thụ, không biết đơn vị nào? Quân tải gạo đứng hết cả dậy xôn xao. Ai cũng thầm mong không phải đơn vị mình dính. Lệnh truyền mồm xuống dọc hàng quân: ai có võng chuyển gấp lên. Không ai mang võng hết! Lát sau thấy toán lính Trung đoàn 1 trần như nhộng huỳnh huỵch ngược đường. Anh em cởi quần áo, xé quấn băng cho thương binh. Tử sỹ buộc choàng tay, cõng oặt oẹo trên lưng. Hy sinh 4, bị thương 2, ăn dày thấy ghê! Thằng chạy sau cùng ôm một cánh tay rời quấn áo đẫm máu, không biết của thằng nào? Máu xuống đằm đẵm, lẫn mồ hôi trên tấm lưng trần những thằng cõng, giọt giọt xuống đường về phẫu trung đoàn bộ E10.

Thoáng chút xôn xao hoang mang, chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Qua chỗ gốc cây dầu, máu trộn gạo đổ òa, lấm tấm trắng đỏ tràn trên mặt đất. Chỗ này có một khoảng rộng đầy lá khô, sạch sẽ như một bãi nghỉ. Quả mìn địch phủ lá, cài kiểu chạm nổ sát gốc cây. Có lệnh nghỉ, anh em tràn vào cái chỗ rộng và sạch ấy theo thói quen những ngày tải trước. Vừa hạ ba lô dính ngay đòn độc. Địch đã phát hiện được con đường thồ gạo này. Những con kiến rừng đen khổng lồ xuất hiện, tràn ra mặt đất hối hả tha gạo. Có con nhấc bổng cả những cái lá khô đẫm máu, chạy thành hàng về tổ. Chúng tôi cũng nhấc bổng ba lô tiếp tục lên đường. Ba lô gạo trên vai giờ như trĩu nặng đến ngàn cân. Đoàn người im lặng đi qua điểm mốc chết chóc. Mấy hôm sau qua đó vẫn thấy không gian nồng lên mùi máu khô.

Bình thường, tôi đi lấy cơm sáng hay gửi võng cho Chí đen anh nuôi vì ngại mang nặng. Để ở lán thì sợ mất vì cái võng dù màu rêu thẫm tôi mới lĩnh đẹp lắm. Kể từ hôm đó, tôi không gửi nữa mà quấn dây võng, giắt buộc ngay thắt lưng. Xem ra bây giờ thấy thằng nào cũng giắt võng mang đi cả. Mang đi để nhỡ đá mìn thì có đồ cho chúng nó khiêng về trả cho bà già. Bật cười nhớ chuyện thằng Đặc đưa cái đồng hồ cướp được cho thằng Căn đeo. Nó sợ đá mìn hỏng mất cái đồng hồ thì phí của. M…kiếp! Đau lòng tử biệt sinh ly/ Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên. Em yêu phố cổ tôi ơi…!
…………………..

Lá thư về nhà trong thời gian chấp hành “kỷ luật”, đi thồ phụ máy 2W cho thằng Trương Kông Kảm vì tội làm “thầy bói”




 

sactimtn

Xe tăng
Biển số
OF-4416
Ngày cấp bằng
25/4/07
Số km
1,904
Động cơ
3,283,724 Mã lực

Đi được một quãng nữa, gặp một trung đội bạn mở đường đi ra. Bọn đi sau võng theo bốn võng. Hai tử sỹ, hai sốt rét ác tính. Võng tử sỹ dường như để lâu mấy ngày nên đã trương ngang. Dưới đáy võng đã thấm ướt. Mùi tử khí xông lên nồng nặc. Không ý thức được hành vi, tôi bất giác đưa tay lên bịt che mũi. Một cái tát nảy đom đóm mắt, kèm theo một họng K.54 lạnh ngắt gí vào màng tang. “Đ…m! Anh em mình chứ ai mà mày bịt mũi? Tao bắn bể sọ mầy!”. Hố mắt sâu trũng nhưng sáng quắc đầy những tia căm giận của người chỉ huy đơn vị bạn chiếu thẳng vào mắt tôi. Ê rát hết khuôn mặt, nước mắt tôi giàn giụa sau cái tát lạng người…Không phải vì đau, cũng hoàn toàn không phải vì sợ. Một cảm giác nửa uất ức nửa tuyệt vọng ê chề bao trùm. Nhân cách con người dường như bị lăng mạ và nhấn xuống đến tận đáy sâu. Không chỉ riêng tôi mà cả đám lính quanh đấy đều cảm thấy. Hai toán lính lại lặng lẽ ngược đường. Sơn ba tai hậm hực, lầu bầu chửi đ...mẹ hôm nay bố mày
[/URL]
Đọc đoạn này cháu thấy rơi nước mắt, tình cảm đồng đội sinh tử đúng là không thể nói lên thành lời. Không thể trách người chỉ huy kia được...!
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Trút gạo vào kho xong, chúng tôi ăn cơm vắt bữa trưa gần một cái lán lính F339 chốt nằm bên bờ suối. Gọi là một căn lều thì đúng hơn vì chỉ đủ cho ba người ở. Xung quanh cách chừng 3m, bao bọc bởi một luỹ đất hình chữ U dày 60cm, cao đến ngực làm công sự chiến đấu. Mái lều lợp một thứ lá rất lạ. Những chiếc lá giống như lá bàng nhưng nhỏ hơn. Lính ta lấy những thanh le chẻ nhỏ kẹp lại hoặc “khâu” qua thành từng dảnh rồi đem lợp. Chúng nó bảo đấy là lá trung quân. Những chiếc lá này đốt cũng không cháy. Trông ngoài vào, cái lều lính đó trông chỉ thấy mỗi cái mái khum nhô khỏi thành công sự, như một con rùa đất, vảy nâu màu lá khô. Những kỳ địch bám đánh rát trong mùa mưa, anh em phải bỏ lều, mắc võng gần hố gác ngủ. Bởi tụi Pốt luồn rừng mò vào, thấy mái nhà thấp thoáng là tương B.40 cấp tập vào đó rồi chạy.

Từ những lán khác nằm đâu đó trong rừng, mấy thằng lính kéo sang. Lều chật, chủ nhà lấy mấy khúc củi lăn ra khoảng rừng trống cho bọn tôi ngồi. Anh em chủ yếu là lính Nam đoàn mới vào. Họ nằm trong vùng rốn sốt rét, hầu như chưa ai thoát nên trông gầy nhỏ, môi tái nhợt. Ánh nắng buổi chiều, lọc qua các tàn lá dày rừng già, in thêm trên gương mặt của những đồng đội tôi một màu xanh hắt. Ê bồ tèo, cùng hai mươi hai mốt, trứng gà trứng vịt lứa tuổi yêu đời như nhau, anh anh em em làm gì? Tóc bọn tôi cũng dài cợp, nhưng chưa dài như tụi nó. Trên vách, cái lược nhựa gãy răng còn giắt những sợi tóc rụng do sốt rét quần. Có cả mảnh gương con đã vỡ chỉ còn một nửa. Ở rừng thì còn đẹp với ai nữa, nhưng nhu cầu ngắm cái mặt mình đến loài chim sáo chim câu còn có, nói gì đến con người.

Nồi nước sâm rừng đặc quánh và nóng hổi. Ba cái bát sắt chuyền tay nhau. Nước sâm rừng ngăm đắng và có vị ngọt hậu. Đó là một loại cây thân mộc, cao khoảng 2m. Lá dày bóng loáng, gân lá hình cung, tựa như lá cây trúc Nhật bây giờ người ta hay trồng trong nhà. Mộc sâm rừng là đặc sản vùng này. Lính chốt rừng thu hái lá, rễ và vỏ gần gốc, thái ra từng lát rồi đun nước thay trà. Nước mộc sâm giúp chúng tôi phục hồi sức đặc biệt nhanh chóng. Trà lá phải có thuốc rê! Thuốc rê bạn mời nằm trong một bọc nilon kín. Loại thuốc rê này tôi chưa từng được biết. Nó là những sợi, nói đúng hơn là những cọng to tướng, ngắn ngủn. Quấn vào cố rít cũng có mùi thuốc lá nhưng hăng xộc và muốn tắc cổ. Đây là thuốc lá họ tự trồng trong chốt. Trên mấy luống đất vun, những cây thuốc lá đã bị vặt hết lá, chỉ còn lại thân cây xanh đục, đuồn đuỗn vọt lên cao đến ngực. Đã vặt hết lá hút thì chúng nó sử dụng thân, tước ra sấy thành loại ciga mà khách quý là chúng tôi đang sử dụng. Những hơi thuốc đắng nghét, tắc cổ họng, nhưng chúng tôi không thằng nào dám bỏ hay nhăn mặt. Nhìn thấy, thấu hiểu và biết đồng cảm nỗi thống khổ của nhau, hẳn cũng là một đặc tính của con người.

Hộp thịt mới “lụi” được trong kho đổi lấy một bọc sâm khô, binh lính hai sư đoàn bộ binh vỗ vai chia tay hẹn đến ngày mai phơi phới tương lai. Bên kia đất Thái, trong gió vọng sang thấp thoáng tiếng loa một bài dân vũ nhoè lời. Bên này đất Campuchia, đoàn thồ chúng tôi lại lủi vào lòng suối trên đường về. Giữa hai bên là một cái lằn ranh vô hình của chiến tranh và hoà bình. Cái thẻo đất sát biển như cái giải rút ấy là của một đất nước khác, nơi tụi chó Pốt xuất phát từ đó để tương B.40 liên thanh vào đầu anh em chúng tôi. Chỉ một trận là tiểu đoàn tôi có thể đánh thông ra đến tận bờ biển, lập đầu cầu cho tàu há mồm nó đổ bộ thì đạn gạo phè phỡn, khỏi tải bộ nhọc người mất công. Nhưng uất ức thì nghĩ thế thôi chứ không làm gì được, bởi vì tôi lúc đó mới chỉ lên quân hàm hạ sỹ.
 

TuDo2808

Xe container
Biển số
OF-202035
Ngày cấp bằng
14/7/13
Số km
6,218
Động cơ
369,006 Mã lực
Những dòng hồi ký về người lính hay và cảm động quá. Rất chân thật, rất đời thường không hào hùng bóng bẩy như các tài liệu tuyên truyền nhể.\m/
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Khẩu phần thịt hộp tháng tải gạo đã hết. Ăn tối sụp soạp với canh chua lá bứa nấu mì tôm. Sơn ba tai khoắng đũa chóng mặt, nồi canh sau 2 phút chỉ còn lá bứa suông với nước. Anh Ky lè lưỡi bảo tụi chậm ăn là chúng mày cứ húp nhiều nước canh vào, *** nó nổi lên sẽ no ngay. Ra lạch nước khoắng ba khoắng là cái chén sạch, khoả ba khoả là cái chân sạch. Bê chậu nước sâm rừng về, đặt lên cái chạc ba đầu lán là hết việc trong ngày. Bây giờ có thể nằm duỗi dài nghe xương cốt nó kêu lắc rắc, he hé mắt nhìn bóng đám lính trung đội đang ngồi sì sụp nước sâm nóng quanh đống lửa trước khi chìm nhanh vào giấc ngủ.

“Tong!” “Tong!”…Giọng “nam trung” không lẫn được của tiếng đề pa cối 82mm. Tai chợt giỏng lên, các giác quan choàng thức trong khi thân xác rã rời vẫn nằm yên bất động. Đạn rơi nổ rầm rầm ngoài suối lớn, cách trại lính tải gạo khoảng 200m. Cối địch rồi! Tụi đang uống nước vội dập lửa, leo lên lán nằm trong đêm tối, kéo tấm đắp im lặng thụ hưởng trận pháo kích. Tiếng đề pa của 2 khẩu cối 8 địch lại tong tong liên tiếp, nghe rất vang và gần. Như thế nghĩa là lính Pốt không đào hầm pháo, mà giá cối lộ thiên trên cái đỉnh nào đó giã vào đội hình trung đoàn bộ E10. Bọn địch ở đây quá là ngạo mạn! Tiếng đạn nổ trầm nhịp đôi, rải rác dọc bờ suối lớn, nhoè dần đi vọng ào ào trên các triền núi. Thảo nào lúc đầu chúng tôi định chọn bãi đẹp ấy hạ trại nhưng cán bộ sư đoàn bạn kiên quyết lùa chúng tôi lên cái lạch nước nhỏ này. Không thấy tiếng phản pháo của quân bạn F339. Thậm chí bắn đến cả hai chục trái mỗi khẩu mà tụi Pốt không thèm di chuyển trận địa. Đúng là rừng nào cọp nấy.

Đến hơn 1 năm nay tôi mới lại nghe tiếng cối địch, thấy lòng cực kỳ ngao ngán. Hy vọng đã bóp chết bọn tàn quân Pôn Pốt như đài báo vẫn nói, rồi trở về nhà tan dần theo từng tiếng trái phá rừng khuya nơi thâm sơn cùng cốc. Đời tôi có nhiều lần tưởng bở. Lần đầu là khi từ khu sơ tán bom Mỹ ở Bá Hiến, Vĩnh Phúc trở về Hà Nội đúng dịp Tết năm 1968. Tôi ôm chặt bà ngoại dưới ánh điện sáng trưng. Mùi quết trầu thơm thơm. Bình hoa đào thắm đỏ. Trên tường treo tờ lịch cứng, in hình màu một em bé gái rất xinh. Cả phố tôi trở thành một phố hoa…

Cứ nghĩ mình sẽ được ở Hà Nội mãi mãi thì đùng một cái, đêm 16/4/1972 tôi lại lếch thếch theo bố mẹ đi sơ tán lần nữa. Trở về Hà Nội lần thứ 2 cũng đúng dịp Tết. Hiệp định Paris đã ký kết, hoà bình đã trở lại. Mùi man mát ngai ngái hoa thược dược, hoa violet, hoa lay ơn nẫu ế, chất đống trước cửa nhà đêm ba mươi, chờ cô công nhân vệ sinh đến dọn đi vẫn thoáng đâu đây. Rồi giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước năm 1975. Tuổi niên thiếu trưởng thành dần trong hoà bình, trong những cuốn truyện tình yêu lãng mạn, truyện mùa hè cấy hái, các bài hát nhẹ nhàng của đất nước Sô viết. Mơ mộng rằng một ngày nào đó, tôi là anh phi công nông nghiệp, ngủ trên cỏ dưới gầm cái máy bay phun thuốc trừ sâu trên thảo nguyên mênh mông với cô Đasa tóc vàng, có con chó chăn cừu vẫy tai ghen tỵ. Cái đêm thảo nguyên nóng nực ấy, người ta nghe rõ cả tiếng cỏ ba lá đang tách mầm… Bố láo bố toét, mơ ước cuộc đời ra cám hết cả! Ba năm sau, tôi vào lính vội khi mới thi xong, còn chưa có giấy báo điểm thi đại học để sang đây đánh nhau dã man với bọn chó chết này. Tôi lại phải xa Hà Nội lần nữa. Và đã phải thấy những điều kinh dị quái gở, không từng có trong bất kỳ một cuốn sách nào. Bao giờ tôi sẽ trở về?

Tiếng cối địch ngừng đột ngột làm cả bọn tỉnh cả ngủ. Đêm mùa khô có sương dày thế này cũng lạ. Nhưng vùng này sát biển, cách có vài km đường chim bay. Hẳn những trận gió tây hiếm hoi trái mùa đã lùa hơi nước đến rừng già. Sương ngưng đọng trên tán lá, giọt xuống mái lều lộp bộp như một trận mưa nhỏ. Trời càng khuya càng lạnh. Anh Hoạch mò dậy, gạt hết than và những khúc củi cháy dở lúc nãy xuống gầm lán rồi ngồi bó gối trông ra ngoài rừng. Tôi trở mình, kéo tấm đắp lên trùm đầu, nằm sát lại anh Ky.

Một cái phong bì tự làm trong thời chiến tranh để gửi thư về nhà

 

nadungx

Xe tải
Biển số
OF-198290
Ngày cấp bằng
13/6/13
Số km
263
Động cơ
327,450 Mã lực
Nơi ở
Hà nội
Có ai chấp bút cho cụ khg ạ, nếu khg thì cụ viết như nhà văn, em nể quá
 

RUỒI TRÂU

Xe buýt
Biển số
OF-11911
Ngày cấp bằng
6/12/07
Số km
520
Động cơ
530,526 Mã lực
Nơi ở
Tầng mây thứ 18
văn phong hóm hỉnh, nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa bao nhiêu tình cảm thiêng liêng. Cảm ơn Cụ Xe đạp. Nhất định F1 nhà em sẽ được đọc bài viết này. Trà em đã pha mời các Cụ làm hớp trà rồi anh em chúng ta lại ngồi hóng chuyện của cụ Xe đạp
 

747

Xe tăng
Biển số
OF-35325
Ngày cấp bằng
15/5/09
Số km
1,396
Động cơ
487,513 Mã lực
Nơi ở
Ở trển
Có cụ nào copy paste lại toàn bộ câu truyện này ra file word không nhỉ? em cũng muốn làm 1 bộ sau này F1 nhà em nhớn nhớn chút, em sẽ đọc lại cho nó thay cho mấy cuốn truyện tranh bán đầu ngõ.
 

likecar&trips

Xe tăng
Biển số
OF-131467
Ngày cấp bằng
19/2/12
Số km
1,629
Động cơ
389,080 Mã lực
Nơi ở
Bên kia bờ sông Đuống
Có cụ nào copy paste lại toàn bộ câu truyện này ra file word không nhỉ? em cũng muốn làm 1 bộ sau này F1 nhà em nhớn nhớn chút, em sẽ đọc lại cho nó thay cho mấy cuốn truyện tranh bán đầu ngõ.
Dự rằng F1 nhà cụ sẽ không lĩnh hội đầy đủ các thông tin cần truyền tải của câu chuyện... bởi ko hiểu, ko hình dung được cái đói, cái rét nó ntn, cái bực bội, cảm giác khó chịu do lũ chấy rận hành hạ đám trẻ con thời bao cấp nó ra làm sao cụ ah./.
 

nadungx

Xe tải
Biển số
OF-198290
Ngày cấp bằng
13/6/13
Số km
263
Động cơ
327,450 Mã lực
Nơi ở
Hà nội
Có cụ nào copy paste lại toàn bộ câu truyện này ra file word không nhỉ? em cũng muốn làm 1 bộ sau này F1 nhà em nhớn nhớn chút, em sẽ đọc lại cho nó thay cho mấy cuốn truyện tranh bán đầu ngõ.
em nghĩ dân 9x còn khó hình dung nổi nói gì đến thế hệ F1 của chúng ta sau này
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Trong những ngày tải gạo, chúng tôi sống cô đơn biệt lập như người rừng. Mọi hoạt động sống đều âm thầm dưới tán cây tầng tầng lớp lớp. Có hai khoảng thời gian trông thấy mặt trời, đó là khi vượt ngược lên nguồn trong lòng con suối giữa đường lúc ban trưa, và khi đổ dốc “công binh” trên đường về trại. Dốc công binh là nơi đại đội công binh trực thuộc trung đoàn bạn chốt. Trên con đường quanh co triền dốc, tôi đếm được bốn cái nhà. Buổi sáng, hai trung đội chặn đầu khoá đuôi chờ ở đây, bảo vệ đưa đoàn lừa ngựa là chúng tôi đi. Buổi chiều quãng 3 giờ, họ dừng lại, tạm biệt chúng tôi cũng tại đây. Đã hơn nửa tháng nằm cùng trung đoàn bộ của quân bạn nhưng tụi tôi chưa hề biết các ban bệ họ nằm đâu. Chỉ biết mỗi dãy kho gạo, nay đã vơi đi già nửa với mấy cái nhà của đại đội công binh này. Xung quanh chỗ ở toàn rừng rậm. Đêm chúng tôi cũng không cần phải gác, nhưng cũng cấm đi lại lung tung như lời anh tham mưu đơn vị bạn dặn. Không lẽ họ cũng bí mật ngay cả với chúng tôi?

Từ chốt công binh về trung đoàn bộ E10 chỉ còn một quãng ngắn, an toàn nên họ để tụi lừa ngựa tự đi. Trong chiến tranh Ai Cập, khi bị tập kích quấy rối, Napoléon từng ra một cái lệnh nổi tiếng:” Lừa ngựa và các nhà khoa học đi vào giữa!”. Hẳn ông ấy hiểu sâu sắc sức kéo và tri thức là tối cần thiết trong chiến tranh, mà trong khi đó, hai lực lượng này dễ bị tổn thương nhất vì không biết tự bảo vệ. Sư đoàn tôi đang phải làm cái việc không phải là sở trường. Nói cho ngay, chứ kiểu ngạo mạn bắn cối không thèm đào hầm giấu tiếng đề pa đi ở chỗ chúng tôi thì bọn chó Pốt này chết mất ngáp.

Thú nhất là buổi chiều về đến đại đội công binh này, ngồi nghỉ nhấm nháp bát nước sâm rừng ngày nào bạn cũng đun chờ sẵn. Nắng cuối chiều vàng rực, ngời trên thảm xanh rừng dưới kia. Tôi trèo lên đứng lên một mỏm cao giữa một khe nắng lọt không có cây che, thấy bóng mình dài thượt in xuôi triền dốc rồi gấp xiên, trải trên bề mặt đỉnh rừng đã bắt đầu dâng mờ sương tối. Anh Hoạch thấy hay hay, đẩy tôi xuống tranh chỗ, đòi “chụp hình” trên nền rừng. Anh ấy khoa chân múa tay, cái bóng dưới kia cũng khoa chân múa tay bắt chước. Thằng cha khoái chí, gào lên rồi nhảy lên chồm chồm như thỏ rừng động đực. Mấy khi được mặt trời thiên thu chụp hình miễn phí trong một góc máy đẹp, cứ vô tư đi! Chẳng ai nghĩ một người đàn ông ba mươi tuổi, đã có vợ và một con lại tự chơi với cái bóng của chính mình.

Anh Hoạch chơi chán, nhảy xuống, bảo tao mới được chụp hình có một lần trong đời, ấy là khi cưới vợ. Trước hôm cưới, hai đứa đèo nhau bằng xe đạp ra hiệu ảnh thị trấn Hưng Nhân chụp hình đôi. Tao mặc quân phục mượn của ông anh, nó mặc áo “phin lõn”. Tụi trẻ con đuổi đằng sau xe đạp, hét váng cô dâu chú rể đội rế lên đầu làm nó xấu hổ bỏ tay vịn yên cái xe. Tao non tay lái, chao ghi đông đúng chỗ xóc, làm nó suýt lộn cổ xuống cầu đá. Ảnh in bóng, tô màu nước má hồng môi son hẳn hoi nhé. Nền phông tô xanh, có đôi chim bồ câu ngậm mỏ ăn dải lụa uốn hình chữ Hạnh Phúc, in cỡ 9x12 hết tất cả 12 đồng. Vì to quá không tiện mang đi nên để ở nhà, chứ không chúng mày lác mắt.

Mặt trời xuống thêm một quãng, khuất sau một tàn cây. Máy chụp hình coi như hết phim! Chúng tôi lần lần xuống núi đi về.
 

provtc

Xe container
Biển số
OF-39612
Ngày cấp bằng
30/6/09
Số km
6,377
Động cơ
523,069 Mã lực
Nơi ở
Hoa luân cung
Cháu đọc từ trang 1 đến rrang 46, vừa đọc vừa nghẹn ngào nhiều lúc chỉ trực trào nước mắt, chiến tranh nó khốc liệt quá. Cùng cơ quan cháu cũng có bác đi B, chưa kịp đánh đấm gì thì ông đi trước đạp phải mìn, ông trước bị mìn nó phạt đứt đôi người, bác ấy thì bị cụt 1 chân. Bác ấy kết thúc chiến tranh ngắn ngủi trong vài tháng, cháu copy ra file cho bác ấy đọc câu chuyện của bác.
 

747

Xe tăng
Biển số
OF-35325
Ngày cấp bằng
15/5/09
Số km
1,396
Động cơ
487,513 Mã lực
Nơi ở
Ở trển
Đợi lâu quá. Cụ xế viết tiếp đi.
 

Goodboy76

Xe buýt
Biển số
OF-163947
Ngày cấp bằng
28/10/12
Số km
633
Động cơ
353,210 Mã lực
Nơi ở
Hà đông quê lụa
Hơn chục hôm rồi ko thấy cụ xế độp tiếp nhỉ,chắc lại đang dập dềnh ở biển nào rồi!!!
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực

Bên tay trái con đường, khi đã đi khỏi kho gạo khoảng 400m có một khu rừng kỳ lạ. Cây rừng chỗ đó thưa, nắng lọt nhiều. Khoảng giữa các cây rừng ngoài biên được ken lại bằng các thân gỗ thẳng cao hơn 4m chôn chặt xuống đất. Một tổ chốt nằm cạnh cái cổng nâng lên hạ xuống được như cổng thành trung cổ. Đầu tiên cứ tưởng đó là khu tăng gia của trung đoàn bộ E10. Sau đó đồng hương “cá gô gột gẹt” của thằng Quan ở đại đội công binh bảo đấy là nghĩa trang tạm thời của trung đoàn. Từ hôm ấy, chúng tôi gọi đó là khu rừng cấm.

Hồi đầu chưa làm hàng rào thì hổ, chó rừng, kỳ đà…cứ đêm đêm mò đến móc trộm. Đi kiểm tra nhiều khi thấy nhiều mộ toang hoác, phải gom lại đào sâu chôn chặt. Anh em mình xót nhau, giăng mìn bẫy nhưng không ăn thua, vài bận là đâu lại vào đó. Những quả mìn giăng còn dính hơi người bây giờ không lừa được những loài tinh ma thính mũi ấy. Cuối cùng phải huy động toàn trung đoàn bộ phá một khoảnh rừng, dựng lên cái hàng rào và chốt ngay cổng mới yên. Chống được thú thì lại bị giã cối. Trinh sát địch thấy quãng rừng quang cây vuông vức, đất đào mới, tưởng là căn cứ hay hầm chỉ huy sở của ta nên tập kích cối 82mm vào tuỳ hứng. Nhiều anh em còn bị đạn quật trúng chỗ nằm

Trong rừng cấm, số hy sinh do sốt rét ác tính tương đương, có khi nhiều hơn với số hy sinh vì mìn, vì đạn nhọn hay hoả lực. Biên viễn xa xôi, địch phục kích, đánh cắt đường liên tục, rồi núi lở, đèo mưa…thương binh, bệnh binh nhiều ca còn không chuyển kịp, nói gì đến tử sỹ. Đội chính sách phải bố trí cho anh em nằm tại đây chờ bốc. Không biết mấy tử sỹ trung đoàn 1 sư đoàn 9 dính mìn nửa tháng trước có chôn chung ở đây không, hay là đã theo xe D26 về với đội hình sư đoàn? Anh em nằm rừng cấm cũng về nước theo đợt, căn cứ thời gian nhập rừng trước sau rất công bằng, và chủ yếu vào mùa khô khi đường thông và có quân tiếp viện. Tụi công binh bảo những anh em được quấn trong tăng thủng, võng rách thường chóng sạch, nên trước khi liệm, cứ rạch vài nhát trên tấm bó, khi bốc sẽ đỡ vất. Thằng Quan sợ ma, im thít nghe bạn đồng hương nói chuyện chôn người như chuyện thường ngày ở huyện.

Hàng ngày, chúng tôi vẫn tải gạo đi qua khu rừng cấm vào lúc mờ sáng. Câu thơ cảm khái của Quang Dũng mà cô Hằng chủ nhiệm, ngân nga đọc trộm cho chúng tôi nghe trong một tiết dạy văn, giờ hiển hiện trong đời thực. Thời tôi đi học, bài thơ này không có trong chương trình. Bài thơ bị cấm dạy vì thể hiện cái chất hy sinh bi luỵ, mang màu sắc tiểu tư sản, không phải cái hy sinh hào hùng của người chiến sỹ cách mạng. Tôi không biết anh lính giai cấp công nông chết có oai hơn anh lính tiểu tư sản hay trí thức chết không? Chết phanh thây vì mìn, vì một quả đạn 120mm có hào hùng hơn chết vì sốt rét ác tính, co giật đến đứt cứng lưỡi không? Chỉ biết giờ thì họ đang nằm đây cả, những hàng mộ xanh xao dưới tán rừng xứ lạ, cái nào cũng như cái nào. Sự hy sinh vì Quốc gia và Dân tộc đều phải được tôn trọng như nhau. Anh nào tiêu nhanh thì được về nước trước, thế thôi!

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành


 

747

Xe tăng
Biển số
OF-35325
Ngày cấp bằng
15/5/09
Số km
1,396
Động cơ
487,513 Mã lực
Nơi ở
Ở trển
vẫn chưa đc voka cụ... lại hóng tiếp phần sau.
 

SonrackTài khoản đã xác minh

OF vì cộng đồng
Biển số
OF-6764
Ngày cấp bằng
5/7/07
Số km
12,366
Động cơ
659,278 Mã lực
Nơi ở
Nơi có rượu và...
Em nghe kể lại: Khi mới sang K, kỷ luật quân đội rất nghiêm: Đã có chiến sĩ bị xử tử hình chỉ vì hái mấy trái xoài của dân. (F 31, QĐ 3)
 
Thông tin thớt
Đang tải
Top