Á là "Chiến trường Tây Nam" của chú trungsy1 bên quansuvn.net. Lần đầu tiên em biết đến sự ác liệt của chiến tranh biên giới là nhờ đọc ký sự này của chú Tùng này.
Quá hay và xúc động, có những ngày em ko làm dc việc gì vì say mê đọc. Khóc cười theo từng bước chân của những anh lính tình nguyện.
Vậy thì tiếp tục cụ nhé !
Kể từ sau trận phục kích của địch, tiểu đoàn 5 có thêm nhiệm vụ rải quân chốt đường sắt, đoạn từ ga Bâmnak đến ga Kâm rênh. Còn các cung khác thuộc đơn vị bạn. Các tổ chốt, mỗi tổ ba người cách nhau khoảng 250m, trên đoạn đường dài 6 km. Đến khi nào tàu chạy qua mới được rút quân.
Sân ga Bamnak bây giờ
Tiểu đoàn 4 ở sâu trong núi, hằng ngày luân phiên đưa một trung đội bộ binh nằm phục ở những điểm nghi địch sẽ đi qua để mò ra đường sắt. Địch không thấy, chỉ thấy dân đánh xe bò vào rừng lấy gỗ. Họ chặt những cây dầu quánh, đường kính cỡ 20cm trở lên, róc vỏ ngay tại chỗ rồi chở về các phum quanh ga. Nhìn những cái rìu vạc gỗ sắc lẻm có đuôi bay cong vút, lại nhớ thằng lính B3 bị chặt đầu năm ngoái mà thấy ớn. Kiểm tra xe, nếu thấy chỉ có cơm vắt, hay gạo ít, đủ để nấu cơm trưa thì kệ họ. Nhưng nếu thấy lượng lương thực nhiều là bắt đưa về ban dân vận trung đoàn. Trung đội phục nhiều lần bị lộ vị trí, đành xua họ về hoặc phải đổi chỗ nằm. Điều lạ là dân họ cứ đánh xe chạy rông tá lả trong rừng như thế nhưng chẳng thấy thằng cha nào bị lạc. Còn các trung đội đi phục kích, có cả địa bàn trong tay, thỉnh thoảng lại bị lạc rừng. Tụi lạc đường còn bắn bắt liên lạc với nhau đùng đùng, thử hỏi còn phục cái gì?
Một lần tôi với thằng Vỹ được lệnh mang cái máy 2w lên sau ga Kầm rênh, để đổi cho tụi thằng Ban trố đang đi truy quét định kỳ với C2. Máy chúng nó bị hỏng nên C2 bỏ rừng, lội ra ga Kầm rênh gọi nhờ điện thoại của đơn vị bạn về tiểu đoàn. Anh Nhương chỉ định đi 3 người, nhưng thằng Thiệu con truyền đạt cáo đau bụng không đi. Còn lại tôi với thằng Vỹ. Hai thằng hai súng, một máy lội bộ 16 km giữa trưa trời nắng chang chang. Đoạn từ tiểu đoàn ra ga Bâmnak không có vấn đề gì. Nhưng đoạn đường giữa 2 nhà ga thì khổ nhục quá. Chúng tôi đi lật bật lẹo trẹo trên đá lót đường sắt. Không dám đi trên đường đất tinh khôi song song dưới kia vì sợ dính mìn. Cảm giác nhột bụng, thiếu yên tâm khi không còn được đi giữa đội hình. Nhìn thấy chùm xoài to chín vàng, cách có dăm chục mét bên kia đường mương, hai thằng thèm rỏ dãi nhưng cũng ngó lơ
Qua vị trí tiểu đoàn 5 vài cây số vẫn còn thấy các tổ chốt, mắc võng tùm hum trong các mái đang bằng le hình mu rùa, chất những cành dầu lá đã úa rộp lên trên để che nắng. Chúng nó lười biếng he hé nhìn ra, chẳng buồn hỏi bọn tôi khoác máy đi đâu. Trời nắng như nung, cảm nhận rõ sức nóng của những hòn đá trải đường dưới chân qua lớp lót giày mỏng. Thằng Vỹ quê hương bánh chưng đất chợt nhớ ra, bảo giờ tao với mày nắm tay nhau, mỗi thằng đi trên một đường ray sẽ nhanh hơn. Ở nhà hồi đi học men đường sắt, bọn tao vẫn đi như thế. Quả là thú vị, có nhanh hơn một chút ở đoạn đầu. Một chút sau thì mắt hoa hết lên. Đá củ đậu dưới đường trắng loá, bỗng nhiên hút ngược hết lên trời. Tôi lảo đảo chóng mặt vì bị say nắng. May lúc đó cũng gần đến ga. Chui vào bụi dầu chồi, nằm nghỉ một lúc lâu, chiều tà mới dậy đi tiếp được.
Chúng tôi đến muộn nên C2 hôm đó không vảo rừng nữa mà nghỉ luôn tại ga Kầm rênh, cùng với đơn vị chốt của D5. Đêm hôm đó tráỉ nilon ngủ cùng BCH đại đội 2 với anh Hải C trưởng trong nhà ga. Lần trước tôi có viết là anh Hải quê ở Quảng Ninh. Nay qua sự đính chính lại của thằng Tiến (Kim Mã Thượng) và thằng Quân lùn khi chúng nó đọc “Biên giới Tây Nam” này, thì anh Hải quê ở Hà Bắc, lính đoàn 1975. Cũng bởi tôi toàn đi với C1, ít khi đi với C2 nên nhầm lẫn là bình thường, nhất là đã hơn 30 năm rồi, chắc anh cũng lượng thứ.
Đêm hôm đó, cũng như một đêm trong lòng địch ở chiến dịch Ô Đông tháng 3 năm ngoái, chúng tôi cùng BCH C2 nằm đất với nhau. Chỉ khác là lần trước ở trên mặt ruộng khô, còn lần này trên nền xi măng láng có mái che, còn ấm hơi nóng ban chiều. Đêm trong ga chim lợn kêu điếc tai. Ở Kămpuchia hồi đó, nhà ga nào cũng nhiều chim lợn. Chắc chúng nó đến đây kiếm ăn theo mùi thối của rác, của mùi mắm bò hóc. Còn trong rừng tuyệt nhiên không thấy.
Thế hệ sau trên sân ga cũ. Đường sắt Hoàng gia không còn khai thác, nay đã trở nên hoang phế