Ngày 20 tháng 7 năm 1790. (Âm lịch)
Nhà Thanh tổ chức tiếp đãi các phái đoàn phiên thuộc trong đó có cả phái đoàn nước ta tại một đồng cỏ rộng lớn được tổ chức và sắp xếp theo lối du mục cổ truyền của các dân tộc Mông, Mãn. Nơi đón tiếp ở tại một khu đại công viên có tên là Vạn Thụ Viên ( chữ Hán:萬樹園).
Không rõ phía TQ đón các phái đoàn đến ra sao, vì người Âu không dự cuộc tiếp đãi này, tuy nhiên, họ có quan sát và ghi lại:
"Nghi lễ nhà Thanh bắt chúng tôi phải chờ đợi Hoàng đế ít ra cũng vài tiếng đồng hồ còn hầu hết các quan thì phải ngủ ở trong lều ở ngoài cung.
Lều của người Tartar tròn hình vòm không được dựng bằng cột mà bằng tre đan với nhau một cách khéo léo bao phủ bằng nỉ dày. Một trong những lều đó to và cao hơn những cái khác, phủ bằng thảm màu vàng, treo đèn kết hoa trong đó có ngai vàng của Hoàng đế.
Đại lễ quan trọng nhất trong năm sẽ được thi hành trong căn lều này. Có những lều sửa soạn chờ nhà vua tới nhưng cũng có lều để dùng làm nơi ông ta tế lễ. Ở Nhiệt Hà , Càn Long trở thành đại hãn của người Tartar Mãn Châu, ông không tiếp khách trong cung điện mà ở trong doanh trại…
Những người Anh có dịp nhìn qua triều đình, tất cả triều đình tụ họp ăn mừng sinh nhật của Hoàng đế. Tất cả các thân vương đều có mặt, một số tổng đốc, tuần phủ, và khoảng chừng năm sáu trăm quan lại đủ các cấp, đi cùng với thuộc liêu. Ngoài ra còn binh lính, ca kỹ và nhạc công. Mấy nghìn người tất cả đều chờ đợi sự xuất hiện của bậc chí tôn cùng với mặt trời mọc.
Thế nhưng những người Anh không phải là người ngoại quốc duy nhất. Họ chỉ cho chúng tôi những sứ thần khác màu da sẫm hơn, hôm đó cũng đến để triều kiến Hoàng đế. Họ đội khăn quấn, đi chân không, miệng nhai trầu bỏm bẻm.Người Tàu không mấy giỏi về địa lý, họ ngập ngừng mãi và sau cũng chỉ nói cho chúng tôi biết tên vùng đất những phái đoàn đó bằng tiếng Trung Hoa mà chúng tôi đoán chừng là Miến Điện.
Hoá ra những người đó không phải sứ thần mà chỉ là những phu phen mang các đồ tiến cống đến chúc mừng sinh nhật hoàng đế, thành ra người Trung Hoa cũng chẳng biết chắc là họ từ đâu đến.
Chừng nửa giờ sau khi mặt trời mọc, một kỵ sĩ đi tới. Tất cả mọi người vội xếp lại thành hàng, đám đông lặng như tờ. Tiếng đàn trống từ xa vọng lại và chúng tôi nhận thấy trên khuôn mặt mọi người dường như đang đón chờ một sự phi thường nào đó xảy ra…
Một số đại thần, mặc triều phục màu vàng, cưỡi trên những con ngựa toàn thân trắng như tuyết đến trước. Họ xuống ngựa xếp thành một hàng gần cái lều lớn. Ngay sau họ là các nhạc công và vệ binh. Sau cùng là hoàng đế ngồi trên kiệu trần do mười sáu người mặc màu vàng khiêng. Theo sau là các quan thượng thư và đại thần.
Khi hoàng đế đi ngang qua nơi các quan đứng, mọi người đều quì xuống, liên tiếp rập đầu tận đất. Những người Anh quì một gối. (người Âu châu cho rằng họ triều kiến nhà vua bằng một chân và chỉ quì hai chân trước thượng đế)
Nhà vua vào trong lều, các thân vương theo sau, kế đó là các đại thần và sau cùng mới tới các phiên thuộc…
Vào trong lều rồi, vua Càn Long lên ngồi trên ngai đặt trên một cái bệ. Theo điển lệ nhà Thanh, nhà vua ở tận cùng phía bắc ngay chính giữa, ngồi quay mặt về hướng nam. Các quan và phiên vương, thuộc hạ đứng xếp hàng hai bên theo thứ bậc, bên trái dành cho quan văn, bên phải dành cho quan võ và người trong bát kỳ. Các phiên vương hay sứ thần được xếp ngay dưới bệ phía dưới hàng của võ quan. Các nhạc công đứng ở ngay trước mặt nhà vua tấu đủ mọi loại nhạc khúc.
Mọi người – dù là phiên vương hay sứ thần – cũng đều mặc triều phục theo nước đó. Lần lượt từng người một lên khấu đầu, nếu vua Càn Long “phủ dụ” thì có thông ngôn phiên dịch. Sau khi trả lời xong, lại phải khấu đầu tạ ơn trước khi lui về chỗ. Tất cả mọi việc đều có lễ tân đưa đi và dẫn về."
Tuy nhiên, có lẽ người Anh sau chuyến đi có ác cảm với nhà Thanh nên thường không miêu tả một cách trung thực.
Ở Nhiệt Hà phái đoàn Anh lại không có mặt họa sĩ William Alexander nên một số bức tranh ông vẽ lại theo lời tường thuật của người khác, kể cả chân dung vua Càn Long không phù hợp với thực tế. Chẳng hạn như phu khiêng kiệu cho hoàng đế không thể nào mặc áo màu vàng (màu của vua chúa) mà phải là màu đỏ. So sánh với những bức tranh của Jean Denis Attiret (1702-1780), Giuseppe Castiglione (1688-1766) và Ignanatius Sichebart (1708-1780) thì khung cảnh những buổi lễ của nhà Thanh vĩ đại và xa hoa hơn nhiều.
........
"
Khu đất được dùng để tổ chức buổi lễ được bao quanh bằng một hàng rào căng vải dày màu vàng. Bên ngoài hàng rào là một số lều nhỏ để cho các đầu bếp kỹ lưỡng chuẩn bị đồ ăn. Thức ăn được đựng bằng những đĩa đồng đặt trên bàn nhỏ màu đỏ, sẵn sàng được bưng vào theo hai cái cửa của hàng rào.
Những cửa đó có thêm thị vệ canh gác, còn chung quanh thì cũng có thị vệ xếp hàng cách đều nhau. Bên trong hàng rào mọi việc đều dự bị sẵn. Ngay chính giữa khu đại tiệc là một cái lều vòm trắng thật lớn làm theo hình Yurt của người Mông Cổ, bên trong có đặt ngai vàng. Bàn ăn của những tân khách quan trọng nhất cũng để trong lều đó, còn những khách không quan trọng thì để trên chiếu ở ngoài lều.
Món thứ nhất của thức ăn lạnh đã sẵn sàng. Các nhạc công mặc áo đỏ xếp ở hai bên căn lều. Chúng tôi thấy có khánh bằng đá và chuông, các loại trống, các loại kèn sáo và đàn mà các nhạc công tấu hai khúc: một khúc khihoàng đế ngồi xuống và một khúc khi ngài đứng lên.
Ngay sau cái đài cao dựng ở sân trước (dành cho các người biểu diễn nhào lộn) có một tấm trướng màu vàng bên trong đặt kỷ trên là những bình và chén quí giá đựng rượu dùng cho buổi lễ. Ở bên phải, dưới một tấm trướng khác là 14 cái bàn trên đặt những quà tặng mà nhà vua sẽ ban cho khách như lụa là, ngọc khí, đồ sứ, đồ thủy tinh …
Quan khách đứng xếp thành hàng, quì xuống để đón nhà vua ( Theo lễ tục nhà Thanh, khi đón hoàng đế ngay cả Thái Hậu (mẹ vua) cũng phải quì) . Bên phải của lều có nhiều nhóm lạt ma mặc đồ vàng và đỏ, giáo phái Áo Vàng, thuộc Phật giáo Tây Tạng mà nhiều người Mông Cổ theo.
Tám mươi bốn quan đại thần Mãn và Hán cộng thêm một số người trong hoàng tộc – có phù hiệu hình tròn – quì dọc hai bên đường và hai hàng đầu của đám tân khách, tất cả xếp thành một đội hình vuông. Hàng thứ ba là các đại diện của người Mông Cổ, được mặc quan phục nhà Thanh cũng với phù hiệu nên chỉ khác những người ở hàng đầu là họ có đeo bông tai kiểu bản xứ.
Ba đầu mục quan trọng nhất của họ quì ở bên phải của đội hình được mang phù hiệu hình tròn thêu rồng vì đã được ban tước vương. Đằng sau họ là năm dãy khác gồm những quan chức thấp hơn.
Sau cùng ở phía trái là đoàn tùy tòng của vua Cao Tông. Hoàng đế ngồi trên một kiệu trần do 16 người phu mặc áo đỏ, chung quanh và đằng trước là các quan chức cao cấp, theo sau là thị vệ cầm cung tên …