Thực ra cái nhập siêu/xuất siêu chả liên quan gì đến tích luỹ hay sự giầu có của một quốc gia.
Châu Âu trừ vài nước như Đức với Pháp có thặng dư thương mại, đa phần thâm hụt, tổng thể là cân bằng. Đó là những quốc gia giầu nhất thế giới.
Đông Nam Á đa phần là thặng dư liên tục nhiều năm qua, thuộc nhóm những quốc gia nghèo. Châu Phi nhiều nước cũng có thặng dư thương mại liên tục vẫn nghèo.
Quan điểm gắn kết thặng dư thương mại với sự giàu có của quốc gia là tinh thần của chủ nghĩa trọng thương xuất phát từ thế kỷ 16 đến 18 với đại diện là Antoni Serra, Thomas Mun và Josiah Child. Đó là giai đoạn khởi đầu của tư bản chủ nghĩa, hiểu biết của các nhà kinh tế về sự giầu có chỉ xoay quanh tiền, vàng mà chưa biết đến các nguồn lực khác như tài nguyên thiên nhiên, khoa học công nghệ... còn quý hơn tiền. Họ cũng cho rằng thương mại đa quốc gia chỉ là trò chơi tổng bằng 0, nên ai dương là thắng, âm là thua, không biết đến khái niệm "lợi thế so sánh" - thứ quyết định ai sản xuất cái gì, nhập khẩu cái gì, từ đó tạo ra giá trị cuối cùng lớn hơn là ăn cả làm tất. Ngày nay quan điểm này đã trở nên lỗi thời, khi áp dụng cho ra những kết luận hoàn toàn không ăn nhập gì với hoàn cảnh thực tế.
Hãy thử hình dung một quốc gia nghèo khổ quanh năm xuất khẩu nguyên liệu thô với gia công FDI, nhìn vào thì có vẻ xuất siêu đấy nhưng thực tế phần "siêu" rơi vào túi các ông chủ nước ngoài hoặc 1 nhóm chủ nhỏ trong nước. Hãy thử hình dung một quốc gia khác nhập siêu nguyên liệu thô đem về chế tạo ra những sản phẩm hiện đại phục vụ nội địa, nhìn có vẻ tệ vì luôn thâm hụt thương mại nhưng thực ra đó lại là các cường quốc. Họ nắm giữ những nguồn lực quan trọng của thế giới: bằng sáng chế phát minh, các sản phẩm công nghệ cao, các dịch vụ tài chính ngân hàng quan trọng, và khiến các quốc gia nghèo lệ thuộc vào họ. Việc nhập siêu liên tục chỉ khiến tiền của họ mất giá trên danh nghĩa nhưng thu nhập của người dân nước họ thì không ngừng tăng trên thực tế, của cải tích luỹ ngày càng nhiều dưới các dạng phi tiền tệ, đó là sự thất bại của lý thuyết kinh tế chủ nghĩa trọng thương.