PHỞ TRỨNG VÀ MIẾN ĐẬU PHỤ
Đó là năm 1969, kết thúc đợt sơ tán chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lần thứ nhất.
Để liên hoan chia tay nơi sơ tán là thôn Kim Hoàng, huyện Hoài Đức – Hà Tây, nhà cháu quyết định lắc cái ống tre tiết kiệm
(làm gì có tiền mua lợn đất-mà chỉ lấy cái đoạn ống tre, cưa vát 1 tý ở thân ống để làm chỗ đút tiền) ra 6 đồng 5 xu-tức là 3 hào, cuốc bộ ra thị trấn Nhổn để tự khao.
Còn nhớ rằng, nằm ven đường 32, đối diện với chợ Nhổn, là cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh Nhổn-Hà Tây. Tại của hàng này, có phục vụ 2 món ngọc thực thần tiên, danh bất hư truyền, đó là: phở trứng và miến đậu phụ.
trứng là thứ ngọc thực bao gồm: 1 tô phở không người lái, có 1 chút hành không còn tươi, và tâm điểm là 1 miếng trứng vịt rán.
Miếng trứng được chế biến theo kiểu: trứng đánh tơi, nhanh tay đổ vào chiếc chảo to đang nóng vì mỡ sôi già, khéo léo lắc chiếc chảo cho trứng dàn mỏng được ra khắp lòng chảo, tạo thành 1 lớp trứng mỏng tang. Sau đó, cuộn lớp trứng mỏng ấy lại như cuôn bánh cuốn. Thành phẩm là được 1 chiếc chả trứng cuộn tròn và dài. Khi dùng dao sắc như dao cạo râu cắt ra, ta được từng miếng trứng tráng có đủ độ đậm nhạt của sắc mầu và có những lớp lang như miếng bánh ga tô. Mỗi bát phở trứng được 1 miếng trứng thái cuộn như trên, tầm 1 phần 3 quả trứng vịt.
Còn miến đậu phụ thì được đựng trong cái bát chiết yêu.
Món thần tiên đó, bao gồm một chút miến dong, một chút hành, nước dùng là nước sôi có chêm muối-không mì chính. Và đỉnh của đỉnh là có 2 miếng đậu phụ rán, mà chửa chắc đã già vì sợ hao củi. To bằng 2 nửa miếng đậu phụ loại 1 nghìn/bìa bây giờ.
Gía của bát phở trứng là 3 hào/bát. Còn giá của tô miến đậu phụ là 2 hào/bát.
Cách phục của cửa hàng ăn thời đó cũng rất độc đáo.
Đó là phải xếp hàng để mua tích kê. Phở trứng là cái mảnh sắt tây hình gần vuông hoặc gần chữ nhật. Miến đậu phụ thì tích kê là mảnh sắt tây hình gần giống tam giác.
Còn xi-rô lựu
(chẳng hiểu tại sao lại gọi là xi-rô lựu, chỉ biết đó là 1 thứ nước hơi ngòn ngọt và có mầu hơi hồng hoặc hơi đỏ-tùy theo tay nghề của nghệ nhân chế biến), thì tíc kê là miếng sắt tây hình gần tròn.
Cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh chỉ phục vụ 3 món đó, không có món thứ tư. ‘Đầy tớ của nhân dân’ có vi hành đến ăn cũng mặc kệ, thực đơn chỉ có vậy.
Tất cả 3 loại tích kê trên, đều có 1 cái lỗ thủng ở gần giữa miếng sắt tây.
Và sau khi xếp hàng mua tích kê xong, muốn ăn thì lại phải xếp hàng, để lĩnh món sơn hào-hải vị kể trên.
Cái dây xếp hàng để lĩnh vật phẩm này, có hướng ngược với dây xếp hàng tích kê, đầu hàng hướng về cái ô vuông phát ngọc thực.
Để chống bọn lưu manh-********* làm giả giấy tờ có giá, cơ quan chuyên môn đã có cách thức sau: nối giữa quầy bán tích kê và ô lĩnh hàng, có ba sợi dây thép song song. Một cái dây để lồng và dẫn hướng tích kê hình chữ nhật (hoặc vuông), một cái dây để lồng và dẫn hướng cái tích kê hình tam giác, cái dây thứ 3 còn lại thì để lồng và dẫn hướng cái tích kê tròn.
Đó là lý do tại sao, các tíc kê đều có lỗ thủng ở giữa.
Khi đã nộp tiền xong, thủ quỹ căn cứ vào vật phẩm được bán ra, sẽ lồng cái tíc kê tương ứng vào sợi dây thép phù hợp, rồi đẩy cái tíc kê ấy ra ngoài. Khách hàng tự dẫn cái tíc kê của mình đến cái ô vuông thần tiên kia.
Nếu như có 1 ông hỗn ăn, mua cả 3 thứ, thì ông ta phải khéo léo đi vào giữa 3 hàng dây và phải nhanh tay đẩy 3 cái tíc kê của mình cùng lúc. Nếu dẫn hướng tích kê không khéo và đi chậm, thì sẽ bị con ma đói phía sau, nó chửi.
Cách phục vụ ngàn sao này, nó có nhiều lợi ích. Một là không cần tiền típ-phờ-nờ. Hai là không thể đòi lại tiền, nếu thấy vật phẩm mình mua bị hư hỏng. Bởi làm sao mà lái cái mảnh sắt tây của mình, đi ngược lại được cái dây dẫn hướng? Trên đã tính cả rùi. Đi ngược lại dòng thác, thì xu thế cách mạng, nó có mà nghiền cho nát. Hehe.
------ -----
Sau khi đứng trước cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh tầm gần 1 tiếng đồng hồ, mang đầy ‘quyết tâm chính trị’ trong lòng, và nghiến răng cỡ mòn mất đề xi dem răng, cổ họng nuốt mấy chục ‘đỏ’ nước bọt vì ‘tiếc’, với dũng khí ‘chân dép lốp cũng vẫn lao vào vũ tru’, nhà cháu hùng dũng tiến vào quầy mua tíc kê.
Lúc trao tiền, cô thủ quỹ kêu thét lên vì bỏng tay.
Hóa ra, do nhà cháu nghiến răng, nắm chặt 6 đồng 5 xu mạnh và lâu quá, đến mức cả 6 đồng xu đều nóng đỏ cả lên.
Đến tận hôm nay, khi gõ những dòng này, nhà cháu vẫn bồi hồi xúc cảm trong lòng.
Minh họa tích - kê thủng lỗ: