Kiến thức hàng không cơ bản
Các cụ các mợ có thể tìm thấy những kiếm thức cơ bản liên quan đến lĩnh vực hàng không trong nội dung bài viết này. Sân bay hoạt động như thế nào?
Có thể bạn đã từng đến sân bay nhiều lần -- bạn thấy quen thuộc và không để ý nhiều lắm đến những hoạt động đằng sau việc chuyên chở hành khách. Nếu bạn để mắt kỹ hơn những gì xung quanh một sân bay bạn sẽ thấy đây thực sự là “một thành phố nhỏ”, có nhiều cơ quan quản lý khác nhau với nhiều loại hình dịch vụ khác nhau. Những người đi máy bay, các hãng hàng không, nhà chức trách quản lý sân bay, các công ty vận chuyển hàng hoá, các công ty dịch vụ hàng không tạo thành một guồng máy để sân bay hoạt động.
Bạn có thể có một khái niệm về tính chất quan trọng của một sân bay khi xem xét vấn đề: Tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất có hơn 5 triệu lượt hành khách bay trong một năm. Con số này gần bằng toàn bộ dân số của Thành phố Hồ Chí Minh!
Đài kiểm soát và nhà ga tại Sân bay Quốc tế Denver
Trong bài viết này chúng ta sẽ xem xét về những vấn đề liên quan đến sân bay và những điều sân bay đem lại cho chúng ta khi đi lại!
Những con người tại sân bay
Hành khách chỉ là một dạng khách hàng của sân bay
Bất kỳ sân bay lớn nào cũng có rất nhiều khác hàng, trong đó đa số là hành khách. Chẳng hạn Sân bay Quốc tế Hartsfield ở Atlanta có đến 2.400 chuyến bay mỗi ngày (trung bình cứ 40 giây lại có một chuyến suốt 24 giờ trong ngày) và chở hàng trăm ngàn người. Tổng cộng có tới 72 triệu khách trong nước và 78 triệu khách quốc tế đi qua Hartsfield mỗi năm. Đây là con số rất lớn - rất nhiều người và phần đông trong số 150 triệu người này sẽ muốn ăn một cái gì đó, mua một thứ gì đó hay có thể là mua một tờ báo, tạp chí...
Để đáp ứng nhu cầu của hành khách, một sân bay phải:
* Có khả năng để máy bay hạ cánh và cất cánh
* Có thể tiếp cận với các phương tiện giao thông công cộng, có chỗ đậu xe
* Có điểm bán vé, đăng ký chuyến bay và xử lý hành lý
* Bảo đảm sự an toàn cho khách
* Cung ấp thức ăn và các dịch vụ khác
* Có điểm cung cấp dịch vụ hải quan
Sân bay cũng có các đối tượng khách hàng khác và phải đáp ứng những yêu cầu của họ:
* Các hãng hàng không cần có chỗ cho máy bay đậu, đường hạ cất cánh, các thiết bị bảo trì thông thường, nhiên liệu máy bay, không gian cho hành khách và phi hành đoàn khi đang ở trên mặt đất.
* Các công ty vận tải hàng không cần có không gian để bốc dỡ hàng từ máy bay.
* Các hãng hàng không cần thông tin không lưu, nơi để các máy bay với thời gian dài, thiết bị bảo dưỡng và chỗ nghỉ ngơi khi ở trên mặt đất.
Sân bay cần có cơ sở hạ tầng để đáp ứng tất cả các nhu cầu này: đường hạ cất cánh, phòng đợi, nhà ga, kho nhiên liệu, nhà chứa máy bay và tháp điều khiển.
Bố trí điển hình về sân bay dựa trên bản vẽ
của Sân bay Quốc tế Denver
Nhìn chung, có thể phân loại các dịch vụ sân bay thành dịch vụ mặt đất và dịch vụ không lưu.
Lưu thông mặt đất
Một sân bay không thể hoạt động tách biệt. Sân bay phụ thuộc vào hệ thống giao thông mặt đất để mọi người có thể đến và đi khỏi phi trường, có thể đậu xe và di chuyển trong sân bay. Mặc dù không lưu là điều đầu tiên chúng ta nghĩ về sân bay, nhưng phương tiện lưu thông mặt đất cũng đóng vai trò khá quan trọng trong sự hoạt động của sân bay.
Sân bay đông khách nhất thế giới là Sân bay quốc tế Hartsfield ở Atlanta. Sau đây là một số phương tiện lưu thông mặt đất của sân bay này:
* Hệ thống đường sá cho phép đến và đi khỏi sân bay: Ở Atlanta, có bốn đường cao tốc liên bang để đến và đi khỏi Hartsfield, ngoài ra còn có một ga xe lửa MARTA nối vào hệ thống giao thông cao tốc của thành phố.
* Chỗ đậu xe chứa các loại ô tô trong thời gian ngắn và dài. Chỗ đậu xe có thể nằm trong hay ngoài sân bay. Một số chỗ đậu xe thuộc sở hữu tư nhân. Hartsfield có 30.000 chỗ đậu xe công cộng.
* Các điểm đón và trả khách tạo điều kiện cho khách hàng đi và đến nhà ga, mặc dù họ thường gặp kẹt xe do có quá nhiếu người đến và đi khỏi sân bay.
* Các công ty cho thuê xe cũng phục vụ cho sân bay. Hartsfield có tám công ty như vậy ở ở trong sân bay và ba công ty khác nằm ngoài sân bay.
* Dịch vụ xe đưa rước cung cấp phương tiện giao thông cho khách đến khách sạn và các điểm đậu xe nằm ngoài sân bay. Sân bay Hartsfield có 18 xe đưa rước loại lớn để đưa đến các khách sạn và nhà nghỉ.
* Vận tải tư nhân cũng tồn tại ở dạng các xe loại sang trọng, xe tải và xe taxi.
* Vận tải công cộng (như xe buýt và tàu điện ngầm của thành phố) có bến đỗ tại Sân bay. Bên cạnh ga xe lửa MARTA tại Sân bay Hartsfield, 12 tuyến xe buýt (công cộng và tư nhân) phục vụ cho Sân bay.
* Tàu điện ngầm và xe điện trong sân bay để giúp hành khách có thể đến các cổng của nhà ga từ phòng đợi. Băng tải vận chuyển người của Sân bay Hartsfield có chiều dài 5,6 km mà có 13 trạm dừng để phục vụ cho 6 khu cách ly với 9 đoàn tàu loại 4 toa chạy 2 phút một chuyến giữa các trạm dừng.
Nhà ga Jeppeson (ở giữa), đường tiếp cận,
khu vực đón và trả khách (bên trái) và bãi đậu xe (bên phải)
Chúng ta đã biết về giao thông mặt đất, bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang phần lõi của một sân bay: khu vực phòng chờ và nhà ga.
Khu vực phòng chờ và nhà ga
Một dạng phòng chờ tại sân bay
Tại một sân bay đông khách như Sân bay Quốc tế Hartsfield ở Atlanta, có 2.400 chuyến bay hạ cất cánh mỗi ngày. Điều đó có nghĩa là mỗi ngày có thể có đến 300.000 khách tại sân bay và lượng khách này cần một số dịch vụ nào đó. Sân bay cung cấp các dịch vụ này trong phòng đợi và nhà ga - điểm trung tâm của bất kỳ sân bay nào. Tại đây bạn sẽ thấy nơi bán vé, đăng ký chuyến bay cho khách, xử lý hành lý và giải quyết khiếu nại.
Các thuật ngữ của ngành hàng không thường được dùng một cách hoán đổi linh động. Phòng đợi được định nghĩa là một tòa nhà có những khu vực thoáng và rộng dành cho cửa hàng, nhà hàng và phòng đợi, còn nhà ga là một tòa nhà có cửa ra máy bay. Sân bay Hartsfield có đến 529.547 m2 dành cho phòng đợi và nhà ga!
Ở hầu hết các sân bay, công chúng nói chung (gồm cả hành khách và những người không phải là hành khách) có thể tiếp cận khu vực phòng đợi. Khu vực cổng có thể bị cách ly bởi đội ngũ an ninh sân bay để soát vé hành khách, đặc biệt là trong những thời điểm có khả năng xảy ra bạo động (chẳng hạn như khi xảy ra chiến tranh vùng vịnh, những người không phải là hành khách không được đi qua các điểm giới nghiêm này). Nhìn chung, an ninh sân bay và nơi tiến hành thủ tục hải quan nằm giữa phòng đợi và các cổng.
Trong nhà ga có thể có rất nhiều cửa hàng, sảnh chờ,
nhà hàng và thậm chí những sân vui chơi
Tại phòng đợi của Sân bay Hartsfield, có:
* 75 cửa hàng ăn uống (hầu hết là của các công ty tư nhân)
* 82 cửa hàng bán lẻ (cũng do tư nhân sở hữu)
* 21 điểm dịch vụ khác (những nơi mà bạn có thể đánh giày hay truy cập Internet)
Thức ăn dành cho hành khách trên máy bay thường do các công ty tư nhân cung cấp. Những công ty này ký một hoặc nhiều hợp đồng với các hãng hàng không tại sân bay. Thức ăn được chuẩn bị tại một điểm điểm ngoài sân bay, được vận chuyển đến sân bay bằng xe tải và được đội ngũ nhân viên của công ty cung cấp thực phẩm bốc lên máy bay. Ví dụ, SkyChefs là một trong những nhà thầu cung cấp thực phẩm tại Sân bay Quốc tế Denver. Họ chuẩn bị và bốc hàng ngàn phần ăn mỗi ngày cho các hãng hàng không khác nhau.
Dịch vụ vận tải của các công ty hàng không và dịch vụ vận tải hàng không tư nhân như Fed Ex và DHL có thể có nhà ga riêng của họ tại sân bay.
Nhà ga hàng hoá của hãng British Airways tại
Sân bay London Heathrow
Khu vực đỗ
Khu vực đỗ là nơi máy bay đỗ để hành khách xuống hoặc lên máy bay. Hành khách chờ ở khu vực ngay tại vị trí đỗ để lên máy bay. Các vị trí đỗ có thể được các hãng hàng không thuê theo giờ từ nhà chức trách sân bay. Một vài hãng hàng không lớn có thể thuê toàn bộ toà nhà ga tại sân bay “trung tâm”, trong trường hợp này chỉ giá thuê không thôi cũng đã hàng triệu đô la.
Máy bay đỗ tại các cổng ra của nhà ga
để hành khác lên và xuống máy bay
Công việc bảo dưỡng máy bay thông thường như vệ sinh máy bay, nạp nhiên liệu thường do nhân viên hàng không thực hiện khi máy bay đậu ở khu vực đỗ. Trong một số trường hợp, một số công tác bảo dưỡng khác cũng có thể được làm ở khu vực đỗ khi hành khách đã lên máy bay.
Đội ngũ bảo trì đang lau chùi máy bay ngay tại điểm đỗ nhà ga
Bộ phận xử lý hành lý sẽ chất hành lý hoặc dỡ hành lý tại các vị trí đỗ bằng các xe chở hành lý và băng tải.
Đường hạ cất cánh
Đường hạ cất cánh có những đặc điểm đáng kinh ngạc – đây là một đoạn đường với chiều dài khoảng 3 km, rộng khoảng 50m thường được đổ bằng bê tông với chiều dày khoảng 30 cm!
Bạn hãy thử nghĩ: Máy bay Boeing 777 chất tải đầy hoặc máy bay 747-400 nặng khoảng 385.554 kg. Thử tưởng tượng với khối lượng như vậy khi chạm mạnh xuống đường băng. Đường băng cần phải được xây dựng đặc biệt để chịu được sức nén không bị bong vỡ. Khi thiết kế đường hạ cất cánh, các kỹ sư cần phải xem xét số bánh loại máy bay lớn nhất sẽ sử dụng, chiều rộng càng bánh và kích thước bánh máy bay. Khi sân bay phải tiếp nhận những máy bay ngày cành lớn hơn, đường hạ cất cánh cần phải được cải tạo lại để đáp ứng yêu cầu sức chịu tải tăng lên.
Các đường băng chính thường được thiết kế dựa theo hướng gió vì máy bay khi cất hoặc hạ cánh đều bay ngược chiều gió để lợi dụng vận tốc của gió. Những người điều khiển không lưu sẽ xác định sẽ sử dụng đường băng nào và bay theo hướng nào dựa vào các yếu tố thời tiết, hướng gió và các điều kiện không lưu. Có một số sân bay có các đường hạ cất cánh cắt nhau và người kiểm soát cần phải chú ý rất nhiều.
Máy bay Boeing 747 hạ cánh trên đường băng chính
Máy bay sử dụng các đường lăn để đi từ khu vực đỗ ra đường hạ cất cánh chính để cất cánh và từ ngoài đường hạ cất cánh chính vào khu vực đỗ sau khi hạ cánh. Những người kiểm soát mặt đất điều khiển giao thông mặt đất từ trên đài chỉ huy của sân bay. Những người hướng dẫn ở dưới mặt đất sẽ hướng dẫn máy bay đậu vào đúng vị trí đỗ của mình trên mặt đất.
Máy bay 747 được chỉ dẫn vào vị trí đậu từ đường lăn
Bây giờ chúng ta sẽ điểm sơ qua về việc cung cấp nhiên liệu tại sân bay.
Nhiên liệu
Hầu hết các máy bay cần phải nạp thêm nhiên liệu giữa các chuyến bay và nhất là các máy bay phản lực loại lớn ngốn rất nhiều nhiên liệu. Máy bay Boeing 747 có thể tiêu thụ tới gần 4 lít nhiên liệu mỗi giây và để làm đầy thùng chứa phải cần tới hàng chục ngàn lít nhiên liệu. Với mức tiêu thụ như vậy một sân bay bận rộn có thể bán tới hàng triệu lít nhiên liệu mỗi ngày. Tại Sân bay Quốc tế Denver nhiên liệu được dẫn vào trong những kho chứa qua đường ống với mức từ 175.000 đến 350.000 lít mỗi giờ. Kho chứa nhiên liệu còn có thể nhận nhiên liệu từ những xe bồn. Nhiên liệu của sân bay này được chứa trong ba đảo nổi, mỗi đảo có sáu bể chứa 11.356.000 lít, một trạm đo và máy bơm chuyên biệt có thể xử lý được 1.000 lít mỗi phút.
Phía trước là ba đảo nhiên liệu của Sân bay Quốc tế Denver
Ở một số sân bay nhỏ hơn, nhiên liệu được chở bằng xe bồn từ kho chứa tới nơi máy bay đậu để tra nạp. Một dạng khác nữa là nhiên liệu được bơm qua những đường ống ngầm dưới đất nối trực tiếp đến những kho chứa nằm ngoài khu bay.
An toàn sân bay
Sân bay có những đội ngũ riêng để thực hiện các dịch vụ cứu hoả, cứu nạn (EMS). Một sân bay lớn có thể có nhiều trạm cứu hoả cứu nạn trên khu bay bởi vì theo một số tiêu chuẩn về an toàn thì đội ngũ khẩn nguy phải có khả năng tiếp cận hiện trường trong vòng 3~5 phút. Một số sân bay có thể thuê đội ngũ này của thành phố và đặt trạm tại sân bay.
Các sân bay còn có đội ngũ an ninh bảo vệ và một số sân bay có công an riêng. Một số công an sân bay là của thành phố được giao nhiệm vụ làm việc tại sân bay. Một số khác từ các công ty trật tự an ninh được hợp đồng bảo vệ khu vực sân bay (như bảo vệ dọc tường rào sân bay). Và cuối cùng, sân bay còn cần có đội ngũ thu lượn rác thác, vệ sinh làm sạch nhà ga (ở một số nơi, dịch vụ dọn dẹp được các hãng hàng không thực hiện). Ở một số nước còn phải thực hiện công việc dọn tuyết trong mùa đông.
Đội ngũ dọn tuyết giúp cho việc đi lại trong khu bay được thông
Nếu không có những người dọn tuyết thì máy bay sẽ phải ngưng hoạt động khi có tuyết rơi vì ở một số nước tuyết có thể dày tới nửa mét.
Chậm chuyến bay
Đây là vấn đề có thể bạn đã gặp đi máy bay. Một trong những nguyên chính dẫn đến việc chậm chễ là do thời tiết xấu (mưa, bão). Một vấn đề nữa đó là khí quyển: có sương mù hay tầm nhìn quá thấp. Những sân bay lớn ở nước ngoài thì nguyên nhân chậm trễ có thể do sân bay hoạt động quá công suất. Ở Việt Nam việc chậm trễ do đường băng quá tải thường không xảy ra vì hầu hết các đường lăn sân bay đều đáp ứng tốt cho số lượng các chuyến bay như hiện nay.
Theo SAC