A. CHỦ ĐỀ 1 : CÁC BƯỚC ĐỂ CÓ MỘT NGÔI NHÀ ĐẸP VÀ PHÙ HỢP
Thực tế cuộc sông, việc làm nhà được xem là một việc lớn trong đời người. Không sớm thì muộn, các cụ, mợ đều sẽ trải qua một hoặc nhiều lần lo việc tạo nên tổ ấm của mình. Vậy để làm sao có được một ngôi nhà đẹp và phù hợp sẽ luôn là câu hỏi mà em chắc chắn nhiều cụ và mợ sẽ quan tâm. Vì vậy, qua rất nhiều trường hợp cũng như công việc đã làm em xin phép được giải đáp câu hỏi này bằng những bước làm việc như sau:
1. Bước 1: Xác định rõ những gì mình muốn và cần
- Một ngôi nhà không chỉ là một không gian sinh hoạt của một cá nhân mà đó là nơi ở của cả một gia đình với rất nhiều thế hệ. Và trong một tập thể gia đình với rất nhiều thê hệ, độ tuổi, sở thích, quan niệm sống khác nhau thì đã tồn tại và phát sinh khá nhiều luồng tư tưởng và suy nghĩ về việc làm nhà như ông bà thích kiểu Việt cổ, bố mẹ thích kiểu classic và con cái thích kiểu hiện đại. Việc này đang được phân tích trên khía cạnh đồng quan điểm của cùng thế hệ chứ thực tế nhiều nhà, việc chồng thích bếp mở thông phòng với việc vợ thích bếp khép kín tường xây không hề hiếm. Đọc đến đây, em chắc đa số các cụ, mợ sẽ nghĩ ai cầm kinh tế ( bỏ tiền ) sẽ là người quyết định. Việc áp đặt này thực tế lại là còn dao 2 lưỡi trong cuộc sống gia đình. Đã có trường hợp thực tế là ông nhất định về quê ở chỉ vì " chúng nó không làm nhà như tao muốn". Lúc này, việc ngồi lại lắng nghe nhu cầu, mong muốn và sở thích cũng như việc phân tích chính phụ, phù hợp hay không phù hợp để đưa đến một quan điểm và tiếng nói thống nhất luôn là việc cần có.
- Không chỉ riêng nội bộ gia đình, nhiều khi sự “ đóng góp “ của họ hàng, bạn bẻ hay thậm chí của hàng xóm nhiều khi cũng đưa gia chủ vào ma trận khi thực sự không xác định được gia đình mình cần gì và muốn gì ở một không gian sống. Bản thân mỗi gia đình đều có một nề nếp riêng, một cách sống riêng, một hoàn cảnh và suy nghĩ riêng chứ chưa chắc đem cái “ đẹp “ của nhà người khác vào nhà mình đã là sự phù hợp. Vì vậy, điều đầu tiên khi các cụ, mợ bắt đầu có kế hoạch làm nhà hãy xác định một cách rõ ràng nhu cầu, mong muốn và không gian công năng của gia đình một cách kiên định nhất.
2. Bước 2: Dự kiến tổng mức đầu tư - con số quyết định tất cả
- Đây có thể gọi là bước quyết về định hướng cũng như chất lượng ngôi nhà. Vì vậy, các cụ, mợ cần xác định con số chính xác cho việc làm nhà cũng như con số dự kiến cho việc phát sinh. Việc này sẽ giúp các gia chủ tránh được những trường hợp hối tiếc khi " biết thế đầu tư thêm " hay đau đầu khi chi phí phát sinh quá sức. Các cụ ta hay bảo làm nhà không thể tránh vay mượn nhưng quan điểm của em thì dù ở trong một ngôi nhà đẹp đến đâu đi nữa mà đầu óc luôn nặng nề việc trả nợ thi cũng không thể cảm được.
- Sự " hối tiếc " của bước này cũng đã xảy ra trong quá trình làm việc của em khi có trường hợp đưa tổng mức không đúng nhu cầu mong muốn. Trong khi anh ý hoàn toàn có thể đầu tư hơn rất nhiều con số tổng mức đó. Vì mỗi con số đều đưa đến chất lượng, giải pháp thi công và chất lượng cho mỗi phân khúc khác nhau.
- Trừ các giải pháp và phương án đặc biệt có thể hạ tổng mức đầu tư xuống mức bất ngờ nhưng không phải ai cũng đủ mạo hiểm và nhu cầu để chấp nhận việc đó thì phần lớn tổng mức đầu tư đều có khoảng giá chung. Và các cụ, mợ cần xác định luôn là làm nhà luôn có phát sinh chứ không có giảm. Con số phát sinh sẽ giới hạn khoảng 20% tổng mức nếu tính toán tốt và 50-80% nếu tính toán không tốt và có thêm nhu cầu phát sinh trong lúc làm nhà. Vì vậy, điều thứ 2 khi các cụ, mợ có kế hoạch làm nhà là cần xác định rõ " sức " mình đến đâu và " gồng " được như nào.
3. Bước 3: Lập kế hoạch chi tiết cho việc làm nhà
- Bất kỳ việc gì nếu có một kế hoạch cụ thể và chi tiết thì luôn đem lại một kết quả tốt hơn. Điều này thì hầu như ai cũng hiểu nhưng em lại khá ngạc nhiên khi có nhiều gia chủ bị quên kế hoạch cho việc lớn " làm nhà ". Việc quên này cũng do nhiều tình huống khách quan và chủ quan nhưng dù ở tình huống nào đi nữa em vẫn khuyên các cụ, mợ không dài thì ngắn cần có kế hoạch cho việc làm nhà.
- Các chi tiết của kế hoạch làm nhà cần có là kế hoạch kinh tế, kế hoạch thời gian, kế hoạch sinh hoạt, kế hoạch cư trú và kể cả kế hoạch phát sinh, Khi có tất cả câu trả lời cho 5 kế hoạch nhỏ này các cụ, mợ sẽ hoàn toàn tự tin và chủ động trong việc làm nhà.
- Trong quá trình làm việc, em cũng đã từng rất tiếc phải từ chối việc thiết kế và thi công vì thời gian không đủ cho các giai đoạn đó. Việc thiết kế và thi công là cả một quá trình tư duy và tính toán. Vì vậy, để vội mà không tính kỹ, làm chuẩn thi không đáng. Vì người hưởng việc đó chính là các cụ, mợ chứ không phải đơn vị thiết kế hay thi công. Vì vậy, điều thứ 3 khi các cụ, mợ có kế hoạch làm nhà là cần phải có một kế hoạch ch tiết.
4. Bước 4: Tìm hiểu về quy định pháp luật về việc xây nhà và xem thầy
- Luật xây dựng Việt Nam có quy chuẩn rất rõ ràng cho việc xây dựng nhà ở nông thôn và đô thị. Sẽ tuỳ vị trí, diện tích, quy hoạch để xác định được xây bao nhiêu tầng, mật độ bao nhiêu %, cũng như chiều cao và khoảng đua là như nào. Việc này nếu như không rành, các cụ, mợ có thể lên thẳng phòng Quản lý đô thị của quận, huyện sẽ được chỉ dẫn cụ thể hoặc qua trật tự xây dựng phường, xã nhờ hỏi hộ cũng như đề xuất luôn vấn đề xin phép và sai phép. Em cũng xin phép nói thẳng thực trạng là 99,99% nhà ở đô thị không xây đúng hồ sơ xin phép và sai phép khá nhiều về chiều cao, số tầng, mật độ, khoảng đua nên em thấy cứ làm việc trước thì hơn. Khi này các cụ, mợ đã có đầy đủ thông tin về thủ tục hành chính và quy chuẩn xây dựng về ngôi nhà của mình.
- Với những cụ, mợ không có tư duy tâm linh thì bước này có thể không cần thiết nhưng với cụ, mợ có tư duy tâm linh thì nên xem thầy trước để hỏi rõ được ngày, giờ động thổ, cất nóc, hướng cửa, hướng bếp, hướng ban thờ và các lưu ý khác. Việc này, em khuyên các cụ, mợ chỉ xem thầy mà mình vẫn theo và tín. Không nên xem nhiều thầy vì mặc dù đa phần đều dùng la kinh chia trung cung bát trạch nhưng cũng đã có trường hợp 3 thầy ra 3 kết quả khác nhau làm chủ nhà không biết đâu mà theo. Vì vậy, khi có kế hoạch làm nhà các cụ, mợ nên chủ động làm việc về thủ tục quy định hành chính cũng như các vạch định của thầy nếu cần.
5. Bước 5: Làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế
- Nhiều cụ, mợ sẽ đặt luôn câu hỏi tôi xây đến gần chục cái nhà tại sao lại phải mất tiền thuê thiết kế? Em thì luôn khẳng định dù nhà to hay nhà nhỏ, dù nhu cầu phức tạp hay đơn giản thì giá trị mà kiến trúc sư mang lại luôn nhiều hơn giá trị kinh tế mà các cụ, mợ bỏ ra ( em sẽ có bài viết chi tiết hơn về việc cách tìm đơn vị thiết kế phù hợp ở các bài sau ).
- Sau các bước ở trên. Trong gia đình sẽ chỉ cần 1 người làm việc với bên thiết kế. Các cụ, mợ nên chia sẻ, cởi mở đầy đủ các thông tin đã tìm hiểu ở các bước trên để bên thiết kế nắm bắt được chính xác nhất những gì các cụ, mợ cần và muốn. Hãy coi bên thiết kế là những người bạn, kể những câu chuyện của mình để bên thiết kế có thể phần nào đồng điệu tần số cũng như hiểu được những con người ở trong không gian mình thiết kế.
- Các cụ, mợ hãy lên kế hoạch làm sao để bản thiết kế đủ “ chín “. Vì một bản thiết kế với đầy đủ bộ môn như kiến trúc, kết cấu, điện nước, nội thất, cảnh quan, dự toán để sáng tạo thì không thể nhanh được. Trung bình thời gian thiết kế sẽ cần 2-3 tháng hoặc có khi nửa năm tuỳ thuộc vào quy mô cũng như mức độ yêu cầu nhưng em chắc chắn một điều một bản thiết kế càng nấu kỹ thì càng “ chín “.
- Qua thực tế làm việc, em khuyên các cụ, mợ nên nghĩ kỹ về các nội dung trao đổi với bên thiết kế vì đó sẽ là kim chỉ nam để nhà thiết kế bám theo bay bổng tư duy sáng tác. Vì vậy, dù chỉ là một thay đổi nội dung nhỏ cũng sẽ làm giảm phần nào cái “ phiêu “ trong tư duy sáng tác ban đầu. Ngoài ra cũng tránh việc gợi ý, đưa hình ảnh, áp đặt tư duy thiết kế vỉ mỗi người sinh ra đều có vai trò và chuyên môn riêng. Hãy để những người có chuyên môn làm đúng lĩnh vực của họ và sau quá trình làm việc các cụ, mợ sẽ có một bộ hồ sơ kỹ thuật thi công và dự toán đáp ứng đúng và đủ về cả chất và lượng.
6. Bước 6: Lựa chọn nhà thầu thi công
- Sau khi đã có đầy đủ bộ Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công, các cụ, mợ sẽ cần lựa chọn người biên bản vẽ thành hiện thực. Về việc này sẽ tùy hoàn cảnh và trường hợp cụ thể mà có thể giao tổng gói thầu hoặc chia gói thầu hạng mục ( em cũng sẽ có bài viết về kinh nghiệm và các lưu ý khi lựa chọn nhà thầu ở các phần sau ).
- Về việc này thi qua kinh nghiệm em đúc kết thì càng làm việc kỹ và khó với nhà thầu lúc đầu bao nhiêu thì kết quả đạt được càng tốt bấy nhiêu. Các việc như hợp đồng, điều khoản, chất lượng nghiệm thu, chủng loại vật liệu, thời gian thi công cần phải rõ ràng, minh bạch giữa hai bên.
- Lưu ý trong khi thi công thì Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công sẽ là cơ sở để thực thi. Khi có bất kỳ thắc mắc hay thay đổi thì đều cần thông qua bên thiết kế vì có thể nhiều việc các cụ, mợ hay nhà thầu chưa hiểu rõ. Vì vậy các cụ, mợ cần đưa hồ sơ cho nhà thầu xem trước, nếu có bất kỳ thắc mắc gì thi cần họp với bên thiết kế để giải quyết toàn bộ vấn đề trước khi tiến hành thi công, Em đã từng phải giải quyết trường hợp trước khi làm anh chủ nhà quyết định mở rộng thang bộ và hỏi bên nhà thầu xây dựng có làm được không? Nhà thầu ok và khi làm thang lên đến tầng tum bị vướng dầm và toàn bộ 4 tầng thang phải đập bỏ rất đáng tiếc.
- Trong quá trình thi công, các cụ, mợ cũng lưu ý về mọi phát sinh đều cần có sự trao đổi 3 bên và thống nhất đơn giá và thời gian trước khi thực hiện. Toàn bộ vật tư trước khi đưa vào thi công đều cần xác nhận rõ ràng vì nhiều việc làm xong rồi các cụ, mợ sẽ không biết được đó có phải vật tư đúng theo thống nhất không.
- Có một việc quan trọng hàng đầu trong quá trình thi công mà rất nhiều công trình dân dụng bỏ qua đó là an toàn lao động và phòng chống cháy nổ. Mọi biện pháp an toàn khi thi công cũng như biện pháp phòng chống cháy nổ đều cần áp dụng trong công trình dù có thể chi phí sẽ đội lên nhưng sẽ còn rẻ chán khi điều không may có thể xảy ra. Tất nhiên, người chịu trách nhiệm trực tiếp sẽ là nhà thầu nhưng người liên đới đầu tiên sẽ chính là chủ nhà.
7. Bước 7: Thuê đơn vị giám sát công trình
- Chính vì những điều gặp phải của bước thi công nên cần có Giám sát công trình để đại diện chủ nhà kiểm tra, nhắc nhở, xác nhận những vấn đề đó. Thông thường, các cụ, mợ sẽ tự giám sát hoặc thuê anh em, họ hàng giám sát cho mình. Điều này là một sai lầm vì dù xây 10 hay 20 cái nhà rồi đi nữa thì cũng chỉ là kinh nghiệm chứ không phải tiêu chuẩn kỹ thuật khoa học. Ngoài ra, đơn vị giám sát sẽ có nhiều kỹ sư giám sát phụ trách các hạng mục riêng như kết cấu xây dựng, điện nước, nội thất, cảnh quan vv..vv sẽ có trình độ chuyên sâu và chính xác hơn rất nhiều một giám sát cái gì cũng biết chứ chưa nói đến anh em hay họ hàng có kinh nghiệm xây nhà.
- Để tiết kiệm chi phí giám sát, nhiều gia chủ cũng quyết định giành thời gian và tâm sức trải nghiệm nhưng thực tế em thấy không hiệu quả, Các cụ, mợ nên giành thời gian và tâm sức của việc đó cho các việc khác và để những người có chuyên môn làm việc đó. Vì vậy dù giao tổng thầu hay chia thầu, dù đơn vị giám sát chuyên nghiệp hay nhờ anh em họ hàng thì vẫn cần giám sát công trình vì có chắc chắn sẽ hơn không.
8. Bước 8: Hoàn công công trình
- Nhiều cụ, mợ sẽ nghĩ việc hoàn công của ngôi nhà là không cần thiết khi không có nhu cầu đưa tài sản vào trên đất nhưng như vậy chưa đủ. Việc hoàn công sẽ giúp các cụ, mợ có cơ sở để làm căn cứ kiểm tra khối lượng nghiệm thu thực tế cũng như có cơ sở để sửa chữa, cải tạo về sau nếu có nhu cầu. Quan trọng nhất của việc hoàn công chủ yếu nhất của hạng mục kết cấu xây dựng và điện nước. Vì vậy, việc hoàn công và lưu trữ hồ sơ hoàn công là việc cần thiết khi làm nhà.
Ở trên là 8 bước đi em đúc kết sau quá trình gần 20 năm làm nghề và làm nhà. Tất nhiên, cuộc sống là muôn màu và việc làm nhà cũng vậy, sẽ có những tình huống, trường hợp đặc biệt cần những giải pháp đặc biệt nên trong khuôn khổ bài viết em tập trung lại những ý chính phổ thông nhất. Rất mong chút kiến thức này có thể giúp ích được các cụ, mợ đã đang và sẽ làm nhà những cái nhìn tổng quát hơn ./.