(Tiếp)
Tuy nhiên, dư luận đang bị chia rẽ sâu sắc – và khó có thể thăm dò ý kiến – về tính khả thi của một chiến lược như vậy. Nhiều người Đài Loan có sự đồng cảm sâu sắc với người dân Ukraine, do đó các lớp học tự vệ mọc lên như nấm sau cuộc tiến quân của Nga vào Ukraine. Những người khác nhìn vào đống đổ nát của các thành phố phía Đông Ukraine và cảm thấy ớn lạnh.
Nếu biện pháp chính được sử dụng để ngăn chặn cuộc xâm lược từ Đại lục là khiến Trung Quốc cảm nhận được nguy cơ bị kéo vào một cuộc chiến với Mỹ, thì Đài Loan sẽ dễ bị tổn hại trước việc Mỹ không muốn bị dính líu vào một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn với Trung Quốc.
Huấn luyện quân sự tại Đài Loan
Trò chơi chiến tranh xâm lược Đài Loan cho thấy xung đột sẽ nhanh chóng lan tới các mục tiêu ở Đại lục, sau đó là sự trả đũa của Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ – nói cách khác, đó sẽ là cuộc chiến tranh Mỹ-Trung mà hầu hết mọi người đều muốn tránh.
Điều đáng lo ngại là Mỹ, với tâm lý muốn khơi lại Chiến tranh Lạnh, đã trở nên thù địch với Trung Quốc đến mức có thể phá hủy không gian địa chính trị mong manh mà Đài Loan dựa vào để tồn tại. Mặc dù cuộc gặp thượng đỉnh giữa Biden và Tập Cận Bình có thể mở ra thời kỳ hòa giải mới, nhưng luôn có nguy cơ Mỹ chỉ coi Đài Loan là con bài mặc cả trong một trò chơi nào đó lớn hơn.
Trong các cuộc thảo luận ở Đài Bắc, ngày càng có nhiều người chỉ trích Mỹ vì đã “kích động” Trung Quốc hơn là nhắm mục tiêu vào Trung Quốc vì đe dọa tương lai của hòn đảo này. Cũng có có người lo sợ và khó chịu khi thấy Đài Loan trở thành con tốt thí bất đắc dĩ của các thế lực xa xôi.
Quân đội Đài Loan diễn tập
Ngoài việc răn đe, nhiều người cũng tán thành quan điểm rằng một số hình thức đàm phán hoặc can dự với Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với sự sống còn của Đài Loan. Đó là sự thừa nhận thực tế rằng Đài Loan có rất ít lựa chọn trong một trò chơi thù địch.
Sự can dự phải diễn ra ở hai cấp độ – của Mỹ và của Đài Loan. Bắc Kinh cho biết họ sẽ không can dự với đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền, và trong mọi trường hợp, sự ủng hộ dành cho DPP đã giảm dần trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 1. Tuy nhiên, cử tri ở Đài Loan có xu hướng thờ ơ với những ứng cử viên được cho là thân Trung Quốc, và DPP vẫn dẫn đầu trong một số cuộc thăm dò.
Phùng Thế Khoan lập luận rằng để đàm phán với Trung Quốc một cách hiệu quả, Mỹ phải chấp nhận thực tế sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc, đồng thời hiểu được sức mạnh của hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc. Ngoài ra, họ cần phải hiểu rõ hơn những gì đang diễn ra bên trong gã khổng lồ châu Á – đòi hỏi những tiếp xúc thường xuyên đã bị ngắt quãng trong cuộc chiến thương mại và trong giai đoạn phong tỏa vì đại dịch COVID-19.
Các cuộc đàm phán có thể phức tạp. Trung Quốc chỉ tham gia đàm phán khi nghĩ rằng họ sẽ thu được điều gì từ đó. Như vậy, các cuộc đàm phán là công cụ mạnh mẽ nhất trong bộ công cụ “không phải hôm nay”.
Tô Khởi (Su Chi), cựu Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan, cho biết: “Bắc Kinh không muốn chứng kiến cảnh đổ máu ở Đài Loan; họ thích giải pháp hòa bình hơn. Nhưng họ cần giữ thể diện bằng việc không để tuột mất Đài Loan”. Ông cho biết thêm rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lên kế hoạch sớm muộn phải thống nhất Đại lục với Đài Loan. “Và bây giờ họ đang nghĩ rằng Đài Loan sẽ rời xa mãi mãi. Vì vậy, chúng ta phải giúp họ thoát khỏi nỗi lo này”.
Nhưng có gì để nói? Nỗi ám ảnh về việc kiểm soát Đài Loan khiến Bắc Kinh khó có thể thảo luận bất cứ điều gì khác ngoài việc đàm phán để hòn đảo này đầu hàng. Tô Khởi tin rằng có thể giành được “quyền tự chủ” theo kiểu nào đó cho Đài Loan, một ý tưởng vừa có vẻ ngây thơ trong bối cảnh chế độ cầm quyền của ông Tập Cận Bình, vừa không phù hợp với bản sắc dân chủ của Đài Loan. Cuộc thăm dò cho thấy công chúng Đài Loan đơn giản là không muốn giải pháp đó.
Quân đội Đài Loan diễn tập
Giới lãnh đạo Trung Quốc đã hứa hẹn “thống nhất” trong 73 năm qua. Tuy nhiên, chừng nào các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn tin rằng Đài Loan có thể tự nguyện quay trở lại, thì họ có thể tuyên bố rằng họ vẫn đang nỗ lực hướng tới chiến thắng mà không cần phải tiến hành một cuộc chiến có tính rủi ro cao. Trước đây, các lợi ích kinh tế mà sự can dự mang lại cho cả hai bên cho phép mỗi bên nhượng bộ và trì hoãn giải quyết vấn đề số phận của Đài Loan.
Liệu ông Tập Cận Bình có còn suy nghĩ như vậy hay không? Cách đây một phần tư thế kỷ, nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vẫn còn là một quan chức đầy tham vọng ở tỉnh Phúc Kiến, nơi được cho là tiền tuyến trong cuộc cạnh tranh chưa hẳn đã là xung đột.
Sự háo hức của ông trong việc thu hút đầu tư vào Phúc Kiến ở thời điểm đó đã khiến các nhà đầu tư Đài Loan tin rằng ông hiểu hòn đảo này. Nhưng Tập Cận Bình cũng chọn cách tìm kiếm sự hậu thuẫn của quân đội cho tham vọng chính trị của mình, khiến chính quyền của ông tiếp tục thực hiện các biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba.
Đảo Kim Môn thuộc quyền Đài Loan kiểm soát, các tòa nhà cao tầng phía xa là đất liền Trung Quốc
Nhìn lại, các nhà lãnh đạo quân sự Đài Loan khi đó thừa nhận lo ngại rằng Trung Quốc có thể chiếm các đảo gần đất liền. Họ tuyên bố rằng họ không lo ngại về an ninh của hòn đảo chính. Giữa những năm 1990, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc còn trong tình trạng chưa được huấn luyện và trang bị bài bản. Các lợi ích kinh doanh và sự cạnh tranh trong khu vực cũng khiến họ không thể chuyên tâm thực hiện nhiệm vụ của một quân đội chuyên nghiệp.
Trong những thập kỷ sau cuộc khủng hoảng, Đ..C..S Trung Quốc đã đổ tiền vào quân đội, nâng cấp lực lượng Hải quân và Không quân, đồng thời đầu tư vào lực lượng tên lửa và năng lực không gian. Sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã cải tổ cơ cấu chỉ huy khu vực nổi tiếng là thiển cận của quân đội, thiết lập một hệ thống phân cấp trung ương tập quyền báo cáo trực tiếp cho ông.
Những màn thể hiện đáng sợ vào tháng 8/2022 – giống như các cuộc tập trận của Trung Quốc hồi tháng 3/1996 – là hình thức răn đe được thiết kế nhằm cảnh báo Mỹ không nên quá ủng hộ Đài Loan và các tuyên bố công khai về độc lập của hòn đảo này. Thông điệp của họ là “không phải hôm nay” và nó đã có tác dụng.
Thế nhưng, ông Tập Cận Bình cũng nhận thức được rằng sự hòa hoãn giữa Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và Tổng thống Mỹ Bill Clinton giữa những năm 1990 đã tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn nước ngoài chảy vào Trung Quốc, biến nước này thành cường quốc toàn cầu. Trong 6 tháng qua, những thách thức kinh tế và nhu cầu về vốn mới của Trung Quốc đã trở nên rõ ràng. Tập Cận Bình đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước ngoài và cử các học giả đến thăm dò quan điểm ở Mỹ.
Đối với Đài Loan, kết quả tốt nhất ở San Francisco có thể là một thỏa thuận chung để trì hoãn mọi dàn xếp. Chiến lược “không phải hôm nay” sẽ cho phép Đài Loan tồn tại thêm một thời gian nữa – cho đến khi cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ năm khởi động lại trò chơi.