[Funland] Lịch sử Dẫn đường Không quân

Minh Tu

Xe buýt
Biển số
OF-2407
Ngày cấp bằng
17/11/06
Số km
777
Động cơ
572,560 Mã lực
Líu có cái ảnh nào thì bố em cũng chả đọc hết đc:-s
 

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Từ giữa tháng 10 năm 1972, mức độ đánh phá miền Bắc của không quân và hải quân Mỹ giảm hẳn, do Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại Hòa bình ở Việt Nam đã được bốn bên tham gia hội nghị Pa-ri thỏa thuận, sẽ ký tắt vào ngày 22 và ký chính thức vào ngày 31 tháng 10. Nhưng phía Mỹ đã lật lọng, một mặt chúng gấp rút tăng viện trợ và đốc thúc chính quyền Sài Gòn phản kích lấn chiếm lại vùng giải phóng của ta, tăng số phi vụ B-52 đánh Khu 4 lên gấp hai lần, liên tục tổ chức trinh sát đường không từ vĩ tuyến 20 trở ra; một mặt chúng ráo riết chuẩn bị mở chiến dịch tập kích đường không vào Hà Nội, Hải Phòng... sẽ sử dụng B-52, F-4 với số lượng rất lớn và cả F-111, loại máy bay chiến thuật đa năng mới.

Trước những động thái mới của địch và dự kiến các khả năng, Quân chủng Phòng không - Không quân rà soát kỹ lưỡng và bổ sung hoàn thiện tất cả các phương án đánh địch theo đúng ý định tác chiến mới. Nhiệm vụ trọng tâm lúc này là đánh B-52, lực lượng chủ yếu là tên lửa phòng không và MiG-21. Điều kiện đánh địch khó khăn và phức tạp nhất là vào ban đêm. 21 giờ 44 phút ngày 22 tháng 11 năm 1972, hai tiểu đoàn tên lửa 43 và 44 thuộc Trung đoàn tên lửa 263 ở Nghệ An đã phóng 4 quả đạn, rơi 2 B-52 (Lịch sử Bộ Tham mưu Phòng không - Không quân (1963-2003), Sđd, tr.212). Chiến công này đã khẳng định tên lửa phòng không của ta hoàn toàn có thể đánh được B-52.

Vấn đề quan trọng đối với tên lửa phòng không cần được tập trung giải quyết ngay là phải bắn rơi B-52 tại chỗ. Còn đối với MiG-21, nhiệm vụ nghiên cứu đánh B-52 đã được tiến hành từ cuối năm 1968 ở phía nam chiến trường Khu 4. Các cán bộ chỉ huy và phi công đã cùng với một số sĩ quan tham mưu: tác chiến, quân báo, thông tin. ra-đa, dẫn đường... vào tận đèo Mụ Giạ trực tiếp quan sát đội hình B-52, cách bay yểm hộ của F-4 và các đường bay khi chúng vào hoạt động trên các khu vực của Đường 12, 20 và đường hành lang. Từ đó, một số phương án dẫn MiG-21 đánh B-52 đã được hình thành. Trong các năm 1969, 1970, ta tổ chức huấn luyện đánh B-52 bằng nhiều bài bay khác nhau cả ban ngày và ban đêm. Dùng Il-28 và II-18 bay mục tiêu, giả làm B-52, dẫn đường tại sở chỉ huy và tại đại đội ra-đa luyện tập dẫn MiG-21 tiếp cận, phi công luyện tập cách phát hiện mục tiêu, chiếm vị trí vào công kích, xạ kích bằng mắt và bằng ra-đa trên máy bay, đặc biệt coi trọng nội dung huấn luyện khi mục tiêu bay đêm có bật đèn và không bật đèn, trời có trăng và không có trăng.

Tất cả các trận dẫn đánh B-52 chưa thành công đều được đưa ra phân tích rất toàn diện và nhấn mạnh yếu tố bí mật. Trong đó có hai trận được nhiều người quan tâm.

Trận thứ nhất, chiều ngày 4 tháng 10 năm 1971, ta tổ chức cho phi công MiG-21 Đinh Tôn cơ động chuyển sân hai chặng liên tục: Nội Bài-Anh Sơn và Anh Sơn-Đồng Hới, đều ở độ cao cực thấp và sau đó tiến hành trực chiến ngay. Ta hoàn toàn giữ được yếu tố bí mật. Đến tối, B-52 vào đánh Đường 12 và 15, sở chỉ huy cho MiG-21 cất cánh và dẫn đúng phương án. Khi ra-đa dẫn đường bị nhiễu, không bắt được địch-ta, sở chỉ huy tiếp tục "dẫn mò" và phi công nhìn thấy đèn của B-52, nhưng ở thế đối đầu. Khi ta vòng trở lại bám được phía sau thì địch tắt đèn. Sở chỉ huy cho MiG-21 thoát ly và dẫn về Thọ Xuân hạ cánh. Trận thứ hai, đêm 20 tháng 11 năm 1971, sau khi ra-đa dân đương bắt tốt tốp B-52 vào đánh Đường 20, ta cho phi công MiG-21 Vũ Đình Rạng cất cánh từ Anh Sơn. Ra-đa dẫn đường không bị nhiễu, có thể do địch chủ quan. Sở chỉ huy dẫn MiG-21 vào tiếp cận B-52 rất thuận lợi. Còn cách mục tiêu 15km, phi công bật ra-đa trên máy bay, phát hiện ở cự ly 11km, bám sát tốt và đến cự ly 2.500m, phóng quả tên lửa thứ nhất vào chiếc B-52 bay sau cùng của đội hình. Phi công tiếp tục bám sát chiếc B-52 bay phía trước, đến cự ly 2.000m, phóng quả thứ hai, rồi thoát ly về Anh Sơn an toàn. Mãi sau này, ta mới biết một trong hai chiếc B-52, đã bị trọng thương, do trúng phải tên lửa của phi công Vũ Đình Rạng và không thể về được căn cứ xuất phát. Như vậy, yếu tố bí mật đặc biệt quan trọng trong dẫn MiG-21 đánh B-52, nhất là khi dẫn vào tiếp cận và xạ kích.
Ngoài ra, các bài học dẫn MiG-21 đánh đêm trên hướng tây nam Hà Nội đầu năm 1972 cũng đã được so sánh, trao đổi và toàn bộ kinh nghiệm dẫn đường hiện sóng bắt các loại mục tiêu trong nhiễu trong thời gian gần đây đều được tổng hợp khá chi tiết.

Việc dẫn MiG-21 bắn rơi B-52 là hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng để bắn rơi B-52 tại cho thì công tác dẫn đường còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn và thử thách. Các phương án dẫn MiG-21 đánh B-52 từ xa, ngoài vòng hỏa lực của tên lửa phòng không tiếp tục được hoàn thiện sâu thêm.

Ngày 24 tháng 11 năm 1972, Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng và chỉ thì toàn bộ công tác chuẩn bị cho kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ phải được hoàn tất trước ngày 3 tháng 12 năm 1972. Trong đó, mục tiêu quan trọng hàng đầu phải được bảo vệ là Hà Nội và Hải Phòng, đối tượng tác chiến phải tập trung tiêu diệt là máy bay ném bom chiến lược B-52.

Ngày 13 tháng 12 năm 1972, phía Mỹ tuyên bố đình chỉ vô thời hạn việc tham gia hội nghi Pa-ri. Ngày 14, tổng thống Mỹ R. Ních-xơn chính thức thông qua kế hoạch "Lai-nơ Bếch-cơ II", chiến dịch tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng B-52 vào Hà Nội và Hải Phòng. Ngày 17, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Quân chủng Phòng không-Không quân đề phòng B-52 đánh đêm từ vĩ tuyến 20 trở ra. Ngày 18, địch bắt đầu đánh.

Từ tối 18 đến rạng sáng 19 tháng 12 năm 1972, chúng huy động hơn 200 lần chiếc máy bay các loại, có cả F-111, trong đó có tới 90 lần chiếc B-52, chia thành ba đợt, đánh vào các sân bay Kép, Nội Bài, Hòa Lạc... các cơ sở công nghiệp ở đông Anh, đầu mối giao thông Yên Viên, kho xăng Đức Giang, khu phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì... Cùng thời gian trên, chúng còn cho 28 lần chiếc cường kích của không quân hải quân đánh vào Hải phòng.

 

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Căn cứ vào kết quả theo dõi địch trên mạng B1 và của các đại đội ra-đa dẫn đường, thủ trưởng trực chỉ huy Binh chủng Trần Hanh quyết định cho MiG-21 xuất kích theo phương án đã được chuẩn bị, tập trung đánh địch trên hướng tây nam Hà Nội. Lúc 19 giờ 28 phút, tối 18 tháng 12 năm 1972, phi công Trần Cung cất cánh từ Hòa Lạc. Trực ban dẫn đường tại sở chỉ huy Binh chủng: Phạm Minh Cậy và Tạ Văn Vượng dẫn MiG-21 ra Hòa Bình- Suối Rút để đánh tốp B-52 từ nam Mộc Châu đi lên Vạn Yên. Nhưng khi vào tiếp địch, đến cự ly 12km, phi công mở ra-đa trên máy bay thì bị nhiễu nặng, buộc phải thoát ly về Nội Bài hạ cánh. 19 giờ 47 phút, phi công Phạm Tuân cất cánh từ Nội Bài được trực ban dẫn đường Hoàng Đức Hạnh tại sở chỉ huy Trung đoàn 927 dẫn ra Hòa Bình. Khi vào tiếp địch, phi công nhìn thấy đèn của B-52, rồi bật ra-đa trên máy bay và cũng bị nhiễu, lúc nhìn ra ngoài thì đèn của B-52 đã tắt và sau đó thấy có tên lửa của địch bắn về phía mình, phi công vòng ba vòng, giảm xuống độ cao 2.000m và về Nội Bài hạ cánh. Đến 4 giờ 43 phút, rạng sáng 19 tháng 12 năm 1972, phi công Vũ Đình Rạng cất cánh từ Gia Lâm do trực ban dẫn đường Nguyễn Hồng Thái tại sở chỉ huy Trung đoàn 921 dẫn xuống đến phía nam Hòa Bình-Suối Rút thì bị địch bám theo. Sau khi cơ động tránh tiêm kích, ta mất thời cơ dẫn vào B-52, phi công về Gia Lâm hạ cánh.

Trong các trận tiếp theo, vào tối 20, rạng sáng 22, rạng sáng 23 và tối 23 tháng 12, ta dẫn thêm 7 lần chiếc MiG-21 xuất kích đánh B-52, nhưng chỉ có 3 lần phát hiện và đều chưa có điều kiện để phóng tên lửa (Bản can các trận đánh). Trong khi đó, từ tối 18 đến hết ngày 24 tháng 12, lực lượng phòng không của ta đã liên tiếp lập công, bắn rơi 53 máy bay các loại của Mỹ, trong đó có 18 chiếc B- 52 và 5 chiếc F-111 (Lịch sử Bộ Tham mưu Phòng không - Không quân (1963-2003), Sđd, từ tr.229). Đặc biệt, lực lượng tên lửa phòng không đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bắn rơi tại chỗ 9 chiếc B-52.

Trưa 23 tháng 12 năm 1972, địch vào trên hướng tây nam Hà Nội. Thủ trưởng trực chỉ huy Binh chủng Đào Đình Luyện và Hồ Luật quyết định sử dụng phương án đánh ban ngày, cho MiG-21 của Trung đoàn 921 lên nghi binh-thu hút địch ở phía bắc Tam Đảo, còn MiG-21 của Trung đoàn 927 đánh chính ở phía nam Hòa Bình. 13 giờ 34 phút, phi công Trần Sang cất cánh từ Kép được trực ban dẫn đường Tạ Quốc Hưng tại sở chỉ huy Trung đoàn 921 dẫn lên Phú Lương, rồi đi hướng 270 độ, độ cao 8.000m, tốc độ 900km/h. Nhưng khi ta qua Phú Lương được 2 phút thì đột nhiên xuất hiện tốp địch từ Phú Thọ lên Sơn Dương. Thủ trưởng trực chỉ huy Trung đoàn 921 Đinh Tôn xin cho MiG-21 vào đánh địch. 13 giờ 45 phút, MiG-21 tăng tốc độ, vòng trái, hướng bay 140 độ, địch từ Sơn Dương cũng vòng trái, tạo thành thế đối đầu. 1 phút sau, phi công phát hiện F-4. Hai bên không chiến quyết liệt ta 1, địch 12. Đến 13 giờ 53 phút sở chỉ huy buộc phải cho thoát ly về Kép.

13 giờ 40 phút, đôi bay MiG-21: Nguyễn Văn Nghĩa và Lê Văn Kiền cất cánh từ Nội Bài. Trực ban dẫn đường Lê Thành Chơn tại sở chỉ huy Binh chủng chịu trách nhiệm dẫn chính, trực ban dẫn đường Vũ Đức Bình tại sở chỉ huy Trung đoàn 927, trực ban dẫn đường Trung đoàn 921 Đào Văn Thành trên hiện sóng đảm nhiệm dẫn hỗ trợ. Mig-21 giữ độ cao 300m, rồi vòng phải, hướng bay 200 độ, xuyên lên trên mây và nhanh chóng lấy độ cao. 13 giờ 47 phút, ta đến Phủ Lý, vòng phải, hướng bay 270 độ, độ cao 8.000m, tốc độ 1.200km/h để đánh tốp địch từ tây Xầm Tơ vào Suối Rút. 13 giờ 51 phút, phi công báo cáo phát hiện mục tiêu cả đôi bay đều có cơ hội vào công kích. Phi công Nguyễn Văn Nghĩa bắn rơi 1 F-4. Ta thoát ly bên phải, sang phía đông và lần lượt xuyên xuống dưới mây, hạ cánh tại Nội Bài.

Bị quân và dân ta đánh trả quyết liệt, đêm 24 tháng 12 năm 1972, lấy cớ lễ Nô-en, địch tạm ngừng tập kích. Sáng ngày 25, Binh chủng tranh thủ tổ chức rút kinh nghiệm, nghiêm khắc chấn chỉnh những mặt còn thiếu sót và thống nhất một số giải pháp quan trọng để tiếp tục đánh địch. Trong dẫn đánh B-52, nhất thiết phải giữ bằng được yếu tố bất ngờ về sân bay và thời cơ cất cánh. Từng sở chỉ huy phải tìm mọi cách thu và phân tích nhanh cùng một lúc tất cả các tình báo của nhiều đại đội ra-đa dẫn đường, mới tạo ra khả năng phán đoán đúng tốp B-52 để dẫn MiG-21 vào tiếp cận và kiểm soát được các tốp F-4 yểm hộ nguy hiểm để nhanh chóng dẫn ta vượt qua chúng hoặc kịp thời thông báo cho phi công cơ động tránh bị địch công kích. Dẫn đường phải tính toán nhanh, chính xác các số liệu dẫn vào tiếp cận để phi công sớm nhìn thấy đèn của B-52, phải liên tục thông báo cự ly bám sát để phi công tiến hành xạ kích bằng máy ngắm quang học là chính. Các phương án đánh B-52, một lần nữa lại được đưa ra rà soát và hiệu chỉnh.
 
Chỉnh sửa cuối:

Minh Tu

Xe buýt
Biển số
OF-2407
Ngày cấp bằng
17/11/06
Số km
777
Động cơ
572,560 Mã lực
Xin bố dừng lại cho con vài cái ảnh giải lao con mắt:|
 

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Để có được mạng ra-đa dẫn đường đánh B-52 tốt hơn, chiều ngày 25 tháng 12 năm 1972, ngay sau khi hội nghị hiệp đồng chiến đấu giữa hai binh chủng Không quân và Ra-đa kết thúc, C-26 đã nhanh chóng cơ động từ Cầu Diễn vào Thanh Hóa, C-50 triển khai đội hình tại Cầu Diễn và tổ dẫn đường-thông tin đối không và tiếp sức, do Trưởng Ban Dẫn đường Binh chủng Không quân Lê Liên phụ trách, đã khẩn trương hành quân từ Hà Nội lên C-22 ở Mộc Châu. Như vậy, sau khi triển khai xong, không quân sẽ có hai đại đội ra-đa dẫn đường vòng ngoài tại hai vị trí rất quan trọng, có khả năng cung cấp nhiều tình báo quý báu cho các sở chỉ huy dẫn đánh B-52.

Trong thời gian từ đêm 26 đến sáng 27 tháng 12 năm 1972, địch tổ chức đánh ác liệt, ồ ạt, liên tục và đồng thời vào nhiều mục tiêu ở ba khu vực Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Các lực lượng phòng không ba thứ quân đánh trận then chốt quyết định và giành thắng lợi lớn, bắn rơi 16 máy bay các loại của Mỹ, trong đó có 8 chiếc B-52 và 1 chiếc HH-53. Còn lực lượng không quân vẫn gấp rút chuẩn bị đầy đủ và chu đáo hơn cho các trận đánh tiếp theo của mình.

Khoảng 10 giờ, ngày 27 tháng 12 năm 1972, sau khi nhận được tin từ 11 giờ 30 phút đến 13 giờ không quân địch sẽ hoạt động 50 lần chiếc, sở chỉ huy Binh chủng nhận định, có thể đây là đợt chúng tổ chức tìm cứu giặc lái và yêu cầu MiG-21 phải sẵn sàng xuất kích. Nhưng đến 13 giờ 30 phút, trên mạng B1 mới xuất hiện các triệu chứng địch bắt đầu hoạt động, ta cho rằng chúng sẽ vào đánh các mục tiêu xung quanh Hà Nội. 13 giờ 33 phút. các đại đội ra-đa dẫn đường đều bắt được tốp địch 12 chiếc từ đông Sầm Nưa, qua biên giới, hướng lên Mộc Châu và đột nhiên xuất hiện tốp 4 chiếc ở Phú Thọ, hướng lên Thái Nguyên. Thủ trưởng trực chỉ huy Binh chủng Đào Đình Luyện và Văn Duy cho MiG-21 của Trung đoàn 927 xuất kích và yêu cầu dẫn lên phía Kép.

13 giờ 36 phút, đôi bay: Đỗ Văn Lanh-số 1 và Dương Bá Kháng-số 2 cất cánh từ Nội Bài. Kíp trực ban dẫn đường Trung đoàn 927 dẫn chính: Hoàng Đức Hạnh tại sở chỉ huy và Phạm Công Kim tại C-43. Đôi MiG-21 đi hướng 30 độ và giữ độ cao 500m, bay dưới mây. 13 giờ 40 phút, ta đến phía tây Kép thì địch từ Thái Nguyên vòng xuống Kép. Dẫn đường cho phi công vòng phải, hướng bay 90 độ, độ cao 1.000m, rồi vòng trái, hướng bay 270 độ và thông báo mục tiêu bên trái 90 độ, 40km. 13 giờ 42 phút, địch đến phía tây Kép thì tách tốp. 13 giờ 44 phút, MiG-21 vòng phải, hướng bay 180 độ. Thủ trưởng trực chỉ huy Trung đoàn 927 Nguyễn Nhật Chiêu ra lệnh bay dưới mây. Dẫn đường tiếp tục thông báo vị trí mục tiêu, rồi cho ta đi hướng 210 độ bám theo địch. 13 giờ 46 phút 20 giây, trực ban dẫn đường Lê Thành Chơn tại sở chỉ huy Binh chủng nhắc đôi bay chú ý cảnh giới phía sau, 5km. 10 giây sau, phi công Dương Bá Kháng phát hiện có địch, xin phản kích và 13 giờ 47 phút 20 giây, anh báo cáo bắn cháy 1 F-4. Ta thoát ly về Nội Bài và hạ cánh an toàn trên đường lăn lúc 13 giờ 55 phút.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Trong khi đó, địch vẫn cho nhiều tốp vào hoạt động tại khu vực Hòa Bình. Có khả năng đây mới là các tốp vào tìm cứu giặc lái. Binh chủng quyết định cho MiG-21 của Trung đoàn 921 xuất kích. 14 giờ 10 phút, phi công Trần Việt, đã bí mật phục kích từ trước ở Miếu Môn, cất cánh. 14 giờ 11 phút, kíp trực Ban Dẫn đường Binh chủng dẫn chính: Lê Thành Chơn tại sở chỉ huy và Lê Kiếu trên hiện sóng cho MiG-21 hướng bay 90 độ, đi dưới mây, sau đó vòng phải, hướng bay 150 độ, xuyên lên độ cao 5.000m. 14 giờ 14 phút, địch vòng ở đông Hòa Bình 15km, ta đến Kim Bảng, sở chỉ huy cho vòng phải vào tiếp địch và lên độ cao 7.000m. 14 giờ 16 phút 20 giây, phi công phát hiện 2 F-4 ở phía dưới, bên phải 45 độ, 8km, sau đó thấy chúng đan chéo nhau và tăng lực chạy. 14 giờ 18 phút 20 giây, dẫn đường hiện sóng thông báo cự ly 4km. 14 giờ 19 phút 05 giây, phi công Trần Việt báo cáo bắn rơi 1 F-4. Sở chỉ huy cho phi công thoát ly ra phía đông, qua sông Hồng, vòng lên hướng bắc về Nội Bài và 14 giờ 32 phút, hạ cánh an toàn.

Buổi chiều, vào lúc cuối đợt hoạt động, khi địch vừa quay ra, sở chỉ huy Binh chủng lập tức cho phi công Phạm Tuân cơ động chuyển sân từ Nội Bài lên Yên Bái để phục kích đánh B-52. Cũng vào thời gian này các C-22, 26 và sở chỉ huy Sơn La đã hoàn tất mọi công việc chuẩn bị chiến đấu. Phạm vi trách nhiệm chỉ huy-dẫn đường của từng vị trí đều quy định rất chặt chẽ và cụ thể. Các phân đội trực chiến đêm trên tất cả các sân bay tiến hành tiếp thu máy bay, nhận ban và sẵn sàng đánh địch.

22 giờ 12 phút, C-22 bắt được tốp B-52 từ Sốp Khao bay lên phía Sầm Nưa, các tốp tiêm kích yểm hộ trong đội hình và tại các khu vực hoạt động không có gì khác thường. Sở chỉ huy Binh chủng nhanh chóng tổng hợp toàn bộ tình hình địch. Tại sở chỉ huy Mộc Châu, dẫn đường cũng đã dự tính khá chi tiết về khoảng thời gian tối thiểu giành cho việc truyền lệnh giữa các sở chỉ huy và giành cho phi công thực hiện chuyển cấp, mở máy và lăn đến vị trí cất cánh ở các sân bay khác nhau, quyết tâm không để lỡ thời cơ. Trực ban dẫn đường tại C-22 Lương Văn Vóc tiếp tục theo dõi chặt chẽ các tốp địch từ Sốp Khao lên Mộc Châu, khi B-52 cách đài 150km, ta bị nhiễu cường độ 1, cách 100km-cường độ 2. Sau khi trao đổi ý kiến với Trưởng ban Dẫn đường Lê Liên, trực ban dẫn đường tại sở chỉ huy Đặng Dũng quyết tâm dẫn đánh tốp B-52 đi sau và chỉ thị ngay cho dẫn đường hiện sóng tập trung bám sát tốp này.

22 giờ 22 phút, phi công Phạm Tuân cất cánh, sở chỉ huy Yên Bái dẫn xuyên lên trên mây (tại sân 10Sc 1.000). Sau khi liên lạc đối không tốt, MiG-21 tăng dần độ cao và đi hướng 230 độ theo lệnh của sở chỉ huy Binh chủng, rồi 220 độ theo lệnh của sở chỉ huy Mộc Châu. 22 giờ 23 phút, C-22 bắt được ta ở tây bắc Yên Bái 30km, 22 giờ 24 phút, sở chỉ huy Mộc Châu cho hướng bay 190 độ. 22 giờ 25 phút, Binh chủng giao cho sở chỉ huy Mộc Châu dẫn chính. Đúng lúc này, B-52 cách đài khoảng 40km, C-22 bị nhiễu cường độ 3. 22 giờ 25 phút 30 giây, trực ban dẫn đường Đặng Dũng thông báo sớm cho phi công biết, địch bên phải 20 độ, 80km, hướng bay vào 70 độ. Phi công hỏi: loại to hay nhỏ? Dẫn đường trả lời: loại to. Tất cả đều rất bình tĩnh. 22 giờ 26 phút, MiG-21 được lệnh vứt thùng dầu phụ và tăng tốc độ đến 950km/h. 22 giờ 26 phút 30 giây sau khi thông báo cho phi công, địch bên phải 10 độ, 6km, từ phải qua trái, trực ban dẫn đường Đặng Dũng đề nghị cho vọt cao, Trưởng ban Dẫn đường Lê Liên đồng ý. 22 giờ 27 phút, MiG-21 tăng lực, lên độ cao 9.500m, 2 phút sau, vòng trái, hướng bay 30 độ, rồi sửa lại 70 độ.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Khi B-52 qua khu vực đỉnh đài, dẫn đường hiện sóng hoàn toàn không thấy mục tiêu, nhưng dẫn đường sở chỉ huy dã tính toán cho áp đường bay chính xác. 22 giờ 29 phút 30 giây phi công báo cáo, thấy đèn của B-52, dẫn đường sở chỉ huy thông báo, cự ly 10km và cho tăng tốc độ 1200km/h. 22 giờ 31 phút, dẫn đường Lương Văn Vóc thông báo đều đặn, cự ly 6, 5, rồi 4km và nhắc phi công chú ý phóng loạt 2 quả. Phi công Phạm Tuân giữ tốc độ 1.400km/h, bám sát bằng mắt theo đèn của B-52 và dung máy ngắm quang học. Khi cự ly còn khoảng 2.000m, phi công xin phép công tác, lúc đó là 22 giờ 32 phút. Với thành tích bắn rơi B-52, phi công Phạm Tuân đã lập chiến công lớn, đúng vào thời điểm rất quan trọng của mặt trận trên không. Ngay sau đó, sở chỉ huy Mộc Châu cho thoát ly, hướng bay 360 độ, về Yên Bái và yêu cầu phi công liên lạc với sở chỉ huy Binh chủng.

Phóng tên lửa xong, phi công lật máy bay và giảm nhanh độ cao xuống 2.000m. 22 giờ 35 phút, sau khi xác đinh được vị trí máy bay ta, sở chỉ huy Binh chủng cho hướng bay 310 độ, lên độ cao 4.000m và dẫn về Yên Bái. 22 giờ 39 phút, sở chỉ huy Yên Bái tiếp nhận và dẫn phi công xuyên xuống dưới mây và vào hạ cánh an toàn lúc 22 giờ 46 phút. Tin vui lan nhanh trong toàn Quân chủng.


Trước chuyến bay cơ động chuyển sân của phi công Phạm Tuân, sở chỉ huy Trung đoàn 927 đã dẫn đôi bay MiG-21: Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Văn Nhượng từ Nội Bài vào khu vực Miếu Môn để đánh F-4 và sau chuyến bay bắn rơi B-52 của phi công Phạm Tuân, sở chỉ huy Trung đoàn 921 còn dẫn phi công Nguyễn Khánh Duy từ Kép, lên Phố Bình Gia-Đình Lập-Thái Nguyên-Phú Thọ để sẵn sàng đánh tiếp B-52. Như vậy, trong ngày, các kíp trực ban dẫn đường đã dẫn 5 tốp ta với 7 lần chiếc MiG-21, đánh cả ban ngày và ban đêm, bắn rơi 2 F-4 và 1 B-52, phi công và máy bay ta đều an toàn. Ngày 27 tháng 12 năm 1972 được ghi nhận là ngày dẫn đánh địch đạt hiệu quả chiến đấu cao nhất của mặt trận trên không 12 ngày đêm cuối năm 1972, trong đó có sự đóng góp rất lớn của kíp trực ban dẫn đường tại Mộc Châu.


Lúc 11 giờ 10 phút, ngày 28 tháng 12 năm 1972, trên mạng B1 xuất hiện tốp địch 6 chiếc, từ biển vào trên hướng đông nam Hà Nội, sau đó được cải chính là 8 chiếc. Sở chỉ huy Trung đoàn 927 lệnh cho đôi bay MiG-21: Lê Văn Kiền-số 1 và Hoàng Tam Hùng-số 2, trực chiến tại Nội Bài, cất cánh và chờ tại đỉnh. 11 giờ 19 phút, C-50 bắt được địch, trực Ban Dẫn đường Binh chủng Tạ Văn Vượng xin dẫn. Cùng lúc đó, trực ban dẫn đường tại C-43 Đào Văn Thành xác định đây là tốp 12 chiếc, thủ trưởng trực chỉ huy Trung đoàn 927 Nguyễn Hồng Nhị đề nghị Binh chủng cho sở chỉ huy trung đoàn được dẫn. 11 giờ 20 phút, trực ban dẫn đường Vũ Đức Bình tại sở chỉ huy Trung đoàn 927 cho đôi Kiền-hùng hướng bay 150 độ, sau đó tăng nhanh tốc độ và giữ độ cao 500m.

11 giờ 22 phút, số 2 báo cáo phát hiện 4 chiếc, nhưng ngay lập tức đối không bị nhiễu nặng. Sở chỉ huy không kịp ra lệnh chuyển rãnh liên lạc. Số 1 lệnh cho số 2 bám theo chiếc bên trái, sau đó thấy rất nhiều F-4 ở xung quanh. Không chiến quyết liệt, ta không bám được nhau. Phi công Hoàng Tam Hùng bắn rơi 1 RA-5C và 1 F-4 (Bản can trận đánh). Không quân nhân dân Việt Nam có thêm một phi công, trong một trận bắn rơi 2 máy bay địch, đồng thời có thêm một loại máy bay nữa của Mỹ bị hạ gục. Nhưng sau đó đã hy sinh, do bị trúng tên lửa của địch, không kịp nhảy dù. Còn số 1 phải phản kích liên tiếp rồi thoát ly về Nội Bài và hạ cánh lúc 11 giờ 34 phút.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Tối 28 tháng 12 năm 1972, theo tin ta nhận được, từ 21 giờ 30 phút đến 23 giờ 30 phút, B-52 sẽ vào đánh Hà Nội và Đường 1 bắc. Binh chủng yêu cầu tất cả các sở chỉ huy phải tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình địch trên cả hướng tây nam và đông nam, các phân đội trực chiến đều phải sẵn sàng xuất kích, đặc biệt là sở chỉ huy Thọ Xuân, phân đội MiG-21 phục kích ở sân bay dã chiến Cẩm Thủy (đông bắc Cẩm Thủy 10km) và các đại đội ra-đa dẫn đường vòng ngoài. Từ 21 giờ đến 22 giờ 22 phút, các C-26, 22, 50, 53 và 43 lần lượt mở. 21 giờ 30 phút, sở chỉ huy Thọ Xuân cho phi công Vũ Xuân Thiều ở Cẩm Thủy vào cấp 1 và 21 giờ 37 phút, sở chỉ huy Binh chủng cho phi công Đinh Tôn ở Nội Bài cũng vào cấp 1.

21 giờ 41 phút, phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh, sở chỉ huy Thọ Xuân cho đi hướng tây để đánh địch khi chúng vào qua biên giới, 21 giờ 52 phút, cho vòng phải, qua Sầm Nưa, lên hướng bắc và đuổi theo tốp B-52 đang vào Nà Sản. 21 giờ 58 phút, khi phát hiện mục tiêu thì cự ly đã quá gần, phi công Vũ Xuân Thiều phóng tên lửa và không kịp thoát ly. Đồng chí đã hy sinh anh dũng.

21 giờ 48 phút, phi công Đinh Tôn cất cánh. Kíp trưởng dẫn đường Binh chủng Phạm Minh Cậy và trực ban dẫn đường Tạ Văn Vượng dẫn MiG-21 ra Hòa Bình-Suối Rút, rồi lên phía bắc Mộc Châu để đánh tốp B-52 từ Sầm Nưa lên Phù Yên. 22 giờ 04 phút, phi công thấy đèn, rồi mất vì góc vào quá lớn, dẫn đường cho vòng phải, hướng bay 90 độ, cắt vào phía sau mục tiêu 14km. 22 giờ 06 phút, phi công lại phát hiện, nhưng B-52 cơ động và phi công báo cáo phía sau có địch, dẫn đường cho vòng phải gấp, giảm độ cao, hướng bay 360 độ để tách khỏi tốp tiêm kích. 22 giờ 16 phút, thấy tình thế không thuận lợi, sở chỉ huy cho MiG-21 thoát ly bên phải, giảm độ cao tại Việt Trì và xuyên xuống hạ cánh. Khi xuống dưới mây thì Nội Bài không tiếp thu vì phía bắc Ninh còn địch, dẫn đường lập tức cho phi công vòng trái đi Hiệp Hòa. 22 giờ 16 phút, ta còn cách Kép 13km thì Nội Bài nhận tiếp thu. Sở chỉ huy dẫn phi công quay lại và vào hạ cánh an toàn. Tuy dẫn tiếp địch không thành công, bỏ lỡ cơ hội đánh B-52 là một thiếu sót lớn, nhưng kíp trực Ban Dẫn đường Binh chủng đã rất cố gắng xử lý tốt các tình huống trong suốt quá trình dẫn phi công về hạ cánh.

2 giờ 40 phút, đêm 29 tháng 12 năm 1972, trên mạng B1 có 3 tốp tiêm kích vào hoạt động tại khu vực Thanh Sơn; 23 giờ 03 phút, F-111 đánh sân bay Yên Bái và Kép. Trong lúc đó, có 3 tốp B-52 trên hướng tây nam và 1 tốp B-52 trên hướng đông nam. Thủ trưởng trực chỉ huy Binh chủng Đào Đình Luyện và Chu Duy Kính đồng ý cho MiG-21 ở Nội Bài đánh trước, đồng thời yêu cầu kiểm tra ngay tình hình Kép, nếu bảo đảm tốt thì MiG-21 cũng phải sẵn sàng cất cánh và đặc biệt lưu ý thời tiết vì toàn khu vực 4Cu 500 và 10Sc 800. 23 giờ 04 phút, sở chỉ huy Trung đoàn 921 cho phi công Nguyễn Khánh Duy ở Nội Bài cất cánh, sau đó dẫn lên Yên Bái-Tuyên Quang- Thái Nguyên-Kép, rồi về Nội Bài do các đại đội ra-đa dẫn đường vòng trong đều bị nhiễu, bắt địch rất khó khăn. 23 giờ 28 phút, phi công Bùi Doãn Độ ở Kép cất cánh, trực Ban Dẫn đường Binh chủng Lê Thành Chơn và Đỗ Cát Lâm cho hướng bay 300 độ, độ cao 3.000m, 23 giờ 31 phút, cho tiếp hướng bay 340 độ, độ cao 6.000m.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Đến 23 giờ 35 phút, khi MiG-21 ở Phú Lương, sở chỉ huy Thọ Xuân báo cáo thấy tốt địch-ta, Binh chủng đồng ý cho dẫn. Sở chỉ huy Thọ Xuân cho phi công vòng trái vòng vòng khá rộng về phía Chợ Đồn và tăng dần độ cao lên 10.000m để chờ địch vào. 23 giờ 46 phút, sau khi quay lại đến bắc Phú Lương 10km, MiG-21 đã có độ cao 11.000m và đi hướng 250 độ. Địch vào phía nam Yên Bái, vòng phải quay ra. 23 giờ 48 phút, ta ở ngang Sơn Dương, sở chỉ huy Thọ Xuân cho vòng trái vào tiếp địch ở cạnh ngoài. 1 phút sau, phi công Bùi Doãn Độ báo cáo phát hiện mục tiêu và xin vào công kích. Anh phóng loạt 2 quả và thoát ly ngay. Chiếc máy bay địch bị trúng tên lửa của phi công Bùi Doãn Độ lại là F-4. Đây là chiếc F-4 đầu tiên bị không quân ta bắn rơi vào ban đêm và chính bằng MiG-21. 23 giờ 58 phút, ta hạ cánh Nội Bài.

Ngày 30 tháng 12 năm 1972, chính quyền Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp lại đại diện Chính phủ ta tại Pa-ri để bàn việc ký "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại Hòa bình ở Việt Nam". Cuộc tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng B-52, của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều mục tiêu quan trọng khác của ta, kéo dài 12 ngày đêm, đã bị thất bại hoàn toàn.


Trong chiến công chung của Quân chủng, ngành Dẫn đường đã tổ chức dẫn MiG-21 đánh 23 trận (7 trận đánh ngày, 16 trận đánh đêm) với 30 lần chiếc, bắn rơi 8 máy bay, trong đó có 5 chiếc bị bắn rơi vào ban ngày, 3 chiếc bị bắn rơi vào ban đêm và đặc biệt là đã tiêu diệt được 2 chiếc B- 52.

Tháng 1 năm 1973, Mỹ tiếp tục tiến hành trinh sát đường không, chủ yếu bằng không người lái đối với miền Bắc và đánh một số mục tiêu của ta ở nam vĩ tuyến 20, trong đó có cả B-52 (Ngày 6 và 8 tháng 1 năm 1973 đánh Nghệ An). Không quân ta tổ chức dẫn xuất kích trên 30 trận, trong đó có 2 trận đêm, lực lượng trực chiến của bốn trung đoàn không quân đều tham gia. Kíp trực ban dẫn đường Trung đoàn 927, ngày 4 tháng 1 năm 1973, dẫn đôi bay MlG-21: Nguyễn Văn Nhượng-Lê Văn Kiền cất cánh từ Nội Bài, chờ tại đỉnh, kết hợp với đài chỉ huy bay để đánh địch. Phi công Nguyễn Văn Nhượng, bằng 1 quả tên lửa, bắn rơi 1 máy bay không người lái ở độ cao 250m tại khu vực Vĩnh Yên; ngày 6 tháng 1, dẫn phi công MiG-21 Hán Vĩnh Tưởng cũng cất cánh từ Nội Bài và phóng quả tên lửa thứ hai trúng 1 máy bay không người lái ở độ cao 4.000m tại khu vực Hòa Bình-Suối Rút.

Kíp trực ban dẫn đường Trung đoàn 923, ngày 8 tháng 1 năm 1973, dẫn đôi bay MlG-17: Hoàng Cống-Hoàng Mai Vượng cất cánh từ Kép, đánh tại khu vực Thái Nguyên ở độ cao thấp. Phi công Hoàng Mai Vượng, bằng 11 viên đạn 37mm và 6 viễn 23mm, hạ 1 máy bay không người lái.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Để thực hiện được nhiệm vụ trước mắt, trong hai năm 1973 và 1974, Binh chủng đã bắt tay ngay vào khôi phục các sân bay, các cơ sở kỹ thuật và hậu cần đã bị địch đánh phá, điều chỉnh lực lượng, củng cố tổ chức và đẩy nhanh công tác bay huấn luyện, đồng thời tiếp tục sử dụng một phần lực lượng để trực ban sẵn sàng chiến đấu. Ngành Dẫn đường đã kịp thời đặt trọng tâm công tác của mình vào việc bảo đảm cho các chuyến bay chuyển sân điều chỉnh lực lượng, huấn luyện, cơ động trực chiến và xây dựng các phương án dẫn bay sẵn sàng chiến đấu. Đội ngũ dẫn đường sở chỉ huy luôn có mặt trên tất cả các vị trí công tác theo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn 927, trong vòng chưa đầy một năm, tổ chức bảo đảm tốt cho ba đợt dẫn bay chuyển sân điều chỉnh vi trí đóng quân của đơn vị mình: Đầu tháng 6 năm 1973, từ Nội Bài vào Thọ Xuân; cuối tháng 8 cùng năm, lại chuyển ra Nội Bài và cuối tháng 4 năm 1974, lên Kép. Trong tháng 4 năm 1974, tại Kép, được sự chỉ đạo của Ban Dẫn đường Binh chủng, 2 tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn 927 và Trung đoàn 921 đã tập trung nghiên cứu và xây dựng phương án dẫn đánh U-2 (Từ thực tiễn dẫn MiG-21 bắn rơi nhiều máy bay không người lái ở độ cao từ 17.000 đến 18.000m, ta đã tổ chức đánh U-2 vào ngày 5 tháng 5 năm 1967, nhưng chưa thành công. Sơ đồ trận đánh).

Về công tác bảo đảm dẫn bay huấn luyện, năm 1973, số phi công mới của Trung đoàn 927 chiếm khoảng 50%, trong đó, một nửa được đưa vào bay đêm ngay từ đầu. Khi đơn vị được trang bị thêm máy bay huấn luyện L-29, tiểu ban vừa tổ chức học tập chuyển loại cách dẫn máy bay mới cho mình vừa giúp đỡ phi công mới chuẩn bị dẫn bay cho các bài bay ngày và bay đêm; đồng thời góp phần bảo đảm cho trung đoàn hoàn thành gần 2.000 lần chiếc bay huấn luyện, đào tạo được 10 biên đội trưởng, đội trưởng đôi bay và toàn bộ phi công chuyển loại xong MiG-21F-96. Nắm 1974, điều kiện bay huấn luyện có nhiều thuận lợi, trung đoàn không phải cơ động phân tán và tháng 2, Binh chủng cử 42 phi công MiG-21, trong đó có 20 phi công của đơn vị đi bay bổ túc tại Liên Xô, tiểu ban đã tập trung sức bảo đảm tốt cho tổng giờ bay tăng gấp đôi và giờ bay của một phi công tăng 180% so với năm 1973.


Tháng 1 năm 1974, tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn 927 được bổ sung 5 trợ lý: Đỗ Văn Cường, Phạm Văn Năm, Trần Văn Oai, Phạm Duy Thoán, Lê Đình Vạn và đến đầu năm 1975, lại được thêm 4 trợ lý nữa là Lê Quốc Báo, Nguyễn Việt Cường, Phạm Hoàng Thu và Nguyễn Văn Sửu. Công tác huấn luyện dẫn đường tại chức cho trợ lý mới của tiểu ban được triển khai kịp thời và rất nền nếp.


Tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn 923 cũng hoàn thành 3 đợt dẫn bay chuyển sân: Đầu tháng 7 năm 1973, chuyển 8 MIG-17 và 2 UMIG-15 từ Tường Vân về nước; đầu tháng 4 năm 1974, chuyển toàn bộ 25 máy bay của đơn vị mình từ Kép về đóng quân tại Kiến An và giữa tháng 7 năm 1974, lại chuyển 20 MIG-17 nữa, cũng từ Tường Vân về nước. Tiểu ban còn nhanh chóng bố trí lực lượng trợ lý có mặt tại các vị trí trực ban trên dọc tuyến cơ động chuyển sân sẵn sàng chiến đấu, khi trung đoàn triển khai sở chỉ huy tiền phương tại Thọ Xuân và đưa một đại đội bay gồm 12 phi công và 10 MIG-17 từ Kép vào trực chiến tại Thọ Xuân vào tháng 11 năm 1973; chuyển MiG-17 vào trực chiến ở Đồng Hới vào tháng 8 năm 1974.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Mặc dù phải tham gia cơ động phân tán nhiều, nhưng tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn 923 thường xuyên phân công đủ số lượng trợ lý tham gia bảo đảm bay huấn luyện, góp phần hoàn thành 2.360 lần chiếc, tăng thêm 19 phi công đánh mục tiêu trên đất, 12 phi công đánh mục tiêu trên biển trong năm 1973 và 1.144 giờ bay, 27 phi công được bắn đạn thật, 2 phi công ném bom thia lia trong năm 1974. Tiểu ban đã chủ động phối hợp công tác chặt chẽ giữa các trợ lý dẫn đường có mặt tại các vị trí trực ban trên dọc tuyến cơ động để bảo đảm tốt cho tất cả các chuyến bay huấn luyện đường dài, chuyển sân trên các sân bay ven biển từ Kiến An đến Đồng Hới.

Tháng 1 năm 1974, tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn 923 được bổ sung hai trợ lý từ khóa đào tạo sĩ quan dẫn đường tại Thậm Thình (Dương Công Khai và Vũ Văn Thuyết) và đến đầu năm 1975, thêm ba trợ lý nữa cũng từ khóa đào tạo sĩ quan dẫn đường tại Thậm Thình (Vi Bá Đệ, Nguyễn Công Tản, Đỗ Văn Tường). Để có được lực lượng đáp ứng yêu cầu cơ động phân tán, tiểu ban đã tổ chức ôn tập lý thuyết kỹ càng, kèm thực hành chặt chẽ, đặc biệt tập trung nâng cao khả năng độc lập công tác cho từng trợ lý mới.

Tiểu ban dẫn đường Trung đoàn 921, tuy tập trung vào bảo đảm cho nhiệm vụ bay huấn luyện tại Nội Bài, nhưng khi có lệnh cơ động trực chiến, là đội ngũ trợ lý lên đường ngay, đáp ứng kịp thời cho các phân đội MiG-21 của đơn vị mình vào Vinh trực chiến từ ngày 11 tháng 7 năm 1974 và ngày 22 tháng 8 năm 1974, tổ chức dẫn phi công Đinh Tôn và Phạm Phú Thái vào hạ cánh thử an toàn tại sân bay Đồng Hới sau sửa chữa và tiến hành trực chiến ngay. Trong bay huấn luyện, tiểu ban đã bảo đảm cho trung đoàn khai thác tốt L-29, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng huấn luyện phi công mới.

Tháng 1 năm 1974, tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn 921 được bổ sung bốn trợ lý: Khổng Vũ Bằng, Phạm Văn Hùng, Nguyễn Kim Khuê, Nguyễn Văn Nhâm và đến đầu năm 1975, có thêm ba trợ lý nữa là Đoàn Văn Bình, Trần Văn Kiêu và Nguyễn Công Thá. Căn cứ vào kết quả phân loại ban đầu tiểu ban bố trí các trợ lý mới lần lượt tham gia trực kèm và 6 tháng sau mới xem xét kiểm tra phê chuẩn trực chính. Do biết kết hợp chặt chẽ với công tác bảo đảm dẫn đường cho bay huấn luyện của trung đoàn, nên công tác huấn luyện tại chức cho trợ lý mới của tiểu ban đã đạt chất lượng tốt.

Tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn 925, trong tháng 4 năm 1974, đã thực hiện tốt nhiệm vụ dẫn 24 MiG-19 và 4 UMIG-17 (Trung Quốc cải tiến từ MIG-17 không có tăng lực) chia làm ba đợt chuyển sân liên tục từ Nam Ninh về Yên Bái. Tiểu ban đã khắc phục nhiều khó khăn, do thời tiết khu vực hay thay đổi thất thường và ra-đa dẫn đường hay bị hỏng hóc, đáp ứng yêu cầu của các ban bay cho phi công mới khi trời tốt ổn định và cho phi công cũ bay trong điều kiện thời tiết phức tạp.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Tháng 1 năm 1974, tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn 925 được bổ sung năm trợ lý: Hà Văn Bền, Nguyễn Văn Đãi, Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Văn Mậu, Hoàng Đình Te và đến đầu năm 1975, thêm hai trợ lý nữa cũng từ khóa đào tạo sĩ quan dẫn đường tại Thậm Thình là Lê Xuân Bách và Vũ Ngọc Khanh. Trong thực hiện huấn luyện dẫn đường tại chức cho các trợ lý mới, tiểu ban đã tập trung học lý thuyết, luyện tập tác nghiệp khi trời xấu kéo dài và kèm thực hành khi đơn vị tổ chức bay.

2. Đào tạo, huấn luyện và kiện toàn các tổ chức dẫn đường

Trong lúc mặt trận trên không đang diễn ra rất quyết liệt, nhiệm vụ chiến đấu là hang đầu, nhưng công tác đào tạo vẫn được Binh chủng rất quan tâm nhằm tiếp tục đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tổ chức chỉ huy- dẫn đường chiến đấu cơ động phân tán trên diện rộng của các trung đoàn không quân. Ngày 12 tháng 7 năm 1972, 16 học viên (Khổng Vũ Bằng, Hà Văn Bền, Đỗ Văn Cường, Nguyễn Văn Đãi, Phạm Văn Hùng, Dương Công Khai, nguyễn Kim Khuê, Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Văn Mậu, Phạm Văn Năm, Nguyễn Văn Nhâm, Trần Văn Oai, Hoàng Đình Te, Phạm Duy Thoán, Vũ Văn Thuyết và Lê Đình Vạn), từ các đơn vị trong Quân chủng, đã chiêu sinh về Phân hiệu đào tạo sĩ quant ham mưu thuộc Trường Không quân tại Thậm Thình (Phú Thọ) để tiến hành đào tạo tập trung 11 dẫn đường từ mặt đất.

Thành phần khóa này gần giống hai khóa đào tạo tại Yên Cốc (1967-1968) và Quảng Bị (1969-1970). Trong đó, có 4 học viên đã là giáo viên IaK-18 của Trung đoàn không quân 910, 10 học viên đã đi học bay MiG-21 và 2 học viên đã vào dự khóa bay. Phụ trách lớp dẫn đường là đồng chí Đàm Cảnh Thống (Tổ trưởng giáo viên lý thuyết Trường Hàng không từ năm 1965), đồng thời là giáo viên lý thuyết bay. Tham gia giảng dạy cho lớp, còn có các giáo viên dày dạn kinh nghiệm như: dẫn đường trên không Lê Thế Hưng, dẫn đường sở chỉ huy Nguyễn Quang Sáng (trợ lý Ban Dẫn đường Binh chủng, chuyên dẫn trên hiện sóng) và Nguyễn Văn Được (Trưởng Tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn không quân 927, được điều về tham gia giảngdạy từ đầu năm 1973).


Mặc dù điều kiện giảng dạy, học tập và ăn ở của cả giáo viên và học viên gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với thời gian đào tạo 18 tháng, nhiều nhất so với tất cả các khóa trước đây, nên chất lượng đào tạo được nâng lên rõ rệt. Các nội dung cơ bản như: tính nhẩm, ước lượng dẫn bay, các giai đoạn dẫn bay chiến đấu, công tác dẫn đường tại sở chỉ huy, chiến thuật dẫn đường (cách dẫn theo cách đánh)... luôn được coi trọng. Phương pháp học lý thuyết đến đâu, làm thực hành đến đấy, tiếp tục được giữ vững. Bên cạnh đó, học viên được tiếp thu tương đối nhiều các bài học và kinh nghiệm thực tiễn dẫn bay chiến đấu, đặc biệt là thực tiễn dẫn bay trên mặt trận trên không năm 1972.


Tháng 1 năm 1974, khóa đào tạo kết thúc. Đây là khóa đầu tiên, học viên dẫn đường sau khi tốt nghiệp, được nhận quân hàm sĩ quan. 4 sĩ quan được điều về tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn 921, 2 về 923, 5 về 925 và 5 về 927. Tại đơn vị, các trợ lý dẫn đường mới của khóa đào tạo này được lần lượt tham gia trực kèm, sau ít nhất sáu tháng mới được kiểm tra phê chuẩn vào trực chính thức. Nhiều sĩ quan dẫn đường của khóa này đã kịp thời đáp ứng nhiệm vụ tham gia giải phóng miền Nam năm 1975.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Tháng 10 năm 1973, Quân chủng tổ chức chiêu sinh 17 học viên (Nguyễn Đình An, Lê Xuân Bách, Lê Quốc Báo, Đoàn Văn Bình, Nguyễn Việt Cường, Phan Khắc Dần, Vi Bá Đệ, Lại Văn Khải, Vũ Ngọc Khanh, Trần Văn Tiêu, Khương Văn Mô, Trần Ngọc Quyền, Nguyễn Văn Sửu, Nguyễn Công Tản, Nguyễn Công Tản, Phạm Hoàng Thu và Đỗ Văn Tường) từ các đơn vị không quân và Trường Sĩ quan Phòng không để tiếp tục đào tạo dẫn đường sở chỉ huy cũng tại Thậm Thình. Nội dung đào tạo cơ bản giống khóa trước và được bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện hơn. Các môn học cơ sở bao gồm: máy bay, động cơ, vô tuyến điện, thiết bị điện, vũ khí hàng không; chiến thuật không quân, công tác tham mưu và huấn luyện không quân, công tác an toàn bay. Các môn học dẫn đường: dẫn đường trên không, ném bom, dẫn đường sở chỉ huy, ước lượng tính nhẩm, tác nghiệp dẫn bay.

Giáo viên dẫn đường gồm các đồng chí Bùi Quang Liên (Trưởng Tiểu ban Dẫn đường đầu tiên của Trung đoàn 921), Nguyễn Quang Sáng và sau này có thêm đồng chí Nguyễn Văn Đãi.

Thời gian đào tạo dự tính 18 tháng, nhưng do đầu năm 1975 cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam của quân và dân ta phát triển với tốc độ rất nhanh nên khóa học đã được rút ngắn; học viên tốt nghiệp được điều động gấp về các đơn vị nhận nhiệm vụ ngay. 2 sĩ quan được điều về Ban Dẫn đường Bộ Tư lệnh Không quân chiến đấu, 3 về tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn 921, 3 về 923, 2 về 925, 4 về 927, 2 về Trường Không quân (Khương Văn Mô, Trần Ngọc Quyền) và 1 về Lữ đoàn không quân 919 (Lại Văn Khải).

Được sự giúp đỡ của Liên Xô, tháng 9 năm 1973, 6 học viên sĩ quan dẫn đường đầu tiên (Lê Viết Diện, Trần Hồng Hà, Đỗ Cát Lâm, Nguyễn Quang Thản, Trần Đức Tụ và Tạ Văn Vượng) đã được Binh chủng cho đi đào tạo cán bộ dẫn đường tập trung tại Học viện Không quân Ga-ga-rin, nơi đào tạo cao nhất đội ngũ cán bộ chỉ huy không quân Liên xô. Sau đó một năm, tháng 9 năm 1974, lại có thêm 5 học viên dẫn đường (Nguyễn Đăng Điển, Đặng Văn Hảo, Nguyễn Kim Khuê, Lê Ngọc Toàn và Lê Đình Vạn) lên đường sang Học viện Không quân Ga-ga-rin.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Về thời gian đào tạo của hai khóa này, tuy có chênh lệch một năm (khoá đầu, 5 năm và khóa sau, 4 năm), nhưng về nội dung chương trình, không khác nhau nhiều lắm. Sau khi học tiếng Nga và được bổ sung thêm một số kiến thức cơ sở cần thiết, các học viên đều được trang bị những kiến thức mới, với một khối lượng lớn, vừa có chiều rộng vừa có chiều sâu, đặc biệt là về công tác dẫn đường không quân từ cấp trung đoàn, sư đoàn và cao hơn. Khó khăn lớn nhất đối với tất cả các học viên, là tiếp thu bất kỳ kiến thức nào cũng phải sử dụng tiếng Nga. Mặc dù trình độ đầu vào có khác nhau, nhưng sau khi tốt nghiệp, học viên đều có trình độ chuyên ngành dẫn đường không quân cấp chiến thuật-chiến dịch.

Hai khóa đào tạo trên đều về nước vào năm 1978. Các đồng chí Tạ Văn Vượng và Lê Ngọc Toàn được điều về Phòng Dẫn đường Quân chủng Không quân, Nguyễn Quang Thản về Phòng Khoa học quân sự Quân chủng, Đỗ Cát Lâm về Sư đoàn Không quân 370, Lê Viết Diện và Đặng Văn Hảo về Sư đoàn Không quân 372, Trần Đức Tụ về Trung đoàn 921, Nguyễn Đăng Điển về Trung đoàn 923, Trần Hồng Hà về Trung đoàn 925, Nguyễn Kim Khuê và Lê Đình Vạn về Trường Sĩ quan Không quân.

Việc tiếp thu và vận dụng những kiến thức, do Học viện Không quân Ga-ga-rin trang bị, vào thực tiễn công tác tại các cơ quan và đơn vị trong Quân chủng Không quân đã góp phần quan trọng cho ngành Dẫn đường tổ chức thực hiện các nhiệm vụ dẫn đường ở các đơn vị chiến đấu và đào tạo đội ngũ sĩ quan dẫn đường ở các nhà trường, học viện trong giai đoạn tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn.

Năm 1974, căn cứ vào những nội dung tổng kết chiến tranh của Quân chủng, đã được tổ chức từ tháng 5 năm 1973 và thực tiễn hoạt động của toàn ngành trong chiến đấu Ban Dẫn đường đã tổ chức chuẩn bị chu đáo, tiến hành tập huấn với hai nội dung là tổng kết công tác dẫn đường chiến đấu và thống nhất số liệu dẫn bay các loại MiG-17, 19 và 21.

Qua tập huấn, mọi người đều nắm vững các cách dẫn từng loại máy bay của ta đánh địch đạt hiệu quả chiến đấu cao và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, trở ngại khi dẫn đánh địch không thành công trong hai cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc.

Kết quả của đợt tập huấn đã trực tiếp thúc đẩy nhiều mặt công tác trong toàn ngành. Những tài liệu tổng kết được biên soạn rất công phu, có giá trị sử dụng cao, giúp cho đội ngũ dẫn đường mới nhanh chóng tiếp cận với thực tế chiến đấu và rất bổ ích cho công tác nghiên cứu khoa học.


*

* *
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Ngày 1 tháng 12 năm 1971, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trung đoàn không quân 927, được trang bị máy bay MiG-21 và sử
dụng sân bay Thọ Xuân làm căn cứ đóng quân. Sau một thời gian chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, ngày 3 tháng 2 năm 1972, tại căn cứ Nội Bài, trung đoàn đã chính thức làm lễ ra mắt. Tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn không quân 927 được thành lập từ đó. Đồng chí Vũ Đức Bình giữ chức Trưởng Tiểu ban. Đội ngũ dẫn đường của tiểu ban đều từ Trung đoàn 92 1 và Trung đoàn 923 chuyển sang (Nguyễn Đăng Điển, Nguyễn Văn Được, Hoàng Đức Hạnh, Nguyễn Đức Hợp, Lê Thiết Hùng, Bùi Ngọc Huấn, Nguyễn Ngọc Hữu, Lưu Văn Lộc, Tống Bá Nhưỡng, Đào Văn Thành, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đức Trinh, Lương Văn Vóc...). Đó là điều kiện rất thuận lợi để tiểu ban có thể bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ do trung đoàn giao cho.

Nhưng ngay từ đầu, tiểu ban đã phải đối mặt với kết quả dẫn hai trận ra quân của trung đoàn vào tháng 4 và 5 năm 1972 không thành công, thậm chí còn bị tổn thất về máy bay. Được sự hỗ trợ kịp thời của Ban Dẫn đường Binh chủng và quyết tâm vươn lên của chính mình, sau trận đánh thắng đầu tiên của đơn vị vào ngày 10 tháng 5 năm 1972, tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn không quân 927 đã thực hiện dẫn nhiều trận tiếp theo đạt hiệu suất chiến đấu cao, đặc biệt là vào những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 9 và đầu tháng 10 năm 1972, còn đạt hiệu suất chiến đấu rất cao. Công sức của tiểu ban đã góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao vị thế của MiG-21 trên mặt trận trên không vô cùng quyết liệt trong năm 1972.

Ngày 10 tháng 11 năm 1973, Bộ Quốc phòng quyết định sáp nhập cơ quan Cục Hàng không dân dụng và Trung đoàn không quân vận tải 919 thành Lữ đoàn 919, trực thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, sử dụng 2 sân bay Gia Lâm và Hòa Lạc, trong đó căn cứ đóng quân chính là Gia Lâm. Trong cơ cấu tổ chức của lữ đoàn có Ban Dẫn đường và đồng chí Nguyễn Văn Kính được bổ nhiệm làm Trưởng ban. Ban Dẫn đường Lữ đoàn chịu trách nhiệm tổ chức và thực hiện mọi nhiệm vụ dẫn đường trên không đối với tất cả các loại máy bay vận tải và trực thăng của Quân chủng; trực tiếp điều hành hoạt động của hệ thống chủ nhiệm dẫn đường trong lử đoàn.

Đầu năm 1974, Lữ đoàn 919 cử đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Xuân Trường chỉ huy, trong đó có đồng chí Vũ Quý Lự, dẫn đường trên không là một thành viên, vào Lộc Ninh tổ chức vận chuyển 1 chiếc trực thăng UH-1 (Phi công Hồ Duy Hùng lấy từ Đà Lạt bay ra vùng giải phóng ở Lộc Ninh vào ngày 17 tháng 11 nám 1973) bằng ô tô ra Bắc. Sau đó, Ban Dẫn đường Lữ đoàn cùng với đồng chí Lự chủ động tiến hành nghiên cứu cách dẫn bay UH-1. Ngày 9 tháng 5 năm 1974, ta tổ chức bay thử thành công UH-1 tại Hòa Lạc. Đến đầu năm 1975, cách dẫn bay UH-1 đã kịp thời phục vụ cho hai lái chính Nguyễn Xuân Trường và Nguyễn Đình Khoa bay đơn.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Trong năm 1974 , Ban Dẫn đường lữ đoàn tập trung chỉ đạo công tác dẫn bay chuyên cơ, chuyển loại IaK-40 cho các đơn vị và nghiêm khắc tổ chức kiểm điểm sau vụ tai nạn rất nghiêm trọng của An-24, xảy ra vào ngày 81 tháng 3 năm 1974, tại Nội Bài.

Cũng vào thời gian này, Binh chủng Không quân, được gọi là Bộ Tư lệnh Không quán chiến đấu, chỉ huy và quản lý toàn bộ lực lượng không quân tiêm kích và các máy bay huấn luyện khác của Quân chủng. Cơ quan Bộ Tư lệnh chuyển từ Gia Lâm lên Nội Bài. Ban Dẫn đường Binh chủng Không quân trở thành Ban Dẫn đường thuộc Bộ Tư lệnh Không quân chiến đấu và tập trung giải quyết nhiệm vụ dẫn đường cho các trung đoàn 921, 923, 925, 927 và Trường Không quân (Trung đoàn 910) . Đồng chí Lê Liên tiếp tục giữ chức Trưởng ban cho đến tháng 1 năm 1974 và sau đó, đồng chí Nguyễn Văn Chuyên được bổ nhiệm làm Trưởng ban. Trong Ban Dẫn đường, ngoài các trợ lý là dẫn đường sở chỉ huy, còn có đồng chí Hoàng Cần là dẫn đường trên không.

Từ kết quả thu thập, giữ gìn các bản can và tài liệu dẫn đường các trận đánh của không quân ta trong nhiều năm, theo định hướng tổng kết chiến tranh của Quân chủng, Ban Dẫn đường Bộ Tư lệnh Không quân chiến đấu đã tổ chức thống kê số liệu, vẽ sơ đồ và viết tài liệu tổng kết từng trận đánh, tổng hợp các phương án dẫn đường... tạo ra những sản phẩm rất có giá trị cho toàn ngành, như: Dẫn đường thống kê các trận đánh của Không quân (quyển L) do trợ lý dẫn đường Nguyễn Đình Anh trực tiếp chắp bút, tài liệu tổng kết công tác dẫn đường trong từng trận đánh do nhiều trợ lý dẫn đường tham gia viết như Lê Thành Chơn, Lưu Văn Cộng..., vẽ lại một số bản can đã bị cũ nát, khôi phục nhiều sơ đồ các trận đánh, tổng hợp lại các phương án dẫn đường chiến đấu (phương án tác chiến, quyển K-19)...

Trải qua hai cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, ngành Dẫn đường Không quân đã có những bước trưởng thành vượt bậc. Công tác dẫn đường trong thực hiện các nhiệm vụ bay chiến đấu, phục vụ chiến đấu và các nhiệm vụ bay khác được giao ngày càng đạt hiệu quả cao. Công tác đào tạo đội ngũ dẫn đường, nhất là đào tạo ở trong nước, đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng; công tác huấn luyện dẫn đường tại chức đã bám sát thực tiễn chiến đấu, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển của các đơn vị bay trong Quân chủng. Hệ thống tổ chức của ngành không ngừng được kiện toàn, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức trong ngành thường xuyên được hoàn thiện và quân số của toàn ngành luôn được bổ sung đúng hướng. Đến cuối năm 1974, ngành Dẫn đường đã có đủ khả năng bảo đảm cho các nhiệm vụ bay của Quân chủng trên tất cả các khu vực của miền Bắc, kể cả phía nam Khu 4 và sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu cao hơn trong các nhiệm vụ to lớn hơn của năm 1975.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Chương III

NGÀNH DẪN ĐƯỜNG TRONG TỔNG TIẾN CÔNG MÙA XUÂN NĂM 1975, CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM, BẢO VỆ TỔ QUỐC TRÊN HƯỚNG BẮC VÀ TRONG GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG, NÂNG CAO SỨC MẠNH CHIẾN ĐẤU
CỦA QUÂN CHỦNG KHÔNG QUÂN
(1975 - 1989)

I. NGÀNH DẪN ĐƯỜNG TRONG TỔNG TIẾN CÔNG MÙA XUÂN NĂM 1975 VÀ BẢO VỆ MIỀN NAM SAU GIẢI CHÓNG

1. Công tác dẫn đường trong thực hiện các nhiệm vụ bay.


Từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 8 tháng 10 năm 1974 và từ ngày 18 tháng 12 năm 1974 đến ngày 8 tháng 1 năm 1975, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương **** đã họp và xác định nhiệm vụ của cả nước trong lúc này là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn ****, toàn quân, toàn dân ở cả 2 miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Hội nghị quyết định giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, đồng thời nhấn mạnh, phải nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng Dân tộc Dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới tổng tiến công và nổi dậy, thắng địch tại sào huyệt quan trọng nhất của chúng là Sài Gòn.

Ngay sau Hội nghị Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã họp triển khai kế hoạch tác chiến chiến lược 1975-1976. Trên cơ sở phân tích kỹ mọi yếu tố, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Buôn Ma Thuột là trận mở đầu cho chiến dịch Tây Nguyên và kế hoạch giải phóng miền Nam.

Tháng 2 năm 1975, Bộ Tổng Tham mưu ra lệnh cho các đơn vị chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, mọi hoạt động chuyển vào thời chiến, bảo vệ vững chắc miền Bắc và làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng", Quân chủng Phòng không - Không quân khẩn trương củng cố lực lượng trên toàn tuyến Thanh Hóa - Quảng Bình. Riêng hệ thống các sân bay và sở chỉ huy từ Thọ Xuân, Vinh đến Đồng Hới được Bộ Tư lệnh Không quân chiến đấu ưu tiên đẩy nhanh tốc độ triển khai và duy trì hoạt động ngay. Sân bay Đồng Hới được chọn làm sân bay trọng điểm.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, ngày 4 tháng 3 năm 1975, quân và dân ta nổ súng tiến công địch ở chiến trường Nam Tây Nguyên, mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn ta đã chiếm thị xã Buôn Ma Thuột và giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên.

Ngày 25 tháng 3 năm 1975, bộ đội ta giải phóng Huế. Ngay ngày hôm sau, tổ bay Mi-8 thứ nhất có lái chính Nguyễn Như Chứng, dẫn đường trên không Vũ Mạnh... rời Đồng Hớt, vào hạ cánh tại Phú Bài với nhiệm vụ chở các đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri và các sĩ quan tuỳ tùng. Tổ bay thứ hai gồm lái chính Bùi Huy Huyên, dẫn đường trên không Công Doãn Đương... chở lực lượng rút gọn của sở chỉ huy tiền phương do đồng chí Phó Tư lệnh Không quân chiến đấu Nguyễn Hồng Nhị phụ trách và một tốp sĩ quan tác chiến, dẫn đường (Đặng Dũng, Phạm Văn Hùng, Nguyễn Văn Hưng và Lương Văn Vóc), cùng tổ đài 5 người vào tiếp quản sân bay Phú Bài và trạm ra-đa dẫn đường cho không quân ở Thuận An.


15 giờ ngày 29 tháng 3 năm 1975, ta giải phóng thành phố Đà Nẵng, chiến dịch Huế-Đà Nẵng toàn thắng. Ngay lập tức từ sân bay Phú Bài, tổ bay Mi-8: Lái chính Nguyễn Như Chứng, dẫn đường trên không Trần Văn Khiết cất cánh kịp thời, chở đoàn cán bộ không quân, hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng. Tiếp đó, các tổ bay Il-14 và An-24 đã được đội ngũ dẫn đường trên không dẫn bay chính xác hoàn thành nhiệm vụ chở lực lượng không quân vào tiếp quản sân bay Đà Nẵng và trạm ra-đa dẫn đường trên bán đảo Sơn Trà.

Trước xu thế phát triển của tình hình miền Nam sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế- Đà Nẵng, ngày 31 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương **** họp và đánh giá: Về chiến lược, lực lượng quân sự và chính trị của ta đã có sức mạnh áp đảo địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không thể cứu vãn được tình thế của nguy. Hiện nay ta có đầy đủ lực lượng và khả năng để giành thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều. Với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 năm 1975, không thể để chậm.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Hòa cùng khí thế bừng bừng ra trận của cả nước, Lữ đoàn 919 kịp thời tổ chức một đợt hoạt động tập trung mang tầm cỡ chiến dịch vận chuyển, đổ bộ đường không đưa bộ đội ta tiếp tục tiến quân thần tốc vào chiến trường miền Nam. Trong khoảng gần 25 ngày của tháng 4 năm 1975, đội ngũ dẫn đường trên không trong các tổ bay của lữ đoàn đã thực hiện dẫn 163 chuyến bay vận chuyển, đổ bộ 4.250 cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn 1; 120,7 tấn vũ khí, phương tiện kỹ thuật trong đó có 48 tấn đạn pháo cho xe tăng và bản đồ, kịp thời đáp ứng nhu cầu tác chiến thần tốc của bộ đội binh chủng hợp thành.

Ngày 19 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị lực lượng không quân chiến đấu tham gia chiến dịch. Căn cứ vào ý định của Quân chủng là sử dụng máy bay thu được của địch để đánh địch, Bộ Tư lệnh Không quân chiến đấu gấp rút triển khai ngay kế hoạch thực hiện.

Lực lượng rút gọn của Trung đoàn không quân 923, trong đó có một số phi công bay giỏi của Đại đội 4, gồm: Từ Đễ, Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng, Trần Cao Thăng và Hoàng Mai Vượng, được trên quyết định đưa vào làm nhiệm vụ. Ngày 22 tháng 4 năm 1975, tất cả có mặt đầy đủ tại Đà Nẵng và bắt tay ngay vào huấn luyện chuyển loại lý thuyết máy bay cường kích A-37. Chỉ trong 3 ngày từ 23 đến 26 tháng 4 năm 1975, với bản lĩnh và trình độ của mình, đồng thời được sự giúp đỡ trực tiếp của các phi công đã sử dụng thành thạo A-37 trước đây là Trần Văn On và Nguyễn Thành Trung, các phi công MIG-17 đã thực hành bay huấn luyện chuyển loại A-37 thành công tại sân bay Đà Nẵng. Trưa 27 tháng 4 năm 1975, Quân chủng điều toàn bộ lực lượng làm nhiệm vụ từ Đà Nẵng vào Phù Cát, 2 phi công Nguyễn Thành Trung và Hoàng Mai Vượng chuyển A-37 vào theo. Buổi chiều, ta tiếp nhận thêm 4 chiếc A-37 đã được chuẩn bị tốt và bay huấn luyện bổ sung. Ngay tối hôm đó, các cán bộ chỉ huy, tham mưu và phi công đã cùng nhau thảo luận phương án tác chiến. Phi đội Quyết thắng được thành lập. Phi công Nguyễn Văn Lục chỉ huy phi đội.

Trong suốt quá trình chuẩn bị chiến đấu, được sự chỉ đạo sát sao của Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri và Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Trần Mạnh, Bộ Tư lệnh Không quân chiến đấu gồm các đồng chí Trần Hanh, Nguyễn Hồng Nhị và cơ quan, trong đó có trợ lý dẫn đường Binh chủng Lê Thành Chơn, đã hoàn thành quyết tâm và kế hoạch cho đòn tiến công tập kích đường không lịch sử này. Những vấn đề mấu chốt đều được quyết định rất rõ ràng và cụ thể Mục tiêu đánh là khu đậu máy bay chiến đấu tại sân bay Tân Sơn Nhất. Các phi công trực tiếp bay được bố trí theo đội hình chiến thuật 5 chiếc: Nguyền Thành Trung-số 1, Từ Đễ-số 2, Nguyễn Văn Lục-số 3, Hoàng Mai Vượng, Trần Văn On (trên một máy bay)-số 4 và Hán Văn Quảng-số 5.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Phương án mang vũ khí và dầu phụ: Mỗi A-37 mang 2 quả bom MK-82, mỗi quả nặng 500 bảng Anh và 2 quả MK-81 mỗi quả nặng 250 bảng Anh, một cơ số đạn súng máy và 4 thùng dầu phụ. Phương pháp công kích và thoát ly: Lần lượt từng chiếc vào bổ nhào ném bom và bắn súng, sau đó bám theo nhau thoát ly khỏi khu chiến về căn cứ. Đường bay: Thành Sơn (Phan Rang) - Phan Thiết - Hàm Tân - Sài Gòn - Thành Sơn. Phi công tiến hành dẫn bay bằng địa tiêu là chính, dẫn đường từ mặt đất đảm nhiệm theo dõi và dẫn hỗ trợ. Sở chỉ huy Thành Sơn chỉ huy toàn bộ trận đánh, phi công Nguyễn Văn Lục chịu trách nhiệm chỉ huy trên không, phi công Nguyễn Thành Trung thành thạo địa hình bay trước dẫn đường.

Để giữ bí mật, bất ngờ, ta xuất kích vào lúc gần chiều tối, lợi dụng đường bay của địch thường hay sử dụng, bay ở độ cao thấp và không sử dụng đối không. Khi phát hiện có hỏa lực phòng không của địch phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp cơ động để vượt qua. Nếu tiêm kích địch bám đuổi thì máy bay ở phía sau chủ động ngăn chặn để các máy bay bay phía trước tiếp tục thực hiện bằng được nhiệm vụ. Sáng 28 tháng 4 năm 1975, phi đội cơ động chuyển sân từ Phù Cát vào sân bay Thành Sơn làm công tác chuẩn bị chiến đấu trực tiếp. 14 giờ 30 phút, Tư lệnh Quân chủng giao nhiệm vụ và động viên phi đội. Đồng chí nói: "Thay mặt Thường vụ **** ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng tôi giao nhiệm vụ chiến đấu cho các đồng chí, chúc các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ. Tổ quốc, nhân dân chờ đón chiến công các đồng chí".

16 giờ 17 phút, phi đội cất cánh từ Thành Sơn, số 1 dẫn bay chính xác, cả 5 chiếc A-37 của ta, do Mỹ chế tạo, đã ném 20 quả bom, cũng do Mỹ sản xuất, xuống sân bay Tân Sơn Nhất, trúng mục tiêu, phá huỷ 24 chiếc máy bay của địch. Đến 18 giờ 15 phút, cả phi đội hạ cánh an toàn xuống Thành Sơn. Phi đội Quyết Thắng của Không quân nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc đòn tiến công tập kích đường không, bằng hành động "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" đã lập nên chiến công "chỉ có một ngày, chỉ có một lần" trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đánh giá về trận đánh này, Đại tướng Văn Tiến Dũng Tổng tham mưu trưởng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Là một trận phối hợp tuyệt đẹp, một trận đánh hiệp đồng quân chủng, binh chủng đầy đủ nhất từ trước tới nay của quân đội ta vào thời điểm hết sức quan trọng, có tác động lớn đến diễn biến chiến dịch, đẩy địch đến một cơn hoảng loạn mới" (Đại tướng Văn Tiến Dũng: Cuộc kháng chiến Chống Mỹ, cứu nước toàn thắng. Nxb Sự thật; H.1991, tr. 248).

18 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Không quân chiến đấu do đồng chí Nguyễn Hồng Nhị làm Đoàn trưởng, trong đoàn có sĩ quan dẫn đường Lê Thành Chân đã nhanh chóng có mặt tại sân bay Biên Hòa, lập sở chỉ huy và tiếp quản sân bay.
 
Chỉnh sửa cuối:

Estonque

Xe điện
Biển số
OF-27090
Ngày cấp bằng
7/1/09
Số km
3,123
Động cơ
517,108 Mã lực
Nơi ở
Nhà BVC
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Từ giờ phút này, non sông gấm vóc Việt Nam thu về một mối. Lữ đoàn không quân 919 liên tục chở các đoàn cán bộ vào tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày 1 tháng 5 năm 1975, tổ bay Mi-6: lái chính Lê Đình Ký - lái phụ Ngô Trọng Hạ - dẫn đường trên không Lưu Văn Truyền - cơ giới trên không Nghiêm Phú Cừ cất cánh từ Phan Rang, chở hàng vạn lá quốc kỳ, hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất. Ngày 2 tháng 5, tổ bay II- 14: lái chính Vũ Đức Sầm - lái phụ Vương Văn Cao - dẫn đường trên không Lê Văn Tính - Nguyễn Bình Sen chở 1,5 tấn pháo hoa từ Gia Lâm vào Tân Sơn Nhất.

Đây là những chuyến bay đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam được dẫn bay chính xác vào hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đánh dấu thời khắc lịch sử suốt 30 năm ròng chờ đợi.


Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân giao cho Bộ Tư lệnh Không quân chiến đấu tiếp quản các cơ sở và quản lý các loại máy bay, trực thăng, vũ khí, trang bị thuộc "Không lực Việt Nam Cộng hòa" trước đây, còn Lữ đoàn 919 tiếp quản các cơ sở thuộc "nha Hàng không Việt Nam" cũ và quản lý các loại máy bay vận tải quân sự, trực thăng ở khu vực Tân Sơn Nhất. Chấp hành mệnh lệnh của Quân chủng và được sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Tư lệnh Không quân chiến đấu Nguyễn Hồng Nhị, ngày 11 tháng 5 năm 1975, Trung đoàn không quân 927 cử một đoàn công tác vào khảo sát hai sân bay Biên Hòa và Tân Sơn Nhất để chuẩn bị tiếp thu máy bay MiG-21 từ miền Bắc vào. Đoàn do đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa, Phi đội trưởng Phi đội 3 làm Đoàn trưởng, trong đó có các phi công: Đinh Văn Bồng, Trần Thông Hào, Lê Văn Kiền, Nguyễn Thanh Quí, Hán Vĩnh Tưởng và trợ lý dẫn đường trung đoàn Hoàng Đức Hạnh tham gia. Khảo sát xong, đoàn ra ngay miền Bắc bằng máy bay II- 18. Ngay trong đêm 12, Phi đội 3 được giao nhiệm vụ chuyển 13 chiếc MiG-21 từ Kép vào Biên Hòa.

Đây là lần đầu tiên một phi đội MiG-21 thực hiện chuyển sân từ miền Bắc vào miền Nam với cự ly bay dài gần hết chiều dài đất nước. Máy bay tiêm kích MiG-21 có bán kính hoạt động ngắn, phải hạ cánh giữa đường để nạp dầu và bay trên địa hình hầu như hoàn toàn mới đối với phi công. Vì trước đó, Phi đội trưởng Nguyễn Văn Nghĩa bay vào phía nam sâu nhất cũng chỉ tới Hà Tĩnh. Công tác chuẩn bị dẫn đường cho nhiệm vụ chuyển sân được thực hiện rất khẩn trương, nhưng chặt chẽ, tỉ mỉ và chu đáo. Đường bay chuyển sân chủ yếu được chọn dọc theo bờ biển nhằm tạo thuận lợi cho phi công dẫn bay theo các số liệu dẫn đường đã được tính toán trước kết hợp chặt chẽ với các địa tiêu dễ nhận biết.

 
Chỉnh sửa cuối:
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top