Theo luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao), hồ sơ thể hiện giám định viên (thuộc Bộ Công an) đã trích xuất “hộp đen”: “Trong thời điểm lúc 15 giờ 38 phút 59 giây tốc độ được ghi ở trong bộ nhớ giám sát hành trình xe container là 62 km/giờ, thời điểm giây tiếp theo giám sát hành trình ghi tốc độ là 0”.
Như vậy, chỉ trong một giây mà xe container chở gần 27 tấn thép có thể từ 62 km/giờ xuống còn 0 km/giờ là không phù hợp với nguyên lý hoạt động của xe này. Với tốc độ này, nếu thắng gấp sẽ gây ra tai nạn cho xe phía sau và nếu cộng với tốc độ lùi 20 km/giờ của xe Innova thì không thể né kịp. Vì vậy, cấp giám đốc thẩm cần hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để làm rõ.
Quá trình điều tra lại vụ án CQĐT cần cho thực nghiệm điều tra để làm rõ bốn vấn đề. Thứ nhất, xe container đang chạy với tốc độ 62 km/giờ thì có thể trở về vận tốc 0 km/giờ ngay tức khắc được không. Thứ hai, cần xác định vị trí đụng ban đầu của hai xe. Thứ ba, phải xác định từ vết thắng xe của Hoàng đến vị trí đụng ban đầu là bao nhiêu mét để xác định Hoàng có thắng xe trước khi va chạm hay không. Thứ tư, xác định từ vị trí va chạm ban đầu đến vị trí xe nằm lại cuối cùng là bao nhiêu mét.
Ngoài ra, bản kết luận điều tra và bản án sơ thẩm có mâu thuẫn nhau một vấn đề quan trọng. CQĐT xác định khi hai xe va chạm, xe container đẩy xe Innova đi xa thêm 10 m mới dừng lại. Trong khi bản án thì nhận định tài xế Hoàng thấy xe Innova lùi cách đó 70 m nhưng không thắng xe mà để gần 10 m mới thắng, rồi đẩy hai xe đi xa thêm 30 m (nghĩa là theo bản án thì khoảng cách thắng xe bị rút ngắn lại). Do vậy, cần thiết phải làm rõ tài xế Hoàng đã thắng xe trước đó bao nhiêu mét để xác định có phải là sự kiện bất ngờ, có cách xử lý khác hay không để làm cơ sở xét miễn trách nhiệm hình sự theo luật.
Ông Nguyễn Văn Phước (nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa) cũng cho rằng tòa phúc thẩm kết tội bị cáo Hoàng là chưa đủ căn cứ. Tòa lập luận: “Bị cáo Hoàng đã vi phạm khoảng cách an toàn giữa hai xe. Căn cứ biên bản và sơ đồ hiện trường cùng lời khai những người liên quan cho thấy Hoàng đã quá tự tin chuyển được xe sang làn khác để tránh va chạm với xe Innova. Khi đã đến quá gần, Hoàng mới phanh “chết” dẫn tới đâm vào xe Innova khiến bốn người tử vong...”.
Theo ông Phước, lập luận này trái với Điều 10 BLHS 1999 (Điều 11 BLHS 2015) quy định lỗi vô ý phạm tội: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Tài xế xe Innova cho xe chạy lùi trên cao tốc thì hoàn toàn nhận thức được hành vi này là trái pháp luật và đặc biệt nguy hiểm nhưng vẫn thực hiện. Trong khi đó xe của Hoàng đang đi với tốc độ gần bằng tốc độ tối thiểu mà đường cao tốc cho phép thì đây được xem là một sự kiện bất ngờ đối với Hoàng. Bởi bị cáo Hoàng không thể nào cho xe chạy lùi để giữ khoảng cách an toàn và né tránh xe Innova được.
“Theo Điều 12 Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT, Hoàng chạy với tốc độ khoảng 60 km/giờ thì khoảng cách tối thiểu giữa hai xe chỉ là 35 m. Thế nhưng tòa lại chưa xác định được tốc độ di chuyển ngược lại của xe Innova về hướng xe container là bao nhiêu và nếu xe Innova đứng yên thì có khả năng gây ra tai nạn không. Tòa chưa làm rõ những vấn đề trên mà tòa đã kết tội bị cáo Hoàng là chưa thỏa đáng” - ông Phước nói.