Vâng, ý của em là bầu phiếu phổ thông toàn dân là tốt và dân chủ nhất (nhấn mạnh vào chữ nhất). Em không nói các biện pháp khác hoàn toàn không tốt hay không dân chủ, nhưng mức độ dân chủ khác nhau - vì vậy nên mới có sự khác biệt giữa khái niệm hoàn toàn dân chủ / dân chủ thật ("true democracy") và dân chủ cộng hòa ("democratic republic" - là sự pha trộn giữa dân chủ và cộng hòa). Còn dân chủ có tốt hay không thì như em nói, tùy thuộc vào ý kiến cá nhân, không ai có thể phán xét rằng hệ thống của nước X, nước Y, nước Z là tối ưu như một sự thật được. Hệ thống nào cũng có ưu và khuyết điểm cả.
Cụ không thể đánh giá cách bầu cử của một nước chỉ dựa trên tiềm năng kinh tế và quân sự được, vì điều này phụ thuộc rất nhiều yếu tố chứ không chỉ yếu tố bầu cử. Và nếu cụ đánh giá như vậy, thì em xin nhắc rằng theo các nhà chuyên gia, chỉ 10-20 năm nữa TQ sẽ vượt Mỹ (dính vụ covid thì chắc phải + thêm vài (chục?) năm). Liệu lỡ điều ấy xảy ra, đến lúc ấy cụ có nói rằng "Ồ, cách các bạn TQ bầu cử thật là tối ưu" không? Em hi vọng là không vì theo em, nền chính trị của TQ có nhiều điểm rất đáng chỉ trích. Mà chẳng cần nói đâu xa 10-20 năm, giờ nếu theo logic của cụ là nước có tiềm năng kinh tế và quân sự mạnh thì bầu cử tốt hơn, TQ kinh tế đứng thứ 2 và quân sự đứng thứ 3, vậy chẳng lẽ... hệ thống bầu cử của TQ đứng thứ 2 hoặc 3 trên thế giới?
Bài viết của cụ em không biết nguồn chính từ đâu hay tác giả tự viết, nhưng, trích bài, "nhiều người Mỹ cho rằng hệ thống cử tri đoàn phản ánh bản chất liên bang của Hoa Kỳ và phản đối mọi nỗ lực nhằm xóa bỏ hệ thống này, bởi họ coi việc xóa bỏ phiếu đại cử tri giống như là một hành vi tấn công chế độ liên bang và làm tổn thương quyền lực hiến định của các bang" là không hoàn toàn đúng sự thật (hoặc em hiểu nhầm khái niệm "nhiều" của bạn ấy). Theo các đợt thăm dò ý kiến, số người muốn thay đổi hoặc loại bỏ hoàn toàn hệ thống đại cử tri luôn chiếm đa số. Ví dụ như năm 2007, trong cuộc trưng cầu ý kiến của ĐH Harvard và tổ chức Kaiser Family (MoE 3%) 72% người được thăm dò ủng hộ thay đổi hệ thống đại cử tri bằng bỏ phiếu trực tiếp (78% Ds, 60% Rs, và 73% independent). Năm 2016, Gallup thống kê rằng 49% người được thăm dò ủng hộ thay đổi hệ thống đại cử tri, và 46% phản đối. Năm 2018, 58% người được thăm dò ủng hộ, và 41% phản đối. Năm 2019, WSJ trưng cầu dân ý được 50% người được thăm dò ủng hộ thay đổi hệ thống đại cử tri, và 34% phản đối. Vì vậy em không hiểu bài viết ấy lấy số liệu tại đâu, hay người viết tự nhận xét theo cảm tính của mình.
Tuy nhiên, phải công nhận một điều rằng việc thay đổi hệ thống đại cử tri tại Mỹ là vô cùng khó, nếu không muốn nói là không thực tế. Điều này không liên quan gì đến yếu tố cử tri hay đất nước cả, mà đơn giản là yếu tố chính trị thôi. Muốn thay đổi hiến pháp Mỹ cần đại đa số (2/3) của Quốc Hội (thượng và hạ viện) ủng hộ, VÀ 3/4 các bang ủng hộ. Điều ấy có nghĩa là sẽ phải có một số nghị sĩ và bang "phản bội" đảng của mình (do chỉ dựa vào các bang red hoặc blue và thêm swing state thì không đủ) - đây là điều gần như không thể. Thế nên hệ thống đại cử tri của Mỹ đã, đang, và chắc là sẽ còn tồn tại trong thời gian dài nữa. Vì vậy nên em mới nói từ đầu là em không muốn tranh luận vấn đề này, do tốt xấu hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến và ưu tiên của các cá nhân, và hệ thống này sẽ không thay đổi nên chỉ trích hay ủng hộ đến mức nào thì cũng vô nghĩa (ngoại trừ tác dụng về mặt nghiên cứu tìm hiểu).