-Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo biểu giá bán lẻ điện sửa đổi của Chính phủ, trong đó có đưa ra nhiều phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, cũng như khẳng định đảm bảo quyền lợi cho người nghèo, người sử dụng điện. Ông đánh giá thế nào về những phương án trên?
-Tôi khá bất ngờ về các con số của các phương án được đưa ra vì nó phá vỡ nguyên tắc cải tiến nhưng không được làm tăng giá điện bình quân hiện hành.
-Giá điện sinh hoạt bình quân hiện hành là 2.018 đồng/kWh (bằng 108% của giá bán lẻ điện bình quân của 4 biểu giá là 1.864,44 đồng/kWh), nhưng 3 biểu giá điện của Dự thảo lần lượt: Phương án 1: 2.058 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ bình quân 10,4%.
Phương án 2A: 2.186,54 đồng/kWh cao hơn giá bán lẻ bình quân 17,27%.
Phương án 2B: 2.078 đồng/kWh, cao hơn 11,46%.
Phải chăng đây là chủ trương tăng giá. Vì vậy, quan điểm cá nhân của tôi là không đồng tình với các phương án tính giá điện trên của Bộ Công Thương.
Liên quan tới phương án điện một giá mà Bộ Công Thương vừa đưa ra, nhiều ý kiến băn khoăn với đề xuất cách tính điện một giá bằng 145% hoặc 155% giá bán lẻ điện bình quân. Theo ông, cách tính cũng như mức giá trên có hợp lý?
- Đối với phương án một giá bằng 145% (2A) và 155% (2B) thì nói thẳng là quá cao, cao hơn nhiều giá bình quân hiện hành và giá bình quân của các phương án dự kiến tính từ biểu giá với tỷ trọng tiêu dùng điện (giá bình quân hiện hành: 2.018 đồng/kWh, giá bình quân của 3 phương án dự kiến lần lượt là 2.058 đồng/kWh; 2.186,54 đồng/kWh và 2.078,19 đồng/kWh; trong khi phương án một giá là 2.703 đồng/kWh và 2.889 đồng/kWh).
Do đó, Bộ Công Thương cần giải thích rõ ràng và minh bạch cách tính ra con số trên.