[Funland] Hồi ký (Phóng tác) về đường ống xăng dầu Trường Sơn.

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Buổi chiều, Những người hàng xóm nghe anh về, kéo nhau sang thăm hỏi. Ngọc đã lớn lên từ cái khu tập thể nhỏ này mười năm. Khu tập thể chỉ gần hai chục gia đình. Nhà nào cũng chật chội. Các gia đình nấu ăn trong một gian bếp lớn, mỗi gia đình có vài mét vuông cho riêng mình. Nhà nào có điều kiện thì đun than, kém hơn thì đun bằng mùn cưa, bằng trấu. Có nhà khó khăn phải đi vơ lá khô về làm chất đốt. Chung bếp như vậy, họ giống như một gia đình lớn, nhưng cũng vô vàn bất tiện khi mà mức sống của các gia đình khác nhau. Cũng may, hầu hết các chủ hộ ở đây đều là cán bộ trung cấp ở cơ quan Trung ương, thời chiến và chế độ cung cấp này, mức sống của họ chẳng chênh nhau bao nhiêu. Những đứa trẻ cứ theo nhau lớn, mỗi người một số phận. Sau anh, một vài đứa cũng đã vào bộ đội. Cô hàng xóm nhìn vào cửa sổ, thấy đông người, giơ tay vẫy vẫy, rồi đi lướt qua, cất tiếng hát trong vắt: Đêm đêm anh địa chất mơ màng gửi trong tiếng sáo tình yêu xóm làng. Đó là bài cô thường hát cho Ngọc nghe ba năm trước. Ngọc hiểu tiếng hát ấy thay cho lời chào. Anh nhận ra cô bé đã thành một cô gái chững chạc chứ không còn là cô nữ sinh lớp mười nhút nhát năm xưa.

Tối hôm ấy, cả nhà về đông đủ. Lâu lắm mới có một bữa cơm vui như thế. Chị cả của Ngọc là trung úy bác sỹ của một quân y viện đóng ở Hà Nội cũng kịp về. Bố hỏi về công việc, về tình hình địch đánh phá trên tuyến Trường Sơn. Mẹ thì cứ: con ăn uống thế nào, nghe nói ngủ hầm hay sốt rét lắm phải không. Còn mấy thằng em thì cứ tròn xoe mắt nghe anh kể về chiến dịch đường 9- Nam Lào. Máy bay trực thăng bay rợp trời và cũng rụng như sung. Còn quân Ngụy thì tan đàn xẻ nghé. Mạnh ai nấy chạy thục mạng. Bố nói bố có hỏi thăm mấy người quen bên bộ đội, nghe họ bảo con chịu khó, xông xáo, không sợ gian khổ, bố cũng yên tâm. Còn chị thì kể rằng một hôm tình cờ chị nghe được câu chuyện của bác sỹ với một thương binh vừa từ Trường Sơn ra. Họ chỉ cách phòng khám của chị một bức bình phong bằng vải nên nghe rõ mồn một. Viên bác sỹ giới thiệu: cô trung úy bác sỹ đang khám ở phòng bên là con ông Khang. Có phải ông Khang là thủ trưởng cơ quan X của trung ương? Đúng đấy. Vậy tôi nói anh nghe chuyện này nhé: Hình như ông ấy có một người con trai đang là bộ đội của Đoàn 559. Cách đây một tháng, cậu ấy đã hy sinh trong một trận B52. Vậy ông có thể thông báo với cô ấy không? Không được. Đây là chuyện rất hệ trọng. Tôi cũng chỉ nghe thôi, lỡ người ta nhầm lẫn thì mình có tội lắm. Chị nghe lạnh hết cả người, nhưng vì đang khám bệnh dở nên không thể sang hỏi được. Khi chạy sang thì người thương binh đã đi rồi. Lần ấy, về nhà chị không giám kể cho ai nghe, nhưng yêu cầu tất cả mọi người đều phải viết thư cho em. Chị hy vọng nếu nhận được một phong bì đặc biệt như vậy thì dù bận rộn đến mấy, em cũng viết thư trả lời. Khi nhận được thư em, chị mới thở phào, kể cho mọi người câu chuyên nghe được từ người thương binh nọ. Nhưng cũng từ đó, mẹ ngày đêm lo lắng, thỉnh thoảng lại dục các em viết thư để nhận được thư trả lời của anh.
Bây giờ thì Ngọc đã hiểu vì sao lại có phong bì thư chung của mọi người trong nhà.

Ngay hôm sau, Ngọc sang thăm cô hàng xóm. Nàng đã đi làm trong một xí nghiệp may quân trang. Cha nàng là một trung tá làm việc ở Bộ Quốc phòng, chỉ còn bà mẹ ở nhà tiếp anh. Bà tiếp anh rất thân tình, hỏi chuyện ở chiến trường, hỏi về đồng đội, hỏi có dịp nào qua quê hương bà không. Bà kể về những đổi thay trong khu tập thể, về cuộc sống của gia đình bà, trong đó có cô con gái xinh đẹp của bà. Ngọc bạo dạn hỏi:
- Chắc em ấy đã có người yêu rồi cô nhỉ?
- Cũng có mấy đám đến, nhưng chưa thấy nó quyết định chọn ai- Ngừng một lát, bà nhìn thẳng vào Ngọc, dịu dàng- Môi trường làm việc của nó có nhiều bộ đội. Cô nhắc nó nên tránh xa bộ đội, cô không muốn có con rể là bộ đội. Trong nhà có một người chồng bộ đội là đủ lắm rồi cháu ạ.
Ngọc biết rất rõ trước khi anh vào bộ đội, bà đã lưu ý cô con gái khi biết nó có tình cảm với chàng sinh viên hàng xóm: Nó là sinh viên, lại con cán bộ cao cấp, sau này thành kỹ sư, liệu nó còn để ý đến con nữa không. Chính anh cũng được viên trung tá nhắc nhở: Cháu hãy để cho em nó học, đừng làm ảnh hưởng đến nó. Ngọc đoán đây là thông điệp về quan điểm của bà đối với câu chuyện của anh với cô bé, nhưng tại sao lại phải tránh xa bộ đội? Cần hiểu rõ hơn điều này.
- Cô ơi, trong điều kiện đất nước có chiến tranh, hầu hết thanh niên nhập ngũ, mà cô bảo em nó tránh xa bộ đội, là cô thu hẹp phạm vi lựa chọn của em một cách rất đáng kể đấy.
- Cháu ạ. Chỉ có những người như cô mới thấm hết được nỗi gian truân của vợ lính. Hơn hai mươi năm, chú ấy chiến đấu ở các chiến trường. Có khi mấy năm trời mới tạt về nhà vài ngày. Một mình cô vật lộn với cuộc mưu sinh để nuôi con biết bao cơ cực. Nhưng điều đó không là gì so với nỗi cô đơn, buồn tủi. Mỗi buổi chiều thứ bảy, các gia đình hàng xóm đều đoàn tụ quanh mâm cơm. Chủ nhật, họ sánh vai nhau đi xem phim, đi công viên, còn mình thì cứ thui thủi. Nhà thiếu người đàn ông cực cả tinh thần lẫn thể xác cháu ạ.
Như vậy, cái việc khuyên con của bà không chỉ là đường dẫn để bà đưa thông điệp, mà đây thực sự là tình cảm trong sâu thẳm của một người đàn bà. Chắc gia đình bà thường sống trong những khu tập thể của cán bộ dân sự nên mới thấy đơn độc như thế. Trên mọi làng mạc Ngọc đã qua, hầu hết các gia đình đều có chồng đi bộ đội, nhưng những người phụ nữ ở đó đều tần tảo, dường như họ coi phải làm mọi việc khi chồng đi xa, cũng như chịu đựng nỗi cô đơn, như bổn phận. Dù sao, điều bà nói cũng làm anh chạnh buồn. Không hiểu có bao nhiêu người đàn bà ở hậu phương nghĩ như vậy.
Cô con gái dựng xe đạp ở hiên, ào vào nhà như một cơn gió:
- Anh Ngọc sang chơi lâu chưa ạ?
- Anh sang được một lúc rồi. Ngồi nói chuyện vói cô, hiểu ra được nhiều điều.
Bà mẹ đọc được ý tứ trong câu nói của Ngọc. Bà nhẹ nhàng:
- Hai đứa ngồi nói chuyện nhé. Cô đang dở chút việc.
Bây giờ Ngọc mới có điều kiện ngắm kỹ cô gái. Nàng đã cao hơn một chút. Mái tóc được uốn khá cầu kỳ, rủ xuống bờ vai căng tròn. Cái áo bó vào người khá kiểu cách. Đôi mắt nhìn thẳng, tự tin.
- Em thay đổi nhiều so với ba năm trước.
- Trông già đi hả anh?
- Không. Chững chạc hơn, xinh hơn. Anh nghe cô nói em bị nhiều chàng bao vây phải không?
- Nhiều thì chẳng có đâu, chỉ mấy người thôi. Em đã có quyết định gì đâu.
- Anh nghe cô nói cô đã khuyên em tránh xa các anh bộ đội?
- Việc đó có. Em không nghĩ như mẹ, nhưng em giống mẹ là không muốn chồng đi xa. Bây giờ em đang rất khó xử vì trong xí nghiệp có một cậu kém em hai tuổi si mê quá đà. Em đang cầm cuốn nhật ký của cậu ấy. Anh có muốn xem không?
- Thôi, chuyện riêng của em mà. Anh chúc mừng em.
Câu chuyện của họ xem ra rất tự nhiên. Cô bé là người cầm chịch. Cô kể đủ thứ chuyện ở xí nghiệp, chuyện bạn bè trong khu tập thể. Rồi cô hỏi về công việc của anh. Hỏi anh đi qua bao nhiêu làng mạc, có cô gái nào làm vướng bận anh không? Trong câu chuyện của họ, không còn một chút gì kỷ niệm xưa, giống như nó chưa từng diễn ra vậy.
Ngọc không thấy buồn, vì nói cho công bằng, ba năm qua, với nàng, anh không cảm thấy nhớ nhung. Có chăng, đôi lúc nó chợt hiện về như kỷ niệm. Tuy vậy, câu chuyện của bà mẹ nàng, và sự biến mất những kỷ niệm xưa trong cô bé, làm cho anh, với tư cách là một người lính từ chiến trường trở về, cảm thấy mình trống trải.

Ngọc theo Lê Trọng vào làm việc trong Cục Xăng dầu. Bây giờ anh mới hiểu ra: Ba năm kể từ khi bắt đầu xây dưng tuyến X42, ngành xăng dầu quân đội đã có những bước tiến bộ vượt bậc. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, một hệ thống đường ống đã nối thông từ biên giới Việt Trung vào đến tận điểm cuối của trung đoàn 952. Trong đó, đoạn Hà Nội-Vinh là đường ống hàn. Anh được tham quan một số sở chỉ huy vận hành, và học được nhiều điều. Có một vài cuộc họp, theo chỉ định của Lê Trọng, Ngọc báo cáo một số vấn đề kỹ thuật trên tuyến ống Trường Sơn. Nói chung những người nghe đều là người quen biết từ ngày ở làng Thọ và tuyến X42. Họ đánh giá cao sự tiến bộ của mấy chàng kỹ sư trẻ trên tuyến Trường Sơn. Nhìn lên tấm bản đồ kế hoạch phát triển tuyến ống vào tận sông Bạc, Ngọc cảm thấy tự hào vì tuyến đang như một mũi tên lao vào mặt trận, mà anh và đồng đội thì luôn ở điểm đầu của mũi tên đó.


Một hôm, bố nói với Ngọc: Hôm nay họp đồng hương làng. Con đi cho biết mặt các bác, các chú.
Cuộc họp được tổ chức trong hội trường của một Câu lạc bộ bên bờ Hồ Gươm. Làng của Ngọc là một làng khá đặc biệt. Rất nghèo, nhưng có truyền thống hiếu học. Ngày xưa, vì thiếu ruộng nên những người vợ làm nghề dệt lụa, tần tảo nuôi chồng học để đi thi. Thi rồi, người đỗ cao thì đi làm quan, đỗ tú tài trở xuống thì đi xa nhà, làm thày đồ. Những gia đình như thế, người chồng làm gia sư ở với chủ nhà cứ phải giữ ý, mất hết tự do. Còn người vợ ở nhà thì cô đơn nuôi mẹ già, con nhỏ. Dân làng truyền nhau một câu từ xưa lắm:“Trai vô tội vi tù, gái hữu phu vị quả „ (Con trai vô tội mà sống như tù, con gái có chồng mà như quả phụ). Từ khi thành lập **** Cộng Sản Đông Dương, nhiều người thoát ly đi hoạt động. Bởi vậy, sau cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, số hộ có vợ hoặc chồng người làng làm việc ở cơ quan Trung ương, các nhà máy, dạy ở các trường trung cấp, đại học. đã lên tới hàng ngàn. Trong đó có nhiều người là cán bộ cao cấp. Sống xa quê, những buổi gặp mặt như thế này là lúc họ ríu rít hỏi thăm nhau về cuộc sống, về con cái. Không khí thật ấm áp tình làng nghĩa xóm. Gần cuối buổi, ông Chủ tịch danh dự Hội đồng hương làng lên nói chuyện với bà con. Đó là một người cao lớn, khoan thai và đáng kính. Ngọc đã biết tên ông từ nhỏ qua chuyện kể của người làng và qua sách báo. Ông đã thoát ly khỏi làng từ những năm ba mươi và gây dựng phong trào Việt kiều ở nước ngoài trong một thời gian dài. Bây giờ, ông đang là một yếu nhân của **** và Nhà nước. Sau tiếng vỗ tay đầy tình cảm pha chút tự hào của những người cùng làng. Ông bắt đầu nói. Ông nói chậm rãii. Ông khen ngợi bà con xa quê, nhưng vẫn đoàn kết, quan tâm đến nhau. Ông nói một vài con số về vệc sản xuất, đóng góp sức người sức của của bà con ở quê cho tiền tuyến. Rồi ông nhấn mạnh:“ Bà con mình đã đóng góp nhiều cho tiền tuyến lớn. Chúng ta phải cùng nhau xác định: đó vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự. Hôm trước, tôi về làng. Buổi tối, tôi nghe bà hàng xóm khóc lóc thảm thiết quá. Không hiểu đã xẩy ra chuyện gì. Sáng ra sang hỏi, mới biết. Có gì đâu, nhà vừa có con hy sinh ngoài mặt trận. Tôi nói với bà ấy: Sao bà lại khóc. Bà phải vui lên chứ, phải phấn khởi vì gia đình mình đã đóng góp một người con cho cách mạng...’’. Ngọc tròn mắt nhìn ông Chủ tịch danh dự. Anh buột miệng: Sao lại nói thế! Anh nhớ như in một đêm ngủ lại ở Nam Đàn. Cả đêm, tiếng khóc vọng sang từ bên kia hàng rào cứ từng đợt, từng đợt. Đó là tiếng khóc của người mẹ vừa nhận được tin báo tử con từ mặt trận gửi về. Tiếng khóc cứ xoáy vào màn đêm yên tĩnh, khiến anh không sao nuốt được cơn nghẹn cứ chèn ngang cổ họng. Nó không giống tiếng khóc cha mẹ, ông bà trong các đám tang. Nó như những nhát cắt cứa vào lòng người nghe. Có lúc người đàn bà gào lên, có lúc chùng xuống, chỉ nghe tiếng thổn thức: Con ơi!. Không. Với tư cách là một người lính ngoài mặt trận, anh và đồng đội sẵn sàng hy sinh. Nhưng với tư cách là người lãnh đạo quốc gia, ông ấy không thể lạnh lùng vô cảm như vậy được. Đang nghĩ mung lung, Ngọc cảm thấy bố nắm lấy bàn tay anh, bóp nhẹ: Con bình tĩnh lại đi. Hôm ấy, đang từ vui, Ngọc trở về trong một tâm trạng u uẩn.
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Về Hà Nội được mươi ngày thì Ngọc lên cơn sốt rét. Vẫn là thể Vi-vắc. Những cơn sốt đến và lui khá đúng giờ. Có hôm, gặp mấy người bạn cũ, chúng nó bảo : Ba năm rồi, cậu mới về Hà Nội, chúng mình phải đi chơi một ngày cho đã. Không được đâu. Khoảng chín giờ sáng là tớ sẽ lên cơn sốt. Lúc ấy có thể tới ba mươi chín, bốn mươi độ, và tớ thậm chí không đủ sức ngồi sau xe đạp cho các cậu đèo về nhà đâu. Cả bọn nhao nhao : Cậu chỉ nói phét. Làm sao cậu lại biết trước lúc nào lên cơn sốt ? Làm gì có cái bệnh thành quy luật như vậy. Cứ ở đây chơi, nếu đúng như vậy, bọn tớ nhất định có cách đưa cậu về. Nể bạn, Ngọc đành ngồi lại với chúng nó uống rượu với lạc rang. Hơn chín giờ, cơn sốt kéo đến. Đầu óc Ngọc quay cuồng. Chút lạc rang và rượu vừa vào người, đã tuôn ra bằng hết. Ngọc run bần bật, toàn thân nóng hầm hập. Mấy đứa bạn sợ quá. Ngọc trấn an : Không có vấn đề gì đâu. Đây là nghĩa vụ phải làm của lính Trường Sơn bọn tớ. Không có gì nguy hiểm. Chừng bốn tiếng đồng hồ, sẽ trở lại bình thường. Không được, cần đưa nó về nhà ngay, nó ở đây, chúng mình không có kinh nghiệm lỡ xẩy chuyện gì thì ân hận lắm. Ngọc được dìu lên xích lô. Một cậu bạn ngồi ôm cho anh khỏi ngã. Những chiếc xe đạp hộ tống về tận nhà. Bác ơi, bác xem có phải đưa Ngọc đi bệnh viện không để chúng cháu đưa nó đi luôn. Ngọc phải giải thích hồi lâu, mẹ mới đồng ý cho anh nằm lại nhà. Theo chỉ dẫn của Ngọc, mẹ lấy từ cóc ba lô mấy viên thuốc sốt rét hồng hồng cho anh uống. Các bạn về rồi, Ngọc trùm kín chăn lên đầu, run cầm cập. Bà hàng xóm thấy mấy đứa bạn đưa Ngọc về bằng xích lô, liền chạy sang hỏi thăm. Khi biết anh đang lên cơn sốt rét, bà kêu ầm lên : Chết thật, cháu sốt rét, phải đi bệnh viện ngay. Cháu mà cứ nằm nhà thế này, rồi lây sang những người khác trong khu tập thể thì gay lắm. Anh giải thích rằng đây là cơn sốt theo chu kỳ, vài giờ nữa là hết. Cháu rất biết bệnh của mình. Uống thuốc thế này chừng một tuần là khỏi. Nói vậy, nhưng bà hàng xóm vẫn oang oang : Không được. Các em nhà cô còn nhỏ, nó mà lây bệnh sốt rét thì sao ? Bà hàng xóm nói nhiều quá, khiến mẹ không kiềm chế được. Mẹ nói : Nó đã giải thích như thế mà chị vẫn không thông cảm sao ? Mẹ đưa chiếc áo may ô của Ngọc tướp táp lỗ thủng vì mảnh bom trong cái đêm Lịch hy sinh ra trước mặt bà hàng xóm- Con lớn của chị bằng tuổi thằng Ngọc, nó làm ở Hà Nội. Con tôi trong đó, chẳng biết sống chết thế nào. Xin lỗi chị, tôi sẽ để nó ở nhà để chăm sóc, và khi nào xét thấy cần đưa nó vào bệnh viện, tôi sẽ đưa. Bà hàng xóm đi rồi, Ngọc bỗng cảm thấy tủi thân, bỗng cảm thấy thương cho những đồng đội trong Trường Sơn thay nhau sốt, thương cho những ngày mùa mưa đói, chân tay run rẩy trong cơn sốt, dìu nhau đi để thoát khỏi vùng đánh phá của máy bay.

Chỉ còn vài ngày nữa là trở lại Trường Sơn. Ngọc quyết định ghé thăm thằng bạn tâm giao cũ. Hai đứa là bạn thân với nhau từ hồi học lớp một đến tận lớp mười. Bố hắn là một trong những người lãnh đạo được nhân dân yêu mến. Ngay từ khi học phổ thông, hắn đã thể hiện đức tính của con nhà nòi chính trị. Trong một giờ địa lý lớp bảy, thày giáo thử xem ai biết nhiều quốc gia trên thế giới nhất. Thày treo tấm bản đồ chính trị thế giới lên bảng, ngồi dưới không thể đọc được tên nước, vậy mà hắn nói vanh vách những cái tên của các nước châu Phi, mà trong lớp, chưa ai từng nghe tới. Lên cấp ba, hắn đã bắt đầu bình luận về thời cuộc. Đúng sai thế nào không biết, nhưng riêng việc biết bình luận, nhiều bạn đã nể lắm rồi. Hết lớp mười, hắn khuyên ngọc nên thi vào Đại học Tổng hợp, môn văn, vì đó là môn có thể hiểu sâu về xã hội. Vả lại, tao thấy mày có khả năng về văn, hắn nói. Ngọc trả lời : Tao thích học kỹ thuật hơn. Từ bé, tao đã nghe bố tao bảo : Lập thân tối hạ thị văn chương. Sau này, khi có điều kiện, có vốn sống, nếu vẫn viết được thì tao sẽ viết. Một kỷ niệm với hắn theo Ngọc suốt từ khi vào đại học. Đó là cái đêm cuối cùng sau ngày liên hoan chia tay ở lớp, để rồi xa nhau, mỗi đứa thi vào một trường đại học theo nghiệp của mình. Ngọc thi vào Bách khoa, còn hắn thi vào Tổng hợp. Hai chàng trai mười tám nằm trên thảm cỏ của công viên Thanh niên. Họ nhìn lên vòm trời đầy sao, ôn lại những kỷ niệm từ thời trẻ con ở chiến khu Việt Bắc, những kỷ niệm cấp hai, cấp ba, những bạn bè chung riêng. Tối hôm ấy, họ nói nhiều về tương lai. Cả hai đều không biết chỉ mấy tháng sau, cuộc chiến tranh phá hoại leo thang ra Miền Bắc sẽ cuốn họ vào dòng thác của chiến tranh, mỗi người theo một hoàn cảnh riêng của mình. Hắn gối đầu lên hai tay đặt sau gáy, nhìn lên bầu trời :
- Ngọc này. Hết đại học, mày sẽ làm gì ?-Hắn nói thế vì về học lực, cả hai đều tin mình sẽ đỗ đại học.
- Sẽ đi công trường nhà máy theo sự phân công của trên.
- Đành là thế rồi, nhưng phải có định hướng xa hơn chứ.
- Biết thế nào mà nói. Mình sẽ cố gắng phấn đấu hết sức. Các cụ xưa đã đúc kết: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Chẳng sai đâu.
Hắn xoay người, nhìn vào mặt Ngọc :
- Sao mà mày ít ý chí thế. Cha ông mình đã lãnh đạo cách mạng. Đến lượt mình, phải cố gắng đi theo các cụ, giữ bằng được thành quả mà các cụ tạo dựng chứ !

Ngọc cũng nhìn vào mặt hắn. Giữ thành quả cách mạng là của mọi người, chứ đâu của riêng ai. Tuy vậy, chỉ riêng ý nghĩ ấy của hắn, đủ làm cho Ngọc khoái hơn về thằng bạn thân. Hắn là người có chí khí. Bây giờ mình đã là một sỹ quan, trải qua bao gian khổ ác liệt, nói lại chuyện xưa với hắn, chắc sẽ có nhiều điều tâm đắc lắm.
Ngọc gõ cửa căn hộ. Một cô gái xinh đẹp mở cửa. Nghe Ngọc tự giới thiệu, cô reo lên : Em nghe nhà em nói nhiều về anh. Mời anh ngồi uống nước. Ngọc ngồi xuống bộ xa lông sang trọng. Căn hộ thật đầy đủ tiện nghi. Thời bây giờ, không mấy người giám mơ tới một căn hộ như thế này. Từ phòng làm việc, hắn bước ra, vẫn khoan thai như thuở học trò.
- Chào lính chiến. Mày vừa trong ấy ra à?
Họ bắt tay nhau. Hai người Xa nhau đã tám năm. Từ hồi vào đại học, hoàn cảnh sơ tán của các trường, không có điều kiện gặp nhau. Tám năm, có biết bao chuyện để kể. Khi câu chuyện đã vào đủ sâu, Ngọc nhấp chén trà nóng hổi, rồi đặt xuống bàn.
- mày có nhớ cái buổi tối cuối cùng của tuổi học trò, hai đứa mình nói chuyện trên Đường Thanh Niên không?
Hắn nhíu lông mày:
- Nhớ.
- Mày nhớ hôm ấy mày đã nói gì không?
- Bao nhiêu là chuyện, mày muốn nói tới chuyện gì?
- Tối ấy mày nói học xong đại học, chúng mình phải cố gắng để nối gót các cụ nắm giữ lấy thành quả cách mạng. Tao luôn cho rằng đó là một câu nói có chí khí. Ở trong ấy, tao vẫn luôn nhớ câu của mày đấy.
Hắn cười phá lên. Một giọng cười hô hố khiến Ngọc vừa ngạc nhiên, vừa khó chịu.
- Ôi. Ông bạn tôi ơi, chuyện trẻ con. Chuyện của thời trẻ con. Trong đầu tao không còn tý gì những ý niệm ấy.- Hắn tiếp nước vào chén trà của Ngọc- Mày đang ở chiến trường, chưa có điều kiện cưới vợ. Lúc nào ra lâu, nên tìm lấy một em. Bây giờ mày là sỹ quan, còn ở cấp thấp- Hắn nhìn vào quân hàm thiếu úy trên ve áo Ngọc- Cố gắng phấn đấu lên thiếu tá, được cái bìa C , thế là tốt rồi.

Thái độ của hắn khiến Ngọc ngỡ ngàng. Anh đã không chuẩn bị cho một tâm thế như thế này. Câu chuyện giữa họ lập tức trở nên gượng gạo. ngọc bỗng cảm thấy như mình đang đi bên ngoài lề của cuộc sống thực mà hắn đang sống. Khi chia tay, họ bắt tay nhau, nhưng sao lần này, Ngọc bỗng cảm thấy bàn tay ấy lành lạnh, trơn tuột, khiến anh liên tưởng tới bàn tay Uria-híp trong cuốn Đê- vít- cop- pơ- phin của Đich- ken.

Ra khỏi nhà hắn, Ngọc cảm thấy cô đơn, trống rỗng. Anh đạp xe lang thang trên các phố. Hà Nội đã sang thu. Những cây hoa sữa bắt đầu bật ra những chùm xanh trắng. Những con phố với biết bao kỷ niệm. Rồi như có ai xui khiến, Ngọc đã dừng lại bên bờ Hồ Tây. Nơi hai đứa học trò ngày xưa tâm sự, người ta đã dựng lên bức tượng Lý Tự Trọng. Bạn bè giờ mỗi người một số phận. Một số vẫn làm việc ở vùng núi Tây Bắc xa xôi. Một số đang chiến đấu ở các chiến trường. Có người như Bí thư chi đoàn lớp, như Khuyến đã thành liệt sỹ. Ngọc đã theo những đoàn quân đi như trẩy hội. Cái không khí: “Cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre, từng hồi trống dục” đã cuốn bao lớp lớp thanh niên ra mặt trận. Cái không khí ấy hừng hực trên trang báo, trên đài phát thanh, cả trên đường hành quân qua các xóm làng của đồng bằng Bắc bộ, và những nẻo đường khói lửa khu Bốn. Nhưng sau những con sóng cuồn cuộn ấy, lại có một lớp người như hắn. Ngọc nhớ lại những ngày mùa mưa cơ cực, ác liệt tìm đường cho tuyến ống vượt sang Bản Na. Một buổi chiều từ tuyến về, khi đi qua bếp đại đội, anh thấy cô nuôi quân vừa đun nồi cháo cho mấy cậu sốt rét, vừa dân dấn nước mắt: Các anh ơi. Chúng mình khổ quá. Những chỗ này, sao chẳng bao giờ thấy con mấy ông to, mà chỉ toàn là con nông dân. Ngọc bước nhanh qua cửa bếp, vẫn còn nghe tiếng Đại đội trưởng: Nói khẽ chứ. Cái cậu kỹ sư gầy gầy ấy là con Bộ trưởng đấy. Ngọc chẳng trách gì cô bé. Và câu chuyện với thằng bạn thân một thuở hôm nay làm anh càng cảm thông với những lời trách móc ấy. Ngọc nhìn ra hồ. Xa kia là trường Chu Văn An, nơi anh học những năm cuối của tuổi học trò. Có một cây phượng đang là bóng xuống mặt nước. Một nhành hoa đỏ muộn mằn còn chưa lìa cành. Bao mùa thi tuổi học trò đã qua, và sẽ có bao mùa thi cuộc sống đang chờ trước mặt. Cả cuộc đời, ta sẽ phải tự trả lời biết bao nhiêu câu hỏi. Bài thi cuộc sống đâu có phải được chấm điểm bởi nét mực đỏ của thầy trên trang giấy. Đáp án của mỗi người trước những câu hỏi của cuộc sống sẽ dẫn họ đến hành động, và cuộc đời sẽ định ra chân giá trị của họ. Nhưng thế nào là chân giá trị đây? Cái nghĩa vinh và nhục, mỗi người nghĩ một khác. Ngọc không bao giờ quên lời dặn của cha: Người anh hùng không bao giờ hành động để lấy tiếng cho riêng bản thân mình. Bất giác, anh nhìn lên bức tượng Lý tự Trọng. Những người như anh ngã xuống, có bao giờ so mình với những kẻ vinh thân phì gia! Tính đến hôm nay, Ngọc đã về Hà nội một tháng rồi. Lời tâm sự của bà mẹ cô hàng xóm về vợ bộ đội, câu nói vô cảm của ông Chủ tịch Hội đồng hương làng, lời dục giã như đuổi anh vào bệnh viện của bà hàng xóm, và cả câu chuyện hôm nay với thằng bạn tâm giao, làm cho Ngọc cảm thấy cô đơn. Sao ở hậu phương mà mình lại thấy đơn độc thế này. Ngọc bỗng khao khát trở về đơn vị. Ở đó, mọi người sống chết có nhau. Cuộc sống không bị vẩn đục bởi sự bon chen.



Sau chiến dịch Lam Sơn 719, đich đánh phá khu vực kho Q7 cực kỳ ác liệt. Kho Q7 nằm gần đường 35, một con đường ô tô chạy theo chiều ngang trên tuyến chi viện chiến lược. Không biết vì sao người ta đặt tên cho nó là đường 35. Một cán bộ công binh nói với Thục: Lúc mở đường này, nó dài ba mươi lăm cây số, nhưng bây giờ, chúng đánh tơi bời, đường phát sinh nhiều tuyến tránh, nắn đi, nắn lại, khiến cho nó trở thành một mạng lưới nhằng nhịt. Tên những con đường, đoạn đường trên Trường Sơn có xuất xứ đa dạng lắm. Có thể là địa danh ở hai đầu tuyến đường, có thể là chiều dài của tuyến đường. Có thể đơn giản vì nó nối tiếp một tuyến đường khác. Ví như con đường nối theo đường 35 này sẽ có tên là đường 36. Có thể ở đó, mấy cậu khảo sát gặp một người con gái thật đẹp, như dốc cô Thơm. Về cách đặt tên đường, tên dốc, tên kho, bến phà trên Trường Sơn, có thể là một đề tài rất thú vị. Tuy nhiên, Thục ý thức rất rõ một điều: ở đâu có đường ô tô, có kho tàng, có đường ống, thì ở đó có bom đạn, có hy sinh, đổ máu. Điều quan trọng nhất là ta có thể giữ được bí mật bao lâu. Giữ được bí mật là yếu tố quyết định của thắng lợi. Kho Q7 do tiểu đoàn 96 quản lý đầy xăng, cấp phát yên ổn được hơn hai tuần lễ, thì bị phát hiện vì thằng tàu càng đánh xăm theo vệt bánh xe ô tô vào nhận xăng. Gần một tuần liền, B52, bổ nhào, tọa độ. Chúng nó trút xuống kho đủ loại bom đạn. Vậy mà lạ thật, như có phép thần. Từng ấy trận oanh tạc, chỉ có hai người bị thương, không có quả bom nào trúng bể xăng, trúng tuyến ống. Dấu vết kho, vị trí trú quân của bộ đội có khắp trên Trường Sơn này. Chắc địch hiểu rất rõ rằng, nếu lộ vị trí này, đối phương sẽ chuyển đi vị trí khác. Bởi vậy, sau một số trận đánh, thấy mục tiêu tan tành, không có triệu chứng tiếp tục sử dụng, là chúng thôi không đánh nữa. Để giữ bí mật kho, Thục đề nghị lựa theo địa hình, lập một bãi cấp phát ở nơi thấp, xăng được cấp từ kho Q7 cho xe theo nguyên lý tự chảy. Kho Q7 đứng vững. Những hố bể được ngụy trang cẩn thận, đất bom trùm lên, cây đổ ngổn ngang khiến cho kho như một vùng đất chết. Những chiếc hầm chữ A của bộ đội tiểu đoàn 96 cứ gan lỳ đội trên đầu đất bom, cây đổ. Những người lính đi lại, phơi phong quần áo rất cẩn thận. Địch đã không còn đánh kho Q7 theo kiểu hủy diệt như thời kỳ đầu. Thỉnh thoảng, chúng lại đánh “nhắc lại” bằng những trận bom bi, bom phát quang hoặc tọa độ. Cái kiểu đánh bất chợt ấy khiến bộ đội rất căng thẳng.

Đại đội trưởng kho dẫn Thục luồn qua những thân cây đổ, chui xuống hầm chỉ huy. Xem ra, chàng đại đội trưởng này thật khôn ngoan. Giữa đám ngổn ngang này, hắn đã làm một lối đi dưới tán cây nửa xanh, nửa cháy, xuống đến tận suối nên việc lấy nước và sinh hoạt vẫn hoàn toàn giữ được bí mật. Kho Q7 là kho đầu tiên của tiểu đoàn, lại ác liệt nhất nên Thục thường xuyên lui tới, vừa để giải quyết các khó khăn cho đại đội, vừa để nắm tâm tư tình cảm của họ.
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Sau bữa cơm chiều, mấy cậu lính lại ngồi đánh bài Tiến lên. Thục vặn chiết áp chiếc đài Orionton cho to hơn để nghe ca nhạc và tin tức. Ở Trường Sơn, cái đài thực sự là một báu vật, vì nó là kênh nhanh nhất để bộ đội biết được tình hình bên ngoài: tin hậu phương, tin chiến sự ở Miền Nam, tin thế giới, rồi ca nhạc, giải trí. Tối thư bảy, lính thường xúm quanh cái đài nghe “Câu chuyện cảnh giác”. Chất lượng phát kém, máy thu kém, nên tiếng có khi ọ ọẹ, rèn rẹt, nhưng ai ở gần chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, được nghe đài là diễm phúc lắm. Xen giữa tin chiến sự, tốp ca nam đang hát một bài thật vui nhộn:
Giặc Mỹ vốn huênh hoang với mọi người rằng có máy bay
Bấy lâu… Là át chủ bài.. Bê (là) năm hai
Ơ.. hỡi bê năm hai, ta làm mắt bay thong manh,
Thành, Bê (là) quăng sai…

Một chú lính đang chơi bài, ngoái sang chửi đổng:
- Mẹ cái thằng cha nhạc sỹ. Cứ ru rú ở Hà nội mà nói phét. Thử vào đây thưởng thức với chúng mình xem có còn dám nói Bê quăng sai nữa không.
Một cậu góp vào:
- Thì chỉ ở Hà nội mới nói thế chứ, ở chiến trường, ai lại nói thế.
Một cậu khác:
- Đúng rồi. Phải lôi mấy thằng cha nhạc sỹ ấy vào đây cho hết nói phét.
Không khí căn hầm bỗng nhiên nóng lên. Đây là những người lính đã đội bom đội đạn, chịu bao trận chà xát của B52 ở tuyến Hướng Tây, đã chôn cất đồng đội trên trọng điểm Pha Bang, nên sự phẫn nộ của họ là có lý. Tuy vậy, nhạc sỹ vẫn có cái lý của họ. Thục tủm tỉm:
- Này, tớ hỏi các cậu. Tớ có cùng chịu trận với các cậu không?
Ở tiểu đoàn này, ai cũng biết Tiểu đoàn Phó Thục là người luôn xông xáo, có mặt ở những nơi ác liệt nhất.
- Sao Thủ trưởng lại hỏi vậy. Chúng em chỉ chịu bom ở tuyến của đại đội, còn thủ trưởng thì có mặt trên khắp tuyến của tiểu đoàn.
- Thế mà tớ thấy ông nhạc sỹ ấy có lý đấy.
- Sao lại là có lý ạ?
- Này nhé: Ông ấy bảo ta làm mắt nó thong manh, thì mới thành Bê quăng sai chứ. Mình không giữ gìn đun nấu, phơi phong, đi lại, thằng tàu càng phát hiện được, nó chỉ điểm cho B52 thì đâu còn quăng sai nữa. Nói đâu xa. Đại đội mình đây này, sau mấy trận B52 đầu tiên, mình trụ được, giữ được bí mật, chúng nó tưởng mình bỏ Q7, nên chỉ đánh vu vơ thôi. B52 có đánh vào các cậu nữa đâu.
- Vâng, Thủ trưởng nói cũng có lý. Nhưng đấy là thủ trưởng nói hộ ông ấy thôi. Mấy vị nhạc sỹ này có biết chiến trường là gì đâu mà cứ nói mò.
- Lại sai rồi. Ông Doãn Nho này đã có mặt trên khắp chiến trường Khu bốn, Tây Nguyên, Khe Sanh, Quảng Trị. Ở đấy có khi còn ác liệt hơn chúng mình ở đây ấy chứ.
- Thật thế sao thủ trưởng. Sao thủ trưởng biết?
- Đài báo. Các cậu biết không, trong cuộc chiến tranh này, văn nghệ sỹ họ có mặt ở mọi chiến trường ác liệt nhất đấy. Nhiều người đã hy sinh trong chiến đấu. Nói chung là những người Việt Nam chân chính, chẳng ai muốn ngồi yên ở hậu phương. Mấy vị văn nghệ sỹ mà cứ ru rú ở Hà nội thì chẳng vị nào viết được cái gì ra hồn để vào lòng được anh em mình đâu.
Khi những người lính trẻ đã vô tư chìm vào giấc ngủ, Thục vẫn thao thức. Thục bỗng cảm thấy nhớ đến nao lòng con đường tím ngắt bằng lăng, nhớ đôi mắt trong veo với cái nhìn sâu thẳm của người con gái anh yêu. Phía trên căn hầm này là ngổn ngang cây cháy, đất bom, và chết chóc rình rập từ trên trời. Chiến tranh ác liệt quá, chẳng biết ngày nào anh mới lại được trở về gặp em.


Lại những đoạn đường quen thuộc. Những đoạn đường thanh bình ở phía đông Trường Sơn, lúc chênh vênh trên sườn núi, lúc lội dọc theo dòng suối trong vắt. Ngọc không còn để ý đến những cái xóc nẩy người qua những ổ gà, ổ trâu, mà anh bỗng cảm thấy trong lòng nhẹ lâng lâng khi xe chạy dưới tán rừng mát rượi giữa đại ngàn, những đoạn đường suối quen thuộc với những cành cây cổ thụ la đà soi bóng. Lại sắp được về với anh em rồi. Mới một tháng thôi mà nhớ chúng nó đến nao lòng. Gian khổ, ác liệt, đứa nào cũng sốt rét quay quắt, xanh xao, nhưng tính tình thì lúc gặp nhau thế nào, giờ vẫn vậy. Tập thể Tiểu ban Kỹ thuật gắn bó, hiểu nhau từng nết ăn nết ngủ, từng chi tiết của hoàn cảnh gia đình. Gặp vấn đề khó về kỹ thuật thì xúm nhau bàn bạc. Khi ốm, khi đói thì chăm sóc, chia sẻ cho nhau. Lâm sự thì tranh nhau đến nơi ác liệt.
Xe dừng lại ở Q200. Ngọc xuống xe, tạt vào Ban chỉ huy đại đội uống nước, dự kiến nghỉ một lát, sẽ bắt đầu đi bộ theo tuyến ống để về trung đoàn bộ. Đại đội trưởng rót nước mời anh:
- Anh về Trung đoàn bộ lần này chắc sẽ vất vả đấy.
Ngọc nhận ra trong con mắt của đại đội trưởng có gì khang khác. Ở Tiểu đoàn 66 này, hầu như các đại đội trưởng đều biết và thân thiết với anh, vì họ và anh đã có nhau vào những lúc ác liệt nhất.
- Chúng mình đã qua những ngày ác liệt ở Ra Vơ, ở trọng điểm Pha Bang, bây giờ còn việc gì vất vả nữa đây?
- Tôi nghe nói chuyện lần này nghiêm trọng lắm.
Ngọc định hỏi xem có vấn đề gì thì Trung đội trưởng cảnh vệ Trung đoàn bước vào:
- Chào anh Ngọc. Tôi được lệnh của thủ trưởng cơ quan Chính trị Trung đoàn đi cùng anh về cơ quan.
- Sao lại phải như vậy?
- Tôi chỉ làm theo mệnh lệnh. Mong anh hết sức thông cảm.
Ngọc ngơ ngác:
- Có chuyện gì vậy? Anh đi bảo vệ, hay áp giải tôi?
- Anh đừng nói vậy nghe nặng nề. Tôi đi cùng anh để đảm bảo rằng anh sẽ về đến Trung đoàn bộ làm việc với Ban Chính trị về việc mất tài liệu.
- Tài liệu gì vậy?
- Tôi nghe nói đó là bản thiết kế- Trung đội trưởng vẫn nhỏ nhẹ đầy vẻ cảm thông.
Ngọc mơ hồ nghĩ đến bản thiết kế tuyến Q5c, nhưng việc này anh đã báo cáo Trung đoàn trưởng Lê Trọng rồi. Sao bây giờ lại nghiêm trọng thế này? Bao nhiêu câu hỏi đến trong đầu mà anh không sao giải đáp được. Thôi thì cứ về cơ quan sẽ rõ, vì mình có làm gì sai đâu.

Ngọc vừa đặt ba lô lên giá, đã thấy viên trung úy trợ lý bảo vệ an ninh của Trung đoàn bước vào hầm.
- Chào anh Ngọc. Anh đi đường có mệt không?
- Cảm ơn anh. Cũng bình thường thôi. Nhưng có chuyện gì mà phải dùng đến cảnh vệ áp giải tôi về cơ quan?
- Đây chỉ là quy trình nghiệp vụ của chúng tôi thôi. Mong anh đừng hiểu quá nặng nề.
- Nghiệp vụ? Cụ thể trong trường hợp này là gì vậy?
- Chúng tôi nhận được đơn tố cáo của anh Danh rằng anh đã để mất bản thiết kế tuyến ống Q5c. Đây là một tài liệu vô cùng bí mật của Trung đoàn. Anh Danh nói trong tài liệu đó đã ghi đầy đủ tọa độ của tất cả các kho và trạm bơm. Tuyến ống của Trung đoàn đang bị đánh phá rất ác liệt. Chắc anh quá rõ hậu quả sẽ thế nào khi tài liệu ấy lọt vào tay địch. Mất một tấm bản đồ quân sự, ta có thể điều chỉnh lại phương án tác chiến. Còn mất một bản thiết kế, có khi ta phải tung hàng đại đội quân báo vào hậu phương địch để đoạt lại.
- Nghiêm trọng vậy sao? Nhưng tài liệu đó chủ yếu là bản tính toán thủy lực của tuyến Q5c, làm sao lại có vị trí của tất cả các kho và trạm bơm của Trung đoàn? Và nó có bị mất vào tay địch đâu. Tôi sơ ý đánh rơi trên đường từ hầm Ban Kỹ thuật lên Sở chỉ huy vận hành. Mấy cậu lính tiểu đoàn 96 lên làm doanh trại nhặt được, không biết là giấy gì, đem làm giấy đi ngoài. Cậu Vinh, nhân viên khảo sát trong Tiểu ban kỹ thuật chứng kiến, và chúng tôi đã báo cáo ngay với Trung đoàn trưởng Lê Trọng.
- Đó mới là anh nói- Viên trung úy nghiêm giọng- Chúng tôi sẽ xác minh việc này. Tạm thời anh phải cách ly với mấy anh trong Tiểu ban để phục vụ cho chúng tôi điều tra.
Ngọc dọn lên ở trong một căn nhà nhỏ ngay gần Ban Chính trị. Trước cửa luôn có một người lính gác. Anh đang bị giam lỏng. Từng thấy trên phim Liên Xô, và cả nghe kể lại về những người làm mất tài liệu mật phải ra Tòa án binh và ngồi tù, Ngọc hiểu ra mình đang trong một tình trạng rất khó khăn. Danh đâu mà hai ngày nay không thấy anh ta đến? Tại sao Danh lại lẳng lặng không nói gì với mình, mà đâm đơn kiện kiểu này? Chính Danh đã biết tài liệu không mất kia mà? Vậy tại sao? Ngọc nằm đặt hai tay sau gáy, trân trân nhìn lên mái nhà. Hãy bình tĩnh điểm lại mọi việc xem sao. Đúng rồi. Thử đặt mình vào Danh đi. Chắc Danh sẽ nghĩ: Bao nhiêu ngày lội suối trèo đèo vất vả, khảo sát tuyến, tính toán thiết kế, vậy mà bị một thằng bạn học bác đi. Cùng một lớp, khi ra trường, mình là cảm tình ****, còn hắn chỉ là một thằng bình thường. Bây giờ hắn được trọng vọng, lại được ra hà Nội. Hắn có thể là phụ trách nhóm, nhưng hắn không có quyền cư xử với bạn như thế được. Thậm chí, hắn coi bản thiết kế của mình như giấy chùi ***. Hắn đáng bị trừng phạt thật nặng. Ngọc hiểu ra rằng: Bây giờ thì không ai khác, mà chính mình phải tự bảo vệ mình. Và nói cho công bằng, sai lầm này cũng đáng phải được trả giá ở mức thích đáng.
Viên trung úy an ninh bước vào, đặt trước mặt anh tờ giấy và cái bút:
- Anh hãy tường trình lại toàn bộ sự việc để chúng tôi có cơ sở làm rõ.
- Tôi sẽ viết. Nhưng các anh có thể cho tôi trực tiếp gặp anh Danh được không?
- Anh Danh hiện đang ốm, nằm ở bệnh xá. Anh ấy chưa đủ khỏe để đối chất với anh. Trưa nay, anh lên gặp Chủ nhiệm Chính trị.
Viên trung úy đi rồi, Ngọc cầm bút tường trình lại toàn bộ sự việc. Có thế nào, anh viết thế nấy. Tất nhiên cuối cùng cũng phải viết rõ nhận thức về những sai lầm của mình. Trưa, viên trung úy dẫn anh lên gặp Chủ nhiệm Chính trị.
Hoàng Trần ngồi oai vệ sau chiếc bàn làm việc. Ông đẩy về phía Ngọc lá đơn tố cáo. Đúng là chữ của Danh. Lá đơn ngắn gọn, nhưng nội dung thì quả là khủng khiếp:
“Tôi là Nguyễn Văn Danh, Trợ lý kỹ thuật, xin trình bày với Ban chỉ huy Trung đoàn một việc như sau: Đồng chí Vũ Ngọc, Trưởng Tiểu ban kỹ thuật, đã làm mất toàn bộ tài liệu thiết kế tuyến ống Q5C. Đây là một tài liệu tối tuyệt mật, vì trong đó, tôi đã ghi tọa độ các kho và trạm bơm của Trung đoàn. Đây là một việc rất nghiêm trọng. Tôi chờ ở sự tự giác của đồng chí Ngoc trước ****, trước đơn vị, nhưng đến nay, đồng chí ấy vẫn im lặng. Tôi làm đơn này báo cáo với chỉ huy Trung đoàn và cơ quan bảo vệ an ninh để có biện pháp ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc xẩy ra cho Trung đoàn…”

- Anh đọc xong rồi chứ?
- Vâng.
- Nói thật nhé. Trung đoàn, và cả tôi đã đôi lần biểu dương anh như một cán bộ tận tâm, dũng cảm và xông xáo. Hứ. Nhưng chính lúc này, chúng tôi mới hiểu hết sự trung thực và dũng cảm của anh. Vì cá nhân mình, anh đã coi thường sinh mạng của cán bộ, chiến sỹ trung đoàn. Anh đã dối ****, che dấu một việc mà nếu không ngăn chặn kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Hứ.
- Báo cáo thủ trưởng, Tôi có khuyết điểm, nhưng tài liệu này chắc chắn không phải là rơi vào tay địch. Việc này tôi đã báo cáo Trung đoàn trưởng.
- Có phải hay không, chúng tôi đang điều tra xác minh. Tạm thời anh chưa được đi đâu ra khỏi cơ quan trung đoàn khi chưa được phép của cơ quan an ninh.
Ngọc trở về, lòng ngổn ngang. Mọi việc sẽ ngã ngũ khi Trung đoàn trưởng đi công tác về. Còn bây giờ thì chỉ biết nằm chờ số phận. Chưa bao giờ Ngọc thấy thời gian trôi qua chậm chạp như thế. Ngọc nằm một mình, không đài, không báo. May thay, viên trung úy đã đồng ý để anh em trong Tiểu ban gửi cho anh cuốn tự học tiếng Nga. Nhưng cầm sách lên, lại đặt xuống. Lòng dạ rối bời.
 
Chỉnh sửa cuối:

JHT

Xe hơi
Biển số
OF-104368
Ngày cấp bằng
28/6/11
Số km
175
Động cơ
398,059 Mã lực
Vod cụ, cụ tiếp tục đi ợ
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Năm ngày sau, Ngọc không bị giam lỏng biệt lập nữa. Nhưng vẫn chưa được phép đi khỏi cơ quan trung đoàn. Anh khoác ba lô về hầm của mình. Lê Khôi sang Ban Tham mưu, Quang đi công tác, Danh ốm. Thủy là kỹ sư duy nhất trong Tiểu ban đang ở nhà. Thủy kể:
- Mình chưa được đọc lá đơn, chỉ biết trong một buổi họp cơ quan, ông Hoàng Trần nêu vấn đề này lên một cách rất nghiêm trọng. Mấy ngày qua cán bộ an ninh yêu cầu mọi người viết tường trình hiểu biết của mình về sự việc này, đặc biệt là cậu Vinh, người trực tiếp đến tận nhà vệ sinh và nhìn tận mắt tờ thiết kế bị xé vụn và dính đầy phân. Từng người được gọi lên trao đổi riêng với trợ lý bảo vệ, rồi mình phải chủ trì họp cả Tiểu ban. Biên bản ghi ý kiến từng người, và từng người ký vào biên bản đó. Có lẽ tất cả những việc đó đã khiến họ tạm yên tâm nên thả cậu ra.
- Danh ốm thế nào?
- Nó bị sốt rét ác tính thể tâm thần, nói lảm nhảm. Bọn mình phải đưa ngay sang bệnh xá. Một hôm, nó trốn được về. Ông Trưởng Tiểu Ban Kế hoạch đang ngồi làm việc, nó bước vào và nói: Anh Tuyển, tôi muốn ăn thịt gà. Biết Danh đang trong trạng thái tâm thần, Tuyển nói: Nhưng gà đang đi ăn trong rừng, làm sao bắt được. Để chiều gà về chuồng, tớ sẽ bắt một con làm thịt đưa sang bệnh xá cho ông. Giờ ông về bệnh xá nghỉ đi đã. Danh bảo: Không. Tôi thích ăn ngay bây giờ. Nếu tôi bắt được con gà nào thì anh làm thịt cho tôi ăn nhé. Tuyển vô tư trả lời: Đồng ý. Ai dè, lát sau, Danh xách vào một con gà mái. Tuyển giật mình: Có một con gà đang ấp ngoài chuồng mà anh quên mất. Con gà xấu số bị Danh vặn cổ chết ngay tức khắc. Tuyển đành đun nước làm thịt. Lừa lúc Danh sơ ý, anh gọi điện sang bệnh xá đưa Danh về. Danh cứ vùng chạy, cuối cùng mọi người phải đưa anh vào một phòng khá chắc chắn, khóa chặt cửa. Danh bắt đầu đập phá và la hét: Tôi sẽ kiện lên tận Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an rằng các ông đã bắt giam trái phép một sỹ quan quân đội.
- Vậy bây giờ nó đỡ chưa?
- Đỡ rồi. Nó mới nhắn về nhờ anh em mang cho nó cuốn sổ và một ít tài liệu.
- Để mình sang, tiện thể thăm nó luôn.
Cả cuốn sổ tay và tài liệu, Danh đều để trên giá ở đầu giường. Chắc đây là sổ công tác. Ngọc mở ra xem. Anh kinh hãi nhận ra những trang viết của người tâm thần. Bao nhiêu chuyện bông đùa ngày thường của bạn bè đều bị trở thành chuyện nghiêm trọng. Bao nhiêu chuyện sâu kín nhất, kể cả trong quan hệ với cô bạn gái từ thời sinh viên sơ tán, rồi chuyện với cô chủ nhà trên đường hành quân đều được Danh mô tả rất tỷ mỷ. Chắc chắn trong này, có cả những chi tiết do Danh tưởng tượng ra. Trong trạng thái tâm thần này, cộng thêm những bức xúc vì bản thiết kế bị thằng bạn cùng lớp để cho người ta làm giấy chùi ***, thì một lá đơn như Danh đã viết là hoàn toàn dễ hiểu. Danh ơi. Mình thật có lỗi.

Khi Ngọc sang, Danh ngồi một mình trên giường, lơ đãng nhìn ra cửa sổ.
- Danh à. Mình mới ở Hà nội vào. Cậu khỏe chưa? Mình mang sổ và mấy tài liệu cho cậu đây.
Danh quay sang. Ngọc thoáng rùng mình. Đôi mắt Danh lạ quá. Lòng trắng như ngả sang xanh, cái nhìn vô hồn, trân trân không chớp.
- Tôi biết rồi. Còn biết cậu bị giam nữa.
- Cậu biết tài liệu ấy không bị rơi vào tay đich, sao lại viết đơn như vậy?
- Đấy là cậu nói. Tôi có nhìn thấy đâu. Tuy nhiên, bây giờ, cậu xin tôi đi, tôi sẽ nói cho họ tha cho cậu.
- Bây giờ đâu phải là chuyện giữa mình và cậu, mà là chuyện giữa mình với cơ quan an ninh. Cậu không phải lo đâu. Cứ để mình tự giải quyết.
- Vậy thì cậu tự mà lo. Nếu khó quá, lại sang xin, may ra tôi sẽ chiếu cố.
- Thôi. Không nói chuyện ấy nữa. Cậu thấy trong người thế nào?
- Lại cả cậu nữa. Tôi có làm sao đâu mà họ nhốt tôi. Có thể ở đây có gián điệp. Chúng nó định hại một sỹ quan quân đội. Hôm nọ về cơ quan, tôi đã phản ảnh lên chỉ huy, mà các ông ấy không nghe.
Ngọc gợi hỏi về tình hình tuyến, tình hình anh em trong Tiểu ban, nhưng không thể đưa Danh ra khỏi chủ đề trong bệnh xá, trong Trung đoàn có gián điệp. Ngọc đành buồn bã chia tay bạn. Khi Ngọc đứng dậy, Danh dúi vào tay anh một tờ giấy:
- Gửi giúp tôi cái đơn này lên cho đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn. Nhất định trong bệnh xá này có gián điệp.
Ra khỏi bệnh xá, Ngọc mở tờ giấy ra xem. Đúng là một lá đơn gửi lên hai vị Bộ trưởng. Tuy nhiên, tờ giấy ố bẩn, nét chữ nguệch ngoạc và nhiều lỗi chính tả. Hành văn lộn xộn, chứ không khúc triết được như lá đơn kiện anh.

Ngọc thoát cảnh giam lỏng được hơn một tuần thì Lê Trọng từ Hà Nội về. Cơ quan Chính trị lập tức báo cáo lại việc mất tài liệu của Ngọc. Lê Trọng nói: Việc này cậu ấy đã báo cáo tôi. Tôi đã nhắc cậu ấy rút kinh nghiệm. Chắc chắn tài liệu không lọt vào tay địch đâu. Vì nếu vào tay địch thì tuyến Q5c đã bị đánh tan tành rồi. Hện nay, các tuyến ống của Trung đoàn, chỉ có tuyến ấy là yên ổn. Nhờ ý kiến ấy mà vụ việc mất tài liệu kết thúc. Tuy nhiên, hôm truyền đạt ý kiến của Trung đoàn khép lại vụ việc này, viên Trung úy nhắc Ngọc: Nếu ngay hôm đó, anh báo cho tôi biết, nhất định tôi sẽ hướng dẫn anh để không xẩy ra chuyện đáng tiếc này. Ngọc thấy đó thực sự là một lời khuyên chân thành.


Lan về làng khi nắng chiều đã khuất sau lũy tre. Cô ngồi dưới gốc đa nghỉ cho lại sức. Cô không ngờ bệnh tim có thể làm sức mình xuống nhiều đến thế. Đã qua hai tháng ở trại điều dưỡng mà vẫn chưa hoàn toàn bình phuc. Lan không muốn bố mẹ nhìn thấy bộ dạng nhợt nhạt của mình. Ba năm trước, bố mẹ luôn tự hào vì có cô con gái xinh đẹp nổi tiếng trong làng, thì bây giờ, ít ra họ cũng phải được tự hào vì con gái mình đã hoàn thành nhiệm vụ, nguyên vẹn, tươi tắn từ chiến trường trở về. Lan nhìn về phia cổng làng. Vẫn cái cổng ấy, những cây leo quấn dày thêm trên mái. Vẫn lũy tre, vẫn mái trường cấp I cô đã học qua tuổi thơ, cái cầu bằng đá bắc qua con mương nhỏ. Làng quê có phần xơ xác hơn, có lẽ vì đàn ông và trai tráng đều ra mặt trận. Nhưng sao Lan thấy yêu thương thế. Cô bỗng nhớ một bài văn cô từng được học: Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất. Yêu cái cây trồng ở trước vườn, yêu phố nhỏ đổ ra bờ sông… Ba năm xa nhà, ba năm gian khổ ác liệt, Lan đã thấm cái giá để gìn giữ làng quê.
- Ai như cái Lan?
Một giọng đàn bà cắt ngang dòng suy nghĩ của Lan. Cô quay lại:
- Ôi, bác Thản.
- Cháu về thật đây rồi. Sao không về ngay đi. Bố mẹ cháu ngày đêm mong mỏi.
Lan khoác ba lô về cùng bà hàng xóm. Bà vẫn như xưa: Tiếng nói đi trước người. Không chỉ bố mẹ Lan chạy ra, mà mấy đứa trẻ hàng xóm cũng ùa ra, hét toáng lên: Chị Lan đã về. Mẹ ra đón Lan. Bà xót xa nhìn cô con gái. Giữa đông người, bà không giám quở con gầy và già đi.
Buổi tối, khi xóm giềng sang thăm Lan đã về hết, mẹ mới xót xa ôm con gái trong vòng tay run rẩy của mình. bà không ngăn được hai hàng nước mắt.
- Ở Trường Sơn vất vả lắm phải không con?
- Không sao đâu mẹ ạ. Chúng con có tuổi trẻ, nên vượt qua hết. Con đã về với bố mẹ đây thôi. Mẹ ơi. Con báo tin vui cho mẹ nhé. Mẹ đã có con rể rồi.
Bà mẹ tròn mắt nhìn thẳng vào mặt cô con gái:
- Trời ơi, chuyện hệ trọng thế sao không báo cho bố mẹ.
- Chúng con mới quyết định cách đây vài tháng thôi. Anh ấy người Hà Nội. Một chàng trai cao lớn, dũng cảm, và chúng con yêu thương nhau tha thiết.
- Trai Hà Nội ư? – Bà mẹ tần ngần- Liệu rồi nó có yêu thương con mãi không?
- Mẹ ơi. Mẹ đừng nói vậy mà tội nghiệp anh ấy. Chúng con đã có nhau cả khi cận kề cái chết
Nói rồi, Lan kể cho mẹ nghe những kỷ niệm của họ. Chuyện anh mang dò phong Lan đến cho con, xuýt nữa thì bỏ mạng vì bom tọa độ, chuyện anh xông pha lửa đạn đến cứu chúng con, và cả chuyện cái đêm cuối cùng chia tay trong một căn nhà âm trên Trường Sơn. Lan lục ba lô, đưa cho mẹ xem lá thư của Đỉnh gửi cho bố mẹ anh. Mẹ Lan đọc thư rồi khóc. Thế này là con và anh ấy thực sự đã thành vợ chồng rồi. Con ở nhà một thời gian đề mẹ bồi dưỡng cho con lại sức đã. Không thể trình diện nhà người ta trong tình trạng sức khỏe như thế này.
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Lan tần ngần đứng trước cái vòm cổng xây cuốn cổ kính. Theo sơ đồ Đỉnh vẽ thì qua cổng này, đi thêm một đoạn nữa là đến nhà anh. Lan đi men theo ngõ, bước vào một cái sân nhỏ. Đúng là nhà anh đây rồi. Anh mô tả: Bên phải lối vào là một bụi tre. Qua một cái sân nhỏ, đó là sân chung cho mấy nhà. Nhà anh ba gian xây gach, vuông góc với nó là một cái bếp nhỏ. Nhưng sao lạnh lẽo thế này. Cửa đóng , không khóa, chứng tỏ có người ở nhà.
Lan rụt rè gõ cửa. Một cô bé mở cửa:
- Chị hỏi ai ạ?
- Chị là Lan, cùng đơn vị anh Đỉnh về- Lan trả lời, và nhận ra đây là cô em út của Đỉnh. Anh kể: anh có hai cô em gái. Cô lớn bị câm điếc, còn cô út đang học lớp bảy. Chúng nó đều quý anh lắm.
- Chị Lan! – Cô bé tròn mắt ngạc nhiên, rồi chạy vào, reo lên- Bố mẹ ơi, chị Lan chỗ anh Đỉnh về.
Người đàn bà đang ngồi trân trân trong căn nhà tăm tối, người đàn ông đang ngồi đọc báo bên cửa sổ, bỗng bật dậy. Một cô gái cũng từ trong buồng chạy ra ú ớ. Cả căn nhà bỗng như có một sức sống ùa vào. Mẹ anh. Dáng người dong dỏng, những đường nét khắc khổ đã hằn trên khuôn mặt, nhưng vẫn chưa mất đi dáng vẻ thanh tú của thời xuân sắc. Và cả cha anh nữa. Một người đàn ông cao lớn, nhanh nhẹn. Cha mẹ như vậy, đương nhiên sinh ra anh của em đẹp trai và oai hùng thế. Người đàn bà chạy tới, ôm lấy Lan.
- Cháu là Lan đấy ư? Bác đã nghe Đỉnh và Hiến kể về cháu.
Trong vòng tay của bà. Lan bỗng cảm thấy ấm áp và hạnh phúc.
- Bác ơi. Cháu có mang thư anh Đỉnh về.
Mắt người đàn bà sáng lên. Nét u uẩn vụt tan biến. Giọng nói bỗng trở nên run rẩy:
- Sao. Cháu có mang thư của nó về thật sao? Ôi lạy Trời lạy Phật. Vậy là nó vẫn còn sống- Bà run run nhận lá thư từ trong tay Lan- Mai ơi. Con đọc to cho cả nhà nghe đi. Mẹ hồi hộp quá.
Cô bé mặt mày rang rỡ, cầm lá thư, đọc:
Bố mẹ kính yêu của con. Lâu rồi, con không nhận được thư nhà. Con nhớ mọi người quá. Trong nhà, chỉ có mình con là trai tráng, con đi rồi, bố mẹ già, các em còn nhỏ, chắc mọi người vất vả lắm. Con mong một ngày, sẽ lại được đi qua vòm cổng cổ kính trước ngõ, sẽ được ôm mọi người trong vòng tay mình. Con về, con sẽ làm tất cả mọi việc nặng nhọc, bù lại những ngày vất vả của bố mẹ và các em.
Mai đọc đến đây, chính nó cũng nghẹn giọng. Còn người mẹ thì liên tục lấy tay áo lau nước mắt. Mai trấn tĩnh giây lát, rồi đọc tiếp:
Bố mẹ ơi. Con ở Trường Sơn, có vất vả, ác liệt, nhưng vui lắm. Bạn bè đồng đội gắn bó, sống chết có nhau. May mắn cho cuộc đời con. Ở nơi gian khổ ác liệt này, con đã tìm được người con gái sẽ gắn bó với cuộc đời mình. Đó là Lan. Người con gái cầm lá thư này.

Mai ngừng đọc giây lát. Cả nhà ngước nhìn cô gái. Bà mẹ bất giác quàng tay qua eo Lan, kéo về phía mình. Lan đang cố nén tiếng nấc, người cứ rung lên.
- Sao con lại khóc. Con đã về nhà rồi mà.
Lan và con đã có nhau trong những giây phút hiểm nghèo nhất. Chúng con yêu nhau, đã báo cáo thủ trưởng đơn vị, và họ ủng hộ cho tình cảm của chúng con. Nếu trời phật phù hộ cho giọt máu của con được đơm hoa kết trái, thì xin bố mẹ hãy đón lấy đứa cháu nội, coi như con đã về mang niềm vui cho cả nhà.
Trong vòng tay của bà mẹ, Lan òa khóc:
- Mẹ ơi. Con bất hiếu rồi. Những trận ốm ở Trường Sơn đã chưa cho con được làm mẹ. Xin bố mẹ tha tội cho con.
Người mẹ an ủi:
- Cuộc đời còn dài, con còn trẻ. Hãy chờ ngày nó về con ạ. Mai, con đưa lá thư cho mẹ xem.
Bà cầm lá thư, xoay xoay tìm một điều gì đó, rồi khuỵu xuống:
- Trời ơi. Con tôi. Con ơi, con còn sống hay đã chết. Con ơi.
Người cha cầm lá thư trong tay vợ, giơ lên xem, rồi ông rũ xuống:
- Lá thư này viết trước lá thư của thằng Miên gửi thằng Hiến.
Không khí trong nhà bỗng chốc căng ra. Lan không hiểu điều gì đã xẩy ra. Người cha của Đỉnh lập cập lục trong tủ, đưa cho Lan xem lá thư của Miên.
Lan đón lá thư từ tay ông. Những dòng chữ như nhảy múa trước mắt. Cô bỗng thấy có cái gì lành lạnh chạy dọc sống lưng. Rồi lại cảm thấy trống rỗng. Trời đất quay cuồng. Không được, bình tĩnh lại nào, Lan tự nhủ. Rồi cô đọc lại lá thư. Bỗng đôi mắt cô vụt sáng lên: Bố mẹ ơi. Anh Miên viết rằng anh Đỉnh chắc hy sinh rồi, chứ có nói anh ấy đã chết đâu.
- Con ơi. Sau khi nhận được lá thư này, bố đã hỏi thăm nhiều người, họ đều không biết. Bố đã vào tận Cục Xăng dầu hỏi. Họ bảo họ biết câu chuyện dũng cảm của Đỉnh, nhưng Đỉnh là quân của 559, nên họ không biết tình hình Đỉnh ra sao. Cầu trời nó vẫn còn sống. Nhưng mà một mình lãnh trọn trái bom từ trường thì làm sao sống được, con ơi.
- Không. Bố mẹ ơi. Người như anh Đỉnh không thể chết. Con sẽ tìm anh ấy về đây cho bố mẹ, dù phải đi đến cùng trời cuối đất hay đến những nơi bom đạn ác liệt nhất, thì con cũng phải tìm bằng được anh. Con tin anh ấy còn sống. Người như anh, không dễ gì chết được đâu bố mẹ ạ.
Nói rồi, Lan khoác ba lô đứng dậy.
- Đừng đi vội con. – Bà mẹ níu ba lô của Lan- Con đã về thì nghỉ lại nhà một tối, mai hãy đi.
Lan nói trong nước mắt:
- Con xin lỗi bố mẹ. Từ giờ phút này, con chỉ sống để tìm anh Đỉnh. Giờ nào, phút nào có thể đi được là chân con còn bước. Con sẽ găp tất cả mọi người, nếu cần, cả tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cả bom đạn, cả trời đất, cả số phận nữa, không gì có thể cướp được anh Đỉnh của con đâu, bố mẹ ơi.
- Vậy con định đi đâu bây giờ?- Người cha hỏi.
- Con chưa biết. Nhưng có lẽ nơi đầu tiên là Bộ Quốc phòng.
- Con chờ mẹ một lát- Bà mẹ mở tủ lấy ra một hộp sữa, bỏ vào túi cóc ba lô của Lan- Con cầm lấy hộp sữa này, khi nào mệt thì uống cho lại sức.
Lan ôm lấy bà mẹ. Cả hai cùng khóc. Cô cúi xuống ôm lấy bé Mai. Nước mắt nó cũng đang chảy ròng ròng.
- Nín đi em. Chị nhất định tìm được anh Đỉnh mà.


Ở Tây Trường Sơn, trời đang chuyển dần vào mùa khô. Những trận mưa thưa dần. Cả Trung đoàn lại chuẩn bị công tác thi công và vận hành cho một mùa khô mới. Một hôm, Trưởng Tiểu ban tuyên huấn người Đô Lương sang hầm Ngọc chơi.
- Chào đồng hương, có việc gì mà hôm nay rồng đến nhà tôm thế này?
- Mình vừa đi dự tập huấn trên Bộ Tư lệnh về. Vui quá, sang thăm cậu. Đã hết buồn về chuyện mất tài liệu chưa?
- Chuyện qua rồi anh. Dù sao mình cũng có lỗi mà.
- Mình lên Bộ Tư lệnh, nhiều người chúc mừng thành tích ấn tượng của Trung đoàn trong năm qua. Họ rất khâm phục Trung đoàn mình trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào, địch đã đổ quân, mà tuyến vẫn vận hành. Trung đoàn mình không chỉ bảo vệ được tuyến ống, bào vệ kho, trạm bơm, mà còn chiến đấu tiêu diệt, bắt sống địch, thu vũ khí.
- Vâng. Thành tích cũng đáng tự hào thật anh ạ. Tuy nhiên, trong chiến đấu, Trung đoàn mình cũng hy sinh hơn hai mươi người. Đó là chưa kể những người hy sinh và bị thương khi thi công và vận hành, đặc biệt ở Pha Bang. Mùa khô 1970-1971 quả là một mùa khô đáng nhớ của Trung đoàn, phải không anh?
- Một mùa khô đáng nhớ. Đúng thật. Cả Trung đoàn mình xoay như chong chóng: Chuyển tuyến sang nam sông Sê Bang hiêng, đối phó với việc địch đánh mất trạm bơm B4, rồi chiến dịch Đường 9-Nam Lào. À. Có điều này mình muốn hỏi cậu, xem ta nên thế nào?
- Việc gì mà tôi có thể được trao đổi với cơ quan chính trị đây?
- Sao cậu nói vậy. Kỳ học Nghị quyết trước, cậu đã chẳng giúp bọn mình giảng cho các Chính trị viên đại đội bài “Những vấn đề kỹ thuật ảnh hưởng đến công tác tư tưởng ở đơn vị” là gì. Việc là thế này. Hôm tập huấn, có một vị lên giảng bài, phê bình bọn mình hay nói chung chung. Thành tích đơn vị phải nêu được bằng con số cụ thể. Đặc biệt, các đơn vị liên quan đến kỹ thuật, khi nói về sáng kiến, cải tiến , phải nói rõ sáng kiến ấy làm lợi cho nhà nước bao nhiêu tiền.
- Ông ấy là người của Bộ Tư lệnh hả anh?
- Không. ở Bộ vào.
- Vậy đúng rồi. Ngoài ấy đang hòa bình, nên mọi sáng kiến đều phải tính ra hiệu quả kinh tế. Nhưng ở chiến trường, sao có thể tính như vậy.
- Cậu nói rõ hơn xem nào.
- Anh có biết câu chuyện Binh trạm 112 làm đường ống bằng lồ ô không?
- Có.
- Lúc đó 559 đang có nguy cơ bị đói vì không có xăng cho xe chạy. Xe chở xăng bị chặn đứng ở các trọng điểm. Trong điều kiện khó khăn, Binh trạm đã nghĩ ra biện pháp làm đường ống bơm xăng vượt qua núi. Thiếu ống, họ phải dùng cây lồ ô làm ống. Đó là một sáng kiến, đúng không ạ.
- Đúng.
- Kết quả là chúng ta chuyển qua trọng điểm được một trăm năm mươi tấn xăng, nhưng tổn thất dọc đường cũng phải mất chừng năm mươi tấn. Vấn đề đặt ra là: Nếu không có đường ống bằng lồ ô ấy, thì coi như một trăm phần trăm xăng qua trọng điểm bị cháy cùng xe, và sẽ có nhiều chiến sỹ lái xe hy sinh. Vậy tính hiệu quả kinh tế sao đây?
- Điều quan trọng nhất là xăng vượt qua trọng điểm, giảm thương vong. Cái giá ấy đâu có thể quy ra tiền được. Cậu thử nói cụ thể vào chuyện của Trung đoàn mình xem nào.
- Đơn giản, ví dụ như khi trạm bơm B4 bị địch đánh cháy, ta tính toán theo cách phù hợp với địa hình Trường Sơn, bơm xăng vượt trạm từ B3, bỏ qua B4, vào B5 để đưa xăng vào Q6, Q7, có thể được coi là một sáng kiến, cái khó ló cái không, đúng không ạ?
- Đúng.
- Ta đã bơm được hàng trăm mét khối xăng vào Q6,Q7 để cấp cho các binh trạm và phục vụ chiến dịch đường 9-Nam Lào. Tổng số xăng bơm vượt trạm đến được Q6 và Q7 tương đương một trăm năm mươi xe stec. Để vượt qua các trọng điểm 700. 900. Pha Bang, Thà Khống, và sự săn lùng nghiệt ngã của thằng AC-130, thì vượt biên giới mười xe, may lắm chỉ đến đích được năm chiếc. Như vậy, để có một trăm năm mươi xe stec đến các đơn vị quanh Q6, Q7, sẽ có khoảng Một trăm năm mươi xe bị đánh cháy. Trong số ấy, biết sẽ có bao nhiêu lái xe hy sinh. Vậy lấy gì để đo đếm hiệu quả kinh tế đây? Chúng ta đang sống trong chiến tranh. Mọi cái đều được đo đếm theo quy luật chiến tranh, không thể tính theo kiểu kinh tế đơn thuần được đâu anh ạ.
- Cậu nói chí phải. Mình cũng nghĩ như cậu, nhưng không lý giải rành mạch được như vậy.
 
Chỉnh sửa cuối:

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Anh cán bộ tuyên huấn đi rồi, câu chuyện vần các phuy xăng qua suối Trà Ang mà Thục đã kể lại ong ong trên đầu Ngọc. Trung đoàn bây giờ không phải là trọng điểm Trà Ang, nhưng cũng có nhiều đoạn tuyến bom có thể ụp xuống đầu bất cứ lúc nào. Vậy mà mỗi đợt vận hành, khi tuyến bị sự cố là phải rải quân lên khắp tuyến để tìm. Những lần rải quân lên tuyến như vậy, có khi vấp phải thương vong không đáng có. Ban ngày đi một nhẽ, còn ban đêm thì vô cùng cơ cực, nhất là lúc những nhóm tuần tra dính bom tọa độ. Rồi đủ thứ nguyên nhân khác gây sự cố: nước lũ, cây đổ, đá đè, một cái ngoàm bị bom giật nứt, đến lúc không chịu nổi áp suất, bục vỡ… Liệu có cách gì thông qua các số liệu vận hành, từ Sở chỉ huy, có thể khoanh được khu vực bị sự cố không? Ngọc thầm reo lên: Có thể lắm chứ. Đường đo áp suất trên tuyến cắt địa hình ở đâu, thì đó là nơi áp suất bằng không, cũng là nơi ống bị đứt. Nhưng nếu ống không đứt thì làm thế nào để khoanh được khu vực xẩy ra sự cố? Đây xem ra là một đề tài lý thú đây, nếu giải được bài toán này thì sẽ có ích lắm, thậm chí bớt được xương máu cho bộ đội. Bắt đầy từ hôm ấy, Ngọc lao vào tính toán. Mấy đêm liền thức trắng, Ngọc gầy rộc, khuôn mặt võ vàng. Có buổi sáng giao ban, Đại úy Công, Tiểu đoàn trưởng 96 vừa được bổ nhiệm Tham mưu trưởng Trung đoàn, nhìn khuôn mặt bơ phờ của Ngọc kinh ngạc: “Cậu làm sao mà trông như ở Thượng Cam Lĩnh về vậy?”. Bài toán quả thật không đơn giản chút nào. Ngọc chia sẻ với Quang. Từ hôm ấy, hai cái đầu chụm lại. Lại đưa phương án, rồi phản biện, rồi nghiên cứu các số liệu vận hành. Cho đến một hôm, Ngọc reo lên: Có lối ra rồi. Chỗ ống thủng chính là chỗ đường đo áp bị gãy. Ta sẽ đi theo hướng này chắc chắn đến đích.


Danh đã thoát hiểm cơn sốt ác tính, trở về Tiểu ban Kỹ thuật. Anh không hay vui đùa như trước, ít nói hơn, và không hay ngồi với các bạn. Có lẽ Danh muốn yên tĩnh nên mọi người tôn trọng khoảng riêng của anh. Một buổi sáng, Ngọc và Danh được gọi lên phòng làm việc của Chính ủy. Trung đoàn trưởng Lê Trọng và Trưởng Tiểu ban cán bộ cũng có mặt. Hai chàng trai cảm thấy có gì đó rất hệ trọng. Khi bước vào phòng, họ nhận được những cái bắt tay rất thân mật. Chính ủy mời họ ngồi, và nói:
- Để đáp ứng với tình hình nhiêm vụ, Bộ Tư lệnh quyết định thành lập thêm một trung đoàn đường ống mới, gọi là Trung đoàn 953, và điều động hai đồng chí sang đó làm nòng cốt về công tác kỹ thuật. Các đồng chí có ý kiến gì không?
- Chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Chính ủy trao Quyết định điều động cho hai thiếu úy. Lê Trọng nói:
- Năm qua là năm đầu tiên của Trung đoàn. Hoàn cảnh rất gian khổ, ác liệt, có nhiều vấn đề phức tạp về kỹ thuật phải xử lý. Các đồng chí đã làm được nhiều việc tốt, đặc biệt là thiết kế, thi công chuyển tuyến sang phía nam sông, đề xuất vận hành vượt trạm khi trạm bơm B4 bị địch đánh cháy. Tổng kết mùa khô, các đồng chí đều đã được khen thưởng. Riêng đồng chí Ngọc được bầu là Chiến sỹ thi đua. Tôi tin các đồng chí về đơn vị mới, tiếp tục phát huy những thành tích của mình, không hổ danh là các kỹ sư trưởng thành từ Trung đoàn đường ống 952.
- Ngọc thay mặt cho hai người, đứng dậy: Chúng tôi cảm ơn Ban chỉ huy Trung đoàn đã tạo mọi điều kiện để Tiểu ban kỹ thuật nói chung, và cá nhân chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Các ý kiến đề xuất của kỹ thuật luôn được chỉ huy Trung đoàn lắng nghe và tôn trọng. Chính điều đó làm cho chúng tôi tự tin hơn, và đã đóng góp được phần nhỏ bé của mình vào thành tích chung của Trung đoàn.
Chính ủy hướng về phía Danh:
- Đồng chí Danh mới qua một trận ốm kịch liệt, giờ này sức khỏe đã hồi phục hoàn toàn để nhận nhiệm vụ mới chưa?
Danh đứng dậy:
- Báo cáo. Tôi đã hoàn toàn bình phục. Chúng tôi xin hứa với các thủ trưởng- Nói đến đây, Danh hướng về phía Ngọc- Sang đơn vị mới, hai chúng tôi sẽ sát cánh bên nhau, hỗ trợ nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tất cả mọi người đều hiểu thông điệp mà Danh đưa ra: Mong Ngọc và mọi người khép lại câu chuyện không vui về cái đơn tố cáo.
Ngọc và danh có năm ngày để làm công tác bàn giao và hoàn tất các thủ tục cần thiết trước khi rời đơn vị. Do có việc để rơi tài liệu, Cuộc họp chi bộ cuối cùng bình xét **** viên, Ngọc không được xếp vào diện **** viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều này được ghi trong giấy chuyển sinh hoạt ****. Năm đầu tiên của Trung đoàn với bao trăn trở, cùng anh em góp sức vượt qua mọi gian khổ, ác liệt, mà phải mang theo nhận xét đó, biết là điều không thể khác, mà Ngọc vẫn chạnh buồn. Một năm làm được nhiều việc, cũng là một năm có nhiều bài học và chiêm nghiệm.

Bữa cơm Tiểu ban Kỹ thuật chia tay hai người thật bịn rịn. Họ là những người đã có nhau từ những ngày gian khổ, quần nhau với địch ở khu vực Ra Vơ, 900, 911, trọng điểm Pha Bang. Họ hát lại những bài hát Nga thường hát với nhau lúc yên bình: Chiều Maskva, Đôi bờ, Dưới cây thùy dương, và cả những bài hát của những người lính Trường Sơn. Về khuya, mấy đứa hòa bè những câu hát Nga, vào cái cảnh chia ly, nghe sao buồn da diết

Nhìn mấy cánh hoa trắng rơi
Lòng ngập ngừng nghe trái tim bồi hồi
Này cành thùy dương yêu mến
biết chăng ta vì cớ sao buồn

Lâu lắm rồi, Ngọc và Quang lại có một tối tĩnh lặng cùng nhau. Họ ôn lại những ngày gian khổ, nhưng đầy niềm vui và kiêu hãnh ở Công trường 81, công trường 181, ở Trung đoàn 952.
- Cậu sang bên ấy, chắc vất vả vì đơn vị mới- Quang tư lự
- Vất vả thì quen quá rồi. Không hiểu tuyến trong ấy có ác liệt như ở Trung đoàn mình không. Chúng nó nện mình như ở khu vực Ra Vơ, Pha Bang, đánh cháy cả trạm bơm, mà dân kỹ thuật mình chẳng chịu bó tay, thì từ nay, ta có thể gọi là dạn dày rồi đấy- Ngọc chợt nhỏm dậy đầy phấn khích- Bài toán phát hiện sự cố từ xa đã có lối ra rồi. Cậu tiếp tục đi nhé. Tuyến Trung đoàn mình đã hoàn chỉnh, chủ yếu là vận hành, nên có điều kiện áp dụng đấy.
- Yên tâm đi. Mình sẽ cố gắng. Ở Trung đoàn này, các chỉ huy đều rất lắng nghe và tôn trọng kỹ thuật. Do vậy, chắc chắn thành công.
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Chương VII

NHỮNG TRẬN BOM MỸ CUỐI CÙNG

Chỗ trú quân tạm thời của trung đoàn bộ Trung đoàn 953 đặt ở một khu rừng bằng phẳng bên bờ sông Sê la nông. Thiếu tá trung đoàn trưởng Nguyễn Đông đi một vòng kiểm tra việc ăn ở, đào hầm trú ẩn tạm của các bộ phận. Gần một tuần trèo đèo lội suối, được nghỉ lại bên một dòng sông trong xanh, tất cả mọi người trong cơ quan đều cảm thấy khoan khoái. Đông chọn một tảng đá bên dòng sông, ngồi xuống, lôi từ xắc cốt cuốn sổ công tác. Ông xem lại các nội dung đã nhận nhiệm vụ và vạch ra những đầu việc cần thiết để chuẩn bị hội ý Ban chỉ huy Trung đoàn. Bất giác, ông nhìn dòng nước đang tung bọt trắng qua các tảng đá giữa dòng sông, rồi uốn lượn chảy mãi về phía tây. Nhanh thật. Đã qua ngót một phần tư thế kỷ kể từ ngày Trung đoàn Thủ đô rời Hà Nội. Hôm ấy, trước khi lên đường, chàng trai Vệ quốc mười tám tuổi, chiếc mũ ca lô đội lệch, vai khoác súng kiêu hãnh tạt về thăm lần cuối ngôi biệt thự sang trọng phía sau Nhà thờ Cửa Bắc. Cả nhà đã tản cư theo tiếng gọi toàn quốc kháng chiến của Cụ Hồ. Lá vàng đã trút kín mặt sân. Tạm biệt ngôi nhà của tuổi thơ, tạm biệt những ngày vô tư lự của học trò trường An be sa rô. Đêm ấy, mình đã bước qua gậm cầu Long Biên, phía sau , thành phố rừng rực lửa. Tám năm kháng chiến chống Pháp, đã nếm trải bao gian khổ. Những ngày đói quay đói quắt trên rừng Việt Bắc, những ngày dầm mình ngâm nước phục giặc trên cánh đồng chiêm trũng trong chiến dịch Hà Nam Ninh. Những ngày tháng gian khổ mà không bao giờ ngớt tiếng hát giữa các đồng đội gồm toàn học sinh Hà nội, dẫu những cơn sốt rét đã làm cho họ tóc rụng , da xanh xao. Rồi những ngày căng thẳng của các đợt chỉnh huấn, chỉnh quân. Đời lính cứ trôi đi theo các cuộc hành quân. Chẳng thể ngờ rằng chàng trai khoác khẩu súng trường Mut cơ tông ngày ấy lại trở thành một sỹ quan pháo phòng không, rồi bây giờ lại chuyển sang chỉ huy một trung đoàn đường ống trên Đường mòn Hồ Chí Minh. Trung đoàn 953 này vốn là một trung đoàn pháo binh bảo vệ bờ biển của Quân khu Bốn. Nhờ được giao nhiệm vụ tham gia thi công đoạn tuyến ống 65D và 85D ở Quảng Bình, nên một số đã biết chút ít về các phụ kiện đường ống. Nhưng đó là điều kiện hòa Bình, nhiệm vụ của đơn vị chủ yếu chỉ là vác ống cho bộ đội Binh trạm 691 lắp ráp. Còn bây giờ, 953 đã trở thành một đơn vị đường ống thực thụ, phải làm mọi việc từ khảo sát tuyến, thiết kế, thi công và vận hành. Trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn đang chờ ở phía trước. Nhiệm vụ của Trung đoàn trước mắt là phối hợp với Tiểu đoàn 96 của Trung đoàn 952 thi công tiếp tuyến ống đang làm dở dang trước chiến dịch Đường 9-Nam Lào, vượt sông Sê la nông để đưa xăng vào kho Q7B ở nam sông, rồi từ đó, xây dựng tiếp tuyến đường ống đến tận sông Bạc. Nhiệm vụ thật nặng nề. Từ hôm lên đường đến giờ, hành quân tuy có vất vả, nhưng đơn vị chưa bị dính trận bom nào, nên bắt đầu có ý chủ quan. Việc đầu tiên là phải xác định cho các cán bộ chiến sỹ trong Trung đoàn tâm thế sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ ác liệt của người lính Trường Sơn, và phải luôn học tập, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ của một đơn vị kỹ thuật. Các tiểu đoàn đều đã vào vị trí. Chỉ chờ mấy cậu kỹ sư về là bắt đầu triển khai khảo sát, thi công.


Từ Trung đoàn bộ 952, Ngọc và Danh theo tuyến ống, vượt qua kho Q7, nghỉ lai ở đại đội 18. Đại đội trưởng Khóa chỉ cho họ chiếc giường của Nhạc. Khóa nói:
- Hai anh nằm tạm giường này. Sau hôm anh đi, Nhạc nó hay nhắc anh lắm. Sau khi nó hy sinh, suốt một tháng, anh em vẫn trải chiếu, gấp chăn màn để ở đầu giường như khi nó còn sống. Bữa nào cũng có một bát cơm phần nó. Nó sống nghĩa tình, và chết thật oanh liệt, ai cũng tiếc thương.
Cái hầm tiểu đội này sao bỗng quen thân với Ngọc. Pính đã trút hơi thở cuối cùng bên cạnh anh, còn Nhạc, cậu em trắng trẻo, thường xuyên chăm sóc anh, cũng đã không còn nữa. Trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, đạị đội của Khóa đã hy sinh năm người. Bây giờ, họ lại bắt đầu hối hả chuẩn bị cho một mùa khô mới, thi công, vận hành quần nhau với bom đạn. Khóa kể:
- Sau chiến dịch, vợ chồng Cha-đi vào đơn vị tìm anh. Chúng tôi nói: Nó đã đi nơi khác rồi, Cha - đi không tin, nó bảo : Thằng Ngọc ở đây chứ nó đi đâu. Nếu nó chết rồi thì bộ đội chỉ cái mộ của nó để tao đến thăm. Tôi phải giải thích rằng Ngọc là cán bộ của cấp trên xuống giúp đơn vị, xong việc là nó phải về. Nói mãi vợ chồng nó mới tin. Anh có thời gian, nên ghé qua thăm gia đình nó một chút.

Ngày hôm sau, Ngọc dẫn Danh qua thăm mộ Pính. Ngôi mộ giờ cỏ đã lên xanh. Qua mùa mưa, tán cây sau sau đã chuyển màu xanh biếc. Cả hai tần ngần trước mộ. Các anh Sinh, Lập, Tường đã ngã xuống. trên những chặng đường khảo sát tuyến gian truân cùng Tiểu ban Kỹ thuật, còn em là người đầu tiên của Tiểu ban nằm lại trên Trường Sơn. Hãy yên nghỉ em nhé. Bọn anh đang đi tiếp về hướng nam. Mong sao sẽ có ngày cả cốt, cả hồn của em được về bên sông Kỳ cùng thân yêu.
Rời mộ Pính, Ngọc đưa Danh qua thăm gia đình Cha-đi. Ngôi nhà sàn bên rẫy, làn khói mỏng mảnh đang bảng lảng trên mái. Vẫn căn nhà đó, sao hôm nay yên lặng thế này? Người vợ trẻ của Cha đi đang ngồi như vô hồn trước bếp lửa.
- Kham mun à, tao đến thăm vợ chồng mày đây. Cha-đi đâu?
- Bộ đội Ngọc ơi. Chồng tao chết rồi- Kham mun òa khóc.
- Sao lại chết?
- Nó bị sốt rét. Sốt cao lắm. Hai ngày liền không ăn gì. Tao định vào nhờ người của bộ đội Khóa ra chữa cho nó, nhưng chưa kịp đi thì nó đã chết.
Ngọc ái ngại nhìn góa phụ trẻ. Rồi đây cô sẽ sống một mình ra sao trong ngôi nhà sàn đơn độc giữa rừng. Anh nhớ lại lời của đạị đội trưởng Khóa kể: Cha Đi bảo nếu bộ đội Ngọc đã chết thì chỉ mộ của nó để tao đến thăm. Vậy mà hôm nay, chính anh lai viếng mộ của chàng trai người Lào đôn hậu ấy. Kha Mun đưa hai anh bộ đội đến ngôi mộ giữa rừng. Ngọc đặt lên mộ phong lương khô và gói đường tiêu chuẩn của mình:
- Kham Mun ơi, tao cúng cho Cha -đi. Lát nữa mày mang về nhà nhé. Tao chia buồn với mày. Bây giờ chúng tao phải đi rồi. Cảm ơn vợ chồng Kham mun đã giúp tao rất nhiều, nhất là sau khi thằng Pính chết.
Kham mun vừa khóc, vừa nói:
- Khi nào qua đây, bộ đội Ngọc nhớ qua thăm nhà tao nhé.
Ngọc nhận lời, mặc dù anh hiểu rằng con đường trở lại thật khó nói trước điều gì.


Danh và Ngọc theo một người lính cảnh vệ đến căn hầm dưới một lùm cây tán lá xum xuê. Một người trạc ngoài bốn mươi đang chăm chú làm việc bên chiếc bàn ghép bằng những thân cây lồ ô. Hai chàng trai đứng nghiêm:
- Báo cáo. Chúng tôi là Danh và Ngọc từ trung đoàn 952 sang nhận nhiệm vụ.
Người đàn ông ngẩng lên. Có thể đọc thấy ngay nét vui mừng trong mắt ông.
- Xin chào hai kỹ sư- Ông đứng dậy, bắt tay từng người- Tôi là Nguyễn Đông, Trung đoàn trưởng. Các cậu đến kịp thời quá.
Ông mời hai chàng trai ngồi, ân cần hỏi chuyện từng người. Qua câu chuyện, cả hai đều nhận ra ông đã tìm hiểu lý lịch và đặc điểm từng người.
- Hai cậu đều là con cán bộ trung cao cấp, đã dạn dày bom đạn và có nhiều kinh nghiệm trên tuyến đường ống. Trung đoàn ta là đơn vị kỹ thuật, nên trách nhiệm của các cậu sẽ nặng nề đấy. Mình đảm bảo rằng chỉ huy trung đoàn luôn lắng nghe ý kiến kỹ thuật. Gặp khó khăn gì cứ nói nhé. Cứ về Tiểu ban đi. Tôi đã thông báo cho anh em: Ngọc là Trưởng Tiểu ban rồi.
Ông gọi Trưởng ban Hành chính lên, yêu cầu đưa hai kỹ sư về khu của tiểu ban Kỹ thuật, và cấp phát những mặt hàng hậu cần thiết yếu cho họ. Vài phút tiếp xúc ban đầu đã gieo vào Ngọc thiện cảm với người chỉ huy. Cái bắt tay rất chặt của ông thật ấm áp. Vị chỉ huy này đã có tuổi mà dáng vẫn thư sinh: dong dỏng cao, nước da trắng, mái tóc bông bềnh tự nhiên. Riêng đôi mắt sâu và luôn nhìn thẳng, khiến cho Ngọc tin đây là một người từng trải và trung thực. Chắc chắn mình sẽ được làm việc trong một môi trường mà người chỉ huy cũng gắn bó với Tiểu ban Kỹ thuật như Lê Trọng và Đặng văn Thế.
Khi Ngọc và Danh đến, Tiểu ban Kỹ thuật đã có bốn người. Một chàng trai trạc ba mươi tự giới thiệu là Dương Thu, vừa tốt nghiệp khoa cơ khí động lực Đại học Kỹ thuật quân sự. Hai người là trung cấp kỹ thuật máy và một chú lính công vụ. Họ nhanh chóng làm quen với nhau. Ngay từ buổi tiếp xúc ban đầu, Ngọc và Danh đã cảm thấy thoải mái như ở Tiểu ban của Trung đoàn 952. Có lẽ suy nghĩ của các cán bộ kỹ thuật bao giờ cũng đơn giản, bởi vậy họ rất dễ trở nên thân thiết.

Tối đầu tiên ở đơn vị mới, Ngọc và Danh mắc võng cạnh nhau. Nhanh thật, mới ngày nào bước vào quân ngũ ở làng Thọ, mọi cái đều ngỡ ngàng. Rồi X42, tuyến chỉ bốn mươi hai cây số trên đất hậu phương, hàng trăm người từ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân lắp ráp lành nghề vừa làm vừa học để có được những cây số đường ống đầu tiên. Qua gần bốn năm tôi luyện trong gian khổ, và bom đạn, các kỹ sư trong nhóm “mười tám tên” ngày ấy chỉ là những sinh viên non nớt mới ra trường, thì nay, mỗi người đều có thể chủ động xác định tuyến, thiết kế, tổ chức thi công và là nòng cốt tham mưu trong chỉ huy vận hành. Ngọc và Danh không chỉ là những thành viên của “nhóm mười tám tên”, mà họ đã có nhau từ những ngày gian truân của thời sinh viên sơ tán, rồi mọi cay đắng ngọt bùi của các Công trường đường ống, của Trung đoàn 952, vậy mà họ cứ im lặng nhìn lên tán rừng thấp thoáng ánh trăng. Câu chuyện rơi tài liệu và lá đơn kiện của Danh vẫn như một cái màn ngăn cách họ. Cả hai đều muốn giật tung cái màn đó đi, nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
- Ngọc này, cậu phải tính chuyện lấy vợ đi chứ- Danh lên tiếng trước.
- Mình nay đây mai đó, sống chết chẳng biết thế nào. Vả lại tuổi còn trẻ mà.
- Hai lăm, hai sáu rồi, lấy vợ chẳng sớm đâu.
- Cậu khi vào trường đã có người yêu, học xong là cưới. Còn mình, bây giờ chưa có ai, mà mỗi ngày một vào sâu trong chiến trường thì kiếm đâu ra vợ cơ chứ.
- Phải tìm một người con gái để neo cuộc đời mình vào đấy. Người con gái ấy như bến cảng. Mình có đi đến chân trời nào, cũng có một chỗ yên bình mà trở về. Khi đã thề thốt rồi, nó không chỉ là tình cảm đâu. Nó giống như một món nợ ngọt ngào mà hai người cùng nhau mang đi suốt cuộc đời.
- Mình nhớ rồi. Có lúc cậu cũng dao động về món nợ ấy, đúng không? Mình vẫn thuộc bốn câu thơ cậu đọc cho mình từ hồi sinh viên:
Chúa Chổm xưa kia chỉ nợ tiền
Ta nay nợ cả khối tình duyên
Nợ ấy, không vay mà phải nợ
Muốn quỵt, xem ra hẳn cũng phiền.

Danh cười rất vui:
- Cũng có lúc giao động thật, nhưng nghĩ đến những ngày hàn vi, đến tình cảm thủy chung của người ta, mình lại vững tâm trở lại. Ngọc này.
- Gì cơ.
- Cậu có giận mình về chuyện cái đơn kiện không?
- Chuyện ấy mình có lỗi trước, bất cẩn và vô tâm. Còn cậu thì viết cái đơn trong trạng thái tâm thần đang bất ổn. Mình thành thật xin lỗi.
- Mình cũng mong cậu thông cảm, bỏ qua chuyện đó đi. Khi tâm thần bất ổn thì cái cảm giác bức xúc vì cảm thấy mình bị coi thường nó kích lên một cách thái quá. Lúc nghe tin cậu bị giam, mình sung sướng lắm. Bây giờ, ổn lại rồi, mình không thể nghĩ rằng đã có lúc mình đẩy bạn vào vòng lao lý như vậy.
- Nói cho công bằng thì trong chuyện này, lỗi của mình lớn hơn. Cái chuyện bị giam, rồi mất “**** viên bốn tốt”, không là gì quá đáng cả đâu. Nó cảnh tỉnh cho mình nhiều điều. Chúng mình cùng xếp câu chuyện này vào quá khứ, được không?
- Hoàn toàn nhất trí, phía trước còn quá nhiều việc phải làm.
Họ đã trở lại hoàn toàn thoải mái.
 
Chỉnh sửa cuối:

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Ngày hôm sau, Đông triệu tập các kỹ sư và sỹ quan tham mưu để triển khai nhiệm vụ. Việc đầu tiên là cùng tiểu đoàn 96 của Trung đoàn 952 thi công tiếp tuyến để vượt sông Sê la nông vào đến kho Q7B, sau đó, Ngọc sẽ chỉ huy một tổ, khảo sát tuyến từ Q7B vào Q8. Trên bản đồ, ngay bờ nam sông, tuyến ống đã vấp phải sườn núi dốc đứng, rồi sau đó, buộc phải vượt qua triền núi Phu-đô-tuya, mà đỉnh của nó cao hơn một nghìn ba trăm mét. Trung đoàn trưởng nói rằng từ hồi chiến dịch Đường 9-Nam Lào đến nay, Phỉ Lào thường hoạt động dọc theo triền núi này. Bởi vậy, khi đi khảo sát, phải mang thư của xã gửi cho các bản, người ta mới cho người dẫn đường.


Ngọc tiếp Thục trong căn hầm đào tạm của Tiểu ban Kỹ thuật để bàn việc hiệp đồng trong thi công. Đã nhiều tháng rồi, bây giờ họ mới gặp nhau. Thục vẫn vậy: đẹp trai, mặt vuông chữ điền đầy nam tính, lại ham văn thơ. Ngọc nhớ có lần đến Tiểu đoàn bộ tìm Thục, anh hỏi cô y tá tên Hà nơi ở của Thục. Cô chỉ vào căn hầm nép dưới lùm cây: Hầm anh Thục đấy. Anh làm việc với anh ấy, thì nói giúp em, đêm đừng thức khuya quá. Cán bộ tiểu đoàn không giữ sức khỏe là lính xót lắm. Nghe cái giọng đầy trìu mến của Hà, Ngọc hiểu tình cảm sâu kín của cô. Nhưng khi gặp Thục, Ngọc nhận ra rằng anh ta chẳng hề biết hay quan tâm đến cô y tá xinh đẹp kia. Mọi câu chuyện tâm tình của Thục chỉ xoay quanh một cái tên: Khanh. Cái tên ấy có lẽ len vào Thục bất cứ lúc nào có riêng thời gian cho bản thân. Những trang nhật ký nối tiếp nhau, những lời tâm sự trìu mến về người con gái mà Ngọc chưa một lần gặp mặt. Ngọc chưa từng biết đến một mối tình si mê, đơn phương như tình yêu của Thục. Không hiểu cô gái kia có thấu hết nỗi lòng của người sỹ quan nơi lửa đạn này không. Bỗng nhiên Ngọc thấy tò mò muốn biết mặt người con gái đó.

Quân của Trung đoàn 953 thi công một phần tuyến bờ Bắc sông, nhưng chủ yếu là tuyến bờ nam và kho Q7B. Thục cử một số cán bộ trung đội, đại đội và những người có kinh nghiệm sang giúp trung đoàn mới, nhất là khâu vượt sông và lắp ráp kho. Trước mắt, kho Q7B sẽ có trữ lượng năm trăm mét khối bằng bể cao su, vì loại bể này dễ chuyên chở và có thể dùng sức người khiêng vào những vị trí bí mật. Thi công kho bể cao su không phải là việc quá khó, vì đã có các cán bộ của trung đoàn 952 kèm cặp. Khó khăn và vất vả là ở việc thi công vượt qua con sông Sê la Nông đầy đá, lòng hẹp và nước chảy xiết. Phải mất hai ngày vật lộn với dòng nước xiết, họ mới đặt được ống định vị vững chắc dưới lòng sông. Qua sông rồi, lại vấp ngay một con suối lớn cũng đầy đá, rồi tiếp đến một con dốc dài và gằn đến mức ngẩng đầu nhìn lên đỉnh dốc, thế nào cũng rơi mũ. Hôm đầu tiên, mấy chú lính hăm hở vác ống leo lên, lớp đất sỏi dưới chân lở từng mảng, trơn tuột xuống. Họ không những phải làm bậc, mà còn phải buộc dây song làm lan can cho lính bám. Đã vậy, mấy hôm vác ống trời lại mưa nên lính cứ ngã oành oạch. Cả Tiểu đoàn trưởng Miện cũng “vồ ếch”, quần áo lấm bê bết. Bực quá ông ta hét lên, văng tục: “Dốc gì mà chư cái con củ c...!”. Ông hét lớn, cả đại đội đang thi công cười ồ. Từ hôm ấy, đoạn dốc này được gọi là dốc Củ C....Hôm Ngọc và Thục đến sở chỉ huy tiểu đoàn, cậu liên lạc dẫn đường cứ vô tư: “Báo cáo các thủ trưởng, qua con dốc này là đến Tôm Loi, nước chảy xiết lắm, rồi sau đó phải leo dốc Củ C..., mới đến tiểu đoàn bộ. May hôm nay trời nắng, các thủ trưởng đỡ vất vả hơn”. Cả câu nói thật nghiêm túc, mà lại có một địa danh nghe chẳng thanh chút nào. Cậu liên lạc nói đến địa danh ấy tự nhiên như nó đã được các cụ kỵ từ đời nào đặt cho.
- Sao lại có tên dốc lạ thế?- Thục hỏi.
- Báo cáo, từ hôm Tiểu đoàn trưởng của chúng em văng ra, thì con dốc ấy đã thành tên quen thuộc của cả tiểu đoàn rồi. Có hôm, Đại đội trưởng của em bị Chính trị viên tiểu đoàn xạc cho một trận vì viết cả cái tên ấy vào báo cáo: Hôm nay đại đội hòan thành kế hoạch chuyển ống. Riêng đoạn dốc Củ C... vì quá dốc nên mỗi người chỉ vác được bốn ống. Chính trị viên Tiểu đoàn bảo: Cái địa danh ấy là nói cho mọi người phân biệt, chứ sao lại tương cả vào báo cáo. Đại đội trưởng em cự lại: Vậy theo thủ trưởng, tôi sẽ phải viết thế nào? Chính trị viên tiểu đoàn bỗng nhiên cũng thấy bí: Ờ thì... cứ gọi là đoạn dốc gằn ở bờ nam suối Tôm loi. Mà thôi, cậu viết, tớ hiểu thế là được rồi.
Khi gặp Tiểu đoàn trưởng Miện, Thục mát mẻ:
- Gớm, tuyến của tiểu đoàn anh có con dốc mang tên nghe gợi cảm quá.
- Mình chỉ văng có một câu mà lính chộp ngay lấy. Bây giờ nó thành tên, sửa không được.
- Còn kịp- Thục cười, phẩy tay- Đoạn dốc này gần Q7B, lại gần sông lớn, suối lớn, rất có thể dễ xẩy ra sự cố, thậm chí có thể bị địch đánh thành trọng điểm. Lúc đó, cứ réo cái tên này mà gọi thì khéo mấy em văn thư không giám đánh máy ấy chứ. Tôi đề xuất sáng kiến này, nghe thanh cảnh mà giữ được bản quyền của anh.
- Anh định đổi tên thế nào?- Miện tò mò.
- Gọi là dốc Ông Miện.
Chính trị viên tiểu đoàn cùng ngồi tiếp khách cười phá :
- Cha này ghê thật. Giám xếp tên Tiểu đoàn trưởng ngang với cái của quý ấy. Ờ, nhưng nghĩ cho cùng thì chẳng đến nỗi nào. Nếu ông Miện đồng ý, tôi sẽ quy định lại cho anh em theo.
Miện cũng cao hứng :
- Ý hay đấy. Trưởng Ban Hậu cần đâu, mang rượu ra đãi khách.
Từ hôm ấy đến hết chiến tranh, cái tên Dốc ông Miện thực sự thành địa danh cả trong đời thường của lính đường ống, và cả trong các văn bản của đơn vị.

Khi tuyến Q7-Q7B sắp hoàn thành, Ngọc nhận nhiệm vụ khảo sát tuyến tiếp theo. Tổ khảo sát ngoài Ngọc, còn có sáu người : Giá, một cán bộ đại đội trắng trẻo, thư sinh ; Phùng, sỹ quan tác chiến đã có kinh nghiệm chiến đấu tiễu phỉ trên đất Lào ; Phú, một cán bộ trung đội ; Hồng y tá và hai chiến sĩ đi cùng, vừa bảo vệ, vừa phục vụ. Trong số đó, Phú giành được sự chú ý của mọi người hơn cả. Anh có dáng thấp, đậm, là thương binh cụt hai ngón bàn tay bên phải. Phú kể : Sau khi bị thương, tôi nhận được Quyết định phục viên. Lúc ấy đơn vị đang ở Quảng Bình, Mỹ đã ngừng ném bom Miền Bắc. Anh em bảo : Đằng nào cũng được về với vợ rồi. Tối nay ở lại uống chén rượu từ biệt anh em. Nghe chúng nó nói phải, tôi ở lại. Tối ấy, cả tiểu đội nói chuyên đến tận khuya. Sống chết có nhau trong các trận đánh ác liệt để bảo vệ bờ biển, biết bao chuyện để cùng nhau ôn lại. Sáng hôm sau, tôi đang chờ xe ở bến, cậu liên lạc đại đội hớt hải đạp xe ra, mang theo lá thư của Đại đội trưởng :
Phú ơi. Có lệnh trên : Vì phải thi công đường ống gấp nên ngừng việc giải quyết chính sách cho bộ đội. Ai đã có quyết định mà chưa về thì dừng lại. Cậu đã cầm quyết định trong tay thì có quyền về. Tuy nhiên, nếu cậu thấy có thể ở lại cùng anh em thì quay lại đơn vị nhé.
Thế là tôi quay lại. Đã trở lại quân ngũ, khi đơn vị đi B thì tất nhiên phải đi cùng anh em thôi.
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Ngày hôm sau, Đông triệu tập các kỹ sư và sỹ quan tham mưu để triển khai nhiệm vụ. Việc đầu tiên là cùng tiểu đoàn 96 của Trung đoàn 952 thi công tiếp tuyến để vượt sông Sê la nông vào đến kho Q7B, sau đó, Ngọc sẽ chỉ huy một tổ, khảo sát tuyến từ Q7B vào Q8. Trên bản đồ, ngay bờ nam sông, tuyến ống đã vấp phải sườn núi dốc đứng, rồi sau đó, buộc phải vượt qua triền núi Phu-đô-tuya, mà đỉnh của nó cao hơn một nghìn ba trăm mét. Trung đoàn trưởng nói rằng từ hồi chiến dịch Đường 9-Nam Lào đến nay, Phỉ Lào thường hoạt động dọc theo triền núi này. Bởi vậy, khi đi khảo sát, phải mang thư của xã gửi cho các bản, người ta mới cho người dẫn đường.


Ngọc tiếp Thục trong căn hầm đào tạm của Tiểu ban Kỹ thuật để bàn việc hiệp đồng trong thi công. Đã nhiều tháng rồi, bây giờ họ mới gặp nhau. Thục vẫn vậy: đẹp trai, mặt vuông chữ điền đầy nam tính, lại ham văn thơ. Ngọc nhớ có lần đến Tiểu đoàn bộ tìm Thục, anh hỏi cô y tá tên Hà nơi ở của Thục. Cô chỉ vào căn hầm nép dưới lùm cây: Hầm anh Thục đấy. Anh làm việc với anh ấy, thì nói giúp em, đêm đừng thức khuya quá. Cán bộ tiểu đoàn không giữ sức khỏe là lính xót lắm. Nghe cái giọng đầy trìu mến của Hà, Ngọc hiểu tình cảm sâu kín của cô. Nhưng khi gặp Thục, Ngọc nhận ra rằng anh ta chẳng hề biết hay quan tâm đến cô y tá xinh đẹp kia. Mọi câu chuyện tâm tình của Thục chỉ xoay quanh một cái tên: Khanh. Cái tên ấy có lẽ len vào Thục bất cứ lúc nào có riêng thời gian cho bản thân. Những trang nhật ký nối tiếp nhau, những lời tâm sự trìu mến về người con gái mà Ngọc chưa một lần gặp mặt. Ngọc chưa từng biết đến một mối tình si mê, đơn phương như tình yêu của Thục. Không hiểu cô gái kia có thấu hết nỗi lòng của người sỹ quan nơi lửa đạn này không. Bỗng nhiên Ngọc thấy tò mò muốn biết mặt người con gái đó.

Quân của Trung đoàn 953 thi công một phần tuyến bờ Bắc sông, nhưng chủ yếu là tuyến bờ nam và kho Q7B. Thục cử một số cán bộ trung đội, đại đội và những người có kinh nghiệm sang giúp trung đoàn mới, nhất là khâu vượt sông và lắp ráp kho. Trước mắt, kho Q7B sẽ có trữ lượng năm trăm mét khối bằng bể cao su, vì loại bể này dễ chuyên chở và có thể dùng sức người khiêng vào những vị trí bí mật. Thi công kho bể cao su không phải là việc quá khó, vì đã có các cán bộ của trung đoàn 952 kèm cặp. Khó khăn và vất vả là ở việc thi công vượt qua con sông Sê la Nông đầy đá, lòng hẹp và nước chảy xiết. Phải mất hai ngày vật lộn với dòng nước xiết, họ mới đặt được ống định vị vững chắc dưới lòng sông. Qua sông rồi, lại vấp ngay một con suối lớn cũng đầy đá, rồi tiếp đến một con dốc dài và gằn đến mức ngẩng đầu nhìn lên đỉnh dốc, thế nào cũng rơi mũ. Hôm đầu tiên, mấy chú lính hăm hở vác ống leo lên, lớp đất sỏi dưới chân lở từng mảng, trơn tuột xuống. Họ không những phải làm bậc, mà còn phải buộc dây song làm lan can cho lính bám. Đã vậy, mấy hôm vác ống trời lại mưa nên lính cứ ngã oành oạch. Cả Tiểu đoàn trưởng Miện cũng “vồ ếch”, quần áo lấm bê bết. Bực quá ông ta hét lên, văng tục: “Dốc gì mà chư cái con củ c...!”. Ông hét lớn, cả đại đội đang thi công cười ồ. Từ hôm ấy, đoạn dốc này được gọi là dốc Củ C....Hôm Ngọc và Thục đến sở chỉ huy tiểu đoàn, cậu liên lạc dẫn đường cứ vô tư: “Báo cáo các thủ trưởng, qua con dốc này là đến Tôm Loi, nước chảy xiết lắm, rồi sau đó phải leo dốc Củ C..., mới đến tiểu đoàn bộ. May hôm nay trời nắng, các thủ trưởng đỡ vất vả hơn”. Cả câu nói thật nghiêm túc, mà lại có một địa danh nghe chẳng thanh chút nào. Cậu liên lạc nói đến địa danh ấy tự nhiên như nó đã được các cụ kỵ từ đời nào đặt cho.
- Sao lại có tên dốc lạ thế?- Thục hỏi.
- Báo cáo, từ hôm Tiểu đoàn trưởng của chúng em văng ra, thì con dốc ấy đã thành tên quen thuộc của cả tiểu đoàn rồi. Có hôm, Đại đội trưởng của em bị Chính trị viên tiểu đoàn xạc cho một trận vì viết cả cái tên ấy vào báo cáo: Hôm nay đại đội hòan thành kế hoạch chuyển ống. Riêng đoạn dốc Củ C... vì quá dốc nên mỗi người chỉ vác được bốn ống. Chính trị viên Tiểu đoàn bảo: Cái địa danh ấy là nói cho mọi người phân biệt, chứ sao lại tương cả vào báo cáo. Đại đội trưởng em cự lại: Vậy theo thủ trưởng, tôi sẽ phải viết thế nào? Chính trị viên tiểu đoàn bỗng nhiên cũng thấy bí: Ờ thì... cứ gọi là đoạn dốc gằn ở bờ nam suối Tôm loi. Mà thôi, cậu viết, tớ hiểu thế là được rồi.
Khi gặp Tiểu đoàn trưởng Miện, Thục mát mẻ:
- Gớm, tuyến của tiểu đoàn anh có con dốc mang tên nghe gợi cảm quá.
- Mình chỉ văng có một câu mà lính chộp ngay lấy. Bây giờ nó thành tên, sửa không được.
- Còn kịp- Thục cười, phẩy tay- Đoạn dốc này gần Q7B, lại gần sông lớn, suối lớn, rất có thể dễ xẩy ra sự cố, thậm chí có thể bị địch đánh thành trọng điểm. Lúc đó, cứ réo cái tên này mà gọi thì khéo mấy em văn thư không giám đánh máy ấy chứ. Tôi đề xuất sáng kiến này, nghe thanh cảnh mà giữ được bản quyền của anh.
- Anh định đổi tên thế nào?- Miện tò mò.
- Gọi là dốc Ông Miện.
Chính trị viên tiểu đoàn cùng ngồi tiếp khách cười phá :
- Cha này ghê thật. Giám xếp tên Tiểu đoàn trưởng ngang với cái của quý ấy. Ờ, nhưng nghĩ cho cùng thì chẳng đến nỗi nào. Nếu ông Miện đồng ý, tôi sẽ quy định lại cho anh em theo.
Miện cũng cao hứng :
- Ý hay đấy. Trưởng Ban Hậu cần đâu, mang rượu ra đãi khách.
Từ hôm ấy đến hết chiến tranh, cái tên Dốc ông Miện thực sự thành địa danh cả trong đời thường của lính đường ống, và cả trong các văn bản của đơn vị.

Khi tuyến Q7-Q7B sắp hoàn thành, Ngọc nhận nhiệm vụ khảo sát tuyến tiếp theo. Tổ khảo sát ngoài Ngọc, còn có sáu người : Giá, một cán bộ đại đội trắng trẻo, thư sinh ; Phùng, sỹ quan tác chiến đã có kinh nghiệm chiến đấu tiễu phỉ trên đất Lào ; Phú, một cán bộ trung đội ; Hồng y tá và hai chiến sĩ đi cùng, vừa bảo vệ, vừa phục vụ. Trong số đó, Phú giành được sự chú ý của mọi người hơn cả. Anh có dáng thấp, đậm, là thương binh cụt hai ngón bàn tay bên phải. Phú kể : Sau khi bị thương, tôi nhận được Quyết định phục viên. Lúc ấy đơn vị đang ở Quảng Bình, Mỹ đã ngừng ném bom Miền Bắc. Anh em bảo : Đằng nào cũng được về với vợ rồi. Tối nay ở lại uống chén rượu từ biệt anh em. Nghe chúng nó nói phải, tôi ở lại. Tối ấy, cả tiểu đội nói chuyên đến tận khuya. Sống chết có nhau trong các trận đánh ác liệt để bảo vệ bờ biển, biết bao chuyện để cùng nhau ôn lại. Sáng hôm sau, tôi đang chờ xe ở bến, cậu liên lạc đại đội hớt hải đạp xe ra, mang theo lá thư của Đại đội trưởng :
Phú ơi. Có lệnh trên : Vì phải thi công đường ống gấp nên ngừng việc giải quyết chính sách cho bộ đội. Ai đã có quyết định mà chưa về thì dừng lại. Cậu đã cầm quyết định trong tay thì có quyền về. Tuy nhiên, nếu cậu thấy có thể ở lại cùng anh em thì quay lại đơn vị nhé.
Thế là tôi quay lại. Đã trở lại quân ngũ, khi đơn vị đi B thì tất nhiên phải đi cùng anh em thôi.
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Từ dòng suối lớn, không thể thấy đỉnh Phu Đô Tuya, vì cả vùng này, rừng đại ngàn còn nguyên sơ. Đường ô tô đã đi theo bờ phải con suối, vì vậy, đường ống nhất định phải đi ở bờ trái để nếu không may, đường ống bị vỡ thì xăng không tràn xuống đường ô tô. Ngọc ý thức rất rõ rằng ở Trường Sơn này, hôm nay đường đi dưới tán rừng đại ngàn mát rượi, nhưng rất có thể ngày mai hoặc tháng sau, sẽ trở thành trọng điểm bom gào đạn xé như 050, Ra Vơ, Pha Bang. Bởi vậy, cách tốt nhất là phải đưa tuyến đi cách đường ô tô càng xa càng tốt, chí ít cũng phải dăm bảy trăm mét. Như vậy, tuyến sẽ đi lưng chừng núi. Nếu không có dân dẫn đường thì không thể kịp vạch được tuyến cho lực lượng thi công. Trước khi đến đây, Ngọc đã ghé qua tà xẻng (xã) lấy được thư tay của ông Chủ tịch người Lào gửi cho bản Tà Lùng, một bản nằm trên tuyến ống dự kiến.

Tách khỏi con suối lớn, tổ khảo sát đi theo con đường mòn ẩm ướt dưới tán rừng già. Không biết cánh rừng này đã có từ bao giờ, mà cây nào cũng mấy người ôm. Ánh sáng mặt trời hầu như không xuống được. Mặt đất có mùi hăng hắc ẩm thấp rất đặc trưng. Bản Tà Lùng không một bóng người. Những ngôi nhà cháy đen và một số đồ vật cháy nham nhở lăn lóc ngổn ngang cho thấy dân chỉ mới bỏ bản chạy vào rừng chưa lâu. Theo như cán bộ xã nói thì vài tháng trước, lực lượng Phỉ Lào đã tràn qua, đốt phá các bản vùng này, phá hoại kho tàng của bộ đội 559, nhưng bị đánh trả mãnh liệt, chúng đã bỏ chạy. Tuy nhiên, đi lại phải rất cẩn thận vì địch hay rải mìn díp dọc đường. Dân bản bỏ đi rồi, biết tìm ai dẫn đường bây giờ ? Thôi đành cứ theo con đường mòn mà đi, vì con đường này vẫn nhằm vào hướng nam và thoát ly xa con suối có đường ô tô. Con đường mòn càng ngày càng hẹp. Một vài chỗ bắt đầu phải dùng dao phát những dây leo mọc chăng ngang đường. Rồi tiếp đến là con đường đầy dấu chân voi rừng. Những bãi phân voi to gần bằng cái thúng nằm rải rác trên đường. Đến gần chiều, Ngọc bắt đầu lo. Không có đường mòn thì phải đi theo phương vị. Mà đi theo phương vị thì lâu lắm, lỡ kế hoạch của Trung đoàn. Đúng lúc ấy, họ nghe tiếng gà gáy, và bắt đầu ngửi thấy mùi khói bếp. Bản dân đã hiện ra trên một bãi đất bằng phẳng, ẩn mình dưới tán rừng. Khi tổ khảo sát bước vào bản, một ông già ra chắn ngang đường. Phùng đi bên Ngọc nói nhỏ : Một số người đang chĩa súng về phía mình đấy. Ông già hỏi bằng tiếng Lào :
- Các anh đi đâu ?
May có chút vốn tiếng Lào, Ngọc đứng ra nói chuyện và phiên dịch cho mọi người:
- Chúng tôi là bộ đội Việt Nam tìm đường đến bản Soa a viêng.
Ông già ra hiệu không cho bộ đội vào nhà. Ông chỉ cái sân giữa bản :
- Bộ đội ngồi đây nghỉ đã.
Ngọc hỏi ông cụ thì biết đây chính là bản Tà Lùng mới sơ tán đến.
- Tôi có mang thư của Tà xẻng gửi Phò bản . Xin ông đọc rồi giúp bộ đội.
Bắt đầu có một số người quây quanh tốp bộ đội. Ngọc liếc thấy trên một ngôi nhà sàn, vẫn có một khẩu AK đang kín đáo chĩa về phía họ. Ông già cầm lá thư, hỏi mấy người đàn ông xung quanh. Những người này đều lắc đầu. Ông già nói :
- Ở bản này không ai biết đọc.
- Vậy tôi sẽ đọc cho bà con nghe-Ngọc nói.
Bây giờ mới thấy công phu học chữ Lào thật có ích. May thay chữ Lào là chữ ghép vần, chứ như chữ Trung Quốc thì hôm nay « đứt » hẳn. Phỉ vừa tràn qua vùng này nên dân rất cảnh giác. Ngọc cầm lá thư đọc to : Khỏ phạc hạy hoong chạu bạn Tà Lùng (Kính gửi ông Phò bản bản Tà Lùng). Những người dân đang nói chuyện, bỗng im lặng. Ngọc đọc tiếp. Anh đọc chậm, thậm chí đôi chỗ vấp, nhưng có vẻ như mọi người đều hiểu, vì sau khi anh đọc xong, mọi người tỏ vẻ hài lòng, họ quay sang trao đổi với nhau điều gì đó. Ngọc thấy có một thanh niên nhìn anh rồi nói với ông già : « Trông anh ta giống người Lào lắm ». Bất giác, anh nhìn lại mình : gầy, đen, nhất là mấy chỗ bị bỏng. Quả thật trông giống những người đàn ông Lào vất vả kiếm ăn và đi nương, đi rẫy. Ông già nhíu mày. Xem ra ông chưa tin vào lá thư đó. Biết đâu cái thằng cha gầy, đen này là phỉ Lào đang dẫn thám báo quân Ngụy Việt Nam đi trinh sát. Ông thấy trách nhiệm của mình với dân bản rất lớn. Nếu họ là bộ đội Việt nam thì không thể không giúp. Nhưng nếu là phỉ thì ngay đêm nay, tai họa có thể đến với bản. Ông lại trao đổi gì đó với mấy người đàn ông đứng tuổi, rồi nói với Ngọc :
- Chúng mày họp đi cho dân xem có giống bộ đội không.
Ngọc quay sang anh em :
- Bà con đã hiểu lá thư Tà xẻng gửi xuống, nhưng họ chưa thật yên tâm, vì vùng này Phỉ đang hoạt động mạnh. Họ yêu cầu ta họp xem có giống bộ đội họp không. Có lẽ đó mới là đặc điểm dễ nhận diện bộ đội Việt Nam nhất. Ta cứ trách nhau họp nhiều, té ra bây giờ cuộc họp lại là cứu cánh cho anh em mình. Tôi sẽ chủ trì họp. Cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ tình trạng khó khăn này. Tôi đề nghị mọi người xem đây là một cuộc họp nghiêm túc. Phải thật thoải mái, không được căng cứng, bà con sinh nghi.
Mấy sỹ quan trong tổ bắt đầu rút sổ tay và bút ra ghi chép. Ngọc mở đầu :
- Thưa các đồng chí. Tính đến hôm nay, ta đã qua hai ngày khảo sát. Tuyến đường đi men sườn núi Phu Đô Tuya. Đây là một tuyến rất khó khăn. Rừng rậm, địa hình hiểm trở, lại là địa bàn Phỉ Lào đang hoạt động. Từ đây đến bản Soa a Viêng còn xa, mà bà con thì chưa sẵn sàng dẫn đường cho chúng ta. Tiến độ khảo sát có nguy cơ bị chậm. Chúng ta thử bàn xem nên giải quyết thế nào ?
Phùng giơ tay, Ngọc nói :
- Mời đồng chí Phùng.
- Sau khi anh Ngọc đọc lá thư của tà xẻng, xem ra bà con bắt đầu tin. Anh Ngọc có chút tiếng Lào, cố gắng thuyết phục. Ta nhắc được tên ông Bun Xủn, cán bộ xã đã ký thư, họ sẽ tin hơn một chút chăng.
Giá giơ tay, được Ngọc đồng ý, anh nói :
- Tuy bà con chưa tin, ta vẫn nên cố gắng làm dân vận. Có thể biếu họ một ít đường sữa, lương khô. Vừa tỏ thiện chí, nhưng điều quan trọng hơn là họ thấy rõ những thứ ta được trang bị là của bộ đội Việt Nam.
Mỗi người một ý kiến. Họ đều giơ tay, và chỉ khi được Ngọc cho phép, họ mới nói. Có những ý kiến thực ra chỉ để tạo không khí. Cuối cùng, Ngọc nói đôi lời kết luận. Cuộc họp diễn ra mười lăm phút. Ngọc quay sang ông Phò bản :
- Chúng tôi họp xong rồi.
Ông già gật gù :
- Bây giờ thì tao tin chúng mày là bộ đội Việt Nam rồi. Ông chỉ căn nhà to nhất :
- Tối nay bộ đội ngủ trong nhà kia. Mai tao sẽ cho dân quân dẫn đường.
Ngọc nói mọi người góp lương khô, túi sữa bột, đưa cho ông già:
- Cái này bộ đội cho người già và trẻ con.
Ông già cảm ơn. Nét hài lòng hiện lên trên khuôn mặt khắc khổ của ông. Theo yêu cầu của ông, chủ nhà đã tạo điều kiện cho tổ khảo sát nấu cơm, thậm chí còn cho bộ đội một trái bí xanh.
 

le minh hieu

Xe hơi
Biển số
OF-25089
Ngày cấp bằng
1/12/08
Số km
102
Động cơ
491,320 Mã lực
bác viết hay quá em tặng bác li rượumong bác sớm viết tiếp.
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Tối hôm ấy, trước khi ngủ, Phùng nhắc vẫn cần kín đáo cắt nhau thức gác. Anh ra hiệu, Ngọc nhìn xuốn sân: gần nơi bậc thang lên nhà sàn, có một người đàn ông khoác AK đang đứng sau gốc cây. Rõ ràng, họ chưa hoàn toàn yên tâm khi có một toán người mang vũ khí xuất hiện ở nơi thâm sơn cùng cốc này của họ. Ngược lại, với Tổ khảo sát, thì đây là vùng phỉ đang hoạt động, nên cũng phải đề phòng mọi bất trắc.
Một đêm yên tĩnh trôi qua. Hôm sau, sau bữa cơm sáng, ông phò bản dẫn sang ba người. Hai trung niên đeo AK và một ông già. Hình như ông già sẽ là người dẫn đường.
- Ba người này sẽ dẫn bộ đội đi. Nhưng trước khi đi, mày viết cho tao cái giấy.
- Giấy gì thưa cụ?
- Giấy cam đoan chúng mày là bộ đội Việt Nam.
Ngọc không giám cười trước đòi hỏi của ông cụ. Anh cẩn thận xé từ sổ công tác một tờ giấy, viết nắn nót:
Ngày…tháng 11 năm 1971
Chúng tôi là bộ đội của Đoàn 559, đi tìm đường đến bản Soa a viêng. Chúng tôi đi có mang theo thư của Tà xẻng gửi Phò bản bản Tà Lùng, nhưng bà con ở đây rất cảnh giác, chưa thật hoàn toàn tin chúng tôi. Tôi cam đoan chúng tôi không phải là Phỉ. Nếu chúng tôi là Phỉ, chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tôi viết giấy này để Phò bản yên tâm cử người dẫn đường chúng tôi.
Thay mặt anh em trong Tổ khảo sát.
Vũ Ngọc

Ông già cầm tờ giấy của Ngọc bỏ vào túi và nói ba người dẫn bộ đội đến bản Soa a viêng. Từ ngày khảo sát tuyến trên đất Lào, những khi cần người dẫn đường, Trưởng bản thường chỉ cử một người. Vậy mà lần này có tới ba người, trong đó có hai người mang vũ khí. Có thể dân chưa tin hẳn tốp bộ đội này, cũng có thể họ làm như vậy, đề phòng khi trở về gặp Phỉ. Ông già dẫn đường nói:
- Trên đường này hay có mìn díp của Phỉ. Vì vậy, người đi đầu phải là bộ đội. Tao đi sau chỉ đường thôi. Bộ đội chết có người bổ sung. Tao đi trước, chết thì khổ vợ con.
Lời cảnh báo của ông già đã đặt ra một tình huống mới. Mìn díp là loại mìn sát thương bộ binh. Nó chỉ làm cụt chân người. Nếu đi trên đường này, ai không may dẫm phải mìn thì cũng khó sống, vì từ đây, không biết đi bao lâu mới đến được bệnh viện. Phùng nói:
- Tôi quen đất Lào rồi, để tôi đi trước cho.
Giá gạt đi:
- Tôi thuộc loại nhanh tay nhanh mắt, để tôi đi đầu. Tôi sẽ có cách để chúng ta không thể dẫm phải mìn. Ta đi thôi.
Không chờ mọi người có ý kiến, Giá bẻ một cành cây mềm, vừa đi vừa khua đám lá khô trên đường. Qua nửa giờ, chỉ đi được vài trăm mét, Phùng nói:
- Cái sáng kiến này xem ra chưa ổn. Bây giờ thế này: Tôi đi đầu, tôi sẽ để ý mỗi bước chân. Tôi đặt chân vào đâu thì người sau đặt đúng vào chỗ ấy. Nếu không đặt đúng vào vết cân của tôi, thì không được đặt chân vào chỗ có biểu hiện của đất mới, chúng có thể vùi mìn dưới đó, và không được đặt chân vào đám lá khô.
Theo cách của Phùng, tốc độ đi đã khá hơn, nhưng vẫn rất chậm. Dần dần, cảm thấy có vẻ như không có mìn trên đường, bước chân mạnh dạn dần lên. Đi chừng hơn một giờ, ông già nói với Ngọc:
- Từ đây chỉ có một đường. Bộ đội cứ theo đường này là đến bản Soa a Viêng.
- Nhưng Phò bản nói với tôi là ông dẫn chúng tôi đến bản Soa a Viêng ?
- Không. Phò bản bảo chỉ dẫn đến chỗ còn một đường thôi.
Gay thật, rừng núi mênh mông thế này, chỉ cần gặp một ngã ba là không biết đi đường nào. Có lẽ ông già này ngại đi tiếp. Bực quá, Ngọc nói
- Chạu vảu tủa! (ông nói dối)
Lập tức mặt ông già đỏ lự. Ngọc nhận ra sự dận dữ mà anh chưa bao giờ thấy ở những người Lào từng gặp. Ông túm mái tóc bạc trên đầu, giật dật, nói một hơi, Ngọc không kịp nghe, chỉ bập bõm hiểu rằng: Đầu tao đã bạc thế này mà tao lại nói dối mấy thằng trẻ con chúng mày à. Ngọc bỗng thấy ân hận. Đây đâu phải lần đầu người dân Lào dẫn đường dẫn anh đến giữa đường rồi nói: tè ni pay thang điều (từ đây chỉ có một đường). Và đã bao giờ mình lạc đâu. Huống chi, từ hôm qua đến giờ, dân bản Tà Lùng giúp bộ đội mà trong lòng bán tín bán nghi. Phải xin lỗi ông già thôi. Nhưng mà, xin lỗi nói thế nào nhỉ? Sao học tiếng Lào, lại không học từ xin lỗi? Té ra, khi học tiếng của bất cứ dân tộc nào, hai từ “cảm ơn” và “xin lỗi” đều là những từ đầu tiên cần học. Ngọc không biết làm sao, đành chắp tay hướng về cụ già và nói: “Khóp chảy” (cảm ơn). Xem ra, ông cụ vẫn chưa nguôi cơn giận. Ông cùng hai người quay về lối cũ. Còn tổ khảo sát thì cứ theo con đường mòn đi tiếp.
Khi chiều sắp tắt nắng, tổ khảo sát đến bản Soa a viêng. Chắc dân đã bỏ đi từ lâu. Những ngôi nhà sàn, mái tranh đã sập, cỏ mọc lút vườn và lối đi. Họ ngồi nghỉ trên một phiến đá lớn. Bỗng một cậu cảnh vệ chỉ vào đám cỏ:
- Các anh ơi, có cái gì như hộp thuốc lào kìa.
Phùng thảng thốt:
- Mìn díp đấy. Đừng động vào. Mọi người ngồi im, theo sự chỉ dẫn của tôi nhé.
Phùng cầm một cái que, nhẹ nhàng gạt cỏ và lá xung quanh, phát hiện thêm hai trái mìn nữa. Anh thận trọng nhặt từng trái bỏ xuống một cái hố. Sau đó, anh quan sát địa hình, rồi chỉ vào hai cái cây nhỏ, thân chỉ bằng cổ chân, nói với hai chú lính:
- Đến hai cái gốc cây, tìm quanh bán kính một đến hai mét, có thể có mìn đấy. Nhớ đi phải thận trọng từng bước chân.
Nói rồi, đích thân anh đi tiếp theo con đường mòn đến đầu bản. Quả nhiên họ đã phát hiện ra bốn quả mìn nữa: Dưới hai gốc cây hai trái, và trên con đường vào bản hai trái. Họ chất tranh khô vào cái hố và đốt, cho đến khi nghe đủ bảy tiếng nổ. Phùng chỉ một đám đất trống:
- Ta sẽ hạ trại ở đấy. Phải dọn sạch con đường xuống suối lấy nước. Từ nay, anh em phải đi rất cẩn thận nhé.
Ngọc hỏi Phùng đầy thán phục:
- Sao anh giỏi thế, chỉ chỗ nào có mìn là trúng phóc.
- Kinh nghiệm thôi mà- Phùng cười hiền- Bọn phỉ nó tính kỹ lắm. Loại mìn díp này chỉ làm cụt chân, chứ không chết. Một người trúng mìn, thì phải thêm bốn người khiêng thương binh. Như vậy, một người bị, thì tác hại của nó có thể nhân lên năm lần. Khi một người bị, mọi người sẽ xúm vào cấp cứu. Vậy sẽ rất hiệu quả nếu rải mấy quả mìn quanh một chỗ, thế nào cũng nhiều người bị dính. Giữa rừng khiêng thương binh bằng cách nào? Tất nhiên là cáng bằng võng. Muốn cáng võng phải có đòn khiêng. Vậy quanh khu vực này, lấy đâu ra đòn khiêng? Hai cái cây ấy đấy. Chặt nó làm đòn khiêng thì còn gì bằng. Một trái mìn ở gốc cây, sẽ thêm anh chàng chặt đòn khiêng thành nạn nhân. Bây giờ khiêng thương binh đi đâu? Tất nhiên không thể theo con đường chúng mình vừa đi, mà phải theo con đường này đi tiếp xuống núi. Vậy còn gì tốt bằng rải thêm vài trái trên đường cáng thương. Điều tôi vừa nói với anh cứ như sách vở. Nhưng lính tiễu phỉ mà không có kinh nghiệm là dễ bị ăn đòn lắm.
Thật may mắn cho tổ khảo sát có người đầy kinh nghiệm như Phùng, nếu không, hôm nay không biết điều gì sẽ xẩy ra.

Bản Soa a viêng nằm ở lưng chừng núi Phu Đô tuya, nhưng địa hình lại khá bằng phẳng. Rừng già quanh bản còn nguyên sơ. Bởi vậy, nếu đặt ở đây một kho xăng bằng bể cao su, sẽ giữ được bí mật. Từ độ cao này, có thể đặt bãi cấp phát cách xa vài ba cây số để cấp theo nguyên lý tự chảy. Như vậy, nếu không may xe ra vào làm lộ bãi cấp phát thì kho vẫn an toàn. Đây thật là một vị trí lý tưởng. Cả tổ khảo sát mừng lắm. Chỉ trong một ngày, họ đã xác định xong vị trí của các hầm chứa bể cao su. Ngày hôm sau, từ bản Soa a viêng, họ theo lối mòn xuống núi, và thật dễ dàng tìm được một khu vực kín đáo làm bãi cấp phát. Bãi cấp phát này cách kho ba cây số, đi dưới tán rừng già, cách đường ô tô chừng một cây số. Quy ước đặt tên kho là Q8, và bãi cấp phát là Q8Z


Đúng như nhận định của chỉ huy Trung đoàn 953, chỉ sau vài tháng mùa khô, đoạn đường ô tô dưới chân núi Phu đô tuya đã bị đánh phá dữ dội. Rất may, hầu hết bom đánh ở bờ phải suối, còn bờ trái, nơi tuyến đi cheo leo trên sườn núi, ẩn mình dưới tán rừng già thì vẫn giữ được bí mật. Mặc dù vậy, Trung đoàn vẫn không tránh được tổn thất. Ô tô chỉ có thể đổ ống ở bờ suối, bộ đội phải vác ống vượt qua suối, rồi leo ngược dốc hơn nửa cây số để đưa ống vào tuyến. Một số chiến sỹ đã hy sinh vì bom bi và bom tọa độ. Khi khảo sát ở bản Soa a viêng, nhờ kinh nghiệm của Phùng nên an toàn, nhưng khi thi công, hai chiến sỹ dẫm phải mìn díp.
Đầu mùa khô 1971-1972, trên tuyến Trường Sơn càng vào sâu càng đói, Lính cơ quan ba lạng gạo mỗi ngày, lính thi công khá hơn: năm lạng. Sức trai trẻ, lại phải vác ống ngược dốc nên bộ đội xuống sức rất nhanh, bệnh tật cũng từ đó mà phát tác nhiều.
Một ngày nắng đẹp, trên đường ra kiểm tra thi công, Ngọc gặp một chiếc cáng đi ngược chiều. Người nằm trên cáng không chịu nằm yên, mà cứ la hét, dãy dụa. Khi đi ngang qua Ngọc, anh ta ngồi hẳn dậy, gọi to:
- Anh Ngọc đấy à. Nhận ra tôi không? Phú đây.
Đúng là Phú, người thương binh đã cùng anh đi khảo sát truyến vượt Phu Đô Tuya. Anh ta huơ huơ bàn tay cụt hai ngón vẫy Ngọc:
- Lại đây nói chuyện với tôi một lát.
Nói rồi, Phú nhất quyết đòi tụt xuống võng. Câu y tá đại đội nói với Ngọc:
- Anh ấy bị sốt rét ác tính, đã chuyển sang thể tâm thần, chúng tôi phải đưa đến bệnh xá trung đoàn. Anh ấy sốt cao lắm, nhưng nhất quyết không chịu nằm võng. Nếu được, anh lựa lời khuyên anh ấy giúp chúng tôi.
Ngọc sờ lên trán Phú, nóng hầm hập. Với nhiệt độ này, chắc mình đã bước đi lẩy bẩy rồi. Vậy mà Phú cứ nói không ngớt, nói rất to. Ngọc nói:
- Anh Phú chịu khó nằm lên võng để anh em đưa vào bệnh xá. Tôi sẽ vừa đi, vừa nói chuyện với anh.
Nhờ vậy mà Phú chịu nằm võng. Nhưng anh cứ nói luyên thuyên. Từ chuyện bắn tàu chiến, đến chuyện thi công đường ống, rồi chuyện vợ con ở quê nhà. Những câu nói bắt đầu vô nghĩa và không ăn nhập với nhau. Khi bác sỹ bệnh xá trưởng nhận bênh nhân, Ngọc chào Phú để ra tuyến.
- Anh chịu khó điều trị cho khỏi, chiều về, tôi sẽ trở lại thăm anh
Phú nắm lấy tay Ngọc giật giật:
- Ờ... Ờ..nhớ về đây nói chuyện với tớ cho vui nhé. Mà cậu là ai mà trông quen quá.
- Tôi là Ngọc, cùng đi khảo sát tuyến với anh đến bản Soa A Viêng đây- Ngọc nắm lấy bàn tay hầm hập nóng của Phú, và kinh ngạc khi nhìn thấy đôi mắt của Phú bắt đầu dại đi, đờ đẫn.
Buổi chiều, khi Ngọc trở lại bệnh xá, viên bác sỹ buồn bã:
- Cậu Phú đi rồi. Mới cách đây gần một giờ. Anh em đang chuẩn bị mai táng.
Ngọc nhào sang buồng bệnh, nơi Phú đang nằm. Anh thiêm thiếp như người đang ngủ. Ngọc ngồi xuống, nắm lấy bàn tay đã cụt hai ngón, lạnh ngắt. Phú ơi. Phải chăng chết đã định số rồi. Giá như hôm ấy ở bến xe, anh cứ dứt khoát trở về quê, thì hôm nay anh đang vui vầy cùng vợ con. Nhưng mà, cái chết này là cái chết của người có chí làm trai. Anh hãy ra đi cho thanh thản. Những người lính ngã xuống trên Trường Sơn này đâu có kể thiệt hơn. Họ đều giống nhau: Mang chí trai trở về với đất.
 
Chỉnh sửa cuối:

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Phải mất hai tháng cật lực, trung đoàn 953 mới hoàn thành tuyến đến Q8Z. Ngay từ khi hình thành đường ống trên tuyến Trường Sơn, việc tổ chức cấp phát xăng bằng nguyên lý tự chảy đã được áp dụng ở hầu hết các kho. Từ mùa khô 1971-1972, việc thiết kế tự chảy tiến thêm một bước: Khi thiết kế, cố gắng chọn địa hình để bãi cấp phát xa kho chứa khoảng một cây số trở lên. Làm như vậy, ngay cả khi bãi cấp phát xăng bị B52 đánh thì kho vẫn an toàn. Bãi cấp phát Q8Z là bãi cấp phát đầu tiên thể hiện được ưu việt đó. Xăng vào Q8Z có nghĩa là thêm ba mươi cây số nữa sâu vào mặt trận, có nghĩa là những chiếc xe stec và xe cõng các phuy xăng khỏi phải vượt qua một số trọng điểm đánh phá ác liệt; Có nghĩa là các binh khí kỹ thuật và hàng hậu cần vào chiến trường thuận lợi hơn. Trong ngày vui xăng đến Q8Z, Trung đoàn nhận được điện biểu dương của tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên.

Sở chỉ huy của Trung đoàn bộ 953 đóng ở phía nam Q8Z. Từ đây, Trung đoàn có thể chỉ huy vận hành các tuyến đã thi công xong, đồng thời chỉ huy phát triển tuyến sâu tiếp vào phía nam. So với Trung đoàn 952, tuyến của Trung đoàn 953 ít hơn những trọng điểm hủy diệt như Pha Bang, nhưng sự đánh phá của máy bay Mỹ vẫn ác liệt, đặc biệt là sự săn lùng của máy bay AC-130. Những chiếc xe stec sức chở bốn mét khối vận chuyển xăng từ kho đường ống đến các đơn vị, chỉ sau vài tháng gần như phải thay mới hoàn toàn. Trung đoàn 953 hình thành vào cuối mùa mưa. Vào sâu trong Trường Sơn, việc vận chuyển khó khăn nên ăn uống kham khổ. Những thương bệnh binh từ các chiến trường phía trong ra theo các tuyến giao liên gầy gò, xanh xao, nhiều người bước đi run rẩy vì ốm và vì đói. Bữa cơm của họ là một vài lưng bát cơm gạo hẩm. Thức ăn chỉ là một chút mắm kem. Rau tàu bay là thứ chủ lực để ăn no. Nhưng rau tàu bay đâu phải nơi nào cũng có. Trong đội hình quân ra, có những em chỉ ở tuổi thiếu niên. Chắc các em là những người có thành tích trong chiến đấu hoặc con em cán bộ được đưa ra Bắc để học. Chúng cũng đói, và có đứa cũng sốt rét như người lớn, nhưng có lẽ niềm vui được ra Miền Bắc lớn quá, lại trong độ tuổi vô tư, nên cái đói không ngăn nổi tiếng cười và nét rạng rỡ trên khuôn mặt. Đến trạm giao liên, sau khi mắc võng xong, là chúng rủ nhau đi tìm cái ăn. Cuối mùa mưa, măng dọc đường giao liên hầu như không còn. Chúng lay những thân tre, lồ ô chưa bung lá để cái ngọn gãy xuống, rồi tỷ mẩn bóc lớp vỏ bên ngoài, lấy dao cắt những khúc non ở sát mắt. Mỗi mắt như vậy, có khi chỉ được ít mẩu bằng đốt ngón tay, nhưng gom lại cũng được nồi măng nho nhỏ luộc ăn xì xụp. Có em mang theo cả súng cao su bắn chim. Chỉ cần một chú chim chích nhỏ là có thể có một bữa ăn “thịnh soạn”.
Cái đói cũng theo chân những người lính đường ống. Sức trẻ ba lạng gạo một ngày, lại chẳng có thức ăn gì ngoài mắm kem. Mặc dù rất bận rộn, Ban Kỹ thuật cũng phải cắt cử nhau chăm sóc vườn rau , vào rừng kiếm thêm củ mài và cắt những cây măng già muộn mằn để tăng thêm thực phẩm. Có lần, Thu đi tuyến về, khệ nệ vác một bao gạo, đặt xuống sân Tiểu ban, vô cùng đắc ý:
- Đại tiệc đây. Đại tiệc đây!
Mọi người chạy ra xem. Trời ơi, giữa lúc đói kém, mà kiếm đâu ra bao gạo trắng muốt thế này. Thu giải thích:
- Cánh lái xe vứt lại bên đường. Chắc bao gạo để gần thùng xăng, xăng ngấm vào gạo nên các vị ấy chê. Ta sẽ tìm ra cách để khắc phục. Một bao gạo thế này, nỡ nào lại vứt đi.
Lúc này mọi người mới nhận ra mùi xăng bốc nồng nặc từ bao gạo. Cả Tiểu ban lấy tăng, lá chuối rừng trải ra sân phơi , hy vọng mùi xăng sẽ bay đi, gạo sẽ ăn được. Phơi hai nắng, gạo khô rang mà vẫn nồng nặc mùi xăng. Không sao, có thể khi nấu thành cơm, thêm một lần nữa mùi xăng sẽ giảm bớt. Khi cơm chín, mở vung ra thì không ai có thể đứng gần nồi cơm được. Mùi xăng thốc vào mũi khiến mọi người nôn ọe. Thế là đành bỏ bữa đại tiệc.

Giữa rừng Trường Sơn, sốt rét như là một nghĩa vụ của người lính, Bồi thêm vào đó, cái đói làm giảm sức đề kháng của mỗi người. Ba kỹ sư thay nhau sốt. Ai cắt sốt lại ra tuyến. Danh và Ngọc đã quen khảo sát tuyến, còn Thu, là kỹ sư cơ điện, lại mới ra trường nên việc khảo sát và định tuyến vất vả hơn. Có những đêm, nghe tiếng mưa xối ào ào trên mái nhà, rồi xen vào đó là tiếng bom B52, bom tọa độ, Ngọc bứt rứt lo lắng. Đang khảo sát tuyến mà sốt rét thì cực lắm. Mấy hôm trước, khi đang tìm tuyến qua một vùng núi đá hiểm trở thì Ngọc đùng đùng lên cơn sốt. Mấy người trong tổ đã mang giúp súng và bao gạo, riêng ba lô, Ngọc kiên quyết tự mang, vì trên địa hình hiểm trở thế này, ai đeo hai ba lô thì không thể đi được. Trời mưa khiến vách đá trơn hơn. Phải cố mà đi, vì nếu kẹt lại giữa vách núi thì rất nhiều điều bất lợi. Ngọc bặm môi, lẩy bẩy lần theo vách đá, cho đến khi anh cảm thấy trời đất quay cuồng. Trong cơn sốt, Ngọc nhận ra mình đang rơi xuống vực. Anh nhận ra tiếng hét của đồng đội, và quanh mình, tiếng cành cây gãy rào rào. Thật may, chiếc mũ cối đã bảo vệ cho cái đầu, và ba lô đã bảo vệ để các cành cây không xuyên vào lưng. Khi hoàn toàn tỉnh táo trở lại, Ngọc nhận ra mìnhđang nằm trên ngọn cây bống báng, và đồng đội đang lần xuống vách đá, dìu anh lên. Nghĩ đến chuyện ấy, Ngọc bỗng thấy thương Thu quá. Thu mới cắt sốt được ít ngày, mưa lạnh thế này, lỡ ra cơn sốt lại tái phát. Biết đâu bây giờ, nó đang nằm run rẩy dưới mái tăng. Suốt ngày chui bụi, xuyên rừng, quần áo của mấy anh em trong Tiểu ban Kỹ thuật thường bị gai cào rách. Lội suối trèo đèo liên tục, chỉ một tháng là tan một đôi giầy vải, Cái mũ cối trên đầu là một báu vật. Nó không chỉ che mưa, che nắng, làm ghế ngồi lúc nghỉ chân, mà nó còn như một thứ bảo hộ khi không may vào vùng đánh phá, đất đá rơi rào rào quanh mình. Thậm chí có lúc nó trở thành gầu tát nước bắt cá. Bởi vậy, chẳng mấy chốc chiếc mũ cối của mấy chàng kỹ sư và nhân viên khảo sát trông đã xác xơ. Lớp vải bọc sờn rách, để lộ ra lớp cốt mũ màu nâu bóng loáng. Chỉ mấy thằng với nhau đi trong rừng thì chẳng ai để ý. Nhưng mỗi lần phải đi qua khu vực mấy cô Thanh niên Xung phong đang làm đường thì ngại quá: Nhìn mấy anh chàng đeo súng ngắn, xắc cốt hẳn hoi, vậy mà lỉnh kỉnh bao gạo vắt vai, cái xoong quân dụng đen sì úp lên ba lô, quần áo sờn bạc, mũ cối tướp táp, các cô buông lời chọc ghẹo:
- Tau đố tụi bây, mấy anh ni là sỹ quan hay lính?
- Tất nhiên là sỹ quan rồi. “Đài đeo bên hông, súng lục sau khu”. Nỏ sỹ quan thì là chi?
- Các anh ơi, cho chúng em đi theo, mang nồi nấu cơm cho.
Các cô nhao nhao, thậm chí có cô còn đứng chắn ngang đường :
- Bây ơi. Lấy được cán bộ ni làm chồng thì chắc thương vợ con lắm đó!
Đến đây thì các cô cùng cười ngặt nghẽo, còn mấy chàng khảo sát thì tai đỏ lừ, vượt nhanh thoát khỏi đám Thanh niên Xung phong, vì họ nhận ra mình đang nhếch nhác quá. Nói vậy, nhưng chính những lần “đụng độ” ấy cũng nẩy sinh những mối tình. Cậu Huỳnh, người thành phố Vinh, cán bộ Tiểu ban Kỹ thuật trung đoàn 952, qua một lần như thế đã yêu được một cô Thanh niên Xung phong xinh như mộng.
Một chiều, từ tuyến trở về, đến gần nhà Trung đoàn trưởng, tiếng ac mô ni ca trầm trầm của Trung đoàn trưởng Đông giữ chân Ngọc lại. Tiếng nhạc phảng phất buồn với tiết tấu chậm, có cái gì đó thật da diết. Thời sinh viên, Ngọc đã cùng các bạn hát bài này khi sơ tán bên sông Kỳ Cùng:
Ai về thủ đô tôi gửi vài lời
Tây hồ mờ xa là nhà tôi đó
Ai về thành đô tôi gửi vài lời
Cho nhẹ lòng tôi năm tháng khôn nguôi

Bài hát của những người lính là học sinh Hà Nội thời kháng chiến chống Pháp. Đây không phải lần đầu Ngọc được nghe tiếng ac mô ni ca của Trung đoàn trưởng. Thường tiếng ac mô ni ca hay tấu các bản nhạc tiền chiến như Thiên thai, Suối Mơ, Đêm đông…Vốn là học sinh Hà Nội gốc, ham văn nghệ thể thao nên tác phong Trung đoàn trưởng Đông lúc nào cũng nhanh nhẹn, vui vẻ. Tuy vậy, vẫn có thể đọc thấy trong sâu kín của ông, có những tâm tư không nói ra được. Những tâm tư thường thấy ở các cán bộ có học, nhưng thành phần gia đình thuộc diện “không cơ bản”: dân buôn bán, tư sản, tiểu tư sản, hoặc có liên quan đến quan lại. Họ sẵn sàng xả thân trên chiến trường, họ thực sự có năng lực trong công việc, nhưng rất ít người trong họ đựơc trọng dụng. Họ có những cách sống khác nhau. Người thì thu mình lại, cố gắng không làm gì để mếch lòng cấp trên, hoặc tránh để người ta có thể quy kết mình về quan điểm giai cấp. Lại có người ngang tàng theo cách kẻ sỹ. Bất cần. Tôi đi kháng chiến là để đánh đuổi xâm lược, chứ không phải theo một thiên kiến nào. Bởi vậy, tôi sống đúng theo cái gì vốn có của tôi. Trung đoàn trưởng Đông thuộc loại thứ ba: Sống phải chăng, không khiên cưỡng, nhưng cũng biết cách bảo vệ quan điểm của mình. Chỉ sau một thời gian ngắn, Ngọc cảm thấy con người Đông thật dễ gần gũi. Đông rất thương lính. Những lúc đi kiểm tra tuyến, Ông cùng anh em trải mọi mỗi gian truân. Cái gì thuộc tiêu chuẩn của chỉ huy, ông đều chia sẻ cho mọi người. Khi thiếu ăn, ông yêu cầu tất cả các bộ phận đều phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Mọi người bất ngờ khi thấy Trung đoàn trưởng, dân Hà Nội mà cuốc đất phăm phăm. Trung đoàn trưởng gương mẫu thế, không sỹ quan nào giám vin lý do bận rộn mà sao nhãng tăng gia. Nhờ vậy, bữa ăn của bộ đội được cải thiện đáng kể. Điều mừng nhất với Ngọc là, cũng như Lê Trọng và Đặng Văn Thế, Đông rất quan tâm đến đội ngũ kỹ thuật. Tiếng nói của kỹ thuật trong các buổi giao ban luôn luôn được Trung đoàn trưởng lắng nghe. Nhiều cán bộ tiểu đoàn đã có tuổi được điều động từ Trung đoàn 952 sang. Họ là những người đầy kinh nghiệm thi công và vận hành trong điều kiện gian khổ ác liệt, nên có ý xem thường cán bộ kỹ thuật trẻ, ông đã nói thẳng: Đường ống là một hệ thống hoạt động theo nguyên tắc liên hiệp, dây chuyền, đồng nhất, nên không ai ngoài sở chỉ huy có thể đưa ra các quyết định hợp lý cho toàn hệ thống. Nói vậy, nhưng ông vẫn hiểu sự bướng bỉnh của các sỹ quan dạn dày trận mạc. Ông nói với Ngọc: Mấy cậu Tiểu đoàn trưởng này chỉ chịu khi có mệnh lệnh thôi. Bởi vậy, để triển khai được phương án xử lý sự cố xuống dưới, các cậu đưa ý tưởng, đích thân tôi chuyển thành mệnh lệnh. Như vậy là tôi hoàn toàn đặt niềm tin vào các kỹ sư, các cậu đừng làm tôi thất vọng nhé. Với cách giải quyết công việc như thế, Trung đoàn trưởng thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho công tác kỹ thuật của Trung đoàn.
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Tiếng ac mô ni ca đến chỗ cao trào, đưa Ngọc về thực tại:
Đô thành kháng chiến, khói lửa ngút trời
Trên đường đi chiến đấu lòng khôn nguôi
Ghi từng góc phố, ghi từng mái nhà
Mai tự do giải phóng ta lại về

Bản nhạc sắp kết thúc, Ngọc nhẹ nhàng bước về phía hầm Tiểu ban. Tiếng ac mô ni ca bỗng dừng lại. Trung đoàn trưởng đã nhìn thấy anh:
- Ngọc, đi tuyến về đấy à? Lên mình uống nước.
- Báo cáo thủ trưởng, tôi đang nhếch nhác quá, để tôi về thay quần áo rồi lên.
- Không sao. Lên bây giờ mình mới hiểu công việc của các cậu nó vất vả thế nào chứ.
Ngọc bước đến trước mặt Trung đoàn trưởng, ông nhìn Ngọc chăm chú, rồi thốt lên:
- Vất vả quá. Đúng là bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa. Mà sao cái mũ của cậu tang thương thế. Chẳng bằng mũ của lính.
- Thủ trưởng tính, chui bụi mãi, có vải nào chịu được.
- Cứ suốt ngày luồn rừng, đài đóm không có, có buồn không?
- Quen rồi thủ trưởng ạ. Vả lại đi khảo sát, chúng tôi thường mang sách học ngoại ngữ. Mỗi tối cũng được vài từ.
- Học ngoại ngữ là tốt rồi, nhưng mình vẫn thấy chưa ổn. Cậu biết thổi ac mô ni ca không?
- Có ạ.
- Vậy thì cầm lấy cái kèn này. Chiều có mấy đứa giữa rừng, nó sẽ làm cho các cậu đỡ buồn đấy.
Ngọc bất ngờ và lúng túng, vì anh hiểu rất rõ chiếc kèn nhỏ bé này chính là nơi Trung đoàn trường gửi gắm tâm trạng mỗi khi chiều xuống.
- Báo cáo Thủ trưởng…
- Không sao. Mình ở cơ quan, còn có đài để nghe. Buồn thì xuống chơi các bộ phận. Cậu cứ cầm lấy. À, còn cái này nữa- Đông với cái mũ cối mới toanh trên giá- Đổi cho cậu chiếc mũ này.
- Vậy Thủ trưởng lấy gì đội?
- Cái này- Đông nhoẻn cười nhấc chiếc mũ xơ xác trên đầu Ngọc- Cậu yên tâm đi, cơ quan Hậu cần không nỡ để Trung đoàn trưởng đội cái mũ như thế này đâu.
Ngọc không dấu nổi xúc động. Ai đó có thể nghĩ đơn giản: đây là sự quan tâm của cấp trên với cấp dưới. Nhưng chỉ nghĩ tới việc từ nay trở đi, mỗi buổi chiều, sẽ không còn tiếng ac mô ni ca từ nhà của Trung đoàn trưởng, Ngọc cảm thấy sự quan tâm này nó như ruột thịt. Dưới quyền người chỉ huy như vậy, có người lính nào lại đắn đo lao vào lửa đạn để làm tròn trách nhiệm của mình.


Bước vào mùa khô 1971-1972, Lê Trọng được điều lên công tác tại Bộ tư lệnh, đặc trách chỉ đạo ngành xăng dầu, đường ống trên tuyến vận tải chiến lược. Đặng văn Thế thay ông làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 952. Cuối mùa mưa, Ban chỉ huy Trung đoàn đã bố trí nghe Trưởng Tiểu ban Kỹ thuật Đào văn Quang trình bày trước các cơ quan phương án phát hiện sự cố từ xa. Ngay khi nghe nói Tiểu ban Kỹ thuật đã tìm ra phương pháp ngồi ở chỉ huy sở vận hành, vẫn có thể khoanh được khu vực xẩy ra sự cố, các cán bộ trong Trung đoàn đều rất phấn khởi, vì trong số họ, nhiều người từ đơn vị lên, họ thấu hiểu nỗi cơ cực những lúc phải rải quân lên tuyến tìm vị trí xẩy ra sự cố. Tuyến ống đi trong bom đạn ác liệt, bom giật, bom rung, các khớp nối bị lỏng, ống bị thủng vì bom bi xẩy ra như cơm bữa. Nếu nhanh chóng khoanh vùng xẩy ra sự cố, không những chỉ giảm được công sức mà cả xương máu bộ đội.
Quang trình bày một cách hệ thống từ lý thuyết, đến kinh nghiệm để dẫn tới phương pháp phát hiện sự cố từ xa. Qua kinh nghiệm hai mùa khô vận hành, mỗi cán bộ tham mưu và kỹ thuật đều đã thuộc tính nết của từng đoạn tuyến. Quy luật đánh phá của địch cũng ngày càng rõ nét. Bởi vậy, Tiểu ban Kỹ thuật đề nghị tranh thủ mùa mưa, mùa bảo dưỡng, củng cố tuyến ống, bố trí lại các van chặn, các đồng hồ đo áp suất để đảm đảm bảo hiệu quả của việc phát hiện sự cố, giảm đến tối thiểu tổn thất khi địch đánh vào tuyến.
Các ý kiến phản biện không nhiều. Đặng văn Thế cảm thấy rất vui. Chỉ mới hai năm, cán bộ chiến sỹ của ông đã thắng địch nhiều phen: Cuộc vật lộn với bom đạn hủy diệt ở khu vực đỉnh Trường Sơn để cuối cùng, có đoạn tuyến đi qua đỉnh 911, địch hoàn toàn không ngờ tới; Sự thay đổi chiến thuật vận hành, bỏ lót nước trong ống để đảm bảo xăng vượt qua trọng điểm; Rồi chuyển tuyến ống sang phía nam sông; bơm vượt trạm khi trạm bơm B4 bị đánh hỏng; Vừa vận hành, vừa chiến đấu với bộ binh địch trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào; Khắc phục bom vướng nổ ở tuyến Q5C, và còn biết bao sáng kiến khác. Trong gian khổ, ác liệt, cái khó ló cái khôn. Ông hài lòng và tin tưởng ở trí tuệ tập thể các cán bộ chiến sỹ dưới quyền. Nay bước vào một mùa vận hành mới, với kinh nghiệm của người có mặt ngay từ những ngày đầu tiên của bộ đội đường ống, qua những chặng đường cam go nhất, ông tự tin đưa ra các biện pháp chấn chỉnh cả về kỹ thuật và chiến thuật vận hành tuyến ống. Tất cả các đề nghị của Tiểu ban Kỹ thuật đều được đáp ứng. Nguyên tắc “liên hiệp, dây chuyền, đồng nhất” mà Lê Trọng đã khái quát, nay được đưa ra làm cơ sở để biên soạn thành các tài liệu giống như điều lệ vận hành của bộ đội đường ống: Tình huống nào vận hành liên tuyến, tình huống nào vận hành phân đoạn, động tác của người chỉ huy ở Sở chỉ huy, ở đơn vị…Một tuyến ống sinh ra làm nhiệm vụ phục vụ tác chiến chiến dịch, nay phải đảm nhiệm trọng trách của phương thức vận tải chiến lược, các vấn đề tham mưu và kỹ thuật đang được từng bước hoàn thiện.

Tiểu ban Kỹ thuật trung đoàn 952 chỉ còn một mình Quang là thuộc nhóm “mười tám tên”. Trên mới về một kỹ sư trẻ cùng họ với Quang, Đào Văn Quốc. Ngoài hai kỹ sư, các thành viên khác của Tiểu ban kỹ thuật là các sinh viên đang học dở các trường đại học được gọi vào bộ đội, và các nhân viên khảo sát từ thuở công trường 181. Cũng vào đầu mùa khô, một lớp lính nữ mười tám, mười chin được bổ sung về, cả ở đơn vị và cơ quan trung đoàn. Các cô đến từ nhiều miền đất khác nhau, nhưng đông nhất là con gái Hải Phòng, Thái bình. Không biết do Quân lực Trung đoàn cố tình chọn, hay chỉ tình cờ, mà các cô gái ở Trung đoàn bộ, cô nào cũng xinh xắn, tươi tắn. Đứng đầu bảng là mấy em thông tin. Xuân nước da trắng muốt, mái tóc như dòng suối chảy dài trên hai bờ vai. Ninh , Liễu thon thả, mảnh mai. Các em Thu, Vân ở bộ phận nuôi quân khiến cho mấy chàng sỹ quan thường kiếm cớ xuống bếp….Sự xuất hiện các cô gái trẻ làm cho không khí Trung đoàn bộ vui hẳn lên. Các chàng trai ăn mặc chỉn chu hơn, nói năng cẩn thận hơn. Và chỉ một thời gian ngắn, các cô gái thông tin, quân y đã thân thiết với Tiểu ban kỹ thuật, vì các chàng trai ở đây đều “hào hoa phong nhã”.

Vẫn như mọi năm, do tính chất là đoạn đường ngắn nhất từ miền Bắc vào Miền Nam, trục đường 18 vẫn phải chịu áp lực đánh phá rất nặng nề. Tuy nhiên, qua ba năm tôi luyện, các cán bộ tham mưu và kỹ thuật đã hoàn toàn đầy đủ kinh nghiệm và bản lĩnh đương đầu. Với kỹ sư Quang, người thường xuyên trực ở chỉ huy sở, thì dường như khó có thể có tình huống nào đẩy anh vào tình thế bị động khi tuyến vận hành. Có kinh nghiệm rồi, lại ham nghiên cứu, nhất là từ khi cùng Ngọc nghiên cứu việc phát hiện sự cố từ xa, Quang càng vững tin hơn khi đưa ra các nhận định. Từ mùa khô này, theo chỉ thị của Đặng Văn Thế, sổ sách, biểu bảng ở Sở chỉ huy vận hành ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, để có thể khoanh vị trí các điểm xẩy ra sự cố. Tấm bản đồ tuyến và mặt cắt dọc tuyến được vẽ rất cẩn thận, và trên đó có một tấm mi ca để có thể vẽ các đường đo áp khi tuyến xẩy ra sự cố. Một lần vận hành, xăng rút khỏi kho đầu nguồn với lưu lượng hơn ba mươi mét khối một giờ, đã đi qua Pha Bang an toàn, mà xăng chảy vào Q6 le te như nước ta khỏi ống máng. Đây là triệu chứng ống bị thủng hoặc ngoàm bị hở. Đoạn nam trọng điểm Pha Bang, không có điểm nào bị bom đánh. Cứ như trước đây thì quân của Tiểu đoàn 66 sẽ phải dàn lên tuyến để tìm nơi xẩy ra sự cố. Nhưng lần này, Quang cập nhật các số đo áp suất, bằng vài thao tác, anh đã phát hiện ra: Chiếc van chặn ở ngã ba sang tuyến Q5c đã không được đóng chặt. Anh nói vào điện thoại:
- Đề nghị cửa van ở ngã ba đóng chặt van trên lối sang Q5c.
Lập tức có tiếng trả lời:
- Báo cáo. Chúng tôi đã đóng van ngay từ trước khi vận hành.
- Tôi cho rằng van đó đang chưa được đóng kín. Đề nghị cho kiểm tra lại một lần nữa, và báo cáo lên Chỉ huy sở- Quang kiên quyết.
Dăm phút sau, trên đường dây có tiếng trả lời:
- Báo cáo, chúng tôi đã kiểm tra. Quả thực van đó còn đóng được thêm một phần tư vòng. Chúng tôi đã đóng chặt lại rồi- Sau báo cáo đó, Quang còn nghe tiếng bên ngoài vọng vào máy-Thằng cha này tài thật, hắn ngồi tít trên ấy mà biết van mình chưa đóng kín, trong khi mình ở đây thì cứ tin nhau.


Lại qua một mùa khô ác liệt và vất vả. Trung đoàn 953 đã lắp ráp đường ống và bơm xăng thêm một trăm bốn mươi cây số, vượt qua sông Bạc. Nếu mùa khô, mùa vận chuyển, phải vật lộn với bom đạn, thì mùa mưa sẽ thêm vất vả của bệnh tật, nhất là sốt rét rừng. Gần một phần tư lính của Trung đoàn 953 là con gái, hầu hết là người Thanh Hóa. Họ đã làm tất cả mọi viêc của những người lính đường ống: vác ống, thi công lắp ráp, trực vận hành, khắc phục sự cố, cứu tuyến khi bị bom địch đánh cháy. Họ không chỉ chịu đựng gian khổ như các chàng trai, mà do đặc điểm giới tính, sự chịu đựng của họ cơ cực hơn nhiều. Sốt rét rừng làm cho những người lính trẻ tóc rụng, da xanh. Với các chàng trai, cắt sốt lại vô tư theo phong cách Tây tiến đoàn binh không mọc tóc, Quân xanh màu lá giữ oai hùm. Các cô gái thì không đơn giản như vậy. Họ xót xa nhìn mái tóc óng mượt con gái rụng đi từng mảng, nước da nõn nà qua những cơn sốt rét đã ngả sang màu mai mái. Có lẽ vì bệnh tật, đói khát, và cả những chặt chẽ vốn thấy trong việc quản lý quan hệ nam nữ ở các đơn vị, khiến các cô gái xuất hiện những bệnh lạ. Có lần ngủ ở một đại đội, Ngọc đã phải thức giấc vì gần như cả trung đội gái ồn ào, kẻ khóc, người cười, nhảy nhót điên dại. Cậu y tá đại đội bảo đấy là bệnh histery, rối loạn thần kinh chức năng ở các cô gái chưa chồng. Một người bị, có thể lây sang những người xung quanh.
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Cho dù là gì, thì gian khổ cũng không thể tước đi vẻ đẹp thiên phú của các cô gái mười tám, đôi mươi. Những cô quân y, văn thư, thông tin ở Trung đoàn bộ luôn tươi như những bông hoa rừng Trường Sơn. Lam, cô gái thống kê Trung đoàn là một bông hoa như thế. Đường từ hầm của Lam sang Tiểu Ban Kỹ thuật là một hàng cây mùa hè nở hoa trắng rực rỡ. Tiểu Ban Kỹ thuật gắn bó rất chặt với nhân viên thống kê của Ban Tham mưu, vì các số liệu về vận hành, thi công tuyến luôn phải gắn chặt với nhau xét trên cả giác độ nghiệp vụ, cả giác độ là nhiệm vụ chính trị của Trung đoàn. Không biết từ bao giờ, hình bóng Lam cứ luẩn quẩn trong đầu Ngọc, nhất là những chiều xuống mắc võng ngủ giữa rừng trên đường khảo sát, và cả những khi sốt rét miên man. Có lần, trong cơn mê sảng, Ngọc đã bảo các bạn: Gọi cái Lam sang đây, may ra mình đỡ sốt. Lam đã sang. Nàng nắm bàn tay hầm hập nóng của Ngọc: “Anh Ngọc cố gắng uống thuốc, ăn cháo là hết sốt ngay thôi mà”. Vậy mà khi tỉnh lại, Ngọc lại tự trách mình. Sếp trực tiếp của Lam là một anh chàng cao to, đẹp trai, và bẻm mép. Chàng ta đã có vợ, nhưng Ngọc đọc thấy giữa họ có một cái gì đó cao hơn tình cảm cấp trên và cấp dưới. Ngọc không muốn tham gia vào cuộc tranh giành. Anh chỉ mong sao em tỉnh táo lại, vì tình cảm ấy sẽ chẳng đi tới một kết cục gì tốt đẹp. Một cái gì đó giống như e ngại, giống như tự ti khiến anh không cho phép mình vượt qua tình cảm thông thường.

Một tối, Ngọc có việc phải sang hầm của Lam. Lam đang ngồi viết bên ngọn đèn dầu nhỏ bé. Thấy Ngọc vào, cô ngẩng lên chào:
- Hôm nay rồng đến nhà tôm rồi. Cách nhau có mấy bước chân mà chẳng bao giờ anh bước vào hầm em.
Dưới ngọn đèn dầu, đôi mắt Lam bỗng trở nên long lanh. Mái tóc buông xõa lên bờ vai và bầu ngực căng tròn. Cái khuy áo trên cùng không cài khiến cái cổ cao ba ngấn và làn da phía dưới nõn nà được khoe ra. Ngọc bỗng thấy tim đập thình thịch:
- Anh sang xin em vài số liệu để tính toán cho việc mở tuyến mới.
Ngọc chợt nhận ra mình đã đứng sát bàn của Lam. Bàn tay của nàng đang ở mép bàn đã chạm vào đùi anh, và Lam cứ để nguyên như thế. Từ chỗ chạm nhau ấy, một luồng điện phát ra, chạy khắp người Ngoc. Đầu óc anh bắt đầu quay cuồng. Hai sáu tuổi rồi, chưa một lần nắm bàn tay con gái. Anh bỗng thấy khao khát mái tóc ấy, vồng ngực ấy. Có vẻ như bàn tay của Lam cũng đang chờ đợi một điều gì. Ngọc cảm thấy như dưới vồng ngực ấy, hơi thở đang gấp dần lên. Không được đâu. Ngọc ơi, hãy cẩn thận, đây là chiến trường, quan hệ nam nữ mà bị phát hiện ra thì hậu quả nặng nề lắm. Và nữa, đừng lao đầu vào một mối tình tay ba. Hãy dừng lại đi Ngọc ơi. Chỉ đứng đây thêm một vài giây nữa là không thể kiềm chế được đâu. Như người mộng du, Ngọc chỉ kịp nói: “có lẽ để sáng mai anh sang trao đổi thì tiện cho em hơn”. Rồi anh lao ra khỏi hầm như có ma đuổi. Ngọc chạy một mạch về hầm, nằm vật xuống giường, thở rốc. Bình tĩnh lại đi Ngọc ơi. Anh vơ vội bi đông, dốc một hơi. Dòng nước mát lạnh đã giúp anh dần tỉnh lại.

Sáng hôm sau, khi gặp nhau ở hội nghị giao ban, viên Trung úy, bí thư chi bộ cơ quan nói với Ngọc: “Tối qua, tôi ngồi trong hầm chữ A của cái Lam đã chứng kiến hết mọi việc. May cho cậu nhé. Nếu cậu làm gì quá tay thì cậu chết với tôi”. Ngọc bỗng rùng mình. Anh ta đã vào hầm Lam theo lối thoát của hầm chữ A. Sao anh ta lại vào một cách bất minh như vậy. Là do thấy mình vào hầm Lam, thì vào để theo dõi. Hay chính anh ta định lẻn vào để làm một điều gì đó với Lam. Một cái hầm con gái đơn lẻ giữa hầm các sỹ quan, liệu đã có mấy người lẻn vào hầm Lam theo cái cách ấy. Và gặp những trường hợp như vậy, Lam sẽ xử lý ra sao? Nghĩ vậy, Ngọc mơ hồ cảm thấy một sự giận dỗi vô cớ trào lên.

Rời phòng làm việc của Trung đoàn trưởng, Ngọc đọc lại hai quyết định: một quyết định thăng quân hàm trung úy, một quyết định được điều lên công tác ở Bộ tư lệnh 559. Trên tuyến lửa Trường Sơn này, nhận một lúc hai quyết định như vậy là phúc phúc trùng lai. Vậy mà Ngọc lại cảm thấy tần ngần. Một năm đã qua, với mùa khô ác liệt và mùa mưa gian khổ. Một năm thôi, vậy mà anh đã cảm thấy những người trong Trung đoàn thân thiết như máu thịt. Trung đoàn trưởng, Chính ủy, và cả Ban chỉ huy Trung đoàn luôn tin cậy Tiểu Ban Kỹ thuật. Với vốn kinh nghiệm qua hơn ba năm ở những địa hình phức tạp, ác liệt nhất, Ngọc đã cùng Tiểu ban hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngọc được bầu là Chiến sỹ Quyết thắng, được thưởng huân chương chiến công. Trong buổi liên hoan tổng kết, có một bài thơ lục bát tự biên kể về thành tích của Trung đoàn trong mùa khô vận chuyển vừa qua. Bài thơ ấy được hát theo một làn điệu dân ca, người ta đã dành mấy câu trân trọng cho anh. Như vậy, anh ra đi không có điều gì phải xấu hổ. Anh tiếc tập thể gắn bó mấy anh em. Từ các kỹ sư như Danh, Thu, đến Thương, cậu công vụ của Tiểu Ban, người dân tộc Thái Nghệ An. Anh luyến tiếc nhìn con đường rắc đầy hoa trắng sang hầm của Lam. Những bông hoa rụng trên lối mòn giữa mùa mưa như trăm ngàn hạt nắng gieo vào lòng anh. Con đường này đây, chiều chiều em đi, quần xăn ngang đầu gối, mắt em cười trong màu trắng tinh khiết của hoa. Nỗi niềm này liệu rồi có qua đi? Anh đã không đủ can đảm lao vào cuộc tình tay ba hay anh là một người con trai kém cỏi. Thôi. Là gì thì mong sao thời gian sẽ giúp anh bình tâm trở lại.

Từ Trung đoàn bộ 953, Ngọc đi dọc theo tuyến đường ống để ra Bộ Tư lệnh. Tất cả tuyến này đều do anh và Tiểu ban Kỹ thuật khảo sát, thiết kế, hướng dẫn thi công. và tham gia chỉ huy vận hành. Này là con dốc lên Q8A, bản Soa A Viêng, con đường qua bản Tà Lùng, kho Q7, dốc ông Miện…Mỗi đoạn dốc, con suối, mỗi vách đá đều là kỷ niệm. Lần này, Ngọc trở ra trông ra dáng là sỹ quan thực thụ: Chiếc mũ cối của Trung đoàn trưởng Đông tặng, vẫn còn tươi mới. Ba lô cóc gọn gàng, một cái xắc cốt và khẩu súng lục bên hông. Ngọc đi một mình, tối tiện đâu thì sà vào các đơn vị của Trung đoàn 952 và 953. Những cán bộ Tiểu đoàn đại đội bây giờ hầu hết đã cùng anh chia sẻ khó khăn lúc gian khổ ác liệt nhất. Những tối nghỉ lại thường là những tối tâm sự đến tận khuya.
Ngày thứ ba, Ngọc nghỉ lại Tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 96. Lối vào Chỉ huy sở Tiểu đoàn phải qua những bãi bom và những lối mòn chi chít hố bom bi.
Người đầu tiên anh gặp không ai khác, chính là Hà, cô y tá xinh đẹp.
- Anh đi công tác ghé qua Tiểu đoàn ạ. Hôm nay anh Thục đang ở nhà. Để em dẫn anh. Tháng trước anh Thục bị một trận sốt nặng quá. Người đâu mà lì thế không biết. Chưa cắt sốt hẳn mà đã chống gậy xuống kho ngay sau trận đánh. Tối về lại sốt đùng đùng, bón được thìa cháo nào lại nôn ra hết. Xót quá. Anh nhắc anh ấy giữ sức khỏe giúp em, anh nhé. Cô đưa Ngọc đến cửa hầm của Thục. Khi Ngọc bước vào hầm, Thục vẫn đang dở cuộc điện thoại:
- Các anh tìm kỹ ở cái vực nước chỗ khúc quanh của suối ấy. Rất có thể anh ấy đang nằm đâu đó.
Đặt điện thoại xuống, Thục chạy lại ôm lấy Ngọc. Ngọc kém Thục hai tuổi, nhưng tuổi quân thì kém tới sáu tuổi, bởi vậy, tuy là bạn, nhưng Ngọc vẫn luôn cảm thấy mình là người đi sau.
- Chào anh Ngọc. Lâu quá, dễ thường cả năm rồi còn gì. Trong Trung đoàn 953, công việc thế nào?
- Nói chung tốt anh ạ. Chúng nó cũng ngăn chặn quyết liệt, nhưng nhờ trời, không có chỗ nào nặng nề như trọng điểm Pha Bang. Còn anh, dạo này thế nào?
- Từ sau chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Khu vực trạm bơm B7 và kho Q7 bị chúng nó chần dữ quá. Tuy vậy, cả trạm bơm và kho vẫn đứng vững.
- Anh đang cho tìm người mất tích à?
- Cách đây hai hôm, bọn mình lên họp Hội nghị Quân chính trên Trung đoàn. Giữa đường, cậu Thuấn, y sỹ hộ tống đoàn cán bộ, bị nước cuốn xuống thác. Hai hôm nay anh em đi tìm, vẫn chưa thấy xác.
Rồi Thục kể:
- Anh biết đấy, khi vượt sông, ta nhét hết ba lô, tư trang, và cả súng vào một cái túi ni lông lớn, túm lại làm phao để bơi. Cậu ấy bơi kém, ra giữa dòng suối lũ, thấy trời nước mênh mông nên mất tinh thần. Cậu ấy bỏ túi của mình, ôm lấy túi của người bên cạnh. Anh ơi, cho em bơi cùng với, em sợ bơi một mình lắm.. Người bạn nhanh tay lôi lại được cái túi của Thuấn: Cậu phải bám vào cái túi này. Tôi sẽ bơi bên cạnh hộ tống. Nói vậy mà Thuấn vẫn không giám rời khỏi túi của bạn. Cái túi đựng đầy đồ đạc không chịu nổi trọng lượng cả hai người nên chìm dúi xuống nước. Dòng nước xiết giữa mùa lũ đã nhanh chóng đẩy họ xuống phía hạ lưu. Người bạn hét lên: Ôm lấy túi của cậu đi, không thì chết cả hai bây giờ. Nói rồi, anh ta kiên quyết gỡ tay Thuấn ra, đặt vào cái túi của cậu ấy. Thuấn ôm lấy túi của mình, người bạn định vừa bơi vừa nắm lấy túi của Thuấn kéo đi để hỗ trợ tinh thần cho cậu ấy. Tuy nhiên, nước quá xiết đã đẩy Thuấn cùng cái túi ra khỏi tầm với. Thật ra, trong đoàn cán bộ, có người thậm chí không biết bơi, nhưng họ giữ được bình tĩnh giữa dòng nước lũ nên vẫn sang được bờ bên kia. Thuấn có lẽ quá hoảng loạn nên chân tay như cứng lại. Cậu ấy cứ ôm lấy cái túi mặc cho dòng nước cuốn đi. Việc xẩy ra quá nhanh, người bạn không thể theo kịp. Thế là Thuấn bị cuốn xuống thác.
- Trường Sơn khắc nghiệt quá. Anh có nhớ Cậu Phú cụt hai ngón tay mà chúng mình gặp ở dốc ông Miện không?
- Có.
- Cậu ấy hy sinh rồi. Sốt rét ác tính thể tâm thần.
- Tiểu đoàn 96 cũng mới có hai chiến sỹ hy sinh vì sốt rét ác tính. Nhiều khi tôi cứ ước ao có một nhà khoa học nào đó mà sáng chế ra thuốc Vac-xin cho bệnh sốt rét thì quân số chiến đấu của mình có khi tăng lên được gấp đôi.
- Có nhà khoa học như thế đấy. Đó là Giáo sư Đặng Văn Ngữ. Ông ấy đã vượt Trường Sơn, lăn lộn ở các đơn vị, các địa phương, phổ biến kinh nghiệm phòng chống sốt rét, và miệt mài nghiên cứu chế loại vac – xin này. Tiếc thay, ông đã hy sinh trong một trận bom B52.
Câu chuyện của hai người từ đây lại chuyển sang nói về những người bạn chung đã nằm lại đại ngàn, về chụyện thi công, vận hành.

Tối hôm ấy, Thục và mấy anh trong Ban chỉ huy Tiểu đoàn thịt một con gà tăng gia đãi Ngọc. Họ đều là những người đã gắn bó với Ngọc trong những ngày gian khó thi công vận hành, và cả những ngày chiến đấu trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Tan cuộc vui, Thục và Ngọc ngồi tâm sư bên chén trà. Ngay từ những ngày đầu chập chững mới thi công đường ống tuyến X42, họ đã thân thiết với nhau. Thục quý đức tính sáng tạo, không ngại hy sinh gian khổ của chàng kỹ sư trẻ. Còn Ngọc thì kính nể Thục về sự dạn dày và bình tĩnh xử lý những tình huống khó khăn.
Thục rót bát nước chè rừng, đẩy về phía Ngọc:
- Nghe nói trong ấy có hàng trăm cô gái Thanh Hóa. Anh có tìm được đám nào trong số đó không?
- Rung động thì có, nhưng chả đi đến đâu. Còn anh? Cô y tá Hà xem ra mê anh lắm đó.
- Không có gì đâu. Cấp dưới quan tâm đến cấp trên thôi mà. Vả lại, có lẽ hình ảnh Khanh trong mình lớn quá, nên mình không để ý đến các cô gái khác. Ngay cả với cô y tá Hà cũng vậy. Chỉ riêng việc tự hỏi: Có phải cô ấy để ý đến mình không, thì cũng đã là có lỗi với Khanh rồi
- Vậy lâu nay, anh có nhận được tin tức gì của Khanh không?
- Sau nhiều lần viét thư, không thấy trả lời, Tôi đoán Khanh có thể đã đến với Vịnh, cậu kỹ sư bên Bách khoa rồi Nếu có thật như vậy thì mình nghĩ họ cũng đẹp đôi lắm. Không nên làm gì để em khó xử.
- Sao anh lạ vậy, biết người ta yêu người khác, nếu mình thực sự yêu thì phải hành động để có được tình yêu. Còn nếu cảm thấy cần tôn trọng tình yêu của cô ấy thì mình phải sẵn sàng đón nhận tình cảm của một người con gái khác, như cô Hà chẳng hạn.
Thục bỗng trầm tư:
- Không thế được đâu. Khanh trong tôi không chỉ là nỗi nhớ đâu. Nó là cái gì đó thật thiêng liêng. Tôi yêu em, tôn thờ em, và tự cảm thấy mình không được làm bất kỳ điều gì tổn thương em.
- Vậy cái việc Khanh từ chối tình yêu của anh có làm anh tổn thương không?
- Không. Đó là quyền của Khanh. Khi từ chối tình yêu của tôi, em đã khóc. Như vậy là từ trong tình cảm sâu thẳm của em, tôi vẫn có chỗ đứng, dù đó chưa phải là tình yêu. Hôm ấy tôi đã nói với em rằng: anh không dám ép buộc tình cảm của em. Nếu ai đó có thể mang lại hạnh phúc cho em, thì anh biết ơn người đó. Nhưng trong cuộc đời này, nếu có một lúc nào đó, em cảm thấy không hạnh phúc, thì xin em tin rằng anh vẫn luôn ở bên em. Trọn đời này, tôi sẽ giữ với em lời hứa đó.
- Anh thật kỳ lạ! Vậy nếu cô ấy đi lấy chồng thì anh vẫn không lấy vợ để chờ cô ấy sao?
- Nhất định là thế. Tình cảm tôi dành cho em không chỉ là tình yêu đâu, đó là sự tôn thờ. Hình ảnh em đã theo tôi trong bữa ăn, giấc ngủ, trên những chặng đường hành quân vất vả, và cả lúc cái chết kề bên. Em không chỉ cho tôi những phút giây yên .tĩnh. Mọi nỗi buồn, mọi hiểm nguy đối với tôi nào có nghĩa gì. Trên đời này có em là tôi còn cảm thấy đáng sống lắm.
Ngọc cảm thấy mình đã lỡ lời. Anh nhận ra trong mắt người bạn cái nhìn xa xăm. Anh đã yêu, một tình yêu tôn thờ người mình yêu như thiên chúa, đức phật. Luôn gìn giữ tình yêu như gìn giữ một báu vật thiêng liêng. Sẵn sàng quên bản thân mình trong tình yêu đó. Thục làm Ngọc tò mò muốn gặp người con gái ấy. Không hiểu cô có ma lực gì mà có thể làm mê mệt một người như Thục, đẹp trai, đầy nam tính, bất chấp bom đạn, coi cái chết nhẹ như lông hồng.
Họ tâm sự đến quá nửa đêm. Thục giục Ngọc đi ngủ để hôm sau có sức mà đi. Ngọc vào màn rồi, Thục khơi ngọn đèn, lôi trong ba lô ra cuốn sổ bìa nâu. Ngọc biết đó là cuốn nhật ký. Sau câu chuyện vừa rồi, chắc nỗi nhớ trong Thục lại cồn cào, và anh ấy lại gửi nỗi niềm vào đó.

Ngày hôm sau, vượt qua sông Sê pôn, Ngọc ghé qua trạm bơm B6 thăm Hồ, đồng hương cùng huyện , đang phụ trách trạm bơm này. Chỉ định ghé thăm bạn, uống chén nước, rồi đi tiếp, nhưng mưa xối xả đã đã mang lũ về gầm gào trên các con suối, dòng sông, nên anh đành nghỉ lại chờ nước rút. Xế chiều Hồ mới cùng mấy người bạn về đến trạm bơm. Anh ôm chầm lấy Ngọc:
- Hơn một năm rồi, trông anh gầy và chững chạc lên nhiều quá.
- Trông già thì cứ nói luôn đi, dùng mỹ từ làm gì cho tủi nhau- Ngọc cười- Nghe nói anh đưa bạn đi cấp cứu từ sáng. Nếu không có lũ chặn đường, chắc tôi không gặp được anh.
Hồ buồn rầu:
- Thằng Quỳnh chết rồi. Lũ về, mọi con đường đều bị cắt đứt. Đưa nó vào Đội điều trị của bộ đội cao xạ, thì đã quá muộn. Chôn cất xong cho nó, bọn tôi mới về.

Rồi Hồ kể rằng Quỳnh đã vượt qua một lần sốt rét ác tính, do đó, đại đội bố trí nó ở B6 là bộ phận của đại đội gần bệnh xá nhất, chỉ cách con sông Sê pôn. Mọi lần, dù có mưa, vẫn đi mảng sang đó được. Lần này lũ về đột ngột và hung dữ quá, đã cuốn mất cái mảng buộc ở gốc cây ven bờ. Bọn tôi cáng Quỳnh đến bờ, không sang sông được, phải chạy ngược trở lại, nhưng không kịp. Tội nghiệp nó quá. Nó là con trai độc nhất trong nhà.
Đêm ấy, Ngọc ngủ lại với Hồ. Không hiểu anh và Hồ có cái gì chung, mà gặp nhau lần đầu trong những ngày ác liệt nhất hồi vượt cao điểm 911 và quần nhau với bom đạn ở trọng điểm Pha Bang, họ đã trở nên than thiết, tâm giao. Hồ có trí nhớ tuyệt vời. Anh hỏi thăm từng người trọng gia đình Ngọc, về cuộc sống, khiến Ngọc cảm động. Hồ nhớ lại:
- Anh có nhớ, có một đêm chúng mình nghỉ lại ở một cái lán nhỏ. Cái sạp chỉ đủ một người nằm, hai thằng phải nằm úp thìa, một người trở mình, người kia cũng phải trở theo. Nửa đêm, tôi bỗng giật mình, vì anh hét toáng lên: “Cẩn thận kẻo gãy mất cái thước Lô-ga-rít của tôi”, Rồi anh bật dậy, mồ hôi vã đầm đìa trên trán. Tôi hỏi có chuyện gì vậy? anh giải thích rằng: “Tôi mơ thấy anh đang nằm đè lên cái thước. Mọi tính toán thiết kế hiện nay đều phải trông cậy cả vào cái thước ấy. Đó là cái thước cô em gái học ở Đông Đức gửi về. Khi chưa có nó, để biết hàm số lượng giác, hoặc số lũy thừa, tôi phải tính thủ công vô cùng vất vả”. Bây giờ cái thước ấy có còn không?
- Vẫn còn, nhưng bây giờ ít dùng hơn, vì việc thiết kế đã thành kinh nghiệm rồi.
- Nhanh vậy đấy. Anh sang Trung đoàn 953 đã hơn một năm. Chỉ từng ấy năm mà mình trưởng thành lên nhiều, vì địch nó đánh mình rất đa dạng. Mỗi kiểu đánh, mình lại rút ra một kinh nghiệm
Họ tâm sự với nhau đến tận khuya. Hôm sau, Ngọc tạm biệt bạn về Trung đoàn bộ Trung đoàn 952.
 
Chỉnh sửa cuối:

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Vừa thấy Ngọc, Quang reo lên :
- Ngọc đã về mọi người ơi.
Cả Tiểu ban Kỹ thuật chạy ra:
- Mới qua hơn một năm mà sao trông anh Ngọc gầy và già đi nhiều quá.
- Trường Sơn mà- Ngọc trả lời và bỗng thấy chạnh buồn.
- Thôi, vào hầm mình nghỉ một lát, rồi đi xuống suối tắm rửa cho hết vất vả đi đường. Tối nay Tiểu ban liên hoan.

Tiểu ban Kỹ thuật vẫn là những người cũ, lại gắn bó với nhau trong thời kỳ ác liệt nhất nên tình cảm như anh em ruột thịt. Chỉ có kỹ sư Đào Văn Quốc là mới. Cậu ta đẹp trai, dễ mến. Ngọc cảm giác như trở lại gia đình. Bữa cơm liên hoan cũng là liên hoan tiễn Quang lên Bộ tư lệnh. Quyết định điều động Quang và Ngọc được ký cùng ngày. Tan bữa cơm liên hoan mừng gặp mặt, Ngọc và Quang lại có một đêm tâm sự. Quang kể cho Ngọc nghe về cuộc vật lộn với bom đạn Mỹ của Trung đoàn trên trọng điểm Pha Bang, khu vực trạm bơm Q7. Kể về sự tiến bộ, dày dạn của các thành viên trong Tiểu ban. Các nhân viên khảo sát trẻ như Lâm Vinh, đến các cán bộ trung cấp, và cả cậu Quốc kỹ sư mới về đều tiến bộ rất nhanh. Mừng nhất là được Trung đoàn trưởng Đặng Văn Thế tạo điều kiện, việc phát hiện sự cố từ xa đã thực hiện một cách thành công và trôi chảy. Bây giờ thì khi có sự cố, dù địch đánh đồng thời nhiều vị trí trên tuyến, từ Sở chỉ huy vận hành, vẫn có thể khoanh vùng sự cố để điều động lực lượng và đưa ra các biện pháp khắc phục. Rồi chuyện Trung đoàn bộ vừa tuyển về một lớp con gái Thái Bình, Hải phòng, có nhiều cô xinh đẹp, đã làm chao lòng vài người trong Tiểu ban.
- Cậu có thuộc những người chao lòng đó không? Cô bạn hàng xóm thế nào rồi?
- Cách đây ít hôm, mình nhận được thư nàng báo đã lấy chồng. Mình chưa nói một câu ngỏ lời, lại chẳng biết sống chết ra sao. Con gái có thì. Chẳng trách người ta được.
- Vậy đã có bóng hồng nào trong cơ quan lọt vào mắt xanh Trưởng Tiểu ban chưa?
- Thực ra, trong lòng luôn hướng về cô hàng xóm nên chưa có tâm thế nghĩ đến chuyện ấy. Còn cậu, mình hỏi chuyện này, phải nói thật nhé!
- Chuyện gì mà nghe nghiêm trọng vậy?
- Mình nghe vài ông ở Trung đoàn 953 nói cậu đang vướng vào một mối tình tay ba, phải không?
- Nói cụ thể hơn xem nào.
- Họ bảo cậu đang mê một cô bé nào đó trong Ban Tham mưu, cô ấy thì lại thích sếp, một cha nghe nói đã có vợ, nhưng đẹp trai, lắm tài vặt.
- Rung động thì có, nhưng bảo mình vướng vào mối tình tay ba, thì nhờ trời, chưa đâu.
- Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng nghe các ông ấy kể, mình có cảm giác cô ấy là một con cáo, còn cậu thì ngơ ngác như thỏ non. Phải thoát ra ngay, thoát ra ngay, hiểu chưa!
- Đừng gọi cô ấy là con cáo, oan người ta. Một cô gái xinh đẹp sống giữa mấy chục sỹ quan trẻ, người ta cũng phải biết cách tự vệ chứ.
- Yêu thật rồi phải không?- Quang lắc đầu- Tỉnh lại đi. Chẳng dẫn được đến kết cục gì tốt đẹp đâu.
- Hy vọng thời gian sẽ làm nguôi ngoai. Việc này nên để trái tim trả lời.

Sáng hôm sau Quang và Ngọc cùng lên đường ra Bộ tư lệnh. Cơ quan Bộ Tư lênh 559 giờ đang đóng ở miền Tây Quảng Bình. Vậy là họ đang lên đường ra Bắc. Giữa mùa mưa, có lẽ không lực Mỹ đang tập trung đánh phá Miền Bắc, nên trọng điểm Pha Bang yên tĩnh hơn. Những trận oanh tạc thăm dò trên trọng điểm không ngăn được những chồi xanh bắt đầu bật ra từ những thân cây đã bị bom chém tơi tả, và cả những cây non đang nhú lên miệng các hố bom. Qua Bản Na là con đường dọc theo tuyến ống leo lên cao điểm 911. Mộ của Đại đội trưởng Lâm và đồng đội nằm bên cạnh tuyến, giờ cỏ đã rậm rạp. Một cây hoa màu vàng che tán lên ba ngôi mộ. Ngọc bẻ mấy cành hoa, cắm lên những ngôi mộ xanh rì. Hình ảnh đại đội trưởng Lâm với vẻ mặt hiền lành, đôi mắt nâu thăm thẳm lại hiện về. Anh Lâm ơi. Anh và các bạn hãy yên nghỉ và phù hộ cho tuyến đường ống của chúng mình vượt qua mọi sự đánh phá ác liệt để đưa dòng xăng vào tận chiến trường Miền Nam.
Tuyến ống lên cao điểm 911 giờ đã có đường đi phong quang. Những chỗ độ dốc lớn đều có bậc, có lan can. Con đường đi dưới tán rừng già thật dễ chịu. Vậy mà chưa lên đến đỉnh, Ngọc đã mệt đứt hơi, ngồi xuống ven đường thở rốc. Chao ôi, trước đây, giữa cảnh bom đạn địch đánh tứ bề, phải vừa đi, vừa phát cây mở tuyến, trên lưng là ba lô, gạo, thức ăn, nồi niêu, súng đạn lỉnh kỉnh mà cứ vô tư vượt lên đến tận đỉnh, không biết mệt nhọc là gì. Vậy mà bây giờ, mới chỉ qua ba năm, chỉ một chiếc ba lô nhỏ, đường đi thênh thang, mà không đủ sức leo lên đến đỉnh. Mình xuống sức đến thế này sao? Cũng đúng thôi. Sốt rét, ăn uống kham khổ, rồi bom đạn ác liệt. May thay có tuổi trẻ. Tuổi trẻ và sự hăng say đã vượt lên trên mọi nỗi gian truân cực nhọc ấy, khiến cho mình không nhận ra thời gian đang gặm nhấm sức lực mỗi ngày. Ngọc cũng chợt nhận thấy lần này ra Bắc, không có cái cảm giác háo hức như lần vượt đèo 700 cùng Văn Ngũ. Cả Quang cũng vậy. Họ trở ra như một chuyến đi công tác bình thường. Chúng tôi đã già hay Trường Sơn đã tôi luyện chúng tôi thành chín chắn?


Đặng Văn Thế đã về nhận nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Đường ống 967 trên đất Quảng Bình được mười ngày. Sau cuộc họp nhận bàn giao, ông quyết định phải làm việc kỹ hơn với Ban Tham mưu- Kỹ thuật. Kinh nghiệm ở Công trường 81, 181 và ở Trung đoàn 952 đã cho ông thấy: Các kỹ sư lăn lộn trên tuyến đường ống bao giờ cũng cho những thông tin thực tế nhất, chính xác nhất, mà biên bản bàn giao không nói hết. Hai kỹ sư Ất và Hành đã báo cáo thêm cho ông một số chi tiết về Trung đoàn 967:

Trung đoàn 967 là tên mới của Binh trạm 791 từ Tổng cục Hậu cần chuyển sang Bộ tư lệnh 559. Những cán bộ chiến sỹ đầu tiên của Binh trạm đều được điều từ Binh trạm 691 sang. Đặng Văn Thế quen rất nhiều người trong số họ từ khi cùng ở Cục Xăng dầu Tổng cục Hậu cần. Binh trạm 791 thi công và vận hành tuyến đường ống nối tiếp tuyến của Binh trạm đường ống 691, đến Bến Hải, và nhánh rẽ từ nam Long Đại đến Q200 của Trung đoàn 952. Tổng chiều dài tuyến đơn vị quản lý dài tới 214 cây số. Hình thành từ tháng 5 năm 1970, đến trước ngày Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc lần thứ hai, Trung đoàn có hai năm thi công và vận hành trong điều kiện hòa bình. Trong điều kiện ấy, cán bộ, chiến sỹ Binh trạm đã vượt qua mọi khó khăn, làm được bao việc lớn: Thi công được một trăm tám mươi tư cây số tuyến ống, tám điểm kho với trữ lượng bốn nghìn mét khối. Trong đó, có những tuyến được thi công theo kiểu thần tốc: Chỉ trong bảy ngày, vừa khảo sát, vừa thiết kế, vừa thi công, hoàn thành sáu mươi cây số tuyến ống, về đích trước ba ngày. Làm được như vậy là nhờ kinh nghiệm đã tích lũy từ tuyến X42 và những tuyến phức tạp trên Trường Sơn. Các kỹ sư thiết kế nhanh nhờ mặt cắt dọc tuyến vẽ theo bản đồ. Từ các điểm chuẩn, các đại đội trưởng tự chỉ huy mở tuyến theo phương vị. Lực lượng vác ống huy động từ dân địa phương. Thi công và vận hành trong điều kiện hòa bình, nhưng không bao giờ họ lơ là cảnh giác. Điều này được quán triệt rất chặt chẽ từ Cục Xăng dầu Tổng cục Hậu cần. Các kho, trạm bơm đều được giữ bí mật. Chẳng hạn khi thi công một kho lớn ở khu vực Vĩnh Linh, việc đào các hố bể lật lên một vùng đất đỏ, để ngụy trang vị trí kho, các kỹ sư đã đề nghị Nông trường cày xới ra một vùng rộng lớn xung quanh và một số điểm khác. Việc cày xới ấy đã làm cho khu vực đào hố chôn bể lẫn trong một vùng mênh mông đất cày. Nhờ vậy mà qua 5 tháng địch đánh phá ác liệt, kho bể vẫn giữ được bí mật.
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Kể từ khi Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc lần thứ hai, khu vực Quảng Bình bị đánh phá vô cùng khốc liệt. Công nghệ, vũ khí Mỹ đã phát triển ở trình độ cao hơn, nhất là vũ khí Laze và các khả năng trinh sát, chỉ thị mục tiêu. Đặng Văn Thế đã chỉ huy Trung đoàn 952 trong những ngày đánh phá ác liệt nhất của không quân Mỹ ở cao điểm 911, trọng điểm Pha Bang, nhưng ở đây, tuyến ống còn chịu áp lực bắn phá bất thường từ pháo hạm ngoài biển. Dải đất Quảng Bình quá hẹp nên hầu như toàn bộ hệ thống vận tải chiến lược đều nằm trong tầm đánh phá của không quân và pháo hạm địch. Để đảm bảo đối phó thắng lợi, Chính phủ đã quyết định quân sự hóa toàn bộ tuyến vận tải chiến lược từ Hà Tĩnh đến Vĩnh Linh, giao cho Bộ Tư lệnh 559 chỉ huy hệ thống vận tải từ Nam sông Gianh trở vào. Trên tuyến Trường Sơn, Bộ tư lệnh 559 luôn nắm chắc tình hình vận tải trên mỗi cung đường, cập nhật nhanh chóng tình hình đánh phá của địch. Khi giao nhiệm vụ cho Đặng Văn Thế về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn đường ống 967 Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã nhấn mạnh yêu cầu này.


Ngay từ những ngày đầu ở Bộ Tư lệnh, Ngọc và Quang đã được Thiếu tá Trịnh, Trưởng phòng tận tình chỉ bảo. Với dáng vẻ khoan thai, đầu hơi hói, giọng Miền Nam nhỏ nhẹ, không ai có thể nghĩ rằng đây là một người từng xông pha lửa đạn qua các chiến trường từ Nam ra Bắc, là một trong những người đầu tiên của ngành xăng dầu quân đội. Chỉ sống với ông vài tháng, họ đã hiểu ra nhiều điều. Trong bữa cơm, hoặc những buổi tối bên chén trà, Trịnh thường kể cho anh em trong phòng nghe những câu chuyện của ngành xăng dầu từ những ngày chiến dịch Điện Biên Phủ, khi mà bộ đội ta bắt đầu được trang bị xe vận tải do Liên Xô, Trung quốc viện trợ. Những câu chuyện ông kể xâu chuỗi lại đã thực sự gây ấn tượng cho những cán bộ trẻ. Ông kể rằng: Xăng dầu là một ngành vô cùng quan trọng, nhưng là ngành “Áo gấm đi đêm”. Biểu tượng chiến thắng của các chiến dịch là hình ảnh những chiếc xe tăng, đại pháo, tàu chiến, máy bay, chứ chẳng mấy khi người ta đưa ra hình ảnh các chiến sỹ xăng dầu, mặc dù ai cũng biết có binh khí kỹ thuật là phải có xăng dầu. Đó là máu nuôi sống binh khí kỹ thuật. Hồi chiến dịch Điện Biên, giữa lúc cần chuyển ngay đạn và gạo cho mặt trận thì những giọt xăng cuối cùng đã cạn. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần hồi đó đã đánh một bức điện lên cấp trên: “Nguy hiểm chết người! Nguy hiểm chết người! Nếu không cho ngay năm xe xăng thì nguy hiểm chết người”. Và vào thời kỳ địch đánh chặn quyết liệt vùng cán soong khu Bốn, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cũng đã phải điện ra Bộ: “Nếu không kịp thời đưa xăng vào thì có nguy cơ hàng vạn bộ đội, Thanh niên Xung phong trên đường dây bị đói”. Rồi ông kể lại khá tỷ mỉ chuyện nhọc nhằn những phuy xăng phải đổi bằng xương máu biết bao chiến sỹ cửa khẩu Binh trạm 112 và 114. Ngọc hiểu rằng, qua những câu chuyện ấy, Trưởng phòng muốn truyền cho cấp dưới của mình hiểu được tầm quan trọng của công tác đảm bảo xăng dầu cho chiến đấu, từ đó, họ yêu nghề, và không ngại gian khổ hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Ở đơn vị lên, chưa quen với công tác tham mưu chiến dịch, anh được những người có kinh nghiệm như Trưởng phòng Trịnh, Văn Ngũ và Toại hướng dẫn thêm. Sau vài tháng Ngọc đã có thể hoàn toàn tự tin khi ngồi vào bàn trực ban của cơ quan Bộ tư lệnh, đầu não chỉ huy tuyến vận tải chiến lược trên Trường Sơn.

Trực ban chỉ huy sở Bộ tư lệnh 559 hoạt động như một cỗ máy phức tạp, nhưng rất hiệu quả. Có thể nói không quá rằng: Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, đây là một guồng máy chỉ huy mang tầm tham mưu tác chiến và kỹ thuật cao, không kém việc điều hành ở các Sở chỉ huy phòng không không quân cấp chiến dịch. Kíp trực ban gồm đại diện các cơ quan tham mưu của Bộ Tư lệnh như công binh, vận chuyển, phòng không, giao liên, thông tin, đường ống, chính trị, hậu cần. Trước mặt trực ban của mỗi cơ quan là những chiếc TA57, loại máy điện thoại giã chiến tốt nhất lúc đó do Liên Xô viện trợ. Một tấm bản đồ toàn tuyến vận tải chiến lược. Phủ lên trên tấm bản đồ ấy là một tấm mi ca trong suốt để có thể vẽ bằng bút dạ màu những diễn biến xẩy ra trên toàn tuyến. Hoạt động vận tải của tuyến vận tải chiến lược chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Đó cũng là lúc bộ máy trực ban hoạt động hết công suất. Tình hình trên tuyến vận tải được cập nhật từ các đơn vị lên, thông qua hệ thống thông tin dây trần chạy suốt chiều dài tuyến vận tải Trường Sơn, kết hợp với thông tin tải ba. Hệ thống thông tin của bộ đội Trường Sơn với những người lính dũng cảm trên tuyến và các cô gái tổng đài làm việc quên mình suốt ngày đêm, đã thành "hệ thần kinh" của Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, là một nhân tố không thể thiếu đảm bảo sự thành công cho công tác chỉ huy. Tám giờ sáng, Tổng trực ban tổng hợp tình hình của các ngành, báo cáo Tư lệnh những diễn biến lớn xẩy ra trên toàn tuyến qua một ngày đêm: Tình hình đánh phá của địch, kết quả vận tải của các phương thức trên các cung đường, kết quả chiến đấu của các lực lượng, thương vong của ta, các vấn đề đã được Trực chỉ huy Bộ Tư lệnh giải quyết trong đêm, các vấn đề lớn cần xin ý kiến tư lệnh. Tư lệnh nghe báo cáo và ra mệnh lệnh cho các ngành, các đơn vị triển khai. Một nề nếp như thế đã hình thành từ trước Tổng tiến công Tết Mậu Thân, và ngày càng được nâng cao cả khối lượng công việc và tính kịp thời trong chỉ huy tác chiến. Đó là một nhân tố tạo nên tính huyền thoại của Đừơng mòn Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngọc vừa nghe điện thoại, vừa ghi chép vào sổ trực ban của ngành xăng dầu đường ống các số liệu từ đơn vị báo về. Suốt một tháng nay, sổ trực ban ghi dày đặc những trận đánh phá của B52, máy bay cường kích và pháo biển lên kho, tuyến đường ống ở khu vực Quảng Bình, đông Trường Sơn. Tên một số địa danh cứ lặp đi lặp lại, các con số tổn thất về xăng, tuyến ống, số thương vong của bộ đội ngày càng dài ra. Có những phút yên tĩnh trong đêm trực, Ngọc đọc lại những dòng tốc ký: Trong ngày, máy bay địch đánh vào hệ thống tuyến ống của Trung đoàn 967 tám trận, trong đó có ba trận B52. Tuyến khu vực X cháy, tổn thất năm mươi mét khối xăng, hy sinh hai. Địch rải bom từ trường lên đoạn tuyến ở nam Long Đại. Sáng nay đã khắc phục xong, một đồng chí hy sinh…Những dòng tin ấy được tổng hợp lại, báo cáo với Tổng trực ban. Con số của Tổng trực ban có thêm số liệu của những trận đánh phá vào các trọng điểm giao thông, các kho hàng, các trạm, các tuyến giao liên, các trận địa pháo, vị trí trú quân của bộ đội… khiến cho các số liệu trở nên khốc liệt hơn hàng chục, hàng trăm lần. Bốn năm nếm trải mọi gian khổ, ác liệt, Ngọc mới hiểu đến tận cùng những con số, những dòng tin kia: Đằng sau chúng là máu, là lửa, là những tiếng nấc nghẹn lòng của những người lính khi phải chôn cất những đồng đội cả trai và gái mười chín đôi mươi



Những tin tức đánh phá của địch lên tuyến ống , kho tàng của Trung đoàn 967 khiến Lê Trọng không thể ngồi yên trên cơ quan Bộ tư lệnh. Bây giờ ông đã là Tham mưu phó vận chuyển đặc trách về xăng dầu, đường ống. Ông gọi Ngọc lên:
- Chúng nó chà xát tuyến Trung đoàn 967 dữ quá. Cậu đi cùng mình xuống đó xem sao. Nếu có vấn đề gì thì giúp họ.
Trên đất Quảng Bình này, đường đi bằng phẳng hơn nên họ có thể đi bằng xe đạp. Hai thầy trò đạp xe qua các làng xóm, tắt qua các cánh đồng để tránh các trọng điểm đánh phá của địch. Sau hai ngày, họ đến Trung đoàn bộ 967.
 

Goodboy76

Xe buýt
Biển số
OF-163947
Ngày cấp bằng
28/10/12
Số km
568
Động cơ
353,210 Mã lực
Nơi ở
Hà đông quê lụa
Kể từ khi Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc lần thứ hai, khu vực Quảng Bình bị đánh phá vô cùng khốc liệt. Công nghệ, vũ khí Mỹ đã phát triển ở trình độ cao hơn, nhất là vũ khí Laze và các khả năng trinh sát, chỉ thị mục tiêu. Đặng Văn Thế đã chỉ huy Trung đoàn 952 trong những ngày đánh phá ác liệt nhất của không quân Mỹ ở cao điểm 911, trọng điểm Pha Bang, nhưng ở đây, tuyến ống còn chịu áp lực bắn phá bất thường từ pháo hạm ngoài biển. Dải đất Quảng Bình quá hẹp nên hầu như toàn bộ hệ thống vận tải chiến lược đều nằm trong tầm đánh phá của không quân và pháo hạm địch. Để đảm bảo đối phó thắng lợi, Chính phủ đã quyết định quân sự hóa toàn bộ tuyến vận tải chiến lược từ Hà Tĩnh đến Vĩnh Linh, giao cho Bộ Tư lệnh 559 chỉ huy hệ thống vận tải từ Nam sông Gianh trở vào. Trên tuyến Trường Sơn, Bộ tư lệnh 559 luôn nắm chắc tình hình vận tải trên mỗi cung đường, cập nhật nhanh chóng tình hình đánh phá của địch. Khi giao nhiệm vụ cho Đặng Văn Thế về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn đường ống 967 Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã nhấn mạnh yêu cầu này.


Ngay từ những ngày đầu ở Bộ Tư lệnh, Ngọc và Quang đã được Thiếu tá Trịnh, Trưởng phòng tận tình chỉ bảo. Với dáng vẻ khoan thai, đầu hơi hói, giọng Miền Nam nhỏ nhẹ, không ai có thể nghĩ rằng đây là một người từng xông pha lửa đạn qua các chiến trường từ Nam ra Bắc, là một trong những người đầu tiên của ngành xăng dầu quân đội. Chỉ sống với ông vài tháng, họ đã hiểu ra nhiều điều. Trong bữa cơm, hoặc những buổi tối bên chén trà, Trịnh thường kể cho anh em trong phòng nghe những câu chuyện của ngành xăng dầu từ những ngày chiến dịch Điện Biên Phủ, khi mà bộ đội ta bắt đầu được trang bị xe vận tải do Liên Xô, Trung quốc viện trợ. Những câu chuyện ông kể xâu chuỗi lại đã thực sự gây ấn tượng cho những cán bộ trẻ. Ông kể rằng: Xăng dầu là một ngành vô cùng quan trọng, nhưng là ngành “Áo gấm đi đêm”. Biểu tượng chiến thắng của các chiến dịch là hình ảnh những chiếc xe tăng, đại pháo, tàu chiến, máy bay, chứ chẳng mấy khi người ta đưa ra hình ảnh các chiến sỹ xăng dầu, mặc dù ai cũng biết có binh khí kỹ thuật là phải có xăng dầu. Đó là máu nuôi sống binh khí kỹ thuật. Hồi chiến dịch Điện Biên, giữa lúc cần chuyển ngay đạn và gạo cho mặt trận thì những giọt xăng cuối cùng đã cạn. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần hồi đó đã đánh một bức điện lên cấp trên: “Nguy hiểm chết người! Nguy hiểm chết người! Nếu không cho ngay năm xe xăng thì nguy hiểm chết người”. Và vào thời kỳ địch đánh chặn quyết liệt vùng cán soong khu Bốn, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cũng đã phải điện ra Bộ: “Nếu không kịp thời đưa xăng vào thì có nguy cơ hàng vạn bộ đội, Thanh niên Xung phong trên đường dây bị đói”. Rồi ông kể lại khá tỷ mỉ chuyện nhọc nhằn những phuy xăng phải đổi bằng xương máu biết bao chiến sỹ cửa khẩu Binh trạm 112 và 114. Ngọc hiểu rằng, qua những câu chuyện ấy, Trưởng phòng muốn truyền cho cấp dưới của mình hiểu được tầm quan trọng của công tác đảm bảo xăng dầu cho chiến đấu, từ đó, họ yêu nghề, và không ngại gian khổ hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Ở đơn vị lên, chưa quen với công tác tham mưu chiến dịch, anh được những người có kinh nghiệm như Trưởng phòng Trịnh, Văn Ngũ và Toại hướng dẫn thêm. Sau vài tháng Ngọc đã có thể hoàn toàn tự tin khi ngồi vào bàn trực ban của cơ quan Bộ tư lệnh, đầu não chỉ huy tuyến vận tải chiến lược trên Trường Sơn.

Trực ban chỉ huy sở Bộ tư lệnh 559 hoạt động như một cỗ máy phức tạp, nhưng rất hiệu quả. Có thể nói không quá rằng: Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, đây là một guồng máy chỉ huy mang tầm tham mưu tác chiến và kỹ thuật cao, không kém việc điều hành ở các Sở chỉ huy phòng không không quân cấp chiến dịch. Kíp trực ban gồm đại diện các cơ quan tham mưu của Bộ Tư lệnh như công binh, vận chuyển, phòng không, giao liên, thông tin, đường ống, chính trị, hậu cần. Trước mặt trực ban của mỗi cơ quan là những chiếc TA57, loại máy điện thoại giã chiến tốt nhất lúc đó do Liên Xô viện trợ. Một tấm bản đồ toàn tuyến vận tải chiến lược. Phủ lên trên tấm bản đồ ấy là một tấm mi ca trong suốt để có thể vẽ bằng bút dạ màu những diễn biến xẩy ra trên toàn tuyến. Hoạt động vận tải của tuyến vận tải chiến lược chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Đó cũng là lúc bộ máy trực ban hoạt động hết công suất. Tình hình trên tuyến vận tải được cập nhật từ các đơn vị lên, thông qua hệ thống thông tin dây trần chạy suốt chiều dài tuyến vận tải Trường Sơn, kết hợp với thông tin tải ba. Hệ thống thông tin của bộ đội Trường Sơn với những người lính dũng cảm trên tuyến và các cô gái tổng đài làm việc quên mình suốt ngày đêm, đã thành "hệ thần kinh" của Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, là một nhân tố không thể thiếu đảm bảo sự thành công cho công tác chỉ huy. Tám giờ sáng, Tổng trực ban tổng hợp tình hình của các ngành, báo cáo Tư lệnh những diễn biến lớn xẩy ra trên toàn tuyến qua một ngày đêm: Tình hình đánh phá của địch, kết quả vận tải của các phương thức trên các cung đường, kết quả chiến đấu của các lực lượng, thương vong của ta, các vấn đề đã được Trực chỉ huy Bộ Tư lệnh giải quyết trong đêm, các vấn đề lớn cần xin ý kiến tư lệnh. Tư lệnh nghe báo cáo và ra mệnh lệnh cho các ngành, các đơn vị triển khai. Một nề nếp như thế đã hình thành từ trước Tổng tiến công Tết Mậu Thân, và ngày càng được nâng cao cả khối lượng công việc và tính kịp thời trong chỉ huy tác chiến. Đó là một nhân tố tạo nên tính huyền thoại của Đừơng mòn Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngọc vừa nghe điện thoại, vừa ghi chép vào sổ trực ban của ngành xăng dầu đường ống các số liệu từ đơn vị báo về. Suốt một tháng nay, sổ trực ban ghi dày đặc những trận đánh phá của B52, máy bay cường kích và pháo biển lên kho, tuyến đường ống ở khu vực Quảng Bình, đông Trường Sơn. Tên một số địa danh cứ lặp đi lặp lại, các con số tổn thất về xăng, tuyến ống, số thương vong của bộ đội ngày càng dài ra. Có những phút yên tĩnh trong đêm trực, Ngọc đọc lại những dòng tốc ký: Trong ngày, máy bay địch đánh vào hệ thống tuyến ống của Trung đoàn 967 tám trận, trong đó có ba trận B52. Tuyến khu vực X cháy, tổn thất năm mươi mét khối xăng, hy sinh hai. Địch rải bom từ trường lên đoạn tuyến ở nam Long Đại. Sáng nay đã khắc phục xong, một đồng chí hy sinh…Những dòng tin ấy được tổng hợp lại, báo cáo với Tổng trực ban. Con số của Tổng trực ban có thêm số liệu của những trận đánh phá vào các trọng điểm giao thông, các kho hàng, các trạm, các tuyến giao liên, các trận địa pháo, vị trí trú quân của bộ đội… khiến cho các số liệu trở nên khốc liệt hơn hàng chục, hàng trăm lần. Bốn năm nếm trải mọi gian khổ, ác liệt, Ngọc mới hiểu đến tận cùng những con số, những dòng tin kia: Đằng sau chúng là máu, là lửa, là những tiếng nấc nghẹn lòng của những người lính khi phải chôn cất những đồng đội cả trai và gái mười chín đôi mươi



Những tin tức đánh phá của địch lên tuyến ống , kho tàng của Trung đoàn 967 khiến Lê Trọng không thể ngồi yên trên cơ quan Bộ tư lệnh. Bây giờ ông đã là Tham mưu phó vận chuyển đặc trách về xăng dầu, đường ống. Ông gọi Ngọc lên:
- Chúng nó chà xát tuyến Trung đoàn 967 dữ quá. Cậu đi cùng mình xuống đó xem sao. Nếu có vấn đề gì thì giúp họ.
Trên đất Quảng Bình này, đường đi bằng phẳng hơn nên họ có thể đi bằng xe đạp. Hai thầy trò đạp xe qua các làng xóm, tắt qua các cánh đồng để tránh các trọng điểm đánh phá của địch. Sau hai ngày, họ đến Trung đoàn bộ 967.
Hay quá! Tiếp đi cụ nhé
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Đặng Văn Thế đón họ trong một căn nhà âu trên ngọn đồi rậm rạp. Ông báo cáo Lê Trọng:
- Chúng ta đã cố gắng đưa tuyến ống ra xa đường ô tô. Tuy vậy, do địa hình quá eo hẹp nên vẫn bị dính bom B52 khi chúng nó đánh đường. Suốt cả tháng vừa rồi, bom và pháo hạm tàu của địch ráo riết đánh các kho và những đoạn tuyến xung yếu. tổn thất rất lớn. Có đợt vận hành, bơm từ đầu nguồn hàng ngàn mét khối, đi qua hơn hai trăm cây số tuyến ống, chỉ vài chục mét khối vào được tới Q200, không đủ cho Trung đoàn 952 vận hành.
Kỹ sư Ất, cán bộ Ban Tham mưu chỉ lên tấm bản đồ tuyến của Trung đoàn:
- Trên tuyến của Trung đoàn hiện nay có hàng chục điểm địch tập trung đánh phá. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đến nay, mỗi tháng, Trung đoàn chịu từ một trăm đến một trăm năm mươi trận bom và pháo. Trong các điểm bị đánh phá, nặng nề nhất là Ngã ba đường 10 và đường 18. Khu vực này bị chà đi xát lại. hầu như không có đợt vận hành nào trót lọt từ đầu đến cuối .
Kỹ sư Đặng Quân Hành bổ sung thêm:
- Từ Mấy tháng nay, tuyến ống liên tục đứt. Việc nối ống bên miệng hố bom không sao tránh được đất cát chui vào ống. Cát theo xăng chảy theo đường ống, vào máy bơm, phá họai các chi tiết. Vòng bi 304 là nạn nhân khốn khổ nhất của sự phá hoại này. Đất cát theo dòng xăng đã bào mòn cổ trục, làm kẹt vòng bi. Vòng bi 304 được chế tạo bởi công nghệ luyện kim và cơ khí tinh xảo, vậy mà liên tục bị hỏng. Chỉ sau một tháng vận hành là không còn vòng bi thay thế. Anh em thợ bơm bảo nhau: Cát trong xăng nhai vòng bi dễ dàng như ăn gỏi chuối. Các vòng bi 304 hỏng, xăng phun ra theo trục bơm, rất nguy hiểm, nếu không có biện pháp khắc phục thì máy bơm không thể hoạt động, và rất dễ xây ra hỏa hoạn.

Lê Trọng nghe báo cáo, ghi chép cẩn thận, đặt các câu hỏi để có đủ cơ sở chắc chắn đưa ra các đề xuất với Bộ Tư lệnh và Tổng Cục Hậu cần, tháo gỡ cho Trung đoàn. Nhìn tấm bản đồ tuyến ống chi chit các điểm địch thường xuyên đánh phá, ông không thể không lo lắng. Từ sau chiến dịch đường 9-Nam Lào, thế và lực của ta phát triển rất nhanh. Binh khí kỹ thuật và các đoàn quân kìn kìn đổ vào mặt trận. Nhu cầu vận tải tăng vọt mà xăng lại không chể chuyển lên phía trước được.


Phải rất khẩn trương mới kịp cho đợt vận hành tới. Đặng Phúc Hành sốt ruột nhìn đồng hồ. Chỉ còn thiếu hai chiếc cút chữ T. Cậu thợ bơm lên kho vật tư, mãi chưa thấy về. Suốt từ sáng đến giờ, đường từ đây đến đó không mấy khi ngớt tiếng bom và đạn pháo, không hiểu cậu ta đi có trót lọt không. Sâu trong tuyến Trường Sơn, các cán bộ kỹ thuật Trung đoàn 953 đã cắt chăn chiên thành từng dải nhỏ quấn quanh trục bơm thay cho vòng bi 304. Làm như vậy mười phần xăng chảy, đỡ được năm, sáu. Phần còn lại được khắc phục bằng cách đặt một cái xô hứng bên dưới. Hành đã cho làm như vậy, nhưng xem ra thật khó đảm bảo an toàn. Mình ở hậu phương, có điều kiện hơn Trung đoàn 953, có cách nào khá hơn không? Vốn là kỹ sư thủy điện, Nhiều đêm xoay xở, tính toán theo các định luật vật lý và thủy lực, cuối cùng cũng tìm được lối ra. Phải rồi, phải làm cho dòng xăng chảy chậm lại đến mức cát có thể lắng xuống trước khi vào kho và máy bơm. Muốn vậy, ở đó, tiết diện đường ống phải thật lớn. Nhưng làm sao để có tiết diện đường ống lớn? Một lần, tình cờ gặp một chiếc xe stec cháy, Hành cứ dán mắt vào cái bồn trên xe. Chắc khi cháy, bồn chứa xăng bốn mét khối này đã chịu một áp suất khá lớn, cái nắp phía trên đã văng đi. Đây rồi, cái téc này chính là một đoạn ống có tiết diện đủ lớn cho dòng xăng chảy chậm lại. Chỉ cần hàn thêm ống một cách thích hợp và tạo thêm cửa xả đáy là xong. Chiếc téc hỏng được tháo đem về xưởng gia công, rồi chuyển đến lắp lên đoạn tuyến ống trước khi vào kho. Có cái téc ấy, một phần quan trọng cặn đất trong xăng đã lắng lại trước khi chảy vào bồn chứa, nâng được chất lượng xăng cấp cho xe và xăng bơm từ kho vào đường ống. Trước kho áp suất nhỏ, có thể dùng téc xăng như một đoạn ống lớn. Nhưng trước máy bơm, áp suất có thể tới năm bảy cân thì chỉ có thể tăng tiết diện bằng cách lắp song song nhiều ống. Lắp như vậy rất tốn phụ kiện, nhưng không còn cách nào khác.

Cậu thợ bơm đã đèo xe đạp về được hai cái cút chữ T cùng một số phụ kiện cần thiết. Cả người và xe lấm lem bùn đất. Trên đường về, một đoạn đường bị pháo kích dữ quá nên cậu ta phải dắt xe theo một lối mòn tắt cánh đồng..
- Cảm ơn cậu nhiều lắm. Mình đã tưởng không thể về kịp.
- Sao anh lại phải cảm ơn. Nếu sáng kiến này thành công thì chúng tôi sẽ đỡ khổ vì xăng cứ tuôn ra nồng nặc trạm bơm và luôn đe dọa hỏa hoạn - Người thợ bơm cười rất tươi.
Sau khi lắp thêm hệ thống ống lắng căn trước khi vào trạm bơm, Hành đứng quan sát hoạt động của máy suốt thời gian vận hành. Lượng cặn trong xăng trước khi vào trạm bơm giảm hẳn. Trạm trưởng trạm bơm bắt tay Hành rất chặt:
- Cảm ơn anh quá. Từ nay, chắc chắn chúng tôi đỡ cơ cực vì hỏng vòng bi 304.
- Không có gì đâu anh. Đây là trách nhiệm của dân kỹ thuật mà. Anh quan sát và ghi chép cẩn thận theo mẫu này. Khi đủ cơ sở kết luận thành công, chúng ta sẽ nhân rộng ra các trạm bơm khác-Hành đưa cho người trạm trưởng một mẫu biểu theo dõi các thông số vận hành và lượng cặn trên tuyến để kết luận thật chắc chắn trước khi áp dụng đại trà.
Người trạm trưởng trạm bơm trìu mến nhìn theo bóng Hành khuất sau rặng tre. Từ khi Mỹ ném bom trở lại Miền Bắc, những người kỹ sư của trung đoàn 967 luôn bất chấp bom đạn và những trận pháo kích của địch, có mặt ở những nơi gian nan nhất, và không chịu bó tay trước bất kỳ khó khăn nào. Đó là chỗ dựa tin cậy của các nhân viên kỹ thuật cả trên tuyến, kho và trạm bơm.

Hành về đến Tiểu đoàn 31 thì gặp Ất và Ngọc, Hành hỏi:
- Có việc gì mà cả cán bộ Trung đoàn và Bộ tư lệnh cùng xuống đây vậy?
Ất đáp:
- Cụ Trọng và Ngọc xuống nắm thêm tình hình thực tế của Tiểu đoàn 31. Còn tôi xuống truyền đạt cho ông nhiệm vụ mới: phải tìm ngay tuyến tránh trọng điểm Ngã ba đường 10 và đường 18. Chúng nó chặn đến mức không thể bơm xăng qua đó được nữa.
- Có ai như em Liên kìa?- Hành chỉ về phía hầm của Ban Tham mưu.
- Liên đấy. Cô ấy đi cùng bọn mình để đối chiếu các số liệu về xuất nhập xăng với Tiểu đoàn. Mấy hôm nó đánh liên tục, số liệu báo về hơi lộn xộn- Ất trả lời.
- Ông đề xuất cho Liên đi, đúng không?
- Không phải Ất đâu. Tham mưu trưởng Trung đoàn đấy- Ngọc xen vào- Khi anh ấy nói ý định ra, mình ủng hộ liền. Bây giờ phải tạo điều kiện cho em Liên trói chặt cha này lại. Hồi X42, hắn mê em Liên đến mụ mị. Vậy mà bây giờ, có nhiều em trẻ đẹp về đơn vị, hắn có triệu chứng chao lòng rồi.
- Các ông cả nghĩ quá. Không chỉ có tên Ngọc, mà cả tên Quang cũng gọi điện tổng xỉ vả tôi về chuyện này. Nói cho công bằng, thấy mấy em gái trẻ, đẹp cũng thích. Nhưng tôi và Liên đã gắn bó với nhau bốn năm, sướng khổ, lửa đạn có nhau, ai lại làm vậy.
- Tạm thời tôi tin ông. Nhưng nếu ông thực sự chung tình thì đâu có tiếng đồn đến tận tai bọn tôi trên Bộ tư lệnh.
Ất cười:
- Thôi được. Rồi thực tế sẽ chứng minh cho tấm lòng của tôi. Bây giờ triển khai nhiệm vụ đi.

Ất vừa trải tấm bản đồ tuyến ống lên bàn vừa nói với Hành:
- Cụ Thế ra lệnh: Ông dẫn một vài cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn đi tìm tuyến tránh. Tôi phải xuống các trạm bơm và kho, nhất là khu vực trọng điểm Ngã Ba, ghi chép lại tình hình để trình kế hoạch bổ sung người và vật tư cho Tiểu đoàn. Tháng vừa rồi Tiểu đoàn bị đánh, thương vong và tổn thất vật chất lớn quá.
Hành chỉ lên bản đồ giải thích:
- Tuyến ống của Trung đoàn 967 được thi công trong điều kiện hòa bình giữa hai cuộc chiến tranh phá họai lần thứ nhất và lần thứ hai. Bởi vậy, tuyến bám theo đường ô tô. Chỗ ngã ba tuyến ống theo đường 10, rồi ngoặt sang đường 18 là một góc nhọn. Trong góc nhọn đó là một khu rừng già, là nơi đặt trạm giao liên và một số kho tàng. Hơn ba năm hòa bình, đó là nơi người và xe ra vào tấp nập. Khi địch đánh trở lại, trọng điểm giao thông không không chỉ là ngã ba đường mà còn trùm lên cả khu vực kho hàng và trạm giao liên. Ngay trận B52 đầu tiên, bom đánh cháy tuyến, địch phát hiện ra tuyến ống của ta, chúng nó đánh càng ác liệt. Một tháng nay, xăng không thể bơm qua trọng điểm ngã ba được.
Ất cầm bút chì đỏ vẽ một đường nối đường 18 và đường 10, rồi hỏi Hành:
- Ông xem, Ta có thể nắn tuyến như thế này được không? Tuyến này không chỉ tránh được trọng điểm mà tiết kiệm được hàng chục cây số ống.
- Lúc thi công, chúng ta đã biết điều này- Hành vừa nói, vừa lục trong xắc cốt tài liệu tính toán thủy lực- Nhưng hồi ấy, do phải làm gấp nên ta dựa vào đường ô tô. Bây giờ muốn đi lối này, phải vượt núi. Cần kiểm tra lại xem trạm bơm gần đây nhất có bơm nổi xăng qua đấy không.
Hành đo đạc lại cự ly trên bản đồ và cẩn thận xem lại các đường bình độ trên sườn núi chắn ngang tuyến, tính toán một lúc rồi nhíu lông mày:
- Ất này. Xem ra việc bơm qua sườn núi này phải tính kỹ vì tuy ngắn được hơn mười cây số, nhưng triền núi tuyến ống phải vượt qua lại quá cao.
Ất xem lại bài toán Hành vừa tính, gật đầu tán thành:
- Đúng. Vậy ta phải đưa tuyến dịch xuống phía nam chừng vài trăm mét. Qua phân thủy, phải bẻ lại tuyến chệch bắc một chút. Cắt rừng kiểu này là phức tạp đấy. Đi chệch phương vị là có khi lại lạc vào trọng điểm đánh phá của đich. Ông là kỹ sư thủy điện, có khó khăn không?
- Đi được. Tuyến Hướng Tây, tôi đã cùng Ngọc cắt rừng rồi mà.
- Đúng vâỵ, Ở tuyến Hướng Tây, tôi cảm thấy ông Hành định vị bản đồ rất tốt- Ngọc xác nhận- Bởi vậy, Đề nghị ông Hành cứ vững vàng mà đi theo phương vị. Nhớ chọn một vài địa vật chuẩn cho khỏi lạc.
Nói rồi họ chia tay nhau.
 
Thông tin thớt
Đang tải
Top