Muốn thế ý thức của từng cá nhân là rất cao, điều mà tôi không thấy ở Việt Nam.
Trích Gesetze (Luật cơ bản) của Đức: Mọi người đều có quyền tự do phát triển trong chừng mực không vi phạm quyền của người khác. Hiểu điều này thế nào? Nếu anh định vượt đèn đỏ, hoặc vứt rác bừa bãi, anh đang vi phạm quyền của người đang đến lượt đèn xanh, hay quyền của những người khác được hưởng môi trường trong sạch không có rác vứt bừa bãi. Ở đây tôi thấy bóng dáng của triết học Khổng Tử (đừng làm những gì mà mình không muốn người khác làm đối với mình). Cũng có thể, vì Khổng Tử được phương Tây nghiên cứu khá nhiều.
Theo em thì khi ý thức của người dân chưa cao thì chính quyền phải có được bộ luật với chế tài xử phạt thật nặng cùng đó là lực lượng hành pháp thật nghiêm minh. Nếu nhìn lại thì thời những năm 1990 tới 2000, xã hội Séc cũng đầy bất ổn và tệ nạn sau khi thay đổi chế độ. Viên chức nhà nước cũng tham ô, cảnh sát thì cũng tham nhũng, các tài phiệt thì chia trác tài sản của nhà nước một cách rẻ mạt,… nhưng sau hơn hai mươi năm, dần dần những tệ nạn này đã chấm dứt. Xã hội dần đi vào nề nếp kỷ cương.
Thử hỏi, sau những năm 90 đó, những thành phần tham ô, tham nhũng, những thành phần đục khoét tài sản quốc gia đó đã biến đi đâu? Phải chăng họ tự chuyển biến tự chuyển hoá? Thế hệ thời đó chắc chắn đều giàu có một cách nhanh chóng như các đại gia tài phiệt ở Việt Nam cùng thời điểm (có thể giới tài phiệt của Việt Nam giàu sau bên này hơn chục năm). Nhưng rồi nhờ có những người lãnh đạo thực sự vì đất nước và người dân, nên chính quyền khiến các thành phần tham ô, tham nhũng phải chùn tay và dần dần thay thế bằng một thế hệ trẻ nhiệt huyết và trong sạch hơn.
Như cụ
Gianthuong123 có viết ở còm phía trên, đất nước nào xã hội nào cũng đều có sự tham nhũng, chỉ là ở giai cấp nào mà thôi. Như theo quan điểm của cụ ấy thì ở những xã hội phát triển sự tham nhũng chủ yếu nằm ở nhóm tài phiệt. Điều này không sai, bởi theo thuật ngữ của những xã hội phát triển thì vấn đề này được coi là sự lobby cho chính quyền. Nhưng ít ra những sự lobby này cũng được đầu tư cho sự phát triển của xã hội, mà chủ yếu những tầng lớp nghèo trong xã hội được hưởng thụ.
Hơn nữa thành phần tinh hoa, thượng lưu, tài phiệt, những thành phần có thể tham ô, tham nhũng, nhận lobby, cũng chỉ chiếm khoảng từ 2 tới 5% dân số. Còn lại những người dân bình thường, những người đang vận hành trong guồng máy xã hội đó chiếm 95%. Luật pháp nghiêm minh khiến 95% này không dám tham ô tham nhũng cũng như chung tay để bảo vệ và xây dựng một xã hội pháp quyền dành cho số đông.
Thử hỏi, ai chẳng muốn giàu có, muốn ăn trên ngồi tróc, nhưng nếu luật pháp nghiêm minh từ trên xuống dưới, thì sẽ không có chuyện người người nhà nhà tìm mọi cách để ăn cắp hay bòn rút của công. Mà trong một xã hội nội tại chủ yếu chỉ phát triển về bất động sản, thì chính những người lãnh đạo là những người dễ dàng sẻ thịt tài sản quốc gia nhất. Và cũng chính họ đã tạo ra sự phát triển giả tạo cho đất nước và xã hội khi với số đất của nhà nước đó, cứ mỗi lần qua tay một giới đầu cơ thì giá lại tăng gấp bội.
Cái này đúng là giúp cho xã hội giàu có lên thật, bởi số tiền vay mượn của nhà nước để mua lại chính đất đai của nhà nước, cứ thế được nhân lên và chia đều cho một bộ phận người dân nắm bắt được cơ hội. Bất động sản mạnh lên đi kèm theo sự phát triển của hệ thống đường xá, hạ tầng cơ sở cũng như hệ sinh thái du lịch. Nhưng ngược lại, nó cũng khiến hệ thống tiền tệ cùng các nền kinh tế sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng và gần như bị bỏ quên lại phía sau.
Những người đang sống ở nước ngoài, khi họ không bị nạn tham ô tham nhũng hoành hành hàng ngày trong cuộc sống, mỗi lần về Việt Nam hay đọc tin tức hàng ngày ở nhà thì đều thấy sự bất lực của xã hội trước những vấn nạn này.