Em nghĩ khái niệm quốc gia dân tộc theo ý nghĩa hiện đại xuất hiện:
- tại châu âu là cách mạng tư sản ( Anh) khi quân chủ chuyên chế bị đánh đổ và quân chủ lập hiến được thành lập, và vua không còn quyền lực tuyệt đối, quyền lực được chuyển giao cho nghị viện
- tại châu Á, thời kỳ Minh Trị ở Nhật Bản, Yukichi đã đưa vào khái niệm quốc gia dân tộc mới trong xã hội: coi trọng quốc gia, coi nhẹ chính phủ và độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân
Sau những thời điểm trên thì người dân đã có ý thức về quốc gia dân tộc hoàn toàn khác so với trước đó
khái niệm này đến thời ông Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh ảnh hưởng từ Nhật và Phương tây mới có
Dưới ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng phương Tây, đặc biệt từ khi qua Nhật Bản và được chứng kiến một nước có truyền thống Nho học do biết tiếp nhận và vận dụng những tư tưởng tiến bộ của Phương Tây vào công cuộc duy tân mà trở nên hùng cường; được nghiên cứu và trao đổi về nguyên nhân cách mạng xã hội, về chính thể của các nước, về tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, dân quyền, dân trí và các biện pháp duy tân của Môngtexkiơ, Vônte, Rút xô..., ở Phan Bội Châu đã hình thành nên một quan niệm mới - quan niệm về dân quyền. Quan niệm này chứa đựng một nội dung mới mẻ và không kém phần phong phú, thể hiện mục đích thiêng liêng cứu nước, giải phóng dân tộc để đem lại tự do, hạnh phúc cho dân, đem lại quyền lực cho dân, để cho người dân trở thành chủ thể của các quyền lực trong xã hội.
Vấn đề dân quyền là vấn đề mới mẻ đối với các sĩ phu yêu nước Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ XX. Bởi lẽ, ở thời điểm đó, dân quyền là cái chưa có trong kho tàng tư tưởng của dân tộc ta, mà phải tiếp thu từ những trào lưu tư tưởng Âu Mỹ. Trước sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến, mà nòng cốt là tư tưởng Nho giáo trong việc bảo vệ đất nước nửa cuối thế kỷ XIX và yêu cầu giải phóng dân tộc hồi đầu thế kỷ XX, với lòng yêu nước nồng nàn, tài năng và sự mẫn cảm của mình, Phan Bội Châu đã tìm kiếm và tiếp nhận những trào lưu tư tưởng phương Tây, đặc biệt là tư tưởng dân quyền - một thứ vũ khí tư tưởng mới lạ trong thời đại "châu Á thức tỉnh" sau "giấc ngủ" quân chủ.
Dưới chế độ phong kiến, nửa thực dân, người dân Việt Nam chỉ có trách nhiệm và nghĩa vụ phục tùng vô điều kiện yêu cầu của kẻ bề trên. Họ bị tước bỏ tất cả mọi quyền hành, họ chưa bao giờ là chủ thể của quyền lực. Bằng sự trải nghiệm của mình, Phan Bội Châu cho rằng, không có dân quyền là một trong những nguyên nhân khiến cho nhân dân ta sống trong tủi nhục, cay đắng, khốn khổ và tăm tối. Trong Tân Việt Nam (1907), với sự khảo cứu lịch sử và hiện trạng của nước nhà, Phan Bội Châu đã vạch rõ:
"Cái nọc độc chuyên chế của bọn người hại dân ấp ủ đã hàng ngàn năm nay từ bên Trung Quốc lây sang nước ta, đến nỗi một tên độc phu (vua) và vài vạn kẻ dung nhân (quan) làm cá thịt trăm họ dân ta. Thế mà dân ta ngu ngốc khờ dại, không biết giành dân quyền, giữ quốc mệnh, chỉ ngày đêm lo hết lòng hết sức đem máu mỡ của mình cung đơn cho bọn độc phu, dung nhân uống nuốt? Than ôi! Thật đáng thương thay"
Ngay trong Việt Nam quốc sử khảo(1908), Phan Bội Châu đã dành không ít tâm tuyết để bàn về mối quan hệ giữa dân quyền và quốc quyền, về mầm mống dân quyền ở nước ta, về dân quyền ở nước ta bị hao mòn, về mối quan hệ giữa dân quyền và dân trí với nội dung khá phong phú. Tuy vậy, khái niệm "dân quyền" chưa được Phan Bội Châu định nghĩa một cách rõ ràng, có chăng chỉ là sự luận giải của ông về nữ quyền. Trong một tác phẩm về vấn đề phụ nữ, Phan Bội Châu dành một chương bàn về nữ quyền. Trong đó, ông viết: "Nữ quyền nghĩa là quyền của người đàn bà con gái, cũng như nam quyền nghĩa là quyền của người con trai. Nhưng, xét cho đến gốc chân lý, thẳm cho tới nguồn triết học thì nữ quyền với nam quyền tất cả thâu nạp vào trong hai chữ "nhân quyền". Nhân quyền nghĩa là quyền của người mà cũng nghĩa là quyền làm người. Rằng quyền của người tức là các quyền đó là người thời đáng được, rằng quyền làm người tức là đã một con người tất cả các quyền được làm con người mà không phải làm trâu ngựa. Con trai là người, con gái cũng là người, ở trong hai chữ "quyền người" đã bao bọc cả rồi không phải phân biệt nam quyền nữ quyền, nếu phân biệt nam quyền nữ quyền cũng là dư".(2)
Theo cách lập luận trên của Phan Bội Châu, có thể hiểu rằng, dân quyền là quyền của người dân; người dân có quyền đó là lẽ tất yếu, đã là con người dù nam hay nữ đều có quyền làm người và đó cũng chính là giá trị của con người. Do đó, không có dân quyền, hay nói cách khác, không có quyền làm người thì con người mất hết giá trị, con người không còn là con người mà trở thành trâu ngựa. Sự phân biệt nam quyền hay nữ quyền là không cần thiết, bởi là người tất phải có quyền, người dân phải có quyền, tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng trước pháp luật. Phan Bội Châu cho rằng: "Mọi thứ dân quyền đều được bình đẳng".(3) Chứ đâu phải chỉ có vua, cha, chồng mới có quyền, còn những người khác thì không có quyền. Quan điểm này chẳng những khác hẳn quan điểm của Nho giáo về tam cương vốn đã in dấu ấn đậm nét trong tâm thức của mọi người, mà còn có tác động thức tỉnh nhân dân ta đứng lên đấu tranh xoá bỏ dấu ấn đó, đứng lên đấu tranh phá bỏ sự áp chế vô lý đương thời để giành lại quyền làm người của mình.
Trân trọng và đề cao quyền làm người, quyền của người dân là một trong những biểu hiện sinh động trong quan niệm của Phan Bội Châu về dân quyền. Đồng thời, ở đây cũng cho chúng ta thấy rõ sự chuyển biến tích cực trong tư tưởng của Phan Bội Châu, ông đã vượt qua hệ tư tưởng phong kiến để tiếp nhận những giá trị tiến bộ trong các trào lưu tư tưởng phương Tây nhằm phát huy và tập hợp sức mạnh của mọi người dân hướng vào sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và canh tân đất nước. Hướng đến mục đích đó, Phan Bội Châu nhận thức được rằng, dân quyền có quan hệ với quốc quyền, dân quyền có quan hệ với sự thịnh suy và sống còn của đất nước.
Theo Phan Bội Châu, dân quyền trở thành tiêu chí quan trọng nhất để xem xét nước còn hay mất, nước mạnh hay yếu, giá trị của người dân cao hay thấp, người dân còn hay mất. Ngay những dòng đầu tiên luận giải về mối quan hệ giữa dân quyền và quốc quyền, Phan Bội Châu viết: "Theo công pháp vạn quốc đã định, được gọi là một nước thì phải có nhân dân, có đất đai, có chủ quyền. Thiếu một trong ba cái ấy đều không đủ tư cách làm một nước. Trong ba cái đó thì nhân dân là quan trọng nhất. Không có nhân dân thì đất đai không thể còn, chủ quyền không thể lập; nhân dân còn thì nước còn; nhân dân mất thì nước mất. Muốn biết nhân dân còn mất như thế nào thì phải nhìn xem cái quyền của nhân dân còn mất như thế nào. Dân quyền mà được đề cao thì nhân dân được tôn trọng, mà nước cũng mạnh. Dân quyền bị xem nhẹ, thì dân bị coi khinh, mà nước yếu. Dân quyền hoàn toàn mất thì dân mất, mà nước cũng mất".
https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/quan_niem_dan_quyen_phan_boi_chau.html