HỎA KHÍ NƯỚC VIỆT DƯỚI THÒI TRẦN, HỒ, LÊ SƠ
(Trích "Binh Chế Đại Việt Thế Kỷ X - XV)
Hoả khí xuất hiện, phát triển và cược trang bị trong quân đội Đại Việt như thế nào? Đó là câu hỏi chưa được giải đáp.
Từ cuối thế kỷ XIII và nhất là từ thế kỷ XIV, hoả khí đã xuất hiện và ngày càng được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước. Trên thế giới, phát minh thuốc súng và sử dụng nó trong quân sự sớm nhất ở Trung Hoa và Ấn Độ. Người Ả Rập và người châu Âu đã học cách chế chất nổ và pháo từ các nước đó. Thuốc súng có thể được chế ở Trung Quốc sớm hơn, nhưng việc sử dụng thuốc súng vào mục đích quân sự người ta biết được chính xác bắt đầu từ thế kỷ XIII. Năm 1232, khi người Trung Hoa bị người Mông Cổ vây đánh, họ đã phòng ngự bằng những khẩu pháo bắn đạn tròn bằng đá đã dùng trái nổ và các loại khí tài bằng thuốc súng để chống lại. Thời Nam Tống, năm Khai Khánh nguyên niên (1255) Trung Quốc có súng "Đột hoả thượng". Súng này bắn các loại đạn đá. Theo sách Trung Quốc cổ đại hoả pháo sử của Lưu Húc thì hoả pháo của Trung Quốc thời Tống - Nguyên - Minh bắn các loại đạn bằng đá, bằng sắt, bằng đồng, bằng chì hoặc bằng đất cứng. Những năm 1274 và 1281, khi đánh Nhật Bản, quân Nguyên đều dùng Thiết hoả pháo - một loại máy bắn đá phóng đi những hòn đạn sắt chứa chất nổ. Ở Ấn Độ, người ta biết được những hoả pháo đặt trên những cỗ xe từ triều đại Đê Li, vào giữa thế kỷ XIII. Đến giữa thế kỷ XIV, thuốc súng đã giữ vai trò lớn trong quân sự và pháo cũng dùng khá phổ biến trongnhiều nước ở châu âu. Như thế, hoả khí đã sinh ra từ phương Đông và nhanh chóng được các nước phương Tây ứng dụng.
Ở Việt Nam, yêu cầu của cuộc chiến tranh giữ nước ngày một cao, ông cha ta đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo các loại vũ khí và phương tiện chiến đấu. Theo truyền thuyết và dã sử thì ở nước ta thuốc súng đã xuất hiện khá sớm, được sử dụng trong hội hè, đình đám và cả trong quân sự. Thời Lý - Trần, trong dân gian Đại Việt đã có tục đốt pháo mừng Xuân. Sử chép rằng, trong trận công phá thành Ung Châu, Lý Thường Kiệt bắt được ở Côn Luân một tù binh tên là Triệu Tú, biết được cách đánh hoả công, nghĩa là bắn chất cháy vào thành. Nguyên sử, phần An Nam truyện có chép việc sử dụng pháo của quân nhà Trần. Sự kiện đó diễn ra vào tháng 2 năm 1285, khi quân Nguyên tiến đến gần Đông Bộ Đầu, đóng ở bên kia sông Hồng, chuẩn bị tiến công vào kinh thành Thăng Long, thì quân nhà Trần do vua Trần chỉ huy từ bên này sông đã "bắn pháo, hô to, thách đánh" (nguyên văn Nguyên sử là: phát pháo đại hô cầu chiến)1 (Nguyên sử, trích dịch phần Binh chế và một số sử liệu liên quan đến Việt Nam, Tư liệu Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, tr.5). Tuy nhiên, đó mới là sử liệu duy nhất phản ánh về hoả khí của quân đội Đại Việt hồi thế kỷ XIII.
Sử sách chép rõ hơn đồi với những hoạt động của hoả khí giai đoạn cuối Trần, đầu Hồ. Năm 1382, tại cửa biển Thần Đầu (Thanh Hoá), trong một trận thuỷ chiến với quân Chiêm Thành, viên tướng dưới quyền chỉ huy của Hồ Quý Ly là Nguyễn Đa Phương đã mở hàng cọc, cho quân xông thẳng vào thuỷ quân Chiêm, "ném đồ hoả khí thiêu cháy gần hết đoàn thuyền chiến giặc”… Đặc biệt là sự kiện xảy ra trên sông Hải Triều (sông Luộc) vào tháng Giêng năm 1330, khi vua Chiêm là Chế Bồng Nga với hàng tướng Trần Nguyên Diệu chỉ huy hơn 100 chiến thuyền đi dò xét trận thế, chuẩn bị đánh quân Đại Việt. Lúc đó, Đô tướng Trần Khát Chân chỉ huy quân nhà Trần đã dàn thế trận mai phục, bố trí các khẩu pháo hai bên sông và trên thuyền chiến. Khi thuyền giặc chưa tập hợp thì một tiểu thần bị Bồng Nga trách phạt chạy sang quân ta chỉ chiếc thuyền sơn màu lục là thuyền của vua Chiêm đang đứng thị sát. Tướng Trần Khát Chân sài hoả pháo cùng bắn một loạt. Đạn bay trúng giữa thân Chế Bồng Nga xuyên suốt xuống tận ván thuyền. Bồng Nga chết ngay, quân Chiêm tan vỡ. Như vậy, có thể nói rằng tử thế kỷ XIII, ở Đại Việt đã biết chế tạo và sử dụng thuốc súng trong mục đích quân sự; và từ cuối thế kỷ XIV, quân đội Đại Việt đã được trang bị, sử dụng hoả khí phổ biến và có hiệu quả.
Đầu thế kỷ XV, Hồ Nguyên Trừng đã kế thừa và cải tiến kỹ thuật đúc súng lúc đó, sáng tạo ra phương pháp chế súng Thần cơ (còn gọi là Thần cơ sang pháo), kiểu đại bác đầu tiên ở nước ta. Đạn đúc bằng chì, bằng gang hoặc bằng đá có sức xuyên và công phá tốt, có hiệu quả sát thương và uy hiếp tinh thần quân địch. Thần cơ sang pháo và Cổ lâu thuyền là hai phát minh lớn nhất về vũ khí và trang bị thời kỳ này. Đó là kết quả sáng tạo của nhà sáng chế tài ba Hồ Nguyên Trừng.
Mặc dầu Trung Quốc là cái nôi sinh ra thuốc súng và đã từng chế tạo, sử dụng khá sớm các loại hoả pháo, nhưng đầu thế kỷ XV, trong cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt, quân Minh vẫn không tránh khỏi nỗi kinh sợ trước hoả lực pháo binh của quân đội nhà Hồ. Khi cướp được pháo của Đại Việt, chúng rất đỗi ngạc nhiên và khâm phục vì Thần cơ sang pháo có nhiều ưu thế hơn hẳn các hoả pháo của quân Minh. Những cỗ Thần cơ sang pháo được nhanh chóng chở về Trung Quốc. Vua Minh Thành Tổ cùng các đại thần văn võ, các tướng lĩnh trong triều hết sức thán phục tài "sáng chế của người An Nam". Vua Minh ra lệnh lập tức đưa Hồ Nguyên Trừng sang Trung Quốc tìm cách mua chuộc, cho Trừng làm quan phụ trách chế tạo binh khí, lập nên Thần cơ doanh; đồng thời ra lệnh học tập, vận dụng phương pháp chế súng Thần cơ để trang bị cho quân đội Sách Minh sử, phần Binh chế nói: "Đến đời Minh Thành Tổ (1403 - 1424) đánh nước Giao Chỉ học được phép đúc Thần cơ sang pháo. Lúc bấy giờ mới đặt ra súng Thần cơ, phép chế súng ấy, dùng đồng đỏ, một nửa còn sống, một nửa là đồng đã nấu, lẫn lộn. Cũng có thể dùng sắt mà đúc. Sắt Phúc Kiến thì tốt hơn sắt Tây Vực. Súng có nhiều cỡ lớn nhỏ không đều. Lớn thì kéo bằng xe, nhỏ thì dùng giá gỗ hay vác trên vai. Súng lớn thì lợi cho việc chiếm và giữ; súng nhỏ thì lợi việc chiến đấu. Tuỳ tiện lợi mà dùng; đó là binh khí rất cần cho việc hành quân”1 (Dẫn theo Lê Quý Đôn toàn tập, Tập IX, Vân đài loại ngữ, Nxb Khoa học xã hội, H.1978, tr.229). Theo Minh sử, thời Vĩnh Lạc (1403 - 1424) vua Minh thân chinh mặt bắc đánh (Mông Cổ). Khi giặc kéo đến, bèn đem Thần công của nước An Nam ra đánh, giặc mới rút lui. Đến năm Tuyên Đức (1428 - 1435) triều đình sắc cho quan Tổng binh ở Tuyên Phủ rằng: Thần cơ sang pháo là trọng khí của nhà nước, cấp cho đồn biên phòng để thị uy, cấm không được cấp nhảm. Năm Chính Thống (1436 - 1449), các tướng ngoài biên ải lập ra Thần sang cục, nhưng vua cho là chế hoả khí ở ngoài biên sợ tiết lộ bí mật, nên bắt phải thôi"1 (Dẫn theo Lê Quý Đôn toàn tập, Tập IX, Vân đài loại ngữ, Nxb Khoa học xã hội, H.1978, tr.230). Điều đó chứng tỏ, Thần cơ sang pháo của Hồ Nguyên Trừng được coi trọng ở Trung Quốc như thế nào.
Như vậy, ở Việt Nam cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, hoả khí đã xuất hiện và phát huy tác dụng trong chiến đấu Đó là cái mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển của vũ khí công nghệ quân sự nước ta từ giai đoạn bạch khí sang hoả khí. Mặt khác những ghi chép trong sử sách chứng tỏ trình độ kỹ thuật công nghệ cũng như trang bị vũ khí trong quân đội Đại Việt có những mặt vượt hẳn so với quân Minh ở Trung Quốc. Bước phát triển mới này của vũ khí kỹ thuật đã có tác động rất lớn đến các mặt khác của Binh chế như tổ chức quân sự và nghệ thuật dụng binh.
Sau khi Hồ Nguyên Trừng bị bắt, việc chế súng của người Việt vẫn tiếp tục. Năm 1427, khi đất nước cơ bản đã được giải phóng, Lê Lợi huy động các thợ giỏi, tổ chức chế tạo nhiều loại vũ khí mới, trong đó có súng Cổn Dương.
Thời Lê Sơ, đến triều Lê Thánh Tông, chính quyền trung ương được coi là hoàn bị nhất. Cách tổ chức quân đội việc sản xuất và trang bị vũ khí vì thế cũng được chấn chỉnh, phát triển và có quy chế chặt chẽ. Chẳng hạn, trong số 27 vệ của 9 đô ti thì 26 vệ có tổ chức sở Súng Nổ. Thời đó ngoài các loại pháo lớn nhỏ, còn có các loại súng tay, súng điểu thương, hoả mai, súng báng gỗ, súng bọc da, súng lệnh, ống phun lửa, hoả tiễn, hoả mù, đạn lửa... được chế tạo và trang bị cho quân đội. Đời Lê Thánh Tông có đặt các sở “pháo đội" mang tên: Lôi Hoả, Điện Hoả, Tiệp Hoả, Nhuệ Hoả, Xuyên Vân... Chứng tỏ sang thời Lê Sơ, hoả khí đã được chế tạo và trang bị phổ biến, đa dạng hơn so với các giai đoạn trước. Bộ Sưu tập vũ khí Ngọc Khánh - Ngọc Hà - Quần Ngựa (Hà Nội), trong đó có hơn 1.100 viên đạn đá với nhiều kích cỡ khác nhau (loại lớn nhất đường kính 5,5 cm, loại nhỏ nhất 1,7 cm) cho biết sự đa dạng và phong phú các chủng loại hoả khí thời Lê.
Chúng tôi chưa biết rõ việc trang bị trong từng đơn vị của quân đội nước ta trước thế kỷ XV như thế nào. Từ thời Lê Sơ, quy chế về vấn đề này đã khá rõ ràng. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Lê Thái Tổ quy định phẩm vật cho các đơn vị: Trung đội cờ vàng, thượng đội cờ đỏ, hạ đội cờ trắng. Mỗi vệ chủ tướng 1 lá cờ to, mỗi quân 1 lá cờ nhỡ, cờ đội 10 lá, cờ nhỏ 40 lá; chiến thuyền 10 chiếc, thuyền nhỏ đi tuần 2 chiếc; ống phun lửa hạng đại tướng quân 1 cái, hạng lớn 10 cái, hạng nhỏ 40 cái; nỏ tốt 50 cái, câu liêm 40 cái bậc nhì thủ tiễn mỗi người 3 cái, đại đao mỗi người 1 cái… Từ đó về sau, chế độ trang bị vũ khí cho các đơn vị càng được quy định cụ thể và chặt chẽ hơn.
(Tư duy lịch sử)
đại bác thời đó chỉ dùng cố định là chính thôi còn Lê Lợi dùng phục kích là chính, thuộc hàng ông tổ đánh phục kích ở Việt Nam. Nhưng chi tiết vũ khí, chiến thuật của quân Nam và cả TQ các thời đều rất khó tìm, có lẽ mấy ông Sử toàn là khối C. Giờ vẫn không rõ mấy ông Nguyễn thời bị Pháp đánh thì có được 100% dùng súng hay là vẫn dùng gươm.