Tôi đã từng viết đâu đó thế này: "Thực trạng của Hà nội và Sài gòn như bây giờ là phù hợp với lịch sử phát triển và tính cách của Việt nam".
Quy hoạch 1 thành phố đòi hỏi 3 yếu tố: 1/ Kiến thức và tầm nhìn, 2/ Rất nhiều tiền và 3/ Cực kỳ sắt máu.
1 ví dụ về kiến thức và tầm nhìn: Năm 1962 có 1 nhóm chuyên gia Liên xô sang VN giúp xây ĐH Bách khoa. Lúc rỗi rãi, VN cho xe đưa họ đi thăm Hà nội. Đi qua Ngã tư sở lúc đó còn rất hoang vu vắng vẻ, ông chuyên gia nhìn qua, hỏi mấy câu xong nói ngay "Chúng mày phải quy hoạch sớm chỗ này vì nó sẽ là nút giao thông lớn". VN nghe xong chỉ cười bỏ qua, và bây giờ các cụ đã thấy.
Khi không có kiến thức và tầm nhìn, cái giá phải trả sẽ là rất nhiều tiền. Bất cứ con đường mới mở hoặc mở rộng nào ở HN và SG hiện nay, tiền đền bù đều gấp nhiều lần tiền xây dựng. Đó là 1 lý do chính khiến ngân sách vốn đã eo hẹp của HN/SG gần như kiệt sức.
Cuối cùng, quy hoạch cần sự sắt máu, vì đụng đến nhà đất là động đến quyền lợi tối cao của con người. Tính người VN dĩ hòa vi quý, khi không đối mặt sống chết thì rất khó tàn nhẫn được với đồng bào, nhất là với lịch sử đặc thù mấy chục năm qua.
Hà nội/Sài gòn hiện nay có thể lộn xộn, xô bồ, vung vãi như đậu rắc, nhưng nó lại làm được 1 điều là cho mấy triệu gia đình, mỗi nhà có 1 khoảnh đất con con để ở và lấy làm tài sản. Và nó cũng không ngăn trở những người ở vùng khác đến tìm cơ hội. Với mức độ phát triển kinh tế hiện tại của Việt nam, việc duy trì được sự phát triển của HN và SG mà không sinh ra những khu ổ chuột quy mô lớn đã là thành công.
Có thể nói, mỗi cá nhân đang sống ở Hà nội vừa là nạn nhân, vừa là tội đồ góp phần tạo ra những vấn đề hiện nay của Hà nội. Ai cũng kêu ca, ai cũng ghét, nhưng người đến ngày càng đông và rất ít người rời đi. Vì mặc dù chật chội, hỗn độn và ô nhiễm thì Hà nội (và Sài gòn) vẫn có những cái mà những nơi khác ở Việt nam không có, đặc biệt là cơ hội việc làm, thu nhập và giao tiếp.