------------------***-------------------
"Cái rét đầu mùa anh rét xa em
Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa
Một đắp cho em ở vùng sóng bể
Một đắp cho mình ở phía không em."
Cùng Chế Lan Viên, có mấy vần đúng với không khí lạnh của bên cụ đây này. Ở nhà đang nắng quá, để chúng em ship cho cụ ít nắng, cụ ra phi trường nhựn đi ợ,
.
Cảm ơn mợ. Bài thơ này thì em biết vì hay nghe bài hát phổ nhạc qua giọng ca cụ Trung Đức. Lời bài hát chỉ thay mấy chữ ở câu thứ 3 nhưng không hay như lời thơ.
Nhân chuyện rét mướt ta lại "ăn cơm mùa hè, nói chuyện mùa đông" chút nhỉ.
Sao những ngày "mưa phùn gió bấc" hồi ấy nó rét mướt thế các cụ mợ nhỉ? Gió mùa đông bắc nó lùa qua khe cửa nhà, cửa lớp học nó buốt thế hả các cụ mợ? Ngày bé em toàn đi dép, chủ yếu là loại dép cao su làm từ lốp xe cũ, sản xuất ở vỉa hè đường Nam Bộ. Tất thì chủ yếu là loại tất nylon mỏng dính, lạnh thì có đôi tất sợi hay tất len mẹ đan cho bằng len tháo ra từ áo len cũ. Áo len thì là hàng hiếm, suốt những năm cấp 1 đến lớp 6, 7 đâu như em chỉ có 2, 3 cái áo mút cổ lọ bố mẹ mua ở mậu dịch quốc doanh. Áo rét hay dùng loại áo bông nhiều ô vuông màu xanh công nhân, mũ hồi bé là loại trùm kín đầu, hở 2 mắt như kiểu mũ giáp của hiệp sỹ tây.
Mãi những năm cuối cấp 2, cao to một tý thì được "thừa kế" của mẹ em bộ đại cán bộ đội. Quần áo nữ nên em phải sửa và may lại một chút. Quần thì dễ vì chỉ cần may bóp ống và gấu, cái cửa quần mở bên trái thì không phải sửa vì mặc áo ngày đó toàn bỏ ngoài quần nên không ai thấy
. Áo đại cán nữ nên có eo nhưng vì rộng hơn người em nên may thẳng một đường là vừa bóp được áo vừa người và xoá được cái eo đi. Cũng may hồi đó cơ quan mẹ em có nhiều việc làm thêm cho cán bộ liên quan đến may vá như may quần lụa, may túi xách bằng vải nylon để đổi hàng với bà con nông dân. Vì vậy tụi trẻ con khu em toàn là "thợ may" tay nghề cứng, kỳ nghỉ hè lúc bố mẹ đi làm vắng cả khu rào rào tiếng máy khâu.
À, em nhớ có dạo bố em xếp hàng mua được bộ quần áo đồng phục của học sinh Liên Xô bằng dạ màu nâu. Quần ống đứng, áo kiểu veston, mặc vào khá là oai. Chất liệu bền nên em mặc chật thì sang tên cho em gái, sau đó lại chuyển qua cho 2 đứa em họ, dùng đến 6, 7 năm giời.
Áo rét không đủ nên nhiều khi trời mùa đông mặc 4, 5 cái áo sơ mi lồng nhau. Ngồi trong lớp học trời rét, cửa thì phải mở toang để lấy ánh sáng vì không có đèn điện. Mỗi cơn gió lùa là người lại co lại một chút, cô bạn ngồi bên chắc cũng cùng suy nghĩ nên cũng hơi hơi nhích lại gần. Lúc ấy mà được ôm nhau thì chắc ấm phải biết, nhưng nhìn cái vạch kẻ trên bàn, trên ghế băng "phân chia lãnh địa" lại rén ngang, thò qua biên giới thì nó lấy thước vụt cho sưng tay chứ chả chơi.