GÓC KHUẤT CHIẾN TRANH
Thớt 41:
GIẢ THIẾT VỀ MỘT BÀI CA
Thủa mặc quần thủng đuýt, những năm 68-70 của thế kỷ trước, tin tưởng rằng các Cụ đều đã từng nghe hoặc lẩm nhẩm một bài ca nước ngoài, được coi là ‘hót’ hồi ấy, bài ca “Tuýp sông Hồng”.
-Ngồi trên chiếc F-4H bay ra Bắc Việt;
-Bị Phòng không Việt Nam bắn rơi trên không;
-Chiếc xe trâu đưa tôi về “Hà Nội-Hilton”;
-Lúc ra về, tôi nhớ mãi cô gái sông Hồng.
Năm nay, đã ở tuổi gần đất xa trời, đi tập ‘dưỡng sinh’ ở câu lạc bộ xóm tôi, nơi có cô cháu gái hướng dẫn thể dục, toàn bật loa bài này, nên có nhã hứng đi tìm nguồn cơn của bài hát xưa. Và sau đây là giả thiết về xuất xứ của bài hát.
1/Wilber cha:
Walter Eugene Wilber, là một “ó biển” thuộc lực lượng phi công Hải quân Hoa Kỳ lừng danh với khả năng đáp xuống boong tàu sân bay.
Wilber cha là con một gia đình tá điền, đăng lính vào hải quân khi 18 tuổi với ước mơ trở thành phi công. Ở tuổi 20, ông đã hai lần được điều động sang bán đảo Triều Tiên, rồi tiếp tục bay và được điều chuyển đi nhiều hải phận quốc tế trong những năm sau.
Năm 1967, Wilber cha được điều động sang chiến trường Bắc Việt Nam.
Sau 20 phi vụ đánh phá miền Bắc Việt Nam, một ngày hè năm 1968, người phi công 38 tuổi – Trung tá Walter Wilber đã phải bung dù khỏi chiếc F-4 đang cháy bùng bùng bởi một quả tên lửa của đối phương trên không phận Vinh (Nghệ An).
Một cánh đồng lúa bình dị ở Bắc Trung Bộ Việt Nam đã độ lượng “đón” chào anh con trai của những người nông dân xứ Pennsylvania.
VÀ – ĐÂY CHÍNH LÀ cảm hứng để cho ra đời bài hát: “Tuýp sông Hồng”.
Kể từ giữa năm 1968 ấy, bắt đầu 56 tháng “phi công mặc áo ngủ” của Wilber cha tại Hỏa Lò, Hà Nội, trong đó 20 tháng đầu bị giam riêng, do quân hàm của Walter Wilber thuộc loại cao nhất trong số tù binh Mỹ (quân hàm Trung tá). Và vào thời gian chiến tranh ở Việt Nam, những phi công Mỹ ném bom xuống miền Bắc bị gọi là những “tội phạm chiến tranh”.
Ở giai đoạn trước năm 1965, Walter Wilber nghĩ rằng mình đã tác chiến để đạt tới “hòa bình” như ở Triều Tiên. Tuy nhiên, tới giữa thập niên 1960, bối cảnh bắt đầu thay đổi đối với ông. Tới lúc ‘Wilber cha’ được điều sang Đông Nam Á, ông đã nghe những lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh trong xã hội công dân Mỹ. Ông cũng lắng nghe những lời chỉ trích của mục sư Luther King năm 1967….
Khi bị giam ở Hà Nội, ‘Wilber cha’ bắt đầu lắng nghe tiếng nói của lương tâm mình. Là một người mộ đạo, trọng lẽ phải, một sĩ quan có trách nhiệm, ‘Wilber cha’ đã kiểm định cả những suy nghĩ của mình để đi đến kết luận cuộc chiến tranh chống Việt Nam là một sai lầm.
Thông qua các lá thư, qua trả lời phỏng vấn, ông kêu gọi Quốc hội Mỹ chấm dứt chiến tranh, thúc giục công dân Mỹ bày tỏ quan điểm của mình, động viên tất cả những ai nghe thấy tiếng nói của ông hành động vì hòa bình.
Có cả tù binh Mỹ khác, sau những trận “bão tư tưởng” với chính mình trong phòng giam cũng tìm được sự tán đồng với ‘Wilber cha’. Đó là John Young, một cựu cố vấn Mỹ cho quân đội Sài Gòn, nhân vật phản chiến nổi bật trong sách “Kẻ thắng người thua” của Gloria Emerson. Đó là các thành viên khác thuộc Ủy ban hòa bình của trại tù binh Mỹ ở Hà Nội, như Robert Chenoweth, Abel Kavanaugh…
Khi được phóng thích theo Hiệp định Paris 1973, các nhận định của Walter Wilber về thời gian ông ở Hỏa Lò, Hà Nội đã bị đặt vấn đề, vì trái nghịch với “câu chuyện chính thức” của chính quyền Nixon về việc tù binh Mỹ đã bị đối phương đối xử thế nào.
Trên thực tế, có một số tù binh từng đưa ra tuyên bố phản chiến tại Hà Nội. Nhưng, để được hưởng “ân xá” của chính quyền Mỹ lúc đó, họ đã thừa nhận họ mắc “sai lầm” khi là tù binh.
Tuy nhiên, ‘Wilber cha’ đã không làm như thế. Hơn nữa, ông còn tuyên bố trước công luận rằng, các thông điệp phản chiến mà ông đưa ra trong thời gian ở Hà Nội là tự nguyện….
Chính quyền Nixon đang kiệt sức đối đầu với cuộc chiến tranh ở Việt Nam và “cuộc chiến trong lòng nước Mỹ”, đã không quyết định lập tòa án binh xử một sĩ quan cao cấp, có chính kiến rõ ràng, hiểu biết luật pháp và văn hóa của nền chính trị kiểu Mỹ. Hẳn họ không có lợi gì khi làm nổi bật một “ngọn cờ phản chiến”.
Trung tá Walter Wilber, người đã bất chấp các bổng lộc của một binh chủng kiêu binh, đã thành công trong cuộc đối đầu với phe diều hâu chủ trương chiến tranh ở Việt Nam. Để có được thắng lợi ấy, ông đã chọn được hướng đi đúng cho mình, là tranh đấu trên cơ sở Hiến pháp Mỹ và đạo lý, lợi ích thực sự của nước Mỹ.
Trong những năm cuối đời của mình, ‘Wilber cha’ đã luôn kiên định, luôn tin chắc rằng người Mỹ lẽ ra không nên dính líu vào Việt Nam, rằng các tuyên bố phản chiến đã được ông đưa ra là đúng đắn. Ông cũng đã kiên định với các phẩm chất của mình: Luôn mộ đạo, trọng các giá trị truyền thống, luôn tin tưởng vào các nguyên tắc cao nhất mà quốc dân Mỹ theo đuổi.
2/‘Wilber con’:
Một ngày của năm 2014, một du khách Mỹ đặt chân đến nơi chưa từng đến mà không hề xa lạ với ông: Miền Bắc Việt Nam. Bản đồ lữ hành của ông gồm những địa danh mà ông được nghe hồi nhỏ, từ trong những lá thư đầy nhân văn của người cha gửi từ vùng đất mà chính quyền Mỹ lúc đó coi là thù địch.
Người đàn ông này là Thomas (Tom) Eugene Wilber, một đại tá vừa về hưu sau nhiều năm phục vụ Hải quân Hoa Kỳ. Ông là con trai Walter Eugene Wilber, một tù binh mà 50 năm về trước không ít lần lên tiếng phản đối chiến tranh do Mỹ gây ra, trên làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam, bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
Wilber con nhớ lại: “Trong dịp sinh nhật lần thứ 15 của tôi vào năm 1970, cha tôi đã thu tiếng để phát qua làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam, nhắn nhủ tôi: “Con đã lớn khôn, hãy tranh đấu vì hòa bình”.
Tuân theo lời dạy của cha, cả khi còn tại ngũ, Tom Wilber đã không bỏ lỡ dịp vun đắp cho tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Nhân chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ USS CARL VINSON cùng với hai tàu khác vào cảng Đà Nẵng tháng 3-2018, Tom Wilber nhớ lại: “Hai trong số những tàu tôi đã từng phục vụ khi còn tại ngũ là USS THEODORE ROOSEVELT (CVN-71) và tàu ngầm hạt nhân tiến công nhanh USS CITY OF CORPUS CHRISTI (SSN-705). Trên cả hai tàu này, tôi đã chịu trách nhiệm chuẩn bị cho những cuộc thăm các cảng và tổ chức tour cho khách tham quan, thường có số lượng đông đảo…”.
Đến khi nghỉ hưu sau khi phục vụ 20 năm trong binh chủng tàu ngầm, Đại tá Thomas Eugene Wilber (Tom Wilber ‘con’) mới thực hiện được ước nguyện thăm nơi mà cha ông dặn dò, là “quê hương thứ hai” của cha con ông: Việt Nam.
Từ năm 2014 đến nay, Tom Wilber đã có tới 20 chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam, thăm lại các nơi có dấu ấn của cha mình và phỏng vấn những người có liên quan đến quãng đời của ông Walter Wilber ở Việt Nam.
Tom Wilber có một quá trình hỗ trợ Khu di tích Hỏa Lò, Hà Nội, tạo điều kiện cho cựu tù binh Mỹ gửi các kỷ vật của họ thời kỳ ở Việt Nam sang phục vụ cho triển lãm các hiện vật về tù binh Mỹ tại bảo tàng này. Ông còn tham gia giảng dạy về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại Trường Đại học Hà Nội. Nghiên cứu các tài liệu liên quan đến tù binh Mỹ ở Việt Nam trong những năm 1964-1973, Tom Wilber đặc biệt chú ý tìm các lưu trữ về các phát ngôn vì hòa bình của cha mình trên đài, báo của Việt Nam. Được biết, đã có khoảng 10 phát biểu và trả lời phỏng vấn của ông Walter Wilber, tập trung trong hai năm 1969 và 1970.
3/ Vĩ thanh:
Lúc sinh thời, ‘Wilber cha’ lúc nào cũng có cảm giác dằn vặt đối với cái chết của Bernard Rupinsk, người bay cùng với ông trong phi vụ định mệnh.
Người phi công số 2 này đã không có đủ thời gian bung dù sau khi cơ trưởng Walter Wilber thoát khỏi buồng lái.
Là người tinh tế, nhã nhặn, Wilber cha đã không thể khuây khỏa, cho tới khi con trai ông, trong một chuyến đi Việt Nam, được những người nông dân Nghệ An trao lại chiếc bình hoa làm từ xác chiếc máy bay của Wilber và Rupinsk. Với Walter Wilber, hiện vật thiêng liêng này chứa hình bóng người đồng ngũ.
‘Wilber cha’ đã luôn giữ chiếc bình hoa, làm từ xác chiếc máy bay F-4H năm xưa của mình, trong phòng ngủ của mình, cho tới tận khi nhắm mắt xuôi tay.
3/HÌNH ẢNH MINH HỌA:
1/ Ngồi trên chiếc F-4H bay ra Bắc Việt - Bị Phòng không Việt Nam bắn rơi trên không…
2/ Wilber cha và con năm 2015 cùng chiếc bình hoa làm từ xác máy bay Mỹ mang về từ Việt Nam. Ảnh do ông Thomas Eugene Wilber cung cấp.
3/ Câu lạc bộ ‘dưỡng sinh’ của xóm tôi, nơi có cháu gái hướng dẫn thể dục, toàn bật loa bài “Tuýp sông Hồng”.