(GÓC KHUẤT CHIẾN TRANH
Thớt 2:
Câu chuyện về 02 Trung đoàn không quân Liên Xô ở Việt Nam, thời kỳ 1959 – 1964
B/ TRUNG ĐOÀN KHÔNG QUÂN VẬN TẢI LIÊN XÔ TRÊN BẦU TRỜI VIỆT NAM)
Tút 8: Gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tôi rất hạnh phúc vì số phận đã cho tôi cơ hội vào năm 1961 không chỉ lắng nghe lời chúc của ông trên đài phát thanh nhân dịp năm mới, mà còn được gặp gỡ và nói chuyện với ông.
Vào ngày đầu tiên của Năm Mới Tết Việt, theo truyền thống ông đến thăm các đồng chí, những người đã cùng ông trải qua con đường đấu tranh gian nan chống thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ.
Đồng thời, trong khuôn khổ chuẩn bị cho một chuyến đi của nhà lãnh đạo Việt Nam trong miền Bắc đất nước, máy bay trực thăng của ông phải thực hiện công việc bảo dưỡng định kỳ, công việc này chưa được hoàn tất trước ngày khởi hành của Chủ tịch. Và khi đó Bộ Tư lệnh Không quân Việt Nam quay sang chúng tôi đề nghị cho mượn chiếc trực thăng của chúng tôi.
Vào buổi sáng sớm ngày khởi hành của Chủ tịch Hồ Chí Minh phi hành đoàn Mi-4 đã sẵn sàng cho chuyến bay, máy bay do phi công Baranov điều khiển, đã túc trực ở sân bay Gia Lâm. Trong lúc chờ đợi Chủ tịch, chúng tôi cùng BTL Không quân Việt Nam trò chuyện về công việc chung của chúng tôi, về công tác đào tạo chuyển loại phi công trên máy bay Li-2 và tình hình đang phức tạp tại Lào, nơi chúng tôi đang chuyển hàng hóa cần thiết tới.
Vào ngày đó tôi đến sân bay trên chiếc xe hơi của nước ta hiệu "Volga", bỗng đột nhiên tôi nhìn thấy trên đường băng một chiếc xe hơi hiệu "Chiến thắng" phóng nhanh về phía chúng tôi.
- Sao thế nhỉ - tôi nói với Tư lệnh Không quân, - chúng ta thì đang chờ Chủ tịch, - vậy mà những chiếc ô tô kia lại đi lung tung trên sân bay? Tư lệnh nhìn về phía chiếc "Pobeda" và lập tức trả lời:
- Kìa Hồ Chủ tịch đang tới!
Tôi nhìn theo hướng của người chỉ huy lực lượng không quân và lặng lẽ đề nghị: "Xin đồng chí hãy ra lệnh không ai được giải tán và ra đón Chủ tịch".
Tính đến thời điểm này, tôi chưa bao giờ được gặp Hồ Chí Minh, nhưng tôi đã được biết con đường đầy gian khổ của nhà cách mạng. Cho dù ông phải ẩn nấp trong rừng rậm nhiệt đới, cho dù ông có bị tra tấn, mất tự do, thiếu thốn, cho dù cuộc sống của mình treo "trên sợi tóc" - trong mọi tình huống, ông vẫn trung thành tận tụy với mục tiêu đã chọn từ thời tuổi trẻ của mình.
Vì vậy, trong trí tưởng tượng của tôi, tôi mong đợi cuộc gặp gỡ với một người đàn ông cao lớn, có vẻ ngoài ấn tượng. Và tôi rất ngạc nhiên khi từ trong xe bước ra là một người đàn ông tầm thước có mái tóc bạc trắng. Ông mặc một chiếc áo khoác cổ cao màu trắng giản dị, chân đi một đôi dép thông thường. Và nếu tôi gặp ông trên đường phố Hà Nội, hầu như tôi sẽ không nhận ra ông là vị Chủ tịch Nước. Hồ Chí Minh mỉm cười với chúng tôi như thể chúng tôi đã quen biết ông từ lâu, ánh mắt ông tỏa ra sự ấm áp và chân thành. Tôi báo cáo ông phi hành đoàn đã sẵn sàng cho chuyến bay, sau đó ông hỏi tôi bằng một thứ tiếng Nga chính xác: "Đồng chí là quân nhân?". Tôi trả lời: "Vâng". Tôi biết rằng ông có thể nói chuyện bằng nhiều thứ tiếng, nhưng quả thật, khó mà tưởng tượng rằng ông giải thích bằng tiếng Nga tuyệt với như vậy.
Nhiều năm sau, tôi mới biết lần đầu tiên ông đến Liên Xô vào mùa hè năm 1923, để học tập tại trường Đại học Lao động C.S Phương Đông, thành lập theo chỉ thị của Lenin, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ quốc tế các nhà cách mạng. Ngày 27 tháng 1 năm 1924, giữa mùa đông, mà năm ấy ở nước Nga rất lạnh, ông mặc bộ quần áo phong phanh đứng xếp hàng trong một đoàn người dài ở lối vào hội trường Nhà Công đoàn, nói lời vĩnh biệt với Lenin.
Nhà yêu nước vĩ đại của Việt Nam Hồ Chí Minh đã đi khắp thế giới để tìm kiếm con đường giải phóng cho quê hương mình. Năm 1930 ông thành lập Đ. C . S Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo của Đg, tháng Tám năm 1945, Việt Nam giành được độc lập và tuyên bố tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhưng quân đội Pháp đã nhanh chóng quay lại chiếm đóng đất nước. Việt Nam phải tiến hành kháng chiến quyết liệt trong 9 năm, đến ngày 07 tháng 5 năm 1954 mới giành thắng lợi tại Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, theo thỏa thuận Geneva, Việt Nam bị chia thành hai phần theo vĩ tuyến 17. Điều này, nhân dân Việt Nam không thể chấp nhận, và dưới sự lãnh đạo của Đ. Lao động Việt Nam đã diễn ra cuộc đấu tranh để thống nhất của đất nước.
Để giải quyết những vấn đề này ông lên đường đến phía Bắc Việt Nam tới chỗ các đồng nghiệp trong đảng của ông để thảo luận các vấn đề hiện tại của đảng và lập kế hoạch tiếp tục đấu tranh hơn cho Việt Nam thống nhất.
Hồ Chí Minh yêu trẻ em và khi quay trở lại sân bay, phi công Baranov kể với chúng tôi cảnh các đồng chí trong đảng đón Chủ tịch và nhiều em nhỏ ôm những bó hoa ra đón ông. Và ông đưa cho tất cả các em bánh kẹo và các đồ ngọt khác. Chúng chạy đến cha mẹ để báo cáo về những món quà mà "Bác Hồ" tặng chúng.
Khi trở về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra khỏi trực thăng, và chúng tôi ngay lập tức vây quanh ông. Tôi đến gần và đề nghị ông cho phép chụp ảnh lưu niệm với các phi công Liên Xô. Ông không ngần ngại hỏi ngay: "Tôi sẽ đứng ở đâu?". Trong gia đình chúng tôi đã có bức ảnh đáng nhớ này như vậy đấy. Khi gặp gỡ ở các trường học, tôi kể lại nguồn gốc của bức ảnh này và nó gợi cho người nghe mối quan tâm đặc biệt đến đời sống và lịch sử dân tộc Việt Nam cần cù, đến cuộc đấu tranh anh hùng vì nền độc lập của đất nước của họ.
Để kết thúc câu chuyện này, tôi muốn kể thêm một vài chi tiết về sự nhạy cảm trong tâm hồn của một con người thực sự tuyệt vời. Khi bạn tôi Nikolai Surnov chụp ảnh xong, chúng tôi chuẩn bị giải tán. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ chúng tôi lại. - Chờ một chút - nhiếp ảnh gia không có mặt trong bức hình này. Để anh ấy đứng vào đây, và chúng ta sẽ chụp ảnh một lần nữa.
Và khi Surnov đứng bên cạnh Chủ tịch, cũng như những phi công khác, chúng tôi chụp thêm một bức ảnh nữa.
Trong cuộc trò chuyện ngắn gọn, ông hỏi chúng tôi cảm thấy thế nào khi ở trên mảnh đất Việt Nam và sau khi cám ơn công việc chúng tôi đã làm, ông khởi hành về Hà Nội.
Có được tình yêu và sự công nhận vô hạn của hàng triệu người Việt Nam với "Bác Hồ" của mình, ông vẫn đang sống và tồn tại vô hình trong mọi sự nghiệp và thành tựu của nhân dân Việt Nam anh hùng. Tôi nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh như vậy đấy.
+++++ Hình minh hoạ:
Chủ tich Hồ Chí Minh với thành phần bay của KQ Vận tải Liên Xô. Việt Nam, năm 1961.