Theo kinh điển đại thừa, các hội thuyết pháp của Đức Phật đều có sự tham dự của các A La Hán - một trong các chúng thành tựu - con số này là 1250 vị. Các vị này thành tựu A La Hán ngay tại khi Đức Phật (Thích Ca Mâu Ni) còn tại thế (sau này còn nhiều người đắc quả vị này sau khi Đức Phật nhập diệt), bắt đầu từ 5 anh em Kiều Trần Như tại pháp hội tại vườn Lộc Uyển đến vị cuối cùng là ngài Tu-Bạt-Đà-La tại vườn Ta La Song Thọ đắc A La Hán khi đã 120 tuổi và nhập diệt luôn ngay sau đó.
Trong số 1250 vị này có 10 vị là đại đệ tử Phật (1.Tôn giả Ðại Ca Diếp - Ðầu đà đệ nhất; 2.Tôn giả A Nan Ðà - Ða văn đệ nhất; 3.Tôn giả Xá Lợi Phất - Trí huệ đệ nhất; 4.Tôn giả Tu Bồ Ðề - Giải không đệ nhất; 5.Tôn giả Phú Lâu Na - Thuyết pháp đệ nhất; 6.Tôn giả Mục Kiền Liên - Thần thông đệ nhất; 7.Tôn giả Ca Chiên Diên - Luận nghị đệ nhất; 8.Tôn giả A Na Luật - Thiên nhãn đệ nhất; 9.Tôn giả Ưu Ba Ly - Trì giới đệ nhất; 10.Tôn giả La Hầu La - Mật hạnh đệ nhất).
Trong số 1250 vị này, theo sách sách Pháp Trụ Ký, có 16 vị còn trụ thế (chưa nhập Niết Bàn để giáo hóa chúng sinh hoặc làm Phật sự mà Đức Thích Ca Mâu Ni đã giao phó) nhưng sau đó thêm 2 vị (thành 18) thường được vẽ tranh hoặc tạc tượng ở các chùa đại thừa là:
1. Tôn giả Phạt Na Ba Tư - La Hán Ba Tiêu
2. Tôn giả Nhân Già Đà - La Hán Bố Đại
3. Tôn giả Nặc Già Bạt Lý Đà - La Hán Cử Bát
4. Tôn giả Vi Khánh Hữu - La Hán Hàng Long
5. Tôn giả Tuất Bác Già - La Hán Khai Tâm
6. Tôn giả Hán Đồ Bạn Trá Già - La Hán Kháng Môn
7. Tôn giả Già Phạt Tha - La Hán Khánh Hỷ
8. Tôn giả Na Già Tê - La Hán Khoái Nhĩ
9. Tôn giả Già Lực Già - La Hán Kỵ Tượng
10. Tôn giả Vi Tân Đầu Lô - La Hán Phục Hổ
11. Tôn giả Bạt Đà La - La Hán Quá Giang
12. Tôn giả Tô Tần Đà - Thác Tháp La Hán
13. Tôn giả Bạn Nặc Già - Thám Thủ La Hán
14. Tôn giả Phật Đà La - La Hán Tiếu Sư
15. Tôn giả Nặc Cự La - La Hán Tĩnh Tọa
16. Tôn giả Bạt La Đọa - La Hán Tọa Lộc
17. Tôn giả La Hầu La - La Hán Trầm Tư
18. Tôn giả A Thị Đa - La Hán Trường Mi.
(xin xem thêm thông tin tại nguồn
https://www.dkn.tv/van-hoa/than-the-cua-18-vi-la-han.html)
Trong nhiều kinh phật, thay vì gọi đủ 1250 vị A La Hán có thể gọi đại diện thành 500 vị. Pháp số 500 này còn gặp lại trong các sự kiện Phật giáo khác như 500 A La Hán tham gia kiết tập kinh điển lần đầu tiên, 500 A La Hán khôi phục Phật pháp sau khi bị vua Phất Xa Mật Đa La hủy diệt, 500 vị được thọ ký thành Phật trong Kinh Pháp Hoa,.. Do số lượng là 500 nhiều nên ở đây xin không nêu tên các vị La Hán, nếu quan tâm xin xem thêm tại Bách Trượng Tòng Lâm Thanh Quy (
https://hoavouu.com/p16a13368/bach-truong-tong-lam-thanh-quy) hoặc sách 500 vị La Hán của NXB Hà Nội.
Người Trung Hoa còn sáng tạo truyền thuyết 500 vị La Hán qua câu truyện Lộc Nữ, tuy nhiên đây là câu truyện mang tính dân gian, không gắn liền với lịch sử Phật giáo qua các kinh sách (
http://tinhhoa.net/truyen-thuyet-loc-nu-va-500-vi-la-han.html).
Vì chưa thăm chùa Bái Đính mới nên không biết cách sắp đặt 500 vị La Hán và 2 vị nữa là như thế nào, tuy nhiên ở đây chỉ sơ lược thêm về Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ngài là vị hoàng thượng đi tu với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng và là Tổ khai sơn của Thiền phái Trúc Lâm. Các nghiên cứu đều nói Ngài thành đạo tại chùa Vĩnh Nghiêm. Thành đạo, thấy đạo hay ngộ đạo là các cách nói của cùng một ý.
Theo truyền thống đại thừa các Tổ của các tông phái là những người đã thành đạo, không gọi theo quả vị (có thể thấy ngay qua câu kinh "Vô trí diệc vô đắc"). Truyền thống tiểu thừa (nam tông-nguyên thủy) thì gọi các vị đã đắc quả vị thánh thứ tư là A La Hán - các vị đã sạch hết các lậu, thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi nhưng chưa hoàn toàn viên mãn, nói cách khác là chưa đạt Phật quả.
Như vậy có thể nói Phật Hoàng Trần Nhân Tông không phải là một vị A La Hán, Ngài cũng chưa thành Phật, Ngài sẽ thành Phật trong tương lai thôi.