Dùng quỹ hưu trí để đầu cơ chứng khoán?
Thứ hai, 16/04/2012 05:29
Nếu sắp tới nguồn tiền từ quỹ hưu trí được lôi kéo và khuyến dụ để đổ vào chứng khoán thì hậu quả sẽ khôn lường.
Một kênh huy động vốn tiềm năng!
Cùng với đà phục hồi khá ấn tượng, đặc biệt từ sau tiếng cồng khai trương năm mới của bộ trưởng tài chính **************, thị trường chứng khoán lại đang manh nha một câu chuyện chưa có tiền lệ.
Nếu đề án Thành lập quỹ hưu trí tự nguyện được Bộ Tài chính "nhiệt tình" khai phá những ý tưởng sâu xa, đồng thời được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội "đồng thuận", cũng như nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, thì những năm tháng sắp tới TTCK, vốn suýt chết đuối về thanh khoản trong năm 2011, sẽ chứng kiến thêm một dòng tiền mới bổ sung cho : tiền từ quỹ hưu trí.
Quỹ hưu trí tự nguyện cũng là một đề án nằm trong số 12 nội dung của Chỉ thị 08 của Chính phủ về thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý, được ban hành vào đầu tháng 3/2012, liên quan đến phần quyền hành trách nhiệm của Bộ Tài chính.
Một nguồn tin từ báo giới cho biết một nhân vật có nhiều kinh nghiệm về hoạt động của các loại hình đầu tư quỹ - ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Cty CP quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), đã nêu ra một đánh giá đáng chú ý: "Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay có nhiều tập đoàn với hàng nghìn nhân viên đồng ý đưa quỹ hưu trí vào đầu tư. Nếu Bộ Tài chính có chính sách cho phép các công ty quản lý quỹ được quản lý nguồn quỹ hưu trí, thì chỉ cần 10% quỹ này cũng đủ kích thích nguồn vốn cho thị trường chứng khoán. Ở nhiều nước, các công ty quản lý quỹ nắm tới 60 - 70% nguồn quỹ hưu trí này".
Theo ông Tân, việc quỹ mở tiếp cận với nguồn tiền từ bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ có hai cách.
Thứ nhất thành lập Quỹ hưu trí tự nguyện (hay còn gọi là bổ sung) trên cơ sở các doanh nghiệp, tổ chức "tự nguyện" đóng góp thêm nguồn tiền, sau đó được sử dụng vào mục đích kinh doanh nhằm chia lợi tức, đảm bảo cho CBCNV của mình một khoản thu nhập về hưu sau này cao hơn mức lương hưu hiện tại.
Bên cạnh đó, trích 5-10% tổng nguồn tiền kết dư 1.800 tỷ đồng của BHXH ra để các công ty quản lý quỹ sử dụng mục đích kinh doanh.
Ủy ban Chứng khoán nhà nước - cơ quan cấp dưới của Bộ Tài chính và trực tiếp chịu trách nhiệm về TTCK, lại càng tỏ ra lạc quan về "kênh huy động vốn" trên. Vụ trưởng vụ Phát triển thị trường của cơ quan này, ông Nguyễn Sơn, đã "gợi ý" rằng nếu dòng tiền để tại Bảo hiểm xã hội không phát huy được hiệu quả thì việc dành một phần cho doanh nghiệp sử dụng tái đầu tư là rất nên.
50.000 tỷ đồng 'kẹp hàng"!
Có thể hiểu tâm trạng sốt ruột của những người cầm chịch thị trường và của cả "nhà cái" khi tiền mặt đang trở nên khan hiếm trong một nền kinh tế đang lâm vào tình trạng đình đốn.
Để cứu TTCK, điều kiện cần không phải là một chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, mà bất cứ nhà đầu tư nào, dù non dại cách mấy, cũng hiểu chỉ có thể trông đợi vào những nguồn tài chính có thực lực và tiềm năng.
Nhưng tìm ra nguồn vốn "khủng" để thỏa mãn cho cái dạ dày không bao giờ biết no của mấy chục tỷ cổ phiếu lại không dễ dàng chút nào.
Trong nửa cuối năm 2011, thị trường đã phải xót xa với hàng loạt phiên giao dịch với giá trị chỉ còn chưa đầy 300 tỷ đồng. Con số đó là hoàn toàn đáng thất vọng đối với khối nhà đầu tư nước ngoài - những người bị "kẹp hàng" đến trên 20.000 tỷ đồng từ khi thực hiện chế độ mua ròng từ đầu năm 2010 đến nay.
Với giá trị giao dịch bình quân của hai sàn HOSE và HNX dưới 500 tỷ, nói trắng ra là chẳng có hy vọng nào cho việc "hy vọng chính phủ sẽ nới lỏng tín dụng để nhà đầu tư Việt Nam mua hết cổ phiếu của các quỹ nước ngoài" như một lãnh đạo quỹ nước ngoài đã đau khổ trần tình vào năm ngoái.
Nhưng nhà đầu tư nước ngoài không phải là "nạn nhân" duy nhất của cái thùng không đáy - từ ngữ thường được ví von với TTCK.
Còn có cả các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước, trong đó có những cái tên đã quá quen thuộc với người dân như EVN hay Petrolimex - đều là những doanh nghiệp thi nhau chiếm giải quán quân hay á quân về đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả. Trong khái niệm hiệu quả đắm đuối thua lỗ như vậy, chứng khoán và bất động sản chiếm phần lớn.
Nhưng chỉ đến cuối năm 2011, sau mấy năm ngụp lặn trong thương trường với nhiều khoản lỗ không liệt kê hết của các doanh nghiệp nhà nước, xã hội mới biết đến con số "kẹp hàng" của các doanh nghiệp này: khoảng 1,5 tỷ USD.
Ít nhất 20.000 tỷ đồng của khối ngoại và ít nhất 30.000 tỷ đồng của khối nội đã làm nên con số ít nhất 50.000 tỷ đồng chôn vốn trong các thị trường đầu cơ. Số tiền đó hoàn toàn đó thể không cánh mà bay, nhất là đối với cổ phiếu, một loại chứng khoán mà trong lịch sử của nó đã từng có những thời kỳ ngang giá với giấy lộn.
Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi chứng khoán "cần đến mọi nguồn lực". Những nguồn lực đó, bất kể từ tổ chức hay cá nhân, từ các ngân hàng dồi dào vốn liếng cho đến tiền lẻ trong túi các thị dân, đều quý như nhau. Và trên hết, đều là tiền.
Nhưng khác hẳn với khối thị dân có vẻ ngu ngơ, nhóm ngân hàng lại là những ông tổ về thị trường và thủ đoạn đầu cơ. Hơn ai hết, họ hiểu về tính hai mặt của TTCK qua nỗi thấm thía phải trả giá từ chính con nợ của họ - các doanh nghiệp và cá nhân, trong đó có cả những người đã phải nhập viện tâm thần hoặc tự tử.
2011 quả là năm thê thảm chưa từng có trong lịch sử TTCK ở Việt Nam. Bao nhiêu cái chết, từ "chết lâm sàng" đến chết thực thể đã xảy ra. Bao nhiêu tiếng kêu than và thề thốt rời xa không bao giờ trở lại chứng khoán đã vọng lên từ đáy thị trường...
Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ
Thế nhưng cho đến giờ, có vẻ như sự thể vẫn đâu vào đấy. Lớp nhà đầu tư cũ được thay thế bởi một lớp nhà đầu tư mới chưa biết sợ là gì. Ngay cả những doanh nghiệp, những người chỉ mới thoát khỏi cơn khủng hoảng trong gang tấc, đã lại bắt đầu tập tễnh trông ngóng đến việc dùng cả một nguồn tiền xã hội là quỹ hưu trí để đầu tư vào chứng khoán.
Quỹ hưu trí trên, dù có được ghép bằng tính chất tự nguyện, bổ sung hay một tính từ nào khác, đều có nguồn gốc từ tiền lương của người làm công.
Khác hẳn với giai đoạn năm 2007 trở về trước, từ năm 2008 đến nay nền kinh tế Việt Nam đã lâm vào tình thế hậu khủng hoảng và kéo theo suy thoái, dẫn đến thu nhập thực tế của những người làm công ăn lương giảm tương đối so với chỉ số tăng giá của các loại hàng hóa.
Đồng tiền kiếm được vào thời gian này đang trở nên hết sức khó khăn, và sẽ càng trở nên quẫn bách nếu tiền hưu trí bị lạm dụng hoặc bị lợi dụng vào mục tiêu đầu cơ.
Những người làm công ăn lương, dù trong nhà nước hay ngoài tư doanh, hoàn toàn có lý do để đặt câu hỏi là vì sao và ai đã tham mưu cho Chính phủ cái ý tưởng thành lập quỹ hưu trí tự nguyện để đầu tư chứng khoán. Và vì sao không phải lúc nào khác mà chính vào thời gian này loại hình quỹ như thế lại được gợi ý như một sự áp đặt?
Quay ngược kim đồng hồ, nếu việc dùng quỹ hưu trí để chơi chứng khoán đã diễn ra vào năm khủng hoảng 2008 hoặc năm kinh hoàng 2011, bao nhiêu tiền và bao nhiêu cái quỹ như thế đã bay biến?
Và một khi tiền đã đổ sông đổ biển, ai sẽ là người chịu trách nhiệm hoàn trả chúng cho giới làm công ăn lương? Hay cũng như những tiền lệ lỡ thì ở EVN và Petrolimex, người ta lấp liếm những khoản thua lỗ khổng lồ bằng cách tăng giá điện và giá xăng dầu, bắt người dân thêm một lần đóng thuế...
Đã đến lúc cần một cái nhìn sâu xa vào bản chất của quỹ hưu trí và tách bạch chúng với các quỹ đầu cơ. Mang tính xã hội và hơn nữa là tự nguyện, quỹ hưu trí không thể vì một lý do thâm sâu nào đó mà được "vận dụng" như một nguồn tiền bổ sung cho kênh đầu cơ chứng khoán. Nếu sắp tới nguồn tiền từ quỹ này được lôi kéo và khuyến dụ để đổ vào chứng khoán thì hậu quả sẽ khôn lường. Quỹ hưu trí này kéo theo quỹ hưu trí khác, và nếu cả Bộ LĐTBXH cũng "nhất trí cao" thì ai sẽ là người gánh chịu hậu quả cuối cùng khi TTCK đảo chiều?
Mà sự đảo chiều đó, không sớm thì muộn, cũng sẽ phải xảy ra. Một khi đã hoàn thành quá trình xả hàng, các nhóm đầu cơ trong và ngoài nước sẽ không còn lý do gì để duy trì mặt bằng cổ phiếu quá cao. Cũng khi đó, tiếng than khóc sẽ lại dội lên tại các sàn giao dịch chứng khoán và có thể cả trong những quỹ hưu trí tự nguyện mà ai đó đang rắp tâm biến tướng...