Nhà Cháu xin phép bổ xung thêm 1 tý ạ !
Người dân đi biển trong đêm, để định hướng ở vùng biển này thì dựa vào 2 ngọn hải đăng là Long Châu và Hòn Dáu. Để phân biệt được đâu là Long Châu, đâu là Hòn Dáu thì có câu: Long Châu chớp 1, Hòn Dáu chớp đôi. Nghĩa là: đèn Long Châu chớp cái 1, sau 1 số giây nhất định thì lặp lại. Đèn Hòn Dáu thì chớp liền 2 cái, sau 1 số giây nhất định thì lặp lại.
Cám ơn cụ bau67 nhiều ! Cụ quả là có trí nhớ tốt thật, hải đăng Hòn Dấu chớp hai sáng, chu kỳ 15 giây còn hải đăng Long Châu chớp một sáng, chu kỳ 20 giây.
Bên cạnh vai trò cảnh báo cho các con tàu trên đại dương trong đêm tối, những ngọn hải đăng còn mang trong mình những vẻ đẹp đặc biệt hấp dẫn. Đó là những công trình lặng lẽ, cô đơn mà hùng tráng. Thật tuyệt vời khi trèo lên đỉnh những ngọn tháp này và vươn tầm nhìn ra khung cảnh bao la, đón những luồng không khí mát lành của biển cả. Nhân cụ nhắc đến hải đăng Long Châu, em té nước theo mưa post hầu cụ và các cụ khác quan tâm đến hải đăng tám ngọn hải đăng cổ trong hệ thống đèn biển Việt Nam:
1.Hải đăng Vũng Tàu: được xây dựng và khánh thành năm 1862 nằm ở độ cao 170m so với mực nước biển trên đỉnh núi Nhỏ thuộc thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Hải đăng Vũng Tàu là một tháp hình trụ, sơn trắng, cao 18m, đường kính 3m, bên trong có cầu thang xoắn ốc lên gần tới đỉnh và có lối dẫn ra ban công bên ngoài để quan sát toàn cảnh non nước Vũng Tàu. Hải đăng Vũng Tàu có tầm hiệu lực chiếu sáng 35 hải lý ban ngày và 23 hải lý ban đêm, tâm sáng 193 m; tín hiệu đèn ánh sáng trắng chớp nhóm 2, chu kỳ 12 giây. Hải đăng Vũng Tàu là đèn nhập bờ chỉ vị trí mũi Ô Cấp (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển ngoài khơi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu định hướng ra vào vịnh Gành Rái. Đây là ngọn hải đăng được xây dựng sớm nhất ở Việt Nam.
2.Hải đăng Bảy Cạnh: hay còn gọi là đảo Đèn được xây dựng năm 1883 trên đỉnh ngọn núi cao hơn mặt nước biển gần 200m ở đảo nhỏ Bãi Cạnh, quần đảo Côn Lôn ( nay là quần đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Hải đăng Bảy Cạnh được xây dựng độc lập, cao 16m với tầm hiệu lực chiếu sáng 35 hải lý ban ngày và 26,7 hải lý ban đêm; tâm sáng 212m; tín hiệu ánh sáng trắng chớp nhóm 2 với chu kỳ 10 giây. Về vị trí hàng hải, ngọn hải đăng Bảy Cạnh nằm sát ngay luồng hàng hải quốc tế. Ngoài việc đảm bảo hàng hải quốc tế, ngọn hải đăng có nhiệm vụ thắp sáng để báo hiệu luồng tàu thuyền theo hướng Sài Gòn, Vũng Tàu, Kiên Giang.
3.Hải đăng Cù lao Xanh: được xây dựng từ năm 1890 trên đảo Cù lao Xanh thuộc thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Hải đăng Cù lao Xanh nằm ở độ cao 118 mét so với mực nước biển, trong đó tháp đèn cao 16m hình trụ tròn được xây bằng đá tảng lớn, sơn 3 khoang trắng-đen-trắng. Hải đăng Cù lao Xanh là đèn độc lập với tầm hiệu lực chiếu sáng 27 hải lý ban ngày và 27 hải lý ban đêm, tâm sáng 119m; tín hiệu ánh sáng trắng chớp nhóm 3+1, chu kỳ 12 giây. Hải đăng Cù lao Xanh chỉ vị trí đảo Cù lao Xanh (tỉnh Bình Định), giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Bình Định, Phú Yên định hướng và xác định vị trí của mình, ngoài ra nó còn có mục đích quan trọng là xác định chủ quyền đất nước.
4. Hải đăng Đại Lãnh: được xây dựng năm 1890, nằm trên triền núi Bà cao 110m so với mặt nước biển thuộc dãy núi Đại Lãnh (Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) là điểm cực Đông trên dải đất liền của Tổ quốc. Tháp đèn màu xám sẫm, công trình màu vàng, cao 26m với 107 bậc cầu thang gỗ xoắn ốc. Hải đăng có tầm hiệu lực ánh sáng 27 hải lý ban ngày, 16 hải lý về ban đêm và tâm sáng 110m. Hải đăng là đèn độc lập chiếu sáng theo quy định (ánh sáng trắng chớp nhóm 3, chu kỳ 15 giây), chỉ vị trí mũi Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên) và tạo bờ nối giữa người đi biển và đất liền trong vùng biển Phú Yên.
5.Hải đăng Hòn Dấu: nằm trên đỉnh đảo Hòn Dấu thuộc quận Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng) được xây dựng năm 1894 ở độ cao 65m so với mặt nước biển. Hải đăng Hòn Dấu được xây dựng như một tháp pháo đài cổ cao 22,7m gồm một công trình hình khối hộp màu vàng và tháp đèn hình trụ màu xám. Hải đăng Hòn Dấu là đèn độc lập có tầm hiệu lực ánh sáng 22 hải lý; tâm sáng 63,5m; tín hiệu ánh sáng trắng chớp nhóm 2, chu kỳ 15 giây nhằm giúp tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Hải Phòng định hướng ra vào cảng Hải Phòng.
6. Hải đăng Long Châu: được xây dựng năm 1894, nằm ở độ cao 109,5m so với mực nước biển trên đỉnh Đông Bắc đảo Long Châu thuộc quần đảo Long Châu thành phố Hải Phòng. Hải Đăng Long Châu được như một tòa lâu đài cổ cao 30m gồm một tòa nhà và tháp đèn hình trụ màu xám sẫm. Hải đăng Long Châu là đèn nhập bờ có tầm hiệu lực ánh sáng 27 hải lý; tâm sáng 110m; tín hiệu ánh sáng trắng chớp nhóm 3, chu kỳ 20 giây nhằm giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển ngoài khơi vịnh Bắc Bộ định hướng và định vị vị trí của mình.
7.Hải đăng Kê Gà: Ngọn hải đăng này được một người Pháp tên là Chnavat kỹ sư thiết kế, xây dựng từ tháng 02 năm 1897, đến cuối năm 1898 mới khánh thành và chính thức hoạt động năm 1900. Được xây dựng trên đỉnh đảo Mũi Khe Gà (tỉnh Bình Thuận) cao 66m so với mực nước biển, được coi là một vị trí hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vùng Tàu. Tháp đèn cao 41m được xây bằng đá hoa cương màu vàng, hình bát giác trông rất cổ kính. Bên trong lòng tháp là một cầu thang xoắn ốc bằng thép gồm 184 bậc. Hải đăng Kê Gà là đèn độc lập với tầm hiệu lực ánh sáng 21,5 hải lý ban ngày, 22 hải lý về ban đêm và tâm sáng 65 m. Hải đăng Kê Gà phát tín hiệu đèn chớp nhóm 3+1, ba tia sáng liên tục và một tia gián đoạn, chu kỳ một vòng quay là 20 giây, chỉ vị trí mũi Khe Gà (tỉnh Bình Thuận) giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Bình Thuận định hướng và xác định vị trí của mình. Hải đăng Kê Gà là hải đăng cao nhất ở Việt Nam.Gọi là Kê Gà vì Hải Đăng nằm trên đảo Khe Gà có hình đầu con gà.
8. Hải đăng Hòn Khoai: nằm trên đảo Hòn khoai (tỉnh Cà Mau) được xây dựng năm 1899 ở trên cao độ 284m so với mặt nước biển. Hải đăng Hòn Khoai hình khối vuông cao 15,7m, mỗi cạnh 4m, được xây bằng đá hộc và xi măng. Hải đăng Hòn Khoai là đèn độc lập có tầm hiệu lực ánh sáng 23 hải lý; tâm sáng 300 m; phát tín hiệu ánh sáng trắng chớp nhóm 2, chu kỳ 20 giây nhằm chỉ vị trí của Hòn Khoai thuộc tỉnh Cà Mau và giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển định hướng, xác định vị trí của mình. Hòn Khoai là một quần đảo gồm 5 đảo đứng kề cận nhau là Hòn Khoai, Hòn Sao, hòn Đồi Mồi, Hòn Qui, hòn Đá Lẻ, trong đó Hòn Khoai có diện tích lớn nhất khoảng 420 ha, cũng là đảo cao nhất, chính là nơi ngọn hải đăng được xây dựng. Hòn Khoai có suối nước ngọt tuôn chảy quanh năm. Bãi biển Hòn Khoai đẹp với hai vịnh biển khá dài, thoai thoải cát vàng cùng đá cuội là bãi Nam và bãi Chướng thuận lợi cho thuyền bè vào ra quanh năm, dù gió mùa có thay đổi.
Thế nhưng hơn trăm năm qua, kể từ khi người Pháp cho xây ngọn hải đăng ở đây, hòn đảo này vẫn chưa hề có dân cư sinh sống. Vì thế, để ngọn hải đăng này đêm đêm soi đường hơn trăm năm qua, bao lớp người gác đèn chẳng những phải đối mặt với sóng cả, bão tố mà còn phải từng ngày đối mặt với nỗi cô đơn bất tận.
Khi những ngọn hải đăng trên được xây dựng hơn 100 năm trước, đèn được thắp bằng dầu, pha choá được xoay bằng một quả tạ, rơi xuống bằng trọng lực và làm xoay đèn, đến giờ tất cả đều đã được tu sửa, chuyển sang dùng điện, một số cái đã dùng năng lượng mặt trời. Tuy đã được sửa chữa nâng cấp nhưng về kiến trúc, các ngọn hải đăng này vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp tinh thần kiến trúc của người Pháp. Các toà nhà đều được xây dựng để có thể chịu được những cơn bão có sức gió trên cấp 12. Hằng năm phí thu được từ các tàu bè qua các luồng biển trên hải phận Việt Nam lên tới 285 tỉ đồng.
Vì vậy công việc của thợ gác đèn cũng rất vất vả phải ghi nhật ký công việc nghiêm ngặt theo quy định của Hiệp hội báo hiệu hàng hải quốc tế IALA. Chỉ cần đèn ngừng chớp một đêm, hoặc chớp không theo quy định của mỗi đèn là đã có thể gây ra những tai nạn thảm khốc dẫn đến ngành hàng hải phải bồi thường cho các công ty vận tải biển quốc tế khi đi vào vùng biển nước ta.