Dấu tích ngôi mộ cổ xuất hiện sau một đêm…
Cách Hà Nội hơn 100km, bến Nghiêng lịch sử bên bờ biển thuộc quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng chính là bến tàu đi ra đảo Hòn Dấu. Mất chừng 20 phút đi tàu thủy là đến đảo Hòn Dấu hoang sơ, đẹp như viên ngọc giữa muôn trùng sóng biển. Trong những cuộc chuyển dịch của thềm lục địa từ xa xưa, một phần dãy núi đã tách khỏi bán đảo Đồ Sơn trôi dần ra phía biển, trở thành đảo Hòn Dấu nguyên sinh ngày nay.
Theo phong thủy xưa thì đảo Hòn Dấu được cho là nơi đắc địa với hình thế chín con rồng cùng chầu mình về viên ngọc. Ngay nơi tàu cập đảo là ngôi đền cổ xưa nằm sát bên bờ biển, nép mình dưới những tán cây khổng lồ xanh mướt, thờ Nam Hải Thần Vương. Câu chuyện thiêng về vị thần đảo trải qua hàng thế kỷ, nay vẫn được người dân Vạn Hương (Đồ Sơn, Hải Phòng) truyền cho con cháu hết đời này sang đời khác.
Ấy là câu chuyện từ triều đại nhà Trần, vào một đêm sau một trận quyết chiến với giặc Nguyên Mông ở cửa sông Bạch Đằng, dân chài đánh cá gần đảo Dấu bỗng thấy một thi thể không đầu nổi trên mặt nước, trên mình vận trang phục võ quan Đại Việt. Ngư dân đánh cá liền nghinh ngài lên trên đảo để sáng hôm sau cử hành nghi lễ mai táng. Không ngờ, mới tờ mờ sáng hôm sau, khi dân làng ra tới nơi thì đã thấy thi thể của vị võ tướng được mối phủ kín thành ngôi mộ khổng lồ. Những người dân vạn chài cho là điềm ứng liền lập ngôi miếu tranh để phụng thờ. Những ngày sau đó, người dân làng chài thường thấy vị võ tướng hiển linh thành ông già râu tóc bạc phơ. Tên "Cụ" được dân làng chài tôn vinh từ thuở đó. Khu vực xưa kia mối phủ kín thi thể thành ngôi mộ khổng lồ chính là hậu cung của ngôi đền ngày nay.
Đại diện ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa đền thờ Nam Hải Thần Vương cho biết, theo truyền thuyết cha ông kể lại thì vào thời Hậu Lê, vua Lê ngự giá kinh lý vùng Đồ Sơn rồi nghỉ đêm trên đảo, nằm mơ thấy ông già râu tóc bạc trắng tay cầm cần câu, lưng đeo giỏ cá, tự xưng là Thần Đảo. Hôm sau, Vua lên thuyền kể lại cho tùy tùng đi theo cùng nghe và phán rằng: "Nếu là Thần linh hãy cho ta ứng báo". Vua vừa dứt lời, một con cá to quẫy mạnh nhảy lên thuyền. Thấy linh nghiệm, nhà vua liền phong tước hiệu cho ngài là "Lão đảo Đại Thần Vương" và truyền chỉ cho dân địa phương tu sửa đền để phụng thờ.
Vị võ tướng thuở còn sinh thời trấn giữ ở phía Nam biển, chết cũng ở phía Nam biển cho nên ngôi đền có huệ diệu Nam Hải Đại Thần Vương. Nơi thi thể của vị võ tướng nhà Trần năm xưa được mối phủ kín thành mộ chỉ sau một đêm, bây giờ vẫn còn phía sau hậu cung của đền. Sau nhiều lần tu bổ, ngôi mộ tuềnh toàng xưa nay đã được xây bệ, khung tường bao quanh để tiện du khách đến chiêm bái.
Những lời đồn nhuốm màu huyền bí...
Đảo Hòn Dấu đã trở thành điểm nhấn hoang sơ, bởi nơi đây có rừng đa thuần nhất, rừng nguyên sinh lâu đời hiếm thấy khắp vùng duyên hải phía Bắc. Đường lên đảo là con đường độc đạo len lỏi giữa rừng đa nguyên sinh, tầng tầng lớp lớp mái vòm được tạo thành bởi tán cây cổ thụ, dây leo chằng chịt, những chùm rễ si buông xuống như tơ liễu. Những chiếc rễ to bằng thân người tua tủa đâm xuống đất tạo thế đứng vững chắc cho cây.
Một cảm giác vừa âm u, cô tịch, huyền bí, vừa thơ mộng đan xen khi đứng giữa rừng già. Rừng nơi đây còn nguyên vẹn cả ba tầng thực vật, la liệt những gốc cây cổ thụ khổng lồ, xen phía dưới là tầng cây thân thảo, thân bò, thân leo chằng chịt, đan xen vào nhau không dứt. Khác biệt hẳn với rất nhiều hòn đảo trên khắp đất nước, loài cây đặc trưng nhất trên đảo Hòn Dấu không phải là dừa hay những rặng phi lao thẳng tắp, mà nơi đây ngập những gốc cây si cổ thụ tới vài người ôm không hết.
Tương truyền thần Nam Hải rất linh thiêng, nếu ai dám lấy đi bất cứ thứ gì trên đảo, kể cả một lá cây hay một cành gỗ sẽ bị ngài phạt, phải đem trả lại mới yên. Theo các cụ bô lão hiện trông coi ngôi đền cổ cho hay, từ xa xưa những lời truyền miệng về sự linh thiêng ấy cứ đeo đẳng mãi khắp vùng này. Nhất là dân làng chài, họ tuyệt nhiên không bao giờ dám động đến bất kỳ một thứ gì trên đảo. Câu chuyện về một người làng chài năm kia trót nhặt lấy một cành cây gãy về để sử dụng trên thuyền cá, ngay hôm sau thuyền bỗng gặp nạn, người chủ thuyền hoảng sợ vội vã mang cây gỗ về trả lại trên đảo. Có lẽ, chính vì những câu chuyện đồn thổi, những lời truyền miệng từ đời này sang đời khác về sự linh ứng của thần đảo đã giúp cho Hòn Dấu trải qua hàng trăm năm, vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kỳ vĩ. Những cành hoa, lá đẹp mướt mải; những dải sỏi cuội trắng xóa mê mẩn lòng người... nhưng những người đến đảo không một ai với tay ra hái nhành hoa hay nhặt vài viên sỏi làm kỷ niệm. Những cây gỗ lớn vài người ôm không hết bị bão biển quật ngã nằm lăn lóc đến mục thành mùn, bởi chẳng ai dám mang về.
Bây giờ, người dân Vạn Hương vẫn truyền cho con cháu những câu chuyện về sự linh thiêng của đền. Người xưa mỗi lần qua đây đều phải hạ buồm, vào đền thắp hương tế lễ.