3. Đền Bà Đế
Đền Bà Đế nằm ở chân núi Độc, thuộc phường Ngọc Hải, Quận Đồ Sơn. Đền Bà Đế là một trong những đền nổi tiếng về danh thắng và linh thiêng ở Hải Phòng:
Khi đi gần đến lối rẽ gần chợ mới Đồ Sơn, đến ngã ba chúng ta thấy một biển chỉ đường nhỏ chỉ đường đi Đền Bà Đế, rẽ trái 500m là đến Đền:
Như những đền chùa, miếu mạo ở nước ta thường được hình thành và bắt nguồn từ một sự tích. Tương truyền vào khoảng năm 1718, ở phía đông nam vụng Ngọc, Ðồ Sơn có đôi vợ chồng họ Ðào, lấy nhau đã hai mươi năm mà không có con. Hai vợ chồng tu thân, tích đức, cầu xin trời phật cho một mụn con. Trời Phật động lòng, chứng giám, rồi báo mộng cho người vợ được mang thai. Tròn ngày, tròn tháng, đứa bé ra đời và được đặt tên là Ðào Thị Hương.
Càng lớn lên, Hương càng xinh đẹp, sắc đẹp nổi tiếng khắp vùng. Hương rất khéo tay, siêng năng mọi việc. Trời cho nàng giọng hát thật hay. Tiếng hát vút cao bao la, vang, rung như tiếng ngọc, làm cho cả vụng Ngọc lung linh, huyền ảo, mỗi lần nàng cất giọng hát, chim như ngừng hót, sóng ngừng vỗ, đất trời như lặng đi để thắm đượm hết tiếng hát của nàng. Cứ thế, giọng hát của nàng đã quyện vào đất, trời, sông, biển nơi đây.
Thời gian này, vùng biển Đồ Sơn là cửa ngõ Đông Bắc rất quan trọng của Đại Việt. Theo sử sách chép, vì Trịnh Giang bỏ bê chính sự, không đoái hoài tới công việc, từ nǎm 1736, đã trao quyền nhiếp chính cho Trịnh Doanh, lúc đó ông mới 17 tuổi. Thời kỳ Chúa Trịnh Doanh trị vì. Minh Đô Vương Trịnh Doanh (1720 - 1767) là vị chúa Trịnh thứ bảy, con thứ ba của Chúa Trịnh Cương, em ruột Chúa Trịnh Giang; Ông có tài văn võ song toàn, có công đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng ngoài, ổn định lại chính trị ở Bắc Hà vốn suy yếu trầm trọng thời Trịnh Giang.
Một hôm, một chiếc thuyền trận lớn từ phía Tây Nam dong buồm thẳng vào biển Đồ Sơn, ngang đầu làng Đỗ Hải thì rẽ lái vào bờ, tìm đến chỗ thả neo. Trên thuyền lớn ròng xuống một chiếc ghe nhỏ cho một vị tướng trẻ tuổi cùng năm người lính hộ vệ lên bờ tiến về phía cánh đồng cỏ cạnh bãi bể, nơi đó nàng Hương đang vừa cắt cỏ vừa hát. Vị tướng lắng nghe tiếng hát ngọt ngào hướng đi về phía ấy. Nàng Hương ngửng đầu lên, ngạc nhiên, sợ hãi thấy quan quân trước mắt vứt liềm toan bỏ chạy. Thời gian này, vùng biển Đồ Sơn là cửa ngõ Đông Bắc rất quan trọng của Đại Việt. Chúa Trịnh Doanh về kinh lý ở vùng biển Đồ Sơn, qua vụng Ngọc.Vị tướng gọi lại cho biết mình chính là chúa Trịnh Doanh đi tuần ngoài biển ghé qua đây, muốn vào làng.Nàng Hương nghe nói trở nên bạo dạn, dẫn đường đi trước. Qua đỉnh một ngọn đồi nhìn ra khắp vùng, chúa Trịnh dừng chân dưới gốc cổ thụ im mát, ra dấu cho đám tùy tùng lui. Còn lại một mình với cô trinh nữ da thịt dậy thì có mùi hương thơm ngát. Nàng Hương cất tiếng hát trong lảnh vang lên giữa cánh đồng, câu hát dân dã mà sao rung động lòng người viễn xứ.
Trước giai nhân sắc nước hương trời, làm nhà Chúa đắm đuối, mến yêu. Hai người quyến luyến bên nhau suốt cả tháng trời không rời xa.
Khi Chúa về kinh, có hẹn nàng chờ ít ngày, Chúa sẽ đem thuyền hoa đến rước nàng về kinh. Thuyền rồng ra đi, nàng Hương đưa mắt nhìn ra phía biển, thấy chiếc thuyền buồm đã chạy xa, chỉ còn một chấm trắng trên nền trời cũng là lúc nàng lo lắng, nàng ứa nước mắt.