Vậy là linh mục Caravaglio ra đi còn linh mục Buzoma ở lại Đàng Trong một mình với môt sư huynh trợ lý. Nung nấu trong lòng ngọn lửa ước muốn cứu rỗi linh hồn, ông thực hành cải đạo bằng mọi phương tiện, và bằng cách đó ông bắt đầu sứ mạng của mình ở Turon, chưa biết gì ngôn ngữ, cũng không có thông dịch viên, không tìm được người biết tiếng Bồ Đào Nha, trừ một vài tiếng để mua bán và hơn nữa là một lời hay vài câu mà các giáo sĩ ở các tàu dùng, trước khi phái đoàn đến xứ này, nhưng người ta có thể gọi họ là những giáo dân danh nghĩa chứ chưa là chính thức được. Thật thế, họ không hiểu ý nghĩa của danh xưng giáo dân Thiên Chúa giáo, và đó là do các câu mà các thông dịch viên dùng để hỏi họ có muốn vào đạo Thiên Chúa không; các lời họ dùng đó không có nghĩa gì cả nếu không nói là họ có muốn trở thành người Bồ Đào Nha không. Linh mục Buzome đã chứng kiến chuyện đó trong tình huống sau đây: người ta trình diễn một vở hài kịch giữa chỗ công cộng và linh mục thấy trong một màn phụ, người ta đưa ra sân khấu một nhân vật mặc áo quần Bồ Đào Nha, với cái bụng mà bằng một thủ thuật người ta dấu trong đó một đứa trẻ. Nhân vật đứng trên sân khấu đối diện với tất cả, lấy đứa trẻ từ bụng ra rồi hỏi nó có muốn đi vào bụng của người Bồ Đào Nha không bằng những lời sau đây: Con gnoo muon bau tlom laom Hoalaom chiam (con nhỏ muốn vào lòng Hoa Lang chăng, hồi ấy dân ta lúc đầu gọi Đạo Thiên Chúa là Hoa Lang, vì không phân biệt được đâu là người Bồ, đâu là người Hà Lan, đây là cách ghi tiếng Việt theo tiếng Ý của Borri, trừ các dấu, và chỉ ra các sai biệt nhỏ về cách đọc thời đó với cách đọc hiện nay, lưu ý rằng âm mà người ta viết ở châu Á bằng chữ u hoa được thay thế bằng chữ b.); câu này muốn nói: Con nhỏ, con có muốn vào trong lòng của người Bồ Đào Nha hay không? Đứa trẻ trả lời: Vâng; và anh ta để nó lại trong bụng, rồi anh ta đưa nó ra và hỏi nó như cũ, lặp đi lặp lại nhiều lần trò đùa này để mua vui cho khán giả. Linh mục nhận ra rằng cái câu được người đóng trò lặp lại nhiều lần: Muon bau tlom laom Hoa loam chiam, là câu mà những người thông dịch dùng khi họ hỏi một người nào đó nếu họ muốn vào đạo Thiên Chúa, ông hiểu sự hiểu lầm đã phổ -biến trong dân chúng Đàng Trong để trở thành người Bồ Đào Nha; trong trò đùa của màn hài kịch, điều này bày tỏ bằng cách đưa đứa trẻ vào trong bụng của một người tượng- trưng cho người Bồ Đào Nha. Vị linh mục đã làm cho việc hiểu lầm tai- hại như thế không diễn ra nữa bằng cách dạy cho những người đã được rửa tội các điều bó buộc mà họ phải làm và dạy cho những người muốn theo đạo ý nghĩa lễ rửa tội và hành động làm giáo đồ Thiên Chúa giáo. Cũng lo -lắng về câu mà những người thông dịch dùng dạy người khác, ông liền đổi cái câu đã nói trên thành một câu khác: Muon bau dau Christian chiam (Muốn vào đạo Thiên Chúa chăng?) Và ông đã hành- động với tất cả sự cần- mẫn, với lòng bác- ái của mình mà chẳng bao lâu ông có thể hưởng kết quả của những khó nhọc của mình bằng sự theo đạo của những người trước kia chỉ là Thiên Chúa giáo trên danh nghĩa cũng như với sự theo đạo của nhiều người khác.