Sơ đồ Biên Hòa năm 1861, trận đánh mà tác giả có tham gia
a. Mat de pavillon. Cột cờ b. Palais Impérial. Hoàng cung (đúng ra là Hành cung, nơi dành cho vua nghỉ khi đi xa khỏi kinh đô)
c. d. Habitations des mandarins. Quan xá, chỗ ở của các quan
e. f. Magasins de riz. Kho gạo
g. Prison des détenus politiques. Trại giam tù nhân chính trị
h. Prison des chrétiens. Trại giam tù nhân Công giáo
i. i'. Maisons incendiées. Các ngôi nhà bị đốt cháy
k. l. Maisons pouvant servir de casernement , d’hôpital ou de magasin. Nhà có thể sử dụng làm doanh trại, bệnh viện hoặc nhà kho
1 à 9, 13 à 17. Pagodes. Đền chùa, miếu, tháp...
10 à 12. Magasins du chantier de construction. Các kho của xưởng đóng tàu
18. Cales couvertes. Ụ tàu có mái che
A. Point de débarquement des troupes. Nơi đổ bộ của binh sĩ
Bản đồ diễn tiến hoạt động quân sự mới nhất ở Nam Kỳ - 1862
Quân Pháp khởi sự tấn công đánh chiếm Biên Hòa. Điểm xuất quân có thể chọn từ 3 nơi:
1. từ Thủ Dầu Một,
2. từ Sài gòn qua con đường cái quan Sài Gòn-Biên Hòa,
3. từ Sông Sài Gòn dùng thủy lộ qua con sông Đồng Nai.
Không thể xuất quân từ Thủ Dầu Một vì không có phương tiện để vượt ngang sông Đồng Nai lại thêm có đồn binh Mỹ Hòa của nhà Nguyễn án ngữ do đó Bonard chọn 2 đường tiến quân từ Sài Gòn qua đường cái quan Sài Gòn-Biên Hòa và bằng thủy lộ sông Đồng Nai.
Trước khi ra lệnh tấn công Biên Hoà, Bonard gửi một tối hậu thư đến quân thứ Biên Hòa. Thư trả lời từ quân thứ Biên Hòa không đáp ứng được những đòi hỏi của Bonard và do đó Bonard phát hiệu lệnh tấn công vào ngày 14 tháng 12 năm 1861.
-Cánh quân thứ nhất theo đường cái thẳng tiến đến đồn Mỹ Hoà.
-Cánh quân thứ 2 tiếp nối cánh quân thứ 1 để đến thôn Tân Phú.
- Cánh quân thứ 3 do tàu chiến của Pháp ở sông Sài Gòn ra sông Nhà Bè rồi tiến ngược lên sông Đồng Nai.
-Cánh quân thứ 4 cũng theo thủy lộ để đến thôn Gò Công.
-Các thuyền chiến Renommée, Alarme và Ondine có nhiệm vụ dọn dẹp các chướng ngại vật trong lòng sông Đồng Nai và cá pháo đồn dọc theo 2 bên bờ.
Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau khi sau pháo hiệu tấn công, liên quân Pháp-TBN đã chiếm được đồn phòng thủ ở Gò Công.
4 khẩu pháo trên các đồn trên bờ sông Đồng Nai pháo kích liên hồi lên pháo hạm Alarme. Cánh quân thứ 3 của Pháp do hạm trưởng Lebris chỉ huy dùng ghe đổ bộ quân lên bờ tấn công các pháo đồn này, quân Nguyễn bỏ pháo đồn chạy thoát thân. Các tàu chiến tiếp tục suốt đêm để khai thông các chướng ngại vật trong lòng sông Đồng Nai và phải mất 2 ngày 2 đêm dọn dẹp lòng sông mới có thể lưu thông an toàn tiến thẳng về hướng Biên Hòa.
Chỉ huy cánh quân thứ 1 là Comte bị tử trận khi tiến sát đến cánh trái của điểm kháng cự Mỹ Hòa. Chỉ huy cánh quân thứ 2 từ Gò Công được lệnh tiếp tục tấn công vào cánh phải Mỹ Hòa trong khi pháo binh từ các chiến hạm bắn vào trung tâm điểm của cứ điểm này. Quan binh nhà Nguyễn bị tấn công từ 3 phía: vì không thể cầm cự lâu hơn nên rối loạn bỏ Mỹ Hòa rút chạy vào thành Biên Hòa. Các cứ điểm tiền đồn phòng thủ thành Biên Hòa bên phía phải lưu ngạn sông Đồng Nai đều bị liên quân Pháp -TBN chiếm đóng. Bonard liền ra lệnh chuẩn bị thu xếp chuyển quân sang bờ trái sông Đồng Nai để tiến chiếm thành Biên Hòa. Đích thân Bonard xuống pháo hạm Ondine và cùng với một pháo hạm khác do thuyền trưởng Jonnart tiến đến trước mặt thành Biên Hòa để quan sát. Đại pháo trong thành bắn ra; pháo thuyền của Jonnart bắn trả vào thành: tiếng súng trong thành chấm dứt và một cụm khói đen trong thành bốc lên cao. Trời về tối, quân Pháp chưa thể đổ bộ lên bờ.
Sáng hôm sau, đội quân tiền sát Pháp-TBN tiến vào thành Biên Hòa không gặp phải một sức kháng cự nào. Khi quân Pháp tìm thấy hằng trăm tù nhân Thiên chúa giáo bị thiêu sống trong một trại giam họ mới biết được lý do tại sao có cột khói trong thành bốc lên cao vào đêm hôm qua.
Chiến lợi phẩm quân Pháp tịch thu gồm có: 48 khẩu đại pháo, 15 ghe buồm đánh trận, vô số gỗ quý. Trong trận nầy, liên quân xâm lược chỉ có 2 người chết và một số bị thương không đáng kể. Thiếu TBN Domenech Diégo chỉ huy cánh quân thứ 2 được chỉ định giữ chức tỉnh trưởng Biên Hòa để tiếp tục các chiến dịch bình định trị an.