Năm Vĩnh Hòa thứ hai [137], bọn Khu Liên 區憐 [ vua đầu tiên của Chăm Pa] người Man Di ở ngoài Nhật Nam và Tượng Lâm vài ngàn mạng đánh huyện Tượng Lâm, đốt phá thành phủ, giết trưởng lại. Thứ sử Giao Chỉ bộ là Phàn Diễn 樊演 phát binh hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân hơn vạn người đến cứu. Binh sĩ sợ đi chiến trận xa ngoài biên, bèn làm phản, đánh dinh phủ. Hai quận tuy phản kích phá được [ quân lính làm phản], nhưng thế giặc lại mạnh hơn. Lúc này Thị ngự sử Cổ Xương 賈昌 đi sứ ở Nhật Nam, liền tập hợp quân [ còn lại ở] châu quận chống đỡ, [nhưng gặp] bất lợi, bị tấn công vào trị sở [nguy khốn]. [Quân Hán] bị bao vây hơn một năm, cạn nguồn lương thực tiếp tế, nhà vua rất ưu phiền. Năm sau, vua triệu các công khanh và trăm quan, cùng bốn phủ giúp việc để hỏi sách lược, mọi người đều đề nghị sai đại tướng, phát binh Kinh Châu, Dương Châu, Duyện Châu, Dự Châu, đem bốn vạn người đi đánh. Đại tướng quân kiêm trung lang Lý Cố 李固 phản đối, nói:
- Nếu Kinh Châu và Dương Châu vô sự, thì có thể phát binh. Nay ở hai châu ấy đạo tặc liên kết vững vàng, không phân tán, Vũ Lăng và Nam Quận người Man Di vẫn chưa tụ tập lại mà thôi; Trường Sa và Quế Dương nếu bị trưng binh nhiều, tất sẽ sinh loạn. Đó là cái không thể thứ nhất. Lại nữa, Duyện Châu và Dự Châu nếu bắt lính, viễn chinh ngàn dặm, có ngày đi không có ngày về, lệnh vua thúc ép bức bách quá, tất sẽ xảy ra tình trạng nổi loạn hoặc trốn tránh. Đó là cái không thể thứ hai. Phương nam thủy thổ nóng bức, lại thêm lam sơn chướng khí, quan binh có thể chết vì bệnh tật mười phần [chết đến] bốn năm phần. Đó là cái không thể thứ ba. Băng qua ngàn dặm, sĩ tốt mệt nhọc vất vả, đi đến Lĩnh Nam, không hồi phục được thì khó chiến đấu. Đó là cái không thể thứ tư. Hành quân 30 dặm một ngày, từ đây đến Nhật Nam hơn 9.000 dặm, 300 ngày mới tới, cứ tính một người ăn năm thăng 昇 [ 1 thăng = 1 lít] [lương thực], sẽ cần 60 vạn hộc 斛 gạo [ 1 hộc = 0,1 lít], chưa kể thức ăn của lừa ngựa và cho rằng quân trang tự túc, chi phí đã nhiều như thế. Đó là cái không thể thứ năm. Giả sử quân đến nơi sở tại, tử vong sẽ rất nhiều, rồi không đủ chống chọi địch quân, lại phải phát binh cứu viện, như vậy là [ phải] xẻo cắt tim gan để đắp bù tay chân. Đó là cái không thể thứ sáu. Cửu Chân và Nhật Nam cách nhau ngàn dặm, nên bảo họ lấy dân chúng quan lại ở đấy [ mà] đi đánh, sao không coi sóc đảm đương nổi, hà cớ gì mà lại làm khổ quan quân bốn châu, bắt người ta vượt qua vạn dặm hiểm nguy. Đó là cái không thể thứ bảy. Trước đây Trung lang tướng Doãn Tựu 尹就 thảo phạt được người Khương 羌 làm phản ở Ích Châu 益州, bảo rằng ngạn ngữ ở đấy [ Ích Châu] có câu: “Giặc đến có thể chống, Doãn đến lại giết ta”, sau đó Doãn Tựu trở về, giao phó quân lính cho Thứ sử Trương Kiều 張喬. Kiều dựa vào quan binh sở tại, trong vòng 1 tháng phá tiệt giặc cướp, bắt sống quân địch. Do đó phát đại quân thì không hiệu quả, các châu quận có thể đảm trách là việc đã từng chứng nghiệm. Điều thích hợp nên làm là sửa đổi luật lệ [để] tuyển được người hữu dũng mưu lược và nhân ái, ủy phái đến cầm quân, nhận chức thứ sử, thái thú, tất cả xuống trú đóng ở Giao Chỉ bộ. Bây giờ ở Nhật Nam lính yếu và ít, lại không có gạo ăn, phòng thủ không được, thiếu khả năng chiến đấu. Nhất thiết nên rút quan lính và dân về, phía Bắc dựa vào Giao Chỉ, sau này yên ổn, sẽ ra lệnh quay trở lại. Lại tuyển mộ người bản địa, sai chúng đánh lẫn nhau, cung cấp tiền bạc lụa là cho chúng coi như trả công. Cố gắng dùng năng lực phản gián chiêu dụ thủ lĩnh người Man, hứa hậu thưởng phong hầu cấp đất, ban thưởng cho những người tử trận. Trước đây, Tịnh Châu thứ sử người Trường Sa tên là Chúc Lương祝良, tính tình dũng mãnh quả quyết, thêm Trương Kiều 張喬 người Nam Dương 南陽 [ Hà Nam], trước đó đã có công phá giặc ở Ích Châu, đều có thể tin dùng. Trước đây Thái tông khôi phục chức thái thú Vân Trung 雲中 cho Ngụy Thượng 魏尙, Ai đế cử người đến nhà Cung Xá 龔舍 bái kiến rồi trao cho y chức thái thú Thái Sơn 太山. Có lẽ nên làm như thế với bọn Chúc Lương, là cách tiện lợi nhất.