Triều đại tiếp theo là Bhadravarman do Phạm Tu Đạt cai trị. Trong thời gian từ 413 đến 420, con cháu Phạm Hồ Đạt tranh giành ngôi vua, nội chiến xảy ra khắp nơi. Năm 413, một người con của Phạm Hồ Đạt là Địch Chân, một đạo sĩ Bà la môn, được triều thần đưa lên ngôi vua, hiệu Gangaraja (theo tên sông Gange bên Ấn Độ). Năm 415, quân Lâm Ấp vào cướp Giao Châu, năm 420, Tuệ Độ đánh Lâm Ấp. Địch Chân là người đam mê văn hóa Ấn Độ muốn nhường ngôi cho em là Địch Khải để sang Ấn Độ sống những ngày cuối đời, nhưng Địch Khải sợ bị triều thần ám hại, dẫn mẹ chạy trốn vào rừng. Ngôi báu đành nhường cho Manorathavarman là cháu Địch Chân nhưng tể tướng Thiếu Lâm chống lại vì cho rằng người này không được sinh ra từ một người mẹ có dòng máu tinh-khiết (đẳng cấp Brahman), nên bị Manorathavarman giết chết.
Năm 420, con cháu của Thiếu Lâm ám sát vua Manorathavarman và đưa người em cùng mẹ khác cha của Địch Chân là Văn Địch lên thay. Văn Địch xưng hiệu là Phạm Dương Mại I 范阳迈—世, có nghĩa là Hoàng tử Vàng, nhưng không trị vị lâu vì bị chết trong một cuộc tấn công của quân Đông Tấn. Con là thái tử Đốt, 19 tuổi, được nhà Đông Tấn phong vương năm 421, hiệu Phạm Dương Mại II 范阳迈二世.
Nhân tình thế rối-loạn bên Trung Quốc khi nhà Lưu Tống lật đổ nhà Đông Tấn, năm 431, Phạm Dương Mại II dẫn hơn 100 chiến thuyền tấn-công các làng ven biển tại cửa Thọ Lãnh, Tứ Hội và Châu Ngô (quận Nhật Nam và Cửu Chân) nhưng bị đánh bại, quân Tống chiếm thành Khu Lật, Dương Mại II chạy trốn ra Chiêm Bất Lao (Cù lao Chàm). Năm 433, Phạm Dương Mại II xin "lãnh" đất Giao Châu về cai trị nhưng vua Tống không chịu, chiến tranh lại xảy ra. Năm 443, vua Tống Du Long phong thống chế Đàn Hòa Chi làm thứ sử Giao Châu, cùng hai phó tướng là Tống Xác và Túc Canh Hiến, mang đại quân đánh Lâm Ấp, Phạm Dương Mại II chạy thoát được ra của Tượng Phổ, vịnh Bành Long (chưa rõ vị trí địa lý), tổ-chức lại lực lượng, tăng-cường thêm nhiều đội tượng binh rồi ra lệnh tổng phản-công nhưng không địch nổi quân Tống. Đàn Hòa Chi thu rất nhiều vàng bạc, châu báu, tượng đồng và đập phá rất nhiều đền đài. Tống thư chép: Đàn Hòa Chi lấy được nhiều tượng vàng mười người mới ôm xuể, đem nấu chảy, thu được hơn 10 vạn cân vàng. Từ đó Trung Quốc biết Lâm Ấp có nhiều vàng nên mỗi khi có dịp là tiến quân xuống đánh cướp.
Trong lúc chạy trốn về phía nam, Phạm Dương Mại II chinh-phục luôn các tiểu vương phía nam, thống nhất với lãnh thổ phía bắc. Năm 443, Phạm Dương Mại II về lại Khu Lật, và mất năm 446. Lãnh thổ phía bắc của Lâm Ấp bị đẩy lùi về huyện Lô Dung (Thừa Thiên), con cháu Phạm Dương Mại II lại tranh chấp quyền hành.
Năm 455 con Phạm Dương Mại II là Phạm Chút, còn gọi là Phạm Thần Thành 范神成 lên ngôi, hiệu Devanika. Trung tâm chính trị vẫn tại Khu Lật, nhưng Trần Thành cho xây dựng thêm một trung tâm văn hóa và tôn giáo mới tại Amaravati, gọi là thánh địa Hào Quang (Mỹ Sơn) Vương quốc Lâm Ấp tiếp tục được nới rộng xuống phía nam, phía bắc và cao nguyên phía tây. Dưới thời trị vì này, Lâm Ấp vẫn thần phục và hàng năm phải nộp cống cho triều Lưu Tống. Vào năm 472, Thần Thành bị Phạm Đang Căng Thuần 范当根純 tiếng Phạn: Jayavarman II, một hoàng tử Phù Nam tị nạn ở đây giết chết để cướp ngôi. Năm 492, lại bị con Thần Thành là Phạm Chư Nông 范諸農, trả thù: Phạm Đang Căng Thuần bị Chư Nông giết. Nông được Nam Tề Vũ Đế phong Lâm Ấp vương. Sau khi lên ngôi, vào năm 498, Phạm Chư Nông trong một chuyến đi sang Nam Tề bị chết đuối. Phạm Văn Tẩn 范文款, lên nối ngôi, trị vì từ 498 đến 502, Phạm Thiên Khởi, hiệu là Detavarman trị vì 510-514, và Cao Thức Thắng Khơi, hiệu là Vikrantavarman, trị vì từ 526-527.
[Về mặt địa lý, chính xác vương quốc Lâm Ấp ở đâu, lãnh thổ như thế nào thì chưa có câu trả lời chính xác. Theo sử Trung Quốc thì lãnh thổ vương quốc này là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam, phía nam huyện Lô Dung (tức là Thừa Thiên Huế ngày nay). Đường thư nói Lâm Ấp từ huyện Tây Quyển (Quảng Bình) trở xuống... cuốn Thủy Kinh chú này cho biết thủ phủ Lâm Ấp lúc đầu không biết ở đâu, sau được biết đặt tại Khu Lật (thành phố Huế ngày nay), phía nam có sông Lô Dung (sông Hương) chảy qua].