XXVIII
[Ngày Sơ Cát tháng 4]
Cáo thị gửi văn võ bá quan trên dưới:
Nhà nho ở Trung Quốc nói chung chia làm hai loại. Loại thứ nhất là học sĩ, biết nhiều về những lời nói và việc làm của người trước, nhưng về hành-động họ có chỗ chưa đạt. Họ là những người như trong chiếu đời Hán có nói đến: "Hiểu biết thấu-đáo điển cố ngày xưa, học rộng biết nhiều". Loại thứ hai là hiền sĩ, chuyên chú về tu thân và hàn -động, tuy văn-tài có chỗ chưa đủ. Họ là những người như chiếu đời Hán có nói là: "Hiền-lương phương-chính, hiếu đễ, ra sức làm ruộng".
Có người kiêm cả hai mặt: bên trong thì hội đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, bên ngoài thì có thể biểu-lộ cung kính, ôn văn. Những người này đúng là [tài sản] quý nhất (至寶 chí bảo) của quốc gia, của hiếm nhất (上珍 thượng trân) của Thánh Đế Minh Vương. Vua dùng họ tức được an-phú tôn-vinh, con cháu và học trò của họ sẽ làm theo và trở thành hiếu đễ trung tín. Vì thế dầu có cho họ hưởng bổng lộc vạn chung cũng không phải là thừa, cho họ mười cỗ xe cũng không phải là xa xỉ, cho họ mặc áo triều phục thêu đẹp đẽ cũng không thấy quá hoa hòe, gọi họ là "Thượng phụ" hay "Trọng phụ" cũng không là quá lẽ. Vì sao vậy? Nếu Đạo được tôn-kính và Đức được thịnh, tức là [hành động] đúng và không có gì phải hổ-thẹn. Khoảng cách giữa Vua-Tôi (君臣 quân thần) chỉ có một chữ Đức 徳 và một chữ Tâm心. Tất cả sẽ vui vẻ đứng lên. Thời cho họ có được Chí 志 để làm nên. Nếu thiên hạ không có Đạo, tức họ sẽ đem dấu ngay hoài-bão và kiến-thức vào trong bụng, hoặc đi cày, hoặc làm đồ gốm, hoặc đi câu, hoặc di xây nhà, không ai cấm đoán gì được, khỏi phải hạ mình đi theo kẻ khác.
Gần đây Trung Quôc bị tao loạn, trời nghiêng đất ngả, giặc ngoài vào xáo động, khiến đất tanh hôi. Du vì nghĩa mà không chết, muốn ẩn thân nhưng không có chỗ. Nghe Khưu Văn Trang (tức Khưu Tuấn, người đất Quỳnh Sơn đời Minh. Tự là Trọng Thám. Đỗ Tiến Sĩ đời Cảnh Thái. làm quan đến chức Văn Uyên- các Đại học sĩ. Tinh thông Tống Học, có nhiều trước tác về Chu Tử học) nói:
An Nam, Triều Tiên là những nước biết Lễ nghi (知禮 tri lễ) nên mới chạy trốn sang đây. Du không phải là người đầu tiên, Thái Công, Bá Di [伯夷 là con vua nước Cô Trúc - quốc gia chư hầu nhà Thương, Nghe tin Tây Bá Cơ Xương là người trọng-đãi hiền sĩ, anh em Bá Di tìm đến. Nhưng khi hai người đến nơi thì Cơ Xương đã chết, con là Cơ Phát lên thay, mang quân đánh Trụ Vương tàn bạo. Bá Di cùng em đến trước ngựa của Cơ Phát can rằng:
-Cha chết không chôn lại gây việc can qua có thể gọi là Hiếu không? Là bầy tôi giết vua có thể gọi là Nhân không?
Cơ Phát không nghe. Những người hộ vệ của Cơ Phát định giết anh em Bá Di nhưng Khương Tử Nha (Thái Công) ngăn lại, Cơ Phát mang đại quân cùng các chư hầu đánh vua Trụ. Vì Trụ tàn-bạo mất lòng người nên bị đại bại ở trận Mục Dã, tự thiêu mà chết.
Cơ Phát lên ngôi lập ra nhà Chu, tức là Chu Vũ Vương. Các chư hầu đều tôn thờ nhà Chu. Riêng Bá Di và Thúc Tề xấu hổ về việc đã can ngăn vua Chu diệt bạo chúa, bèn cùng nhau thề không ăn thóc nhà Chu.
Bá Di và Thúc Tề lên núi Thú Dương, hái rau ăn, cuối cùng Di và Thúc Tề đều chết đói. Thực ra đây là cái ngu trung của bọn hủ Nho, không có gì đáng học tập] ngày trước đã từng sang ở Đông Hải, Bắc Hải để chờ thiên hạ. Nay quý quốc không thể gia ân-huệ cho tôi thì đành vậy. Nhưng tại sao chư quân từ trên xuống dưới lại cứ đến đòi xem tướng số? Hỏi thật không nhầm chỗ, đến cuối cùng cũng không biết là đã làm nhục Du. Người coi tướng (nguyên văn: 相士 tướng sĩ, nghĩa cổ là xem tướng), người xem sao (星士tinh sĩ, như kiểu xem các vì sao mà đoán vận-mệnh) đông biết bao nhiêu mà đếm cho hết! Trong tứ dân (Sĩ-Nông-Công-Thương; quan-niệm chia thứ bậc xã hội của Nho Giáo, thật là hết sức sai lầm) và chín học phái [ gọi là Cửu Lưu Thập Gia 九流十家 là các trường phái học thuật chủ yếu trong thời kì Chiến Quốc. Các trường phái này bao gồm: Nho gia; Đạo gia; Âm Dương gia; Pháp gia; Danh gia; Mặc gia; Tung Hoành gia; Tạp gia; Nông gia; Binh gia. Chín trường phái đầu được gọi chung là Cửu Lưu] họ [người coi tướng và nguời xem sao] là hạng người thấp-hèn nhất [thực ra, địa vị của những người dùng Thiên văn Lịch số để bói toán ( phái Âm Dương gia) tuy thấp so với Nho gia, nhưng so với các học phái khác thì không đến nỗi thấp như Chu nói, ở đây người dịch đánh giá cao thái-độ coi nhẹ việc bói toán-mê tín quá mức] So họ với nhà Nho có đức nghĩa, khác xa một trời một vực, như đen với trắng, như nước với lửa, hoàn toàn tương phản.
Du đã sang đến đây, [người] quý quốc khinh-thường và làm nhục, vậy túc hạ sẽ ra sao? Việc làm không đúng theo với chữ nghĩa, giả sử người khác nghe đến họ sẽ nói là [người] quý quốc không tuyệt nhiên không biết đọc sách. Huống hồ là chuyện tôn hiền kính sĩ!
Còn như chuyện Thiên văn Địa lý, những người tinh-thông việc này là những người kỹ thuật. Đấy không phải là cái Đạo của thánh hiền, đại học, hoặc Kinh sách để trị quốc bình thiên hạ.
[Người] quý quốc đọc những chuyện như Tam Quốc Diễn Nghĩa (三國演義 của La Quán Trung để phân- biệt với Tam Quốc Chí 三國志 của Trần Thọ, Tam Quốc Diễn Nghĩa là 1 cuốn tiểu thuyết bịa- đặt, thêm-thắt nhiều chi- tiết với cái ý : tôn Hán dìm Tào, ở đây lại thấy được cái tư-tưởng tiến-bộ của tác giả, trong khi nhiều người Vn, cho đến cả bây giờ, vẫn cứ tin vào những chuyện bịa-đặt trong Tam Quốc Diễn Nghĩa mà mặc nhiên coi đó là sự thật, thì tác giả đã phê-phán sự cả tin này) hoặc Phong Thần (Phong Thần Diễn Nghĩa 封神演義, cũng gọi là Bảng Phong Thần, Vũ Vương phạt Trụ ngoại sử Phong Thần Diễn Nghĩa, Phong Thần truyện, là một bộ tiểu thuyết được viết lại trên cơ sở cuốn Vũ Vương phạt Trụ bình thoại in đời Nguyên, trong đó bao gồm các tư liệu lịch sử cùng với các thần thoại, truyền thuyết.
Phong thần diễn nghĩa xoay quanh việc suy-vong của nhà Thương và sự nổi lên của nhà Chu, cùng với đó là rất nhiều thần thoại, truyền thuyết Trung Hoa, bao gồm các thần, tiên, yêu quái…ý tác giả phê-phán người Việt từ Chúa đến quan dân quá ư mê- tín) mà cả tin là chuyện thật, cứ đến đây hỏi tôi chuyện này sang chuyện khác mãi không thôi. Tựa như bỏ vàng ngọc mà chọn gạch đá, nhổ lúa xanh mà trồng cỏ tranh, không hiểu cái gì phải lấy, cái gì phải bỏ.
Du lại viết:
"Thiên văn là chuyện Thần Tử hỏi đến, Du là kẻ xa đến không dám lạm bàn. Từ đây về sau xin đừng lặp lại nữa".
Tháng Tư, ngày Sơ Cát, Chi Chi Du bạch.