Lời bạt
An Nam Cung Dịch kỷ sự
Của nhà sư: Tính Dị -Thích Độc Lập (tên 1 nhà Sư Nhật Bản, phiên theo tiếng Hán)
Càn Khôn bĩ-cực, sinh ra chuyện bi-thảm lạ thường. Đất nước đầy giặc mọi-rợ (ý nói quân Mãn Thanh), ai người còn sống sót đây?
Vào Thu năm Quý Tỵ (1652), Dị cùng Tiên sinh (tức là tác giả, Chu Thuấn Thủy) gặp nhau ở nơi chân trời góc biển (nguyên văn: 海角天涯 Hải Giác Thiên Nhai, đúng ra là 天涯海角 Thiên Nhai Hải Giác), cùng trú chân tại nhà của Dĩnh Xuyên Cư Sĩ (颍川居士,tên 1 nhà sư nổi tiếng của Nhật). Cuối Đông Tiên sinh đột nhiên đi về Nam, chia tay đôi ngả, thoáng chốc đã có 8 năm. Mùa Đông Giáp Ngọ (1653), Dị vào cửa Thiền, cho khách cao niên đến trú. Đến Thu Ất Mùi (1654), trên đường du hành đến Kinh Đô (京都, tức là Kyoto) nơi đất khách, như con hạc trời lẻ bóng không biết sẽ bay về đâu. Răng vàng tóc bạc, biết khó có duyên tái-ngộ. Vào khoảng Hè Mậu Tuất (1658), Tiên sinh hưởng ứng lời triệu vời của Giám quốc, sang Trường Kỳ ( 長崎,Nagasaki), Dị lúc đó đang đi vãn cảnh ở Đông Vũ (東宇, 江戸, tức là Edo, còn gọi là Giang Hộ), cách nhau có 3.000 dặm, chỉ muốn nói đôi lời an-ủi, mà không thể gặp mặt. Dầu chỉ muốn thấy nửa mặt, mà cũng chỉ đành gặp nhau trong giấc mộng. Xuân Kỷ Hợi (1659), Dị vì phải dưỡng bệnh về lại Trường Kỳ (Nagasaki), lại được thư của Tiên sinh có lời trân-trọng nhắn gửi; núi cao biển rộng, xa xôi đất trời, thế mà Tiên sinh trong lòng vẫn lo đau đáu cho bỉ nhân. Vì chứng bệnh không có cách gì chữa trị, Dị đóng cửa không tiếp khách, tu-dưỡng tâm tính. Hè năm nay đột nhiên Tiên sinh lại xuất hiện, được gặp mặt mấy lần; nếu không phải là duyên trời đưa đẩy thì làm sao có thể gặp nhau lại dược?
Ngồi dưới ánh nắng trong vườn, cùng nhau đàm đạo, đến khi nghe Tiên sinh nhắc đến An Nam Cung Dịch Kỷ sự, Dị mới xin đọc. Đọc xong, Dị không khỏi không cảm thấy vui mừng, nên mới viết: