QUỐC CHỦ XUẤT NHẬP (國主出入Nhà Vua ra, vào)
Tôi nghe nói rằng dưới triều các Vua trước, dấu bánh xe của các Ngài không bao giờ in khỏi cửa cung, đó là đề đề phòng những trường hơp bất trắc. Tân vương là rể của nhà Vua trước. Xưa kia, Ngài giữ chức chỉ huy quân đội. Ông cha vợ
(bị con rể lật đổ) thương con gái, đứa con gái ăn cắp cây gươm vàng (
Prah Khan) của cha đem cho chồng. Người con ruột sau này không được lên ngôi. Ông ta âm mưu chiêu mộ quân sĩ nhưng Tân vương biết được bắt chặt ngón chân và nhốt trong ngục tối (
Tùy Thư vào thế kỷ thứ 7 có ghi việc các Quốc Vương Chân Lạp khi lên ngôi truyền chặt tay hoặc cắt mũi mấy người em rồi đem giam vào một nơi kín đáo cho ăn uống tử tế, nhung không giao phó chức vụ nào cả). Trên thân thể Tân vương có khảm
(có lẽ là gắn vào) một miếng sắt thiêng dù dao và tên chạm vào cũng không thể gây thương tích. Tin chắc như vậy nên Ngài mới dám ra khỏi cung.
Tôi ở trong nước hơn một năm và tôi thấy Ngài đi ra bốn hay năm lần. Khi nhà Vua du hành, quân đội đi đầu để hộ tống, kế đến là cờ của kỵ binh, cờ hiệu, giàn nhạc. Các thị nữ trong cung từ ba đến năm trăm, mặc hàng vải thêu cành lá, dắt bông trên đầu tóc, tay cầm đèn cầy, họp thành một toán riêng, mặc dù giữa ban ngày đèn cầy vẫn đốt cháy. Tiếp đó là các thị nữ bưng vật dụng của nhà Vua bằng vàng, bằng bạc, và tất cả bộ đồ trang hoàng với kiều mẫu hết sức đặc biệt mà tôi không biết cách dùng. Kể đến các thị nữ cầm khiên, vác giáo là đoàn canh phòng riêng biệt trong cung; các thị nữ này cũng hợp thành toán riêng. Tiếp theo là xe do dê kéo, xe ngựa tất cả đều trang hoàng bằng vàng.
Các quan, các vị Hoàng thân đều cưỡi voi, trước mặt quí vị người ta thấy những cây lọng đỏ của những bậc quyền quí từ xa, nhiều vô số.
Sau các bậc quyền quí là các bà vợ và cung phi của nhà Vua ngồi kiệu, ngồi xe, cưỡi ngựa, cưỡi voi, các bà có hơn trăm cây lọng thêu chỉ vàng lóng lánh. Sau quý bà là nhà Vua đúng trên lưng voi, tay cầm gươm báu. Ngà voi cũng được bọc trong bao vàng. Có hơn hai chục cây lọng trắng thêu chỉ vàng lóng lánh và cán bằng vàng. Rất nhiều voi đi xung quanh Ngài và có thêm toán quân lính hộ vệ Ngài.
Nếu nhà Vua đến một vùng láng giềng, Ngài chỉ dùng kiệu vàng do các cung nữ khiêng.
Thường thường Ngài ra ngoài để viếng ngôi tháp vàng nhỏ, trước tháp có một tượng Phật vàng. Người nào trông thấy nhà Vua phải quỳ gối và dập đầu xuống đất, người ta gọi đó là “Tam bãi” (三罷,
phiên âm tiếng Khmer, không rõ là gì) nếu không họ sẽ bị các ông Mạo Sự (事者-quan coi việc nghi lễ) bắt mà không khi nào được tự do không. (nguyên
văn 不虚釋也 -sở cầm bất hư thích dã-
không khi nào được tự do không, không hiểu “không” đây là không nộp tiền phạt, nộp hối lộ hoặc bị tù tội, vì tác giả không giải thích rõ ràng) Mỗi ngày, nhà Vua thiết triều hai lần đề xét đoán các việc quốc gia. Không có giấy tờ, công văn quy định. Công chức hoặc dân chúng muốn triều kiến nhà Vua đều ngồi dưới đất chờ. Một lát, người ta nghe một điệu nhạc văng vẳng trong cung và ở ngoài người ta liền thồi vỏ ốc
( điều này cho thấy, dù đạo Phật đã rất thịnh hành, nhưng ảnh hưởng của Ấn Độ Giáo vẫn rất mạnh, các tu sĩ Bà La Môn ở trong triều thổi vỏ ốc khi Vua ngự ra ngai vàng hoặc trong các buổi lễ lớn) như đón chào nhà Vua.
Tôi nghe nói rằng nhà Vua chỉ ngồi trên một cái kiệu vàng đến đó. Ngài dừng lại cách xa chúng tôi. Lát sau, người ta thấy hai cung nữ đưa ngón tay thon nhỏ vén màn, và nhà Vua tay cầm gươm xuất hiện đứng trong cửa sổ vàng. Các quan và dân chúng chắp tay, dập đầu xuống đất. Khi tiếng vỏ ốc ngưng thổi, hộ mới có thề ngẩng lên. Liền khi ấy, nhà Vup ngồi xuống. Nơi Ngài ngồi có một miếng da sư tử là bảo vật của Hoàng triều truyền lại. Khi các việc thương nghị chấm dứt, nhà Vua trở về cung, hai cung nữ bỏ màn xuống, mọi người đứng dậy. Theo đó, người ta thấy rằng mặc dầu là một nước man di, những người này không phải không biết thế nào là một vị Quốc vương
(nguyên văn 以此觀之,則雖蠻貊之邦,未嘗不知有君也 -dĩ thử quan chi tắc tuy man, mịch chi ban, vị thường bất tri hữu quân dã- nghĩa là:
cứ thử mà coi thì mặc dầu là một nước man di cũng vẫn biết có Vua).