Đi đâu loanh quanh...

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Tạm biệt Hà Tiên, xuôi về hướng thành phố Rạch Giá, tôi nhất định muốn ghé vào nơi này để viếng một ngôi đền: Đền thờ Nguyễn Trung Trực.

Từ nhỏ đã được nghe câu thơ của cụ Huỳnh Mẫn Đạt viếng Nguyễn Trung Trực:

Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần

(Lửa hồng Nhựt Tảo lẫy lừng trời đất
Kiếm tuốt Kiên Giang làm kinh sợ quỷ thần)

Chiến công của Nguyễn Trung Trực đốt cháy tàu chiến Pháp Espérance trên sông Nhựt Tảo là một chiến công còn mãi được người đời truyền tụng, có lẽ được nhắc đến nhiều chỉ sau trận thắng vẻ vang của chúa Nguyễn Phúc Lan, thái tử Nguyễn Phúc Tần đối với thuỷ quân Hà Lan hồi thế kỷ XVII.

Đền Nguyễn Trung Trực là ngôi đền lớn nhất trong số 9 đền thờ ông ở tỉnh Kiên Giang. Hội đền diễn ra hằng năm vào các ngày 27, 28 và 29 tháng 8 âm lịch. Ngôi đền lớn thứ hai là đền thờ ông ở mũi Gành Dầu, đảo Phú Quốc. Ngôi đền ở mũi Gành Dầu tôi cũng đã có dịp ghé qua.
Đền Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá được kiến thúc theo lối truyền thống, theo hình chữ tam (). Trước đền có pho tượng của ông. Chính điện là nơi thờ cúng bài vị.







Ngôi mộ Nguyễn Trung Trực nằm cạnh đền thờ, được xây bề thế, khang trang.




Tương truyền trước khi bị chém đầu ông có cất tiếng
ngâm sang sảng một bài thơ tuyệt mệnh sau đây:

Thư kiếm tùng nhung từ thiếu niên
Yêu gian đảm khí hữu long tuyền
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa
Báo hận thâm cừu bất đới thiên.

(Theo việc binh nhung từ độ thiếu niên
Hăng hái tuốt gươm trừ bạo ngược
Anh hùng lâm vào cảnh không có đất dung thân
Thù hận thâm sâu không đội chung trời)

Truyền thuyết dân gian kể rằng khi bị chém đầu, người anh hùng dân tộc với khí phách ngút trời đã không để đầu rơi mà còn kịp đưa hay tay bắt lấy chiếc đầu đặt lại trên cổ mình rồi mới từ từ ngã xuống. Dân gian quá yêu mến ông nên truyền tụng như vậy, nhưng có một điều mà nhiều người thừa nhận: đền thờ Nguyễn Trung Trực là chốn linh thiêng, quanh năm người dân đến đây thắp hương khấn vái.

Trước khi rời Rạch Giá, đi một vòng thành phố.
Bến tàu, nơi xuất phát những chuyến tàu đi Phú Quốc.






Chiều không có nắng, mênh mông sông nước xám màu. Chiều buồn, sông buồn và những chiếc thuyền ngoài xa cũng trầm lặng buồn buồn, như đời buồn ngư dân đánh cá lênh đênh sông nước.



Quay trở về quốc lộ, bắt gặp một ngôi nhà mà người dân Rạch Giá ai - cũng - biết - là - nhà - của - ai - đấy: Tư dinh ở Rạch Giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.



Lại dòng sông, những cây cầu và những chuyến phà.



Sài Gòn đã gần lại, Kiên Giang đã lùi xa. Mảnh đất Tây Nam một thời khẩn hoang, một thời khai phá, mảnh đất được thiên nhiên ưu ái có đủ cả núi, cả biển, cả đảo, cả rừng, cả sông, cả đường biên giới, mảnh đất của những truyền thuyết, của văn chương một thuở, sẽ còn khiến người ta muốn quay lại nhiều lần.
 
Chỉnh sửa cuối:

Thái Phượt

Xe tăng
Biển số
OF-109945
Ngày cấp bằng
22/8/11
Số km
1,492
Động cơ
405,649 Mã lực
Bạn Alice ơi ,"đi đâu loanh quanh " rồi thì T.Phượt tôi cũng phải vào forum đọc xem bài mới của Bạn. Văn bài của bạn mà có khen thì cũng là khen " phò mã tốt áo" ,nhưng sao thấy bạn cảm thán "Chắc là đời mình chỉ còn những chuyến đi" nghe như chim Vịt kêu chiều ấy buồn quá. Bạn Alice ơi vui lên! cố vui lên
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Miền đất của hai bà hoàng

Một chiều cuối tuần nhớ miền Tây da diết. Một chiều cuối tuần lại thèm cảm giác lênh đênh trên những chuyến phà. Một chiều cuối tuần, lại thèm nếm vị nước dừa ngọt mát, vị kẹo dừa thơm thơm mùi sầu riêng, thèm cái nắng, cái gió của phù sa sông nước Cửu Long.


Và rồi lại ba lô khăn gói lên đường. Đi về miền đất Gò Công.


Từ Sài Gòn về Gò Công, tôi đi theo một con đường ít người đi. Con đường Cần Giuộc - Cần Đước (Long An). Từ Cần Đước đi khoảng 10km đến phà Mỹ Lợi, đi tiếp 12km nữa thì thị xã Gò Công đã hiện ra trước mắt. Đường đi khá tốt, dù có những đoạn đang sửa.

Cần Giuộc là mảnh đất Nguyễn Đình Chiểu từng nhắc đến trong "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc". Ngày nay thì không còn dấu vết gì của những nghĩa sĩ nông dân thuở nào. Ngồi ăn sáng bên đường, nghe chị chủ quán hồ hởi giới thiệu về một ngôi chùa có tiếng linh thiêng, khách Sài Gòn hay ghé xuống thắp nhang cầu khấn. Bèn rụt rè gõ cửa Phật tự, đón tôi là một ni cô với nụ cười hiền. Chuyện trò dăm câu ý hợp tâm đầu, tuy không bàn gì về Phật pháp, ni cô cứ dặn sắp đến giỗ tổ, nhất định phải xuống dùng cơm chay với nhà chùa.


Chùa đơn sơ, chả có gì ngoài chiếc trống lớn.



Tượng Phật trang nghiêm




Cửa chùa luôn rộng mở với khách thập phương.







Phà Mỹ Lợi là một con phà nhỏ, như bao con phà miền Tây lặng lẽ chở khách qua sông. Ở miền Tây phổ biến hai loại phà: Phà 100 tấn và phà 200 tấn. Ở Mỹ Lợi chỉ có phà 100 tấn. Nhưng sông nước thì vẫn mênh mang và những chuyến phà vẫn đầy khách lữ hành.





Có một điều khác thường là phà Mỹ Lợi không nằm trên sông Tiền, sông Hậu, mà nằm trên sông Vàm Cỏ Đông, một chi lưu của sông Đồng Nai nằm ở miền Đông Nam Bộ. Có phải vì là con sông của miền Đông chảy trên đất miền Tây, nên sông "nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng". Nhưng khi tôi đến, đang mùa nước đổ, nước sông không trong xanh mà vẫn đượm vẻ đục của phù sa.



Năm 2008, đã có một dự án trị giá 800 tỷ đồng để xây cầu Mỹ Lợi. Một ngày nào đó, miền Tây sẽ không còn những chuyến phà.
 
Chỉnh sửa cuối:

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Vùng đất Gò Công ngày nay bao gồm thị xã Gò Công và hai huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây. Con gái Gò Công có tiếng nhan sắc từ thuở xưa. Trong ba bà chính cung người miền Nam của triều Nguyễn thì đã có hai người gốc Gò Công. Đó là bà Phạm Thị Hằng, vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức, sau này được biết đến dưới danh xưng Từ Dũ hoàng thái hậu, gốc ở Gò Công Đông. Người thứ hai là bà Nguyễn Hữu Thị Lan, tức là Nam Phương hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại, gốc ở Gò Công Tây.

Tước hiệu Từ Dũ (thật ra là Từ Dụ) được ban cho bà Phạm Thị Hằng nhờ vào việc bà nổi tiếng là một người khoan hòa, đức độ, một bà mẹ hiền, nghiêm khắc dạy con, cho dù con là bậc đế vương. Tương truyền rằng bà rất đẹp, cầm kỳ thi họa đều giỏi, lại là con của Thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng nên được tiến cung.

Ở thị xã Gò Công bây giờ còn lại khu nhà thờ và mộ phần của vị nhạc phụ vua Thiệu Trị: Thượng thư Phạm Đăng Hưng, sau được phong đến tước Quốc Công. Nhờ thông gia với triều Nguyễn nên khu mộ này còn được gọi là lăng mộ hoàng gia.

Khu nhà thờ được xây dựng khang trang, cổng vào rộng rãi. Không gian im vắng. Ngày thường cũng ít người qua lại, chỉ đến ngày giỗ chạp, những người của dòng họ Phạm mới quần tụ về cúng giỗ.









Khu nhà thờ được trông coi, giữ gìn cẩn thận






Chân dung Từ Dũ hoàng thái hậu



Phần mộ Quốc Công Phạm Đăng Hưng ở bên cạnh khu nhà thờ, được xây dựng từ năm 1825, hình bát giác, mang dáng dấp của một chiếc mũ triều quan, khác với những mộ cổ ở Nam Bộ. Mộ xây khá cầu kỳ, đường nét uyển chuyển làm cho ngôi mộ trở nên cổ kính và uy nghiêm.









Một thời vàng son lộng lẫy, một thời quyền uy cao ngất, cuối cùng khi nằm xuống, vẫn chỉ là cát bụi trong cõi tạm của kiếp người. Nhưng bà Từ Dũ hoàng thái hậu còn có phần may mắn hơn Nam Phương hoàng hậu khi mà dòng dõi của bà cho đến nay vẫn sớm hôm quần tụ, trông coi mảnh đất gia tộc. Còn ngày nay qua đất Gò Công Tây, không tìm thấy dấu vết gì của nhà đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào, thân phụ của Nam Phương hoàng hậu nữa.
 
Chỉnh sửa cuối:

Thái Phượt

Xe tăng
Biển số
OF-109945
Ngày cấp bằng
22/8/11
Số km
1,492
Động cơ
405,649 Mã lực
Rất Cám Ơn Bạn Alice về những tấm hình lịch sử.Bạn đã thực sự " Mở Mắt" cho 1 tên "Nam Bộ" mất gốc như Tôi
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Gò Công còn có một nơi rất đặc biệt: Đền thờ Trương Định. Dân gian từng có câu ca rằng:

Gò Công anh dũng tuyệt vời
Ông Trương đám lá tối trời đánh Tây.






Gò Công là quê hương thứ hai của Trương Định (quê gốc của ông là ở Quảng Ngãi), là nơi ông đã tuẫn tiết trong vòng vây của thực dân Pháp. Chính tại nơi đây, Trương Định đã chiêu mộ nghĩa quân, xưng là Bình Tây đại nguyên soái. Căn cứ của ông đặt ở "đám lá tối trời", một nơi cách thị xã Gò Công ngày nay chừng 8km. Sở dĩ có tên gọi "đám lá tối trời" vì nơi đây dừa nước mọc ken dày, rậm rạp, không thấy ánh sáng mặt trời, từ đấy mới có câu ca dao trên.

Tượng Trương Định trang nghiêm trên đường phố Gò Công ngày nay.




Gò Công là một thị xã nhỏ yên bình, vắng vẻ, thỉnh thoảng vẫn còn dấu tích của những ngôi nhà xưa. Một trong những ngôi nhà đó là nhà Đốc phủ Hải, một căn nhà kiến trúc theo kiểu một căn nhà địa chủ phong kiến truyền thống pha trộn lối kiến trúc Pháp. Nhà chia thành 3 phần: nhà chính và hai bên là nhà phụ, có cả lẫm lúa để chứa thóc. Ngôi nhà này thuở ban đầu chính là nơi ở của người vợ thứ của Trương Định. Tương truyền bà rất giàu có, tự bỏ tiền túi đứng ra lo việc tích trữ lương thực, rèn vũ khí cho nghĩa quân Trương Định. Khi ông qua đời, bà mang xác ông về chôn và lập bia mộ ở nơi là đền thờ ngày nay.

Trải qua nhiều đời con cháu, ngôi nhà được sửa sang, xây dựng thêm và tu bổ khang trang. Hiện nay, ngôi nhà được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.










 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Từ Gò Công, đi ngang qua Mỹ Tho, chạy về Bến Tre theo hướng quốc lộ 60, đi ngang qua cầu Rạch Miễu.

Cầu Rạch Miễu là cầu dây văng, có lối xây dựng giống như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, nhưng đây là cây cầu xây bằng đồng vốn Việt Nam, hoàn toàn do người Việt Nam thiết kế, thi công, khánh thành đầu năm 2009. Ngày xưa mỗi lần đi về Bến Tre phải đi qua phà Rạch Miễu, lênh đênh trên sông nếu là con nước chảy ngược dòng thì mất gần một tiếng đồng hồ. Tôi vẫn thường nói, phà Rạch Miễu là con phà đi lâu nhất miền Tây, vì phải băng ngang hai cồn: cồn Phụng và cồn Thới Sơn.

Nối đôi bờ Tiền Giang - Bến Tre, bắc ngang qua sông Tiền, cầu Rạch Miễu nay trở thành biểu tượng mới của xứ dừa. Nếu kể cả đường dẫn lên cầu, cầu có chiều dài hơn 8km, chia thành hai cầu 1 và 2, trong đó có một phần là cầu dây văng.









Từ trên cầu nhìn xuống, thấy sông Tiền vẫn chảy xuôi một dòng nước mênh mông, thấy đôi bờ xanh xanh cây lá. Con phà trăm năm về trước nay đã không còn, thay vào đó là cây cầu hiện đại. Nhưng con sông vẫn là con sông ấy, dòng nước vẫn chảy như trăm năm trước từng chảy qua mũi phà, cây lá bên sông vẫn là cây lá như trăm năm trước. Trong ánh nắng hoàng hôn, không còn đi trên chuyến phà xuôi dòng nữa, nhưng vẫn thấy mình là người lữ khách, mà "màu chiều khó làm khuây".

[FONT=&quot]
[/FONT]
[FONT=&quot]
[/FONT]
[FONT=&quot]
[/FONT]
[FONT=&quot]
[/FONT]
[FONT=&quot]
[/FONT]

 
Chỉnh sửa cuối:

Truongsonnam_37

Xe tăng
Biển số
OF-87118
Ngày cấp bằng
1/3/11
Số km
1,547
Động cơ
420,174 Mã lực
Nơi ở
Hoang Mai
Bây giờ nhà cháu mới biết được địa danh này đấy, lúc trước thường nghe Quang Lê hát "Phải lòng con gái Bến Tre" thì có nhắc đến Phà Rạch Miễu! Mà mợ cho cho cháu hỏi trong í đại từ Bậu và Qua là gì ợ! Hình như ở Bạc Liêu cũng có đại từ Hia nghe là lạ phải không mợ nhỉ?
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
“Qua” và “bậu” là từ miền Nam, ngày nay ít được dùng nhưng cách đây khoảng chừng nửa thế kỷ thì vẫn còn rất thông dụng.

Qua là đại từ, ngôi thứ nhất. Nếu dùng riêng rẽ thì có nghĩa là tôi, ta, thường dùng khi người lớn tuổi xưng hô với người nhỏ tuổi hơn.

Người dân miền Nam có câu nói vui rằng: "Hôm qua qua nói qua qua mà qua không qua, hôm nay qua không nói qua qua mà qua qua".

Nếu “qua” mà dùng chung với “bậu” thì “qua” mang nghĩa là anh, là cách xưng hô của chồng với vợ hoặc của người con trai xưng với người yêu. “Bậu” ở đây cũng là đại từ, ngôi thứ hai, nghĩa là người vợ hay người yêu hay người con gái gọi một cách thân mật.

Gốc của từ “qua” là do chữ “wá”, đọc theo giọng Triều Châu (Trung Quốc), có nghĩa là “ngã”, tức là “tôi”, còn “bậu” có thể là cũng do âm Triều Châu từ chữ “pấu”, có nghĩa là “vợ”, sau thêm nghĩa là “em”, là “nàng”.

Một vài câu ca dao tiêu biểu như:

Canh chầy tơ tưởng tưởng tơ

Chiêm bao thấy bậu dậy rờ chiếu không.


Ví dầu tình bậu muốn thôi

Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra.


Đờn cò lên trục kêu vang

Qua còn thương bậu, bậu khoan có chồng.


Ghe tui tới chỗ cắm sào

Nghe bậu có chốn muốn nhào xuống sông.


Muốn cho nhơn nghĩa đạo đồng

Qua đây thương bậu hơn chồng bậu thương.


Ở miền Nam thời kỳ khẩn hoang, có một luồng người Hoa di cư xuống vùng miền Tây Nam Bộ, trong đó chủ yếu là người vùng Triều Châu. Họ sống tập trung nhiều ở vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hà Tiên, đặc biệt ở vùng Bạc Liêu. Có câu ca dao rằng:

Bạc Liêu là xứ quê mùa
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu.

Do vậy trong ngôn ngữ Nam Bộ, cũng ảnh hưởng nhiều của ngôn ngữ Triều Châu, chẳng hạn như: món bánh “pía” ở Sóc Trăng, “hia” có nghĩa là “anh trai”, “chế” có nghĩa là “chị gái” trong tiếng Triều Châu.

Ngày nay theo sự hiện đại hóa của ngôn ngữ và sự phổ cập của ngôn ngữ phổ thông, những danh xưng như vậy dần dần mất đi và chỉ còn thấy ở thế hệ những người lớn tuổi ở miền Tây.
 
Chỉnh sửa cuối:

Truongsonnam_37

Xe tăng
Biển số
OF-87118
Ngày cấp bằng
1/3/11
Số km
1,547
Động cơ
420,174 Mã lực
Nơi ở
Hoang Mai
Cảm ơn mợ Alice nhá! Có cái gì mà không hiểu thì nhà cháu sẽ lên đây hỏi mợ (nhà cháu đã oánh dấu rồi đấy). Ma hôm nào rỗi ấy, mợ đi qua vùng Nghệ An quê nhà cháu làm bài nhá, cháu nói thật là nhà cháu dân ta nhưng chưa biết sử ta lắm đâu, híc!:5:
 

filmonline

Xe điện
Biển số
OF-78080
Ngày cấp bằng
17/11/10
Số km
2,162
Động cơ
438,148 Mã lực
Nơi ở
Hà Nội
Đánh dấu thớt của mợ cái.
 

Vinh Nguyễn

Xe điện
Biển số
OF-19485
Ngày cấp bằng
4/8/08
Số km
3,230
Động cơ
533,410 Mã lực
“Qua” và “bậu” là từ miền Nam, ngày nay ít được dùng nhưng cách đây khoảng chừng nửa thế kỷ thì vẫn còn rất thông dụng.

Qua là đại từ, ngôi thứ nhất. Nếu dùng riêng rẽ thì có nghĩa là tôi, ta, thường dùng khi người lớn tuổi xưng hô với người nhỏ tuổi hơn.

Người dân miền Nam có câu nói vui rằng: "Hôm qua qua nói qua qua mà qua không qua, hôm nay qua không nói qua qua mà qua qua".

Nếu “qua” mà dùng chung với “bậu” thì “qua” mang nghĩa là anh, là cách xưng hô của chồng với vợ hoặc của người con trai xưng với người yêu. “Bậu” ở đây cũng là đại từ, ngôi thứ hai, nghĩa là người vợ hay người yêu hay người con gái gọi một cách thân mật.

Gốc của từ “qua” là do chữ “wá”, đọc theo giọng Triều Châu (Trung Quốc), có nghĩa là “ngã”, tức là “tôi”, còn “bậu” có thể là cũng do âm Triều Châu từ chữ “pấu”, có nghĩa là “vợ”, sau thêm nghĩa là “em”, là “nàng”.

Một vài câu ca dao tiêu biểu như:

Canh chầy tơ tưởng tưởng tơ

Chiêm bao thấy bậu dậy rờ chiếu không.


Ví dầu tình bậu muốn thôi

Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra.


Đờn cò lên trục kêu vang

Qua còn thương bậu, bậu khoan có chồng.


Ghe tui tới chỗ cắm sào

Nghe bậu có chốn muốn nhào xuống sông.


Muốn cho nhơn nghĩa đạo đồng

Qua đây thương bậu hơn chồng bậu thương.


Ở miền Nam thời kỳ khẩn hoang, có một luồng người Hoa di cư xuống vùng miền Tây Nam Bộ, trong đó chủ yếu là người vùng Triều Châu. Họ sống tập trung nhiều ở vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hà Tiên, đặc biệt ở vùng Bạc Liêu. Có câu ca dao rằng:

Bạc Liêu là xứ quê mùa
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu.

Do vậy trong ngôn ngữ Nam Bộ, cũng ảnh hưởng nhiều của ngôn ngữ Triều Châu, chẳng hạn như: món bánh “pía” ở Sóc Trăng, “hia” có nghĩa là “anh trai”, “chế” có nghĩa là “chị gái” trong tiếng Triều Châu.

Ngày nay theo sự hiện đại hóa của ngôn ngữ và sự phổ cập của ngôn ngữ phổ thông, những danh xưng như vậy dần dần mất đi và chỉ còn thấy ở thế hệ những người lớn tuổi ở miền Tây.
Cảm ơn nhiều lắm vì em hiểu những lời Mợ nói, nhưng em ko thể giải thích như Mợ (vì em cũng là người Nam, nhưng kiếm gạo ở đất Bắc)
 
Chỉnh sửa bởi quản trị viên:

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Anh có thương em thì thương cho chắc


(Post bài vui vui này để tặng những người bạn hay hỏi mình.

Viết để trả lời câu hỏi của một bạn: Thương và yêu khác nhau như thế nào trong ngôn ngữ Nam Bộ?)

Đọc trước vài câu ca dao của đất Nam Bộ nói về tình yêu đã nhé:

Câu này độc đáo ở chỗ dùng chữ “trúc trắc trục trặc”, nghe là thấy chông gai trắc trở rồi.

Anh có thương em thì thương cho chắc
Bằng như trúc trắc thì trục trặc cho luôn.
Đừng như thỏ đứng đầu truông
Khi vui nó giỡn bóng, khi buồn nó giỡn trăng.

Câu này thì rặt tính cách Nam Bộ, ngang tàng mà chất phác, thiệt thà, có chút thậm xưng trong cách nói. Ngoài đời thường có chàng trai vì thất tình cô gái mà nỡ lòng nào ném đá bà mẹ nàng không nhỉ?

Tui đi ngang qua nhà má
Tay tui xá, chân tui quỳ
Lòng thương con má sá gì thân tui
Tui đi ngang qua nhà má
Tay tui cầm cục đá
Chọi má bể đầu
Ai xui con má gieo sầu cho tui.

Người Nam Bộ không ngần ngại nói cường điệu lên, miễn sao bộc lộ được hết nỗi lòng của mình.

Anh thương em
Thương lún thương lụn
Thương lụt da óc
Thương tróc da đầu
Ngủ quên thì nhớ
Thức dậy thì thương.

Và cũng có khi hóm hỉnh:

Thương em nên mới đi đêm
Té xuống bờ ruộng đất mềm hổng đau
May đất mềm nên mới hổng đau
Phải mà đất cứng ắt xa nhau phen này.

Khi thật dịu dàng:

Nước chảy liu riu, lục bình trôi líu ríu
Anh thấy em nhỏ xíu anh thương.

Khi bộc trực:

Con cua kình càng bò ngang đám bí
Thấy chị Hai mày, tao để ý tao thương.

Và thẳng thắn nhưng đượm vẻ chua xót:


Rau răm đất cứng dễ bứng khó trồng
Dẫu thương cho lắm cũng chồng người ta.


Trong tiếng Nam Bộ thời xưa, thương tức là yêu. Mà thương còn có nghĩa rộng hơn cả yêu. Nghe chữ thương thấy có cả nghĩa, cả tình đằm thắm trong đó. Còn yêu thì… chưa chắc. Miền Bắc thì phân biệt thương và yêu rất rõ ràng. Tình thương khác với tình yêu. Cô gái miền Bắc nói: Em thương anh, thì coi chừng bị hiểu là thương hại anh, hay thương cảm cho anh. Nhưng miền Nam thì không phải thế. Nói em thương anh có nghĩa là em yêu anh đó. Người miền Nam không sử dụng từ YÊU. Đọc ca dao Nam Bộ thấy vắng bóng từ YÊU, mà chỉ thấy từ THƯƠNG.

Hồi nhỏ mình sống ở miền Tây, nghe bạn bè nói chuyện: Chúng nó thương nhau, có nghĩa là chúng nó yêu nhau. Hay nói : Tao thương con nhỏ đó, hiểu theo kiểu miền Bắc tức là: Tôi yêu cô ấy.

Về sau này, khoảng 20 năm trở lại đây, ngôn ngữ vùng miền có sự giao lưu, tiếp xúc ngôn ngữ dẫn đến sự pha trộn nhiều hơn, cho nên bây giờ ở miền Nam cũng rất phổ biến từ YÊU, nhất là ở lớp trẻ. Nhưng nhiều người vẫn còn sử dụng từ THƯƠNG.

Mình tự cho mình là dân miền Nam, và quả thật thấy từ THƯƠNG ngọt ngào, tình nghĩa hơn hẳn từ YÊU.

Ca dao Nam Bộ nói lên tính cách người Nam Bộ. Không trau chuốt câu chữ, không hài hòa nhịp vần, không bóng bẩy, hào hoa kiểu Bắc, mà đọc lên vẫn thấy êm tai bởi cái tình sâu đậm, bởi sự hồn nhiên, thiệt thà trong đó. Ngôn từ nhiều khi phá cách, không theo vần luật, giống như tính cách ngang tàng của người Nam Bộ.

Và người Nam Bộ có từ này để khen người con gái: dễ thương. Từ đó có câu: Dễ thương mà thương hổng dễ.


 
Chỉnh sửa cuối:

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Cảm ơn mợ Alice nhá! Có cái gì mà không hiểu thì nhà cháu sẽ lên đây hỏi mợ (nhà cháu đã oánh dấu rồi đấy). Ma hôm nào rỗi ấy, mợ đi qua vùng Nghệ An quê nhà cháu làm bài nhá, cháu nói thật là nhà cháu dân ta nhưng chưa biết sử ta lắm đâu, híc!:5:
Mình đi qua vùng đất Nghệ An rồi, từng đi dọc sông Lam (ở Hà Tĩnh thì gọi là sông La), dừng chân ở thành phố Vinh, thăm Nam Đàn, đi Cửa Lò và một số nơi khác. Rất ấn tượng với vùng đất này và nhất định sẽ viết về Nghệ An bạn à.
 

Truongsonnam_37

Xe tăng
Biển số
OF-87118
Ngày cấp bằng
1/3/11
Số km
1,547
Động cơ
420,174 Mã lực
Nơi ở
Hoang Mai
Mình đi qua vùng đất Nghệ An rồi, từng đi dọc sông Lam (ở Hà Tĩnh thì gọi là sông La), dừng chân ở thành phố Vinh, thăm Nam Đàn, đi Cửa Lò và một số nơi khác. Rất ấn tượng với vùng đất này và nhất định sẽ viết về Nghệ An bạn à.
Híc, thế à! Nhờ mợ viết thêm về cái đo đỏ đấy nhá, nhà cháu ở đó mà!;))
 

Truongsonnam_37

Xe tăng
Biển số
OF-87118
Ngày cấp bằng
1/3/11
Số km
1,547
Động cơ
420,174 Mã lực
Nơi ở
Hoang Mai
À, mà ở quê nhà cháu có câu sấm của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hay lắm đấy mợ à!
 

Thái Phượt

Xe tăng
Biển số
OF-109945
Ngày cấp bằng
22/8/11
Số km
1,492
Động cơ
405,649 Mã lực
T vừa đọc đoạn " Trúc trắc ,trục trặc " thấy ngờ rằng cái này là Ví,Dặm nghệ tĩnh chứ hổng phải dân ca Nam Bộ.Mình từng nghe đài FM hát ví nghệ tĩnh thế này " Anh có thương thì thương cho chắc ,Còn trục trặc thì trục trặc cho luôn,Đừng như con khỉ ở ngoài truông,Khi vui( thì) nó đến,khi buồn( thì) nó dông.Mà hình như Nam Bộ ko có " Truông" ,truông chỉ có ở miền Trung : " Chiều chiều én liệng truông Mây,cảm thương chàng Lía bị vây trong thành" và " thương em anh cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang. Đây chỉ là "Khảo Dị" trao đổi cho vui thôi bạn Alice nhé.T tôi tặng bạn 2 từ "Bậu" nữa: " Chim chuyền nhành ớt líu lo,Sầu riêng nhớ Bậu ốm o gầy mòn" " Thò tay mà ngắt ngọn ngò, Thương Bậu đứt ruột giả đò ngó lơ"...Chào quí mến và trân trọng
 

Alice

Xe tải
Biển số
OF-52578
Ngày cấp bằng
10/12/09
Số km
247
Động cơ
455,370 Mã lực
Bạn Thái Phượt thân,

Hồi xưa Alice cũng cho rằng câu ca dao đó của miền Trung, nhưng sau lại đọc được trong cuốn "Ca dao Nam Bộ". Có nhà nghiên cứu văn học dân gian cho rằng nguyên gốc câu ca dao đó là ở miền Trung, sau theo dòng người di cư vào Nam và có thay đổi đi chút ít.

Cuốn sách "Có 500 năm như thế - Bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử" của tác giả Hồ Trung Tú thậm chí còn đi xa hơn, cho rằng giọng nói Nam Bộ và phương ngữ Nam Bộ là bắt nguồn từ tiếng Quảng Nam. :P

Trong ngôn ngữ Nam Bộ cũng có nhiều từ tưởng chừng là phương ngữ nhưng bắt nguồn từ tiếng Hoa (hên xui, cắc, tiệm, lẩu, hủ tiếu...), tiếng Khmer (thốt nốt, cà na, cà ràng...)

Tóm lại, ngôn ngữ miền Nam là sự pha trộn và biến đổi ngôn ngữ của nhiều vùng miền và nhiều dân tộc.



 
Thông tin thớt
Đang tải
Top